2
“Ừ.” Cậu đáp.
Vương Tử Chu thầm lặp lại chữ “ừ” ấy một lần, nếm trải cái cảm giác kỳ diệu chỉ có khi ta ngẫm lại điều xưa chuyện cũ. Ồ, ra người đó là cậu. Tớ cứ tưởng rình rập bấy lâu đủ để tớ hiểu rõ từng chân tơ kẽ tóc, đâu ngờ bàn tay giúp tớ nhặt giấy cạnh thùng rác là cậu.
Nếu lúc ấy tớ ngước lên và thấy cậu thì chuyện sẽ thế nào?
Chẳng thế nào cả.
Kỳ ngộ không ở giây phút ấy mà là lúc ta tương phùng.
Cái kỳ ngộ, cái tương phùng không phải vào buổi tối tớ gặp cậu ở Higashitake, không phải vào buổi chiều ta chuyện trò ở Shiru, không phải chập tối hẹn nhau trước bến xe buýt hay lúc ta dẫn nhau vào nhà hàng cá nóc. Mà là hiện tại.
Là khi lẩu canh cá nóc bốc hơi nghi ngút, cậu ngồi đối diện nói “ừ”, bạn nhân viên đi qua nhắc nhở, cậu mới thả cá vào nồi.
Là giây phút này.
Cho nên, mọi giả định chỉ là phù du.
Hơi nước ẩm thấp, tràn ngập trong không khí phụ họa cho tiếng mưa dông bên ngoài, lòng cô đan xen thứ cảm xúc mâu thuẫn giữa bình thản và hồ hởi, cuối cùng gom lại thành một câu “Trùng hợp thật.”
“Trùng hợp thật.” Cô nói thành lời.
“Ừ, trùng hợp.” Cậu đồng ý, nhắc, “Cá chín rồi đấy.”
Nếm thử cá nóc chín nóng hổi chấm đẫm nước sốt, cuối cùng quan điểm của Vương Tử Chu về cá nóc cũng thay đổi. Công nhận là tươi ngon. Salad, sashimi các kiểu đều không ổn, phải nấu chín cô mới cảm thụ được độ ngon của nó.
Mình đúng là đồ mõm nhôm, ăn của rẻ mới thấy ngon, cô nghĩ.
Cái hay của lẩu là nhanh gọn, nóng hôi hổi, không có chỗ cho sự lưỡng lự.
Lần lượt thả cá và đồ ăn kèm, một lúc là chín tới. Hơi nước hầm hập thôi thúc ta mau mau vớt chúng lên, làm gì có thời gian để phân vân, nghĩ ngợi.
Khi nào canh cá sôi ùng ục, nhanh tay thêm rong biển, cơm và trứng đánh đều, đổ vào nồi khuấy lên, chờ chín thì tắt lửa, chia nhau ăn, quay đi quay lại trừ hương vị thơm ngon trong miệng, dạ dày cũng chậm chạp gửi tín hiệu “đã no căng” lên hệ thần kinh.
Bữa ăn với hiểm nguy rập rình cuối cùng đã đến hồi kết.
Trong lúc ăn, thỉnh thoảng hai người cũng trò chuyện, nghe qua không khác gì khi mới đến nhưng thực tế thì tâm trạng và giới hạn đã thay đổi hoàn toàn.
Như thể một lớp vách ngăn bị gỡ xuống lúc nào không hay.
Sự gần gũi xuất hiện giữa chừng.
Nó riêng tư, đặc biệt, quay quanh sự thật được xác nhận rằng “chúng ta vốn quen nhau”, vì vậy kế hoạch tác chiến bị cho vào máy hủy tài liệu, chủ đề cũng trở nên tự do tự tại hơn.
Tự nhiên bắt đầu, tự nhiên kết thúc, bất kể nguyên nhân, không quan tâm đến hậu quả, hoàn toàn dựa vào trực giác.
Ví dụ như cô hỏi Trần Ổ rằng “Tiền trọ ở Higashitake bao nhiêu một tháng?”, Trần Ổ trả lời “5100”;
Cô thắc mắc “Đồ ăn ở căng tin Higa ngon không?”, Trần Ổ đáp “Tàm tạm”;
Cô lại hỏi “Bình thường cậu có nấu ăn không?” Trần Ổ nói, “Trong tuần thì không, thỉnh thoảng cuối tuần mới nấu”;
Cô bèn tiếp lời “Thế trong tuần thì ăn ở đâu?”, Trần Ổ trả lời “Căng tin Higa hoặc Co-op”;
Cô nói, “Co-op á, tớ không hay qua đó”; Trần Ổ rằng, “Được cái rẻ, hôm nào cậu thử qua ăn xem”;
Hỏi tiếp “Cậu đã đi làm thêm ở Nhật bao giờ chưa?” Cậu nói, “Từng gấp quần áo ở cửa hàng fast fashion rồi, cậu thì sao?”;
Lần này đến cô trả lời “Tớ toàn làm việc trên mạng”, cậu hỏi “Việc phiên dịch à?”, cô đáp “Ừ, nhưng lương khá bèo”;
Sau đó nói sang chuyện ở phòng nghiên cứu, rằng bạn X ngành X sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền trong phòng nghiên cứu; hết chuyện thì chủ đề tự dưng lại vòng về trường đại học cũ, Vương Tử Chu kể cô từng làm mất sách ở giảng đường khu mới nhưng bảo vệ phòng giám sát lại bảo đây là camera theo dõi thời gian thực, không thể điều chỉnh cho cô, thế là phí công; Trần Ổ nói khoa Toán bọn tớ còn chẳng có có tòa riêng ở khu mới.
Vương Tử Chu biết cô và Trần Ổ không “hoàn toàn” được coi là người quen nhưng mối quan hệ hai lần cùng trường cũng đủ để họ ngồi xuống buôn dưa lê bán dưa chuột. Con người ta không thể tách rời khỏi tập thể, từ tập thể chúng ta nhận được kinh nghiệm và gắn cho mình một cái nhãn để phân biệt lẫn nhau trước khi rời khỏi đó, hòa nhập với thế giới bên ngoài.
Tư tưởng bài ngoại thâm căn cố đế luôn thúc đẩy chúng ta hình thành nhận thức chung, dễ dẫn đến ảo tưởng rằng “chúng ta giống nhau”.
Nhưng giữa chúng mình còn có nhiều hơn thế.
Ngoài quan hệ bạn cùng trường, ngoài lần gặp gỡ quan trọng nhất từ vài năm trước, chúng ta của hiện tại còn là Hoàng gia bù nhìn và Thủ tướng trúng cử nắm thực quyền.
Nghĩ đến đây, Thủ tướng lại bắt đầu tự hỏi về một chuyện khác khiến cô vô cùng khó xử.
Sau khi rời thị trấn nhỏ ở miền nam Chiết Giang đến Giang Tô học đại học, chi phí sinh hoạt ít ỏi buộc Vương Tử Chu phải chú trọng hơn về mặt tiền bạc. Cô tuyệt nhiên không phải người vung tay quá trán để thỏa mãn những h@m muốn vật chất nhưng cũng không phải người keo kiệt, vắt cổ chày ra nước như lão Grandet*. Cô có thể sống một cuộc sống tương đối cân bằng với ngân sách hạn hẹp nhưng điều này chỉ giới hạn trong chi phí ăn mặc của bản thân, một khi bị cuốn vào các mối quan hệ xã hội phức tạp, cô sẽ thấy lưỡng lự và chơi vơi.
*Lão Grandet: một nhân vật trong tiểu thuyết “Eugénie Grandet (Ơgiêni Grăngđê)” của đại văn hào Balzac, lão giàu nứt đố đổ vách nhưng keo kiệt từng lát bánh mì, từng viên đường, không ngừng vơ vét, bòn rút những người khờ khạo hơn mình.
Bao giờ hẹn nhau đi ăn uống chơi bời cũng phải có một người đứng lên thanh toán.
Người ấy là ai? Từng là Vương Tử Chu. Lẽ ra khoản tiền đó là chi phí chung mọi người đều phải trả nhưng luôn có người quên gửi tiền cho cô, cô thì ngại nhắc người ta, sau khi bị quỵt, Vương Tử Chu bao giờ cũng băn khoăn về số tiền đó mất vài ngày.
Thực ra cô ghét thói đo đếm cân đong, chi li từng đồng lắm chứ, giá như mình giàu đến độ không buồn để tâm đến vài đồng tiền lẻ ấy thì tốt. Nhưng hễ nghĩ đó là tiền lương mình nai lưng ra làm suốt cả ngày, cô lại tiếc vô cùng.
Từ đó về sau, cô không chủ động đứng lên thanh toán nữa nhưng cô cũng không bao giờ quên chuyển phần của mình cho người bạn đã trả tiền, không bao giờ…
Bởi quan tâm đến tiền nên mới không quên.
Tất cả những người đi ăn cùng cô có thể yên tâm đi thanh toán.
Tớ từng bị người ta vô tình hoặc cố ý quỵt rồi, tớ hiểu cảm giác đó nên tớ sẽ không bao giờ quỵt của cậu. Dù cô biết, không phải ai cũng so đo vài trăm nghìn như vậy.
Ngoài ra, cô còn thấy ngại khi được mời đến làm khách.
Như thể mình nợ họ cái gì.
Phải nghĩ xem nên trả lại thế nào.
Nhùng nhằng, nhùng nhà nhùng nhằng.
Sau khi đến Nhật, mọi người rất ăn ý trong khoản chia tiền thanh toán, thậm chí còn trả riêng, điều này khiến cô nhẹ nhõm phần nào. Mới đơn giản và sòng phẳng làm sao, bữa nào ra bữa nấy, lần sau thì tính sau.
Nhưng bây giờ, câu hỏi này lại trở về.
Cụ thể thì bữa ăn này là gì?
Mời mình ăn ư? Thực ra sự việc không nghiêm trọng đến mức phải xin lỗi bằng cả một bữa cơm. Huống hồ, với sinh viên, bữa cơm này không hề rẻ. Tất nhiên, cô có thể vờ như tưởng mình được mời, chờ cậu ấy thanh toán là xong nhưng mặt cô đã đủ dày vì một trăm yên trứng trà rồi, giờ thêm bữa tối nay liệu có quá đáng quá không?
Hay là mình đi thanh toán nhỉ?
Trần Ổ có nghĩ mình không nể mặt cậu ấy không?
Vì cậu ấy mời mình đến đây mà.
Bây giờ cô chỉ ước sao mình có thể biến thành Tưởng Kiếm Chiếu.
Tưởng Kiếm Chiếu sẽ không bao giờ phải đau đầu vì những chuyện dở dở ương ương thế này.
Thi thoảng, nhận được tiền nhuận bút, cô hay rủ Tưởng Kiếm Chiếu đi ăn. Bình thường thì ăn xong Tưởng Kiếm Chiếu sẽ thanh toán rồi cô chuyển tiền cho nó nhưng những hôm như thế, Tưởng Kiếm Chiếu sẽ la ó: “Gì má, mày mới có lương thì phải khao chứ? Đứng dậy trả tiền lẹ đi!”. Mỗi lần nghe vậy, cô không thấy bị xúc phạm hay mất hứng mà còn hể hả khi được chia sẻ niềm vui với bạn bè. Thậm chí, cô còn thấy cảm kích vì nó đã nói vậy, để cô khỏi phải nói những câu có mùi “khoe khoang” kiểu “hôm nay để tao mời”.
Tiếc rằng cô không thể nào nói một cách thủng thẳng, đàng hoàng như Tưởng Kiếm Chiếu được.
Mình cứng nhắc quá phải không.
Thấy cô im lặng hồi lâu, Trần Ổ hỏi: “Cậu vẫn ổn chứ?”
“À, ừ…” cô tỉnh táo lại, “Căng cơ bụng chùng cơ mắt ấy mà.”
“Ở đây hơi bí thật, mình đi ra ngoài trước đi.” Cậu quay lại ra hiệu cho phục vụ tính tiền.
Lúc nhân viên phục vụ mang hóa đơn ra, Vương Tử Chu đặt mười nghìn yên lên nhanh như chớp. Bữa này chưa đến hai mươi nghìn, mỗi người mười nghìn, bạn phục vụ nhận hai mươi nghìn rồi trả lại tiền thừa thì chia đôi. Đây là phương án hợp lý nhất cô có thể đưa ra.
*Mười nghìn yên ≈ Hai triệu đồng.
Thủ tướng trúng cử như ta há lại ăn chùa của Hoàng gia.
Thủ tướng trả tiền xong thì vớ ngay lấy điện thoại giả đò như đang bận trăm công nghìn việc, đâu ngờ Hoàng gia lại đặt lên bàn hai mươi nghìn yên.
Chỉ có mình bạn nhân viên thấy khó hiểu.
Nhưng một người đôn hậu như bạn chỉ lẳng lặng nhận ba mươi nghìn, lát sau trả lại hơn mười nghìn.
Vương Tử Chu đang chuẩn bị lấy tiền lẻ thì ngây ra mất một lúc.
“Quên bảo cậu, bữa này tớ mời để nhận lỗi mà.” Trần Ổ nói đoạn cầm số tiền thừa, để lại tờ mười nghìn của cô.
Vương Tử Chu đành nhét số tiền “bỏng tay” ấy vào ví.
Suy đi nghĩ lại một hồi, cô quyết định lấy đồng xu trong ngăn kép ra.
“Vậy trả cái này lại cho cậu.” Cô đẩy qua, “Đây thì không phải mời đúng không?”
Trần Ổ cầm đồng xu lên.
Thay vì nhét vào ví, cậu lại vân vê nó trên tay.
“Vậy thì chúng ta… thanh toán sòng phẳng rồi đúng không?” Thủ tướng trúng cử ngập ngừng hỏi.
Dường như Trần Ổ lại cười, mà cũng không hẳn là cười, cuối cùng cậu khoác ba lô, nói: “Đi thôi.”
Xuống lầu, đi tới cửa mới nhận ra mình ngố làm sao.
Trời mưa tầm tã.
Dù có mang ô đi chăng nữa, chỉ cần thò ra ngoài là thành chuột lội sông ngay.
Nhưng nhờ vậy mà không khí trong lành, mát mẻ hẳn, Vương Tử Chu tham lam hít một hơi thật sâu rồi mới ngoan ngoãn rụt về dưới mái hiên.
Trên mái treo chiếc đèn lồ ng tỏa ánh sáng dìu dịu, khi mờ khi tỏ, đung đưa trong gió.
Xưa nay, tránh mưa dưới hiên luôn là một tình tiết cổ điển.
Tách biệt với thế giới rất đỗi tự nhiên.
Mờ tối, ẩm ướt và gần gũi.
Dường như hoàn cảnh hi hữu thế này rất thích hợp để dò hỏi một số thông tin riêng tư, vì vậy, sau khi cân nhắc kỹ càng, Vương Tử Chu lên tiếng: “Tớ thấy cậu đăng ảnh trứng trà với tám trăm yên trên Weibo, sao cậu lại chụp ảnh kiểu thế?”
“Kiểu gì?” Trần Ổ nghiêng đầu nhìn cô.
“Kiểu…” Vương Tử Chu tổng kết, “Rất quy củ, cố tình giảm độ bão hòa và độ tương phản.”
“Cho nhất quán.”
“Hả?”
“Đăng lên trông gọn gàng, chỉnh tề hơn.”
“Để tạo cảm giác trật tự?” Vương Tử Chu tiếp lời, ngước sang nhìn cậu.
“Tớ không nghĩ sâu đến thế”, cậu trả lời thật thà, “Cũng có thể là vậy”, ngừng lại giây lát, “Vì cuộc sống thường ngày vốn là một mớ hỗn độn mà”.
“Vậy sao cậu phải chia sẻ cuộc sống của mình?”
Dường như cậu suy nghĩ phải một lúc, trong khi đó ngón cái và ngón trỏ vẫn vân vê đồng xu một trăm yên kia.
Vương Tử Chu đang để ý cử chỉ này thì chợt nghe cậu nói: “Chắc tại tớ tự luyến.”
“Hả?”
“Mong muốn được chia sẻ suy cho cùng cũng là một dạng tự luyến, phải không?”
Vương Tử Chu chưa bao giờ nghe ai nói với người ngoài rằng mình tự luyến.
Lạ lùng lắm đúng không?
Nhưng tại sao không thể thừa nhận rằng ta yêu bản thân mình?
Yêu bản thân, thừa nhận bản thân, muốn chia sẻ sự đón nhận, yêu mến này là một tội lỗi không thể tha thứ ư? Sao phải ngại ngùng khi thể hiện nó?
Vương Tử Chu gắng sức hồi tưởng những khoảnh khắc từng vùi lấp sự “tự luyến” của mình.
Rõ ràng công nhận bản thân, muốn tán dương rằng “mình giỏi quá” nhưng cuối cùng luôn biến thành “thế này vẫn chưa đủ”.
Một cảm xúc rất lạ lùng.
Cô thở hắt một hơi, khóe mắt cay cay như bụi bay vào mắt.
“Mưa ngớt rồi,” cậu ấy nói, “Cậu mang ô không?”
“Tớ có…”
Vương Tử Chu vội gạt mớ suy nghĩ bòng bong sang một bên, mở túi vải tìm ô. Nhưng ô đâu rồi? Lật qua lật lại chỉ có đúng một cái bình giữ nhiệt.
Ô mình đâu?
Trần Ổ mở ba lô, đưa một chiếc ô cho cô.
“Sao cậu lại mang ô?” Cô tưởng cậu không mang, lúc nãy trong quán còn hỏi cậu rồi.
“Tớ có bảo là không mang đâu.”
Ra là tớ tự suy diễn.
“Nhưng cậu chỉ có một cái mà?”
“Tôi đạp xe về.”
Vương Tử Chu trơ mắt nhìn cậu lôi một chiếc áo mưa được gấp gọn gàng ra khỏi ba lô.
…
Cậu mặc áo mưa, vỗ nhẹ vào túi vải của cô, giục: “Tranh thủ về lúc mưa nhỏ đi!”.
Nói là vỗ chứ thực ra cậu chỉ chạm khe khẽ.
Vương Tử Chu ngơ ngác nhìn túi vải, ngẩng đầu lên thì thấy cậu đã đi tuốt đằng trước.
À, cậu đi rồi.
Chắc ra bãi lấy xe.
Vương Tử Chu bung ô.
Ô nhẹ tênh nhưng rất to, tay cầm bằng nhựa, khô ráo, không có cảm giác dinh dính vì bị dùng nhiều.
Mưa rơi lốp đốp trên mặt ô như hành khúc nhịp nhàng, dẫn bước chân cô từ hẻm nhỏ ra đường lớn.
Lạ lùng ghê, dưới ô của người khác.
Cô ngước lên nhìn lọng ô.
Bỗng có tiếng xe phanh lại bên cạnh.
Vương Tử Chu quay sang.
“Nhà cậu ở đâu?” Cậu thả phanh, hỏi cô.
“Bên kia cầu.” Cô đáp.
“Thế tiện đường rồi…” Cậu nói.
Hả? Ở Kyoto đi xe đạp không được chở thêm người khác mà?! Bị bắt là phạt ngay đó!
Nói đoạn, cậu xuống xe: “Để tớ đưa cậu qua cầu”.