DẠ CẬU, EM LÀ MÙA!

Mùa lũ năm nay tràn về làm tan hoang hết một vùng quê nghèo cằn cỗi, gia đình tôi cũng không tránh khỏi thiệt hại, ruộng vườn tiêu tùng, gà vịt chết sạch. Sau lũ, mẹ tôi bệnh nặng, vài tháng sau, bà cứ thế bỏ cha con tôi mà đi. Của cải mất sạch, mẹ mất, nợ nần chồng chất, chủ nợ không đòi đến sát mông nhưng vẫn khó chịu ép cha con tôi trả nợ gấp. Để cấn trừ nợ, tôi tình nguyện xin cha cho sang nhà chủ nợ ở đợ vì nghe nói nhà bà Hằng đang thiếu người làm.

Cha tôi ban đầu không chịu, ông nói để ông bán mấy sào ruộng là đủ trả nợ, chứ để tôi đi ở đợ cho người ta, ông xót trong bụng lắm. Tôi thì tôi cũng không muốn đi ở đợ nhưng ngặt nỗi, mấy sào ruộng lấc cấc bán được bao nhiêu đồng? Cha tôi bán ruộng đi rồi, ông lại phải đi làm mướn cho người ta, mẹ đã mất, cha đủ buồn rồi, tôi không muốn ông buồn thêm nữa. Mà chuyện học hành công việc của tôi ở thành phố cũng không được suôn sẻ, nhà nghèo quá, có học cũng không bằng được với người ta. Mấy đồng lương làm thêm cỏn con của tôi có được bao nhiêu đâu, sống ở nơi thành thị không một ai thân thích, nhiêu đó tiền cũng không đủ trả tiền trọ chứ không nói là đóng tiền học phí.


Thôi thì sang ở đợ cho nhà bà Hằng, ở một năm là trừ hết nợ, lại được ở gần cha, có thể chạy qua chạy lại cúng cơm cho mẹ. Đợi trả hết nợ thì cũng tới giáp năm của mẹ, lúc đó tôi lên lại thành phố đi làm kiếm tiền cũng không muộn. Thấy cha tôi mạnh mẽ vậy chứ tôi biết ông buồn dữ lắm, nửa đêm tôi ngủ, ông cứ dậy ra nhìn di ảnh của mẹ tôi mà khóc hoài à. Cha tôi ông ấy yếu đuối mong manh dữ lắm!

Mấy bữa trước, con Ý nói với tôi, ở đợ cho nhà bà Hằng lương ngon lắm, ngoài làm công chuyện nhà ra, còn phụ đan giỏ lục bình mỗi khi xưởng có đơn đặt hàng gấp. Bà Hằng thì khó tính nhưng cái nào ra cái đó, bả không có để người làm của bả bị thiệt bao giờ. Con Ý cũng muốn xin vô làm mà bà Hằng không chịu, bị con Ý có gia đình rồi nên bả không ưng. Tôi ngẫm nghĩ mấy bữa, thấy như vậy cũng tốt, vừa trả được nợ cho cha, nếu siêng năng chút nữa thì mỗi tháng dư được chút đỉnh cho cha mua bánh trái thuốc hút, được à!


Sáng sớm, cha mượn cái ghe máy của bác Bảy đưa tôi qua cồn Quý, nhà của bà Hằng nằm riêng biệt bên cồn. Đi từ bên đất liền sang cồn có 2,3 phút, gió thổi man mác, thơm thoảng mùi nước sông quen thuộc. Ghe cập bến, cha dắt tôi đi tới nhà bà Hằng, đứng trước căn nhà tường to tướng khang trang, tôi có chút bị doạ bởi vẻ kiên cố cùng sang trọng đẹp đẽ của ngôi nhà. Nhà này cứ như biệt thự nhỏ ở thành phố vậy, tôi không nghĩ ở cồn lại xây cất được ngôi nhà đồ sộ và đẹp đẽ đến thế này. Trên tay tôi ôm con chó nhỏ, cha tôi xách giỏ đồ đưa cho tôi, ông nhìn tôi, mắt buồn buồn, ông nói:

- Cha thấy mày đi ở đợ vầy... cha không có yên tâm.

Tôi nhìn tình cảnh của cha con tôi mà tôi có chút buồn cười, trông có khác gì cảnh chị Dậu đi bán chó đợ con không kia chứ? Đâu mà tới nỗi lâm li bi đát như vậy.


Tôi vỗ vai cha, an ủi:

- Trời, từ bên đây đi về nhà mình có mấy phút chứ nhiêu đâu cha, cha nhớ con, cha nhắn với con Ý, để nó nhắn lại với dì Tư là con chạy về thăm cha liền.

Cha tôi lắc đầu, ông xoa xoa đầu con chó Gấu của tôi, giọng ông buồn buồn:

- Tao có cần mày về thăm tao đâu, tao sợ mày ở không được, tay chân mày vụng về rồi làm đổ bể hết đồ đạc của người ta... nợ chồng thêm nợ là chết tao luôn.

Tôi nhìn ông, khoé môi giật giật, sao cha tôi lại có cái suy nghĩ đáng sợ như vậy nhỉ? Ông mất lòng tin vào tôi tới như vậy sao?

Bên trong nhà, dì Tư đi ra mở cổng, thấy cha con tôi đứng bịn rịn, dì kéo tay tôi, nói:

- Có cái gì đâu mà cha con mày nói cả buổi ngoài này vậy, con Mùa đâu... bà chờ mày ở trỏng cả buổi chưa thấy mày vô. Thôi, cha con bớt bịn rịn đi, nay mai tôi cho con Mùa về thăm ông mà ông Hai.
Cha tôi lúc này mới rưng rưng nước mắt, ông dặn dò dì Tư:

- Dì Tư để ý con Mùa dùm tôi nha dì, nó vậy chứ còn con nít lắm.

- Tôi biết rồi, con này là bạn con Ý cháu tôi, tôi coi như con cháu trong nhà, ông khỏi có lo.

Nói rồi, dì Tư kéo tay tôi vào trong, tôi quyến luyến quay đầu lại, trấn an cha tôi:

- Cha về đi, vài bữa nữa con xin bà về thăm cha... nghen cha.

Cha tôi vẫy tay theo:

- Ờ, cha biết rồi, nghe lời dì Tư với bà nha Mùa.

- Dạ!

Tay ôm con Gấu, tay xách túi đồ, trong lòng buồn muốn thúi ruột. Thấy cha tôi rưng rưng nước mắt, tôi thiệt không có nỡ, nhưng mà biết sao bây giờ, nhà tôi nghèo quá...

Dì Tư kéo tay tôi đi vào trong sân, dì nhìn con chó trên tay tôi, lầm bầm:

- Mày đi ở mà ôm theo con chó chi vậy Mùa?

Tôi sụt sùi:

- Con thấy người ta bỏ nó ngoài đường, thấy thương nên con đem về nuôi. Nó dễ nuôi lắm dì Tư, không có phá đâu.
- Thì... tuỳ mày nhưng mày đừng để nó đi vô trong nhà, cậu Ba nhà này không có ưa chó. Lát đưa tao đem cột ở nhà sau đi, cho nó ở ngoài vườn.

- Dạ.

Đi tới trước cửa nhà, kiểu nhà ba gian được cách tân theo lối tân thời, dì Tư dẫn tôi tới trước cửa bên trái, dì đẩy cửa vào rồi nói với tôi:

- Đưa con chó cho tao, mày vô trong đi, bà đang làm sổ sách chờ mày ở trỏng đó.

Tôi truyền tay đưa con Gấu cho dì Tư rồi xách túi xách đi vào trong, nhà bên ngoài nhìn đã đẹp, bên trong nội thất xịn xò phải biết. Trước cái bàn hình chữ nhật dài, có một người đàn bà đang ngồi viết lách cái gì đó. Người đàn bà trước mặt độ chừng khoảng 50 tuổi, dáng cao cao, mặt tròn tròn, trông sang trọng lắm. Bà mặc bộ bà ba quần ống rộng loà, chân mang guốc cao, cổ đeo chuyền vàng, móng tay móng chân được sơn phết cắt tỉa rất chăm chút. Nghe tiếng bước chân tôi đi tới, bà ngước mắt lên nhìn, chân mày có hơi cau lại, bỏ viết xuống, bà hỏi tôi:
- Mày là đứa nào?

Giọng đầy uy quyền, tôi có chút co rúm lại:

- Dạ con là Mùa, con của Hai Được, có thiếu nợ nhà bà hơn 50 triệu, nay con xin qua ở đợ để trừ nợ cho cha con.

Bà Hằng nhướn mày suy nghĩ, dường như vừa đoán ra tôi là đứa nào, bà gật gù:

- À ừ tao nhớ cha mày rồi, ông Hai Được mà có vợ mới chết phải không?

- Dạ phải bà.

- Tao có kêu cha mày trả gấp đâu nhưng mà nay mày lỡ qua đây rồi thì để tao nhận. Để tao tính luôn, cha mày thiếu tao vị chi là 55 triệu 500 ngàn nhưng coi như tao cúng điếu cho má mày, tính 55 triệu thôi. Mày ở đợ cho tao, mỗi tháng tao trả 5 triệu bao ăn bao ở, coi như mày ở 11 tháng là trừ đủ... có phải chưa?

Tôi gật đầu:

- Dạ phải.

Bà chủ gật gật, bà nói tiếp:

- Mày ở 11 tháng là trừ hết nợ cho cha mày, công chuyện của mày là làm gì thì để bà Tư bả chỉ dạy mày sau. Tao thì tao không có ác, không có dồn ai vào đường cùng hết... mỗi tháng tao bồi dưỡng cho mấy trăm để mày có tiền xài gì thì xài. Còn mà làm thêm cho nhà tao, đan giỏ lục bình kiếm thêm... tao trả theo sản phẩm, mày đan được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu.
Tôi có chút mừng rỡ:

- Dạ nếu được vậy thì tốt quá, con cảm ơn bà nhiều lắm.

Bà chủ kéo hộc tủ ra, bà rút hai tờ trong sấp polime mới cóng, chìa ra trước mặt tôi, bà nói:

- Còn cái này, tao cho mày 200 ngàn, coi như quà mừng cho mày, lại đây lấy.

Tôi thấy tiền là hai con mắt sáng rực như đèn oto, đi nhanh tới chỗ bà Hằng, tôi nhận lấy tiền rồi nói cảm ơn lia lịa. Xong xuôi, tôi đi vòng ra ngoài rồi đi xuống nhà sau để kiếm dì Tư. Dì Tư thấy tôi đi xuống, bà ấy đi nhanh lại, hỏi han:

- Sao rồi? Bà chịu nhận mày không?

Tôi gật đầu:

- Dạ nhận, bà nói con ở 11 tháng là trừ hết nợ cho cha, còn cho thêm tiền bồi dưỡng hàng tháng nữa đó dì.

Dì Tư mắt sáng lên, dì vui vẻ nói:

- Vậy thì tốt, 11 tháng cũng nhanh mà, ở đây thấy vậy chứ khỏe ru hà, có tao nên mày không cần lo đâu.

- Dạ, giờ con làm gì hả dì? Bà kêu con xuống gặp dì để hỏi công chuyện.
Dì Tư ngoắc ngoắc tay, dì dắt tôi tới trước phòng của người làm, dì mở cửa cho tôi vào trong, dì nói:

- Mai mốt chỗ này là chỗ ngủ của mày, phòng này có một mình mày thôi tại cái con ở chung với mày nó đi ra nhà ngoài đất liền rồi. Sắp đồ cho gọn gọn vô, ở một mình cũng phải sạch sẽ nha mày.

Tôi nhìn quanh một vòng, phòng ốc sáng sủa, có giường có tủ, có bàn để đồ, trông còn tốt hơn nhà của cha con tôi nữa. Xem ra nhà bà Hằng cũng quan tâm và coi trọng người làm phết nhỉ, chỗ ở tốt như thế này là đủ hiểu rồi.

- Rồi, ra đây tao chỉ dạy cho, mau lên.

Tôi đi theo dì Tư ra ngoài, bà ấy rót cho tôi một ly nước lọc đưa đến trước mặt tôi, bà nói:

- Ở đây thì cũng không có khó khăn gì, mày quét dọn nhà cửa, quét vườn tược, nấu đồ ăn cho bà với cậu mợ. Bữa nào có hàng thì mày phụ làm để có thêm tiền, không thì thôi, lúc nào rảnh rang thì muốn làm gì thì làm, tùy ý. Bà sai gì làm đó, cậu mợ biểu gì là phải nghe, chỉ vậy thôi.
- Dạ còn gì nữa không dì?

Dì Tư nói thêm:

- Tao với mày là ở dưới này, nhà trên không được phép thì không được bước lên, trừ lúc chủ kêu với giờ phục vụ cơm nước. Chủ không thích tôi tớ ở chung chạ, hiểu chưa?

- Dạ con hiểu rồi, giờ con đi quét sân hả dì?

Dì Tư xua tay:

- Từ từ hãy làm, giờ theo tao ra chào hỏi mọi người cái đã, rồi còn đi qua nhà bà Cúng ghi tên ghi tuổi. Mày còn ở tới 11 tháng lận, lo gì mà giành quét dọn nhà cửa. Đi, theo tao.

Dì Tư đi trước, tôi đi theo sau, ra chào hỏi cô chú anh chị đồng nghiệp. Mọi người ở đây cũng hòa đồng dễ gần, toàn là cô chú anh chị lớn tuổi nên lịch sự biết chuyện lắm. Tôi chào hỏi mọi người xong liền đi theo dì Tư qua nhà bà Cúng gì đó. Trên con đường đổ bê tông ngoằn ngoèo, tôi hết nhìn bên này lại nhìn sang bên kia, dân ở đây cũng nhiều chứ không phải ít. Nhà cũng có đèn điện ti vi các kiểu, nào có phải tối cổ như những gì tôi được biết đâu chứ. Chỉ có điều, ngoài nhà của bà Hằng là nhà tường ra, ở đây cũng không quá nhiều nhà tường cao to, chủ yếu là nhà sàn bằng gỗ, xây cất không được kiên cố cho lắm. Lại nhìn sang biển nước bên cạnh, gió thổi rù rì, tôi có chút tò mò, liền hỏi:
- Con thấy nước cũng cao quá, mình ở đây không sợ hả dì Tư?

Dì Tư trả lời:

- Có gì mà sợ, đê bờ đắp cao cả thướt rồi, nước sông có tràn vô được đâu mà mày lo. Dân ở đây sống cả trăm năm rồi, lúc nào cũng y chang như vậy hết. Mà cồn của mình là cồn lớn, lớn nhất ở cái vùng này, chừng nào mà mấy cồn kia bị chìm thì mình mới lo.

À ra là vậy, hèn chi ở đây hiện đại quá chừng, điện có, nước sạch có, đường bê tông cũng có, lại có cả phà để qua cồn, thi thoảng cũng thấy xe tải nhỏ qua giao hàng các thứ, cũng gọi là phát triển rồi. Tôi đi theo dì Tư, đi tầm mấy phút là tới chỗ cần tới. Dì Tư coi bộ quen thuộc với chỗ này, dì mở cửa cổng mà không thèm kêu chủ nhà một tiếng. Dắt tôi đi vào trong, dì kêu tôi ngồi vào ghế trong nhà rồi dì mới lên tiếng:
- Bà Cúng... bà Cúng à... bà đâu rồi?

- Ơi, tôi đây, đợi tôi chút.

Người ở trong bước ra là một người đàn bà tóc ngắn điểm bạc, một bên mắt có vẻ không được sáng cho lắm. Bà ta nhìn thấy tôi, bà nhìn tôi chằm chằm rồi mới quay sang dì Tư, khẽ hỏi:

- Cô Tư... đây là?

Dì Tư đổi giọng:

- Bà chủ kêu bà coi cho nó...

- À tôi hiểu rồi.

Nói rồi, bà ngoắc tay chỉ vào tôi, bà kêu:

- Cô gái, lại tấm ván ngồi đi.

Tôi có hơi ngơ ngác nhưng dì Tư ngầm đồng ý thì tôi cũng ngoan ngoãn nghe theo. Bà Cúng đi vào trong rồi lại đi ra, trên tay lúc này cầm theo cái hộp gỗ khá cũ kỹ. Bà đi tới chỗ tôi ngồi rồi cũng ngồi theo, bà nhìn tôi bằng một bên mắt sáng quắc, chìa tay ra, bà nói:

- Cô gái, đưa tay cho tôi đi.

Mặc dù có chút sợ sợ nhưng tôi vẫn đưa tay cho bà ta, bà ta nắm chặt tay tôi, bóp bóp vài cái rồi ấn thật mạnh ngay bắp tay. Chưa dừng ở đó, vừa ấn xuống xong, bà ta liền dùng cây kim to đùng màu đen chích thật mạnh vào bắp tay tôi rồi nặn ra một giọt máu đỏ. Tôi hoảng loạn vô cùng, đang định vùng vẫy thì dì Tư lên tiếng:
- Mùa, mày ngồi yên đi, có đau đâu mà.

Vừa nói dì vừa vịn vai tôi giữ lại, tôi sợ quá liền hét lên:

- Đau! Mấy người làm cái gì vậy?

Bà Cúng giữ tay tôi thật chặt, kim vừa được tiêm vào bắp tay tôi thì liền hiện ra mấy đường chỉ máu màu đỏ như rễ cây. Cả tôi và cả bà Cúng đều ngạc nhiên nhìn chằm chằm vào đó, mặc dù đang đau nhưng tôi vẫn thấy hoảng loạn hơn hết. Tôi thầm nghĩ trong lòng, sao tay tôi lại hiện lên đường chỉ máu nhỉ? Làm gì có đường chỉ máu nào xuất hiện ở đây được? Cuối cùng vẫn là bà Cúng gạt đi máu trên tay tôi, bà cho tôi chút bông gòn ấn vào chỗ tiêm cho máu không chảy ra nữa, rồi mới nhàn nhạt nói:

- Còn trinh.

Hai chữ "còn trinh" như khiến thần kinh tôi bùng nổ, mặt tôi đỏ dần lên, tôi quay phắt sang dì Tư, giọng bực dọc:

- Chuyện này là sao hả dì?
Dì Tư cười hề hề, vỗ vai tôi trấn an:

- Thì có cái gì đâu mà mày làm thấy ghê vậy, tục lệ ở đây là như vậy. Con gái chưa chồng muốn ở được trên cồn thì phải làm dấu là còn trinh, đây... tao cho mày coi.

Nói rồi, dì Tư chìa tay ra, dì ấy kéo tay áo lên đến vai để hiện ra ngay bắp tay một chấm đỏ như mụt ruồi son. Tôi nhìn thấy chấm đỏ trên tay dì, sự tức giận trong lòng mới giảm xuống chút ít. Tôi nhỏ giọng:

- Thì dì phải báo trước với con một tiếng chứ... tại dì không nói chứ bộ.

- Tại tao quên, tao cứ tưởng là mày biết rồi không à.

Nói xong với tôi, dì mới quay sang bà Cúng mà hỏi:

- Xong rồi hả bà Cúng?

Bà Cúng gật đầu:

- Ừ xong rồi, nhanh mà dì.

- Ừ vậy thôi tôi về à.

- Khoan khoan, dì Tư sẵn ghé thì xuống dưới hốt mớ trà khô về uống đi, tôi phơi rồi để ở dưới đó.
- Vậy hả? Sao bà không kêu tôi qua lấy?

- Thì có gặp đâu, xuống lấy bao nhiêu thì lấy, có ít cam thảo, bà lấy thì lấy luôn đi.

- Ờ.

Dì Tư đi xuống bếp, tôi cũng định đứng dậy thì bà Cúng liền chộp lấy tay tôi, bà nói gấp:

- Tối nay canh lúc mọi người ngủ hết, cô ra ngoài vườn nhà, tôi đợi cô ở đó. Tôi có chuyện quan trọng cần nói cho cô biết vì nó liên quan tới vận mệnh của cô và cái cồn này...

Tôi trố mắt ngạc nhiên, e dè hỏi:

- Dạ?

Bà Cúng cau mày tỏ ra gấp gút:

- Đừng nói cho ai biết, chỉ tôi và cô biết thôi, nhớ lời tôi.

Bà Cúng vừa dứt lời, dì Tư cũng từ nhà trong bước ra, chào hỏi vài tiếng, dì Tư liền dắt theo tôi ra về. Lúc bước ra khỏi cổng, tôi còn ngoái đầu nhìn về phía bà Cúng, tôi thấy bà ấy vẫn đứng ngay cửa nhìn theo bước chân của tôi, mãi tới khi nhà bà Cúng khuất dần, tôi mới không thấy bà ấy nữa.
Lạ thật, chuyện này là sao vậy nhỉ? Bà Cúng đó... liệu có đáng tin không đây?

Bình luận

Truyện đang đọc