HẢO NỮ TRUNG HOA

Những chủ đề được thảo luận trên chương trình của tôi thỉnh thoảng lại khơi mào cho một cuộc tranh luận rất lớn giữa các thính giả, và thật ngạc nhiên, tôi thường thấy các đồng nghiệp của mình muốn tiếp tục tranh luận vào ngày hôm sau. Buổi sáng sau hôm tôi phát chương trình về chủ đề người khuyết tật, một chương trình đã khơi lên rất nhiều ý kiến khác nhau, tôi đi chung thang máy với ông Ngô, trưởng phòng hành chính. Thang máy kêu và rung lên khi tới tầng mười sáu, ông tranh thủ cơ hội nói chuyện với tôi về chương trình đêm trước. Ông là một thính giả thường xuyên của chương trình Khinh Phong Dạ Thoại, và rất háo hức chia sẻ quan điểm cùng ý kiến cá nhân với tôi. Tôi thấy xúc động trước mối quan tâm của ông. Chính trị đã làm quá nhiều người Trung Quốc chẳng còn tâm huyết với cuộc sống, đến mức khó lòng kiếm nổi những người đàn ông tuổi trung niên mà vẫn còn háo hức với sự đời như ông Ngô.

“Tôi nghĩ những gì cô thảo luận trong chương trình tối qua rất thú vị,” Ông Ngô nói. “Những người gọi đến đều đồng ý rằng chúng ta nên có lòng thương và sự thấu hiểu với người khuyết tật. Lòng thương thì khá dễ, nhưng tôi nghĩ thấu hiểu thì không hề dễ chút nào. Bao nhiêu người có thể thoát ly cách nghĩ của một người lành lặn để hiểu người khuyết tật trong sự hạn chế của họ? Và những trải nghiệm của người khuyết tật bẩm sinh hẳn phải khác với của người bị khuyết tật ở chặng sau của cuộc đời. Tất nhiên... Ơ kìa, chuyện gì thế nhỉ? Có phải đèn đỏ bật sáng không?”

Thang máy bị kẹt và đèn báo động bật lên, nhưng không ai hoảng sợ - hỏng hóc là chuyện thường ngày. May thay, thang máy dừng lại ở một tầng chứ không bị kẹt giữa hai tầng và thợ sửa chữa (một trong những người nổi tiếng nhất tòa nhà) đã nhanh chóng mở được cửa ra. Khi ra khỏi thang máy ông Ngô nói với tôi lời cuối, gần như đang ra lệnh vậy: “Hân Nhiên, sớm bố trí lúc nào đó nói chuyện với tôi. Đừng có chỉ nghĩ tới các thính giả của cô thôi đấy. Nghe chưa?”

“Vâng, nghe rồi ạ,” tôi đáp to trong khi ông Ngô bước đi.

“Vậy cô đã nghe nói rồi hả, Hân Nhiên?” Một giám sát chương trình chặn tôi lại ngoài hành lang.

“Nghe gì cơ? Tôi đang nói với trưởng phòng Ngô mà,” tôi đáp.

“Tôi lại cứ ngỡ cô đã nghe nói về cuộc tranh cãi về chương trình của cô trong phòng biên tập hôm qua.”

Biết miệng lưõi các đồng nghiệp của mình sắc bén thế nào, tôi thận trọng. “Họ tranh luận về vấn đề gì? Chủ đề gì? Về điều gì đó mà thính giả gọi nói tới à? Hay về điều gì mà tôi nói?”

“Họ tranh cãi về chuyện khuyết tật bẩm sinh hay khuyết tật về sau đáng buồn hơn,” anh chàng giám sát viên đáp vẻ ung dung trong khi đi thẳng không nhìn lại.

Sáng đó, hình như phòng biên tập lại tiếp tục cuộc tranh luận tối hôm trước. Khi tôi bước vào phòng làm việc, bảy tám người đang tranh cãi hăng say; hai kỹ thuật viên cũng tham gia vào. Tất cả bọn họ đều có quan điểm quyết liệt với chủ đề này; một số người còn phấn khích đến độ mặt mũi đỏ bừng, những người khác khoa chân múa tay hoặc gõ bút chì liên hồi lên mặt bàn. Tôi thận trọng để tránh bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi, vì đã phải nếm mùi khi đề cập đến vấn đề người khuyết tật với các thính giả, những người đã giữ tôi ở lại phòng thu một lúc lâu sau khi phát sóng; tận ba giờ sáng tôi mới đến về nhà. Hết sức kín đáo, tôi quơ lấy cả nắm thư mình cần lấy và nhanh chân đi ra.

Ngay khi tôi vừa tới cửa, ông Trần gọi to, “Hân Nhiên, đừng có đi! Cô khơi lên đống lửa này thì phải dập nó đi chứ!”

Tôi mấp máy một lời cáo lỗi, “Tôi sẽ trở lại, sếp muốn tôi lên gặp sau mấy phút nữa”, và hối hả đi tìm nơi ẩn náu ở khu văn phòng lãnh đạo, đến nơi đã thấy ông ta đang chờ mình.

“Cô thiêng thật đấy!” Ông kêu lên.

Tôi bồn chồn, lo lắng nghĩ đến điều xấu nhất.

“Đây là bản sao danh sách những cuộc gọi đến. Tôi nghĩ có khả năng sẽ có một cuộc phỏng vấn thực sự thú vị ở đó. Cô xem qua đi rồi chiều nay chúng ta trao đổi với nhau,” ông ta độc đoán nói.

Có một lời nhắn cho tôi ở trên bản danh sách cuộc gọi: con gái của một thiếu tướng Quốc Dân Đảng đang trong bệnh viện tâm thần và tôi phải liên lạc với bác sĩ Lý nào đó. Không có chi tiết nào báo hiệu đây là một chuyện tốt đẹp, nhưng tôi biết ông giám đốc rất sắc sảo; nếu ông ta nói có vấn đề thì có lẽ là đúng. Ông ta có biệt tài nhìn ra những vấn đề rộng hơn, đáng đưa lên mặt báo hơn đằng sau những vấn đề nhỏ. Tôi thường nghĩ chắc ông ta sẽ thành đạt lắm về mặt chuyên môn nếu được làm việc trong môi trường báo chí tự do hơn.

Tôi gọi cho bác sĩ Lý, một người ăn nói ngắn gọn. “Người phụ nữ này là con gái một vị tướng Quốc Dân Đảng. Cô ấy bị thiểu năng trí tuệ, nhưng không phải là bẩm sinh. Người ta bảo cô ấy từng giành mấy giải văn cấp tỉnh ở Giang Tô hồi còn nhỏ nhưng bây giờ...” Ông ta đột ngột ngừng lại. “Xin lỗi, tôi có thể nói chuyện riêng với cô được không?”

Tôi đồng ý ngay, và chúng tôi thỏa thuận là tôi sẽ tới thăm bệnh viện vào một rưỡi chiều hôm đó.

Sau vài lời chào hỏi, bác sĩ Lý đưa tôi đi thăm người phụ nữ. Một gương mặt trắng nhợt, đờ đẫn quay về phía tôi và bác sĩ Lý khi chúng tôi bước vào căn phòng trắng yên tĩnh.

“Thạch Lâm, đây là Hân Nhiên. Cô ấy tới thăm cô đấy,” bác sĩ Lý nói.

Thạch Lâm im lặng, và khuôn mặt cô vẫn vô cảm.

Bác sĩ Lý quay sang tôi, “Cô ấy hầu như không phản ứng gì cả, nhưng tôi nghĩ dù sao chúng ta vẫn nên đối xử tôn trọng với cô ấy. Không phải cô ấy bẩm sinh đã thiểu năng như vậy - cô ấy đã từng hiểu những cảm xúc và lời nói như người bình thường.” Ông nhìn đồng hồ. “Hôm qua, người nhà của Thạch Lâm đã nghe chương trình của cô và một thành viên gia đình họ đề nghị tôi sắp xếp một cuộc hẹn với cô. Tôi phải trực bây giờ, nhưng hãy chờ ở đây một chút nhé. Người nhà của Thạch Lâm sẽ tới ngay thôi.”

Tôi chưa bao giờ ở một mình với một người bị thiểu năng trí tuệ; tôi cố thử trò chuyện với Thạch Lâm, có vẻ như cô vẫn nghe tôi nói, nhưng chẳng phản ứng gì cả. Không rõ phải làm gì, tôi rút cuốn vở nháp ra và bắt đầu vẽ cô ta. Cô ta vẫn ngồi im không nhúc nhích, không chú ý xem tôi đang làm gì.

Thạch Lâm rất đẹp. Tôi đoán cô ta chừng bốn mươi, nhưng vùng da quanh mắt vẫn sáng và không có nếp nhăn. Các nét của cô đều đặn và cân đối, chiếc mũi thẳng khiến người ta chú ý tới đôi mắt dài, hẹp, hơi lượn lên một chút ở phía đuôi, như thể cô sắp cười vậy. Môi cô mỏng, như môi những người phụ nữ Trung Quốc được họa trong tranh cổ.

Trước khi tôi kết thúc bức vẽ nháp, người nhà của Thạch Lâm đến: Dì và em họ của cô - bà mẹ và cô con gái. Dì của Thạch Lâm, Vương Nguyệt, là một người đàn bà khéo ăn nói, cư xử hết sức đúng mực. Em họ của cô, Vương Ngọc, chừng ngoài ba mươi, đang làm kế toán cho một nhà xuất bản tạp chí.

Vương Nguyệt nói rằng đêm hôm trước gia đình bà đã bật đài lên trước khi đi ngủ. Bà bảo tôi đêm nào họ cũng nghe chương trình của tôi vì nó giúp họ buồn ngủ. Tôi tự hỏi không biết có phải chương trình của mình buồn tẻ đến mức ấy không, và không biết liệu nên khó chịu hay buồn cười nữa.

Con gái của Vương Nguyệt rõ ràng là đã nhận thấy vẻ mặt khó hiểu của tôi; cô ta dùng khuỷu tay hích mẹ, nhưng Vương Nguyệt lờ đi. Bà bảo họ rất bức xúc khi nghe những thính giả gọi đến tối hôm đó nói rằng sinh ra đã bị thiểu năng trí tuệ thì bất hạnh hơn rất nhiều so với bị mắc bệnh đó ở giai đoạn sau của cuộc đời. Gia đình Thạch Lâm hoàn toàn không đồng ý với quan điểm đó và cảm thấy rất oán hận những người gọi, mà gia đình bà cho là hoàn toàn sai lầm.

Vương Nguyệt nói rất gay gắt. Người ta có thể quên được nỗi đau khi bị mất những gì mình đã từng có không? Chắc chắn là đã từng có tri thức và hiểu biết, rồi đánh mất mà không thu hồi lại được thì phải bất hạnh hơn nhiều hơn so với việc chưa từng biết tới một điều gì chứ? Vương Nguyệt nói rằng cả nhà bà bức xúc với vấn đề này đến độ không ai ngủ được. Họ phải chứng minh trường hợp của mình bằng cách kể cho tôi nghe về cuộc đời của Thạch Lâm. Thạch Lâm vẫn ngây dại trong khi Vương Nguyệt kể lại câu chuyện về cô.

Thạch Lâm là con gái một viên tướng Quốc Dân Đảng, út ít trong nhà. Khác với hai cô chị và người anh, Thạch Lâm lớn lên trong vòng tay bảo bọc và được cưng chiều. Khi nội chiến bùng nổ ở Trung Quốc năm 1945, cha cô được thăng cấp tướng trong quân đội của Tưởng Giới Thạch. Khác với Đảng Cộng Sản, Quốc Dân Đảng không còn được nông dân ủng hộ. Đó là một thảm họa, vì nông dân chiếm chín mươi tám phần trăm dân số. Dù được phía Anh và Mỹ cung cấp vũ khí, song tình hình ngày vẫn ngày càng xấu đi nhanh chóng đối với Quốc Dân Đảng. Quân đội vài triệu người của Tưởng Giới Thạch vội vã rút chạy và bị quân Cộng Sản đẩy sang Đài Loan. Khi Quốc Dân Đảng chạy về phía Đông, nhiều lãnh đạo không thể thu xếp cho gia đình mình rút chạy kịp thời. Gia đình Thạch Lâm nằm trong số đó.

Mùa xuân năm 1949, Thạch Lâm lên bảy và đã sống với bà ở Bắc Bình được hai năm. Cô chuẩn bị trở về nhà cha mẹ mình ở Nam Kinh để đi học. Mẹ Thạch Lâm viết thư báo cha cô đang đi chiến dịch xa nhà nên bà phải ở lại Nam Kinh chăm sóc mấy anh em khác, không thể tới Bắc Bình đón Thạch Lâm. Bà cô thì ốm yếu và sức khỏe kém nên cũng không thể đưa cô đi được, mọi người nhất trí để dì Thạch Lâm, Vương Nguyệt, đưa cô về Nam Kinh.

Đó là thời điểm diễn ra cuộc giằng co quyết định giữa Quốc Dân Đảng và Cộng Sản. Khi Vương Nguyệt và Thạch Lâm tới bờ sông Dương Tử thì phà, phương tiện giao thông duy nhất giữa bờ Bắc và bờ Nam, đã ngưng hoạt động một phần. Hàng đống hàng hóa đồ đạc bày la liệt trên hai bờ sông.

Trong khi chờ đợi, họ nghe nói sắp có đánh nhau ở Nam Kinh; Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân sắp sang sông. Mặc dù vậy, chẳng còn cách nào khác là phải tới Nam Kinh. Khi vào thành phố, cùng với dòng người khủng khiếp, họ thấy lá cờ đỏ tung bay bên ngoài nhà Thạch Lâm; một toán binh lính Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân đã tới nhà họ. Vương Nguyệt không dừng lại trước nhà. Bà đẩy Thạch Lâm đi và thăm dò tin tức về gia đình Thạch Lâm trong các cửa hàng và quán trà gần đó. Một số người nhìn thấy chiếc xe ô tô của gia đình được đóng thùng đưa đi, và nghe nói gia đình họ đã thải hồi nhiều người làm. Những người khác thì nghe nói cả gia đình đã biến mất không để lại tăm tích gì vào ngày trước khi Cộng Sản vượt sông Dương Tử. Không ai có thể cung cấp cho họ thông tin chính xác, nhưng có vẻ như gia đình Thạch Lâm đã chạy sang Đài Loan mà không đón cô đi cùng.

Sau đó ít lâu, Vương Nguyệt nhận được tin mẹ mình đã chết khi Cộng Sản tới khám nhà bà ở Bắc Bình - được chính phủ mới đặt lại tên là Bắc Kinh - bởi mối quan hệ giữa bà với cha Thạch Lâm. Không còn đường trở về Bắc Bình nữa. Không biết phải làm gì khác, Vương Nguyệt đưa Thạch Lâm tới một nhà trọ ở Nam Kinh. Một hôm, người chủ nhà tốt bụng bảo bà, “Cô nói cô biết đọc biết viết đúng không? Chính phủ mới đang tuyển giáo viên cho các ngôi trường mới đấy - cô nên đăng ký đi.” Vương Nguyệt nửa tin nửa ngờ, nhưng dù sao bà vẫn đệ đơn xin việc, và được nhận làm giáo viên.

Dù Vương Nguyệt mới hai mươi - hơn Thạch Lâm mười ba tuổi - bà vẫn bảo Thạch Lâm gọi bà là “mẹ” nhằm che giấu thân phận của họ. Với tư cách là “mẹ và con”, họ được nhà trường của chính phủ mới phân cho một căn phòng, trường cũng giúp họ được nhận một số vật dụng gia đình. Thạch Lâm được nhận vào trường đó học.

Vương Nguyệt trang điểm và cắt tóc sao cho vẻ ngoài của mình trông đủ già để là mẹ của Thạch Lâm. Sáng nào bà cũng luôn nhắc nhở Thạch Lâm không được nhắc đến tên cha mẹ mình hay bất kỳ điều gì về nhà cũ của họ trong bất cứ tình huống nào. Dù luôn đinh ninh lời dặn dò của dì, cô vẫn không hiểu hết những ẩn ý về việc buột miệng để lộ điều gì. Trẻ con hay thích khoe khoang với bạn bè; một lần khi chơi trò tung hứng với những cái túi vỏ đỗ nhỏ xíu, Thạch Lâm kể với các bạn cùng lớp rằng những chiếc túi vỏ đỗ nhỏ xíu cha cô cho cô để chơi trò tung hứng có đính cả những hạt đá quý nhỏ. Một đứa bạn của cô về kể ở nhà, và những người lớn rỉ tai nhau chuyện đó.

Vào thời đó, mọi người đều tìm những thuận lợi về chính trị để củng cố địa vị của mình trong trật tự của chế độ mới. Trước đó khá lâu, môt đại diện của đơn vị quân đội đồn trú tại địa phương đã thông báo với Vương Nguyệt rằng cô phải tường trình đầy đủ về “chồng cũ” của mình, tức cha của Thạch Lâm.

Một đêm, hiệu trưởng trường Vương Nguyệt dạy tức tốc chạy vào phòng của hai dì cháu trong trạng thái lo lắng cao độ. “Cả hai mẹ con cô phải đi ngay, họ tới bắt hai mẹ con cô đấy. Chạy càng xa càng tốt. Đừng có trở lại Nam Kinh dù là để làm gì đi nữa. Họ nói Thạch Lâm là con gái của một tên tướng Quốc Dân Đảng, và cô phạm tội chứa chấp kẻ thù của cách mạng. Tôi không muốn nghe cô giải thích. Thời buổi này càng biết ít càng tốt. Đi ngay đi! Đừng có gói ghém gì cả. Có thể họ sẽ phong tỏa bờ sông bất cứ lúc nào đấy. Đi đi, nhanh lên! Nếu sau này cô cần gì, hãy tới tìm tôi. Tôi phải đi đây. Nếu Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân mà tóm được tôi, cả gia đình tôi sẽ bị liên lụy mất.”

Suýt khóc vì lo sợ, Vương Nguyệt tóm lấy tay Thạch Lâm đang lơ mơ, tức tốc đi khỏi Nam Kinh. Vương Nguyệt không biết phải đi về đâu, nhưng không có khả năng đề nghị bất kỳ ai giúp đỡ. Bà không dám tưởng tượng điều gì sẽ xảy đến với họ nếu bị bắt. Họ đi bộ gần ba tiếng đồng hồ; sắc trời đã rạng dần nhưng Nam Kinh dường như vẫn còn ở ngay sau lưng họ. Khi Thạch Lâm không thể đi thêm được chút nào nữa, Vương Nguyệt kéo cô ngồi xuống bên bụi cây ven đường. Mặt đất ướt đẫm sương, họ đói và lạnh, nhung Thạch Lâm kiệt sức đến độ ngủ gật ngay lập tức, dựa vào dì. Mệt mỏi và sợ hãi, Vương Nguyệt cuối cùng cũng khóc tới lúc ngủ thiếp đi.

Một lát sau, những giọng nói đánh thức Vương Nguyệt. Một cặp vợ chồng trung niên và một thanh niên đang đứng cạnh họ, vẻ lo lắng.

“Sao cô lại ngủ ở đây?” Người phụ nữ đứng tuổi hỏi. “Chỗ này lạnh và ẩm thấp. Đứng lên ngay đi và tìm một ngôi nhà hay chỗ nào khác mà ngủ, nếu không cô sẽ bị cảm đấy.”

“Cảm ơn bà, nhưng tôi, à chúng tôi, không thể đi xa hơn được nữa, đứa bé này quá mệt rồi,” Vương Nguyệt đáp.

“Các cô đi đâu?” Người phụ nữ hỏi, phác một cử chỉ ra hiệu cho anh thanh niên đỡ Thạch Lâm dậy.

“Tôi cũng không biết nữa. Tôi chỉ muốn đi xa khỏi Nam Kinh thôi.” Vương Nguyệt không biết phải nói gì.

“Chạy trốn khỏi một cuộc hôn nhân ép buộc hả? À, thật khó khăn khi còn có cả đứa bé đi cùng nữa”, người phụ nữ nói vẻ tử tế. “Chờ chút nhé, tôi và chồng tôi sẽ cố làm việc gì đó. Đây là con trai chúng tôi, Quốc Vĩ, còn đây là chồng tôi.”

Người đàn ông đứng tuổi đứng kế bên trông có vẻ văn nhã tử tế. Ông nói nhanh nhưng ấm áp. “Không bàn cãi gì hết. Chúng tôi đều đang vội, vì vậy cứ đi cùng chúng tôi. Sẽ ổn hơn nếu đi thành nhóm. Hơn nữa, làm sao chúng tôi có thể bỏ mặc cô trong cảnh mẹ góa con côi thế này? Nào, để tôi mang giúp cô đống đồ đạc. Quốc Vĩ có thể coi sóc con bé giùm cô. Đình, giúp cô ấy một tay đi.”

Trên đường đi, Vương Nguyệt biết được người đàn ông lớn tuổi đó tên Vương Đa và ông từng là hiệu trưởng của một trường học ở Nam Kinh. Vợ ông, Lưu Đình, được giáo dục trong một trường nữ học tiến bộ, nên bà đã giúp chồng trong việc giảng dạy và quản lý tài chính ở trường. Vương Đa người gốc Dương Châu, cha và ông của ông từng mở trường tư dạy đạo Khổng. Ngôi trường đã bị đóng cửa do những cuộc chiến tranh liên miên và tình hình hỗn loạn suốt mấy chục năm gần đây, và đã trở thành nơi trú ngụ của cả nhà. Khi Vương Đa lấy vợ, chức nghiệp của gia đình và ngôi nhà được truyền lại cho ông. Ông muốn thành lập một ngôi trường, nhưng thấy khó có thể thực hiện được kế hoạch đó ở một thành phố nhỏ như Dương Châu. Vì mong muốn đứa con trai duy nhất được ăn học tử tế, ông đã đưa cả gia đình lên Nam Kinh, sống ở đó mười năm.

Trong thời buổi bất ổn, Vương Đa phải đối mặt với nhiều khó khăn khi thành lập ngôi trường của mình ở Nam Kinh. Nhiều lần ông nghĩ tới việc chuyển về Dương Châu để yên ổn viết lách, nhưng Lưu Đình muốn Quốc Vĩ học nốt chương trình phổ thông ở Nam Kinh, cứ nhất định thuyết phục ông ở lại. Giờ khi Quốc Vĩ đã học xong phổ thông, họ lên đường về Dương Châu.

Vương Nguyệt không dám kể sự thật mà chỉ nói sơ sơ về một bí mật nào đó khó có thể nói ra. Vào thời điểm đó, những người có học đều biết tri thức là một thứ nguy hiểm. Sau khi nhà Thanh sụp đổ, suốt một thời kỳ dài Trung Quốc rơi vào tình trạng vô chính phủ và phong kiến thống trị. Sự hỗn loạn lên tới đỉnh điểm vào thời kỳ khoảng bốn mươi lăm năm trước khi Chính Phủ Cộng Sản mới lên nắm chính quyền: triều đại và chính phủ dường như thay đổi hàng ngày. Không ai biết luật lệ của nền cộng hòa mới sẽ như thế nào, vì thế châm ngôn phổ biến là: Im lặng trước việc quốc gia, giữ mồm về chuyện nhà; bớt một điều còn hơn thêm một chuyện. Gia đình họ Vương không ép Vương Nguyệt phải giải thích chi tiết.

Dương Châu là một thành phố ven sông đẹp như tranh gần Nam Kinh. Đặc sản địa phương bánh bao nhân rau, củ cải khô và đậu phụ gừng nổi tiếng khắp Trung Quốc. Con gái Dương Châu cũng nức tiếng vì làn da mịn màng và sắc đẹp. Phong cảnh thôn dã Dương Châu trên nền non nước hữu tình đã thu hút bao tao nhân mặc khách và quan chức tới đây. Nghệ nhân Kinh Kịch Mai Lan Phương và nhà thơ nổi tiếng của phái Tân Nguyệt Từ Chi Ma, đều là người Dương Châu, cũng như Giang Trạch Dân, đương kim Chủ Tịch Nước.

Nhà của Vương Đa và Lưu Đình là một ngôi nhà kiểu truyền thống có sân nhỏ nằm ở khu ngoại ô bên Sấu Tây Hồ phía Tây Dương Châu. Bao thế kỷ nạo vét và trồng vườn trồng rừng đã làm hồ này trở thành một trong những hồ đẹp nhất Trung Quốc.

Trong khi họ đi vắng, ngôi nhà được một cặp vợ chồng già coi sóc nên vẫn sạch sẽ và gọn gàng. Dù mọi thứ trong căn nhà đều đã cũ nhưng vẫn phảng phất một không khí thư văn dễ chịu. Họ vừa tới Dương Châu thì Vương Nguyệt và Thạch Lâm đều bị sốt cao. Lưu Đình hết sức lo lắng vội đi mời thầy lang, ông ta chẩn đoán hai người bị sốc và cảm lạnh do kiệt sức rồi kê cho vài thang thuốc bắc, Lưu Đình đem sắc cho họ uống. Một hai tuần sau thì Vương Nguyệt và Thạch Lâm khỏi bệnh, nhưng Thạch Lâm không còn hoạt bát như trước nữa, cứ nép mình sau người lớn khi gia đình họ Vương đưa cô sang chơi với lũ trẻ hàng xóm. Vương Nguyệt cho rằng Thạch Lâm vẫn còn chịu dư chấn của cuộc trốn chạy khỏi Nam Kinh nhưng rồi sẽ qua đi.

Không lâu sau, Lưu Đình bảo Vương Nguyệt rằng, “Chồng tôi nói cô viết lách rất tốt. Nếu muốn cô có thể ở lại với chúng tôi và giúp chúng tôi việc sổ sách. Cô có thể gọi chúng tôi là bác và cô, gọi Quốc Vĩ là anh. Chúng tôi cũng sẽ giúp cô chăm sóc Thạch Lâm.”

Vương Nguyệt lấy làm cảm kích và đồng ý ngay.

Không khí chính trị ở Dương Châu những năm 1950 ít căng thẳng hơn ở những thành phố lớn rất nhiều. Người dân ở Dương Châu không quá hào hứng với chính trị, mà truyền thống văn hóa ở đó để mọi người sống và làm việc yên bình. Sự chân thành và tốt bụng của gia đình họ Vương đã giúp Vương Nguyệt vượt qua nỗi sợ hãi và sự bất an mấy tháng trước đó.

Quốc Vĩ đi dạy ở một trường tiểu học mới xây, ngày nào anh cũng đưa Thạch Lâm tới đó học. Quay lại với lũ trẻ cùng tuổi, Thạch Lâm dần dần cởi mở hơn và trở lại với con người cũ của mình. Quốc Vĩ thích công việc của anh, vì trường học có một không khí sinh động, sáng tạo và không có sự phân biệt giàu nghèo. Sự tận tụy của Quốc Vĩ khiến anh được nhà trường khen thưởng, xếp cho anh tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa. Mỗi khi Quốc Vĩ nói một cách say sưa về công việc của mình lúc ở nhà, cha mẹ anh luôn khuyên anh nên thận trọng. Còn Vương Nguyệt là thính giả nhiệt tình và trung thành của anh, tỏ ra quan tâm và thấu hiểu bầu nhiệt huyết của anh. Hai người nảy sinh tình cảm, và họ đính hôn trong năm thứ ba kể từ khi Vương Nguyệt tới sống ở Dương Châu.

Vương Nguyệt kể cho gia đình họ Vương nghe sự thật về mình và Thạch Lâm trong ngày đính hôn. Lưu Đình vừa nghe vừa cầm tay Vương Nguyệt nhắc đi nhắc lại, “Con đã phải chịu khổ nhiều quá, con đã phải chịu khổ nhiều quá.”

Vương Đa nói, “Thạch Lâm là con gái của chị con, và nó cũng là cháu của nhà ta. Từ ngày mai, con sẽ trở thành con cái nhà họ Vương chúng ta, và Thạch Lâm cũng sẽ trở thành cháu gái nhà họ Vương.”

Thạch Lâm trước đó đã gọi Vương Đa và Lưu Đình là ông bà, gọi Vương Nguyệt là mẹ, nhưng thật không dễ dàng đối với cô khi gọi Quốc Vĩ là cha. Lúc đó cô đã chín tuổi, và rất khó để đổi cách xưng hô cho cô với Quốc Vĩ trước các bạn cùng lớp. Tuy nhiên, trong lễ cưới của Vương Nguyệt và Quốc Vĩ, cô vẫn gọi Quốc Vĩ là Cha mà không cần ai bảo. Quốc Vĩ mãn nguyện và ngạc nhiên đến nỗi anh bế bổng cô lên ôm siết vào lòng, cho đến khi Lưu Đình kêu lên, “Thả nó xuống, con làm đau con bé bây giờ.”

Thạch Lâm sáng dạ và cần cù lại được sự chỉ bảo của mọi người trong nhà vốn đều là giáo viên. Cô bé học rất giỏi ở trường, vượt cấp một lớp từ lớp ba lên thẳng lớp năm. Khi bước vào lớp sáu, Thạch Lâm đại diện cho trường tham dự kỳ thi Học Sinh Giỏi Văn khu vực phía Bắc tỉnh Giang Tô và giành giải nhất. Cô bé tiếp tục giành huy chương đồng trong cuộc thi Học Sinh Giỏi Văn toàn tỉnh Giang Tô. Vương Nguyệt và Quốc Vĩ vô cùng vui sướng với kết quả đó, họ ôm lấy Thạch Lâm trong nỗi hân hoan mà quên cả tiếng khóc của đứa con đầu lòng. Cả gia đình đều rất tự hào, hàng xóm cũng chúc mừng họ về sự giỏi giang của Thạch Lâm.

Ngày hôm sau, khi Quốc Vĩ đang viết mấy câu đối trên giấy đỏ để treo trong ngày Quốc Tế Thiếu Nhi mùng một tháng Sáu, một học sinh nữ hớt hải chạy vào, thở hổn hển:

“Thầy Vương, mau lên! Tụi con trai đang réo tên Thạch Lâm và bạn ấy đang cãi cọ với tụi nó. Bạn ấy kiệt sức rồi, nhưng bọn con gái chúng em không dám giúp bạn ấy, tụi con trai bảo sẽ đánh bất cứ ai làm vậy!”

Khi Quốc Vĩ chạy tới sân thể thao nhỏ của trường, anh nghe thấy tụi con trai đang chửi mắng Thạch Lâm:

“Đồ giả dối!”

“Đồ con hoang!”

“Con hoang luôn khôn mà!”

“Hỏi mẹ mày xem cha mày là ai. Có phải cái thằng say rượu nào đó mà mẹ mày nhặt được ở cống rãnh không hả?”

Quốc Vĩ chạy tới, dùng nắm đấm gạt đám con trai đang vây quanh Thạch Lâm ra. Anh ôm lấy Thạch Lâm và gầm lên, “Ai nói Thạch Lâm không cha hả? Ai dám nói thêm một lời nào thì sẽ không còn mở miệng được ra sau khi tôi xử lý! Không tin thì cứ thử mà xem!”

Sợ quá, đám ngỗ ngược chạy thẳng. Thạch Lâm run rẩy trong vòng tay Quốc Vĩ, trắng bệch như tờ giấy, mồ hôi vã ra trên lông mày và bờ môi chảy máu ở chỗ cô đã cắn.

Về nhà, Thạch Lâm bị sốt cao, cứ lẩm bẩm: “Tôi không phải con hoang, tôi có bố có mẹ,” lặp đi lặp lại. Lưu Đình và Vương Nguyệt túc trực chăm sóc cô.

Bác sĩ nói với gia đình rằng Thạch Lâm bị sốc: Nhịp tim cô bé lúc chậm lúc nhanh. Ông ta bảo nếu nhiệt độ của cô không được hạ xuống càng nhanh càng tốt thì có thể cô bé sẽ bị rối loạn tâm thần. Ông thắc mắc không biết làm sao một đứa bé mới mười hai tuổi đầu mà đã bị sốc nặng đến thế.

Vương Đa nói giận dữ, “Cái đất nước này càng ngày càng trở nên tồi tệ. Làm sao những đứa trẻ lại có thể làm một chuyện như vậy. Việc chúng làm với Thạch Lâm đúng là giết người không có tội danh.”

Quốc Vĩ không ngừng xin lỗi cả nhà vì không trông chừng Thạch Lâm, nhưng ai cũng hiểu anh không có lỗi gì cả. Sau này, Quốc Vĩ mới rõ vì sao vụ việc trên sân trường hôm đó lại xảy ra. Một thằng bé lớn hơn muốn tán tỉnh Thạch Lâm, nhưng cô bé từ chối và dạy cho nó một bài về cách cư xử. Tức tối và xấu hổ, nó chỉ vào mặt Thạch Lâm mà quát, “Mày nghĩ mày là ai hả? Cha mày là ai? Chả có nét gì của Vương Quốc Vĩ trên khuôn mặt của mày. Về nhà mà hỏi mẹ mày xem bà ta đã ngủ với ai mà đẻ ra thứ con hoang như mày! Đừng có giả bộ đoan trang thùy mị nữa!” Nó còn bắt bọn con trai bé hơn đứng quanh đó hùa vào chửi rủa Thạch Lâm, dọa sẽ đánh bất kỳ ai không nghe theo lệnh nó. Quốc Vĩ giận tím người: không thèm để ý tới dù chỉ chút xíu tới địa vị người thầy hoặc có một ý nghĩ nào về hậu quả, anh rượt theo thằng nhóc hư đốn đó đến cùng và đánh nó một trận tơi bời.

Thạch Lâm bình phục, nhưng cô nói rất ít, hiếm khi ra ngoài và thường ở nhà một mình. Kỳ thi vào cấp hai đang đến gần, vì vậy ai cũng nghĩ cô bé đang ôn thi và không muốn bị quấy rầy. Vương Nguyệt là người duy nhất vẫn thấy lo lắng. Bà cảm thấy có điều gì đó không ổn ở Thạch Lâm, nhưng lại không dám nói với ai về phỏng đoán của mình, đề phòng gia đình khỏi gặp phải rắc rối. Những phong trào chính trị Chống Hữu Khuynh đang lan rộng khắp Dương Châu, và nhiều người dốt nát, thất học nghĩ đây là thời điểm để thu hẹp khoảng cách về tài sản sở hữu bằng cách tấn công vào các nhà giàu và chia nhau chiến lợi phẩm, một thông lệ đã có từ thời nhà Minh. Họ bắt đầu lên danh sách những nhà có của, lập kế hoạch gây rối dưới chiêu bài cách mạng. Gia đình họ Vương ở vào khoảng giữa, không giàu cũng chẳng nghèo, vì vậy họ không thể chắc chắn được khi nào có ai đó đố kỵ với họ mà xếp họ vào nhóm nhà giàu.

Thạch Lâm không tỏ ra xuất sắc trong kỳ thi vào cấp hai như mọi người mong đợi trước khi vụ việc không hay tại sân thể dục xảy ra, nhưng kết quả thi của cô vẫn đủ để cô được vào một trường tốp đầu. Ngôi trường cô lựa chọn không xa nhà, Vương Nguyệt cũng yên tâm vì điều đó.

Thạch Lâm vẫn tiếp tục im lặng và khép mình ở trường học, nhưng lại hay nói ở nhà. Cô bé bắt đầu hỏi Vương Đa về nguyên nhân đằng sau các phong trào chính trị đang diễn ra ở Trung Quốc và về tình trạng thù địch giữa Quốc Dân Đảng với Đảng Cộng Sản. Cô thường hỏi Vương Nguyệt về cha mẹ mình, nhưng Vương Nguyệt biết rất ít về chị gái mình vì khoảng cách tuổi tác giữa họ khá lớn. Vương Nguyệt còn quá nhỏ khi chị bà rời nhà đi học ở miền Nam, và mới ba hay bốn tuổi khi chị gái đi lấy chồng. Thạch Lâm nghĩ rằng Vương Nguyệt cố tình giữ kín vì bà không muốn cô cứ đắm chìm với quá khứ.

Vào thời kỳ đầu của Cách Mạng Văn Hóa, khi những mối quan hệ ngoài hôn nhân bị xem là tội phản cách mạng, Hồng Vệ Binh gọi Vương Nguyệt là tội phạm vì đã sinh Thạch Lâm trước hôn nhân. Đang mang thai đứa con thứ hai, Vương Nguyệt vẫn thường xuyên bị Hồng Vệ Binh đưa ra đấu tố. Bất chấp mọi chuyện ấy, bà vẫn không hé răng một lời. Vương Đa, Lưu Đình và Quốc Vĩ sau đó đều lần lượt bị bắt giam và thẩm tra, nhưng cả ba đều khăng khăng là họ không biết gì về quá khứ của Vương Nguyệt và Thạch Lâm. Một trong những tên Hồng Vệ Binh dùng bạo lực để thẩm vấn chính là kẻ đã cố tán tỉnh Thạch Lâm và bị Quốc Vĩ đánh. Hắn hạ nhục tất cả bọn họ một cách không thương tiếc, và đánh Quốc Vĩ dã man đến mức chân trái của anh bị què vĩnh viễn.

Hồng Vệ Binh bắt Thạch Lâm phải quan sát qua cửa sổ trong khi chúng thẩm vấn và tra tấn gia đình họ Vương. Chúng giật tóc và kẹp mí mắt cô để cô phải tỉnh suốt mấy ngày đêm, để nhìn thấy bàn chân Quốc Vĩ chảy máu, Vương Nguyệt ôm lấy bụng, Vương Đa và Lưu Đình rùng mình sợ hãi và đứa con trai nhỏ xíu của Vương Nguyệt trốn trong góc khóc òa. Mặt Thạch Lâm từ đầu đến cuối vẫn không có biểu hiện gì, nhưng cô toát mồ hôi và run rẩy. Chỉ khi Hồng Vệ Binh chuẩn bị đập vỡ bàn chân phải của Quốc Vĩ bằng gậy và dùi cui, Thạch Lâm mới đột ngột hét lên bằng một giọng chói tai, kỳ dị, “Đừng đánh chú ấy, đừng đánh chú ấy! Họ không phải cha mẹ tôi. Cha tôi tên là Trương Trọng Nhân, mẹ tôi tên là Vương Tính, họ đang ở Đài Loan!”

Mọi người choáng váng im lặng mất một lúc, rồi gia đình họ Vương nhất loạt lao về phía cửa sổ và hét lên, “Không đúng! Con bé bị điên rồi, nó không biết mình đang nói gì cả!”

Thạch Lâm nhìn họ khi họ hét lên phủ nhận, rồi cười phá lên. “Tôi biết tôi không phải là con hoang, tôi có cha có mẹ đàng hoàng,” cô nói. Rồi mép cô sùi bọt và khuyu xuống.

Hồng Vệ Binh chộp ngay lấy những cái tên Thạch Lâm vuột miệng nói ra; dựa vào lời xác nhận về cha mẹ mình của Thạch Lâm và những bằng chứng buộc tội khác mà Hồng Vệ Binh tuyên bố là đã được xác minh, gia đình họ Vương bị tống giam. Thể trạng Vương Đa rất yếu và thường xuyên ốm - ông qua đời trong tù. Lưu Đình bị liệt nửa người do phải ngủ trên sàn nhà tù. Vương Nguyệt sinh đứa con thứ hai trong tù, một bé gái. Cô bé được đặt tên là Vương Ngọc vì chữ Ngọc trong tiếng Hán được cấu tạo bằng cách thêm một nét chấm vào chữ Vương, tượng trưng cho một thành viên thêm vào gia đình họ Vương. Tên gọi ở nhà của cô bé là Tiểu Ngọc vì cô rất nhỏ và yếu. Khi họ ra tù mười năm sau đó, Quốc Vĩ phải chống gậy mới đi được.

Cuối những năm 1980, Vương Nguyệt và Quốc Vĩ tình cờ gặp lại một trong những Hồng Vệ binh từng ngược đãi họ. Hắn ta thừa nhận rằng, ngoài tên của cha mẹ Thạch Lâm và một tấm ảnh tập thể các lãnh đạo của Quốc Dân Đảng ra, những bằng chứng của Hồng Vệ Binh nhằm chống lại Thạch Lâm và gia đình họ Vương đều là bịa đặt.

Thạch Lâm bị bệnh tâm thần, nhưng tình trạng không ổn định: có một số ngày cô tỉnh táo hơn. Hồng Vệ Binh đưa cô tới một ngôi làng vùng núi tỉnh Hồ Bắc để những người nông dân địa phương “cải tạo”. Cô không thể làm việc ngoài đồng vì tình trạng tâm thần không ổn định, vì vậy cô được giao cho một công việc khá nhẹ nhàng là đi chăn bò. Ít lâu sau, đám đàn ông trong làng bắt đầu kiếm cớ để leo lên những sườn núi đầy cỏ xa xôi nơi Thạch Lâm đưa bò lên gặm cỏ. Họ phát hiện ra rằng tất cả những gì khiến Thạch Lâm lên cơn là câu hỏi: “Cha mày là ai?”

Cô cười to và hét lên man dại, rồi sau đó ngất đi. Trong khi cô còn bất tỉnh, đám đàn ông cưỡng hiếp cô. Nếu cô chống cự, chúng sẽ hét to lặp đi lặp lại, “Cha mày là ai, mày có phải là con hoang không?” Cho đến khi Thạch Lâm mất trí đến mức phải tuân theo mệnh lệnh của họ.

Một bà cụ tốt bụng trong làng biết được chuyện khi bà nghe thấy một người đàn ông cãi nhau với vợ anh ta. Bà ra giữa làng nguyền rủa đám đàn ông, “Lũ thú vật vô lương tâm. Các người chẳng phải được đàn bà đẻ ra hay sao? Các người không có mẹ hả? Các người sẽ phải trả giá!” Bà cụ đưa Thạch Lâm về ở với mình, nhưng cô hoàn toàn không còn nhận thức được thế giới xung quanh nữa.

Vào đầu năm 1989, Vương Nguyệt và gia đình tìm được Thạch Lâm ở ngôi làng thuộc tỉnh Hồ Bắc đó và đưa cô về sống với họ. Thạch Lâm không nhận ra họ nữa và họ cũng hầu như không còn nhận ra cô sau ngần ấy năm sống ở vùng nông thôn. Vương Nguyệt đưa Thạch Lâm đi khám sức khỏe toàn bộ tại bệnh viện. Khi đọc kết quả, bà ốm liệt luôn. Kết quả khám cho thấy thân thể Thạch Lâm đầy những vết sẹo do bị cắn, một phần núm vú bị nhai nát và môi âm hộ bị rách. Phần cổ tử cung cùng âm đ*o đều bị tàn phá nghiêm trọng và bác sĩ gắp ra một cành cây từ tử cung của cô. Các bác sĩ không xác định được cành cây đó đã ở trong tử cung của cô bao lâu.

Khi Vương Nguyệt bình phục lại sau trận ốm, bà gọi điện cho các cán bộ Đảng ở ngôi làng thuộc tỉnh Hồ Bắc mà Thạch Lâm đã từng sống và bảo bà sẽ kiện họ ra tòa vì tội bạo hành Thạch Lâm. Các cán bộ ở đó nài nỉ bà: “Đây là một vùng còn nghèo. Nếu tất cả đàn ông ở làng này bị tống giam thì lũ trẻ sẽ bị đói.” Vương Nguyệt quyết định không khởi kiện nữa. Khi bỏ máy xuống, bà nghĩ: “Trời sẽ trừng phạt chúng.”

Dù sợ rằng hồi phục lại trí nhớ cho Thạch Lâm sẽ khiến cô phải chịu nỗi đau khủng khiếp, Quốc Vĩ đã đề nghị thử tìm cách nào đó giúp Thạch Lâm lấy lại được chút nhận thức về thế giới xung quanh. Suốt bảy, tám năm, Vương Nguyệt và Quốc Vĩ đã đưa Thạch Lâm đi điều trị vài lần, nhưng không thu được kết quả gì. Ý nghĩ hỏi Thạch Lâm về cha cô để kích thích phản ứng có thoáng qua trong đầu họ, nhưng họ lại quá sợ hãi trước những hậu quả của nó.

Vương Nguyệt tìm cách liên lạc được với anh chị của Thạch Lâm ở Đài Loan, và họ đã về thăm cô em gái thất lạc lâu nay. Họ không thể liên kết hình ảnh người đàn bà không hề có phản ứng gì và có đôi mắt đờ đẫn trước mặt mình với cô bé thông minh, sôi nổi mà cha mẹ họ đã miêu tả, nhưng trông Thạch Lâm giống mẹ họ đến mức không ai có thể nghi ngờ gì về thân phận của cô.

Vương Nguyệt không nói với họ lý do thực sự gây ra tình trạng của Thạch Lâm. Không phải bà sợ bị trách là đã không trông nom Thạch Lâm, mà vì bà biết những người không sống qua thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa sẽ không thể hình dung hay thấu hiểu được những chuyện đã xảy ra. Vương Nguyệt không hề có mong muốn gieo thù oán, và né tránh nhắc lại chi tiết chuyện xảy ra với Thạch Lâm. Bà bảo họ rằng Thạch Lâm mất trí sau một tai nạn ô tô. Khi anh chị của Thạch Lâm hỏi cô có đau đớn lắm không, bà đảm bảo với họ rằng không hề, và cô bị mất trí sau tai nạn ít lâu.

Vương Nguyệt không ngừng tự hỏi mình Thạch Lâm đã nhận thức được đến mức nào về nỗi đau đớn mà cô phải chịu trước khi cô mất trí. Tôi miễn cưỡng nói với bà rằng, giống như những người bị mất ý thức khác khi đã lớn, Thạch Lâm hẳn là đã buộc phải như vậy do phải chịu nỗi đau đớn tột cùng. Nỗi đau đớn của Thạch Lâm đã tích tụ từng lớp từng lớp từ cái đêm chạy khỏi Nam Kinh qua suốt tuổi thơ dữ dội của cô, và cô không biết phải trút nó đi đâu vì không muốn làm gia đình họ Vương phải khổ tâm. Những năm bị hành hạ ở Hồ Bắc đã nghiền nát hẳn ý thức của cô.

Khi tôi trở về đài phát thanh để thực hiện buổi chương trình ban đêm sau cả buổi chiều ở bệnh viện, văn phòng trống tênh. Tôi thấy một cốc nước quả trên bàn với một lời nhắn từ Mạnh Tinh, người đã chuẩn bị cốc nước quả cho tôi, lo rằng tôi hẳn đã kiệt sức. Mạnh Tinh nổi tiếng là một người phụ nữ căn cơ không bao giờ cho ai một cái gì, vì vậy tôi rất cảm động. Giám đốc đài cũng để lại cho tôi một lời nhắn bảo tôi nộp cho ông bản tường trình cuộc phỏng vấn về con gái của viên tướng Quốc Dân Đảng vào ngày hôm sau.

Sáng hôm sau, tôi kể cho giám đốc nghe câu chuyện của Thạch Lâm, nhưng nói luôn rằng tôi không thể đưa câu chuyện này lên sóng phát thanh được. Ông ngạc nhiên, “Có vấn đề gì sao? Cô vốn luôn sẵn sàng để phát thanh mọi chuyện mà?”

“Không có vấn đề gì cả,” tôi đáp, “nhưng tôi không thể khiến mình kể lại câu chuyện này hoặc dàn dựng chương trình về nó. Việc này thực quá khó.”

“Đây là lần đầu tiên tôi nghe cô nói có chuyện gì quá khó, vậy thì chắc chắn nó là một câu chuyện quá khủng khiếp. Tôi mong rằng cô sẽ quên được nó.”

Tôi không bao giờ có dịp để nói chuyện về việc hiểu người khuyết tật với ông Ngô được nữa. Ông mất vì bệnh gan phát trong một dạ tiệc cuối tuần đó. Trong lễ tang, tôi thầm nói với ông những suy nghĩ của tôi, chắc rằng ông có thể nghe được những lời tôi nói. Sau khi mọi người rời khỏi cõi đời này, họ vẫn sống trong ký ức của những người còn sống. Thỉnh thoảng bạn có thể cảm thấy sự hiện diện của họ, nhìn thấy khuôn mặt hay nghe giọng nói của họ.

Bình luận

Truyện đang đọc