CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY CỦA MỘT TÊN LƯỜI KHÔNG THIẾT SỐNG


Edit: Ryal
Trần Tử Diễm mới do dự trong một nháy mắt đã bị hôn quân nhân đó túm tay lại.
Khương Ngộ tỏ vẻ vui mừng: "Quả thật Trần ái khanh không nỡ rời khỏi trẫm".
Mặt Trần Tử Diễm đỏ rực, hắn ta thấy nhục nhã vô cùng, vội vàng rụt tay về rồi cãi lại: "Không phải thế".
Khương Ngộ nhìn hắn ta.
Trần Tử Diễm né tránh ánh mắt y, lòng đã quyết.

Đại trượng phu sao có thể do dự thế này được? Mục tiêu của Khương Ngộ là A Chấp, hắn ta ở lại đây cũng đâu ích gì, chẳng bằng thoát ra ngoài rồi bàn bạc với nhà họ Ân để mau mau cứu A Chấp thoát khỏi bàn tay hắc ám đó.
Hắn ta lùi về sau hai bước, trầm giọng: "Phụ thân bị bệnh liệt giường, thần muốn về nhà thăm viếng, mong bệ hạ ân chuẩn".
Hắn ta đã nói đến mức này rồi thì Khương Ngộ không ép uổng thêm được – y chỉ lo Ân Vô Chấp vất vả lắm mới gọi vào cung được lại chạy mất.
"Thôi được".

Y đành tiếc nuối gật đầu, vỗ một cái dưới eo Trần Tử Diễm: "Trẫm đợi ái khanh quay về".
Một động tác nhỏ nhoi ấy khiến hai kẻ sững lại.
Đúng là không có lúng túng nhất, chỉ có lúng túng hơn.

Trần Tử Diễm có mơ cũng chẳng ngờ được mình sẽ bị khinh bạc trước mặt bạn tốt thế này, khuôn mặt đỏ bừng, nhìn Khương Ngộ mà như thể muốn ăn tươi nuốt sống.
Có lẽ Ân Vô Chấp cũng không ngờ bạn tốt sẽ bị làm nhục ngay trước mặt mình, ánh mắt lập tức lạnh lẽo tựa loài rắn độc, như thể một giây sau hắn sẽ lấy cái mạng chó của Khương Ngộ ngay lập tức.
Khương Ngộ cảm nhận được sát ý mà vẫn bình tĩnh vô cùng, còn ân cần hỏi Trần Tử Diễm: "Ái khanh chưa đi à?".
Trần Tử Diễm chẳng thèm hành lễ nữa, khuôn mặt trầm xuống, phất tay ra khỏi điện Thái Cực.
Khi đã tới cửa cung hắn ta mới dừng lại, cụp mắt nhìn cái tay đã bị hôn quân đụng vào mà lòng chỉ thấy hoang đường.
"Khương Ngộ...".

Hàm răng trắng nghiến thật chặt, đuôi mắt vô thức đỏ lên.
Trần Tử Diễm đi rồi, Khương Ngộ bèn dời mắt sang người Ân Vô Chấp, nói bằng giọng thân thiết: "Lại gần trẫm nào".
Sau chuyện vừa rồi, Ân Vô Chấp đã cực kì bài xích Khương Ngộ: "Bệ hạ đã nhiều lần gọi thần tiến cung, không biết người có gì muốn chỉ dạy?".
"Trẫm bảo khanh lại đây".


Khương Ngộ nói rất chậm nhưng những người hầu xung quanh đều thấy lạnh sống lưng, ai cũng mẫn cảm nhận ra cơn thịnh nộ lôi đình đang chất chứa trong lời thiên tử.
Đầu ngón tay Ân Vô Chấp giần giật.
Dù sao Khương Ngộ cũng là thiên tử, dù cử chỉ y có không phù hợp và phẩm hạnh thì thấp kém, nhưng thân phận và địa vị vẫn sờ sờ nơi đó.
Cuối cùng hắn vẫn cất bước, đi tới trước mặt y.
Khương Ngộ khẽ nhếch môi, cái vuốt mới kéo tay Trần ái khanh đã điếc không sợ súng mà mò sang tay Ân Vô Chấp.

Chỉ thấy tà áo hắn khẽ nhúc nhích, Ân Vô Chấp im lặng giấu tay ra sau lưng mình.
Vóc người hắn cao, khi đến gần lại càng thấy cao, đứng trước mặt Khương Ngộ nằm trên tháp mềm lại có khí chất như kẻ từ trên cao nhìn xuống.
Khương Ngộ nhìn thẳng, ở độ cao này y vừa lúc có thể thấy miếng ngọc thắt trên đai lưng hắn.

Miếng ngọc ấy trắng noãn chứ chẳng trắng bệch, ở góc còn có một vệt sẫm đỏ như máu bồ câu, buộc nơi eo bộ áo bào Thế tử trông đúng là khác biệt.
Thiếu niên mười chín tuổi, cốt cách đĩnh đạc, dáng người cao gầy, vòng eo thon, cực kì tuấn tú.
Khương Ngộ tiện thể kéo miếng ngọc ấy, nhưng chưa kịp dùng sức đã bị người kia túm tay lại.
"Xin bệ hạ hãy tự trọng".
Cái tay ấy nắm chặt tay y như gọng kìm, có lẽ bởi y vừa làm một việc đụng đến giới hạn của hắn mà sức lực ngày càng tăng lên – Khương Ngộ dần thấy đau.
Y muốn rụt tay về theo bản năng nhưng không được.
Y đành ngẩng mặt, nhắc Ân Vô Chấp: "Đau".
Chẳng biết do cơ thể này mẫn cảm hay vì y làm người lần đầu chưa quen, hoặc giả cả hai đều có, nói chung Khương Ngộ thấy đau thật.
Da y vốn đã rất trắng mà giờ lại càng nhợt nhạt vì đau, mồ hôi lạnh rịn trên trán, cực kì giống với viên ngọc trắng treo trên tường.
Ân Vô Chấp tỏ vẻ nhẫn nhịn, buông tay.
Hiển nhiên hắn đang có ý trả thù.

Khương Ngộ run rẩy rụt tay về, chỗ vừa bị nắm lấy đã hiện vết ứ máu.
Lòng y không khỏi rầu rĩ.
Tuy biết rõ nếu cứ làm nhục Ân Vô Chấp thì chắc chắn sẽ bị giết, nhưng y cũng quên mất rằng để người như hắn hành thích vua đoạt vị thì cũng cần một khoảng thời gian nhào nặn tâm lí, hắn sẽ không đột nhiên ra tay với Hoàng đế trên ngôi.
Khương Ngộ không sợ chết, nhưng lại sợ đau.


Sự trả thù không nhẹ không nặng ấy của Ân Vô Chấp với y thực ra lại là một kiểu dằn vặt.
Sau này nhất định phải né không cho Ân Vô Chấp đánh, phải khiến hắn sợ y mới được.
Khương Ngộ liếc hắn một cái, mất hứng nói: "Ngươi dám làm trẫm bị thương".
Ân Vô Chấp chẳng hề trốn tránh trách nhiệm, chỉ lùi về sau hai bước rồi vén bào quỳ xuống: "Thần mạo phạm long thể, thực đáng chết, xin bệ hạ giáng tội".
Phản ứng của hắn cũng chẳng có gì là bất ngờ.

Việc Khương Ngộ hỏi tội đúng là vừa ý hắn, đối với Ân Vô Chấp thì có bị giam vào đại lao chịu hình cũng tốt hơn ở đây, có cơm ngon áo đẹp mà phải dùng sắc hầu người.
Sao Khương Ngộ có thể cho hắn toại nguyện được.
Chỗ trên tay đụng vào là thấy đau, y vờ yếu đuối mà đặt tay lên đệm mềm nơi tay vịn, nói với vẻ sâu xa: "Tới quỳ trước mặt trẫm nào".
Mi tâm Ân Vô Chấp giật một cái.
Khương Ngộ lại nói: "Nếu ngươi không nghe lời, trẫm sẽ cho người lột xiêm y ngươi rồi nhốt vào lồng sắt".
Ân Vô Chấp mở to mắt, đôi mắt như ưng, trông đến là dữ dằn.
Khương Ngộ vẫn cứ dửng dưng.
Quan lớn hơn một cấp đã đè chết người.

Y biết Ân Vô Chấp chắc chắn sẽ thỏa hiệp, dù sao Khương Ngộ cũng là Hoàng đế mà Ân Vô Chấp lại đại diện cho cả tộc Định Nam Vương, không được tin tưởng tuyệt đối thì cũng chẳng dám không nể mặt thiên tử.
Quả nhiên, chỉ một chốc sau, Ân Vô Chấp đã quay lại thái độ một bề tôi nên có.

Hắn lê đầu gối đến quỳ trước người Khương Ngộ.
Thế tử điện hạ lưng cao chân dài, quỳ xuống là cao hơn hôn quân đang nằm trên tháp mềm chút ít.
Khuôn mặt được trời cao ưu ái ấy lại càng trở nên rõ ràng hơn trong khoảng cách gần thế này, có nói là thịnh yến dành cho thị giác cũng không ngoa.
Nhìn khuôn mặt này đi, ai dám nói Khương Ngộ không thực sự thèm muốn thân thể Ân Vô Chấp? Ai dám nói y không phải tên hôn quân tội đáng muôn chết, trầm mê sắc đẹp mà vô tâm với chuyện triều chính?
Khương Ngộ ngắm nghía gương mặt trắng mịn không tì vết kia, bắt đầu muốn thử mạo phạm một lần, nhưng lại sợ tên này túm tay y.
Ngón tay vừa thoáng nhấc lên lại rụt về, y gọi: "Tề Hãn Miểu".
Tề Hãn Miểu là thái giám thiếp thân của Khương Ngộ, nghe tiếng gọi bèn gấp rút chạy vào: "Nô tài đây ạ".
"Ngươi đi tìm một sợi dây thừng trói tay hắn lại".
Có khinh bạc thế này thì Ân Vô Chấp cũng chỉ đành ngậm đắng nuốt cay, khổ mà không nói thành lời, hiệu quả hạ nhục tăng lên gấp bội, đúng là hoàn hảo.

Tâm tình Tề Hãn Miểu vô cùng phức tạp.

Từ lúc vị này lên ngôi, lão ngày càng không đoán nổi tâm tư người ấy, đặc biệt là những hành động gần đây – ngày càng khiến người ta mịt mờ.

Hiện nay hai gia tộc Ân và Trần có thể nói là quyền cao chức trọng bậc nhất, tiên đế phải tốn biết bao công sức để giữ triều đình ở thế cân bằng, chỉ muốn hai nhà này đánh nhau một mất một còn mà thôi.
Bây giờ lại dùng con trưởng nhà họ Trần đi áp bức Thế tử nhà họ Ân, khác gì buộc hai nhà cùng hợp mưu làm phản?
Bảo y thích Thế tử Ân Vương cũng không đúng, làm nhục người ta trước mặt bao nhiêu nô tài thế này, đâu có chút gì là quý trọng?
Nhưng nếu là vì muốn cái sắc của hắn thì...!Người đẹp trên thế gian này đâu chỉ có mình Thế tử Ân Vương, chỉ vì chuyện này mà đắc tội cả hai nhà Ân, Trần thì đúng là không nói nổi.
Tề Hãn Miểu không tin thiên tử lại mạo hiểm cả mạng sống của mình chỉ vì chút vui thú nhất thời.
Lão lấy dây thừng tới, rồi lại thực sự không muốn đắc tội phủ Định Nam Vương, cứ bần thần do dự đứng bên người Ân Vô Chấp.
Thực ra nếu Khương Ngộ coi trọng con trai thứ hay con gái của nhà Ân, Trần thì còn nghe được, đằng này y lại chọn trúng con trai trưởng, lại còn là đứa con trưởng có công danh.

Đúng là có hơi khinh người quá đáng, từ xưa tới nay chưa ai từng thấy một vị quân vương chuyên quyền đến vậy.
Hiển nhiên Ân Vô Chấp cũng không muốn làm khó dễ lão, hắn chủ động duỗi hai tay, ra hiệu cho Tề Hãn Miểu cứ việc động thủ.
Tề Hãn Miểu cảm động trong lòng, nhỏ giọng nói: "Xin đắc tội".
Sợi dây thừng vừa quấn quanh cổ tay Ân Vô Chấp, ngoài cửa lại xôn xao: "Thái hoàng thái hậu giá lâm...!".
Mọi người chưa kịp phản ứng, một tiếng quát phẫn nộ đã truyền tới: "Làm càn!".
Người đàn bà với thái dương điểm bạc bước tới từ xa, ánh mắt lạnh lẽo, chỉ tay vào Tề Hãn Miểu: "Kéo tên nô tài phạm thượng này ra ngoài đánh chết!".
Tề Hãn Miểu run bắn lên, ném sợi dây xuống rồi dập đầu lạy điên cuồng: "Thái hoàng thái hậu tha mạng, xin Thái hoàng thái hậu tha mạng!".
Khương Ngộ chần chừ nhìn kẻ ấy, lục ra quan hệ giữa mình và đối phương trong đầu, thử gọi: "Hoàng...!tổ mẫu?".
Xung quanh chẳng ai dị nghị, y bèn biết mình gọi đúng rồi.
Lần trước lúc cắt cổ y chỉ mới gặp mẫu hậu thân sinh, nghe nói khi ấy Văn Thái hậu và Thái hoàng thái hậu cùng đi lễ Phật.

Khương Ngộ nhìn người phụ nữ khá trẻ bên cạnh Thái hoàng thái hậu, chắc chắn nàng chính là Văn Thái hậu.
Thoạt đầu Khương Ngộ cũng không biết mình có hai mẫu hậu: một là mẹ ruột, trước khi y lên ngôi thì chỉ là phi tử, sau đó thị mẹ quý nhờ con mà trở thành Thái hậu; một là Văn Thái hậu, chính thê của cha y, dưới gối nàng không con nhưng lại được Thái hoàng thái hậu yêu mến, bèn ở lại trong cung cùng làm Thái hậu.
Văn Thái hậu bước nhanh về phía trước, tự tay đỡ Ân Vô Chấp lên, ánh mắt nhìn Khương Ngộ lại có thêm đôi phần trách móc.
Khương Ngộ lại tìm mối quan hệ giữa Văn Thái hậu và Ân Vô Chấp trong đầu mình.
Nàng xuất thân từ nhà họ Thường ở Kiềm Châu, cha là Tiết độ sứ Kiềm Châu Thường Chí Nho.

Thường Chí Nho có ba đứa con gái thì hai người được gả vào cung, người còn lại được gả cho Định Nam Vương Ân Chính.
Nói cách khác, Văn Thái hậu là dì của Ân Vô Chấp.
Khương Ngộ ngăn Tề Hãn Miểu đang không ngừng dập đầu lạy, hoàng tổ mẫu lại lạnh mặt bước tới.


Bà nhận được tin Khương Ngộ dùng Trần Tử Diễm để ép Ân Vô Chấp vào cung thị tẩm nên mới đến đây, ánh mắt đầy bất mãn nhưng giọng nói vẫn khá ôn hòa: "Hoàng thượng, người giải thích cho ai gia đi, chuyện gì thế này?".
Thực ra bà đang cho Khương Ngộ một bậc thang đi xuống, để y nối lại tình xưa với Ân Vô Chấp.
Định Nam Vương lập được nhiều công trạng, Ân Vô Chấp cũng theo cha xuất chinh từ thuở bé – mới mười bốn tuổi hắn đã giết được ba tên hãn tướng nước Triệu, chiến công hiển hách vang dội, khắp thiên hạ không ai không biết đến.
Dù có bỏ qua thế lực của nhà ngoại hắn ở Kiềm Châu thì uy danh của hai cha con này trong quân cũng chẳng phải cao bình thường.
Chiến loạn vừa yên ổn chưa tới ba năm, gia đình Định Nam Vương mới trải qua không được mấy ngày tĩnh lặng mà Ân Vô Chấp đã bị Khương Ngộ gọi vào cung làm nhục, đừng nói quân Định Nam không phục, dù có là người trong thiên hạ chắc cũng phải bàn luận sôi nổi.
Hoàng đế làm thế này là ảnh hưởng rất lớn đến giang sơn.
Bảo Khương Ngộ giảng hòa với Ân Vô Chấp cũng là cân nhắc vì đại cục mà thôi.
Sao Khương Ngộ lại không hiểu điều ấy, nhưng y đâu phải Khương Ngộ thật.

Vốn là một du hồn không thiết sống, bảo y làm tên lười y còn miễn cưỡng chấp nhận được, chứ bảo y làm Hoàng đế thì thà chết còn sướng hơn.
Y thầm nghĩ: những người này đúng là đứng nói chuyện thì không đau eo, mấy ông bà có phải người dốc hết tâm huyết phê duyệt tấu chương, vắt óc giữ triều đình ở thế cân bằng, trăm phương ngàn kế chăm lo cho cuộc sống nhân dân đâu.

Nếu được chọn y thà làm phi tử hậu cung, thi thoảng thị tẩm một lần là có cơm ngon áo đẹp, ngồi đợi cái chết đến là được.
Đương nhiên là làm thường dân, ăn mày hay chó thì càng tốt nữa.

Ít ra y muốn chết thì chết, không cần lo mình sẽ thay đổi lịch sử, đâu có giống bây giờ – muốn chết còn phải tính đi tính lại, đã lười còn mệt muốn chết.
Giờ thì Khương Ngộ không thể không cho hoàng tổ mẫu một lời giải thích, nhưng lời giải thích cũng không được quá hoang đường.

Ví dụ, nếu nói mình muốn chết thì sẽ xâm phạm đến lợi ích nhiều người, nguy hiểm cho giang sơn xã tắc, nhất định là tuyệt đối không được.
Khương Ngộ nói: "Trẫm thích hắn".
Xung quanh yên tĩnh đến kì dị.
Tuy khắp thiên hạ đều biết Khương Ngộ đã gọi Ân Vô Chấp vào cung thì nhất định y sẽ có chút tâm tư khác thường, nhưng chuyện này do chính thiên tử thản nhiên nói ra miệng thì người ta vẫn phát hoảng.
Văn Thái hậu phản ứng lại đầu tiên, cất lời: "Nhưng A Chấp là nam cơ mà?".
"Nam thì có sao, trẫm thích hắn".
Sắc mặt hoàng tổ mẫu hơi tái đi: "Hoang đường".
Mấy câu "thật lòng" này vẫn chẳng mảy may khiến Ân Vô Chấp nao núng, thái độ hắn vẫn lạnh tanh, thậm chí còn cự tuyệt thẳng thừng: "Được bệ hạ yêu mến, lòng thần vô cùng cảm kích.

Nhưng dù sao thần cũng là thân nam nhi, ở lại chốn cung đình thì bất tiện, mong bệ hạ thương tình mà cho thần về phủ".
Nghĩa là ngươi thích ta, nhưng ta không thích ngươi.
Vậy nên xin ngươi đừng tưởng bở nữa, nhân lúc còn sớm mà đường ai nấy đi đi..


Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi