CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY CỦA MỘT TÊN LƯỜI KHÔNG THIẾT SỐNG

Edit: Ryal

Khương Ngộ là đồ lười, hầu như ai từng tiếp xúc với y cũng không phủ nhận điều ấy.

Ngày y còn bé tí, có lần cô giáo đã hỏi cả lớp về ước mơ.

Có đứa trả lời rằng muốn làm phi hành gia, có đứa trả lời rằng muốn làm nhà khoa học, có đứa trả lời rằng muốn làm vận động viên, còn có đứa nói muốn kiếm được thật nhiều thật nhiều tiền để mua một lượng sô cô la mình ăn mãi chẳng hết.

Những ước mơ non nớt ấy luôn khiến người lớn phải mỉm cười.

Lần đầu tiên được hỏi về ước mơ, Khương Ngộ suy nghĩ thật lâu rồi đáp: Không có, chưa nghĩ ra.

Cô giáo cố hướng dẫn y: "Vậy con hãy nghĩ xem sau này con muốn làm gì nhất?".

Khương Ngộ: "Ngủ".

Cô giáo lại hỏi: "Trừ ngủ ra thì sao?".

"Vẫn là ngủ".

Lũ trẻ trong lớp cười rúc rích, cô giáo cũng không nhịn nổi cười: "Ai cũng muốn làm điều có ích cho xã hội, sao con lại chỉ muốn ngủ thế này".

Khương Ngộ: ".".

"Cứ ngủ mãi thì con định kiếm sống thế nào đây?".

"Cứ ngủ mãi thì không cần kiếm sống".

"Bé Ngộ à, con nghĩ thế là không được đâu. Con người không thể ngủ mãi được".

Khương Ngộ thở dài, tỏ vẻ tiếc nuối như ông cụ non: "Vậy thì để con nghĩ đã".

Sau này đám trẻ lớn lên, ước mơ của nhiều đứa cũng thay đổi. Đứa muốn làm phi hành gia giờ bắt đầu muốn trở thành minh tinh, đứa muốn làm vận động viên bắt đầu muốn học nhạc, đứa muốn làm nhà khoa học bắt đầu cầm bút vẽ vào những giờ ra chơi.

Bất kể ra sao, suốt thời tiểu học ấy, ai cũng có thể viết được một bài văn với đề tài "Ước mơ của em" có thể khiến giáo viên hài lòng.

Chỉ có Khương Ngộ vẫn mười năm như một: Không có, chưa nghĩ ra.

Ân Vô Chấp vẫn còn nhớ rõ bài văn hồi ấy của y: "Ước mơ của em".

Vì bài văn quá đáng kinh ngạc nên giáo viên thậm chí còn trả vở về, bảo Khương Ngộ đọc cho cả lớp nghe.

Y chầm chậm đứng lên, cúi đầu nhìn bài văn của mình, đọc: "Ước mơ của em".

Cả lớp đều đang chờ đợi, Ân Vô Chấp nhìn y.

Sau đó giáo viên mỉm cười: "Hay quá, mọi người vỗ tay đi nào".

Trong tiếng vỗ tay rào rào, Ân Vô Chấp ngó nhìn bài làm của Khương Ngộ.

Nhóc phát hiện chỉ có đúng bốn chữ đề bài đó thôi.

Giáo viên lại mỉm cười: "Em xấu hổ sao, Khương Ngộ?".

Khương Ngộ ngớ ra: "?".

Cuối cùng giáo viên cũng nổi giận: "Tôi bảo em viết về ước mơ của em, em viết được mỗi cái đề bài là thế nào? Chẳng lẽ ước mơ của em đáng xấu hổ đến thế?".

Khương Ngộ sửa lại: "Không có mà".

Y nói: "Cô đọc là biết, không có".

Sau đó giáo viên bắt y viết lại, không được ít hơn ba trăm chữ.

Khương Ngộ trước giờ vẫn thường ngậm bồ hòn làm ngọt, nhịn được bao nhiêu thì nhịn, ngay tiết ngữ văn hôm sau đã bị giáo viên yêu cầu đọc bài làm lại của mình.

Khương Ngộ ngoan ngoãn đọc: "Ước mơ của em".

"Ước mơ của em là ngủ. Em ước em được ngủ mãi mãi, ngủ mãi mãi nghĩa là sao? Tức là an nghỉ, yên giấc nghìn thu".

"Em biết nghe có vẻ không hay cho lắm, nhưng với em thì an nghỉ là kết cục tốt nhất".

Y dừng lại khoảng ba mươi giây.

"Nhưng mà cô giáo nói còn sống thì không thể an nghỉ được. Vì cha mẹ và người thân của em, vì những điều em đã từng hứa hẹn, em không thể chết và cũng không được an nghỉ".

Y lại dừng ba mươi giây.

Giáo viên đã khoanh tay cười lạnh.

"Vậy nên ước mơ của em chỉ là mộng tưởng thôi, nghĩa là mơ mộng ấy, có lẽ cũng có thể gọi là mơ mộng hão huyền".

Trong lớp bắt đầu có tiếng cười.

Khương Ngộ thờ ơ đọc: "Hôm nay, để viết bài văn này, để đạt đến yêu cầu ba trăm chữ của cô giáo, em vắt óc nghĩ ngợi, phải lùi một bước để ước cái khác thôi. Em quyết định thay đổi ước mơ của em, từ nay về sau em ước được ăn ngủ chờ chết".

Tiếng cười dần rộn rã.

"Mỏi tay ghê. Lúc học hay lúc nói em đều thấy mệt, em muốn nghỉ ngơi một lúc, mong mọi người cho em xin hai phút".

Y ngồi xuống nghỉ hai phút giữa những tràng cười.

Rồi lại đứng lên lần nữa.

"Hồi đi nhà trẻ, cô giáo từng nói rằng ai cũng muốn làm điều có ích cho xã hội".

"Nhưng em thì không".

Y tuyên bố: "Em muốn làm xã hội".

Ân Vô Chấp vẫn còn nhớ rõ điệu cười lạnh như băng của giáo viên ngữ văn hôm ấy: "Ước mơ của em vĩ đại quá nhỉ. Khương Ngộ, tôi thực sự đã coi thường em rồi".

Khương Ngộ: ".".

Có đứa bảo Khương Ngộ: "Ha ha ha ha mọi người ai cũng muốn làm điều có ích cho xã hội, cậu đòi làm xã hội để mọi người vây quanh cậu hay sao, sao cậu không đi làm Hoàng đế luôn đi?".

Khương Ngộ đối xử với chúng sinh rất bình đẳng: ".".

Đến tận bây giờ, ước mơ của Ân Vô Chấp đã thay đổi mấy lần, nhưng Khương Ngộ thì vẫn kiên trì với điều ước đó.

Y nói không sai.

Ở nhà họ Khương, trừ tài xế, quản gia và bảo mẫu thì vẫn còn vài giúp việc.

Có người bảo ban đầu không có, nhưng nhờ sự kiên trì ngày ngày của Khương Ngộ mà họ được thuê.

Mỗi khi về nhà, chỉ cần y muốn thì sẽ có người cõng y lên tận phòng bất cứ lúc nào, đôi khi còn là ba y tự cõng con trai lên nữa.

Ân Vô Chấp không thể không đặt câu hỏi: Sao cha mẹ Khương phải nuông chiều Khương Ngộ đến thế?

Thường Cẩm Văn thở dài: "Bởi A Ngộ từng tâm sự với chú dì".

Tâm sự cái gì?

Đại loại là bậc làm cha làm mẹ ai cũng ủng hộ ước mơ của con mình, sao cha mẹ không ủng hộ ước mơ của con.

Đợt tâm sự đó kéo dài hai tháng.

Khi ấy Khương Ngộ vẫn còn rất nhỏ, nhưng cũng rất kiên trì vì ước mơ của mình.

Nói mệt thì đi ngủ, dậy rồi lại nói tiếp, cứ lặp đi lặp lại, cuối cùng y cũng thuyết phục được cha Khương và mẹ Khương.

Tuy nghe viển vông thật đấy.

Trong mắt Ân Vô Chấp, Khương Ngộ đã bị chiều hư rồi.

Nhưng thế thì sao.

Trong tình huống hiện tại, đúng là Khương Ngộ không cần cậu.

Với Khương Ngộ cậu là đồ vô dụng.

Ân Vô Chấp thấy mình đúng là dở hơi, nhưng vẫn mở miệng: "Thế bài tập hôm nay của cậu thì sao?".

Khương Ngộ chưa kịp đáp, cậu đã nói tiếp: "Cậu lại định gọi người à, phải há miệng, thậm chí còn tự tay bấm điện thoại nữa, cậu chắc chắn không cần tôi giúp chứ?".

Dứt lời, cậu thấy mình cũng rõ viển vông.

Chỉ là mấy chuyện cỏn con như há miệng và động tay thôi, thế mà cũng đòi thuyết phục Khương Ngộ hay sao?

Nhưng Khương Ngộ lại chăm chú nghĩ ngợi.

Y bất đắc dĩ nói: "Được rồi".

... Giọng điệu của y rõ ràng rất miễn cưỡng!

Cậu mới là người miễn cưỡng chứ?!

Ân Vô Chấp sầm mặt ngồi trước bàn học, lấy cuốn sách bài tập chưa được hoàn thành ra khỏi cặp Khương Ngộ.

Cậu cầm bút, mở sách, bắt đầu viết.

Từng nét bút bình tĩnh như có thần.

Ân Vô Chấp nắn nót viết xong xuôi, ngồi nhìn hai cuốn sách bài tập với nét chữ hơi khác.

Cậu hoang mang, sao mình giúp Khương Ngộ làm bài tập mà quen tay thế, lại còn mô phỏng theo nét chữ của cậu ta như phản xạ có điều kiện nữa chứ.

Lẽ ra bây giờ cậu phải thấy bực bội, nhưng dường như cậu đã làm những chuyện tương tự vô số lần.

Ân Vô Chấp gập sách bài tập của Khương Ngộ lại rồi bỏ vào cặp, quay ra đã thấy y đang nằm ngủ, bèn đi qua, tiện tay lật y lại.

Cậu nhìn hai tay mình, vẻ mặt dần trở nên nghiêm túc.

Sáng hôm sau hai đứa đi chung xe tới trường, Ân Vô Chấp im lặng đến kì lạ.

Khương Ngộ không biết cậu nghĩ gì mà cũng lười không muốn đoán. Tới nơi, Ân Vô Chấp xuống xe trước.

Chú tài xế mở cửa xe giúp Khương Ngộ, bế y xuống rồi hỏi: "Có cần chú cõng vào cổng không?".

Ân Vô Chấp thậm chí đã nghe những câu hỏi tương tự phát ra từ miệng cha mẹ mình. Ngày trước, cứ mỗi lần thấy Khương Ngộ là ba cậu lại hỏi: "Bác bế con nhé? Bác cõng con nhé? Con muốn hái hoa không? Hay bác với con chơi trò bay cao cao nhé?".

Ân Vô Chấp còn chưa thấy ông hiền từ với mình như thế bao giờ.

Bình thường nhất định cậu sẽ mỉa mai vài câu, nhưng bỗng nhiên cậu sợ.

Hôm qua Khương Ngộ nói: "Không cần".

Không cần cậu.

Ân Vô Chấp biết nhất định mình bị dở hơi rồi, nhưng cậu vẫn không kìm được mà lên tiếng: "Để cháu cõng cho".

Chú tài xế nhìn cậu đầy ngạc nhiên: "A Ngộ lớn rồi, nặng hơn hồi xưa nhiều lắm đấy. Cháu cõng nổi không?"..

Ân Vô Chấp không tin nổi: "Cháu lớn hơn cậu ta mà".

Khương Ngộ nhìn cậu.

Ân Vô Chấp bị nhìn thì cúi đầu, rồi chẳng hiểu do đâu mà nhìn lại: "Nhìn cái gì mà nhìn, có phải tôi chưa cõng cậu bao giờ đâu".

Khương Ngộ: "Tôi muốn tự đi".

Ân Vô Chấp bất mãn.

Đồ lười làm sao thế này, cậu không chê y mà y đã bắt đầu chê cậu rồi.

Cậu bước sang: "Để tôi cõng cậu".

Khương Ngộ lặp lại: "Tôi muốn tự đi".

Đúng là y có hơi chê Ân Vô Chấp đấy, nhưng bây giờ không phải lúc y cố tình gây sự với cậu.

Lúc trước mới làm người y thấy cơ thể rất nặng nề nên không muốn cử động, bây giờ là lần thứ hai làm người rồi, có kí ức của kiếp trước, thi thoảng cũng muốn động tay động chân.

Nhưng Ân Vô Chấp bước tới trước mặt y.

Cậu đã cao lắm rồi, cao tới nỗi Tang Phê bắt đầu lại từ con số không phải ngước mặt lên. Ân Vô Chấp nhận lấy cặp y từ tay tài xế, cúi đầu nhìn xuống, uy hiếp: "Không cho cõng thì tôi bế cậu".

Khương Ngộ bị cậu ép nằm trên lưng.

Ân Vô Chấp hài lòng vì ép được y phải làm chuyện y không muốn làm, vừa cõng Khương Ngộ vào trường vừa hỏi: "Cậu thấy tôi phiền lắm đúng không?".

Khương Ngộ ngẫm nghĩ rồi đáp: "Hơi hơi".

Ân Vô Chấp lại càng thỏa mãn, hăng hái xốc y lên: "Từ nay ngày nào tôi cũng cõng cậu, ngày nào cũng làm bài tập cho cậu, ngày nào cũng mua cơm rồi đút cậu ăn, cho đống tiền cậu phung phí kia đổ sông đổ bể luôn!".

Khương Ngộ: ".".

Ân Vô Chấp cõng y lên cầu thang.

Trên tầng, ba nam sinh nhìn cảnh tượng ấy với gương mặt lạnh tanh. B nói: "Hình như Khương Ngộ không cần chúng ta nữa rồi".

C: "Dám cướp mối của anh em mình".

A: "Không thể chấp nhận được, hẹn cậu ta ra gặp sau giờ học đi".

B: "Nhưng không được làm bạn Khương Ngộ sợ".

"Chắc chắn rồi".

Đúng là Khương Ngộ không cần họ nữa. Tới trưa Ân Vô Chấp lại ép cõng y đến kí túc xá, nhờ người khác cầm hộp đựng cơm mình mang theo ra căng tin lấy hộ, đút y ăn ngay tại kí túc xá.

Buổi chiều tan học, hai đứa lại ngồi chung xe về nhà.

Ân Vô Chấp cũng đâu có ngốc, cậu đã phát hiện mình bị theo dõi mấy ngày nay. Hôm ấy cậu thả Khương Ngộ trong phòng y rồi hỏi: "Mấy đứa bạn của cậu định đánh tôi phải không?".

Khương Ngộ: "Thế à".

"Dạo này chúng nó nhìn tôi với ánh mắt lạ lắm". Ân Vô Chấp ngồi trên giường, một tay khoác vai y. "Cậu thử hỏi chúng nó xem".

Mấy hôm nay thái độ của Khương Ngộ với cậu đã ổn hơn đôi chút, y đáp: "Hỏi thế nào".

"Mấy cậu không có nhóm chat à?".

Khương Ngộ: ".".

Ân Vô Chấp nói: "Nếu cậu lười thì để tôi thăm dò cho".

Khương Ngộ: ".".

Ân Vô Chấp nhìn y, dần ngơ ngác: "Sao thế, sao lại dỗi rồi?".

Khương Ngộ: ".".

Ân Vô Chấp nhéo mặt y.

Khương Ngộ ủ rũ nói: "Tôi nghĩ họ sẽ không đánh cậu".

"Nếu không thì". Y đề nghị. "Mai tan học cậu về một mình thử xem, nếu bị đánh...".

Ân Vô Chấp chờ mong.

"Nghĩa là tôi sai".

"...". Cái mặt kia rõ ràng muốn nói: Ân Vô Chấp có bị đánh cũng là lỗi của Ân Vô Chấp.

Ân Vô Chấp không hiểu tại sao y đột ngột thay đổi.

Cậu vừa làm bài tập cho Khương Ngộ, vừa thắc mắc không ngừng.

Hình như là tại câu hỏi "Mấy cậu không có nhóm chat à?" của cậu.

Bắt đầu từ câu này là thấy sai sai.

Rốt cuộc sai ở chỗ nào?

Cậu chống cằm, đẩy con lật đật tròn xoe trên bàn Khương Ngộ.

Sau đó muộn màng hiểu ra.

Nét mặt Khương Ngộ khi ấy là đang trách móc.

Sao cậu không hiểu tôi.

Lập nhóm chat làm gì.

Nhắn tin tâm sự à.

Phải cử động ngón tay, chẳng lẽ tôi không mệt hay sao.

Cậu còn hỏi nữa.

Còn hỏi nữa.

Cậu thử nói xem tôi làm sao.

Tức chết đi được.

Công kích bằng lời u oán. Xuất chiêu.

Ân Vô Chấp: "...".

Bàn tay đang đẩy con lật đật bỗng rụt về.

Cậu điên rồi sao. Sao có thể đọc được nhiều thông tin đến vậy trên gương mặt không hề dao động kia!

Thậm chí còn có cảm giác mình giải mã rất chuẩn nữa.

Bình luận

Truyện đang đọc