HOA TƯ DẪN

Oanh Ca đã phóng lên không, bóng trường đao lại lóe lên trong chùm tin nước vọt cao, dáng cô phóng lên giống như con bướm tím phá kén chui ra. Tôi đến gần Mộ Ngôn: "Cô ấy sẽ bị thương", mối lo của tôi chưa bao lâu đã được giải tỏa khi mấy hộ vệ mặc thường phục bên cạnh Dung Tầm nhảy xuống tầng một tham chiến. Tôi chăm chú nhìn Oanh Ca, mặc dù đã thấy Dung Tầm tham chiến, tay vung trường đao vào người áo đen vẫn không một chút bối rối. Cô quả là một sát thủ đầy bản lĩnh.

Khi người áo đen cuối cùng mất mạng rơi xuống nước dưới trường đao của Oanh Ca, trường kiếm trong tay Dung Tầm lại lật trở lại hướng vào mũ sa của cô, cự ly nửa cánh tay, vốn không thể sơ sẩy, nhưng cô đã khéo léo xoay người đứng trên mép thuyền, sau lớp mạng không nhìn rõ nhưng có lẽ cô đang quan sát người đàn ông trước mặt. Gió sông ù ù, rèm sa bay phần phật, tựa như có một dải mây màu tím bỗng hé ra ở đường chân trời lúc ngày tàn.

Trường dao trong tay cô kề cổ Dung Tầm, chàng ta tiến lại gần, chỗ lưỡi kiếm cứa vào da rỉ ra một vệt máu. Trong tiếng gió ù ù vị công tử phong lưu hơi cau mày, nói như than: "Là em sao, Nguyệt nương?". Thanh đao trong tay cô thu lại, không trả lời, quay người nhảy xuống mặt sông sủi nước đục ngầu, Dung Tầm vội giơ tay kéo lại, nhưng chỉ túm được một mảnh rèm sa. Một tiếng ùm vang lên, thị vệ bên cạnh kêu to: "Mau cứu lão gia, lão gia không biết bơi!".

Tôi đứng ngây ra nhìn, tất cả cảnh tượng vừa diễn ra chỉ có thể mô tả bằng hai chữ "quá đẹp" rồi lập tức lại nghĩ hỏng rồi, "Chúng ta đã mất dấu vết Oanh Ca".

Mộ Ngôn đã ngồi xuống rót trà vào cốc, nói vẻ nghiêm túc: "Oanh Ca cô nương mặc dù là sát thủ cao cường, nhưng với trình độ theo dõi của tôi, có lẽ không thành vấn đề, vấn đề là vướng cô, trình độ phải chia đôi, thực lực giảm không ít".

Tôi buông chiếc cốc quay người đi xuống lầu: "Núi cao không đổi, sông dài vẫn chảy, hôm nay chia ly, sẽ là mãi mãi". Bị chàng kéo lại, "Tôi không định theo cô ta suốt dọc đường, một sát thủ như vậy, chỉ cần cô ta hơi sinh nghi là lập tức thoát khỏi chúng ta, như vậy chẳng phải bao công sức vừa rồi đi tong, cho nên mới mua con chim này, cô có nghe nói thuật theo dõi bằng cách dùng bột hoa tây mộc chưa, giấu bột đó trong người kẻ bị theo dõi, dù người đó đến chân trời góc bể con chim này cũng sẽ theo mùi hoa mà tìm được".

Tôi lắc đầu: "Chưa từng nghe nói".

Chàng gật đầu: "À, cũng phải thôi, đó là thuật theo dõi do tổ tiên chúng tôi truyền lại, người ngoài làm sao biết".

Tôi "...".

Thuyền cập bến, chỉ thấy Dung Tầm, không thấy Oanh Ca.

Địa điểm đến là thành Tùy Viễn ở biên giới nước Triệu, chúng tôi đi vào thành, chờ Oanh Ca đến, nghe Mộ Ngôn nói, nếu Oanh Ca vào thành, con chim nhất định phát hiện được. Nhưng điều rắc rối là, nếu gặp chim mái con chim đực trong lồng cũng có phản ứng như vậy, thật hết cách, đành chờ xem sao, bởi vì loài chim hiếm này đâu dễ gặp.

Tôi cảm thấy nếu đi lâu dài với chúng tôi, nhất thiết phải đặt cho con chim một cái tên, nghĩ một lát, tôi hỏi Mộ Ngôn: "Huynh thấy gọi nói là Tiểu Hắc được không?".

Chàng trợn mắt "Cô dám?".

Mới sực nhớ ra, hồi đầu tôi đặt tên cho chàng là Tiểu Lam.

Sau đó không lâu, lại nhận được thư của Quân Vỹ do chim bồ câu đưa đến. Mộ Ngôn tỏ ra kinh ngạc khi thấy tôi có thể nhận được thư trên đường đi, nhưng cơ chế vận hành của con bồ câu thực ra cũng gần như con chim đen của chàng, như vậy cũng dễ giải thích. Tôi mở thư ra xem. Nét chữ rồng bay phượng múa, vẫn mở đầu như sau:

"A Phất tiểu muội của huynh, xa cách bấy lâu, huynh nhớ muội vô chừng, muội có nhớ huynh chăng?

Ngủ trưa chiêm bao, mơ thời thơ ấu, huynh đến vương đô thăm muội, tay trái dắt Tiểu Hoàng tay phải cầm cây thương, tứ bề quạnh quẽ, lệ rơi hàng ngàn. Buồn thay!

Mấy hôm trước ngủ trưa, vẩn vơ nhớ muội, từ mắt đến tim, nhớ nhung chở mấy thuyền cho đặng, đang lúc mơ màng túi tiền bị người ta lấy mất...

Huynh nghĩ rất nhiều, chuyện này muội tự làm, muội nên tự chịu...".

Mộ Ngôn hỏi: "Viết gì vậy?". Tôi nói: "Anh ta ngủ trưa, không cẩn thận bị kẻ trộm lấy mất tiền, sau đó Tiểu Hoàng không chịu mãi nghệ, anh ta đành đem Tiểu Hoàng cầm cố cho một vườn thú, bảo tôi dùng con bồ câu này chuyển ngân phiếu cho anh ta".

Mộ Ngôn lục hầu bao lấy ngân phiếu, tôi ngăn lại: "Không cần". Tôi viết hồi âm cho Quân Vỹ: "Nội trong mười ngày nếu không chuộc Tiểu Hoàng ra, muội sẽ bán huynh cho kỹ viện, mong huynh sớm lo liệu". Đợi thư khô mực, cuộn lại cho vào ống trúc nhỏ, buộc vào chân chim bồ câu thả cho bay, chuyện vậy là giải quyết xong.

Chúng tôi thu xếp chỗ ở trong thành Tùy Viễn, ở liền năm ngày. Chập tối ngày thứ sáu, con chim đen trong lồng bỗng hưng phấn khác thường, có thể quanh đây xuất hiện con chim mái, cũng có thể cuối cùng Oanh Ca đã vào thành, quả thật không biết thế nào.

Mộ Ngôn lặng lẽ quan sát màn đêm xung quanh, mở lồng chim, con chim đen lập tức xông ra, giương cánh bay vút lên, chúng tôi đuổi theo sau. Tôi thấp thỏm, không nén nổi hỏi Mộ Ngôn: "Huynh nói xem, sao nó hưng phấn thế? Có phải đã đánh hơi thấy bạn tình?".

Mộ Ngôn không ngoái đầu: "Sao có thể".

Tôi thở dốc chạy theo chàng: "Nhỡ thật thì sao".

Chàng thản nhiên: "Thì làm thịt nó hầm cho cô ăn".

Con chim trên trời giật mình kêu oác một tiếng.

Một canh giờ sau, quả nhiên phát hiện Oanh Ca ngã gục trên đám cỏ ở ven sông, toàn thân ướt sũng, cũng không biết năm ngày vừa rồi đã xảy ra chuyện gì.

Tôi còn nhớ vết thương trên vai cô, vội mở lớp vải băng dính kết, thấy một vết thương rất đáng sợ đã trắng nhợt vì ngấm nước sông.

Đêm đó chúng tôi ở lại một y quán phía bắc thành.

Lão đại phu kiểm tra vết thương, lấy ra thuốc tốt nhất của y quán, đem sắc với nhân sâm dùng thìa bón từng miếng cho Oanh Ca. Bón được quá nửa bát thuốc, cô vẫn chưa tỉnh, cơn sốt vẫn chưa hạ, trong mê sảng miệng liên tục lắp bắp nói gì chúng tôi không hiểu, dường như đang rơi vào ác mộng khủng khiếp nào đó.

Lão đại phu nói đại ý rằng nếu sáng hôm sau cô nương này vẫn không tỉnh, thì chỉ còn cách ra cổng sau rẽ phải, bên hàng xóm có cửa hiệu bán quan tài, cũng kiêm luôn lo liệu tang sự.

Chúng tôi hiểu ý tốt của lão đại phu, nhưng Oanh Ca tuyệt đối không thể chết ở đây. Cô chết, trước hết chúng tôi phải mua quan tài, sau đó đi tìm mua chỗ chôn cất, thuê người đào huyệt... việc nào cũng phải bỏ tiền, thật hậu họa vô cùng. Kế sách hiện nay là vẫn dùng kế cũ, đi vào giấc mơ của Oanh Ca, đưa cô ra khỏi ác mộng trước bình minh.

Tôi cảm thấy yêu một người nhất thiết phải trân trọng người đó, có nghĩa là không thể để Mộ Ngôn gặp bất kỳ nguy hiểm nào, nhưng tôi vẫn không kìm được đưa chàng vào mộng cảnh đầy nguy hiểm, điều đó làm tôi sợ, tôi biết trong tiềm thức, tôi vẫn muốn để chàng chết, chỉ không ngờ lý trí đã bị tiềm thức đánh bại nhanh như thế.

Nói cách khác, lý trí con người xưa nay đa phần không thắng nổi tiềm thức. Thắng được tiềm thức họa chăng chỉ có những bậc tu hành.

Đã nghe thấy tiếng trống điểm canh, bước vào mộng kiều nhìn về xa, không như cảnh đổ nát chia ly lần trước, lần này giấc mộng của Oanh Ca rất liền mạch cũng rất rõ ràng. Đọc Truyện Online mới nhất ở truyen/y/y/com

Nhất định phải tìm ra bí ẩn trong nội tâm của cô, hóa giải bí ẩn đó, mới có thể đưa cô trở về thuận lợi, chúng tôi không thể không bỏ thời gian lần theo dấu vết câu chuyện. Trong lòng bao hồ nghi thắc mắc, có những điều đã được giải đáp, nhưng vẫn chưa thể làm rõ bí ẩn của Oanh Ca thực ra là gì, mỗi nút thắt của câu chuyện này xem ra đều có khả năng giúp tìm ra bí ẩn đó. Đó chính là số phận của một sát thủ, một số phận bi thảm như thế nhắc người đời quả thật không thể suốt đời sống bằng nghề sát thủ.

Câu chuyện bắt đầu từ năm thứ bảy sau khi Cảnh hầu lên ngôi.

Năm Cảnh hầu thứ bảy, mùa xuân đã đi được quá nửa, hoa trên cành đã rụng lác đác.

Oanh Ca hai mươi tuổi là sát thủ giỏi nhất đình úy phủ, bắt đầu từ năm mười sáu tuổi lần đầu tiên giết người, bốn năm nay, bao người đã bỏ mạng dưới đoản đao của cô.

Những năm tháng đẹp nhất của đời con gái trôi qua trong màu đỏ choáng váng của máu tươi, trong mùi tanh và phế khí, dung mạo đẹp dần lên nhưng quanh năm làm bạn với đoản đao trường kiếm, chút yếu lòng cuối cùng trước phút sinh tử đã bị xóa sạch không còn dấu vết, từng cử chỉ, động tác, nụ cười đều lạnh toát như thanh lợi kiếm.

Những kẻ ăn người ở trong Dung phủ đều sợ cô, không ai dám nói chuyện với cô, cho nên cô thường xuyên vò võ một mình, không một ai lai vãng thăm hỏi, mọi việc đều tự làm. Có điều như thế cũng không hoàn toàn là không tốt, ít nhất lúc xem tiểu thuyết cũng không bị ai quấy rầy.

Trái ngược hoàn toàn, rõ ràng mặt mũi giống hệt nhau, Cẩm Tước được đón vào Dung phủ sau khi bà nội qua đời lại khiến người ta vừa nhìn đã yêu, nhân khí không mập mờ như Oanh Ca.

Tổng kết nguyên nhân, một là Cẩm Tước hay cười, lúc nói chuyện chưa nói đã cười, như một đóa hướng dương nở bừng trong ngày mưa, xinh đẹp, lại sạch sẽ. Hai là, Cẩm Tước thích giúp đỡ mọi người, nhổ cỏ giúp thợ vườn, nấu cơm, giặt giũ giúp nhà bếp, lại còn nhiệt tình dạy các cô hầu thêu thùa vá may.

Cẩm Tước bình dị dễ mến, có tất cả những đức tính tốt đẹp của một thiếu nữ mười bảy tuổi. So với cô em, Oanh Ca không hề biết nữ công là gì, chỉ duy nhất biết giết người, mà giết người rõ ràng không được coi là nữ công, nếu cũng được lớn lên bình thường như các cô gái khác, như cô em mỗi tháng có tiền của chị gửi về, đương nhiên những việc nấu ăn thêu thùa cô đâu chịu kém ai.

Nhưng cô không bận lòng, chín năm trước Dung Tầm nhặt được cô, Dung Tầm là ân nhân của cô, chàng ta muốn cô trở thành như thế nào thì cô sẽ cố trở thành như thế. Ví dụ cô nhìn thấy máu là choáng, nhưng lại trở thành sát thủ. Ví dụ cô sợ sấm, nhưng lại có thể thản nhiên ra tay lấy mạng sống của người khác trong tiếng sấm ầm ầm.

Ngày mười bảy tháng tư, sinh nhật lần thứ hai mươi tư của Dung Tầm.

Mưa xuân dai dẳng. Oanh Ca bị thương trong khi đi làm một vụ việc ở nước Triệu, cánh tay bị trúng một nhát kiếm dài khá hiểm, lẽ ra nên nghỉ ngơi chữa trị, nhưng lại nhớ sinh nhật Dung Tầm, cô đi suốt ngày đêm, vội vàng gấp gáp trong bảy ngày kịp về thành Tứ Phương trước một ngày, ngày mười sáu tháng tư.

Nước Triệu có đặc sản đồ gốm trắng, cô muốn tự tay làm một món đồ gốm từ nước Triệu mang về tặng sinh nhật Dung Tầm, đáng tiếc là vết thương quá nặng, tay lóng ngóng cử động đau đớn khó khăn, học theo sư phụ mấy ngày mới gắng làm ra một cái cốc trông là lạ, uống rượu thì hơi lớn, uống trà lại hơi nhỏ, không biết gọi là gì.

Nhưng màu sắc rất đẹp, nhẵn bóng sáng long lanh, thoạt nhìn biết ngay không tầm thường. Cô dùng vải lụa bọc kỹ mấy lớp, đi bảy ngày đường mang về thành Tứ Phương, vừa bước vào Dung phủ đã nóng lòng chạy ngay đến phòng Dung Tầm muốn khoe với chàng.

Mọi người đều nói Oanh Ca lạnh tình, người lạnh tình khi bộc lộ tính trẻ thơ thực ra là đáng yêu vô cùng.

Mưa rất to, cây ngô đồng trước sân tán lá che kín cả khoảng trời, những trận sấm xuân ẩn sau tán lá sum suê, hoa ngô đồng run rẩy trong mưa. Người hầu đứng ở cửa đưa cho cô chiếc ô, cô cởi áo ngoài bọc lại chiếc cốc đã được bọc mấy lần vải lụa, miệng cười mãn nguyện, tay giương ô đội mưa đi vào.

Không cho hầu nữ ở phòng ngoài bẩm báo, cô muốn dành cho chàng một bất ngờ, đang thầm nghĩ chàng nhìn thấy cô lúc này sẽ như thế nào, hàng lông mày sẽ nhướn cao ra sao, môi giãn ra nụ cười nửa có nửa không thế nào, thậm chí nghĩ đến câu đầu tiên chàng nói khi nhìn thấy cô: "Sao về nhanh thế, đi đường có vất vả không?".

Đường xa, ngựa phóng gấp, bụi đường còn bám trên áo choàng, cô cởi áo choàng, trao chiếc ô cho cô hầu, chỉ ôm chiếc cốc, nhanh nhẹn lách qua cánh cửa phòng khép hờ. Chân trời lóe lên một tia chớp, giống như cây kiếm bạc trong tay thần sấm vung lên trong màn đêm mênh mang. Trong ánh chớp, nhìn Dung Tầm đứng trong thư phòng sau án thư đang cúi đầu viết gì đó.

Ngoài ra, trong thư phòng của chàng vốn rất ít người được bước vào, cô em Cẩm Tước cũng chống cằm tư lự ngồi bên án thư.

Trong phòng rất yên tĩnh, có thể nghe thấy tiếng ngòi bút lông cáo đi trên giấy, Dung Tầm chăm chú viết một hồi, ngẩng đầu nhìn Cẩm Tước, ánh mắt như cười: "Hai chữ này là Cẩm Tước, tên của nàng".

Cẩm Tước tò mò đứng lên, ngắm nghía tờ giấy: "Vậy hàng chữ nhỏ bên cạnh là gì...". Lời chưa dứt đã hốt hoảng bịt tai, miệng hét lên cùng với tiếng sấm đột nhiên bùng nổ phía chân trời, người run run, ngồi sụp xuống đất.

Dung Tầm tay đang cầm bút, sững người nhìn cô, giơ tay kéo cô lên: "Lớn thế này vẫn sợ sấm ư?". Chưa dứt lời, một tiếng sấm nữa lại nổ vang, Cẩm Tước vừa được kéo đứng lên, lại bịt tai lùi về sau, chân va vào án thư suýt ngã, chàng đã kịp thời giơ tay kéo cô vào lòng, tránh cho cô khỏi va vào góc án thư, cau mày: "Sao lại không cẩn thận thế".

Hồi lâu sau, chàng vẫn không buông ra. Hai tay Cẩm Tước vẫn bịt tai.

Có những thứ càng cố giữ càng không giữ được, giống như tình yêu của Oanh Ca, giống như chiếc cốc gốm trong tay cô. Phòng ngoài một tiếng động nặng nề vang lên, Cẩm Tước đột nhiên mở mắt, ánh mắt dừng lại trên đường gấu váy ở ngưỡng cửa thư phòng.

Trên giá nến đồng chỉ có một ngọn nến đang cháy, trong phòng ánh sáng lờ mờ. Trong ánh sáng lờ mờ đó, giọng Dung Tầm nhàn tản: "Ai?".

Chân váy tím di chuyển, xiêm y gấm sột soạt như tiếng lá ngô đồng trước sân vào một ngày nắng đẹp có gió, Oanh Ca toàn thân váy tím đứng ở cửa phòng, mái tóc rối dính nước mưa bết vào trán, vào hai má, sắc mặt lạnh như nước mưa tháng tư.

Lại một tiếng sấm bùng nổ, như chiếc búa khổng lồ đập nát bầu trời, Cẩm Tước run lập cập trong lòng Dung Tầm, vội đẩy mạnh chàng ra, loạng choạng ngã xuống đất, chàng lại nắm tay cô, lửa nến ánh lên ống tay áo tím thêu hoa mộc lan.

Sau khi dìu Cẩm Tước đứng lên, Dung Tầm ngẩng đầu nhìn Oanh Ca đứng ở cửa thư phòng, dường như bấy giờ mới phát hiện ra cô: "Sao về nhanh thế, đi đường có vất vả không?". Câu nói đúng như cô đoán, một chữ không sai.

Cô nhìn chàng, trên khuôn mặt lạnh hiện ra nụ cười, nụ cười đó lan dần đến góc mắt, giống hệt một cây khô đang từ từ nở hoa. Vẻ phong tình lộ trên khuôn mặt, giả dối như một gái lầu xanh lão luyện, khiến khách làng chơi nổi giận.

Nụ cười phong tình đó ẩn dưới hàng mi như cánh bướm, chưa lan đến đáy mắt: "Công việc xong sớm, nên trở về sớm".

Trong phòng tĩnh mịch, Dung Tầm ngẩng đầu nhìn cô, lại cầm lên chiếc bút lông: "Vậy nghỉ ngơi đi". Mắt liếc nhìn bọc vải trên đất, "Cái gì kia?".

Cô quay người định đi, nghe vậy nhặt lên bọc vải vừa rồi đánh rơi, dừng một lát nói: "Không có gì, những thứ không quan trọng nên vứt đi".

Công việc ở nước Triệu xử lý nhanh chóng, gọn gàng, Dung Tầm thưởng cho Oanh Ca ngôi nhà lớn bên đầm sen gọi là Thanh Đầm cư, món quà thưởng quả thực quá hậu, tự cổ chí kim mọi vật đều biến động thất thường, duy chỉ có nhà đất không ngừng tăng giá.

Trong Dung phủ, Thanh Trì cư chỉ đứng sau Thanh Ảnh cư nơi ở của Dung Tầm, có nghĩa là hai toà viện lớn như vậy để phù hợp đối xứng trong thẩm mỹ kiến trúc, nhất định phải thiết kế ở hai đầu đông tây hoặc nam bắc trong phủ đệ, tóm lại tuyệt nhiên không thể tọa lạc cạnh nhau. Oanh Ca chuyển khỏi Tập m các sát bên tẩm cư của Dung Tầm, chuyển đến Thanh Trì cư cách Dung Tầm mười vạn tám ngàn dặm.

Bình luận

Truyện đang đọc