TÌNH YÊU CỦA KẺ THỰC DỤNG

Phương Mục Dương xin nghỉ để đi đón cha mẹ mình.

Trước khi đi, anh hỏi Phí Nghê có thể tạm ứng cho mình trước năm mươi tệ được không, anh muốn mua cho cha mẹ hai bộ quần áo mùa xuân rồi mang đến đó.

“Nếu bọn họ mà ăn mặc rách nát quá thì khéo có khi lại ngại gặp em, đợi tới lúc anh gặp bọn họ rồi thì sẽ mang tiền trả lại.” Hiện tại đã là cuối xuân, quần áo mùa đông lần trước anh gửi qua đường bưu điện cũng không thể mặc được nữa.

“Anh nói chuyện đúng là chả có câu nào đứng đắn cả, làm gì có ai tặng quà người khác rồi còn đòi tiền nữa chứ? Huống chi lại còn là cha mẹ ruột của mình.”

Mùa đông năm ngoái, khi cha mẹ Phương Mục Dương vừa mới có lương không lâu, anh đã gửi đi một lá thư nói lương mình không đủ tiêu, bảo bọn họ gửi cho anh năm mươi tệ. Đi cùng với năm mươi tệ gửi đến còn có một phong thư, trong thư nói anh cần phải tiết kiệm cho gia đình, không được tiêu xài phung phí, Phương Mục Dương vừa thấy là biết ngay cha mình viết. Anh cầm năm mươi tệ, mua vài bộ quần áo ấm và giày lót bông, gửi bưu điện sang cho cha mẹ mình. Cha mẹ anh gần mười năm không được nhận lương, trước kia duy trì cuộc sống cũng đã là điều khó khăn chứ đừng nói gì đến may quần áo mới. Hiện tại đã có lương rồi, nhưng không có phiếu cũng chẳng mua được quần áo, mà vừa may hiện tại anh đang làm việc tại nhà hàng Ngoại giao, đổi phiếu kiều hối cũng tiện hơn trước kia một chút, có thể mua quần áo mà không cần phiếu. Đồ ấm vừa gửi qua không lâu, anh đã nhận được một phong thư khác, trong thư nói quần áo mặc rất vừa người, có được một đứa con trai như anh lòng ông cũng được an ủi, nhưng dù sao anh cũng đã lập gia đình, tiêu hết tiền cho cha mẹ thì không hay lắm, sau này không cần phải tốn tiền vì bọn họ nữa.

“Lần trước ông già cố ý gửi thư tới, bảo anh không cần tiêu tiền vì họ.”

“Nói thì nói vậy, nhưng anh đưa đồ cho cha mẹ xong lại muốn bọn họ trả tiền cho mình, chẳng thà là không ra đón còn hơn.”

Phí Nghê dứt khoát đưa Phương Mục Dương một trăm tệ, bảo anh mua thêm hai đôi giày nữa. Lúc đưa tiền Phí Nghê cũng hơi đau lòng, nhưng lại nghĩ dù sao cũng chỉ mỗi bận này thôi, mai sau có tiền lương rồi, cha mẹ anh cũng không cần tiền của bọn họ. Ở nhà nghèo đi đường giàu(1), Phí Nghê sợ Phương Mục Dương không đủ tiền tiêu trên đường nên lại ra ngân hàng lấy tiền về, đó là tiền hồi môn cha mẹ cho cô, cô luôn giữ lại dự phòng.

(1) Ở nhà nghèo đi đường giàu (cùng gia phú lộ): Thành ngữ ý chỉ ở nhà thì có thể tiết kiệm, nhưng đi đường thì nên mang theo nhiều tiền một chút để đề phòng bất trắc và tránh những trường hợp xấu hổ.

Trước khi Phương Mục Dương đi, Phí Nghê đưa cho anh năm tờ tiền giấy mới tinh.

“Em lấy đâu ra nhiều tiền thế?”

“Lúc kết hôn, cha mẹ cho em tiền để sắm đồ đạc trong nhà.”

“Tiền này anh không lấy được, sao anh có thể tiêu tiền hồi môn cha mẹ cho em được chứ?”

“Anh cứ cầm đi.” Ngoài tiền mặt ra còn có phiếu lương thực toàn quốc mà lúc trước Phí Nghê mua lại của người ta.

“Đến chỗ đó ăn cơm nhớ dùng phiếu lương thực của mình đấy. Còn nữa, anh xem xem có thể mua vé nằm cho cha mẹ không, bọn họ đã có tuổi rồi, không thể ngồi xe lửa đường dài được.”

“Có bao nhiêu tuổi đâu chứ, ít nhất ông già ngồi xe lửa một đêm cũng không vấn đề gì cả,” Phương Mục Dương chỉ nhận phiếu lương thực toàn quốc. “Mà kể cả có mua vé nằm thì cũng không cần phải dùng đến tiền của chúng ta, riêng lương của mẹ anh thôi cũng nhiều hơn lương của cả hai ta cộng lại rồi, cứ tiêu tiền của họ đi.”

“Anh đúng là mặt dày thật đấy.”

“Chuyện này thì có gì mà xấu hổ đâu, ai nhiều tiền hơn thì tiêu tiền người nấy chứ.”

Phí Nghê vẫn đưa tiền cho Phương Mục Dương, sau đó lại dùng phiếu điểm tâm mua thêm một ít điểm tâm, bỏ vào trong hộp bánh quy để anh mang theo ăn dọc đường. Trong túi hành lý còn có cả trứng mà Phương Mục Dương luộc trong nước trà Đại Hồng Bào. Chỉ tính riêng đồ ăn thôi, Phí Nghê đã nhét cho Phương Mục Dương hơn nửa cái túi rồi.

Phương Mục Dương nhìn chỗ trứng luộc nước trà kia, cười nói: “Ông già mà biết trứng này luộc bằng trà Đại Hồng Bào thì chẳng biết sẽ cảm thấy thế nào nữa. Hồi xưa anh từng lấy Chính Sơn Tiểu Chủng của ông ấy đi luộc trứng, ông ấy tức phát điên luôn.”

Phương Mục Dương xuống ga xe lửa, sau đó còn ngồi xe khách cả một đoạn dài mới tới được thành thị nhỏ mà cha mẹ mình đang sống. Anh báo tên của mẹ, người trong xưởng liền nói địa chỉ của hai người họ cho anh.

Đôi vợ chồng già những năm này vẫn luôn tiếp nhận cải tạo tại xưởng sản xuất máy móc nông nghiệp. Mẹ của Phương Mục Dương vốn là giáo sư giảng dạy tại khoa Cơ khí. Hồi đại học bà từng học khoa Văn, nhưng khi ấy ông Phương chồng bà rất có tiếng tăm trong trường, những bài thơ ông viết luôn được hoan nghênh nhiệt liệt, thậm chí có một thời gian các vở kịch nói trong trường đều được dựng từ kịch bản ông ấy viết. Bà tự biết trên phương diện này không thể vượt được đối phương, cho nên liền chuyển sang học khoa học kỹ thuật và cơ khí, từ đó về sau chưa từng thay đổi. Xưởng sản xuất máy móc nông nghiệp biết được lý lịch của bà, khi gặp vấn đề cũng thường xuyên tới nhờ giúp đỡ, mà những vấn đề hóc búa người bình thường không thể giải quyết được thì ở chỗ bà lại dễ như trở bàn tay. Giáo sư Mục tuy xuất thân không tốt, là đối tượng bị cải tạo, nhưng vẫn rất được trọng vọng ở cái xưởng này. Ông Phương chồng bà cũng nhờ vậy mà tương đối được tôn trọng, được người ta gọi là “chồng của giáo sư Mục”. Trước kia, người khác luôn giới thiệu giáo sư Mục là “phu nhân của hiệu trưởng Phương”. Ông Phương cho rằng người dân ở đây vừa chân chất vừa thật thà, nhưng mà văn hóa lại thấp, không chỉ chưa từng đọc kịch bản hay văn chương mà ông viết, mà ngay cả những bài thơ được ca ngợi rộng rãi của ông cũng chưa nghe bao giờ, bởi vậy không tránh khỏi có chút thất vọng.

Lần này cũng là vợ ông nhận được công hàm thuyên chuyển công tác trước, còn bản thân ông tuy đã khôi phục đãi ngộ, nhưng chức vụ cụ thể thì vẫn phải đợi thông báo chính thức mới biết được.

Nếu không phải con trai út muốn đến đón mình, ông cũng chả sốt ruột quay về để làm một kẻ nhàn rỗi.

Bọn họ đã nhiều năm rồi chưa gặp nhau. Lúc Phương Mục Dương xa cha mẹ là vào độ tuổi dậy thì, cũng chính là thời kỳ biến đổi nhiều nhất. Nhưng khi nhác thấy bóng nhau, Phương Mục Dương còn chưa kịp gọi cha mẹ thì hai người họ đã nhận ra anh. Vẻ ngoài và nụ cười kia, chỉ có thể là người nhà bọn họ.

Ba người nhìn nhau một hồi, nhất thời nói không nên lời. Cuối cùng vẫn là ông Phương lên tiếng trước: “Sao anh lại cao hơn tôi được nhỉ?”

Hồi gia đình họ mỗi người một phương, Phương Mục Dương còn đang học tiểu học, ông Phương vẫn nghĩ anh không được ăn đủ chất, sau này cũng sẽ không thể cao được. Trong ba đứa trẻ, vợ chồng bọn họ vẫn lo lắng cho thằng út nhất. Họ cứ nghĩ rằng với sự giáo dục và bảo bọc của mình, đứa út cho dù không thành tài thì vẫn có thể bình an lớn lên. Về sau hai đứa lớn một đã đi làm một vào đại học, chỉ có duy nhất mình nó là tốt nghiệp tiểu học mà thôi. Hơn nữa Phương Mục Dương còn là đứa chuyên gây họa, không có cha mẹ cạnh bên, cũng chẳng biết sẽ làm ra những chuyện gì nữa.

Nhưng mà cuối cùng nó vẫn mạnh khỏe trưởng thành, không gây ra đại họa gì, lại còn đi làm, cưới vợ.

Hôm nay, con trai ông Phương vận chiếc sơmi trông khả dĩ nhất của mình, chỉ có mỗi một miếng vá ở bên khuỷu tay mà thôi.

Phương Mục Dương đưa quần áo anh mới mua cho cha mẹ, bảo họ thay vào.

Ông Phương thấy con trai mua áo khoác và sơmi cho mình, phản ứng đầu tiên không phải vui mừng vì có quần áo mới, mà là chất vấn: “Anh lấy tiền và phiếu vải đâu ra đấy?” Chỉ cần nhìn qua là biết mấy thứ này không hề rẻ, trông kiểu dáng như thế, tám phần là bán cho người nước ngoài. Con trai ông ông biết, chỉ tốt nghiệp tiểu học, vừa mới đi làm, hơn nữa tiền trợ cấp cũng chỉ tròn ba mươi tệ mà thôi, làm gì có tiền mà mua được mấy bộ đồ này cơ chứ. Cho dù là tiền, phiếu vải hay phiếu kiều hối, con ông đều không thể nào có nhiều được.

“Tiền là con dâu cha đưa con đấy, đó là tiền hồi môn cha mẹ cô ấy để cho.”

Chưa kịp cảm giác con trai hiếu thảo đáng khen, ông Phương đã thấy như nước đổ đầu vịt. Cái hồi nằm ở bệnh viện bắt người ta chăm sóc còn chưa tính, hiện giờ đã có công việc còn muốn cha mẹ người ta mua quần áo cho cha mẹ mình. Cũng may ông sắp được phát bù tiền lương, nghịch tử sẽ không cần phải tiêu tiền của con dâu nữa.

“Bây giờ anh làm gì rồi?”

“Làm phục vụ.”

“Làm phục vụ?” Ông Phương cũng chẳng buồn hỏi xem là phục vụ ở đâu nữa, chỉ riêng ba chữ này thôi cũng đã đủ khiến ông thất vọng rồi. Nhân viên phục vụ tuy rằng vẫn có thể miễn cưỡng xem như giai cấp công nhân, nhưng chung quy vẫn kém chút.

Giáo sư Mục lườm ông bạn già của mình một cái: “Có công việc chính thức là tốt rồi.” Bà vốn có kỳ vọng rất cao vào con trai út của mình, còn từng nghĩ đứa nhỏ này tuy ranh mãnh nhưng có bọn họ ở đó, cho dù có kém cũng chẳng thể quá kém được. Tuy nhiên sau đó, họ lại bất ngờ trở thành gánh nặng của con trai. Với một xuất thân như vậy, Phương Mục Dương vẫn có thể tìm được một công việc tử tế để nuôi sống bản thân là bà cũng thấy vui mừng rồi.

Phương Mục Dương phát hiện phong độ của mẹ mình không hề thua kém năm xưa, chỉ có điều bà đã già đi thấy rõ.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi