BÍCH HUYẾT KIẾM


Dưới ánh mặt trời, trường kiếm lại càng lóng lánh chói lọi. Trong lúc múa kiếm, chỉ thấy luồng bạch khí lăn đi lộn lại. Thừa Chí theo sư phụ học kiếm trong ba năm liền tài ba đã khác xưa nhiều. Nhưng mỗi khi Mục Nhân Thanh múa kiếm tới lúc thật nhanh, cậu vẫn không sao nhận rõ bộ pháp và thân pháp của sư phụ như thế nào, chỉ thấy một luồng gió hoặc như một tòa núi vậy thôi.
Múa tới miếng sau cùng bỗng nghe thấy Nhân Thanh hét lên một tiếng thanh kiếm rời khỏi tay như một tia chớp đã cắm ngập hai phần ba vào thân một cây cổ thụ cách đó hơn trượng, thấy sức lực của sư phụ mạnh lạ lùng, Thừa Chí kinh ngạc, há hốc mồm và ngẩn người ra. Bỗng nhiên nghe thấy sau lưng có tiếng người la lớn: "Giỏi lắm," cậu ngạc nhiên vì ở trên núi mấy năm nay, ngoài tiếng của sư phụ ra, không bao giờ họ nghe thấy tiếng nói của người thứ hai. Cậu quay đầu lại, thấy một đạo nhân đang vuốt râu, mỉm cười.
Đạo nhân đó mặc áo đạo bào màu vàng, sắc mặt hồng hào, tóc nhắm như sợi bạc.
- Mười mấy năm nay không thấy chú dùng kiếm, không ngờ bây giờ chú lại tiến bộ đến thế.
Nhân Thanh cả cười, trả lời:
- Kìa, Mộc Tang đạo huynh! Không hiểu cơn gió nào đã thổi đạo huynh tới nơi đây thế! Thừa Chí, con mau ra lạy chào đạo trưởng đi.
Nghe lời thầy, Thừa Chí chạy nhanh lại quỳ xuống lạy. Mộc Tăng đại nhân cười nói:
- Thôi không dám.
Rồi đưa tay đỡ Thừa Chí dậy. Phàm người học võ, hễ gặp ngoại lực áp bức, tự nhiên phản công lại ngay. Thấy Mộc Tang đạo nhân kéo mình mạnh quá, dĩ nhiên Thừa Chí phải dùng hai tay bị nắm kéo dằn lại. Chỉ có thế, Mộc Tang đạo nhân đã thử được tài nghệ cậu ta ra sao rồi. Thử xong, đạo nhân vừa cười vừa nói với Mục Nhân Thanh:
- Lão Mộc đã mấy năm nay không gặp chú, tưởng chú đi chu du tận đâu đâu, thì ra chú ẩn nấp ở đây lén lút dạy võ cho đồ đệ. Kể ra số của chú cũng may mắn lắm đấy! Sắp chết đến nơi mà còn kiếm được một nhân tài như vậy!
Hai người vẫn thường nói bông đùa nhau quen rồi, nay thấy bạn khen đồ đệ mình, Mục Nhân Thanh có vẻ khoái chí, tự đắc lắm.
Mộc Tang đạo nhân lại nói:
- Ối chà! Hôm nay bác không sẵn tiền để tặng "lì xì" cho cháu. Nhưng bây giờ đã trót nhận mấy cái vái của cháu rồi, biết làm thế nào bây giờ?
Nghe thấy đạo nhân nói vậy, Mục Nhân Thanh xúc động linh cơ nghĩ thầm: "Lão quỷ đạo nhân này tài ba độc đáo, chốn giang hồ phải tặng anh ta biệt hiệu là ⬘Quỷ Ảnh Tử⬙ (cái bóng ma). Nếu y bằng lòng dạy cho Thừa Chí một vài đường, kể cũng hân hạnh cho nó lắm rồi. Nhưng vốn dĩ y không chịu thâu nhận đồ đệ, ta phải nghĩ cách nói khích thì y mới chịu dạy."
Nghĩ đoạn, Nhân Thanh nói liền:
- Thừa Chí, đạo trưởng đã nhận lời chỉ bảo cho con, vậy con mau mau quỳ lạy tạ ơn đi!
Thừa Chí thông minh vô cùng, thấy sư phụ vừa nói dứt lời liền quỳ xuống vái lạy.
Mộc Tang đạo nhân lớn tiếng cười ha hả:
- Thôi! Thôi! Thôi! Ta chịu thầy trò ngươi rồi. Thầy nào trò nấy có khác! Sư phụ không biết xấu hổ, mà đồ đệ cũng chả ra cái quái gì! Này, bé con, cháu hãy nghe ta nói, cháu nên làm người chân chánh thì hơn, đừng học cái trò mặt dày như sư phụ cháu. Chưa biết ta định cho cháu cái gì, sư phụ cháu đã đòi ta dạy võ cho cháu ngay! Thôi được, ta đã nhận lời thì đây, ta cho cháu cái này vậy.
Nói xong, Mộc Tang đạo nhân móc túi vải đeo sau lưng, lấy ra một chiếc áo cánh đen thui thủi và nặng chình chịch đưa cho Thừa Chí.
- "Áo đó không phải bằng tơ hay lụa, không hiểu làm bằng cái quái gì nhỉ?"
Cậu đang ngẫm nghĩ thì Mục Nhân Thanh đã nói ngay:
- Đạo huynh đừng đùa giỡn trẻ con nữa! Vật quý báu như thế, cho nó sao được!
Thấy sư phụ nói như vậy, Thừa Chí mới biết cái áo cánh đó là một bảo vật kỳ lạ, liền trao trả cho Mộc Tang đạo nhân. Lão đạo sĩ xua tay nói:
- Ta có hạ tiện như sư phụ cháu đâu. Ta đã cho là cho, cháu cứ ngoan ngoãn nhận lấy mà dùng.
Thừa Chí chưa dám nhận, nhìn sư phụ như thầm hỏi ý kiến. Mục Nhân Thanh liền nghiêm trang nói:
- Nếu vậy con tạ ơn đạo trưởng đi!
Thừa Chí được lệnh của sư phụ, liền nói mấy lời cảm tạ lão sư. Mục Nhân Thanh lại nói tiếp:
- Cái áo này đạo trưởng đã tốn biết bao tâm huyết và phải thập tử nhất sinh mới lấy được báu vật ấy để hộ thân, vậy con mặc luôn áo vào đi.
Cậu nghe lời, mặc ngay cái áo cánh đó vào người. Mục Nhân Thanh nhảy tới cạnh cây cổ thụ, dùng hai ngón tay khẽ gắp thanh kiếm ngập sâu ở thân cây ra, rồi nói tiếp:
- Cái áo này đan bằng sợi bạch kim lẫn với tóc và lông của con vượn lông vàng. Bất cứ khí giới nào, dù sắc bén đến đâu, cũng không thể đâm thủng nó được.
Vừa nói dứt lời, ông ta đâm ngay một mũi kiếm vào vai đồ đệ. Nhát kiếm đó nhanh như chớp nhoáng, Thừa Chí không sao tránh kịp, vừa giật mình thì mũi kiếm đã trúng ngay vào vai cậu.
Nhưng nhờ có chiếc áo đó che chở, thanh kiếm bị bật trở lại và cậu không hề bị thương mảy may. Mừng quá, cậu quỳ ngay xuống vái lạy Mộc Tang đạo nhân.
Đạo nhân vừa cười vừa nói:
- Lúc đầu, nhìn thấy cái áo xấu xí, dù cháu có cảm ơn ta, nhưng trong lòng chắc không ưng tí nào cả. Đến bây giờ cháu mới bằng lòng thật sự phải không?
Thừa Chí xấu hổ, đến nỗi đỏ mặt tía tai. Mộc Tang đạo nhân lại nói:
- Cái áo này đã cứu bác mấy lần khỏi chết. Nhưng bây giờ, nếu sư phụ cháu không làm khó dễ bác, thì cũng không cần phải mặc cái của quý này làm gì nữa. Vì xét trong thiên hạ hiện nay chưa thấy ai có thể đánh nổi bác bị thương được.
Nói xong, đạo nhân lớn tiếng cười ha hả, có vẻ tự phụ.
Mục Nhân Thanh vừa cười vừa nói:
- Lão đạo sĩ, ở trước mặt tiểu bối đừng nên nói khoác nói lác nhé! Võ nghệ của tôi có được bằng lão huynh đâu? Vả lại đời này thiếu gì người giỏi! Phải biết, ngoài từng trời này lại có từng trời khác, mình giỏi có người giỏi hơn⬦
Mộc Tang mỉm cười trả lời:
- Lại đây! Lại đây! Anh em ta không tiện giở dao giở kiếm ra đối địch, chi bằng⬦
- Chi bằng phân thắng bại trên bàn cờ phải không?
- Đúng lắm! Đúng lắm! Chú là con sâu nằm trong bụng tôi có khác!
- Nếu lão huynh chưa phải lúc lên cơn nghiện đánh cờ chắc cũng chưa thèm đến nơi thâm sơn này kiếm đệ phải không. Thế cái trò cúng cơm ấy lão huynh có đem theo không?
Mộc Tang đạo nhân hớn hở, móc túi vải lấy đủ bộ, cả bàn lẫn quân cờ ra. Chàng Câm vội khiêng bàn ghế ra vườn. Hai đạo sĩ cùng ngồi dưới bóng cây phân tài cao hạ.
Vì Thừa Chí không hiểu chơi cờ ra sao cả, nên vừa đánh, Mộc Tang vừa dạy cậu, đồng thời, ông ta muốn khoe khoang nước cờ của mình cao hơn Mục Nhân Thanh. Mặc cho Mộc Tang nói dóc, Nhân Thanh cứ lẳng lặng nghĩ nước đi. Cờ hai vị đang chơi là cờ vây, dễ biết đi mà khó tinh xảo, chỉ xem một ván là Thừa Chí biết đi ngay. Quả nhiên, ván đầu Mộc Tang thắng hai quân cờ. Hai người đánh cho tới mặt trời lặn mới xong ba ván. Rút cuộc Mộc Tang thắng hai thua một mà vẫn đòi đánh nữa, nhưng Nhân Thanh từ chối vì mỏi mệt, nên ông ta mới chịu thôi. Tuy vậy trong lòng ông ta vẫn còn luyến tiếc.
Trong ba ngày liền, Mộc Tang đạo nhân cứ níu lấy Nhân Thanh đòi đánh cờ. Sáng sớm ngày thứ tư, Mục Nhân Thanh phải nói trước rằng:
- Ngày hôm nay, xin tạm nghỉ đánh cờ, để đệ còn phải dạy kiếm pháp cho đồ đệ.
Thấy là công việc chánh đáng, nên Mộc Tang không tiện phản đối. Ngồi chờ mãi sốt ruột vừa mới thấy Nhân Thanh truyền kiếm pháp cho Thừa Chí xong, ông ta chạy ngay lại vừa kéo Nhân Thanh vừa nói:
- Nào, lại đây! Chúng ta đánh ba ván.
Dạy kiếm ngót nửa ngày, Mục Nhân Thanh đã cảm thấy mỏi mệt rồi. Nhưng biết Mộc Tang nghiện cờ lắm, nếu ông ta không nhận lời đánh vài ván thì Mộc Tang ngủ không yên. Vì miễn cưỡng ngồi đánh, nước cờ của Nhân Thanh càng thấp kém vô cùng. Đi được mười nước, giàn trận chưa xong, quân cờ của ông ta đã bị bao vây tứ phía rồi. Nước cờ đã lâm và ngõ bí, ông ta phải miễn cưỡng đặt quân cờ của mình làm mắt để mong gỡ thoát, nhưng tứ phía yếu điểm đều sắp bị đối phưong chiếm cả. Ông ta tay cầm quân cờ, ngẫm nghĩ mãi vẫn do dự, chưa dám đặt xuống. Thừa Chí đứng cạnh xem, nhịn không nổi liền mách nước:
- Sư phụ đặt quân cờ ấy xuống đây, thế nào sư bá cũng tìm nước gỡ rồi sư phụ lại đặt nốt quân kia ở chỗ này, phải sẽ thoát khỏi vòng vây không?
Nước cờ Thừa Chí vừa mách quả thật thần diệu vô cùng. Nhân Thanh vốn không có tánh tự phụ như Mộc Tang, thấy đồ đệ nói phải nghe liền. Quả nhiên bên quân đen xông ra khỏi vòng vây và trái lại còn hãm chết một số quân cờ trắng. Đáng lẽ ván cờđó Nhân Thanh phải đại bại, nhưng nhờ có Thừa Chí mách nước, kết cuộc có thua ba quân cờ thôi.
Mộc Tang khen ngợi Thừa Chí thông minh và khôn ngoan, rồi chấp sáu quân, ép cậu ta ngồi đánh một ván. Hình như Thừa Chí có thiên tài về đánh cờ vậy. Tánh cậu lại hiếu thắng chớ không nhường nhịn như Nhân Thanh. Vì vậy ván cờ đó, tuy Mộc Tang thắng nhưng không dễ dàng như đạo nhân tưởng. Ngày hôm sau mới tảng sáng, Mộc Tang đã bắt Thừa Chí đánh cờ, nhưng không ngờ cậu bé thắng hai ván liền. Thế rồi từ chấp 6 quân cờ rút xuống chấp 5 và chưa đầy 10 ngày, nước cờ của Thừa Chí đã cao lắm. Mộc Tang chỉ dám chấp một quân, hai bên mới có thắng bại.
Thừa Chí để tâm trí vào cờ dần dần xao lãng học tập võ nghệ. Vì nể Mộc Tang nên lúc đầu Nhân Thanh không nói gì cả. Sau thấy một già một trẻ, suốt ngày quên ăn quên ngủ cứ mải mê đánh cờ, nên ông phải dặn ngầm Thừa Chí mỗi ngày chỉ được phép đánh một ván cờ với Mộc Tang thôi, còn thời giờ phải dành cho việc luyện tập võ nghệ. Thấy sư phụ nhắc nhở, Thừa Chí cũng bỏ phí mất mười mấy ngày không tập tành gì cả, nên cậu cũng tự xấu hổ vô cùng. Sau đó hai ngày liền, hễ Mộc Tang gọi đánh cờ thì Thừa Chí thoái thác còn bận việc tập luyện kiếm thuật, không có thời giờ rỗi rãi.
Mộc Tang nói:
- Cháu cứ đánh cờ với bác đi! Đánh xong, bác sẽ dạy cháu một thế võ này, thế nào sư phụ cháu cũng hài lòng.
- Vâng, xin phép bác cho cháu hỏi qua sư phụ cháu đã.
- Được, cháu cứ đi hỏi đi.
Thừa Chí liền chạy ra hỏi ý kiến sư phụ, Nhân Thanh mừng lắm, vì hiểu rõ Mộc Tang đạo nhân, được mệnh danh là "Quỷ Ảnh Tử", võ nghệ biệt lập một phái, nhưng tánh nết rất cổ quái, không chịu thu nhận đồ đệ, nay ông ta bằng lòng dạy võ cho Thừa Chí, chắc cũng vì sự nghiệp cờ quá mà nên, Nhân Thanh liền dẫn cậu tới trước mặt Mộc Tang, cúi chào và nói rằng:
- Đại huynh đã vui lòng đã giúp cho tiểu đồ thành tài, đệ xin cám ơn trước.
Nói đoạn, ông ta gọi Thừa Chí cúi lạy Mộc Tang, làm lễ bái sư. Thấy vậy, Mộc Tang nhảy lên hai tay xua lia lịa và nói rằng:
- Tôi không nhận đồ đệ đâu. Nếu cháu nó muốn tôi dạy nó thì phải thử tài xem nó có hạ tôi được không đã.
- Đại huynh nói nó hạ thì hạ về môn gì cơ chứ?
- Quyền pháp và kiếm pháp của chú trong thiên hạ đã khét tiếng là một không hai rồi, ngay như lão đây cũng xin bái phục. Thằng bé này tuy chỉ học được hai, ba phần của chú, nhưng ở chốn giang hồ cũng khó gặp người địch thủ rồi, nhưng nói tới ám khí và khinh công thì phải nhường cho lão đạo này đôi chút.
- Vâng, ai mà chẳng biết bản lãnh xuất quỷ nhập thần của Quỷ Ành Tử, cái đó không cần huynh phải tự khen nữa.
- Chú cứ tưởng đã là môn phái tôn sư thì cái gì cũng cần phải quang minh chính đại, còn khinh công và ám khí thì không cần để ý tới! Nếu vậy chú cứ để cho cháu nó mỗi ngày đánh với tôi hai ván cờ. Nếu tôi thắng nó thì thôi, nhược bằng nó thắng tôi một ván, tôi sẽ dạy nó một món khinh công. Nó được tôi liền hai ván, thì ngoài mónkhinh công, tôi còn dạy thêm nó một môn ám khí nữa. Chú xem như vậy có công bằng không?
Nhân Thanh nghĩ thầm: "Lão đạo sĩ này cũng ưa châm biếm hài hước thật! Nhưng cứ biết, y đã nói thì không khi nào thay đổi/"
Nghĩ đoạn, Nhân Thanh nói:
- Được. Xin cứ theo những lời huynh mà thi hành. Chính ra tôi không sợ Thừa Chí mải đánh cờ mà lỡ hết sự tập luyện võ nghệ. Nhưng bây giờ đã có dịp như vậy thì mỗi ngày huynh muốn đánh mười ván hay tám ván cũng mặc.
Mộc Tang và Thừa Chí nghe nói đều hớn hở vô cùng. Tiếp theo đó, hai người lại ngồi vào đánh cờ. Ngày hôm đó Mộc Tang một thắng một bại. Đánh cờ xong, ông liền bảo Thừa Chí rằng:
- Hôm nay bác dạy cháu một kiểu khinh công. Tuy chỉ là một kiểu, nhưng nếu cháu chịu khó luyện tập, cũng đủ cho cháu dùng suốt đời. Đây cháu hãy nhìn kỹ xem!
Vừa nói xong, mới thấy ông ta nhún mình một cái đã ngồi vắt vẻo trên ngọn cây rồi và lộn ngược một vòng ông ta đã đứng trước mặt Thừa Chí. Cậu bé ngẩn người há hốc miệng vỗ tay khen giỏi. Mộc Tang đem kiểu khinh công "Phân Vân Thừa Long" (vịn mây cỡi rồng) dạy cho cậu. Tuy chỉ là một kiểu nhưng sức mạnh của lưng và đùi bộ pháp và thân pháp, đều rất tinh xảo ủy diệu.
Ngày thứ hai, Thừa Chí thua liền hai ván, hôm đó cậu không được học một môn võ nào cả.
Ngày thứ ba, cậu phải xuất kỳ binh bố hết biên giới chiếm hết phúc địa ở trung ương quả nhiên thắng liền hai ván. Mộc Tang không chịu phục đòi đánh hai ván nữa, kết cuộc một thắng một bại, thế là hôm đó Mộc Tang phải dạy cho Thừa Chí ba miếng.
Sau đã dạy xong hai kiểu khinh công, Mộc Tang hỏi:
- Cháu có biết, khi đánh với kẻ địch, bác dùng binh khí gì không?
Thừa Chí lắc đầu, Mộc Tang vừa cười vừa cầm bàn cờ lên, nói rằng:
- Tức là cái này.
Thừa Chí cũng biết bàn cờ đó làm bằng thép, nhưng không ngờ lại là khí giới hộ thân của ông ta. Mộc Tang vốc một nắm quân cờ vừa cười vừa nói:
- Đây là ám khí của ta.

Thuận tay, ông ta tung lên một cái, mấy chục quân cờ đều bay lên trời.
Mộc Tang đạo nhân đưa bàn cờ ra hứng, chỉ nghe thấy "coong" một tiếng thật lớn, mấy chục quân cờ đều rơi xuống giữa bàn cờ. Thừa Chí chịu phục, đều nổi lè lưỡi ra hồi lâu mà không sao nói được nửa lời. Thì ra mấy chục quân cờ ném lên trên không, lúc xuống thì nào cũng quân trước quân sau, và tiếng động phải là "kinh kinh coong coong" loạn xạ một hồi, chớ không như vừa rồi mấy chục quân cùng rơi xuống một lúc vào đúng giữa bàn cờ. Như vậy đủ thấy ném lên, sức quân bình của bàn tay phải cân đối lắm mới được, và như thế, làm gì Thừa Chí chẳng phục sát đất. Còn sự lạ hơn nữa là những quân cờ rơi xuống bàn cờ không thấy bắn tung ra, chỉ thấy Mộc Tang đạo nhân khẽ hạ thấp cánh tay để dùng giảm sức giáng xuống của các quân cờ, thế là quân nào quân nấy như có bàn tay xếp xuống bàn cờ vậy. Mộc Tang cười nói:
- Ném ám khí thì phải luyện sức trước đã rồi mới luyện trúng đích sau. Khi ném ra, ta có thể muốn nặng muốn nhẹ tùy ý, rồi sau mới luyện tới việc ngắm ném trúng đích.
Nói đoạn, ông ta đem tâm pháp dùng sức lấy gân ném quân cờ lại cho Thừa Chí luyện tập.
Mộc Tang đạo nhân ở chơi trên núi Hoa Sơn thắm thoát cả nửa năm, chiều chiều đánh cờ, sung sướng quá nên quên cả ngày về. Những môn khinh công và ném quân cờ, tuyệt kỹ, ông ta đều tận tâm dạy hết cho Thừa Chí không giấu diếm nửa miếng võ nào. Lúc đó đang là mùa hè nóng nực, buổi sáng Thừa Chí tập luyện kiếm và quyền thuật, buổi chiều đánh cờ với Mộc Tang đạo nhân ở dưới bóng cây. Cờ của cậu cao hơn sư bá một nước, nhưng Mộc Tang đạo nhân vốn tánh hiếu thắng, lần nào cũng lấy quân trắng nhường cho Thừa Chí quân đen đi trước. Như vậy ông ta được càng ít, thua càng nhiều.
Một hôm, Mộc Tang tiếp tục dạy Thừa Chí môn ném ám khí thủ pháp "Mãn Thiên Hoa Vũ" (mưa, hoa đầy trời) một lúc ném ra mười mấy quân cờ, nhưng quân công thượng thặng này không phải một sớm một chiều có thể học nên. Với môn này, Thừa Chí đã khổ tâm luyện tập bốn tháng trời nay, nhưng một lúc ném ra 3, 4 quân cờ chỉ có thể trúng một, hai quân thôi. Mộc Tang đại nhân phải đóng một tấm bảng gỗ trên có vẽ một hình nhân, gọi chàng Câm cầm lấy tấm gỗ ấy chạy, rồi ông ta ra hiệu:
- Thiên Tôn, Kim Tinh, Ngọc Trẫm!
Thừa Chí liền ném luôn ba quân cờ vào hình nhân trên bảng gỗ. Cậu chỉ ném trúng Thiên Tôn và Ngọc Trẫm hai huyệt, còn huyệt Kim Tinh thì hơi chệch một ít.
Mộc Tang lại ra hiệu:
- Quan Nguyên, Thần Phong, Đại Hách!
Chàng Câm một mặt chạy, một mặt làm rung động tấm bảng gỗ, Thừa Chí giở khinh công ra đuổi theo, tay phẩy một cái, nhưng Mộc Tang đã la lớn:
- Huyệt Quan Nguyên không trúng.
Ông ta đang định la nữa bỗng thấy Thừa Chí thất kinh, thét lên một tiếng, và nhanh tay kéo chàng Câm trở lại. Chàng Câm không hiểu gì cả, ngơ ngác quay đầu nhìn phía trước, mới thấy một con đười ươi đang định vồ mình. Chàng vội giơ bảng gỗ lên nhắm trúng đầu con thú đập xuống, nhưng chàng Câm bỗng thấy một sức mạnh đỡ lấy tay mình, thì ra đã bị Mộc Tang kéo trở lại. Rồi đạo nhân lên tiếng bảo:
- Thừa Chí, cháu đối phó với con chó này đi!
Cậu hiểu sư bá muốn thử bản lãnh của mình, xem đã tiến bộ tới đâu. Cậu vâng lời, giơ hai tay, khẽ nhảy tới trước mặt con đười ươi, con thú thấy bóng người quay mình xuống chạy. Thừa Chí lấy sức tạt vào lưng con vật một cái thật mạnh. Con đười ươi đau quá kêu rống lên, đoạn quay trở lại vươn hai tay dài ra để cào. Thấy chỗ hở của con thú để đánh. Bỗng nghe sau lưng có tiếng gió hình như có kẻ địch đánh tập kích, cậu không kịp quay đầu lại xem, vội nhún chân trái nhảy lên không. Người chưa rơi xuống đất, cậu đã thấy rõ kẻ đánh trộm phía sau mình là một con đười ươi khác lớn hơn. Lên núi Hoa Sơn học võ mấy năm trường, Thừa Chí chưa hề đối địch thực sự với ai cả. Hai con đười ươi tuy hung ác thật, nhưng cậu không thấy sợ hãi chúng tí nào. Cậu liền giơ ngay "Phục Hổ chưởng" đấu hai con thú nọ.
Nghe thấy tiếng hò hét, Mục Nhân Thanh ở trong nhà chạy ra thấy Thừa Chí đang ra sức đấu với hai con đười ươi. Hễ bàn tay cậu đụng tới mình con thú nào là con ấy bị đau, kêu la om sòm, thấy đồ đệ tiến nhanh như vậy, ông ta rất mừng, nghĩ thầm rằng: "Nó được tiến bộ như thế cũng không uổng công trình đã dạy nó bấy lâu nay."
Hai con đười ươi bị đánh nhiều quá không dám đến gần Thừa Chí như lúc đầu nữa. Nhân Thanh hiểu biết võ nghệ của Thừa Chí cũng thừa sức thắng hai con ác thú nhưng hiềm một nỗi cậu chưa đủ công lực nên một cái tát nào cũng vậy, chỉ có thể đánh chúng đau thôi, chớ không đánh chúng bị thương được, vì sức mạnh của bàn tay cần phải luyện tập lâu năm mới được.
Nghĩ đoạn, ông ta vào lấy kiếm ra, ném cho Thừa Chí và gọi:
- Tiếp nhanh thanh kiếm!
Thừa Chí nhảy lên, giơ tay phải ra bắt thanh kiếm. Kiếm đã vào tay cậu như hổ thêm cánh. Chưa xuống tới mặt đất, cậu đã sử dụng ngay miếng "Xuyên Trẫm Dẫn Tuyết", đâm tránh. Thanh kiếm của cậu múa lên, hơi lạnh thấu người. Tức thời hai con thú bị bao vây trong vòng tỏa ánh sáng kiếm của cậu.
Mộc Tang đạo nhân nói:
- Thừa Chí vâng lời. Đường kiếm càng múa càng chặt chẽ, nếu lúc này cậu muốn giết chết cả hai con đười ươi rất dễ như trở bàn tay, thì trong nháy mắt, cánh tay, vai, ngực, chân và đầu của hai con thú đều bị trúng thương liền liền.
Nhưng Thừa Chí không muốn hạ độc thủ, chỉ đâm cho chúng bị thương nhẹ thôi.
Hai con ác thú cũng có chút linh tánh lúc đầu chúng còn định kiếm đường tẩu thoát, nhưng sau thấy hễ định nhảy ra khỏi vòng vây là luồng kiếm đã đâm tới, chúng đành phải ngừng bước và thấy đối phương không tấn công nữa. Biết rằng kẻ địch không định giết chết chúng, cả hai con đười ươi đồng thanh hét lên một tiếng, rồi cùng quỳ xuống đất, hai tay ôm đầu, đôi mắt long lanh nhìn vào Thừa Chí tỏ vẻ van lơn.
Chàng Câm thấy Thừa Chí thâu phục được hai con đười ươi mừng quá vỗ tay dậm chân rồi chạy vào bên trong lấy cuộn dây thừng ra trói lại. Lúc đầu, chúng còn kêu gào kháng cự, nhưng sức chàng Câm khỏe quá, chỉ bóp một cái, chúng đã bị đau thấu xương thấu cốt, không dám phản kháng nữa và ngoan ngoãn để yên cho chàng trói buộc. Mộc Tang và Nhân Thanh bước tới gần khen ngợi và khuyến khích Thừa Chí mấy lời. Cậu mừng lắm, đi hái luôn hoa quả đem về cho con đười ươi ăn.
Nuôi được bảy, tám hôm, hai con thú đã chịu thuần phục dần dần, dù có cởi dây thả lỏng, chúng cũng không dám bỏ chạy. Cậu hớn hở đặt tên cho con đực là Đại Oai và con cái là Tiểu Quái. Thấy cậu đặt tên tiểu xảo cho hai con thú to lớn và lông lá xù xì như vậy, Mộc Tang và Nhân Thanh không nhịn được cười. Càng nuôi lâu càng ngày thấy Đại Oai và Tiểu Quái rất khôn. Hễ Thừa Chí ra lịnh là chúng nghe lời làm ngay.
Một hôm, duyên may trời đem lại, hai con đười ươi bỗng cao hứng trèo lên đỉnh núi thật cao hái quả ăn. Trong khi leo lên vách đá dựng đứng như một bức tường, Tiểu Quái trượt tay từ trên cây ngã lăn xuống. Từ chỗ đó xuống tới khe núi cao chừng bốn chục trượng, nếu không may tất vị tan xương nát thịt.
Nhìn thấy Tiểu Quái ngã lăn xuống vực thẳm, Đại Oai mất cả hồn vía, yên trí con thú thế nào cũng chết chẳng chơi. Nhưng lúc nó leo xuống tới lưng chừng vách núi đá, thấy con Tiểu Quái đang vịn tay vào một cái hang đá, vì lâu ngày không có người tới, đã bị đất cát phủ lấp gần kín. Trong khi ngã, Tiểu Quái cứ cào lung tung vào vách đá, hòng vớ được vật gì để khỏi ngã chết. May mắn làm sao, nó quào trúng được miệng hang nên nó mới thoát chết. Nhưng ác hại thay, hang đó lại lưng chừng núi, lên không được mà xuống cũng không xong, nó ngơ ngơ, ngác ngác, không biết làm cách nào để thoát hiểm.
Đại Oai cũng vậy, không làm sao xuống được, tới cửa hang để cứu con nọ. Vô kế khả thi, nó liền chạy xuống núi tìm kiếm Thừa Chí. Lúc đó cậu đang luyện tập kiếm pháp thấy Đại Oai mình mẩy dính đầy gai góc, và máu tươi, vẻ mặt phờ phệch, miệng kêu chí cha chí chít, cậu đoán chắc con Tiểu Quái đang bị lâm nguy gì đây! Cậu vội chạy đi kiếm chàng Câm rồi cả hai cùng theo con Đại Oai đi dẫn lộ. Cách đó không xa, Đại Oai chỉ lên vách đá vừa nhảy vừa kêu. Thừa Chí và chàng Câm ngẩng đầu trông lên thấy con Tiểu Quái đang treo lơ lửng trên lưng chừng vách đá. Cậu nghĩ ngay được một kế, vội chạy về thạch thất lấy cuộn dây thừng ra, rồi cùng chàng Câm và Đại Oai leo lối bên lên tận trên ngọn vách, thả thòng lòng sợi dây xuống. Lúc này Tiểu Quái đã mỏi mệt lắm rồi, bỗng thấy sợi dây thòng xuống cạnh tay, nó liền nắm chặt lấy. Chàng Câm và Thừa Chí liền kéo nó lên tới đỉnh vách đá.
Mình mẩy Tiểu Quái bị xây sát vài chỗ, may vết thương không nặng lắm, nhưng nó vẫn kêu la om sòm và giơ hai ám khí dị hình. Cậu muốn gỡ ám khí ấy ra nhưng rút mãi không được. Con Tiểu Quái đau quá vừa kêu vừa nhảy nhót, lúc ấy cậu mới biết đầu ám khí có gai ngược, liền giựt mình nghĩ thầm: "Có lẽ địch đã lẻn vào núi Hoa Sơn này chăng?"
Cậu ra hiệu hỏi Tiểu Quái, xem ám khí này ai ném tới chăng? Con thú chỉ trỏ ra hiệu, là kho thò tay vào miệng hang đã bị nó cắn phải. Cậu cảm thấy lạ quá, nghĩ thầm: "Hang núi ở tận lưng chừng vách đá, xưa nay chưa hề lộ hình. Vả lại, hang đá cách xa mặt đất như thế, làm sao lại có ám khí dấu trong đó?"
Càng nghĩ, cậu càng không hiểu, vội đưa chàng Câm và hai con đười ươi trở về thưa với sư phụ và Mộc Tang đạo nhân.
Nghe thấy Thừa Chí kể lại câu chuyện xong, hai đạo sĩ cầm ám khí lên xem cũng phải lấy làm lạ. Mộc Tang nói:
- Tôi là người ưa dùng ám khí nhứt và mỗi ám khí của các họ môn phái trong chốn giang hồi, tôi đều thấy cả rồi. Nhưng ám khí hình con rắn này thì quả thật tôi chưa từng trông thấy bao giờ. Lần này cả tôi cũng mơ hồ nốt.
Nhân Thanh áy náy vô cùng, liền nói với Mộc Tang:
- Đại huynh gỡ ám khí ra hộ nó đi.
Mộc Tang về phòng lấy con dao sắc bén trong túi thuốc ra, rồi phải rạch bàn tay Tiểu Quái mới moi được ám khí đó ra. Đoạn ông ta lấy thuốc rắc vào vết thương và băng bó cho con thú. Nhờ vậy, nó mới khỏi đau không kêu la nữa.
Hai chiếc ám khí đo dài hai tất tám phân, hình một con rắn ngẩng đầu lè lưỡi.
Đầu lưỡi con rắn đó lại có ba nhánh, mỗi nhánh có một cái gai ngược. Mình con rắn đen thui thủi, bên ngoài dính đầy đất và rêu. Mộc Tang cầm ám khí lên xem, lấy dao cạo hết rêu bẩn đi, càng cạo càng thấy mình con rắn sáng chói, sau cùng mới hay ám khí đó bằng vàng. Ông ta nói:
- Thảo nào nó nặng chĩu như thế, thì ra nó làm bằng vàng. Người sử dụng ám khí này sao lại hoang phí đến thế! Mỗi lần ra tay ném là mất toi mấy lượng vàng.
Mục Nhân Thanh bỗng thất kinh nói:
- Người đó là Kim Xà Lang Quân.
Mộc Tang hỏi:
- Kim Xà Lang Quân nào?
Hỏi đoạn, ông ta ngẫm nghĩ giây lát, lại hỏi tiếp:
- Có phải chú muốn nói Hạ Tuyết Nghi đấy không? Nghe nói hắn đã chết hơn mười năm nay rồi!
Vừa nói xong, ông ta lại giựt mình la lớn:
- Phải rồi, chính là hắn đấy!
Ông ta lật ngửa con rắn lên xem, quả nhiên dưới bụng nó có khắc chữ "Tuyết."
Lấy con thứ hai xem cũng có chữ như vậy. Thừa Chí liền hỏi:
- Thưa sư phụ, Kim Xà Lang Quân là ai thế?
- Để lát nữa thầy nói cho con biết. Đạo trưởng thử đoán xem, tại sao ám khí của hắn lại giấu ở trong hang núi thê?
Mộc Tang trầm ngâm không nói, ngẩn người ra nghĩ ngợi.
Thấy hai vị thầy trông thấy hai chiếc Kim Xà chủy, thái độc có vẻ nghiêm nghị nên Thừa Chí cũng không dám hỏi nhiều. Cơm chiều xong, Nhân Thanh và Mộc Tang thắp nến trò chuyện, có nhiều câu Thừa Chí không hiểu, chàng chỉ nghe những chuyện nói về "Thù sát" hay "Bảo phục" vân vân, và còn thêm những tiếng lóng vào nữa. Mộc Tang nói:
- Như vậy nghĩa la chú bảo Kim Xà Lang Quân ở nơi đây là tránh kẻ thù phải không?
Mục Nhân Thanh đáp:
- Cứ theo tài ba của ông ta thì chả cần phải từ Giang Nam chạy tới trốn hang cùng ngõ hẻm mà làm gì.
- Có lẽ người ấy chưa chết cũng nên?
- Hành tung của người đó thật kỳ bí, mọi hành động đều thần xuất quỷ mật. Anh em chúng mình lăn lộn trên chốn giang hồ bấy lâu năm chỉ nghe thấy nói đến tên hắn, chớ chưa hề gặp mặt hắn bao giờ! Có tin đồn rằng hắn đã chết rồi, nhưng chẳng ai biết rõ hắn chết hồi nào, ở đâu, và cách nào?
Mộc Tang thở dài một tiếng rồi nói:
- Người đó hành sự rất kỳ quái! Có lúc độc ác vô cùng, có khi lại hành hiệp trượng nghĩa, hắn là người tốt hay là kẻ xấu, đố ai mà quyết đoán hẳn! Đã mấy lần rồi, tôi đi kiếm hắn nhưng đều mất công chẳng thấy đâu cả!
- Nếu không biết rõ chúng ta chớ nên tán phỗng bâng quơ e có sự sai lầm, hại đến thanh danh người ta chăng! Thôi, để sáng mai chúng ta thử trèo lên hang động xem sao đã.
Sáng sớm ngày hôm sau, Mục Nhân Thanh, Mộc Tang, Viên Thừa Chí và chàng Câm, bốn người đem dây thừng và khí giới, leo lên trên đỉnh vách đá. Mộc Tang nói:
- Để tôi xuống cho.
Mục Nhân Thanh gật đầu, nói:
- Đạo trưởng nên cẩn thận một chút.
Nói đoạn, Nhân Thanh buộc dây thừng vào lưng Mộc Tang, rồi cùng chàng Câm nắm chặt đầu dây từ từ thả Mộc Tang xuống.
Tới cửa động, Mộc Tang nhìn xuống phía dưới chân, chỉ thấy sương mù và một vài đám mây lơ lửng bay qua, chớ không trông thấy đất. Xưa nay là người vẫn hay có tánh bông đùa, mà lúc này Mộc Tang cũng phải sởn tóc gáy, lo ngại thầm ngó vào trong động, đạo trưởng thấy tối đen như mực, sâu thăm thẳm. Vì cửa động quá nhỏ hẹp, Mộc Tang không chui lọt, đành phải lấy vải bọc tay, rồi khẽ thò vào trong động dò thử xem, bỗng đụng phải những vật gì hết sức bén nhọn, cắm xung quay cửa động.
Mộc Tang sờ soạng giây lát, biết ngay những cái đó là Kim Xà chủy, liền nhẹ tay rút ra, tất cả 14 chiếc mới hết. Đạo trưởng lại thò tay thật sâu nữa, tới khi mặt đã áp sát cửa động, mà vẫn không thấy gì lạ. Sợ người cầm dây ở trên mỏi tay, đạo trưởng cất tiếng gọi:
- Kéo bần đạo lên nhé.
Mục Nhân Thanh nghe thấy tiếng gọi, liền kéo dây lên. Khi lên tới cách đỉnh núi còn hơn hai trượng, Mộc Tang chân phải đạp vào mỏm đá rồi chỉ nhún mình một cái đã nhảy lên tới đỉnh núi ngay. Đạo trưởng đưa nắm Kim Xà chủy cho Nhân Thanh xem, rồi cười nói:
- Chú Mộc được bấy nhiêu vàng, anh em ta phát tài to.
Mặt Nhân Thanh càng nặng trĩu hơn trước, miệng lẩm bẩm nói:
- Không hiểu tên ma đầu đó để những thứ này ở đấy có dụng ý gì? Không biết trong động còn những thứ gì nữa? Để tôi leo xuống thử xem.
- Chú leo xuống cũng vô ích, cửa động nhỏ lắm, chú vào làm sao được?
Mục Nhân Thanh vốn trong lòng có nhiều tâm sự, cúi đầu, không nói năng gì cả.
Thừa Chí bỗng nói:
- Thưa sư bá, cháu chui lọt không?
Mộc Tang mừng lắm, liền trả lời:
- Cháu chui lọt đấy. Nhưng cao như thế cháu có dám xuống không?
- Thưa sư bá cháu dám lắm ạ. Thưa sư phụ, con xuống nhé!
Mục Nhân Thanh nghĩ thầm trong bụng: "Người giang hồ dị nhân ấy để những bảo vật phòng thân trong đó, tất phải có dụng ý gì? Nếu không do thám minh bạch, sợ có gì nguy hiểm chăng? Nếu để cho mình thằng nhỏ xuống đó mạo hiểm, kể cũng đáng lo ngại lắm đấy!"

Nghĩ đoạn, ông ta liền trả lời Thừa Chí:
- Thầy chỉ sợ trong động có sự gì nguy hiểm con ạ!
- Thưa sư phụ, con xin hết sứ thận trọng, chắc sẽ không xảy ra việc gì đâu.
Thấy Thừa Chí hăng hái sốt sắng như vậy, Mục Nhân Thanh gật đầu:
- Thôi được, con đốt bó đuốc đưa vào trước, nếu thấy đuốc tắt thì đừng có vào nhé!
Thừa Chí tay phải cầm kiếm, tay trái cầm bó đuốc, buộc dây vào lưng rồi leo xuống. Chàng nghe lời sư phụ dặn, đưa bó đuốc vào trong động thử xem. Vì con Tiểu Quái quào làm lỡ những đất bùn niêm phong cửa động, gió thổi luà vào suốt một đêm trường bay sạch hết những uế khí trong động, nên bó đuốc không bị tắt. Thừa Chí từ từ bò ào, thấy một con đường hầm nhỏ hẹp. Bò được mười mấy trượng, thấy đường hầm cao dần, cao thêm hơn trượng, cậu đã có thể đứng dậy được. Thừa Chí tiếp tục bước vào bên trong, đến chỗ rẽ ngang, cậu càng thận trọng hơn, cầm chắc thanh kiếm để đề phòng mọi sự bất trắc. Đi được hai ba trượng nữa, cậu thấy ở phía trước mặt có một cái thạch thất. Đưa đuốc vào soi, chàng hoảng sợ toát mồ hôi lạnh, vì thấy một bộ xương người ngồi xếp bằng tròn trên tảng đá. Bộ xương đó vẫn còn nguyên vẹn, hai tay đặt lên trên đầu người.
Thấy vậy, trống ngực Thừa Chí đập thật mạnh. Cậu đưa mắt nhìn xung quanh phòng thấy không có gì đáng sợ nữa, mới cầm đuốc soi xét kỹ lưỡng. Trước mặt bộ xương thấy để bừa bãi mười mấy chiếc Kim Xà chủy, và bên cạnh có cắm một thanh kiếm. Cậu không dám đụng chạm một tý gì. Nhìn lên vách đá, cậu thấy trăm bức chạm hình người khắc bằng dao. Mỗi hình người mỗi khác nhau, không kiểu nào giống kiểu nào, hoặc giơ tay đấm, hoặc phóng chơn đá, hình như đang luyện tập võ nghệ. Thấy nhiều bức hình quá, cậu ngơ ngác không hiểu ý định của tác giả đã khắc những hình đồ ấy để làm gì? Theo dõi xét tới bức ảnh cuối cùng, cậu thấy có mấy hàng chữ, cũng khắc bằng dao, cậu đứng sát gần để nhìn cho rõ, và thấy mấy hàng chữ ấy viết như sau:
"Trọng bảo bí thuật, phó dĩ hữu duyên, nhập ngã môn lai, ngộ họa mạc oán"
nghĩa là:
"Tất cả những báu vật và môn võ bí truyền đều để tặng cho người có duyên phận, nhưng khi vào cửa động của ta, lỡ gặp tai họa đừng có oán trách."
Đang định xem nữa, chợt nghe thấy Mộc Tang lớn tiếng kêu mình, Thừa Chí vội vàng đáp lời, rồi bò ngay ra ngoài cửa động.
Thì ra Mộc Tang và Mục Nhân Thanh ở trên đỉnh núi, thấy dây thừng càng lôi càng dài, chờ mãi không thấy đồ đệ ra, nóng lòng sốt ruột vô cùng, Mộc Tang định xuống xem sao, thì Thừa Chí đã giựt dây gọi rồi. Mọi người vội vàng kéo Thừa Chí lên, thấy mặt cậu dính đầy bụi với rêu và còn tỏ vẻ hoảng sợ, biết là cậu trông thấy sự gì kỳ lạ rồi. Định thần một lát, Thừa Chí mới kể lại những gì đã thấy cho mọi người nghe. Mục Nhân Thanh nói:
- Bộ xương đó nhứt định là của Hạ Tuyết Nghi rồi. Không ngờ một đời quái hiệp mà lại chết ở chốn này! Tội nghiệp thật!
Mộc Tang hỏi:
- Những chữ hắn để lại có ý nghĩa gì?
Ngẫm nghĩ giây lát, Nhân Thanh mới trả lời:
- Theo nghĩa những chữ đó thì Kim Xà Lang Quân có chôn bảo vật nào đó ở trong động, cả võ công tuyệt thế của hắn, chắc cũng dùng cách gì để lưu truyền trong ấy, chờ người hữu duyên tới nhận. Nhưng tính hắn lạ lùng lắm, hình như ai muốn được tặng những di vật đó, phải tự coi như là môn đồ của hắn. Và chưa biết chứng bị tai họa gì nữa cũng nên!
Mộc Tang nói:
- Theo nghĩa những chữ đó thì phải thế thật. Như không biết quái nhân đó còn giở trò gì kỳ lạ nữa không?
- Chúng ta cũng không ham muốn gì võ công và bảo vật của hắn. Thừa Chí, ngày mai con lại leo xuống, chôn cất di hài của vị tiền bối đó, thắp vài nén hương quỳ lạy một phen. Chúng ta đối xử như vậy chắc chắn cũng hài lòng lắm rồi!
Viên Thừa Chí xin vâng lời.
Sáng ngày hôm sau, Thừa Chí đem theo một cái cuốc, rồi cùng chàng Câm leo lên trên đỉnh núi. Vì biết trong động không có gì nguy hiểm, nên lần này Nhân Thanh và Mộc Tang không đi. Định ở lâu trong động, Thừa Chí đem ba bó đuốc đi. Bò vào trong hang, cậu cuốc một cái hố nhỏ để cắm bó đuốc, cho hai tay được rảnh còn lại làm lụng việc khác. Quay lại, trông thấy bộ xưong, cậu nghĩ thầm: "Nghiệp sư phụ nói, đống xương trắng này nguyên trước kia là một vị quái hiệp, không hiểu tại sao lại mệnh một trong núi hoang, hài cốt không người mai táng cho! Tội nghiệp thật!"
Cậu quỳ xuống trước bộ hài cốt, vái lạy một hồi, rồi lẩm nhẩm cầu khẩn:
- Đệ tử Viên Thừa Chí, không ngờ được gặp di thể của đại hiệp. Hôm nay đệ tử an táng đại hiệp, xin đại hiệp an giấc nghìn năm dưới cửu trùng!
Vừa khấn xong, một luồng gió lạnh thổi vào, khiến cậu cảm thấy rờn rợn và hơi sờn lòng đôi chút. Không dám ở lại lâu nữa, cậu vội vàng cuốc đất để chôn cất cho xong rồi trở lên ngay. Nhưng ngờ đâu, đào được một ít đất xốp trên mặt, cuốc của cậu bỗng chạm phải một vật gì rắn chắc, có lẽ một thứ kim khí thì phải, kêu đến "keng" một tiếng. Cậu đem đuốc lại coi xem, thấy chỗ vừa mới đào co một tấm sắt, lấy cuốc bới hết chỗ đất xung quanh lên, mới hay đó là một cái hộp sắt vuông, mỗi bề hai thước, cao một thước, rất nhẹ nhàng, tựa hồ bên trong không có gì cả. Mở nắp ra, thấy hộp đó trong lạ lùng, bề cao như vậy mà trong lòng chỉ có một tấc thôi, cậu cùng lấy làm ngạc nhiên. Trong hộp chỉ có một lá thơ, trên viết mấy chữ lớn: "Ai được hộp này, bóc thơ ra coi."
Thừa Chí liền lấy thơ ra đọc: "Vật báu trong hộp, để tặng cho người hữu duyên. Nhưng trước hết phải chôn hài cốt tôi thật tử tế đã."
Trong bao thơ lại có hai bao thơ khác nhỏ hơn, một cái đề: "Cách mở hộp", một cái nữa đề: "Cách chôn hài cốt của tôi."
Lúc này Thừa Chí mới hay hộp đó có hai từng, giơ hộp lên lắc thử, quả nhiên trong có đựng một vật gì. Cậu nghĩ thầm: "Ta thương hại hài cốt ông ta bị vứt bỏ nơi hoang sơn mà xuống đây chôn cất hộ chớ ta có tham vọng hưởng những bảo vật của ông ta đâu!"
Nghĩ đoạn, cậu bóc phong bì nói về cách chôn cất hài cốt ra xem, thấy một tờ giấy trắng trên đó có viết: "Nếu ông thành tâm chôn cất hài cốt của tôi, thì xin đao sâu thêm ba thước hãy mai táng, để tôi nằm sâu dưới đất, khỏi bị mối kiến nó đục hại."
Thừa Chí tự bảo thầm: "Đã làm phước thì làm phước cho trót, ta cứ theo lời dặn của ông ta mà theo đúng như vậy."
Cậu lại tiếp tục đào sâu, nhưng lần này đất cứng rắn hơn thỉnh thoảng lại có đá cục, nên tốn nhiều hơi sức lắm. Lúc này mặc dầu đã hơn trước nhiều, nhưng cũng mệtđến đổ mồ hôi ướt đẫm cả, khi cậu đào sâu tới mức sâu ba thước, lại bới ra được một hộp sắt nữa, nhưng hộp này nhỏ hơn, chỉ độ một thước bề ngang thôi. Thừa Chí lại nghĩ thầm: "Vị quái hiệp này kỳ lạ thật! Không biết trong hộp này lại đựng cái gì đây?"
Cậu mở hộp ra xem, lại thấy có một lá thơ. Đọc xong, cậu sợ hãi đến toát mồ hôi lạnh. Thì ra trong thơ có viết: "Ông thật là người nhân đức trung hậu đã chôn cất hài cốt tôi xong, tất phải được hưởng vật báu để đền bù công khó nhọc. Hộp sắt lớn là hộp giả, ai mở là bị trúng tên độc ở trong bắn ra, những sách vở và địa đồ trong đó đều giả cả, trên sách giấy lại có chất độc rất mạnh để trừng trị những kẻ tham lam bất lương. Còn những thứ thật thì ở trong hộp nhỏ này."
Không dám xem nhiều, cậu để hai cái hộp sang một bên, rồi đặt hài cốt của Kim Xà Lang Quân xuống hố, lấp đất lên vái mấy vái xong, liền ôm hộp sắt quay trở ra. Lúc này cậu mới nhận rõ cửa động xây bằng đá, chắc khi còn sống, Kim Xà Lang Quân vẫn thường lui tới động ấy nên mới cẩn thận lấy đá phong tỏa như vậy. Cậu xếp dọn những hòn đá lớn sang một bên, mở rộng cửa động, để mời sư phụ và Mộc Tang xuống xem xét.
Ra khỏi động, chàng Câm vội kéo Thừa Chí lên. Cậu bưng hộp sắt về để trình sư phụ định đoạt.
Mục Nhân Thanh và Mộc Tang đang đánh cờ thấy Thừa Chí trở về, liền ngưng ngay để nghe đồ đệ kể chuyện.
Đọc qua mấy lá thơ, Mộc Tang cũng phải kinh hãi. Khi đạo trưởng bóc lá thư đề:
"Cách mở hộp" ra, thấy trong thơ viết: "Hai bên hộp đều có chốt máy, hai tay bưng hộp, đồng thời dùng sức kéo lên, là mở được nắp ngay."
Mộc Tang nhìn Nhân Thanh, lè lưỡi vài cái rồi mới nói:
- Bõ thật hú vía! Tánh mạnh của cháu Thừa Chí có thể nói là vừa mới nhặt được đem về! Nếu nó có lòng tham một chút, không chôn cất di hài cho tử tế, cứ vội vã mở ngay hộp để kiếm vật báu thì những mũi tên độc không tha thứ cho nó đâu!
Nói đoạn, Mộc Tang đạo nhân gọi chàng Câm đi kiếm một cái thùng gỗ tới, gần đáy thùng cho đục hai cái lỗ, mở nắp hộp sắt ra, rồi để vào trong thùng gỗ, lấy tấm ván đậy nắp thùng lại, thọc hai cái gậy vào hai cái lỗ rồi mới đục. Đạo nhân cầm một chiếc gậy, còn chiếc kia bảo Thừa Chí cầm, rồi cả hai cùng thọt mạnh, hai chiếc gậy cùng một lúc, bỗng nghe thấy "ket" một tiếng. Mọi người đoán cái nắp hộp bên trong đã mở rồi, theo đó có tiếng "soẹt soẹt, tung tung" liên tiếp, thùng gỗ hơi bị rung chuyển. Nghe thấy tiếng tên độc bắn ra đã ngừng rồi, Thừa Chí định mở tấm ván đậy nắp lên xem. Nhân Thanh vội cản lại quát lớn:
- Hãy chờ một lát đã!
Chưa dứt lời lại nghe thấy mấy tiếng "soẹt, soẹt." Chờ thêm một lát, không thấy có tiếng động nữa, Mục Nhân Thanh mới cho mở tấm ván ra. Quả nhiên trong thùng và cả tấm ván đậy nắp cũng đều có mấy chục mũi tên ngắn cắm sâu vào. Nhân Thanh phải dùng kềm chớ không dám lấy tay nhổ những mũi tên đó. Mộc Tang than rằng:
- Người ấy cũng thâm độc đa kế thật, sợ xếp đặt một lần ám khí bắn không chết kẻ mãnh tâm, mà phải đặt những hai lần như vậy!
Lấy hộp sắt ra, thấy nắp thứ hai đã mở, bên trong có những lò so đóng chằn chịt, chắc đó là những máy móc đặt tên độc, Mộc Tang tháo hết những lò so đó ra và cầm cuốn sách để bên dưới lên. Thấy trên bìa sách viết mấy chữ "Kim Xà bí kíp" (kíp là vũ sách làm bằng tre).
Mộc Tang đạo nhân dùng kềm mở thử mấy trang, thấy viết bằng những hàng chữ nhỏ li ty và có rất nhiều họa đồ, có trang thì vẽ hình địa đồ, có trang vẽ các thế võ, và cũng có trang vẽ khí giới máy móc. Khi mở hộp nhỏ ra xem, bên trong cũng có một cuốn sách cùng một khuôn khổ như cuốn trước và chữ viết, cách đóng, chẳng khác một tý nào, riêng có nội dung là không giống thôi.
Mục Nhân Thanh nói:
- Để đối phó với những kẻ không chôn cất thi hài ông ta cho tử tế, Kim Xà Lang Quân đã không tiếc công, mất thời giờ, viết một cuốn sách giả, rồi đặt vô số tên độc. Nhưng sự thật thì một người đã chết rồi, còn tính toán tới chuyện người ngoài đối xử với mình tốt hay xấu làm gì!
Mộc Tang nói:
- Cũng chỉ vì hắn quá hẹp lượng, nên mới có kết quả bi đát như thế!
Mục Nhân Thanh gật đầu than thở, bảo Thừa Chí cất hai hộp sắt ấy đi rồi nói:
- Hành vi của Kim Xà Lang Quân thật quái dị, dù có đọc sách của y cũng vô ích.
Thừa Chí vâng lời, sau vụ đó, cậu luyện võ càng thêm chăm chỉ.
Mộc Tang dạy tất cả các môn khinh công, ám khí cho cậu ta xong đâu đấy mới hạ sơn đi nơi khác.
Thời gian trôi chảy rất chóng, thấm thoát đã mấy năm. Lúc ấy đã là năm thứ 16 của vua Sùng Chính, Viên Thừa Chí đã 10 tuổi.
Chàng đã được Mục Nhân Thanh, trưởng môn phái Hoa Sơn, quyền kiếm thiên hạ vô song, dạy bảo mười mấy năm tất nhiên võ công phải tuyệt phi phàm. Chàng lại được thêm Mộc Tang đạo nhân chỉ bảo khinh công tới mức tuyệt đỉnh. Chống ám khí độc đáo, và cậu cũng có bản lãnh về đánh cờ. Một mình chàng học được võ công thượng thặng của hai môn phái, đã là một nhân vật hiếm có trong giới võ lâm. Nhưng trong mười mấy năm học tập, chàng chưa từng đặt chân xuống núi một bước, tất nhiên không biết thế sự là gì cả. Và khắp chốn giang hồ cũng chưa một ai biết phái Hoa Sơn đã có một tay vạn năng hảo thủ như vậy.
Hôm đó là ngày Xuân, Thừa Chí cùng Đại Oai và Tiểu Quái, hai con đười ươi luyện võ. Chàng Câm ở trong nhà bước ra giơ tay ra hiệu. Thừa Chí biết là sư phụ cho gọi, liền vào ngay trong nhà, thấy có hai đại hán đứng cạnh sư phụ. Chàng ngạc nhiên vô cùng, vì ở trên núi Hoa Sơn này, trừ Mộc Tang ra, chưa có người khách thứ hai tới thăm. Mục Nhân Thanh nói:
- Thừa Chí, con lại chào Vương đại ca và Cao đại ca đi.
Tưởng là bạn của sư phụ, chàng vái chào và miệng gọi "sư thúc," hai người nọ vội vàng quỳ xuống lạy và nói:
- Mời Viên sư thúc bình thân. Chúng cháu đâu dám nhận lễ của sư thúc.
Thấy gọi mình là sư thúc, chàng ngơ ngác không hiểu. Mục Nhân Thanh cả cười một hồi rồi mới nói:
- Thôi! Đứng dậy cả đi!
Thừa Chí vội đứng thẳng lên. Chàng thấy hai người nọ ăn mặc lối quê mùa, trông cũng có vẻ nhanh nhẹn và oai hùng, Nhân Thanh cười nói:
- Con chưa theo thầy xuống núi bao giờ nên không biết vai vế của con ra sao? Thôi đừng khách sáo nữa, và ai cũng đừng gọi ai là sư thúc gì cả. Cứ căn cứ vào tuổi hơn kém mà gọi nhau là huynh đệ thì hơn.
Thì ra hai sư huynh đệ họ Vương và họ Cao kia, theo vai vế thì sư phụ của họ phải gọi Mục Nhân Thanh là sư thúc. Họ tuy lớn tuổi, nhưng phải gọi Thừa Chí là sư thúc mới phải. Mục Nhân Thanh lại nói:
- Hai vị sư huynh này thừa lịnh Lý Tự Thành tướng quân ở tỉnh Sơn Tây tới, muốn mời thầy xuống bàn tán một việc quan trọng, vậy ngày mai thầy phải xuống núi.
Thừa Chí nói:
- Thưa sư phụ, lần này sư phụ cho phép con đi theo để thăm Thôi thúc thúc.
Chàng ở trên núi mãi cũng thấy buồn, mấy lần muốn theo sư phụ hạ sơn đều không được phép. Lần này chàng lại xin thì Nhân Thanh mỉm cười. Hai người kia biết thầy trò chàng có chuyện muốn bàn tán liền cáo lui ra bên ngoài.
* * *
Mục Nhân Thanh nói:
- Hiện giờ thân thế nghĩa quân đang bành trướng rất mạn. Hai tỉnh Tân, Tấn sắp vào tay quân ta. Đây cũng là dịp may con báo thù cha. Bấy lâu nay con cứ xin thầy cho phép con đi hành thích vua Sùng Chính, nhưng thầy nhất định không nghe, con có biết tại sao không?
Thừa Chí trả lời:
- Thưa thầy, có phải vì con chưa học thành tài không?
- Điều đó cũng là một nguyên nhân, nhưng còn một điều nữa quan trọng hơn. Con hãy ngồi xuống thầy nói cho con nghe.
Thừa Chí ngoan ngoãn ngồi xuống, Nhân Thanh nói tiếp:
- Mấy năm nay, tình thế ngoài quan ải khẩn trương lắm. Dã tâm của người Mãn Châu không lường, ngày nào cũng muốn xâm lấn vào trong quan ải. Mặc dầu vua Sùng Chính hay đa nghi và thiếu ý chí cương quyết, nhưng còn sáng suốt hơn các vua trước, như vua Gia Tinh, vua Thiên Khải nhiều. Nếu cho phép con vào trong cung hành thích Sùng Chính để trả tư thù sẽ có hại, vì Thái tử còn nhỏ nếu lên nối ngôi, quyền hành thế nào cũng lọt vào tay bọn gian thần quan hoạn. Thầy chỉ sợ chúng sẽ làm mất giang sơn của người Hán mình ngay. Như vậy, có phải con là một người có tội với thiên hạ không? Thân phụ con suốt đời phản kháng quân Mãn, quyết chí thu phục đất Liêu Đông, nay thấy con bất trung bất hiếu như vậy, thì ông ta dù ở thế giới bên kia cũng không được yên tâm chút nào!
Thấy sư phụ nói như vậy, Thừa Chí toát mồ hôi.
Mục Nhân Thanh lại nói:
- Quốc sự là một việc lớn, tư thù là việc nhỏ, dĩ thầy không cho con đi báo thù vì lẽ đó. Nhưng tình hình bây giờ lại khác hẳn. Sấm Vương Lý Tự Thành đã chiếm Tân, Tấn hai tỉnh, và chỉ trong một hai năm là có thể tiến tới Bắc Kinh. Lúc ấy đã có ông ta chủ trì đại cuộc, toàn quốc trên dưới một lòng, thì còn sợ gì Liêu Đông, Mãn Châu vào xâm chiếm nữa.
Càng nghe, Thừa Chí càng thấy phấn khởi. Nhân Thanh lại nói tiếp:
- Võ nghệ của con bây giờ đã có căn cơ. Tuy võ học không có bờ bến, nhưng tài năng của ta đã truyền lại hết cả cho con. Sau này, con chỉ chăm chỉ học tập lấy đủ được rồi, mai thầy xuống núi, con cứ ở lại chờ một tháng sau, con hãy hạ sơn, đến tỉnh Sơn Tây vào trại quân đội Sấm Vương kiếm thầy.
Thấy thầy cho phép xuống núi, Thừa Chí hớn hở vô cùng. Lúc thường Mục Nhân Thanh đã dạy cho chàng biết các điều cấm kỵ và các luật lệ của các môn phái trên chốn giang hồ rồi. Lúc này, ông ta nhắc lại những điều quan trọng cho chàng nghe.
Sau cùng lại dặn rằng:
- Con là người cẩn thận chánh trực, ta yên trí lắm. Nhưng còn chữ "sắc", con đặc biệt đề phòng. Có rất nhiều đại anh hùng, đại hào kiệt đã sa ngã bởi chữ sắc đó, đến rồi tiêu tan sự nghiệp, trở nên thân tàn ma dại. Con phải nhớ kỹ lời nói đó của thầy.
Ngày hôm sau, trời chưa sáng tỏ, Thừa Chí đã thức dậy giúp chàng Câm đun nước, thổi cơm, xong đâu đấy, mới vào phòng sư phụ thỉnh an. Không ngờ Mục Nhân Thanh và hai người khách lạ kia đã hạ sơn từ lúc nửa đêm rồi. Ngẩn người giây lát, Thừa Chí nghĩ tới việc mình sắp hạ sơn đến nơi rồi, liền chỉ chõ ra hiệu cho chàng Câm hay. Chàng Câm có vẻ không vui, quay mình đi ra. Hai người ăn ở với nhau hơn mười năm trời, tình thân hơn anh em ruột thịt, nên chàng biết chàng Câm không nỡ chia tay với mình.
Thấm thoát đã qua được bảy tám ngày, Thừa Chí vẫn luyện tập như thường. Nghĩ tới sắp phải rời khỏi nơi đây, chàng bắt đầu luyến tiếc từng cánh cây, cái cỏ. Hôm đó, ăn cơm tối xong, chàng lấy sách sư phục ra đọc một thời gian khá lâu. Đang định tắt đèn đi ngủ, bỗng thấy chàng Câm vào chỉ chỏ ra hiệu cho chàng ra để xem xét, nhưng chàng Câm níu lại, và cho hay rằng, đã khám xét rồi, không thấy tung tích người nào cả. Thừa Chí vẫn không yên tâm lắm, dắt hai con đười ươi đi khám xét lại phía trước lẫn phía sau núi. Quả nhiên, không thấy có điều gì khả nghi cả, chàng mới trở về phòng ngủ.
Ngủ tới nửa đêm, chàng nghe thấy Đại Oai và Tiểu Quái ở phòng ngoài kêu la ầm ĩ. Chàng ngồi dậy lắng tai nghe, bỗng có mùi thơm xông lên mũi, vội nín hơi thở ra, ngờ đâu hai chân mềm nhũn, loạng choạng suýt ngã. Lúc ấy, cửa phòng bỗng mở toang, một cái bóng đen nhảy vào, và giơ đao chém ngay vào đầu chàng. Tuy cảm thấy đầu nặng chĩu, nhưng chàng rất tinh thông võ nghệ, có thể cố gượng được, vội né sang bên trái, rồi tay phải, đánh ngược một chưởng.
Người nọ muốn chém vào tay Thừa Chí nhưng gặp phải cường địch, khi nào lại chịu để cho đối phương có thể giơ tay. Trong bóng tối, chỉ có cách nghe hơi gió để nhận đính mọi cử động của địch thủ, Thừa Chí tiến lên một bước, dùng bàn tay trái chặt vào vai người đó. Chưởng đó chàng đã dùng cả mười phần sức lực. Người nọkhông ngờ chàng đã bị thuốc mê rồi mà còn có công lực như vậy. Vai bị đau, người nọ bị đánh tung ra cửa. Bên ngoài, có một người bèn đỡ lấy người nọ và nói:
- Cái điểm móng cứng lắm! (đây là tiếng lóng của người giang hồ. Cái điểm là tên kia, móng là tài nghệ, cứng lắm là giỏi lắm.)
Thừa Chí định nhảy ra, bỗng thấy đầu choáng váng rồi mê man bất tỉnh. Cách không biết bao nhiêu lâu, chàng mới tỉnh dậy, thấy tay chơn và mình mẩy đều mỏi mệt. Vừa cựa quậy tay chơn, chàng hoảng sợ vì thấy mình mẩy đã bị trói chặt bằng dây thừng. Trong phòng đèn đuốc sáng choang, hai người lạ mặt đang lục lợi hòm siểng khắp nơi.
Chàng đã biết bị người hãm hại, tự trách mình là kẻ vô dụng, sư phụ vừa hạ sơn được vài ngày mà mình đã bị người ta lên tận núi bắt trói. Như vậy, còn mong mỏi gì đặt chân vào chốn giang hồ và báo thù cho cha nữa. Chàng giả tảng chưa hồi tỉnh, hé mắt nhìn trộm, thấy một người gầy gò, trạc độ ngoài 50, mặt khô khan. Còn một người nữa là hòa thượng, vừa to vừa béo xem thân hình đúng là người vừa đánh nhau với mình.
Chàng nghĩ thầm: "Lạ quá! Trên núi, có cái gì quý báu đâu mất công đến tận đây trộm cướp? Tiền của thì chỉ độc có 50 lạng bạc sư phục để lại cho để làm lộ phí thôi! Nhưng họ nhất định không phải là giặc cướp thường. Tên hòa thượng này võ công khá lắm, và người gầy gò kia cũng không phải là tay xoàng xĩnh. Nếu bảo họ tới đây để báo thù, tại sao lại không giết mình mà cứ đi lục lọi khám xét đồ đạc thế kia."
Vừa nghĩ ngợi, chàng vừa vận nội công để làm đứt dây thừng đang trói chặt người chàng.
Nào ngờ đâu kẻ địch lại là những tay lão luyện, biết chàng giỏi võ nên lúc trói họ cắm một mẩu tre vào giữa hai tay, hễ chàng lấy sức là mẩu tre vỡ trước, và gây ra tiếng động tức thì. Khi chàng vừa lấy sức định bứt sợi dây thì phát giác ngay mưu kế đó, nên ngừng ngay lại và không cựa quậy nữa. Trong lúc chàng đang nghĩ kế thoát thân, thì nghe thấy tên hòa thượng mừng rỡ kêu lên:
- Đây rồi!
Hòa thượng kéo chiếc hộp sắt dưới gầm giường ra, đó là cái hộp của Kim Xà Lang Quân.
Người gầy gò tỏ vẻ hân hoan, cùng hòa thượng ngồi cạnh bàn mở hộp sắt, lấy cuốn Kim Xà bí kíp ra xem. Hòa thượng cả cười nói:
- Quả nhiên nó ở đây rồi. Sư huynh này, bây giờ mới bõ công tìm kiếm 15 năm của anh em mình!
Mở cuốn bí kíp ra xem, thấy bên trong có vẽ rất nhiều họa đồ, và những hàng chữ nhỏ, y khoái trí gãi đầu, xoa tay mừng rỡ vô cùng.
Người gầy gò bỗng nói:
- Kìa, tên kia đã tẩu thoát.
Vừa nói, y vừa chỉ về phía Thừa Chí. Hòa thượng quay đầu xem có thật không.
Nhanh như chớp, tên gầy gò đâm luôn một nhát dao găm vào giữa sống lưng hòa thượng, sâu ngập tới cán rồi y nhảy cách xa vài thước, rút trường kiếm ra đề phòng sự phản ứng. Hòa thượng ngạc nhiên, bỗng phá ra cười một cách chua chát rồi nói:
- Anh em mình cố gắng tìm kiếm suốt 15 năm trời, ngày nay mới tìm thấy vật báu. Không ngờ anh lại muốn chiếm lấy một mình mà hạ độc thủ như vậy⬦ hà, hà!⬦ hà⬦ hà⬦
Trong đêm khuya tĩnh mịch, tiếng cười của y lại càng bi đát rùng rợn thêm đến nỗi Thừa Chí nghe thấy cũng phải sờn lòng. Y định đưa tay về phía sau rút thanh đao ra, nhưng không được. Bỗng y thét lên một tiếng, ngã gục xuống, giãy giụa rồi tắt thở liền.
Người gầy gò sợ hòa thượng chưa chết, hắn liền tiến lên đâm bồi thêm mấy nhát kiếm nữa. Thấy y tàn sát sư đệ như vậy, Thừa Chí cũng phải rùng mình ghê gớm. Tên ấy "hừ" một tiếng rồi nói:
- Ta không giết ngươi thì ngươi cũng sẽ hại ta!
Nói xong, y còn đá vào xác hòa thượng mấy cái.


Bình luận

Truyện đang đọc