ÁN TREO LINH HỒN



Y quả thật không hiểu kế hoạch của Lý Vi.
Coi như nổ quảng trường thành một hòn đảo biệt lập đi, nhưng bên dưới vẫn là nguồn nước kết nối thành mạch sông ngầm thì có ảnh hưởng gì việc gây ô nhiễm đâu?
Mà đám trẻ này… Y ngước nhìn thiết kế vòm phía trên cái bệ tròn thì thấy nó làm bằng kính và cao phải đến mấy tầng từ nơi y đứng, nếu muốn leo lên để cứu người là bất khả thi.
Ở bên cạnh có một cầu thang rất dài.

Quảng trường kia bị nổ tanh bành giờ như một chiếc bập bênh, chếch về góc phải phía dưới có một tảng đá lớn đang chống đỡ nhưng đã bị nghiêng về bên trái.

Thế là lũ trẻ đứng bên trên đành phải tự cân bằng bằng cách đứng dàn ra bên trái năm người, bên phải mười lăm người, mới vừa vặn đối xứng được trọng lực.

Nếu cái thang bị dựng lên một bên, trọng lượng giảm xuống, nó sẽ bị nghiêng đột ngột và người bên còn lại chắc chắn không thể sống nổi.
Tình huống cái thang dài là vậy.

Y không rõ vì sao Lý Vi muốn nhốt chúng vào hoàn cảnh đó.
Khó hiểu nhất chính là, Lý Vi làm sao tính toán góc độ một cách chính xác đến mức không có bất kỳ một ai rơi xuống như vậy? Chỗ đó có một tảng đá rất lớn, sao có thể khéo léo canh vừa đủ trọng lực cân bằng hai bên?
Nhưng y nhanh chóng hiểu ra.
Một giọng nói truyền thẳng vào đầu y: “Đàm phán chút không, cậu bé.”
Vương Giác sợ ngây người, lướt nhìn chung quanh nhưng bốn phía vẫn vắng lặng.
Giọng nói kia rõ ràng truyền từ trong đầu y ra.

Giọng nói tiếp tục: “Bước ra phía sau, ta ở đây.”
Y vòng một vòng quanh rìa hố, kiểm tra kỹ lưỡng trên vách tường nhưng không tìm được cánh cửa bí mật nào.
“Nhìn xuống dưới.”
Y ngoái đầu nhìn lại bệ tròn.

Khôi Kình thế mà đang đứng dưới bập bênh kia, phía sau tảng đá to y thấy ban nãy.

Gã đang giơ cao hai tay đỡ phiến đá hòng cố gắng giữ vững thăng bằng mỏng manh này, trông như sắp kiệt sức đến nơi rồi.
Gã nhảy xuống đây bằng cách nào?
Nhảy xuống… để cứu số thuốc này ư?
Khoan đã, dù những đứa trẻ này có rơi xuống thì thuốc vẫn sẽ ngấm vào mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, nếu vậy trên lý thuyết thì gã vẫn đạt được hoài bão cơ mà.
Thế rồi, y chợt chú ý đến  — đám trẻ con này.
Y mới vỡ lẽ thì ra Lý Vi hiểu vấn đề này còn sâu sắc hơn.
Y bất chợt nhớ lại lúc Lý Vi ôm lấy mình trong làn sóng nổ, anh đã thì thầm đôi lời bên tai y giữa tiếng nổ vang rền.

Trong đó anh có nói:
“Đừng để bị đe doạ, ông ta sẽ không giết tôi.”
Thì ra anh vốn không bận tâm mấy đến góc độ chuẩn xác mà chỉ đang dẫn rắn ra khỏi hang, dùng thứ gã ta trân quý để ép gã theo đúng phong cách ăn miếng trả miếng.
Tức là gã không hề nhảy xuống, mà gấp rút hết cỡ chạy đến ngay trước khi bục đá nổ tan tành.

Y đã từng trải nghiệm sức lực của Khôi Kình, tuy làm vậy có chút cố sức nhưng quả thật vẫn trong khả năng.
Gượm đã, hay là còn trước đó nữa.

Lý Vi đã sớm buông lời đe doạ gã nên cơn đau trong đầu y mới bất chợt biến mất?
Thì ra là thế, người không e ngại sóng dữ đều đã sớm có chuẩn bị kỹ càng.
Y liếc nhìn cổng vòm.
Khi lập kế hoạch, Lý Vi đã tạo cho y ưu thế tuyệt đối trên bàn đàm phán và đảm bảo an toàn cho chính y.

Y khẽ chạm tay vào khẩu súng Lý Vi đưa cho và cảm thấy an tâm thêm mấy phần.
Y nén lại cảm xúc rồi bình tĩnh đáp: “Ông muốn đàm phán cái gì?”
“Cứu các con của ta.” Khôi Kình đứng cách y vài bước nhưng giọng nói vang lên rõ ràng trong đầu y: “Thế nào?”
“Điều kiện là gì?”
“Ta nói rồi, trẻ con vô tội.” Khôi Kình nói: “Ta sẽ đưa mạch điều khiển của Lý Vi cho cậu.”
Vương Giác giật mình, nhưng nhớ đến lời dặn dò của Lý Vi bèn kiên định nói: “Tôi không cần.”
“Ta đã là nỏ hết đà.” Khôi Kình do dự nhìn y rồi nói thêm: “Ta không thoát khỏi nơi này được nữa.”
Đúng vậy, từ phân tích của bản thân y cũng biết được gã không thể thoát khỏi nơi này được nữa.
Vậy tại sao gã bất chấp nguy hiểm mà chạy đến cứu những đứa trẻ này?
Có lẽ bên trong căn phòng giám sát nhỏ bé kia, những lời lên án việc sát hại trẻ nhỏ của Khôi Kình là thật lòng.
Y nghĩ sao cũng không thể ngờ được, một Khôi Kình với khả năng chấn động đất trời sau nhiều năm ẩn mình thế mà sẵn sàng đánh đổi mạng sống mình cho những đứa trẻ kia.

Và thậm chí còn sẵn sàng từ bỏ kế hoạch tái thiết xã hội.
Thật vậy, rơi vào chính mình chẳng qua ai cũng chọn tư lợi.

Khôi Kình từng nói tất thảy mọi thứ hắn làm đều vì xã hội này.

Không lẽ gã thực sự là một kẻ tử vì đạo, có thể hy sinh tất cả vì đại nghĩa?
Ừ thì, xem như gã quán xuyến tư tưởng chín chắn và vị tha, nhưng con đường gã chọn đã ngăn lối vô số người.
Vào hôm nay, gã muốn thay trời hành đạo.
Lý Vi rất hiểu gã.

Nếu Lý Vi hiểu gã đến vậy, y cũng không thể phụ lòng con át chủ bài được anh trao cho.
“Hừ.” Y cười lạnh: “Ông cũng không thể sống hết hôm nay.


Ở đây không có gì để đàm phán cả.”
“Giết ông rồi.” Vương Giác nói: “Để cho lũ trẻ kia thay ông hoàn thành nghiệp lớn? Tôi khuyên ông sống chết gì cũng cứ ở yên đó đi.”
“Cứu các con ta đi.” Gã rầu rĩ: “Ta biết cậu cứu được chúng.”
Đúng vậy.
Vương Giác sẽ không bỏ mặc lũ trẻ kia.

Con người vốn là thế đấy, chưa thấy cảnh tượng hiện ra trước mắt vẫn có thể mạnh miệng khẳng định tôi chọn anh không chọn thế giới; song đến khi thấy mười mấy đứa trẻ đang bấp bênh trên bờ sự sống thì làm sao có thể thờ ơ bỏ mặc?
Huống hồ, họ còn đồng cảm với nhau.
“Được.” Vì vậy y thoải mái đáp lời với Khôi Kình đang không thể cử động: “Bên kia có một cái thang dài, ông cứ giữ lấy nó đi, nếu ông chết thì không ai cứu chúng đâu.”
Khôi Kình nở nụ cười hài lòng: “Cậu không sợ các con ta phá bĩnh ư?”
Vương Giác cũng cười.
“Tôi thật không hiểu vì sao nhóm phản diện các người cứ thích phải đúng lúc đúng giờ mới chịu.”
“Lúc tôi đang nói chuyện với ông thì đường nước đã bị chặn lại rồi.” Vương Giác mềm mỏng nói: “Là tác phẩm của Tịch Miên và Lý Vi mà ông yêu thương nhất đấy.

Họ vốn chỉ muốn dụ ông ra hòng chấm dứt hậu hoạn thôi.

Ông có giữ lại đám trẻ cũng bằng thừa.”
“Ông đã không còn cơ hội nữa rồi.”
Khôi Kình dần cười thành tiếng.
“Hai người chúng?” Khôi Kình lắc đầu không chút nuối tiếc, không chút tuyệt vọng, nhưng trong đáy mắt ánh lên sự ngỡ ngàng: “Tại sao là chúng?”
“Quá ích kỷ, quá ích kỷ.”
“Sao ngay đến chúng cũng không hiểu được ta? Ta chỉ giúp chúng hoà nhập xã hội bằng một phương thức cực đoan.

Ta đánh đổi cuộc sống để lấy sinh mệnh.” Khôi Kình hỏi y: “Cậu cảm thấy cậu đang sống sao?”
Vương Giác phớt lờ gã.

Y vất vả toát mồ hôi mới bắt được cây thang dài mấy tầng lầu lên đỉnh khoảnh đá bập bênh.

Khi nó đập lên tảng đá đã tạo một cơn chấn động kinh hoàng làm lũ trẻ đồng loạt nằm rạp xuống bám chặt nền đá.

Khôi Kình đang chống lấy chân đá để cân bằng càng phải chịu trọng lực nặng nề hơn, lên tới cả ngàn cân, cả người gã run rẩy gắng gượng mà đỡ.
“Bỏ ống nghiệm đi.” Vương Giác mặc kệ gã, phủi tay cho vơi bụi rồi hô lên: “Sang đó tìm Lý Vi ca ca của các cậu đi.”
“Từng người từng người nỗ lực, thứ thôi thúc mỗi cá nhân nỗ lực không gì khác hơn là vì những người khác cũng đang nỗ lực.” Khôi Kình lẩm bẩm một mình.
“Cố gắng học tập, mang lòng cầu tiến, cống hiến xã hội, nâng cao giá trị bản thân.

Nói nghe hay lắm, nhưng quẩn lại cũng chỉ để bản thân lọt vào mắt tư bản, giúp bản thân hiểu rõ kỹ năng thi cử, bao nhiệt huyết cũng chỉ dành cho đam mê lừa đảo.

Đây chính là những thủ đoạn chúng dùng để đào tạo nô dịch.”
“Ta bảo cậu đến đây là vì cảm thấy được sau khi chìm vào hôn mê cậu có thể hiểu được ta.

Cậu nói xem, nhà nước kiểm soát từng ấy năm, từ làm việc, đến học tập, và cả những điều nghe thật mỹ miều như khám phá bí ẩn vũ trụ, truy tìm sức mạnh từ tri thức.

Nhưng đã có ai từng nói khám phá mới là chân lý? Đặt những kiến thức của cậu vào thời đại khác thì chẳng khác gì xe cát dã tràng.”
“Cậu bé, cậu có thiên tư hơn người, mười tám năm rèn sách cũng đã tích luỹ không ít kiến thức đúng không.” Khôi Kình hỏi y: “Khi tỉnh lại phát hiện đã bị tách lìa với thời thế có cảm giác thế nào?”
Vương Giác há miệng mà không thể phản bác gã.
Tuy thời thế vẫn chưa phát triển vượt bậc đến mức tách lìa hoàn toàn khỏi y, nhưng khi thấy Lý Vi thoa chất kết dính ngoài da lên vết thương ở lòng bàn tay, thế giới quan của y vẫn không khỏi lung lay.

Thứ đó như xuyên thấu qua da, làm vết thương nhanh chóng khép miệng và khôi phục nguyên trạng, không để lại chút dấu vết nào, một vệch cũng không nhìn ra.
Điều này cũng đồng nghĩa, một khi loại thuốc này được tung ra thế giới, toàn bộ kiến thức y có được từ thời đại học sẽ hoàn toàn là một trò đùa.
Nào là khám nghiệm dấu vết tử thi, nào là chồng chất những quyển tài liệu học tập, đều sẽ thành giấy vụn.
Những nỗ lực học tập của biết bao người đến cuối đều chỉ là công dã tràng
Nên có thể nói, Lý Vi và y là ảnh mẫu thu nhỏ của hai thế giới song song, có cố gắng đến bực nào cũng không thể giao nhau, dù tất cả mọi người đều nỗ lực hướng lên trước.
Nếu sống như nước chảy bèo trôi thì nào phải đau thương đến thế; song khi đã tỏ tường một góc của chân lý thì nỗi vô định sẽ cắm rễ niềm hoang mang trọn đời.
Lấy hữu hạn mà theo đuổi vô hạn, thì chỉ có thất bại.
Chính y cũng đang bị cuốn vào suy tưởng về chủ nghĩa hư vô trong khoa học công nghệ[1] của Khôi Kình.
“Nguồn gốc của nỗi lo là gì? Lý Vi và Tịch Miên đều hiểu vấn đề này.

Không bằng cậu hỏi nó thử xem, nỗi lo bắt nguồn từ đâu?”
“Chỉ có đúng một vị trí trong căn phòng, nỗi lo đến từ con người, có quá nhiều người, quá nhiều người.”
“Chúng ta đã mệt mỏi quá rồi.

Chúng ta nên sống đơn giản một chút, có phải hay không?”
“Các ngươi cam lòng trao hết niềm tin vào trò lừa đảo này suốt một đời, mà ngay cả phút cuối cùng khi ngâm mình trong nước ấm vẫn không nguyện lòng bước ra để chào đón một tương lai tươi mới ư?”
Khôi Kình vẫn đang cố thuyết phục y, dường như gã xem y là tia hy vọng cuối cùng.
“Chỉ còn mỗi cậu có thể hiểu được ta.

Tỉnh lại đi, con trai à.

Cậu nên sớm đứng về phía này, sớm nên ủng hộ ta, để đẩy thế giới này trở về với tự nhiên.”
Từng đứa trẻ lần lượt bò dần ra, khi chúng vừa chạm bờ đã bị chích thuốc mê bất tỉnh ngay bên trong cổng vòm.

Nhưng dẫu vậy, chúng nó vẫn hùa nhau bò tới trước.
Vương Giác giật mình tỉnh ngộ.
Đúng thế, bất kể Khôi Kình đã dạy chúng ra sao, những đứa trẻ này vẫn tiến về phía trước với khao khát sống còn.
Đằng sau mỗi ô cửa quanh quảng trường này, bất kể kết cục có khắc nghiệt đến đâu, thì trong mắt từng người bọn họ vẫn lấp lánh ánh sáng kiên cường của thứ gọi là “dẫu biết sai mà vẫn làm.”
Và trong từng ấy đôi mắt, có một đôi dù cho bị thấu kính áp bức đến bực nào vẫn không khuất lấp được nhịp đập nóng bỏng và dâng trào của con tim.
Luôn bước về phía trước, không quản ngại tây đông.

Đó mới chính là bản tính.
Là bản tính, cũng là tự nhiên.
– Hết chương 51 –
Chú thích:
[1]  Chủ nghĩa hư vô (Nihilism): Có thể hiểu một cách sơ bộ là lối tư duy biện chứng phủ nhận “Mục đích sống”, người theo chủ nghĩa hư vô từ chối hoặc không có niềm tin vào ý nghĩa cuộc đời, chủ nghĩa hư vô có nhiều dạng ví dụ ‘hư vô đạo đức’ là người cho rằng không có đạo đức vốn có.

Ở đây, hư vô trong khoa học công nghệ tức là chối từ ý nghĩa mà khoa học công nghệ mang lại..


Bình luận

Truyện đang đọc