AI LÀ ĐỊNH MỆNH CỦA AI

9.
Sau hôm đi du thuyền về, Chu Nhất Minh mò đến nhà tôi mượn quyển Ba trăm bài thơ Đường thật. Tôi vừa tức vừa buồn cười. “Hồi thi đại học có thấy anh chăm chỉ như thế đâu? Cấp ba cũng không thấy nỗ lực nghiên cứu gì, đến nỗi trượt đại học.”
Anh ta cười cợt nhả. “Sao so sánh như thế được, đại học thì có gì thú vị? Giờ anh trai chỉ vì người đẹp nên mới khổ luyện thôi.”
Thành tích học tập của Chu Nhất Minh từ nhỏ đã chẳng ra gì. Thực ra không phải anh ta dốt, nhưng có trời mới biết làm thế nào để nhét mấy quyển sách vào đầu anh ta được. Cô giáo Thường dạy Ngữ văn lớp anh ta hồi tiểu học mỗi lần nhắc đến anh ta đều dở khóc dở cười, bởi vì anh ta nổi tiếng là chúa viết sai.
Buồn cười nhất là có một bài tập ngữ văn yêu cầu phải viết hai câu thành ngữ liên quan đến động vật. Anh ta viết: “Con ngỗng bay lên cung trăng” (viết đúng là “Hằng Nga bay lên cung trăng”[12]) và viết “Con rết mà về” (viết đúng là “Không công mà về”, “Về không công”[13]). Cô giáo Thường tức quá lôi anh ta lên văn phòng mắng ột trận, còn bắt anh ta viết bản kiểm điểm nữa.
[12] Trong tiếng Trung, từ “con ngỗng” và “Hằng Nga” đọc hơi giống nhau.
[13] Trong tiếng Trung, từ “con rết” và “không công” đọc giống nhau.
Vừa nhìn bản kiểm điểm anh ta đưa, cô giáo Thường đã tức còn tức hơn. “Cô giáo Thường, em sai rồi...” Đấy, vừa viết đã sai, bản kiểm điểm này coi như chẳng có tác dụng gì.
Cho đến tận bây giờ thỉnh thoảng anh ta vẫn mắc lỗi một cách hài hước như thế.
Nhà anh ta ở tầng một nên trước cửa có khoảng đất rộng hơn một chút. Mẹ anh ta sau khi nghỉ hưu, chán không có việc gì làm liền cải tạo chỗ đất trống đó thành một khoảng sân nhỏ, ngoài trồng cây cảnh bà còn nuôi vài con gà. Thường ngày Chu Nhất Minh rất thích ăn trứng gà, chiên hấp hầm nấu thế nào anh ta cũng ăn tuốt. Vì thế mẹ anh ta nuôi mấy con gà đẻ trứng để ngày nào anh ta cũng có trứng ăn.
Hôm con gà mái nhà anh ta đẻ trứng lần đầu tiên, anh ta vui mừng hớn hở khoe trên blog là: “Mẹ già nhà tôi bắt đầu đẻ trứng rồi”, ha ha ha ha...

“Gà mái” anh ta lại viết thành “mẹ”, tôi nhìn thấy mà cười vỡ cả bụng, ha ha ha ha! Tôi chạy đi tìm bà Chu “mật báo”, bà liền quay sang cốc vào đầu cậu ấm một cái, mắng: “Tên tiểu tử chết tiệt này, mẹ của con làm sao đẻ được trứng? Nếu có đẻ được thì đúng là kiếp này đã trót đẻ ra một quả trứng thối là con thôi.”
Sau khi Chu Nhất Minh cầm cuốn Ba trăm bài thơ Đường về, tôi liền gọi điện cho Điền Tịnh, kể cho cô ấy nghe chuyện tiếu lâm này. Cô ấy nghe vẻ rất thích thú. “Wow, Chu Nhất Minh lần này quyết tâm nghiên cứu thơ ca cơ đấy. Đợi vài hôm nữa gọi anh ta đến, kiểm tra xem học hành tiến bộ đến đâu rồi.”
Tôi đương nhiên tán đồng. Nhưng mấy hôm sau tôi chẳng có thời gian mà quan tâm xem anh ta tiến bộ hay chưa bởi vì nhà họ Đới có chuyện, bà Đới bị cảm.
Cảm cúm không phải là bệnh gì nghiêm trọng, nhưng đối với người đang trong quá trình điều trị hoá chất thì một lần bị cảm nhẹ cũng có thể đe doạ đến tính mạng. Đối với những bệnh nhân ung thư, sức đề kháng với virus vốn đã kém, một khi bị virus cúm tấn công bất ngờ, hàng rào miễn dịch vốn đã mong manh bị tan vỡ thì chỉ có đi đời nhà ma. Cho nên khi bà Đới bị cảm, cả nhà Đới Thời Phi không dám lơ là chút nào.
Đới Thời Phi xin nghỉ phép một tuần để về nhà đưa bà đi khám bệnh, uống thuốc. Người bình thường bị cảm thì chỉ một tuần là khỏi, nhưng vì hệ miễn dịch của bà kém nên bệnh thuyên giảm rất chậm, lại còn bị ho, nghẹt mũi khó chịu.
Là bạn gái của Đới Thời Phi, hằng ngày, sau khi tan làm tôi vội vàng chạy sang nhà anh ấy, đến một cái là lao vào bếp nấu những món xúp vừa dễ tiêu vừa bổ dưỡng cho bà bồi bổ sức khoẻ. Về mặt này, tôi rất có kinh nghiệm. Hồi mẹ đẻ tôi bị ốm nặng, tôi đã nghiên cứu và nấu những món xúp rất ngon. Bà Đới không thấy ngon miệng, cái gì cũng không muốn ăn nhưng tôi nấu xúp thì bà ăn được nhiều hơn một chút. Thật nở mày nở mặt! Bà khen tôi nấu ăn ngon, còn nói thời buổi này thật khó tìm được một cô gái chịu vào bếp, bà rất hài lòng vì con trai bà đã tìm được một người như thế.
Bà Đới tuy bị ốm nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, bà đã khen ngợi tôi rất nhiều. Bà mà khen nữa, chắc tôi phổng mũi lên mất.
Đới Thời Phi vì thế rất biết ơn tôi. Hết tuần nghỉ phép, anh ấy đã trịnh trọng giao phó mẹ mình cho tôi. Anh ấy nói: “Yên Phiên Phi, anh giao mẹ cho em. Chắc chắn em sẽ khiến anh yên tâm mà, đúng không?”
Vì sự tin tưởng của Đới Thời Phi và vì muốn anh ấy yên tâm nên bất luận thế nào tôi cũng không thể phụ lòng tin của anh ấy. Đới Thời Phi đi rồi, hằng ngày sau khi tan làm tôi vẫn chạy đến nhà họ Đới trình diện, như một nàng dâu hiếu thảo bận rộn nấu nướng trong bếp một hồi, sau đó bưng bát xúp lên đưa cho bà Đới ăn, thường sau mười giờ tối tôi mới về nhà.
Bố tôi có thói quen ngủ sớm dậy sớm, hằng ngày cứ chín giờ ba mươi là ông đi ngủ, thế nên khi tôi về đến nhà thì ông đã ngủ mất rồi. Buổi sáng đúng sáu giờ ba mươi ông dậy, đi bộ ra công viên gần nhà tập thể dục một tiếng, sau đó ăn sáng rồi thong dong về nhà. Lúc đó thì tôi đã đi làm rồi.

Mấy ngày liền lão nhân gia không thấy mặt mũi con gái rượu đâu, trong lòng cũng có chút ấm ức, hôm nay gọi điện cho con gái hỏi: “Tối nay con về nhà ăn cơm chứ?”
“Bố, không phải bố không biết, mẹ của Đới Thời Phi đang bị ốm, con phải đến chăm sóc giúp nên không về nhà ăn cơm đâu, bố và dì Thạch cứ ăn đi.”
Bố tôi không hài lòng chút nào, nói: “Nuôi con gái đúng là nuôi hộ người ta, còn chưa gả đi mà đã một lòng hướng về người ta rồi. Sao không ở luôn bên ấy đi, còn về nhà làm gì?”
Đương nhiên biết bố nói thế là đang giận dỗi nhưng hôm nay sau khi đến nhà họ Đới, bà Đới ngỏ ý muốn tôi ngủ lại, nói là ngày nào tôi cũng về một mình đêm hôm khuya khoắt như thế bà không yên tâm, chi bằng mang vài bộ quần áo đến đây ở tạm một thời gian.
Tất nhiên tôi sẵn sàng nhưng bố tôi lại không đồng ý. Ông còn nổi cáu: “Không được, tuyệt đối không được. Con nên nhớ là bố sẽ không đồng ý cho con chuyển sang nhà họ Đới ở. Sau khi con và cái tên Đới Thời Phi gì gì đó yêu nhau, con toàn sang đó thay nó chăm sóc mẹ nó, còn bố thì vẫn chưa biết mặt mũi nó thế nào. Làm bạn trai như thế mà được à? Toàn là con sang đó, còn nó ngay cả một lần đến thăm hỏi xã giao cũng không. Con gái ngốc nghếch ơi, con như thế có khác gì đồ bỏ đi không ai thèm lấy chứ, có hiểu không hả?”
Những lời bố nói tuy không lọt tai nhưng tất cả đều là sự thật. Tôi luôn chống đối, cãi lại ông nhưng lần này một từ cũng không nói lại được.
Kể cũng đúng, tôi chăm sóc mẹ Đới Thời Phi ốm bao nhiêu ngày trời như thế nhưng anh ấy không bao giờ nhắc đến chuyện thăm hỏi, ra mắt bố tôi. Trước đây tôi không để ý đến mấy chuyện này, giờ đã được bố nhắc nhở.
Khi bà Đới một lần nữa thúc giục tôi qua đó ở vài hôm, tôi đã khéo léo chuyển lời của bố tôi tới bà, bà vội vàng tỏ ý xin lỗi, nói gia đình bà tuyệt đối không có ý chậm trễ, chỉ vì lần này sức khoẻ của bà không được tốt nên Đới Thời Phi vẫn chưa thu xếp qua đó chào hỏi được, đợi cuối tuần này Đới Thời Phi về, bà nhất định sẽ bảo anh ấy sang nhà tôi ra mắt.
Quả nhiên, Chủ nhật Đới Thời Phi xách quà sang nhà tôi chào hỏi.

Trước đó tôi đã làm công tác chuẩn bị rồi, bảo anh ấy lựa mua những đồ bố tôi thích: hai chai rượu ngũ lương[14] và một cây thuốc lá Trung Hoa. Về lý mà nói, một người chỉ thích rượu và thuốc lá như bố tôi nhìn thấy hai thứ này thì mắt phải sáng lên mới đúng, ai ngờ lão nhân gia tự nhiên lại đổi tính đổi nết, đối với rượu thuốc thì lạnh nhạt hờ hững, chỉ nhìn chằm chằm vào Đới Thời Phi, chẳng khác gì hai cái đèn pha, nhìn rất khó chịu, trán Đới Thời Phi bất giác vã mồ hôi.
[14] Loại rượu trắng nổi tiếng ở Tứ xuyên làm bằng năm loại lương thực.
Bố tôi chẳng thèm khách khí, nói thẳng vào vấn đề: “Cậu và con gái tôi biết nhau qua giới thiệu, cậu thấy nó có gì hợp với cậu? Nói một cách văn vẻ hơn thì là nó có điểm gì khiến cậu rung động?”
“Yên Phiên Phi, cô ấy... con người của cô ấy rất rốt ạ!”
“Con người của nó tốt? Tốt ở điểm nào? Có thể nói cụ thể hơn không?”
“Cô ấy... tốt bụng, tính tình cũng rất tốt ạ!”
“Ví dụ?”
Bố tôi cứ như giáo viên dẫn dụ học sinh tiểu học trả lời bài, còn Đới Thời Phi răm rắp nghe theo: “Có một lần, cháu và cô ấy đi leo núi, cháu... vô tình khiến cô ấy phải lúng túng khó xử nhưng sau đó cô ấy không hề tức giận. Tính tình rất tốt. Còn nữa, cô ấy làm việc ở trường mầm non, vì mải chăm sóc một đứa trẻ bị ốm mà quên ăn cơm. Thật sự rất tốt bụng. Ngoài ra, cô ấy còn chăm sóc mẹ cháu rất tận tình, chu đáo. Mẹ cháu nói...”
Tiếp đó anh ấy nói mẹ mình hài lòng về tôi thế nào, bố tôi càng nghe càng chau mày cau mặt: “Sao nói tái nói hồi vẫn là mẹ cậu nói thế? Còn cậu thì sao? Cậu cảm thấy con gái tôi thế nào?”
Đới Thời Phi bị bố tôi vặn vẹo, mặt mũi đỏ ửng, ấp a ấp úng: “Cháu đối với cô ấy... cũng cảm thấy rất tốt ạ!”
Có lẽ bố tôi cảm thấy nói mãi cũng vô ích, liền đưa ra một loạt các câu hỏi rất thẳng thắn: “Đới Thời Phi, cậu và con gái tôi bây giờ cũng coi như đang có quan hệ yêu đương. Tôi hỏi cậu, cậu có yêu con gái tôi không? Khi không gặp nó, cậu có nghĩ đến nó, nhớ nó không? Khi gặp nó, cậu có thấy vui mừng không? Khi ở bên nó, cậu có cảm thấy thời gian trôi nhanh không? Khi hai đứa xa nhau, cậu có cảm giác một ngày dài bằng một năm không? Nó có phải là người cậu muốn cùng sống tới trọn đời không? Tôi hy vọng cậu trả lời thành thật, không nên lừa dối bản thân, càng không nên lừa dối người khác.”
Đới Thời Phi đột nhiên cứng đơ người như đóng băng, bố tôi đợi một hồi vẫn chưa nhận được câu trả lời, cũng chẳng cần anh ấy phải trả lời nữa. “Thôi được, cậu không cần phải nói gì thêm nữa, cứ về suy nghĩ đi đã.”

Tôi cứ trơ trơ nhìn bố tôi giáo huấn Đới Thời Phi rồi đuổi anh ấy về, không biết dùng từ gì để diễn tả nữa.
Tôi biết bố vì muốn tốt cho tôi, cũng rất rõ Đới Thời Phi đối với tôi không bằng tôi đối với anh ấy. Sau khi chúng tôi xem mặt rồi quen nhau, nói là đang hẹn hò nhưng thực tế quan hệ vẫn không có gì tiến triển. Ngoài những lúc sang đường, thỉnh thoảng anh ấy lịch sự kéo tay tôi ra thì không hề có cử chỉ thân mật nào khác.
Nhưng tôi không nhụt chí, có cơ hội được ở bên người yêu lý tưởng của mình là tốt rồi, ngày trước muốn có cơ hội như thế cũng không được. Vì thế tôi đã cố hết sức thể hiện hết những mặt tốt nhất của mình cho Đới Thời Phi và gia đình anh ấy thấy, hy vọng bọn họ sẽ thích tôi.
Những ngày bà Đới bị ốm, tôi đã không dễ dàng gì để vượt qua! Đi làm phải đối phó với lũ trẻ, về nhà lại chăm sóc người già bệnh tật, mệt đến mức không cần phải uống thuốc giảm béo cũng gầy đi mấy cân. Tôi vất vả, khổ sở như vậy, bố tôi đã không hợp tác lại còn làm hỏng hết đại sự.
Sau khi Đới Thời Phi đi khỏi, ông lại quay sang giáo huấn tôi: “Phiên Phi, con hãy nghe bố nói. Người đàn ông đó không hợp với con đâu. Những lời cậu ta nói vừa nãy bố nghe là hiểu, không phải cậu ta thích con mà là mẹ cậu ta thích con. Cậu ta hoàn toàn vì mẹ mình cần người chăm sóc nên mới chọn một giáo viên tốt tính, tốt nết, có tấm lòng nhân ái, kiên nhẫn, tỉ mỉ như con thôi.”
Những lời lẽ khó nghe này chẳng lẽ tôi lại không mơ hồ đoán được? Chỉ là mỗi lần như vậy lại như con đà điểu vùi đầu trong cát[15] mà thôi. Bây giờ bố tôi nói thẳng ra, tôi chẳng khác nào bị người ta đâm ột nhát nhảy dựng lên, mặt đỏ tía tai, gân cổ cãi: “Cứ cho là như thế thì đã sao ạ? Anh ấy hiếu thảo với bố mẹ như vậy thì cũng coi là người tốt.”
[15] Hình ảnh ẩn dụ chỉ việc muốn trốn tránh thực tế.
“Với tư cách là một người con thì cậu ta thực sự hiếu thảo, nhưng nếu chỉ vì thuận lợi cho việc chăm sóc mẹ mình bị ốm mà tuỳ tiện chọn một người bạn gái, không cần để ý đến cảm xúc, tình cảm, chỉ cần có thể chăm sóc tốt ẹ mình thì thực sự không thể coi cậu ta là người tốt được. Phiên Phi, con chớ nên bị vẻ bề ngoài khôi ngô, tuấn tú của một người đàn ông làm ờ mắt, cần phải biết vỏ quả lê xanh, nhìn thì đẹp nhưng không ăn được!”
Đạo lý này không phải tôi không hiểu, nếu chuyện xảy ra với người khác, tôi cũng sẽ như bố, khuyên nhủ họ chọn người yêu chớ nhìn vẻ bề ngoài, phải chú trọng đến vẻ đẹp bên trong. Nhưng khi chuyện xảy ra với mình lại khó tránh khỏi việc người ngoài cuộc tỉnh táo hơn kẻ trong cuộc.
Tôi luyến tiếc không nỡ bỏ Đới Thời Phi bởi vì trong suy nghĩ của tôi, anh ấy là ứng cử viên sáng giá nhất để làm người yêu lý tưởng của tôi từ trước đến nay. Hơn nữa, anh ấy lại tự nguyện muốn cùng tôi thiết lập mối quan hệ yêu đương. Bất luận anh ấy đồng ý hẹn hò với tôi vì lý do gì, tôi cũng không dễ dàng từ bỏ cơ hội này. Có thể bây giờ anh ấy không có tình cảm với tôi nhưng tôi tin tình cảm có thể dần dần bồi đắp. Sau một thời gian chúng tôi ở bên nhau, tôi không tin mình không thể nắm bắt được trái tim anh ấy.
Vì thế tôi kiên quyết không nghe lời khuyên của bố: “Việc của con tự con giải quyết, không cần bố phải quan tâm. Con vẫn muốn ăn quả lê xanh ấy.”


Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi