ANH KHÔNG MUỐN ĐỂ EM MỘT MÌNH

Ở độ tuổi tình yêu vừa chớm, tình yêu thầm kín trong lòng bị phát giác, cô thiếu nữ Thanh Tuyết cảm thấy xấu hổ nửa ngày, sau đó thì bắt đầu bước trên con đường công khai theo đuổi Mục Sơn. Trên con đường này, cô dũng cảm tiến về phía trước, tìm mọi cách để đạt được mục đích.

Nơi nào Mục Sơn xuất hiện, cô cũng tìm mọi cách để xuất hiện.

Có một lần, Mục Sơn là học sinh xuất sắc tham gia hoạt động xã hội do nhà trường tổ chức, Thanh Tuyết nghe thấy thế liền lập tức chủ động xin cô giáo tham gia, luôn miệng nói muốn học theo học sinh xuất sắc. Cô giáo tất nhiên không từ chối bất cứ học sinh ngoan ngoãn có ý chí phấn đấu nào, vui vẻ gật đầu đồng ý ngay.

Thế là trong quá trình đi thực tế xã hội, Thanh Tuyết tìm mọi cơ hội nói chuyện với Mục Sơn, với tâm lý háo hức, mong chờ, cô còn kể cho Mục Sơn nghe lý tưởng của cuộc đời mình. Hai người trò chuyện đến đêm khuya.

Kỳ nghỉ đông năm lớp Mười một, Mục Sơn đi làm thêm ở chuỗi cửa hàng ăn nhanh, Thanh Tuyết cũng đi làm thêm. Lúc làm thêm, nếu Mục Sơn bận không đi được, cô sẽ tích cực chủ động làm thay ca; Mục Sơn không hoàn thành công việc, cô tích cực chủ động trợ giúp; Mục Sơn gặp phải vị khách khó tính, cô càng tích cực chủ động giúp đỡ.

Dần dần, không chỉ Mục Sơn rất cảm kích cô mà bà chủ của cửa hàng ăn nhanh cũng khen ngợi cô hết lời, mỗi dịp nghỉ hè hoặc nghỉ đông đều chủ động gọi điện thoại mời cô đến làm thêm.

Có lần, Mục Sơn đăng ký tham gia cuộc thi Olympic toán. Mặc dù môn toán của Thanh Tuyết cũng chỉ miễn cưỡng đạt, vậy mà cô đã nộp phiếu đăng ký. Sau đó, cô tích cực tham gia các lớp ôn luyện, "tình cờ" gặp Mục Sơn trong lớp ôn, cùng nhau thảo luận đề bài, cùng nhau chuẩn bị cho cuộc thi, cuối cùng, Mục Sơn đứng thứ ba trong cuộc thi, còn Thanh Tuyết đứng thứ hai.

Từ đó trở đi, Mục Sơn có cái nhìn khác hẳn về Thanh Tuyết.

Không bao lâu sau là đến sinh nhật của Mục Sơn. Đó là một ngày mùa hè, Thanh Tuyết ôm chiếc cặp sách to đùng đến siêu thị, rồi mở cặp trước quầy hàng, trong đó đựng một túi tiền đầy. Đó là số tiền tích góp năm năm của Thanh Tuyết, đa số đều là tờ mười đồng, hai mươi đồng, thậm chí còn có một số tờ năm đồng. Thanh Tuyết dùng số tiền lẻ tích góp năm năm đó mua tặng Mục Sơn một chiếc máy tính bảng mốt nhất lúc bấy giờ.

Ở độ tuổi mười lăm, mười sáu, những thứ mà chúng ta có rất ít, nên những thứ muốn cho đi càng ít, nhưng chúng ta hồi đó luôn sẵn sàng cho đi tất cả những gì mình có để yêu ai đó, cho dù có thể chẳng đổi lấy được điều gì, nhưng lại khôngbao giờ tính toán được mất.

Bình luận

Truyện đang đọc