Ta cảm thấy A Hương hơi xem trọng ta.
Thư đã gửi đi một tháng, sắp sửa lại tới ngày Bùi Nhị Lang gửi quân lương về, nhưng vẫn chẳng thấy có động tĩnh gì.
Ta nhịn không được mà nghĩ, mọi người coi ta là quả tẩu của nhà họ Bùi, nhưng trong mắt Bùi Nhị Lang, ta hẳn chỉ là một người ngoài mà thôi.
Dù sao cũng ký cả thư phóng thê rồi.
Đã là người ngoài, sao có thể nói công thức tào phớ quan trọng như vậy cho ta biết được.
Song Bùi Tiểu Đào thì lại không cho là thế. Cô nhóc xoa eo, ngẩng đầu, hai cái lỗ mũi nhỏ hếch lên ngay trước mắt ta: “Tẩu tử, tẩu sai rồi, nhị ca ta tương lai sẽ làm đại tướng quân, ta tương lai cũng sẽ làm nữ quan, Bùi gia chúng ta sẽ có đại trạch riêng ở hoa kinh, sẽ có một trăm người hầu hạ, sẽ lên thiên tử đường, ai còn về đây bán tào phớ chứ. Cho nên cái công thức gì đó kia, căn bản là không quan trọng!”
Ta: …
Ngay khi ta bắt đầu từ bỏ, chuẩn bị buôn bán nhỏ lẻ gì đấy, thư của Bùi Nhị Lang lại được gửi về cùng bốn lượng bạc.
Ta thật không ngờ chữ hắn lại đẹp đến vậy, bút lực khỏe khoắn, nét chữ cứng cáp.
Càng không ngờ hắn lại thực sự tiết lộ công thức cho ta.
Tào phớ Bùi gia thơm ngon, thứ nhất là vì nước dùng, thứ hai là vì dầu tam hợp.
Trước khi học làm tào phớ, cha Bùi từng là một người bán dầu dạo.
Tào phớ của người khác, trước khi bưng lên bàn sẽ nhỏ thêm vài giọt dầu vừng vào bát.
Mà dầu của Bùi gia không chỉ có dầu vừng mà còn pha thêm cả mỡ gà và mỡ lợn, ba loại nguyên liệu điều chế với nhau theo một công thức bí mật.
Bùi Nhị Lang viết công thức chế dầu tam hợp cho ta.
Hắn còn nói cho ta biết, nước dùng bỏ thêm lòng gà, hương vị sẽ càng đặc biệt.
Hốc mắt ta hơi nóng lên. Hắn quả thực tín nhiệm ta, đối xử với ta như tẩu tẩu ruột.
Từ khi nhận được lá thư kia của hắn, mọi việc ta làm bỗng nhiên vô cùng suôn sẻ.
Đầu tiên, ta đã tìm được một cửa tiệm với mặt tiền rất hợp ý ở cuối hẻm Sư Tử trên con phố Nam của huyện, ngay gần ngã rẽ tới chân cầu Châu.
Cửa tiệm không rộng rãi lắm, lúc trước nó chỉ là một quán rượu nhỏ với một lối vào phía trước nối với hậu viện đằng sau.
Tiền sảnh có bàn ghế và quầy gỗ để tính tiền, hậu viện có đầy đủ giếng nước và bệ bếp. Ngoài bếp ra, gian phía Đông còn có cả chỗ chứa đồ linh tinh.
Sở dĩ ta thích nơi này là bởi vì trên lầu hai có hai gian phòng ở.
Cầu thang nằm gọn ở một góc của hậu viện, lầu hai đón sáng rất tốt, cửa sổ hướng ra hẻm Sư Tử, có thể nhìn thấy cả cầu Châu náo nhiệt gần đấy.
Trước khi A Hương đề nghị mở hẳn cửa tiệm, ta vốn chỉ định làm một quầy nhỏ mà thôi.
Nhưng nếu đã có lựa chọn tốt hơn, ai lại muốn đi đi về về bốn mươi dặm đường, đẩy xe lên huyện bày hàng cơ chứ.
Mặc dù ta có ít tiền trong tay, có thể thuê được xe lừa, có thể chịu khó thức khuya dậy sớm thì vẫn không thể để mắt đến thái mẫu và Tiểu Đào ở nhà được.
Bây giờ thì tốt rồi, tất cả chúng ta có thể dọn đến cửa tiệm trên huyện.
Khai trương cái cửa tiệm này, gần như đã xài hết tất cả tiền hồi môn của A Hương.
Lúc đầu ta vẫn có hơi dè dặt, sợ sẽ mất tiền, nhưng A Hương lại chẳng sợ gì cả. Nàng ấy nói rất bình thản: “Sợ cái gì, cha ta đã bảo hương vị không khác trước kia là mấy, tào phớ nhà họ Bùi, còn sợ không bán được ư?”
Nàng ấy nói đúng. Sau hai năm, chúng ta đã thu hồi được toàn bộ vốn.
Cửa tiệm chỉ mở buổi sáng, bởi vì qua trưa một tí là đã hết sạch hàng rồi.
Bên trong không đủ chỗ ngồi, chúng ta còn bày thêm mấy bàn ngoài đường, ngày nào cũng đầy ắp khách.
Nhờ có Triệu đại thúc nên dù chúng ta bày hàng bán ở trên đường, các bộ khoái nha môn đi tuần ngoài phố cũng nhắm một mắt mở một mắt.
Việc nhiều quá lo không xuể, A Hương đành phải khập khiễng đến hỗ trợ ta dọn dẹp.
Triệu đại thúc lo con gái bị bắt nạt nên hễ không có việc gì là lại mặc quan phục nha dịch, đi đi lại lại quanh hẻm Sư Tử.
Bùi Tiểu Đào cũng đi theo đỡ đần chúng ta. Thái mẫu rảnh rỗi, thường run rẩy ngồi trước cửa tiệm phơi nắng, thấy ai cũng hỏi…
“Ăn không?”
Năm thứ hai sau khi cửa tiệm hồi vốn, ta tìm một trường tư thục, gửi Bùi Tiểu Đào đến học.
Năm thứ ba, ngoại trừ chi tiêu hàng ngày, ta còn dành ra được năm mươi lạng bạc.
Chẳng ai tin một cửa tiệm tào phớ nhỏ bé có thể kiếm được nhiều tiền như thế.
Trên thực tế, từ rất lâu trước kia, ta đã viết thư gửi Bùi nhị thúc, bảo hắn không cần gửi tiền về nữa.
Chớp mắt đã qua ba năm. Trong ba năm này, chúng ta vẫn luôn thư từ qua lại.
Ban đầu là ta nói với hắn, cửa tiệm đã bắt đầu có lợi nhuận rồi, hắn ở trong quân cũng cần chi tiêu, đừng có làm khổ chính mình.
Thư gửi đi, hắn không trả lời, cũng không gửi thêm tiền về nhà nữa.
Bùi Nhị Lang chính là con người như vậy, sự xa cách của hắn đã khảm vào trong xương cốt.
Khi quá bận bịu làm ăn, ta cũng chẳng suy nghĩ được gì nhiều. Thế rồi một hôm, vị quân sai truyền tin ở dịch trạm kia tình cờ đi ngang cửa tiệm tào phớ của ta, trông thấy ta thì thuận miệng hỏi một câu: “Tiết nương tử, cô có muốn gửi đồ ấm như bao đầu gối áo lông cừu gì đấy không? Bên kia chuẩn bị đánh giặc rồi, trời rét lắm, hai ngày nữa là bọn ta sẽ xuất phát, muốn gửi thì đưa nhanh nhé.”
Huyện Vân An thuộc quận Thao Châu, thường ngày tin tức tương đối nhanh nhạy. Ta hỏi thăm thì mới biết, bắt đầu từ đầu năm nay, các bộ lạc du mục như Tái Bắc, Man Kim, Thiết Lặc… đã không ngừng khiêu khích, quấy nhiễu lãnh thổ Đại Sở.
Mới đầu chỉ là những trận đánh nhỏ, Đại Sở vừa mới xuất binh là đã biến mất không thấy tăm hơi đâu nữa.
Thế nhưng cách đây không lâu, chúng đã liên kết với nhau, đánh qua biên giới phía Bắc, chiếm được huyện Võ Tì ở Bình Thành, tàn sát cả mấy trăm người.
Thiên tử giận dữ, hạ lệnh xuất binh.
Mấy ngày ấy, ta không rảnh rỗi được một khắc nào. Ta mua một ít lông cừu và vải vóc, khâu áo xuyên đêm.
Hành quân đánh trận phải mặc áo giáp bên ngoài, để tiện hành động thì áo trong không thể quá dày, lại còn phải thật ấm nữa.
Bùi Nhị Lang cao khoảng chừng tám thước, thân hình cân đối. Ta may áo dựa theo khổ người của hắn, sau lưng và trước ngực khâu thêm một lớp lông cừu rất dày.
Lông cừu hướng vào trong người, hẳn sẽ ấm áp hơn nhiều.
Sau khi làm xong cả bao đầu gối và áo khoác ngoài, kịp thời đưa tới dịch trạm, ta mới thở phào nhẹ nhõm.
Trận chiến ngoài biên ải kéo dài gần ba năm.
Quân sai ở dịch trạm nói, quân doanh có phát áo ấm, chỉ có điều cầm đến tay kích cỡ thường không vừa vặn, lớp bông bên trong không dày, chỉ có thể miễn cưỡng dùng để chống rét.
Những binh lính nhà có điều kiện thì gia đình thường gửi cho áo trong bằng lông cừu. Lông cừu ấm hơn quần áo mùa đông rất nhiều, nếu nhận được thứ này ở quân doanh thì sẽ khiến vô số người hâm mộ.
Cho dù nhà không có điều kiện thì chỉ cần có người thân, vẫn sẽ luôn nhận được bao đầu gối và áo khoác.
Quân sai nói, mùa đông hàng năm, dịch trạm của họ chuyển đi nhiều nhất chính là bao đầu gối và áo khoác.
Ta nghe vậy, không khỏi có chút ngạc nhiên: “Năm nào cũng gửi?”
“Đúng rồi, cô không biết đó chứ, biên cảnh lạnh thấu xương, gió đông quật qua người chẳng khác nào dao cứa, có thể cứa vào cả da thịt trong quần áo luôn, ấy là còn chưa kể bọn người man tộc đang liều mạng xâm chiếm lãnh thổ của chúng ta, đánh trận vào mùa đông đúng là khó khăn nhất đấy.”
Ta nhíu mày, không nói gì.
Bùi nhị thúc tòng quân từ thời niên thiếu, đến nay đã được bảy năm, mà từ khi ta tới nhà họ Bùi, chưa bao giờ thấy thím gửi quần áo cho hắn.
Nghĩ đến đây, trong lòng ta không khỏi thở dài một tiếng.
Năm thứ hai, khi đã bắt đầu dư dả một tí, ta may cho hắn một cái áo lông cừu càng ấm càng tốt hơn trước, lại làm thêm một bộ bao đầu gối, bên trong cũng đính một lớp lông dày.
Năm thứ ba vẫn vậy.
Những lúc gửi quần áo, ta thường kèm thêm một phong thư nhà…
Thái mẫu thân thể khoẻ mạnh, Tiểu Đào đã học trường tư, cửa tiệm làm ăn phát đạt, trong nhà hết thảy đều tốt, nhị thúc xin đừng lo lắng, mong sớm bình an về nhà.
Trong nhà hết thảy đều tốt, thái mẫu ăn uống ngon miệng, chỉ có Tiểu Đào học hành không chăm chỉ lắm. Cửa tiệm tào phớ làm ăn ngày càng thuận lợi, láng giềng đều nói rất giống tay nghề của Bùi đại bá năm đó. Chúng ta hiện tại còn bán thêm canh lòng gà, mười lăm văn tiền một bát, bên trong có miến, còn cho được cả bánh bao vụn vào, mùa đông ăn một bát thì ấm bụng lắm, khi nào nhị thúc trở về có thể nếm thử xem. Mong sớm bình an về nhà.
Trong nhà hết thảy đều tốt. Ta thường dẫn thái mẫu lên cầu dạo bộ, chỉ có Tiểu Đào là khó quản giáo, đã trốn học còn đánh nhau với bạn cùng lớp, nhị thúc về nhà nhớ dạy bảo lại con bé. Mong sớm bình an về nhà.
Biên quan chiến sự căng thẳng, ta vốn không mong nhận được hồi âm của Bùi Nhị Lang. Vậy mà năm thứ hai từ lúc gửi thư, dịch trạm đã đưa thư của hắn về.
Thật sự là chữ viết của hắn, trên thư chỉ có đúng một chữ “tốt”.
Năm thứ ba, vẫn là một chữ “tốt”.
Vì Bùi Nhị Lang nên ta rất để tâm tới tình hình chiến sự ở ngoài biên cảnh, thường xuyên nhờ Triệu đại thúc hỏi thăm tin tức từ nha môn.
Năm thứ ba, cuộc chiến cuối cùng cũng kết thúc, Đại Sở chiến thắng tuyệt đối, người man tộc bị đuổi đi, triều đình thiết lập Hổ Khẩu ở biên giới phía Bắc.
Thánh Thượng long nhan vui mừng, hạ lệnh khao thưởng ba quân, luận công ban thưởng.
Mùa đông năm ấy, ta vẫn mua vải lông cừu tốt nhất như thường lệ. Áo lông cừu của Bùi Nhị Lang còn chưa may xong, đã nghe được tin quân lính biên ải hồi kinh, đặc biệt là còn được về thăm người nhà.
Mấy ngày sau đó, Bùi Nhị Lang trở lại.
Hắn không về nhà một mình mà còn mang theo tám chín binh tướng, đều mặc áo giáp quân trang như nhau, cưỡi chiến mã khỏe mạnh, oai phong lẫm liệt.
Từ cổng Tây ngoại ô vào thành, từ phố huyện đến hẻm Sư Tử, tiếng vó ngựa vang dội suốt dọc đường, khiến cho người người chú ý, tranh nhau nghị luận sôi nổi.
Buổi trưa, nắng trời ấm áp.
Trong hẻm Sư Tử ở phố Nam, cửa tiệm đương lúc đông khách, A Hương múc tào phớ cho mọi người, ta bận rộn bưng ra bàn.
Đúng lúc vừa đặt hai bát tào phớ xuống một cái bàn ngoài đường, ta chợt nghe tiếng vó ngựa từ xa vọng tới, càng lúc càng gần.
Ta nhìn theo những tiếng vang nọ, chợt thấy đám người phía trước hối hả tránh sang hai bên, nhường đường cho một tốp binh lính cưỡi ngựa.
Con ngựa dẫn đầu tung vó lên trời rồi thong thả dừng bước. Nam tử ngồi cao trên lưng ngựa, sừng sững dưới ánh mặt trời, vận một bộ áo giáp đen, áo giáp bóng loáng phản quang chói lóa làm cho người ta không mở nổi mắt.
Đến khi ta nhìn rõ rồi mới trông thấy được đôi mày kiếm xếch đĩnh đạc, cặp mắt hẹp dài sắc bén, đôi môi mỏng hơi mím lại cùng quai hàm nghiêm nghị của hắn. Cặp mắt nâu thẫm ấy đang nhìn ta, sâu thẳm mà an tĩnh.
Ánh mắt chúng ta chạm nhau, một lúc lâu sau, ta mới choàng bừng tỉnh.
Bùi Nhị Lang đã khác trước quá nhiều.
Ba năm rưỡi đã trôi qua. Lúc hắn đi, trên người chỉ có chút khí chất ngang tàn của tuổi trẻ, hiện tại trở về, dáng vẻ càng lãnh đạm, ngoài ngang tàn và nghiêm cẩn ra thì còn có hơi thở của mác vàng máu sắt, còn có sự sắc sảo và thâm trầm của một nam nhân đã thành niên.
Ngoài ra, còn có cả sự khốc liệt và khí thế chấn động được tích lũy qua nhiều năm chinh chiến và giết chóc.
Trong cặp mắt lạnh như băng kia là đôi đồng tử sâu hoắm, khiến người ta chỉ nhìn một lần đã không dám đối diện nữa, âm thầm kinh hoảng trong lòng.
Hắn xuống ngựa, thân cao tám thước, dáng tựa cây trúc, bội kiếm đeo bên hông, tiến về phía ta, bước chân thấp mà vang vọng.
Không đợi hắn mở miệng, ta đã hoảng hốt gọi một tiếng: “Nhị… nhị thúc.”
“Ừ.”
Lúc trước là giọng ta nhẹ, còn giọng hắn trầm.
Giờ tình thế hình như đã đảo ngược, giọng của ta rất trầm, trầm đến mức chính ta cũng nghĩ chắc hắn sẽ không nghe thấy.
Vậy mà hắn vẫn nghe thấy, lại còn nhẹ nhàng trả lời một tiếng.
Tựa như một tiếng cười rất khẽ khàng.
Ta không biết có phải mình nghe lầm không nên hơi ngạc nhiên nhìn hắn, kết quả là trông thấy hắn thực sự đang cong môi, trong đôi mắt thâm sâu lóe lên vài tia sáng nhạt vụn vỡ.
Ta lại càng chắc chắn, tiếng “ừ” mới nãy của hắn là một tiếng cười.
Điều này khiến ta càng thêm ngẩn ngơ, sững sờ chôn chân tại chỗ.
“Tẩu tẩu! Đây chắc hẳn là tẩu tẩu nhà chúng ta rồi.”
Đến tận khi những người theo sau hắn cũng xuống ngựa, một đám đàn ông cao lớn thô kệch mặc giáp vui vẻ lễ phép chắp tay chào ta thì ta mới lần nữa hoàn hồn trở lại, vội vàng đáp lễ với họ…
“Các vị quân gia không cần đa lễ, dân phụ tổn thọ mất.”
“Không không không, tẩu tẩu mới không cần đa lễ, chúng ta thẹn không dám nhận.”
“Tẩu tẩu đừng ngại, nếu không phải nhờ lá thư kia của tẩu thì mấy người chúng ta sao có phúc tới quận Thao Châu này ăn tào phớ và canh lòng gà chứ. Lời hứa của tướng quân đáng giá ngàn vàng, chúng ta thật sự mặt dày đến đây, mong tẩu tẩu đừng để ý.”
Ta bị bọn họ nói tới mức đầu xoay mòng mòng, tuy vẫn chưa rõ cụ thể là chuyện ra sao nhưng nghe đã hiểu bọn họ muốn đến ăn tào phớ và canh lòng gà, thế là liền vội vã quay người vào cửa tiệm, vừa đi vừa nói lớn…
“Không bán nữa không bán nữa, ngại quá các vị hàng xóm, ngày khác Tiết Ngọc sẽ bồi tội với mọi người sau, hôm nay nhị thúc nhà ta trở về, còn dẫn theo những đại hán mới đánh giặc ở biên giới Đại Sở chúng ta, xin mọi người hôm sau lại đến ăn, hôm nay không thu tiền nữa.”