Mùng bốn tháng Chạp, năm Khai Bình thứ hai mươi bảy.
Hai bên con phố lớn Chính Dương Môn, hàng quán, lầu gác rực rỡ muôn màu. Nếu đi dọc theo con phố về phía Tây đến lúc bắt đầu thấy Đại Vận Hà thấp thoáng đằng xa, tửu lầu đệ nhất Thịnh Kinh – lầu Thiên Lý cao bốn tầng, sẽ hiện ra trong tầm mắt. Cách lầu Thiên Lý nửa dặm về phía Bắc là một tửu lầu hai tầng.
Tửu lầu này có tên là Triêu Huy, lấy từ câu “Triêu huy tịch âm, khí tượng vạn thiên.” Tiếc là vận số của tửu lầu ấy cũng như cái tên, không khác gì ánh ban mai, bóng hoàng hôn cả. Lầu Triêu Huy cách đây mấy chục năm còn có tiếng tăm ở Thịnh Kinh, giờ đã xuống dốc rồi.
Hai tháng trước lầu Triêu Huy bị người ta mua lại. Hôm nay, giữa ngày đông giá rét, có một đội múa lân đang gióng trống khua chiêng vang lừng trước lầu.
Phố lớn Chính Dương Môn trải dài từ phía ĐSng phía Tây Thịnh Kinh, là con đường quy tụ nhiều hoạt động buôn bán nhất, tấp nập vô cùng. Đội múa lân linh đình nhanh chóng thu hút được sự chú ý của một nhóm người dân. Thình lình, một người đàn ông trung niên mặc áo bào biểu diễn màu sắc rực rỡ bước ra từ sau đội múa lân. Tay ông ta cầm một cái hũ sành lớn, gõ nhẹ một cái, có chú thỏ trắng nhảy từ hũ ra.
“Hay quá!”
Dân chúng vây xem hoan hô cổ vũ.
Đường Thận và quản lý Lục đứng quan sát cách đó một quãng.
Quản lý Lục dở khóc dở cười: “Tiểu đông gia, sao cậu có thể nghĩ ra nhiều trò hay vậy nhỉ. Tửu lầu nhà khác khai trương giỏi lắm là mời một đội múa lân. Cậu mời cả ảo thuật gia, rồi xiếc khỉ với đoàn xiếc nữa.”
Đường Thận hỏi ngược lại: “Chú thấy dân chúng có hào hứng không?”
Không chờ quản lý Lục trả lời, Đường Hoàng đã nói leo: “Hào hứng lắm, em cũng thấy mới mẻ!”
Quản lý Lục bất đắc dĩ: “Chúng tôi thuê tốn bao nhiêu là tiền, không mới mẻ thế nào được!”
Chờ đội múa lân và các nhà ảo thuật trình diễn xong, Đường Thận đứng nguyên tại chỗ, nói với Diêu Tam và quản lý Lục: “Hai người đi cắt băng nhé.”
Quản lý Lục chần chờ: “Tiểu đông gia, sao cậu không đi?”
Thực ra Đường Thận có thể đích thân cắt băng, lộ mặt là ông chủ lầu vì triều đại này không có định kiến với quan lại buôn bán làm ăn. Nhưng cậu nghĩ một hồi thì bảo: “Ta phải đi đón tiên sinh và sư huynh. Đường Hoàng, em cũng đi đi.”
Đường Hoàng mừng gỡ gật đầu lia lịa, đi theo quản lý Lục và Diêu Tam đến trước tửu lầu. Ba người lấy băng lụa màu đỏ và những quả cầu vải nhiều màu từ “miệng” con sư tử trong đội múa lân, cùng nhau cắt băng khánh thành. Đường Hoàng đích thân giật nhẹ tấm vải đỏ phủ trên bảng hiệu, tấm vải rơi xuống, ba con chữ thanh thoát đẹp đẽ hiện ra..
『Tế Hà Lâu』
Dân chúng Thịnh Kinh vây quanh xôn xao và ngạc nhiên lắm khi phát hiện chủ nhân của lầu Tế Hà là một cô gái xinh xắn. Đội múa lân và ảo thuật hồi nãy đã lôi kéo rất nhiều khách khứa đến, giờ các vị khách đều đi cả vào lầu Tế Hà. Lầu Tế Hà khác với lầu Thiên Lý có bốn tầng, nó chỉ có hai tầng thôi, nên sức chứa có hạn hơn nhiều.
Nghe nói quán đã kín chỗ, nhiều khách ăn định ra về, nhưng tiểu nhị đã rào đón ngay: “Quý khách có muốn chờ thêm một lát ở quán trà không ạ?”
Một thư sinh trẻ tuổi ngạc nhiên: “Quán trà ư?”
Tiểu nhị: “Vâng, mời quý khách đi theo tôi.”
Bước vào quán trà, những vị khách này mới hiểu được dụng ý.
Nào là đoàn kể chuyện, nào là trà nước bánh trái, tất cả mọi thứ đã được chuẩn bị chu toàn. Người dân Thịnh Kinh chưa bao giờ thấy tửu lầu nào chịu chơi như thế, khách chưa vào ăn đều được dâng trà, mời bánh ngọt, còn cho nghe kể chuyện miễn phí.
Thư sinh không tin nổi vào mắt nhìn: “Sao trên đời lại có chuyện tốt bực này? Trà nước, bánh trái, hẳn là sẽ tính tiền hết phải không?”
Tiểu nhị: “Sao có chuyện đó được ạ! Xin quý khách cứ yên tâm chờ đợi.”
Không trả tiền mà lại được ăn uống, nghe kể chuyện, ai mà chẳng vui. Chỉ một lúc, quán trà của lầu Tế Hà cũng đã kín khách.
Đường Thận nhanh chóng đón được Phó Vị, cậu tự mình đỡ thầy lên nhã gian trên tầng hai.
Nồi được nhóm lên, hai thầy trò gọi một vài món. Đến khi thịt dê, bò, rau dưa trái cây được bưng lên đủ, Vương Trăn rốt cuộc cũng tới.
Vương Trăn vẫn còn mặc quan bào, vừa vào cửa đã cười: “Con đến trễ ạ.”
Phó Vị bình thường không đến viện Hàn Lâm, chỉ lo trồng hoa nuôi chim cảnh, rảnh không để đâu cho hết. Nghe cậu trò lớn nói vậy, ông bèn bảo với đứa trò nhỏ: “Cảnh Tắc này, con coi sư huynh con mà xem, nó bắt vi sư đợi nửa canh giờ, nói mỗi một câu “con đến trễ” mà đòi vi sư xí xóa hử?”
Đường Thận nghĩ thầm, từ lúc thầy vào lầu Tế Hà đến giờ còn chưa được nổi hai mươi phút mà thầy. Nhưng khi nói thì cậu lại bảo: “Sư huynh bận rộn việc công nên mới đến muộn ạ.”
Vương Trăn ngồi vào chỗ, gạt tay áo tự châm trà cho mình, nhẹ nhàng hỏi: “Nửa canh giờ ấy ạ?” Ánh mắt chàng ung dung lướt về phía Phó Vị.
Phó Vị chột dạ, hắng giọng: “Đúng, tận nửa canh giờ đấy. Tử Phong, con tính đền nửa canh giờ cho vi sư và sư đệ con thế nào đây?”
Vương Trăn: “Thế bữa hôm nay con mời nhé?”
Đường Thận vội vàng xua đi: “Sư huynh, hôm nay đệ mời huynh và tiên sinh, sao để huynh trả tiền được.”
Phó Vị thì cản Đường Thận: “Ôi chao, thằng bé này chẳng biết gì cả. Sư huynh con làm chức gì, con quên rồi sao?”
Đường Thận sửng sốt: “Thượng thư bộ Hộ?”
Phó Vị cười phá lên, trỏ đũa về phía Vương Trăn: “Thiên hạ này nếu có ông quan nào giàu nhất, thì chính là sư huynh con đó!”
Lượng thông tin trong câu nói này là quá tải với Đường Thận, cậu nghĩ mà hốt hoảng, nhưng không dám nói gì.
Đồ ăn thức uống đã lên cả rồi nhưng nước lẩu chưa sôi. Phó Vị uống nhiều trà nên ra ngoài giải quyết. Trong nhã gian chỉ còn lại Đường Thận và Vương Trăn.
“Đệ chớ nghe tiên sinh nói linh tinh đấy.”
Đường Thận ngẩng đầu, Vương Trăn đang nhấc nắp chung trà, nhẹ nhàng gạt vụn lá trà lơ thơ trên bề mặt.
Vương Trăn: “Tiểu sư đệ có sản nghiệp riêng ở phủ Cô Tô…”
Đường Thận: “Ý sư huynh là?” Tự dưng nói chuyện này làm chi?”
Vương Trăn mỉm cười: “Ở phủ Kim Lăng, sư huynh cũng có sản nghiệp.”
Đường Thận: “…”
Huynh đang giải thích rằng của cải của huynh được tích cóp hợp pháp chứ không phải tham ô hối lộ mà có đấy hả?
Không lâu sau, Phó Vị quay về, nước lẩu trong nồi đồng đã sôi xình xịch. Phó Vị gắp một miếng thịt dê siêu mỏng, từ tốn thả vào nồi, nhúng nhúng mấy cái, thịt dê đổi màu ngay. Gắp miếng thịt vừa trần ra chấm vào tương trong đĩa, ông đưa vào miệng. “Tươi ngon mềm ngọt, đúng là kì diệu! Người xưa ăn bát hà cung chỉ dùng thịt thỏ, không ngờ ăn với thịt dê lại ngon gấp bội phần!”
Đường Thận cười: “Tiên sinh nếm thử thịt bò trần đi ạ.” Nói rồi, cậu gắp thịt bỏ thả vào bát của Phó Vị.
Phó Vị nheo mắt hỏi: “Thịt bò, mua của người Liêu đấy phỏng?”
Đường Thận tằng hắng hai tiếng.
Vương Trăn nhúng thịt bò rồi lại nhúng thịt dê. Chàng để ý thấy Đường Thận cứ mải miết hầu Phó Vị ăn, còn mình thì bị cho ra rìa. Thượng thư đại nhân lẩm bẩm tự giễu: “Mình lại thành người lẻ loi.” Vừa nói dứt lời, Đường Thận đã gắp thịt dê vào bát của Vương Trăn.
Vương Trăn ngẩn người, ngước nhìn cậu.
Đường Thận cười ngoan ngoãn: “Đệ gắp bằng đũa chung đấy, sư huynh yên tâm.” Rất sạch, không dính nước bọt của người ta đâu.
Khóe môi Vương Trăn nhếch lên.
Ba thầy trò thưởng thức nồi bát hà cung nóng hổi hấp dẫn. Buổi chiều Vương Trăn vẫn phải đến nha môn nên chàng về trước. Đường Thận và Phó Vị ăn uống thêm nửa canh giờ nữa. Phó Vị vô cùng thỏa mãn, lại sang quán trà nghe kể chuyện thêm nửa canh giờ rồi mới về.
Đến tối, Diêu Thiện, Vương Tiêu, Mai Thắng Trạch… các đồng liêu và bạn thân của Đường Thận ở trường Quốc Tử Giám cũng đến lầu Tế Hà.
Mai Thắng Trạch ăn một miếng thịt dê xong thì xúc động quá, xuất khẩu thành thơ ngay: “Khói sương ôm vệt ráng chiều, tan trên đầu lưỡi bao nhiêu sững sờ.”
Đến khi các tiến sĩ cùng trường đi rồi, Đường Thận gọi quản lý Lục tới: “Chú đã biết ngày mai phải tuyên truyền, quảng cáo thế nào cho lầu Tế Hà chúng ta chưa?”
Quản lý Lục ngạc nhiên: “Quảng cáo là gì thế ạ?”
Đường Thận chưa kịp đáp, Đường Hoàng đã lanh chanh: “Cái này cháu biết, quảng cáo tức là thông báo rộng rãi cho người ta biết, anh cháu từng giải thích cho cháu rồi.”
Đường Thận cười mắng: “Ừ em thì biết, sao chưa về nhà, còn nấn ná ở đây làm gì?”
Đường Hoàng: “Ngày đầu tiên khai trương lầu Tế Hà, em phải chờ đóng cửa rồi mới về. Anh cũng đã về đâu.”
Đường Thận kệ con bé, lại nói chuyện với quản lý Lục.
Quản lý Lục suy tư mãi, nói: “Thịnh Kinh chỉ có nhà mình bán bát hà cung, hình thức rập khuôn như bên phủ Cô Tô, hiển nhiên người dân Thịnh Kinh rất thích thú.”
Đường Thận nhắc nhở: “Không chỉ thế, thị trường Thịnh Kinh còn rộng lớn hơn Cô Tô!”
Quản lý Lục đang muốn nói gì đó, nhưng Đường HSu một hồi trầm ngâm bỗng cho sáng kiến: “Phường mặc khách tao nhân, hay về đây tụ hội.”
Đường Thận và quản lý Lục cùng nhau quay ra nhìn cô nhóc mới mười ba tuổi kia.
Đường Hoàng bị cả hai nhìn chằm chằm thì hoảng sợ, dè dặt nói: “Em chỉ muốn nhắc đến cái tên cũ của lầu này là Triêu Huy thôi. Kế toán Lâm từng dạy em bài này, ánh ban mai, bóng hoàng hôn, muôn vàn kiểu khí tượng… Phường mặc khách tao nhân, hay về đây tụ hội1. Hôm nay, Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa đều đã đến ăn ở lầu Tế Hà nhà ta, ấy chẳng phải là mặc khách tao nhân sao. Kìa, em nói sai à?”
Quản lý Lục bừng tỉnh: “Tôi đã hiểu rồi, tiểu đông gia, việc ngày mai cứ để tôi.”
Đường Thận gật đầu, thấy Đường Hoàng đang liếc mình thì bất đắc dĩ nói: “Về nhà!”
Hai anh em dắt nhau về nhà.
Hôm sau, không biết tin đồn từ đâu truyền ra, nói rằng phố Tây Chính Dương Môn có lầu Tế Hà mới mở, là nơi văn nhân Thịnh Kinh thích tụ tập nhất. Chẳng bao lâu, giờ văn thơ đều thích đến lầu Tế Hà. Những bình dân muốn ké chút khí chất văn nhân thi sĩ cũng chuộng lầu Tế Hà theo.
Quản lý Lục nhờ người viết lại thơ do tiến sĩ đương triều Mai Thắng Trạch sáng tác làm lưu niệm, trang trọng treo chính giữa tửu lầu. Vì thế, Đường Thận bèn tặng Mai Thắng Trạch một bầu rượu để tạ ơn.
Mùa đông lạnh giá ùa về, lầu Tế Hà càng ngày càng tấp nập, tên tuổi nổi như cồn ở Thịnh Kinh.
Tháng Chạp dần dần trôi đi, năm mới lại đến.
Hôm nay đến phiên Diêu Thiện và Đường Thận công tác.
Hai người đã làm công việc này được hai tháng, giờ đã rất thành thạo việc ghi chép cuộc sống hàng ngày của hoàng đế. Ở gần bên thiên tử, hai người thỉnh thoảng cũng được Triệu Phụ chú ý.
Thời điểm chính giữa mùa đông là lúc rét đậm, tuyết bay trắng trời. Triệu Phụ xử lí chính vụ ở điện Thùy Củng, hậu cung báo tin có bà phi bị ốm, Triệu Phụ bèn về hậu cung để thăm. Đường Thận và Diêu Thiện lẳng lặng đi theo rồi gác ở ngoài cửa cung. Một canh giờ sau, Triệu Phụ mới đi ra.
Quý Phúc rạp người, cẩn thận giương ô che tuyết cho Triệu Phụ.
Triệu Phụ ra đến cửa cung thì thấy tuyết bám đầy trên đầu Đường Thận và Diêu Thiện. Triệu Phụ sửng sốt: “Các ngươi vẫn chờ ở đây ư?”
Đường Thận và Diêu Thiện dạ ran.
Triệu Phụ trỏ tóc Đường Thận mà đùa với Quý Phúc: “Ngươi xem, Diêu khanh thì thôi, bốn mươi tuổi chẳng còn là trẻ, phải có tóc bạc từ sớm rồi. Nhưng Đường khanh tóc còn đen nhánh, thế mà hôm nay lại thành ông cụ già lụ khụ.” Ngoài miệng nói vậy, nhưng Triệu Phụ ra lệnh ngay cho hai thái giám khác che ô cho Diêu Thiện và Đường Thận.
Đường Thận ngẩng lên, lén nhìn Triệu Phụ.
Trở về điện Thùy Củng, Triệu Phụ cho Đường Thận và Diêu Thiện đi thay quần áo.
Đợi đến khi hai người về, Triệu Phụ đang phê dở bản tấu liền thong thả gác bút son. Ông ta ngồi trên ngai vua, ngẩng đầu lên nói bằng một giọng nhẹ nhàng, từ tốn và rất đỗi nhã nhặn: “Vấn Cơ, ngươi hầu bên trẫm đã bao lâu rồi?”
Vấn Cơ là tự của Diêu Thiện. Được Triệu Phụ bất chợt gọi tên, Diêu Thiện vừa mừng vừa sợ, lập tức đứng lên tâu: “Thần đảm nhiệm chức Khởi Cư lang đã được hai tháng.”
Triệu Phụ dường như giờ mới nhớ ra: “Phải, đã hai tháng rồi. Cảnh Tắc nhậm chức cùng lúc với Vấn Cơ, vậy cũng là hai tháng nhỉ?”
Đường Thận cũng đứng lên, chắp tay cúi đầu: “Vâng ạ.”
Triệu Phụ cười nói: “Vấn Cơ là người Thịnh Kinh, tuyết lớn nhường này đã thấy rồi. Cảnh Tắc hình như là người Giang Nam đúng không?”
Đến ngón tay Đường Thận cũng thấy căng thẳng, cậu giữ bình tĩnh, đáp: “Thần là người Cô Tô ạ.”
“Cô Tô có tuyết lớn thế này không?”
Đường Thận đáp: “Năm ngoái thì rất ít. Thần chỉ thấy trận tuyết to thế này vào mấy năm trước, hồi miền Nam gặp nạn tuyết lớn thôi.”
Nghe thế, nét mặt Triệu Phụ thoáng lên vẻ hồi tưởng: “Nạn tuyết lớn miền Nam mấy năm trước… Ồ, là năm ấy. Khi đó Cảnh Tắc còn nhỏ nhỉ?”
“Năm ấy thần mười ba tuổi ạ.”
Triệu Phụ hỏi Đường Thận thêm vài câu rồi thôi, chuyển sang hỏi về trải nghiệm của Diêu Thiện hồi ở biên cương, những điều anh ta mắt thấy tai nghe trên chiến trường. Diêu Thiện hai mươi năm trước đã vứt bút tòng quân, xông pha sa trường. Triệu Phụ quan tâm đặc biệt đến Diêu Thiện, cũng là vì trong số tiến sĩ rất hiếm có tướng võ như anh ta.
Hôm nay, Đường Thận và Diêu Thiện về nhà, chưa được một lúc đã có thái giám tặng quà đến phủ Trạng Nguyên và phủ Thám Hoa.
Triệu Phụ tặng cho mỗi người một tấm áo khoác lông, kèm theo vô số món điểm tâm của hoàng đế trong cung đình. Đường Thận và Diêu Tam đã đến trấn Lạc Hà, tiếp xúc với người Liêu, đặc biệt là Diêu Tam còn quen thuộc với rất nhiều thương lái người Liêu nữa. Nước Liêu xưa nay thừa mứa áo choàng lông chồn; Diêu Tam vuốt tấm lông áo Triệu Phụ ban thưởng, xuýt xoa: “Tiểu đông gia, màu lông mướt quá, chiếc áo thể này là hàng thượng hạng, ở nước Liêu cũng là của hiếm đấy!”
Đường Thận lặng lẽ vuốt ve tấm áo choàng lông, cậu nhắm mắt lại, nhẹ nhàng thở dài.
Cất áo choàng vào rương quần áo, Đường Thận tiến vào thư phòng, mài mực. Trong thư phòng, ánh nến chập chờn, Đường Thận nghĩ hồi lâu, chấm một ít mực, mở sổ nhỏ, tập trung viết chữ. Hôm sau, cậu nộp cuốn sổ này lên. Ba ngày sau, khi Lý Thư và Đường Thận cùng nhau công tác, Triệu Phụ gọi riêng Đường Thận ở lại.
Lý Thư kinh ngạc liếc nhìn Đường Thận, hành lễ rồi lui ra.
Đường Thận theo chỉ dẫn của Quý Phúc, tiến vào đài Đăng Tiên.
Đài Đăng Tiên được xây cất ở giữa chín mươi chín giá nến. Những giá nến này được xếp thành ba tầng, chia ra bốn mặt, lấy Triệu Phụ làm trung tâm. Trước mặt Triệu Phụ là một loạt giá nến bằng đồng thau. Mỗi giá nến thắp chín ngọn đèn trường minh. Triệu Phụ mặc đạo bào màu trắng, ngồi ở chính giữa. Trên đầu ông ta không đội long quan mà chỉ cài một cây trâm giản tiện. Vài sợi tóc trắng không búi hết rơi lòa xòa trên vai, trông ông ta hoàn toàn không giống một hoàng đế nắm cả thiên hạ trong lòng bàn tay, mà như một đạo sĩ siêu nhiên đã thoát khỏi cõi trần.
Lý Thư nói, ngoài các tể tướng trong Trung Thư tỉnh, chỉ có Chinh Tây nguyên soái Lý Cảnh Đức, Thượng thư bộ Hộ Vương Tử Phong và Thiếu khanh Đại lý tự Tô Ôn Duẫn là được vào đài Đăng Tiên. Đường Thận nghĩ thầm, không biết ông ta nói vậy tức là những người này thường xuyên được vào đây, hay mới chỉ vào một lần.
Nhưng tóm lại, hôm nay đến lượt Đường Thận được tiến vào.
Triệu Phụ ngồi giữa đài tu luyện được bao quanh bởi những ngọn nến, tĩnh tại như một vị tiên, dường như hơi thở cũng tan biến theo.
Một hồi lâu sau, ông ta mới nhẹ nhàng thở ra một hơi, mở mắt, nói với Đường Thận: “Cảnh Tắc, hôm nay ngươi quan sát trẫm, đã thấy những gì?”
Gần vua như gần hổ, câu hỏi của ông ta khiến cả Quý Phúc cũng phải choáng váng.
Thời gian tu tiên là quãng thời gian Triệu Phụ trở nên lạ lùng nhất, tính tình kì quặc, cực kì khó nắm bắt. Có lúc thì cười sang sảng, có lúc lại giận tím tái mặt mày. Đài Đăng Tiên này đã là nơi bỏ mình của mấy tên thái giám và cả mấy tên đạo đồng. Triệu Phụ bên ngoài có thể đóng vai một vị vua sáng suốt, nhưng mỗi khi vào đài Đăng Tiên, ông ta sẽ không coi mình là hoàng đế nữa, mà tự nghĩ bản thân là một vị tiên.
Quý Phúc không biết phải trả lời thế nào, Đường Thận cũng không tài nào hiểu nổi.
Nhưng cậu chỉ hơi luống cuống thôi rồi tỉnh táo lại ngay. Bản lĩnh đọc một lần là nhớ lại được phen trổ tài, các loại kinh, điển nổi tiếng của Đạo gia như Chu Dịch, Trang tử đến Đạo Đức kinh, Hoài Nam Tử lướt qua vùn vụt trong đầu cậu. Đường Thận vái dài, cất tiếng nói thanh thoát: “Bậc đức cao coi thường tục đức, vì thế nên có đức. Người đức thấp nệ vào tục đức, vì thế nên không có đức
2. Thần quan sát bệ hạ, có khác nào chiêm ngưỡng điều đã vượt lên khỏi trần thế, nhìn thấy mà cứ như chưa nhìn thấy, chưa nhìn thấy mà ngỡ như đã thấy.”
Triệu Phụ cười ha hả.
Quý Phúc không biết chữ, không hiểu ý Đường Thận, nhưng thấy Triệu Phụ vui vẻ đến thế, lão ta thầm nhủ: Không ngờ Đường đại nhân còn khéo nịnh hơn cả mình! Hôm nay vinh hạnh được gặp bậc thầy trong nghề rồi.
Triệu Phụ nói: “Ngươi lui xuống trước đi.”
Quý Phúc có chút kinh ngạc, lão hành lễ rồi thưa: “Vâng.”
Cổng lớn đóng kín lại, đài Đăng Tiên chỉ còn lại hai đạo đồng trẻ canh đèn trường minh, Triệu Phụ và Đường Thận.
Triệu Phụ ngồi xếp bằng, hỏi Đường Thận: “Cảnh Tắc à, ngươi đã đến nước Liêu chưa?”
Đường Thận lập tức thi lễ, thưa: “Thần chưa từng đến nước Liêu.”
“Ồ, vậy ngươi viết bản tấu ấy là có ý gì?”
Đường Thận giải thích: “Thần chưa từng đến nước Liêu nhưng thần đã tới trấn Lạc Hà. Bệ hạ có lẽ chưa biết, trấn Lạc Hà là một trấn nhỏ ở biên giới Đại Tống và Liêu, nằm ở hướng Đông Bắc của lãnh thổ Đại Tống. Các thành, trấn ở Tây Bắc Đại Tống chúng ta thường xảy ra xung đột với Liêu, còn ở hướng Đông thì buôn bán, qua lại khá nhiều.”
Triệu Phụ gật đầu.
Đường Thận thưa tiếp: “Thần và gia nhân từng đến trấn Lạc Hà, gặp một vài thương nhân người Liêu, dọc đường cũng tiếp xúc với một số người Liêu. Người Tống chúng ta rất hiền lành, nhưng thái độ của người Liêu với chúng ta thì vô cùng kẻ cả, trịch thượng, ăn nói hành xử thô tục, cử chỉ thiếu tôn trọng, không thèm coi người Tống chúng ta ra gì! Thần thấy một lái buôn người Liêu nhỏ nhoi mà đã thế, vậy cái nhìn của triều đình nước Liêu với nước Tống chúng ta ra sao, không còn gì để bàn cãi. Vì thế, vi thần bất tài, tha thiết mong bệ hạ minh giám, người Liêu là phường sài lang mãnh thú, không thể coi thường!”
Ánh mắt Triệu Phụ lướt qua Đường Thận rồi dừng lại ở chín ngọn đèn trường minh sau lưng cậu.
Đường Thận một mực cúi đầu, không dám lên tiếng, ngay cả hít thở cũng phải thật sẽ sàng.
Triệu Phụ nói: “Trẫm biết rồi. Ngươi lui đi.”
Đường Thận vừa hành lễ vừa đi giật lùi về phía sau. Chờ đến khi ra khỏi cửa cung của đài Đăng Tiên, cậu mới thẳng lưng tên. Trước hết là hành lễ với Đại thái giám Quý Phúc trông giữ ngoài cửa. Quý Phúc ra chiều kinh sợ vì sự ưu ái ấy: “Đường đại nhân coi trọng chúng tôi quá.” Miệng nói thế nhưng mặt lão tỉnh bơ, coi rằng ấy là lẽ đương nhiên.
Đường Thận rời khỏi đài Đăng Tiên, xuất cung, về nhà.
Hôm sau, một viên quan từ bộ Lại đến nha môn Trung Thư tỉnh tìm Đường Thận vào lúc cậu đang đọc Khởi Cư chú từ thời tiên đế. Vị quan bộ Lại ấy lấy thánh chỉ ra, toàn bộ Khởi Cư lang và Khởi Cư xá nhân trong phòng quỳ xuống đất. Ông ta dõng dạc tuyên đọc: “Các khanh, trẫm vâng mệnh trời cao, Trung Thư tỉnh Khởi Cư xá nhân Đường Thận văn nhã khiêm đạt, giữ vững phép tắc kỉ cương triều đình, trong đời sống càng bội phần trung thực. Nay thăng làm Khởi Cư lang ngũ phẩm, nhậm chức ngay trong ngày hôm nay, khâm thử. Tháng Giêng, năm Khai Bình thứ hai mươi tám.”
Cùng lúc đó, viên quan bộ Lại lấy một thánh chỉ khác ra: “Các khanh, trẫm vâng mệnh trời cao, Trung Thư tỉnh Khởi Cư lang Trương Tư kính mẫn cung thân, từ thiện đạt nhã. Nay thăng làm Ngu bộ lang trung bộ Công, hàm tứ phẩm, nhậm chức ngay hôm nay, khâm thử. Tháng Giêng, năm Khai Bình thứ hai mươi tám.”
Tất cả mọi người vô cùng kinh hãi, Đường Thận và Trương Tư lĩnh thánh chỉ.
Chờ viên quan ấy đi rồi, mọi người xúm lại chúc mừng Trương Tư và Đường Thận thăng chức. Trương Tư cười ngại ngùng: “Đa tạ chư vị đồng liêu.”
Được cất nhắc từ ngũ phẩm Khởi Cư lang lên tứ phẩm Lang trung bộ Công tưởng chừng như là sự thăng tiến; song thực chất, được thăng chức kiểu này đồng nghĩa với việc rời xa trụ cột hoàng quyền, từ giờ không thể thường xuyên thấy vua nữa! Con đường cho Khởi Cư lang và Khởi Cư xá nhân thường có hai nhánh, một là từ Khởi Cư lang thăng lên thành quan Trung Thư, ví dụ như Trung Thư xá nhân, vẫn có thể diện thánh thường xuyên. Nhánh còn lại là bị tách khỏi trung tâm hoàng quyền một cách triệt để.
Trương Tư có thể không chỉ dừng lại ở chức Lang trung tứ phẩm, nhưng muốn quay lại Trung Thư tỉnh chỉ e là rất khó khăn. Giờ gã bị thuyên chuyển từ Trung thư tỉnh sang Thượng thư tỉnh, trong tương lai, trừ khi phấn đấu lên thành Thượng thư một bộ, còn đâu coi như hết đường quay về Trung thư tỉnh đầy quyền uy
3.
Mọi người lại quay sang chúc mừng Đường Thận.
Đường Thận vẫn chưa hết ngạc nhiên, cậu chắp tay: “Đa tạ chư vị đồng liêu.”
Trương Tư nhìn về phía Đường Thận bằng ánh mắt ghen tị và ước ao.
Việc bổ nhiệm, điều động hai viên quan tứ phẩm ngũ phẩm chỉ như gợn nước trên triều đình, chẳng gây ra nổi sóng gió gì cả. Nhưng năm Khai Bình thứ hai mươi tám, ngay sau dịp lễ năm mới, hoàng đế Triệu Phụ tuyên thánh chỉ, ra lệnh xây dựng một tuyến quan đạo và một kênh đào từ Thịnh Kinh lên phía Bắc!
Mệnh lệnh này khiến quần thần trên triều phải sửng sốt.
Tả thị lang bộ Hộ – Từ Lệnh Hậu bước lên một bước, tâu: “Bệ hạ, từ năm Khai Bình thứ mười, hai nước Tống Liêu kí hòa ước đến nay đã là mười tám năm. Trong mười tám năm vừa qua, thiên tai không ngừng xảy đến. Xa xôi không nói đến, gần thì ba năm trước vừa có nạn tuyết lớn ở miền Nam, năm ngoái thì tỉnh Hà Nam hạn hán nghiêm trọng. Quốc khố eo hẹp, việc xây dựng quan đạo và kênh đào, kính mong bệ hạ cân nhắc lại!”
Hữu thị lang bộ Công – Tạ Thành phất tay áo, thưa: “Hai nước đình chiến đã mười tám năm, từ cổ chí kim, thiên tai đã khi nào ngưng nghỉ. Nếu không có nhân họa, chỉ có thiên tai, vì cớ gì quốc khố mãi chẳng đầy? Ý của Từ thị lang là, trong quá trình bệ hạ tại vị, thiên tai nhiều hơn so với trước sao?”
Vương Trăn vốn lắng nghe với tâm thế bình thản, nhưng riêng câu này của Hữu thị lang bộ Công lại khiến chàng liếc ông ta một cái.
Từ Lệnh mặt đỏ phừng phừng: “Thần tuyệt đối không dám có ý đấy ạ! Quan đạo có thể không tính, nhưng từ xưa đến nay, mỗi lần xây dựng kênh đào đều tốn kém rất nhiều tiền của. Mong bệ hạ lùi kì hạn lại, công trình này không thể hoàn thành trong một sớm một chiều được ạ!”
Tạ Thành tiếp tục tâu: “Thần cho rằng, từ triều đại trước, Đại Vận Hà bắt nguồn từ Thịnh Kinh ở phương Bắc, xuôi nam về Tiền Đường, nối liền phía Nam nước ta. Giờ xây thêm một kênh đào nữa dọc lên phương Bắc thì từ nay về sau, Nam Bắc sẽ được nối liền thông suốt, tạo phúc cho ngàn đời sau!”
Nhất thời, các đại thần đều nêu ý kiến của mình.
Triệu Phụ ngồi trên ngai rồng, chờ các đại thần ồn ào tranh luận xong xuôi đến hết hơi, ông ta mới nhìn Thượng thư bộ Công – Viên Mục, hỏi: “Ý Viên khanh thế nào?”
Viên Mục tiến lên một bước, hành lễ thưa: “Lợi ích của công trình này sẽ tồn tại mãi về sau. Thần cho rằng như thế quá tốt.”
Triệu Phụ lại hỏi Vương Trăn: “Còn Tử Phong thì sao?”
Vương Trăn bước ra khỏi hàng ngũ quan lại, hành lễ nói: “Khi xưa Dương đế nối liền phương Nam, mang lại ích lợi cho hàng trăm thế hệ. Ngày nay bệ hạ nối liền phương Bắc, gắn kết hai miền Bắc Nam, đương nhiên là đại sự thiên cổ. Nhưng Dương đế xây được kênh đào thông suốt miền Nam, vốn phải dựa vào hệ thống sông nước phương Nam dày đặc, nguồn nước mưa dồi dào. Phương Bắc Đại Tống ta sông ngòi thưa thớt, hạn hán liên miên. Thần cho rằng việc xây kênh đào nên hoãn lại. Chi bằng thay vì xây kênh đào, chúng ta xây ba tuyến quan đạo, thông về ba hướng Đông, Tây, chính Bắc.”
Các quan bộ Hộ lập tức ủng hộ: “Thần tán thành.”
Viên Mục nhìn Vương Trăn – chàng đã lại hướng ánh mắt xuống sàn điện – nghĩ bụng nhà ngươi nói thì nghe có vẻ kín kẽ đấy, nhưng chẳng phải chỉ muốn tiết kiệm tiền thôi hay sao. Trong lòng thì rủa thầm Vương Tử Phong, nhưng bản thân Viên Mục cũng biết việc xây kênh đào lên phía Bắc tốn kém vô cùng. Vì vậy ông ta cũng nói: “Thần tán đồng ạ.”
Triệu Phụ bảo: “Thế thì cứ y lời Tử Phong nói, bãi triều.”
Bãi triều xong, trên đường trong cung, Viên Mục ngăn Vương Trăn lại. Vương đại nhân mỉm cười, Viên đại nhân thì cạn lời: “Không xây kênh đào được thật à?”
Vương Trăn: “Nếu bộ Hộ cấp tiền được, thì bộ Công các ông có xây nổi không?”
Viên Mục á khẩu.
Bộ Công của ông ta đúng là không xây nổi Đại Vận Hà lên miền Bắc.
Lúc này, Đại thái giám Quý Phúc đi tới. Lão ta vái chào, rồi nói với Vương Trăn: “Vương đại nhân, bệ hạ triệu kiến.”
Vương Trăn theo Quý Phúc đến điện Thùy Củng.
Thấy chàng, Triệu Phụ có vẻ vui, cười nói: “Tử Phong đã sớm biết rồi phỏng?
Vương Trăn quan sát xung quanh, hôm nay Khởi Cư lang là Lý Thư, Khởi Cư xá nhân là Quách Tuệ. Hai người này đều là tâm phúc của Triệu Phụ. Mỗi khi Triệu Phụ triệu Vương Trăn đến để nói một số chuyện bí mật, hai người này đều tỏ vẻ như không nhìn thấy, cũng không chép lại vào Khởi Cư chú.
Vương Trăn không hiểu gì, thưa: “Thần không hiểu ý bệ hạ.”
Có lẽ Triệu Phụ đang rất hưng phấn. Ông ta rời ngự tọa, đi vòng quanh nhìn Vương Trăn một hồi mới nói: “Hóa ra ngươi không biết thật! Thế thì sư huynh đệ hai người các ngươi có thần giao cách cảm rồi.”
Hãy quá ad ii