ĐỨC PHẬT VÀ NÀNG

Tôi ngước nhìn lên, cổng chính chùa Thảo Đường không trang hoàng, to đẹp như ở thời hiện đại, hoành phi treo phía trên cũng rất mực giản dị, không hoa lệ, cầu kỳ. Phần lạc khoản phía dưới do đích thân vua Diêu Hưng chấp bút. Bỗng nhiên tôi thấy bồi hồi, xúc động lạ kỳ, không sao cất bước nổi, cứ đứng đó nhìn trân trân vào cánh cổng lớn, đầu óc rối bời. Người cha mà chưa một lần gặp mặt, đang ở trong cánh cổng này…

- Nhìn gì thế?

Đạo Hằng tủm tỉm cười, huých nhẹ vào khuỷu tay tôi, sau đó hào hứng kéo tôi bước lên bậc thềm.

- Đây chính là chùa Thảo Đường nức tiếng gần xa. Pháp sư Kumarajiva lập nên đạo tràng dịch kinh ở đây, nghe nói hơn ba nghìn tăng nhân theo ngài học Phật pháp, quả là chưa từng có! Nguyện vọng lớn nhất của bần tăng trong chuyến đi này, là được bái pháp sư làm thầy, không biết có được như ý hay không.

Đạo Hằng thao thao bất tuyệt một hồi. Khi tôi cùng cậu ta bắt đầu chuyến hành trình từ Hàm Dương đến Trường An, chỉ trong hai ngày, cậu ta đã nhắc đi nhắc lại mong muốn được bái cha tôi làm thầy không biết bao nhiêu lần, tôi nghe đến phát nhàm. Nếu không vì cái vẻ thật thà, chất phác rất dễ mến và bản tính lương thiện, ngay thẳng của cậu ta, tôi đã bỏ mặc cậu ta để nhanh chóng đến chùa Thảo Đường này từ lâu rồi. Bước qua ngưỡng cửa, Đạo Hằng chắp tay vái lạy vị sư gác cổng:

- Sư huynh làm ơn thông báo giùm, có nhà sư Đạo Hằng ở Lam Điền đến xin học. Người này là sư đệ Đạo Tiêu của bần tăng. Cầu mong pháp sư bằng lòng nhận chúng tôi làm đệ tử.

Tôi đã nói với cậu ta rất nhiều lần rằng tôi không thích pháp hiệu mà cậu ta đặt cho tôi. Nhưng mỗi lần như thế, cậu ta lại cười hì hì, bảo rằng, đã xuất gia thì không được dùng tên gọi thông thường. Sau đó, đi đến bất cứ nơi nào cậu ta cũng gọi tôi là Đạo Tiêu. Ghét quá! Cái tên này chẳng nghệ thuật chút nào. Sớm biết phải dùng pháp hiệu thế này, tôi đã tự đặt pháp hiệu cho mình từ lâu rồi.

Nhà sư gác cổng vừa nhìn thấy tôi đã ngỡ ngàng, sau đó ngắm nghía tôi từ trên xuống dưới, miệng há hốc, định nói gì đó nhưng không nói được. Tôi biết tướng mạo của mình giống người Trung Á: mũi cao mắt sâu, đồng tử màu xám nhạt, tóc màu hung, cằm nhọn, thuôn dài, cao một mét tám mươi tám. Ở thời đại của mình, tướng mạo của tôi đã rất dễ gây sự chú ý, huống hồ là vào thời cổ đại. Nhưng khi gặp tôi, Đạo Hằng cũng chỉ liếc nhìn mấy cái rồi thôi, vì sao nhà sư gác cổng này lại chăm chú nhìn tôi mãi không chán vậy?

Đạo Hằng gọi một tiếng: sư huynh, nhà sư kia mới sực tỉnh, chắp tay vái chúng tôi:

- Hai vị muốn theo học Phật pháp hoàn toàn có thể được. Pháp sư cho phép mọi tăng nhân đến đây tham quan, học hỏi. Nhưng ba năm trước, pháp sư đã tuyên bố sẽ không thu nạp đệ tử nữa.

- Chuyện này… Vì sao ngài không thu nạp đệ tử nữa?

Đạo Hằng lắp bắp, mặt buồn ảo não.

Tôi biết nguyên nhân, không muốn để Đạo Hằng tiếp tục truy hỏi, vội kéo tay cậu ta sát lại, thì thào:

- Đừng hỏi nhiều nữa, mau vào trong gặp pháp sư rồi tính.

Nhà sư gác cổng bỗng nhiên quay ra vái lạy một nhà sư khác đang bước về phía chúng tôi, thái độ cung kính một cách lạ thường.

- Sư huynh Tăng Triệu!

Là Tăng Triệu, Cẩu Nhi năm xưa ư? Nhanh như chớp, tôi đưa mắt về phía người đó. Cậu ấy gầy guộc, mảnh khảnh, tựa hồ chỉ một cơn gió mạnh cũng có thể thổi bay, nước da trắng bệch, yếu ớt. Năm nay cậu ấy chừng hai mươi mốt tuổi, ít hơn tôi một tuổi, nhưng gương mặt già dặn, thần thái an nhiên, điềm đạm.

Nhà sư gác cổng giới thiệu tôi và Đạo Hằng, rồi cũng giống như nhà sư kia, Tăng Triệu sững sờ hồi lâu khi trông thấy tôi.

- Sư huynh Tăng Triệu!

Tôi ậm ừ hắng giọng, vái lạy Tăng Triệu:

- Chẳng hay pháp sư Kumarajiva hiện đang ở đâu? Tăng Triệu sực tỉnh, thôi không nhìn tôi chăm chú nữa, khẽ cúi người:

- Sau bữa trưa, sư phụ thường bắt đầu công việc dịch kinh ở đại điện. Hai vị xin hãy về tịnh xá sắp xếp chỗ ở trước, sau đó đến đại điện quan sát và học tập.

Cha ở đó! Tôi mừng rỡ gật đầu, rồi cùng Đạo Hằng đi theo một tiểu hòa thượng đến nơi ở dành cho tăng sĩ. Trên đường đi, bất kể nhà sư nào nhìn thấy tôi cũng đều tỏ ra hết sức kinh ngạc. Tôi rầu rĩ, băn khoăn: ở thời đại của mình, gương mặt này đã chịu nhiều khổ sở bởi nó quá ư hấp dẫn các bạn nữ, không hiểu vì sao trở về đây lại thành ra cuốn hút các hòa thượng thế này?

Tôi đặt ba lô xuống và lập tức lao đến đại điện. Tôi sải bước gấp gáp, Đạo Hằng phải chạy mới theo kịp tôi.

- Đạo Tiêu, sao đi nhanh thế? Sư đệ sốt sắng muốn gặp pháp sư hơn cả ta kia à?

Tôi mặc cậu ta lải nhải, tiếp tục sải bước. Làm sao cậu ta hiểu được tâm trạng của tôi lúc này?

Một bước vượt ba bậc thềm, tôi hối hả lao vào đại điện. Cảnh tượng bận rộn, tấp nập trải ra trước mắt tôi: Hàng nghìn nhà sư ngồi chật kín đại điện, cảm giác như không còn, dù chỉ một khoảng trống để đặt chân. Một bóng dáng cao gầy, cầm sách trên tay, đang khom lưng đi lại phía trước tượng Phật trên bục cao của đại điện. Bên cạnh ngài là mấy chục nhà sư đang miệt mài ghi chép. Tôi kéo Đạo Hằng khoanh chân ngồi xuống một góc nhỏ, ánh mắt không rời khỏi bóng hình ấy. Là cha đây sao? Người cha mà hai mươi hai năm qua tôi chưa từng gặp mặt? Vì sao tôi có cảm giác rất đỗi thân thuộc?

Cha đang dịch một đoạn kinh văn, tôi tập trung lắng nghe, đó là cuốn kinh “Phật Tạng”. Trước khi đến đây, tôi đã đọc lại những kinh văn mà cha chuyển dịch. Tôi được di truyền từ cha trí nhớ siêu phàm, cho nên dù không thông hiểu Phật pháp một cách sâu sắc, tôi vẫn có thể thuộc hết những kinh văn này. Cũng nhờ vậy, trên đường tới đây, tôi không gặp bất cứ khó khăn nào khi giả làm một hòa thượng.

Cha dịch xong mấy câu kệ, liền cười hiền hậu, nói với các đệ tử:

- Kinh văn đã dịch xong, các vị vất vả nhiều rồi!

Giọng cha thâm trầm, ấm áp, pha khẩu âm Tây vực. Cha đã năm mươi sáu tuổi, tuy gương mặt đã già nua, nhưng ở cha vẫn toát lên phong thái đĩnh đạc, phi phàm, thách thức với tháng năm. Lúc cha mỉm cười, vẻ thông tuệ, uyên bác và sự hoạt bát, tinh tường tỏa rạng.

Đạo Hằng đột nhiên kêu lên:

- Đó là pháp sư Kumarajiva ư? Đạo Tiêu, sao, sao, sao ngài giống sư đệ thế?

Tôi sững sờ, thảo nào tôi cứ có cảm giác rất thân thuộc, mũi cao, mắt sâu, đồng tử màu xám nhạt, cằm nhọn, thuôn dài, giống ở mọi nét, ngay cả chiều cao cũng tương tự. Chỉ có điều, da tôi trắng hơn cha một chút. Hồi trẻ, hẳn là cha giống hệt tôi bây giờ. Chả trách các nhà sư trong chùa Thảo Đường nhìn tôi đầy ngạc nhiên như vậy.

- Rajiva, tiếp theo đây, chúng ta sẽ chuyển dịch kinh văn của các ngài Dharmatrata (Đạt-ma-đa-la) và Buddhasena (Phật Đại Tiên) mà ta mang về chứ?

Phía bên này là rất đông các nhà sư nước ngoài, xét tướng mạo thì có lẽ họ đến từ Ấn Độ và Trung Á. Họ đang tọa thiền trên những vị trí dành cho khách quý. Tôi biết họ là những người thầy và người bạn của cha, đến Trường An trợ giúp cha dịch kinh Phật. Trong số họ có một nhà sư dáng người nhỏ thó, gầy gò, kém cha chừng vài tuổi, rất hay đặt câu hỏi. Ông ấy hỏi một lần bằng tiếng Phạn, sau đó nhắc lại bằng thứ tiếng Hán bập bõm.

Cha cung kính cúi người trước nhà sư đó:

- Ngài Dharmatrata và ngài Buddhasena là các bậc thủy tổ của phái Hữu tong – Đại Thừa. Ta dự định sẽ chuyển dịch các cuốn luận của phái Không tông – Đại Thừa trước, sau đó mới chuyển dịch các thuyết của phái Hữu tông. Vì vậy, ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu dịch cuốn kinh “Duy-ma-cật sở thuyết”.

Vị sư kia tỏ ra bất mãn, lạnh lùng cất giọng oang oang:

- Phái Hữu tông vốn là tông phái của các hành giả Du-già ở Thiên Trúc, do Bồ Tát Di- lặc sáng lập, với học thuyết “nhãn minh” soi sáng như sao Khuê trên trời. Trung Quán luận của phái Không tông mà sư huynh đề xướng sao so sánh được với phái Hữu tông?

Tôi tức khí. Lão hòa thượng này ngang nhiên khiêu khích cha trước mặt bao nhiêu đệ tử của người thế này, thật quá đáng. Tôi biết lão là ai, đó chính là Buddhabhadra, tên tiếng Hán là Giác Hiền, người luôn chống lại mọi quan điểm về Phật pháp của cha. Ông ta cậy mình là đệ tử của dòng tu chính phái Hữu tông – Đại Thừa, sau khi đến đất Hán đã ra sức đả kích quyền uy của cha, hòng tranh giành địa vị với cha.

- Sư đệ Giác Hiền à, đệ đến Trường An trợ giúp ta dịch thuật kinh Phật, ta vui mừng khôn xiết. Thời gian qua, được cùng sư đệ luận đàm về Pháp tướng, khám phá những lý luận vi diệu, sâu xa, ta đã học hỏi và lĩnh hội được rất nhiều tri thức quý báu.

Cha vẫn kiên trì giữ thái độ mềm mỏng, lịch duyệt và rất mực cung kính với Giác Hiền:

- Không phải ta không muốn chuyển dịch các luận thuyết của phái Hữu tông. Nhưng ta thiết nghĩ, học thuyết của phái Không tông đã được truyền bá rộng rãi ở Thiên Trúc, nên người dân Trung Nguyên sẽ dễ dàng tiếp nhận và lĩnh hội hơn. Bên cạnh đó, giáo lý của phái Hữu tông hướng dẫn con người cách tu tập để có thể thành Phật bằng những phương thức quá ư gian khổ, nên theo ta, trước mắt, học thuyết của giáo phái này chưa phù hợp để truyền bá ở Trung Nguyên. Tôi gật đầu tán đồng, cha nói rất đúng. Phần lớn các giáo phái Phật giáo ở Trung Quốc đều thuộc phái Không tông, bởi vì những lý thuyết như: “mọi chúng sinh đều có Phật tính”, hay “chỉ cần buông đao là có thể thành Phật”, rồi thuyết “vô tình hữu Phật tính” (ngay cả các loài vô tình như núi sông, cây cỏ cũng có Phật tính)[1]… thì già trẻ lớn bé, ai ai cũng có thể đọc hiểu và giác ngộ. Trong khi đó, phương pháp tu tập mà giáo phái Hữu tông đề ra rất gian khổ, khó thực hiện, lại không có gì đảm bảo sẽ thành công, nên người dân bỏ Hữu tông mà theo Không tông cũng là điều dễ hiểu. Mức độ khó dễ trong việc tu tập để thành Phật sẽ quyết định thời gian lưu truyền ngắn hay dài của một giáo phái ở Trung Quốc. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao nhà sư Huyền Trang sáng lập giáo phái Pháp tướng tông hoàn toàn dựa trên học thuyết của phái Hữu tông - Ấn Độ, kết quả là, sau khi Huyền Trang qua đời, giáo phái này lập tức biến mất.

[1] Học thuyết của phái Ngưu Đầu Tông, một chi phái của Thiền Tông, Trung Quốc.

Giác Hiền đứng lên, đến trước mặt cha, khinh khỉnh nói:

- Rajiva, xin hỏi, những kinh văn mà sư huynh chuyển dịch không có gì đặc sắc so với bản dịch của những người khác, vậy thì nhờ đâu mà danh tiếng của sư huynh lại có thể lan rộng khắp đất Hán?

Chúng tăng xôn xao bàn tán, chỗ này chỗ kia, người chụm đầu, kẻ thì thào, râm ran khắp đại điện. Tôi bực mình đến mức muốn bật dậy. Lão hòa thượng này nói vậy là có ý gì? Trước mặt hàng nghìn nhà sư tôn cha làm sư phụ, ông ta dám tỏ ra nghi ngờ danh tiếng của cha, rõ ràng là muốn khiêu khích. Lẽ ra đó chỉ là cuộc tranh luận thuần túy giữa phái Hữu tông và Không tông, nhưng lão hòa thượng này lại cố tình công kích danh dự cá nhân của người khác, thật quá đáng!

Sắc mặt cha hơi tái đi đôi chút, khuôn ngực phập phồng, cha hít thở sâu vài lần để lấy lại bình tĩnh, và vẫn bằng thái độ cung kính, nghiêm cẩn, cha nói với lão hòa thượng đáng ghét kia:

- Chẳng qua người đời vì nể ta đã nhiều tuổi mà thôi. Chút hư danh ấy, đâu đáng để luận bàn.

Lão Giác Hiền rướn cằm lên, tiếp tục o ép cha:

- Muốn biết hai phái Không tông, Hữu tông, phái nào ưu việt hơn, chỉ cần luận chiến là biết. Chi bằng hai ta hãy mở một cuộc tranh biện, phân cao thấp.

Cha đã lấy lại bình tĩnh, người tỏ ra hết sức điềm tĩnh, bình thản, cha lắc đầu, đáp:

- Sư đệ, việc cần kíp trước mắt là dịch thuật kinh Phật. Ta vốn tài hèn sức mọn, chẳng thể so sánh với hiền đệ, hai ta không cần phải luận chiến để phân cao thấp, ta xin nhận thua.

Lão hòa thượng Giác Hiền định lên tiếng thì bên ngoài đại điện vang lên một hồi chuông. Cha cất giọng ôn tồn nói với chúng tăng:

- Đã đến giờ tụng kinh buổi tối, hôm nay chúng ta sẽ tụng niệm kinh “Bất khả tư nghì quang Bồ Tát sở thuyết”.

Lão Giác Hiền không thể tiếp tục gây sự trong giờ tụng kinh buổi tối, nên không gây khó dễ cho cha nữa, đành lẳng lặng trở về chỗ ngồi. Cha thắp một nén nhang, chúng tăng thôi ồn ào, tất cả học theo cha, vái lạy Phật tổ, sau đó xếp bằng ngồi thiền, tụng niệm cùng cha:

- Ta nghe thế này, lúc bấy giờ, Phật ở nước Xá Vệ, trong vườn của ông Cấp Cô Độc, với những cây xanh của Thái tử Kỳ Đà…

Tôi cúi đầu lẩm nhẩm đọc theo, nhưng cố gắng đọc thật nhỏ để những người xung quanh không phát hiện ra tôi tụng không chính xác. Giờ tụng kinh buổi tối kết thúc, tôi cùng Đạo Hằng trở về tịnh xá lấy ba lô, sau đó, tôi bước nhanh ra khỏi cổng chùa, đứng đợi ở bên đường, con đường duy nhất dẫn từ chùa Thảo Đường về nơi ở của cha.

Lúc ấy là năm giờ mười lăm phút một chiều mùa đông, bầu trời ảm đạm, gió lạnh tê tái, xem chừng ngày mai tuyết sẽ rơi. Tôi bồn chồn ngóng đợi trên con đường rợp bóng cây, lòng rối như tơ vò, vừa hồi hộp vừa lo lắng. Thường ngày tôi rất ít khi hút thuốc, nhưng lúc này, tôi thèm một điếu thuốc, nó sẽ giúp tôi thư giãn, bình tĩnh và tay chân không run lên bần bật thế này.

Bóng dáng cao gầy xuất hiện, bên cạnh cha còn có Tăng Triệu và mấy nhà sư lớn tuổi khác. Tôi cảm thấy vô cùng bối rối, gắng sức nắm chặt đôi tay đang không ngừng run lên của mình, bàn chân như bị thôi miên, cứ thế rảo bước về phía cha, không chịu tuân theo sự điều khiển của tôi. Tim đập thình thịch, nhanh hơn cả khi tôi chạy điên cuồng trên sân bóng.

Cha nhìn thấy tôi rồi! Cha dừng lại, tấm lưng lom khom dần thẳng lên, trân trân nhìn tôi không chớp mắt, hàng lông mày xô lại, cha khẽ nheo mắt như cố gắng để nhận biết và phân định. Sau đó, cha bước về phía tôi, chậm rãi, càng đến gần, vẻ băn khoăn trên gương mặt cha càng lớn thêm.

Không hiểu vì sao, vào khoảnh khắc vô cùng hồi hộp và bối rối ấy, tôi lại cắn môi, nở nụ cười với ông lão đang chầm chậm tiến về phía mình ấy. Ánh mắt cha không chịu rời gương mặt tôi dù chỉ một tích tắc. Thấy tôi cười, mắt cha mở thật to, rồi bỗng cha chao đảo.

- Thầy ơi!

Tăng Triệu đỡ lấy cha. Ánh mắt cha vẫn theo sát tôi, cha đưa tay ra hiệu không cần ai đỡ. Khoảng cách giữa chúng tôi càng ngắn lại, tay tôi càng run rẩy dữ dội. Tôi trộm nghĩ, không biết cha có thể chấp nhận việc con trai mình đột nhiên lớn nhanh như vậy không?

Cha chỉ còn cách tôi chừng bốn, năm mét nữa thôi. Tôi vẫn mỉm cười nhìn cha. Như thể phải cười như thế tôi mới xua được cảm giác bất an trong lòng.

Cuối cùng thì cha cũng đã đứng đối diện với tôi. Tôi chìa cổ tay về phía cha, chuỗi vòng mã não lấp lánh ánh sáng dung dị. Trên mỗi hạt đều in khắc khát vọng một đời của cha: “Không phụ Như Lai, không phụ nàng”. Trong lòng bàn tay tôi là một chú chuồn chuồn tre đã cũ kỹ, đó là món quà của cha tặng cho tôi thuở ấu thơ.

Cha cúi xuống nhìn chuỗi hạt trên cổ tay tôi, chìa bàn tay đang run lên bần bật của mình ra cầm chú chuồn chuồn tre lên ngắm nghía. Lúc cha ngẩng lên, khóe môi cha rung động dữ dội, khuôn ngực phập phồng. Ánh mắt cha vượt qua tôi, hối hả tìm kiếm xung quanh. Cha cắn môi, khẽ cất tiếng:

- Cô ấy không đến.

Cha ngẩn ngơ hồi lâu mới sực tỉnh, ánh mắt trở lại gương mặt tôi, ngắm nghía tỉ mỉ, giọng cha run run:

- Con, con là nhóc Rajiva ư? Sao con lớn nhanh vậy?

- Con đã lựa chọn độ tuổi này của cha để thực hiện chuyến vượt thời gian.

Mắt tôi nhòe ướt, sống mũi cay xè, tôi cười:

- Từ nhỏ con có một mơ ước, đó là được tận mắt nhìn thấy cha…

Giọng nói của tôi sao lại run rẩy thế này?

- Ở thời đại của con, đã trải qua ngần ấy năm rồi ư?

Giọng của cha vẫn run lên như lá cây trong gió.

- Vâng, mẹ bảo, lần dài nhất, cha đã chờ đợi mẹ mười sáu năm, nhưng mẹ sắp vượt được cha rồi. Mẹ nói những lời này vào một ngày mùa thu, khi tôi đẩy xe lăn đưa mẹ đi dạo trên bãi cỏ rộng trong khuôn viên bệnh viện. Mẹ nhìn những chiếc lá ngô đồng vàng rực rỡ, tâm tư chìm sâu vào kỉ niệm. Mẹ bảo mẹ đã gặp cha vào một ngày mùa thu như thế này và mẹ sinh tôi cũng vào mùa thu.

Tròng mắt già nua của cha đẫm lệ, cha khẽ khép mắt lại, sau đó mở ra nhìn tôi từ trên xuống dưới:

- Sao con lại xuất gia?

Tôi đưa tay lên xoa xoa cái đầu trọc lốc của mình, cười hỉ hả. Mùa đông mà không có cọng tóc nào thế này, đúng là rất lạnh:

- Không phải đâu ạ. Con cải trang như vậy để có thể nhanh chóng đến đây gặp cha thôi.

Cũng may, vào thời đại của cha, các nhà sư không bị buộc phải đốt hương trên đỉnh đầu.

Cha gật đầu, trầm ngâm ngắm nghía tôi, ánh mắt bỗng nhiên thẫn thờ: - Lúc con cười, trông rất giống mẹ con… Nụ cười khuất dần trên môi, tôi nhớ rằng, mẹ cũng thường nhìn mình bằng ánh mắt thẫn thờ ấy, sau đó cũng cất giọng mơ hồ:

- Con giống hệt bố con…

Họ luôn tìm kiếm hình ảnh của người kia trên hình hài tôi. - Mẹ con…

Cha nghẹn ngào, hơi thở khó khăn, dõi ánh mắt ngóng đợi về phía tôi:

- … vẫn khỏe chứ?

Lòng tôi bỗng chùng xuống, tôi ậm ừ một tiếng. Nhưng sau đó vì không cầm lòng nổi, tôi cắn môi, khẽ nói:

- Con đến, để nói với cha về chuyện của mẹ…

Cha kéo tay tôi, thì thào:

- Theo cha.

- Thưa thầy!

Ai đó trong số các nhà sư nãy giờ vẫn chăm chú quan sát cha con tôi, bỗng nhiên cất tiếng gọi. Cha dừng bước, quay lại nói với Tăng Triệu:

- Ngày mai con thay sư phụ chủ trì giờ tụng kinh buổi sáng. Công việc dịch thuật kinh Phật tạm nghỉ một ngày, sư phụ có việc quan trọng cần xử trí.

Cha con tôi bước đi trước ánh mắt sửng sốt của các nhà sư. Cha vẫn không nguôi run rẩy, bước chân loạng choạng. Tôi do dự một lát, rồi mạnh dạn nắm lấy cánh tay cha. Cha bỗng rùng mình, quay sang nhìn tôi, tôi cảm nhận được hơi ấm tỏa lan trong đôi mắt sáng ngời ấy.

Tôi tươi cười, kề sát vào cha hơn nữa, tôi đỡ cha tựa vào cơ thể cường tráng, khỏe khoắn của mình và dìu cha đi.

Bầu trời xẩm tối, gió lạnh lùa qua vạt áo của hai cha con, loạt xoạt. Cha nương tựa vào tôi, hơi ấm từ cơ thể cha truyền sang tôi, chầm chậm len vào buồng tim tôi. Tôi ngoảnh sang nhìn cha, ôm cha chặt hơn, truyền cho cha sức mạnh của tôi. Giữa chúng tôi, dường như không tồn tại khoảng cách của một nghìn năm thời gian. Chúng tôi, cứ thế, nương vào nhau bước đi.

Bình luận

Truyện đang đọc