ĐỨC PHẬT VÀ NÀNG: HOA SEN XANH

Phần 1: Thời niên thiếu



“Người sáng suốt, dù vấp phải bất kể trở ngại gì cũng không hành động dại dột;

Loài chim tước, dù khát đến cháy cổ cũng không chịu uống nước đục trên mặt đất.”

(Cách ngôn Sakya)

Mùa đông năm 1246 – tức năm Ngọ, Âm Hỏa, lịch Tạng – tức niên hiệu Thuần Hựu thứ sáu, nhà Nam Tống – tức niên hiệu Quý Do Hãn thứ nhất, Mông Cổ.

- Thí chủ định bán tiểu hồ ly này bao nhiêu?

Giọng nói khàn khàn của cậu thiếu niên đang trong giai đoạn vỡ tiếng đã giúp tôi thoát khỏi nỗi buồn tủi và tuyệt vọng đang đè nặng, giật mình ngẩng lên.

Chiếc áo tăng ni màu đỏ sẫm, rộng rãi ôm lấy thân hình gầy guộc của cậu bé chừng mười hai, mười ba tuổi. Nước da tuy sạm đen nhưng không sần sùi, thô ráp mà bóng mịn, khỏe khoắn. Hai má đỏ au, gò má hiện rõ hai vệt rám nắng, gương mặt cân đối, khôi ngô, hàng lông mày đậm, dày, phần đuôi hất lên như lưỡi kiếm, sống mũi cao, thẳng… từng đường nét trên khuôn mặt đều sống động như được tạc khắc.

Cậu ấy không để đầu trọc lốc như các nhà sư Trung Nguyên nhưng tóc cũng được cắt ngắn hết mức có thể. So với những người cùng độ tuổi, cậu ấy cao lớn hơn rất nhiều, ống chân và cánh tay thuôn dài, lưng vươn thẳng, chẳng khác nào những cây bạch dương mọc tăm tắp khắp nơi trên đất Lương Châu[1] này, phong thái ấy toát lên sức mạnh của sự rắn rỏi, kiên định, bền bỉ vô chừng. Tuy vẫn còn nhỏ tuổi nhưng không khó để nhận thấy khí khái phi phàm và tài hoa trác tuyệt tiềm ẩn ở cậu bé này.

Áo tăng ni màu đỏ sẫm, vóc dáng cao lớn, làn da ngăm đen, tất cả những đặc điểm đó đều khác biệt so với người Lương Châu bản địa. Dựa vào kinh nghiệm sống ba trăm năm của mình, tôi biết cậu bé đến từ Tufan[2] (Thổ Phồn), là tăng nhân của một trong những giáo phái Phật giáo Tufan. Tuy vương quốc Tufan đã suy vong từ lâu, nơi đây sớm đã được đổi tên thành Wusi[3] (Ô Tư Tạng) nhưng vì vương quốc này từng có một lịch sử huy hoàng nên ngày nay, người ta vẫn gọi những vị khách đến từ vùng núi cao, quanh năm tuyết phủ là người Tufan.

Cậu bé ngồi xuống, ngắm nghía nàng hồ ly tội nghiệp bị nhốt trong lồng, đôi mắt trong veo, tinh khiết như nước suối trên đại ngàn. Sóng mắt long lanh, sống động khiến một tiểu hồ ly phép thuật còn non kém như tôi cũng có thể nhận thấy vầng hào quang rực rỡ bao bọc xung quanh cậu ấy. Tôi giật mình thầm nghĩ, cậu bé này có nội lực siêu phàm, chắc chắn không phải người bình thường.

Tôi ra sức kêu thương, lách bộ vuốt qua khe hở của chiếc lồng sắt, chới với cầu cứu. Cậu bé chìa tay, nhẹ nhàng đón lấy hai chân trước của tôi, hơi ấm tỏa ra từ lòng bàn tay cậu khiến tôi vững tâm hơn. Tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều, bèn nũng nịu kêu cầu khẩn thiết.

- Tôi không bán đâu. Mắt và lông của con hồ ly này đều có màu xanh lam tuyệt đẹp, chắc chắn là loài hồ ly quý hiếm, phải mấy trăm năm mới có một con.

Lão thợ săn nhấc chiếc lồng lên, dùng đầu ngón tay chọc mạnh vào bàn chân trước đang cố vươn ra để cầu cứu của tôi. Thấy tôi ấm ức rụt chân lại, lão ta khoái chí cười ha hả:

- Con hồ ly này trông nhỏ thế thôi nhưng nó còn hơn cả tuổi tôi đấy. Trong cả tộc hồ ly, chỉ những con có linh khí đặc biệt mới có thể tu luyện thành tinh. Con hồ ly này là một tuyệt phẩm, ngay từ khi ra đời đã mang trong mình linh khí, rồi đây, qua nhiều năm khổ công tu luyện, mắt và lông của nó sẽ ngày càng xanh hơn.

- Vậy vì sao thí chủ lại bắt được nó?

Tiểu Lạt Ma đứng lên, chắp tay vái lạy. Cậu ấy không thạo tiếng Mông Cổ nên phát âm rất lạ.

- Vì nó tu luyện chưa sâu nên mới mắc bẫy của tôi đó. -

Lão thợ săn lắc lư chiếc lồng sắt, cười đắc ý. – Tuy vậy, loài hồ ly vốn rất khôn ngoan, tôi phải mất rất nhiều công sức mới bắt được nó đấy. Tôi đã thức trắng nhiều đêm trên núi Côn Luân, nhẫn nại theo dõi suốt ba tháng trời, giăng không biết bao nhiêu bẫy mới bắt được con hồ ly này.

Tôi bị lão thợ săn lắc lư đến chóng hết cả mặt, đứng không vững, lảo đảo, ngã xuống, chân sau va vào thanh sắt đau điếng, tôi kêu gào thảm thương. Tiểu Lạt Ma thương xót tôi, vội giữ bàn tay đang đung đưa chiếc lồng của lão thợ săn lại, cất giọng lễ phép:

- Xin hỏi, thí chủ chuẩn bị đi đâu? Đường xa vất vả, chi bằng để bần tăng xách chiếc lồng này giúp ông.

Lão thợ săn khoát tay kiên quyết:

- Không cần đâu, tôi sắp đến nơi rồi. Thầy có nhìn thấy phủ Vương gia Khoát Đoan[4] ở phía trước kia không? Tôi sẽ tới đó.

- Thí chủ định làm gì với tiểu hồ ly này?

Lão thợ săn hồ hởi:

- Cậu cả Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi nhà Vương gia Khoát Đoan sắp bước sang tuổi hai mươi, tôi là thứ dân sinh sống trên đất phong của ngài ấy, tôi muốn dành con hồ ly này làm quà tặng dâng lên công tử Khởi Tất. Con hồ ly hàng trăm tuổi này rất quý hiếm, nước bọt của nó có thể chống sưng tấy, máu của nó có thể chữa lở loét, da của nó có thể làm thành loại áo khoác mà gươm đao không thể chọc thủng, dầm mưa không bị thấm ướt.

Cậu bé giật mình thảng thốt, gương mặt nhuốm vẻ thương cảm:

- Tiểu hồ ly này quý hiếm nhường vậy, thí chủ nỡ lòng nào lấy mạng nó?

- Tôi chẳng thể làm khác. Công tử Khởi Tất biết nó có nhiều tác dụng thần kỳ như vậy, từ lâu đã trông ngóng được mặc áo da hồ ly. Con trai tôi vừa báo tin tôi bắt được loài hồ ly quý hiếm, công tử đã lập tức cho mời thợ may đến, chỉ chờ tôi mang hồ ly về thôi.

Lão thợ săn vừa nói vừa bước đi. Mặc cho vết thương ở chân sau sưng tấy, nhức buốt, tôi ra sức tìm lối thoát, kêu la thảm thiết, cầu cứu tiểu Lạt Ma, lòng như lửa đốt.

- Thí chủ, xin mở lòng từ bi mà tha cho tiểu hồ ly này. Nó còn nhỏ như vậy, lại bị thương ở chân.

Tiểu Lạt Ma can đảm bước lên phía trước, dang rộng hai tay chặn lão thợ săn lại. Tuy thấp bé hơn lão thợ săn kia rất nhiều nhưng khí khái mạnh mẽ toát ra từ thần thái của cậu ấy khiến người đối diện không thể không cảm phục. Giọng cậu trầm ấm mà kiên định:

- Nếu công tử Khởi Tất trách phạt, tôi xin chịu mọi hình phạt!

- Tiểu sư phụ ơi, tôi vốn là người Tangut[5] (Đảng Hạng), từ nhỏ đã tín Phật. Nếu đây chỉ là một con hồ ly bình thường, tôi sẽ tặng cho thầy ngay, xem như làm từ thiện. Nhưng xin thầy hiểu cho, tôi có cái khó của mình.

Lão thợ săn khẽ thở dài, quay đầu ngó nghiêng xung quanh rồi mới hạ thấp giọng, thì thào:

- Hai mươi năm trước, nước Đại Hạ bị Mông Cổ tiêu diệt. Người Mông Cổ vô cùng căm hận vì chúng tôi đã chống trả ngoan cường, khiến cho Thiên Khả hãn[6] Thành Cát Tư Hãn của họ mắc bệnh rồi qua đời trên đường chinh phạt Đại Hạ. Mặc dù sau đó, Đại Hạ đã đầu hàng, nhưng họ không buông tha cho chúng tôi, họ đã tàn sát người Tangut[7]. Các con trai của tôi đã bị chết oan uổng như thế đó. Tôi chỉ còn cậu con út, nó mới mười bốn tuổi nhưng đã phải nhận lệnh theo đoàn quân ra trận, đi đánh nước Tống ở phía nam. Tôi không thể để giọt máu cuối cùng của mình đi nộp mạng, nên đã không quản nhọc nhằn lên núi Côn Luân đặt bẫy, chờ bắt cho được con hồ ly màu lam quý hiếm này. Ngài Khởi Tất đã hứa sẽ miễn cho con trai tôi không phải đi lính. Thầy thấy đấy, tôi không thể thả con hồ ly này được.

=== =======

[1] Lương Châu: nay là huyện Vũ Uy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.

[2] Tên dân tộc thiểu số ở vùng cao nguyên Thanh Tạng, Trung Quốc. Vương quốc Thổ Phồn từng thống trị Tây Tạng vào thời nhà Đường ở Trung Nguyên. (Chú thích của dịch giả – DG)

[3] Người Tây Tạng phát âm hai chữ “Ô Tư” là “Veä” (Usu) nghĩa là “vệ”, do đó còn có tên là Vệ Tạng. “Ô Tư” nghĩa là “trung tâm”, “Tạng” nghĩa là “thanh tịnh”. Ô Tư Tạng có nghĩa là “trung tâm thanh tịnh”, cõi Phật thanh tịnh. Ô Tư Tạng là tên gọi mà nhà Nguyên đặt cho vùng đất Tây Tạng sau khi vương triều Thổ Phồn bị diệt vong. Trước thời nhà Thanh, vùng đất này được gọi là Vệ Tạng, sau mới đổi thành Tây Tạng.

[4] Khoát Đoan là con trai thứ hai của Oa Khoát Đài, tức là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn (Oa Khoát Đài là con trai thứ ba của Thành Cát Tư Hãn).

[5] Tangut: tên dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, Trung Quốc. Nhà Tống gọi quốc gia của tộc người này là Tây Hạ, tuy nhiên quốc hiệu chính thức của quốc gia này là Đại Hạ. (DG)

[6] Khả hãn trong tiếng Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là người đứng đầu đế quốc. (DG)

[7] Mông Cổ tiêu diệt Tây Hạ vào năm 1227, khi ấy, Lương Châu thuộc lãnh thổ Tây Hạ.

Bình luận

Truyện đang đọc