VÀ CẬU BƯỚC ĐẾN

Edit: Sa Lúc Thi Âm thử đứng thẳng mà không cần dựa vào cây cột thì nhìn thấy em trai mình đi ra khỏi cổng trường.

Cậu mặc bộ đồng phục màu xanh, đeo cặp sách nghiêm chỉnh, trừ cô bé cứ lẽo đẽo bám theo sau thì còn lại đều hết sức bình thường.

Ưmmm… Thật ra vẫn hơi gây sự chú ý một tí.

“Tại sao không được?”

“Không tại sao cả.”

“Cái gì là không tại sao cả?”

“Nghĩa là không muốn.”

“Nhưng cậu là thành viên của lớp, huống chi ai cũng muốn làm hoàng tử, sao cậu lại không muốn?”

“Nếu ai cũng muốn thì sao cậu cứ lãng phí thời gian với tớ thế.”

“Nhưng chỉ có cậu phù hợp với vai hoàng tử thôi. Nếu cậu không tham gia, vở kịch sẽ mất hay hơn rất nhiều.”

“Vở kịch hay hay dở là vấn đề do cậu giải quyết, đừng đổ lên đầu tớ.”

“Nên bây giờ tớ đang giải quyết nè.”



Thi Âm hứng thú nhìn hai cô cậu nhóc dùng dằng, cho đến khi em trai cô huơ tay trước mặt cô.

“Chào mấy đứa.”

“Đây là?”

“Chị là chị của Thi Ngạn. Chắc em là bạn học của Thi Ngạn, chào em.”

“Chào chị ạ.” Gương mặt đầy cảnh giác của cô bé bỗng chốc hóa thành nụ cười tươi tắn, giọng nói ngọt ngào: “Em là Điền Ngư, ngồi cùng bàn với Thi Ngạn ạ. Gen nhà chị tốt thật đấy, chị còn đẹp hơn cả Thi Ngạn nữa.”

“Cảm ơn em, em cũng xinh lắm.”

Thi Ngạn không nghe nổi hai cô gái tự khen nhau nữa, cậu cất tiếng, giọng lạnh nhạt: “Chị, về thôi.”

“Này này, đợi đã.” Cô bạn cùng bạn Điền Ngư quýnh quáng, vội vã kéo cánh tay cậu: “Chúng ta còn chưa nói xong chuyện vở kịch mà.”

“Có nói một vạn lần tớ cũng không tham gia.”

“Nhưng mà… Nhưng mà cả cấp hai chỉ có một lần biểu diễn văn nghệ thôi, sau này không có nữa đâu, cậu không thấy tiếc nuối à.” Cô bé bất lực đến độ xoay đầu tìm kiếm cứu viện: “Chị ơi, chị thấy đúng không?”

“À, tuy chị cũng nghĩ nó không tham gia thì tiếc thật nhưng nếu nhân vật không phải là hoàng tử băng giá thì em mà bảo Thi Ngạn diễn, chín mươi phần trăm người tiếc nuối sẽ là bọn em.”

“Dạ?” Câu trả lời nằm ngoài dự tính. Điền Ngư luôn cho rằng phụ huynh của mọt sách sẽ ủng hộ con em mình tham gia các hoạt động vui chơi giải trí nhưng không ngờ Thi Âm lại hoàn toàn trái ngược, “Nhưng mà… nhưng…”

Nhưng nhị hồi lâu, cuối cùng vẫn không đưa ra được lý do thuyết phục vì quả thật thuộc tính “mặt liệt” của Thi Ngạn vang danh toàn trường. Cô bé bất lực nhìn chị Thi Ngạn vừa khoác vai Thi Ngạn vừa tập tễnh bước đi, đột nhiên có cảm giác như đưa đám. Gen tương khắc là có thật, cô bé không làm gì được Thi Ngạn thì chắc chắn cũng không làm gì được chị của Thi Ngạn, thậm chí so với việc Thi Ngạn lạnh lùng từ chối thương lượng, chị gái cậu ấy mỉm cười dịu dàng từ chối càng khiến cô bé không thể tìm được điểm công phá.

Chẳng qua đó là vì cô bé Điền Ngư không biết nguyên tắc dạy dỗ mà chị Thi Âm luôn tuân theo là: Ở trước mặt bạn bè thì cười như gió xuân, ở nơi riêng tư lại cười như gió đông.

“Sao em không tham gia diễn kịch?” Nữ sinh đóng cửa xe taxi, cười khẽ: “Đừng nói là không tự tin với diễn xuất của mình nhé. Tự ti à?”

Thi Ngạn ôm hai cái cặp sách, từ chối trả lời vấn đề vô căn cứ này.

“Chậc chậc, Thi Ngạn à, em dở quá đó. Phải can đảm lên, cứ nghênh đón khó khăn chứ ai đời lại lùi bước hèn nhát thế chứ.”

“Em không lùi bước. Em chỉ là không muốn diễn mà thôi.”

“Tại sao? Hồi em học mẫu giáo, chỉ diễn vai con thỏ thôi mà cũng háo hức khoe chị tận ba ngày đó.”

“Chị, chị đừng nhắc những chuyện quá khứ nữa được không? Trẻ con lắm.”

“Ồ, lớn rồi, bây giờ đủ lông đủ cánh rồi thì chê chị càm ràm, trẻ con. Không biết ai hồi nhỏ cứ bám lấy chị đòi chị kể truyện Cừu vui vẻ và Sói Xám ấy nhỉ?”

“Chị!”

“Biết rồi biết rồi, chị không nói nữa là được chứ gì.” Thi Âm khoát tay, “Cơ mà cô bé hồi nãy dễ thương ghê, tên là Điền Ngư đúng không? Là Điền trong đất đai, Ngư trong cá mập hả?”

“Ừm. Em phát hiện chị dễ tính ghê, đến cậu ta mà chị cũng khen dễ thương được.”

“Đó là do em khắt khe quá thôi, đừng nhìn ai cũng lấy chị ra làm tiêu chuẩn nữa, nếu cứ như vậy thì trên đời này làm gì có cô gái nào tốt chứ.”



Cũng như cậu em núi băng chỉ nói nhiều với chị gái mình, chỉ khi trước mặt thằng em trai thối tha, Thi Âm mới để lộ bản chất tự luyến.

Có điều em trai thối tha lựa chọn tự động phớt lờ bản tính tự luyến của chị gái, nói lảng sang chuyện khác:

“Mà nè, chân chị sao thế? Hôm qua chị nói với em chỉ bị thương ở tay thôi mà, sao bỗng dưng trở nên nghiêm trọng thế này?”

“À, không nghiêm trọng chút nào đâu, hồi sáng chạy ba ngàn mét bất cẩn bị va trúng.”

“Cái gì? Ba ngàn mét? Chị quấn băng chạy ba ngàn mét? Chị điên hả?”

“Ui dào, yên tâm đi, chạy xong là đến phòng y tế xử lý vết thương luôn rồi, chị bác sĩ nói chưa tới một tuần là lành hẳn ấy mà… Cơ mà nghĩ cũng lạ, tụi mình sống chung một nhà từ nhỏ tới lớn mà sao em phát âm giọng mũi chuẩn thế?”

“Chị, cách chị đánh trống lảng tệ thật đấy.”

“Rồi sao? Chẳng lẽ em thấy phát âm giọng mũi chuẩn không phải là ưu điểm à? Em tưởng đó là kỹ năng cơ bản mà người Trung Quốc nào cũng nắm vững chắc?”

“… Thì?”

“… Tóm lại, chị thấy ngôn ngữ chỉ là một phương pháp dùng để trao đổi, nghe hiểu là được, đừng nên quá xét nét phát âm làm gì.”

Thi Ngạn im lặng một chút rồi nói: “Chị nói đúng, trên thực tế em cũng nghĩ vậy. Nhưng bỗng dưng chị nói tới cái này làm gì, chúng ta đang thảo luận về thương thế của chị cơ mà?”

“Thương thế của chị không cần phải thảo luận… Á, tại em mà chị suýt quên đấy. Chú tài xế ơi, cho bọn cháu xuống đây ạ.”

Vì vậy, hai phút sau.

Thi Ngạn ngơ ngác nhìn đám trẻ con cầm kẹo bông chạy đầy công viên giải trí: “Chị, tới công viên trò chơi làm gì? Chị làm bài tập nghiên cứu xã hội gì à?”

“Không phải là bài tập của chị, là của em. Bạn em gọi điện hỏi ý chị, chị phải nghĩ suốt ba tiếng mới nghĩ ra nơi thích hợp đấy.”

“Bạn em? Bạn nào cơ? Gọi cho chị làm gì?”

“Haiz, mỗi lần nhớ tới hồi bé em nước mắt ngắn nước mắt dài ôm chân chị đòi đi thuyền hải tặc là chị lại thấy lòng mình chua xót.”

“… Chị, chị cứ ông nói gà bà nói vịt là muốn nói cái gì?”

“Chị nói gì không quan trọng, quan trọng là… ớ, bạn em tới rồi kìa.”

Thi Ngạn nhìn theo hướng tay của chị mình.

… Một nhóm người.

Một nhóm người rất quen thuộc. Tất cả đều là bạn mẫu giáo, bạn tiểu học, bạn cấp hai của cậu, mọi người đang chạy về phía này, ai cũng cầm cây kẹo bông, cảnh tượng trông rất buồn cười.

“Thi Tiểu Ngạn, phải sớm hoàn thành giấc mộng, hôm nay em chơi thỏa thuê đi, chị bị thương, vào quán cà phê nghỉ ngơi đây.”

“Ơ kìa, rốt cuộc là chuyện gì đây? Này này, chị đừng nhảy lò cò lung tung nữa, để em đỡ chị vào.”

“Thi Ngạn! Sinh! Nhật! Vui! Vẻ!”

Tay Thi Ngạn còn chưa kịp chạm vào cánh tay của chị mình thì năm, sáu cậu chàng ở phía sau đã hét toáng lên, thu hút hầu hết ánh mắt của mọi người trong công viên giải trí. Cậu cố gắng ngoảnh đầu, chỉ nhìn thấy chị mình được một cô tốt bụng dìu vào quán cà phê.

“Nè nè, tụi mày đang làm gì vậy?”

“Ngạc nhiên không ngạc nhiên không, bất ngờ không bất ngờ không? Chị Thi Âm đáng tin thật đấy, bị thương mà vẫn đưa mày đến đây đúng giờ, chừng nào mày mới tâm lý như chị mày đây?”

“Ha ha ha ha, từ lúc mười tuổi tới giờ tao không được dạo công viên ăn kẹo bông nữa. Hôm nay nhờ phúc của Thi Ngạn, đằng nào cũng là sinh nhật nó, cho dù có chơi trò vòng quay ngựa gỗ cũng không mất mặt!”

“Vòng quay ngựa gỗ gì vậy ba? Bọn mình chơi tàu lượn siêu tốc trước, tiếp đó là chơi thuyền hải tặc, sau nữa là vòng quay ánh sáng, chèo thuyền mạo hiểm các thứ. Tóm lại là tao đã đi cửa sau lấy được bảy vé VIP rồi, muốn chơi gì chơi!”

“Ế ế, phải hỏi ý Thi Ngạn trước đã, hôm nay sinh nhật nó mà.”

Rốt cuộc Thi Ngạn cũng có cơ hội để nói: “Tao nói nè, có thể giải thích cho tao biết vụ gì đây không?”

“Thôi, pass trò tàu lượn siêu tốc đi, Thi Ngạn sợ độ cao, bọn mình đi chơi thuyền hải tặc trước rồi tính tiếp.”

“Thuyền hải tặc cũng được. Tụi mày quyết định nhanh lên, gần hai giờ rưỡi rồi nè.”

“Dạ dạ dạ, đi thôi đi thôi!”



Trong quán cà phê, Thi Âm ngồi ở gần cửa sổ kính nhìn thiếu niên bị kéo đi chơi, cô nhoẻn cười.

Có một chuyện ngay chính cô cũng không thể tin nổi là từ nhỏ đến lớn, em trai cô chưa từng đến công viên giải trí. Hồi bé, mỗi khi đi ngang qua cổng công viên giải trí, thấy các bạn đồng trang lứa bên trong, cậu cứ ngoái đầu nhìn hoài, dè dặt hỏi sinh nhật năm sau cậu có thể đến đây chơi được không. Lần nào Thi Âm cũng đồng ý với cậu, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, mong ước này mãi chưa được thực hiện…

Cô cầm điện thoại chụp một tấm từ phía sau cậu, không hề chỉnh sửa mà đăng thẳng lên Wechat.

Thi Âm:

Cậu bé xuống cầu thang cũng đòi chị bế giờ đã trở thành thiếu niên ngốc nghếch giả vờ cool ngầu rồi.

Chúc mừng sinh nhật Thi Tiểu Ngạn, em mãi mãi là đứa em trai chính trực, kiên cường, dũng cảm nhất trong lòng chị. Mãi là đứa em thân yêu nhất của chị.

Cô chặn dượng Hà và họ hàng phía ông ta xem bài viết nhưng lại không chặn mẹ mình.

Thi Âm biết nếu mình mạnh mẽ hơn thì nên không chặn cả dượng Hà để cho ông ta biết: Trong lòng cô, thằng con cưng Uy Uy của ông ta và mẹ cô mãi mãi không sánh bằng Thi Ngạn. Nhưng để tránh một cuộc cãi vã vô nghĩa khiến Thi Ngạn bị hiểu lầm, cô đành tiếp tục nhẫn nhịn.

Khoảng hơn năm phút sau đã có mười mấy bình luận của bạn bè và họ hàng, ai cũng chúc mừng sinh nhật Thi Ngạn. Trong đó có một bình luận vô cùng lạc quẻ, là của mẹ cô. Không có “Chúc mừng sinh nhật”, không có hình bánh kem và biểu tượng vui vẻ, chỉ là một câu như đang làm hòa sau cuộc cãi vã:

Chân bị thương thì đi lại ít thôi, buổi tối nhà mình nấu cua, mấy đứa nhớ về sớm.

… Nhưng giữa một hàng bình luận chúc mừng sinh nhật, nó chẳng khác nào phá hư đội hình. Trông hơi ngứa mắt.

Nữ sinh lẳng lặng nhìn bình luận này suốt mười mấy giây, cuối cùng ngay cả bản thân cũng không biết vì sao mà thẳng tay xóa nó đi. Thoắt cái, tâm trạng sảng khoái hơn rất nhiều.

Kể từ lúc bố qua đời, mẹ vùi đầu vào công việc để quên đi nỗi đau, sau đó nhanh chóng rơi vào bể tình, sau đó nữa tái hôn rồi có đứa con cưng… Tất cả những điều đó, Thi Âm chưa từng trách bà. Hơn nữa, ở một khía cạnh nào đó, cô còn vô cùng thông cảm cho bà, luôn đảm nhiệm nhân vật áo bông tri kỷ, ủng hộ mọi quyết định để theo đuổi hạnh phúc của bà một cách vô điều kiện. Chỉ duy nhất chuyện của Thi Ngạn, thậm chí cô còn cảm thấy hận mẹ mình.

Mẹ là giáo viên, thời gian đầu sau khi bố qua đời, để trốn tránh nỗi đau mất chồng, bà vùi mình vào sự nghiệp nhà giáo, soạn ra quyển sách được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Điều này cũng có nghĩa là bà dồn hết tâm huyết lên học trò của mình và không còn sức lực đâu để quan tâm tới con cái.

Từ lúc Thi Ngạn đi nhà trẻ lên mẫu giáo cho đến khi học lớp hai đều là do Thi Âm đưa đón sau khi cô tan học. Mỗi lần cô chạy tới, hầu như đều chỉ còn một mình cậu cô đơn đứng chờ người nhà.

Bình thường, vì bận công việc nên mẹ không có thời gian lo cơm nước cho hai chị em, toàn là Thi Âm dẫn cậu tới căn-tin của trường ăn cơm, sau đó hai chị em im lặng ngồi nhìn mẹ chấm bài cho học trò của mẹ.

Làm thủ tục nhập học, bao bìa sách vở, ký tên phụ huynh vào bài tập, làm đồ thủ công của Thi Ngạn đều do một tay Thi Âm lo liệu. Nhưng cô cũng chỉ là một đứa trẻ, có những lúc hai đứa lóng ngóng tay chân hồi lâu vẫn không làm được, sau đó bèn gọi điện nhờ dì út giúp đỡ.

Trong những năm tháng Thi Ngạn cần có mẹ nhất, trong những năm tháng bắt đầu hình thành nhận thức với thế giới, trong những năm tháng nhào nặn tính cách và đạo đức, cậu không có bố, cũng chẳng có mẹ, người duy nhất dắt cậu tập tễnh tiến về phía trước chỉ có chị cậu mà thôi, nhưng chính bản thân người chị ấy vẫn còn đang ở cái tuổi cần người lớn chăm lo.

Nếu chỉ có vậy, có lẽ Thi Âm sẽ không hận mẹ mình. Điều mà cô hận nhất là sau khi sinh Uy Uy, mẹ cô như choàng tỉnh, bắt đầu trở về với gia đình, chăm sóc con trai út từng li từng tí.

Như thế là sao chứ?

Những nỗi tủi thân mà cô chịu đựng chẳng là gì cả, dẫu sao khi gia đình gặp biến cố, cô đã “trưởng thành”, nhưng Thi Ngạn thì sao? Nó không phải là con của mẹ ư?

Vì chồng cũ qua đời, mẹ chạy vội đến với cuộc sống mới, cho nên cũng không cần đến giọt máu mà bố để lại ư? Mẹ có thể mang toàn bộ tài sản do chồng cũ dùng cả tính mạng đánh đổi để hoạch định tương lai cho riêng đứa con trai út của mẹ ư?

Được thôi.

Con người vốn cần công bằng, mong muốn cả gia đình đều trao hết tình thương cho một đứa bé là mơ mộng hão huyền.

“Nếu mẹ không xem Tiểu Ngạn là con của mẹ, vậy thì con sẽ không xem Uy Uy là em trai của con. Thái độ của mẹ đối với Tiểu Ngạn chính là thái độ mà con dành cho Uy Uy.”

“Gen của bố vượt xa gen của mẹ, con và Thi Ngạn từ nhỏ đã thông minh hơn Uy Uy nhiều. Hãy chờ xem tương lai rốt cuộc đứa con trai bảo bối mà mẹ tỉ mỉ bồi dưỡng có tương lai xán lạn hay là bọn con giỏi giang hơn. Rồi một ngày nào đó, mẹ sẽ hối hận.”

Đây là hai câu cay nghiệt mà Thi Âm từng viết trong nhật ký hồi cấp hai. Sau đó, vì không biết nên khóc hay nên cười, cô đã xé quyển nhật ký đó, nhưng những suy nghĩ ấy vẫn lởn vởn trong đầu cô.



Thi Âm tải lại trang chủ Wechat thì đã có thêm bốn bình luận, năm lượt thích. Bình luận mới nhất là của Bùi Thời Khởi, nội dung khiến cô hơi ngạc nhiên, chỉ có bảy chữ: Chúc em ấy sinh nhật vui vẻ.

Nhìn đi, ngay cả đại thiếu gia kiêu ngạo Bùi Thời Khởi vốn không quen biết Thi Ngạn cũng gửi lời chúc mừng sinh nhật tới nó, vậy tại sao mẹ mình lại vì sĩ diện mà không thèm mở miệng chúc?

Hoang đường.

Bình luận

Truyện đang đọc