HOA VỠ GẶP XUÂN - ĐIỀM TỬU NHƯỠNG TUYẾT LÊ

Khi ta nhặt được bé gái ấy về nhà, trong tay chỉ còn đúng bốn lượng bạc. Một lượng dùng để sắm sửa áo quần mùa đông, một lượng dành cho việc mua bán hằng ngày. Còn lại hai lượng, vốn định để gửi đệ đệ Kiêu nhi đến tư thục học hành.

Nào ngờ, lang trung nói đứa bé ấy bị thương rất nặng, muốn cứu mạng phải tốn ít nhất hai lượng bạc. Ta nghĩ bụng, cùng lắm thì mùa đông này ráng chịu chút đỉnh, khỏi mua đồ chống lạnh cũng được.

Thế là ta lấy số bạc dưới gối ra, cẩn thận lau sạch bóng rồi trao cho lang trung.

Lang trung nhận bạc, mới bắt đầu rút d.a.o ra khỏi vết thương của đứa bé, cẩn thận khâu lại từng chút một. Làm xong, ông nhìn đứa trẻ vẫn còn sốt cao mà thở dài:

"Sống chec có số, ta đã dùng mọi cách rồi, phần còn lại phải xem số mạng của con bé thôi."

Lang trung đi rồi, đứa trẻ vẫn sốt không ngớt. Ta và Kiêu nhi thay phiên chăm sóc suốt đêm, vậy mà con bé vẫn không mở mắt.

Kiêu nhi đặt khăn ấm lên trán con bé, rồi lấy ra từng đồng tiền đồng dành dụm mấy năm qua mà khẽ nói:

"A tỷ, nếu muội ấy không tỉnh lại, chúng ta đành sắm cho muội ấy một cỗ quan tài tử tế mà chôn cất thôi."

Ngay khi chúng ta nghĩ con bé sắp không qua khỏi, vậy mà nó lại cố sống sót. Thế nhưng đứa trẻ đáng thương ấy, sau trận sốt thì đầu óc không còn tỉnh táo như trước.

Lời đầu tiên nó nói khi tỉnh lại là chỉ tay vào ta và Kiêu nhi, tức giận quát lớn:

"To gan! Bọn dân đen dám làm hại bổn Công chúa!"

Con bé nói nó tên là Ngọc Ninh, là Công chúa trong cung.

Nhưng thử hỏi, Công chúa nhà ai lại đầu bù tóc rối, thương tích đầy mình, trên người chỉ mặc áo vải thô thế này không?

Con bé đã đói nhiều ngày, gương mặt nhỏ bé hốc hác đi rõ rệt. Ta vội nấu một bát canh mì để đút cho nó.

Ngọc Ninh ban đầu kháng cự dữ dội. Rõ ràng sức chẳng còn, thế mà vẫn hung hăng trừng mắt nhìn ta, hét lớn: "Ngươi rõ ràng muốn đầu độc bổn Công chúa! Bổn Công chúa tuyệt đối không uống!"

Trẻ con bảy tám tuổi, làm sao thoát khỏi tay ta?

Ta đút một muỗng canh vào miệng nó. Nó sững người một chút, đôi mắt tròn xoe chớp chớp, ngạc nhiên hỏi: "Đây là gì vậy? Sao lại ngon thế?"

Uống hết sạch bát canh, con bé còn liếm môi, nhìn ta mà hỏi: "Còn không?"

May thay, nhà ta chẳng thiếu canh mì.

Ta cười, lại múc thêm một bát nữa, lần này cho thêm vài sợi mì, rồi hỏi con bé: "Nhà ngươi ở đâu? Ta đưa về."

Đôi mắt nó khẽ đảo, ôm lấy tay ta, lí nhí nói: "Phụ thân ta chec rồi, mẫu thân ta cũng bị kẻ xấu hãm hại. Ngươi có thể giữ ta ở lại đây không?"

Ta còn chưa kịp đáp, Kiêu nhi đã nhanh nhảu lên tiếng: "Đương nhiên là được! A tỷ ta tốt bụng lắm!"

Nhà ta vốn không dư dả, nuôi thêm một người thì đôi vai ta sẽ nặng gánh hơn.

Nhưng nhìn hai đôi mắt sáng ngời trước mặt, ta không nỡ từ chối.

Nghĩ bụng, thêm một đôi đũa thì có là gì? Trẻ con ăn được bao nhiêu chứ. Cắt bớt chút phần của ta cũng đủ để nuôi con bé.

Cuối cùng, ta gật đầu. Hai đứa trẻ reo hò mừng rỡ, còn ta lạnh giọng bảo: "Ở lại cũng được, nhưng phải làm việc cho ta!"

Kiêu nhi chịu trách nhiệm lấy nước giếng và ghi sổ sách, còn Ngọc Ninh thì giúp ta bưng mì và canh cho khách.

Nắng hè gay gắt khiến cả hai đứa trẻ đen nhẻm.

Đặc biệt là Ngọc Ninh, vốn là một tiểu cô nương trắng trẻo, chỉ sau vài ngày cùng ta bày quán, làn da rám nắng đến mức chỉ còn hàm răng là trắng.

Tính con bé vốn chẳng chịu được khổ cực.

Một lần bưng canh làm đổ chút ít, bị khách mắng vài câu, nó liền hậm hực chạy đến than với ta:

"Bổn Công chúa đã hạ mình bưng canh cho bọn họ, vậy mà bọn họ còn dám trách mắng!"

Kiêu nhi ngồi bên cạnh cười châm chọc: "Gì chứ, muội mau tỉnh mộng đi. Nếu muội là Công chúa, thì ta là đại Tướng quân ấy!"

Vừa nói, đệ đệ ta vừa dùng đũa gõ nhẹ lên má con bé, vừa gắp quả trứng trong bát mình sang cho nó: "Tiểu cô nương, ăn nhiều một chút, lớn mới nhanh."

Ngọc Ninh ăn hết hai quả trứng, cơn giận liền tiêu tan.

Khi ta nghĩ rằng những ngày như thế cũng ổn, thì bất ngờ một ngày nọ, Ngọc Ninh ngã quỵ xuống ngay tại quán.

Ta gọi thế nào nó cũng không tỉnh lại.

Lang trung nói, bệnh của Ngọc Ninh là "bệnh nhà giàu."

Con bé mắc chứng bệnh tim bẩm sinh, chỉ có thể dựa vào những loại dược liệu thượng hạng mới giữ được mạng sống. Nếu không, e rằng khó mà qua nổi mười tuổi.

Nghe vậy, ta hoảng hốt, lập tức nhờ lang trung kê đơn.

Ông lắc đầu, dặn dò: "Ngươi nghĩ kỹ đi, thuốc này nửa tháng phải uống một thang, mỗi thang mất một lượng bạc."

Ngọc Ninh vẫn hôn mê, chẳng nghe thấy gì.

Kiêu nhi nghiến răng, nói với ta: "A tỷ, cùng lắm thì đệ không đến tư thục nữa. Đệ đi làm công cũng kiếm được chút tiền mà."

Ta bảo nó im miệng, rồi đưa mấy lượng bạc vụn gói trong khăn cho lang trung: "Kê thuốc đi." 

Bình luận

Truyện đang đọc