MẤT TƯ CÁCH LÀM NGƯỜI

Trên bãi biển, ở một nơi gần sát với những con sóng vỗ bờ, có khoảng chừng hai mươi cây anh đào xum xuê đứng sắp hàng, phơi ra những thân cây đen trùi trũi. Khi năm học mới bắt đầu vào tháng tư, hàng cây anh đào phô những chiếc lá sẫm màu cùng với những bông hoa rực rỡ trước mặt biển xanh. Những đám mây hoa dần rơi lả tả trong gió ngàn, những cánh hoa đính vào mặt nước, dập dềnh trôi theo những con sóng bạc đầu, rồi bị đánh dạt vào bờ cát. Bờ cát đầy hoa anh đào ấy chính là sân của một ngôi trường trung học vùng đông bắc mà tôi tuy học hành chẳng chăm chỉ gì lắm cũng được nhập học bình an. Trên chiếc huy hiệu gắn trên mũ, và trên nút áo của đồng phục học sinh đều được khắc cách điệu hình bông hoa anh đào nở.

Cha tôi chọn cho tôi ngôi trường của hoa anh đào và biển cả này là vì có nhà của một người bà con xa với gia đình tôi nằm kế bên ngôi trường trung học đó. Tôi được gửi cho gia đình này. Và vì nhà gần sát nơi trường học nên mỗi sáng chỉ sau khi nghe tiếng chuông chào cờ tôi mới ba chân bốn cẳng chạy đến trường. Tuy lười biếng như thế nhưng nhờ vào vai diễn thằng hề của tôi mà càng ngày tôi càng được bạn bè trong lớp yêu mến.

Từ lúc sinh ra đây là lần đầu tiên tôi đặt chân đến một nơi xa lạ nhưng tôi lại cảm thấy nơi đây còn thân thuộc, dễ chịu hơn quê tôi rất nhiều. Cũng từ dạo đó, vai hề của tôi trở nên điêu luyện hơn, việc lừa gạt người khác không còn là nỗi đau khổ dằn vặt như trước nữa. Tuy nhiên, hơn thế chẳng phải sự khác biệt về độ khó và dễ trong diễn xuất nằm trong mối quan hệ giữa gia đình và người lạ, giữa chốn khác và quê nhà đó sao? Điều này đúng cho tất cả mọi thiên tài, ngay cả đối với đấng Jesus cũng vậy. Đối với một diễn viên, nơi khó diễn xuất nhất là ở hí kịch nơi quê nhà. Trong một khán phòng tụ tập tất cả thân bằng quyến thuộc của mình, một diễn viên danh tiếng đến mấy cũng khó lòng mà diễn xuất được. Tuy nhiên tôi đã diễn và thu được những thành công nhất định. Một kẻ xảo quyệt đến độ đó thì làm gì có chuyện thất bại trong diễn xuất khi ra một xứ khác cơ chứ.

Tuy nỗi sợ hãi con người vẫn cựa quậy mãnh liệt ở một góc buồng tim, thậm chí không giảm mà còn tăng thêm so với trước kia nữa nhưng nghệ thuật trình diễn của tôi thì đã tinh tiến lên rất nhiều. Trong lớp tôi luôn chọc cười các bạn đến mức giáo viên vừa cảm thán nếu lớp không có thằng giặc này thì hay biết bao nhiêu vừa phải lấy tay che miệng cười. Tôi đã có thể làm cho huấn luyện viên quân sự có giọng cất cao như sấm bật cười một cách nhẹ nhàng.

Ngay khi tôi vừa mới an tâm rằng mình đã che giấu kỹ được bản chất con người mình thì đột nhiên lại bị đâm một nhát phía sau không ngờ tới. Mà cái thằng đâm tôi từ phía sau lại là một thằng ngơ ngơ ngác ngác, yếu đuối nhất trong lớp, mặt mũi xanh lét, mặc một cái áo khoác dài cổ lỗ sĩ như bậc cha chú, tay áo dài lụng thụng như tay áo của Thánh đức thái tử, không làm bài tập, giờ thể dục chỉ đứng ngoài mà xem. Ngay cả tôi cũng cảm thấy mình không cần phải đề phòng với cái loại người như thế.

Ngày đó, trong giờ thể dục, cái thằng đó (họ thì tôi không nhớ còn tên nó là Takeichi), cái thằng Takeichi đó, như thường lệ đang đứng ngoài xem chúng tôi luyện múa gậy sắt. Tôi cố tình làm ra vẻ mặt nghiêm chỉnh, ngắm nghía cây gậy sắt, la một tiếng lớn rồi chạy như bay về phía trước như đang chuẩn bị nhảy xa và ngã phịch mông xuống sân cát. Tất cả đều là một sự thất bại có tính toán. Dĩ nhiên là các bạn trong lớp cười rộ, còn tôi vừa cười khổ sở vừa lồm cồm đứng dậy, phủi cát dính nơi quần, thì thằng Takeichi không biết từ lúc nào đã đến sau lưng tôi mà lẩm bẩm “mày cố tình, cố tình”.

Tôi run rẩy choáng váng. Cái việc tôi cố tình ngã không ai ngờ được lại bị thằng Takeichi khám phá ra. Ngay khi đó tôi cảm thấy thế giới bỗng bị ngọn lửa nghiệp chướng của địa ngục bao bọc lấy và phừng phừng cháy trước mắt tôi. Á a, tôi kêu lên và dùng hết sức mình kiềm chế cái cảm giác muốn phát điên lên.

Từ đó, mỗi ngày tôi lại tiếp tục cái chuỗi bất an và sợ hãi.

Biểu hiện bên ngoài tôi vẫn làm ra gương mặt hề buồn để chọc cười mọi người nhưng bất chợt đôi khi lại thở dài thống khổ. Mình làm cái gì cũng bị thằng Takeichi phát giác ra hết cả. Rồi chắc chắn có ngày nó sẽ nói hết ra với mọi người mà thôi. Khi tôi nghĩ như thế, mồ hôi trán lập tức rịn ra, mắt lại trống rỗng như người cuồng, rồi dáo dác nhìn quanh. Nếu có thể được thì sáng trưa chiều tối, mọi lúc mọi nơi mình phải giám sát thằng Takeichi này, không để nó hở cái bí mật này với ai cả. Và trong lúc bám sát thằng này, với cái vai hề của mình phải nỗ lục hết sức để cho nó cảm thấy mình không phải là “cố tình” mà thực sự là vậy. Và nếu làm tốt, biết đâu mình lại trở thành thằng bạn thân duy nhất của nó thì sao? Nếu như chuyện này là không thể thì tôi chỉ còn biết cách cầu nguyện cho thằng này chết đi mà thôi. Tuy nhiên tôi không hề có ý định giết chết thằng này. Cho đến bây giờ trong cuộc đời mình, tôi đã nhiều lần nguyện cầu cho người ta giết mình thảm thiết chứ chưa lần nào nghĩ đến việc muốn giết chết người ta. Bởi vì tôi nghĩ rằng, đối với những đối thủ đáng sợ đó, giết chết nó ngay thì chẳng khác nào ban cho nó một ân huệ hạnh phúc vậy.

Và rồi để lôi kéo thằng Takeichi này, trước tiên tôi làm ra vẻ thánh thiện như tín đồ Thiên Chúa giáo, nghiêng vai 30 độ về bên trái nhẹ nhàng ôm lấy bờ vai nhỏ nhắn của nó và dỗ dành nó bằng giọng ngon ngọt. Tôi thường rủ nó đến chỗ tôi ở trọ chơi nhưng lúc nào nó cũng im lặng mà nhìn xa xăm. Tuy nhiên, vào một buổi tan trường khi chớm hạ, trong khi lũ học sinh chần chờ không thể ra về vì cơn mưa rào bất chợt trắng xóa đất trời, còn nhà tôi quá gần nên tôi định cứ thế mà phóng thẳng ra khỏi trường chạy về nhà nhưng vô tình tôi nhìn thấy dáng vẻ thiểu não của Takeichi đứng bên cạnh tủ để giày. “Đi nào, tao cho mày mượn dù” tôi lên tiếng và kéo Takeichi còn đang chần chừ chạy về nhà tôi dưới cơn mưa tầm tã. Với ý định nhờ dì hong khô áo khoác cho hai đứa nên đã dụ được Takeichhi vào phòng tôi trên tầng hai để thay áo.

Trong gia đình này chỉ có ba người sinh sống. Người dì khoảng hơn 50 tuổi, bà chị đeo kính, cao lên khêu có vẻ hay đau yếu chừng 30 tuổi (tôi nghe nói người này đã từng đi lấy chồng nhưng sau đó quay về nhà và sống lầm lũi. Tôi bắt chước mấy người trong nhà gọi người này là “chị”) và một đứa em gái, Setsu khác hẳn với bà chị, nó lùn tịt và mặt tròn quay, hình như gần đây vừa tốt nghiệp trường trung học nữ. Cửa hàng ở tầng trệt có bày bán chút ít dụng cụ thể thao và văn phòng phẩm nhưng thu nhập chủ yếu từ tiền cho thuê năm sáu căn nhà mà ông chồng quá cố để lại.

“Lỗ tai mình đau”, Takaichi vẫn đứng trơ người ra và nói.

“Mỗi lần dầm mưa, tai lại bị đau”.

Tôi lại nhìn thử thấy cả hai lỗ tai nó bị mưng mủ đến độ mủ sắp xì ra ngoài.

“Thế này thì không ổn rồi, đau lắm hả?”

Tôi cố làm ra vẻ nghiêm trọng rồi lên tiếng xin lỗi bằng những lời nói dịu dàng như con gái:

“Cho mình xin lỗi, đã lôi bạn chạy đi giữa trời mưa”.

Tôi xuống nhà lấy bông gòn và cồn mang lên, lấy đầu gối của mình kê làm gối cho Takeichi nằm lên và cẩn thận ngoáy lỗ tai cho nó. Quả nhiên, hình như Takeichi chẳng nhận ra quỷ kế sau bộ mặt đạo đức giả của tôi.

“Chắc là mày được bọn con gái yêu thích lắm”.

Nó vừa nằm trên đầu gối của tôi và nói lời nịnh nọt ngớ ngẩn.

Tuy nhiên, một điều, có lẽ Takeichi cũng không nhận ra, đã xảy ra giống như lời nguyền độc địa của quỷ dữ mà đến mãi sau này tôi mới nhận ra. Cứ nói thẳng ra là yêu và được yêu, dù cho đó là những lời hạ phẩm đê hèn, đùa cợt hay tự thỏa mãn cũng được nhưng cứ hễ những lời này được nói ra ngay ở những chốn nghiêm túc như thế nào đi nữa là tôi chợt cảm thấy ngôi chùa kết tinh nỗi u uất của mình bị san ngay thành đất phẳng. Còn cứ dùng những từ đao to búa lớn kiểu văn chương như “nỗi thống khổ vì được yêu” hay “sự bất an của kẻ đang được yêu” thì tôi lại thấy ngôi chùa u uất của mình vẫn đứng đó trơ trơ.

Thằng Takeichi sau khi được tôi lau mủ trong tai, đã nịnh tôi một câu ngu ngốc “chắc mày được con gái yêu quý lắm nhỉ”. Lúc đó tôi chỉ đó mặt cười và chẳng nói gì cả. Nhưng tôi cũng nghĩ nó nói đúng phần nào. Đối với cảm giác thỏa mãn khi nghe lời nói đê tiện “được yêu quý” đó tôi cũng phần nào nhận ra. Dường như nó biểu thị một nỗi cảm khái ngu ngốc, đến mức không thể nào dùng làm lời thoại cho hài kịch rakugo nữa, vậy mà tôi lại có cảm giác thỏa mãn, không lẽ nào lời đó là đúng chăng?

Đối với tôi thì con gái còn khó hiểu hơn con trai gấp vạn lần. Trong gia đình của tôi phụ nữ nhiều hơn đàn ông con trai, rồi bà con họ hàng cũng có nhiều con gái và bọn hầu gái tội lỗi nọ. Dù có nói rằng suốt từ thuở nhỏ, tôi toàn chơi đùa với đám con gái mà trưởng thành thì cũng không ngoa chút nào. Tuy vậy tôi luôn đề phòng cẩn mật khi giao tình với bọn họ. Thật sự thì không thể nào đoán được tâm tư đàn bà con gái. Có lần tôi bất cẩn vuốt râu hùm và nhận một vết thương chí mạng. Vết đau này không giống như bị cha anh quất roi, mà nó âm ỉ bên trong, như bị xuất huyết trong nội tạng, đau đớn và khó chữa lành.

Những đứa con gái khi thì đeo bám lấy, khi thì hắt hủi tôi. Lại có khi còn khinh miệt, cộc cằn với tôi ở chỗ đông người, đến khi không có ai thì ôm chặt lấy. Có cô gái ngủ say như chết, đến mức tôi nghĩ rằng không lẽ nàng ta “sống chỉ để ngủ” thôi chăng?. Từ hàng loạt những quan sát khác nhau về các nàng từ thời niên thiếu của mình, tôi nhận ra rằng, cùng là con người với nhau nhưng con gái là một sinh vật hoàn toàn khác với con trai. Vậy mà loại sinh vật khó hiểu và luôn phải đề cao cảnh giác này lại quan tâm kỳ lạ đến tôi. Những từ như “được yêu” hay “được mến mộ” đã hoàn toàn không phù hợp với hoàn cảnh của tôi rồi. Thành ra nếu nói là “được quan tâm” thì có lẽ là thích hợp nhất.

So với đám mày râu, phe con gái hình như rất tự nhiên với chú hề. Tôi diễn vai hề, đám con trai không phải lúc nào cũng cười hô hố và tôi cũng luôn chú ý điều tiết không để diễn quá trớn mà thành ra hỏng chuyện. Thành ra đối với bọn con trai, tôi luôn biết dừng đúng lúc. Nhưng đám con gái thì không biết đủ, cứ yêu cầu tôi diễn đi diễn lại, tôi đáp ứng lại yêu cầu vô độ đó đến mức rệu rã cả người. Thực sự thì chúng nó cũng cười rũ rượi. Nói chung thì con gái thích thưởng thú sự vui vẻ hơn là con trai.

Cô chị và cả cô em của gia đình tôi ở trọ thời trung học, cứ hễ rảnh là chạy tọt lên phòng tôi ở tầng hai, có mấy lần tôi hết hồn giật bắn cả người.

“Đang học hả?”

“Không”. Tôi đóng sách lại, mỉm cười trả lời.

“Hôm nay, ở trường tớ nhé, có ông thầy dạy địa lý tên Konpo”.

Rồi bắt đầu huyên thuyên tuôn trào ra những câu chuyện cười nhạt nhẽo.

Một tối nọ, sau khi hai chị em kéo lên phòng tôi chơi, quậy phá và bắt tôi diễn trò này nọ, cô em Setsu lại đề nghị:

“Yozo này, cậu hãy thử mang kính vào xem”.

“Tại sao?”

“Không sao cả, đeo thử coi. Chị cho cậu ấy mượn kính đi”.

Lúc nào nàng cũng nói bằng thứ mệnh lệnh thô thiển kiểu như vậy.

Thế là thằng hề tôi ngoan ngoãn đeo kính vào. Ngay lập tức, hai bà chị bò lăn ra cười.

“Giống hệt, giống y chang Lloyd”.

Harold Lloyd, một nhân vật hài trong phim nước ngoài đang được yêu chuộng ở Nhật vào thời

Tôi đứng nghiêm, giơ một tay lên và nói “Kính thưa quí vị”.

“Nhân đây cho tôi gửi lời cám ơn đến tất cả các fan hâm mộ ở Nhật Bản”.

Tôi thử phát biểu như trên sân khấu và làm cho họ càng cười lớn hơn. Sau đó mỗi khi phim về nhân vật Royd được trình chiếu ở khu phố tôi đều đi xem và bí mật nghiên cứu cách biểu cảm của nhân vật này.

Vào buổi tối mùa thu nọ, khi tôi đang nằm đọc sách, người chị nhanh nhẹn phóng lên phòng tôi như chim, đột ngột úp mặt lên cái mền futon tôi đang đắp khóc ngon lành.

“Yozo, hãy giúp chị, cứu chị với. Hãy cùng nhau bỏ ngôi nhà khủng khiếp này đi nhé. Cứu chị. Cứu chị”.

Chị cứ tuôn trào đầy kích động và lại khóc. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhìn thấy con gái khóc lóc như thế này nên ngay cả với những lời gào thét dữ dội của chị cũng không làm tôi ngạc nhiên. Ngược lại, tôi thấy nhàm chán và khó chịu nên nhẹ nhàng chui ra khỏi futon, gọt quả hồng đang để trên bàn và cắt đưa cho chị một miếng. Vừa ăn hồng, chị vừa thổn thức.

“Có cuốn sách nào hay hay không, cho chị mượn” chị nói.

Tôi chọn quyển Tôi là con mèo của nhà văn Natsume Soseki từ kệ sách đưa cho chị.

“Cám ơn nha”.

Chị cười ngượng ngùng và rời khỏi phòng. Nói chung không phải riêng với bà chị này mà với tất cả bọn con gái khác, tôi đều có cảm giác là tìm hiểu suy nghĩ của bọn họ còn phiền phức và rắc rối hơn việc tìm hiểu suy nghĩ của con giun đất nữa. Nhưng theo kinh nghiệm từ hồi còn nhỏ, tôi biết khi con gái tự nhiên bật khóc như thế mà cho ăn chút đồ ngọt sẽ làm cho tâm trạng họ dễ chịu hơn.

Cô em Setsu còn kéo cả bạn của cô ấy lên phòng tôi nữa chứ, vẫn như thường lệ tôi chọc cho cả đám cười. Khi người bạn vừa ra về, y như rằng Satsu bắt đầu nói xấu họ và kết luận rằng con nhỏ đó không tốt đâu, cậu hãy cẩn thận đấy. Biết vậy thì đừng có mất công dẫn lên phòng tôi làm gì. Nhưng cũng nhờ vậy mà những người khách lên thăm phòng tôi hầu hết đều là bọn con gái cả.

Tuy nhiên để thực hiện được cái điều mà thằng Takeichi nịnh bợ là “được yêu thương” thì hoàn toàn chưa. Có nghĩa tôi chỉ là một Harold Lloyd vùng đông bắc Nhật Bản mà thôi. Lời nịnh bợ ngu si của thằng Takeichi có thể được như là một lời dự báo xui xẻo những điều xảy đến về sau này cho cuộc sống tùy tiện của tôi.

Thằng Takeichi còn ban cho tôi một tặng vật khác nữa.

“Bức tranh con ma này”.

Một lần thằng Takeichi lên phòng tôi chơi, cho tôi xem một bức ảnh màu in trên bìa và nói với vẻ hãnh diện.

Á à, tôi giật mình. Lúc đó tôi không nghĩ rằng đó là lối thoát quyết định cho con đường mà tôi đi từ đó về sau. Tôi đã biết bức tranh này. Nó chỉ là bức chụp lại chân dung tự họa của Van Gogh mà thôi. Hồi niên thiếu của chúng tôi, trường phái tranh ấn tượng của Pháp rất thịnh hành, và những kiến thức về trường phái này được xem như là điều đầu tiên cần thiết trong việc tìm hiểu và giám thưởng tranh phương Tây. Những bức tranh của các tác giả như Van Gogh, Gauguin, Cézanne và Renoir quen thuộc đến mức những học sinh trung học ở quê như chúng tôi cũng được biết. Tôi đã được xem nhiều lần các tập tranh của Gogh, và vẫn còn nhớ rõ hứng thú đối với sự tươi mới của màu sắc cùng với phong cách vẽ của ông nhưng chưa khi một lần nào tôi hình dung ông vẽ ma cả.

“Vậy à, thế bức tranh này thì sao? Đây mới là ma chứ?”.

Tôi lấy từ trên kệ sách tập tranh của Modigliani, chỉ cho Takeichi xem bức tranh một người phụ nữ có làn da đỏ như ống đồng bị nung chảy.

“Ghê rợn quá”.

Takeichi mắt mở tròn xoe, cất giọng cảm thán.

“Trông y chang như con ngựa ở địa ngục ấy”.

“Quả thật là yêu ma đấy nhỉ?”

“Tớ cũng muốn vẽ được một bức tranh ma quái như thế này”, Takeichi nói.

Những con người vốn sợ hãi nhân gian thì trái lại thường hình thành một thứ tâm lý muốn tận mắt thấy được một yêu quái đáng sợ, và càng dễ sợ hãi bao nhiêu thì càng cầu nguyện mạnh mẽ hơn bấy nhiêu. Cho nên tất cả các họa sĩ đều bị bóng ma ẩn trong nhân gian uy hiếp, và kết quả của sự uy hiếp ấy là họ tin vào huyễn ảnh, giữa ban ngày ban mặt mà vẫn nhìn ra yêu quái. Hơn nữa vì họ không đánh lừa mình theo kiểu chú hề nên đã gắng vẽ ra chân thực điều mà mình nhìn thấy và như Takeichi nói họ đã quyết ý vẽ những bức tranh “yêu ma”. Tôi chợt cảm thấy mình có bạn, hưng phấn đến trào cả nước mắt ra và nói.

“Mình cũng vẽ. Mình cũng vẽ tranh yêu ma. Mình cũng vẽ con ngựa địa ngục nữa”.

Không hiểu tại sao tôi lại hạ giọng nói vậy với Takeichi.

Tôi từ hồi tiểu học đã thích vẽ và ngắm tranh. Nhưng những bức tranh tôi vẽ không được những người xung quanh đánh giá cao bằng những truyện tranh hoạt họa của tôi. Tôi hoàn toàn không tin một chút nào lời nói của tha nhân, nên cách vẽ hoạt họa của tôi hầu như chỉ giống như một lời chào của chú hề mà thôi. Dù thời tiểu học đến trung học những câu chuyện đó đều chọc cười giáo viên nhưng tôi đều cảm thấy việc đó tôi chẳng thú vị gì. Chỉ có những bức tranh (tất nhiên là khác với tranh hoạt họa) là tôi mới có ít nhiều khổ tâm trong vic thể hiện nó. Những sách mẫu đồ họa ở trường đều chán ngắt, tranh của giáo viên thì dở tệ, tôi phải tùy tiện thử tìm ra nhiều cách vẽ khác nhau. Sau khi vào phổ thông trung học, tôi cũng sắm sửa đầy đủ các dụng cụ vẽ tranh sơn dầu. Tuy nhiên dù cho thử vẽ các mẫu đồ họa bằng bút pháp của phái ấn tượng thì những bức tranh tôi vẽ đều cứ ngang phè phè, chẳng ra thể thống gì cả như là một con búp bê bằng giấy bồi vậy. Nhưng nhờ vào lời nói của Takeichi, tôi mới nhận ra thái độ đối với hội họa của tôi từ trước đến giờ đều là sai lầm. Cái sự ngọt ngào và ngu ngốc của việc cảm nhận cái đẹp và cố gắng biểu hiện nguyên vẹn cái đẹp ấy. Những bậc thầy hội họa đã sáng tạo cái đẹp theo chủ quan từ cái không có gì, hay muốn phỉ nhổ vào cái xấu thì cũng không hề giấu giếm. Họ chìm vào niềm vui của việc biểu hiện, nghĩa là họ không quan tâm một chút nào đến cái thành kiến của con người. Cái bí truyền của họa pháp nguyên thủy ấy tôi đã nhận được từ Takeichi và tôi thử bắt đầu chế tác bức chân dung tự họa của mình, giấu không cho những đứa con gái kia biết đến.

Tôi gần như choáng váng khi vẽ xong bức họa khủng khiếp. Tuy nhiên đó chính là bản chất của con người tôi vốn che giấu bấy lâu nay. Vẻ ngoài mỉm cười tươi tắn, và còn làm người khác cười nữa nhưng bên trong là cả một cõi lòng u uất, như muốn nói rằng chẳng thể nào mà khác được. Bức họa này ngoài Takeichi ra tôi không cho ai khác xem nữa cả. Tôi không muốn người ta phát hiện cái nỗi lòng u uất của thằng hề để rồi đột nhiên phải đề phòng mình. Mặt khác tôi cũng nghi ngờ là nếu như người ta không nhận ra bản chất con người thật của tôi, thì người ta sẽ xem đó như là một trò mới của thằng hề và lấy nó để làm đề tài đùa cợt. Đó là điều làm tôi đau khổ nhất thế nên tôi liền giấu kín bức chân dung tự họa ấy vào một góc sâu của tủ đựng chăn mền.

Hơn nữa, vào giờ học vẽ ở trường, tôi đều che giấu cái “thủ pháp vẽ ma” mà vẫn vẽ những bức tranh đẹp theo bút pháp bình thường. Chỉ riêng với Takeichi là tôi mới có thể bình thản cho nó xem những nỗi niềm đau khổ của tôi mà thôi và yên tâm cho nó xem bức chân dung tự họa. Takeichi khen không tiếc lời. Tôi tiếp tục vẽ thêm hai ba bức tranh ma nữa và Takeichi dự đoán:

“Cậu sẽ trở thành một họa sĩ vĩ đại đấy”.

Hai câu dự đoán của thằng Takeichi là tôi sẽ “được yêu quý” và “trở thành họa sĩ vĩ đại” luôn khắc sâu trong tâm tư tôi. Chẳng bao lâu sau tôi khăn gói quả mướp Tokyo.

Tôi rất muốn vào trường mỹ thuật nhưng cha tôi bảo trước hết là vào trường cao đẳng, sau đi làm công chức. Mệnh lệnh đó tôi không thể mở miệng cãi lấy một lời đành ngơ ngơ ngác ngác tuân theo. Cha tôi bảo hãy thi thử sớm hơn một năm xem sao. Tôi thi thử và đã đậu vào trường cao đẳng học hiệu ở Tokyo. Hơn nữa, tôi cũng chán cái trường trung học của hoa đào và biển cả lắm rồi. Bắt đầu vào đời học sinh nội trú. Tuy nhiên tôi không thể nào chịu được sự dơ dáy và bạo loạn của ký túc xá nên đừng nói là diễn hề mà còn bị bác sĩ kê đơn cho là phổi nhiễm khuẩn nên đành rời bỏ ký túc xá mà dọn đến ở một biệt thự của cha tôi ở phố Sakuragi thuộc quận Ueno. Tôi không tài nào hòa nhập với đời sống tập thể được. Hơn nữa cứ nghe mấy lời “nhiệt tình tuổi trẻ” với “niềm tự hào tuổi trẻ” là tôi đều rùng mình ớn lạnh toàn thân. Tôi chẳng thể tắm mình trong cái “tinh thần đại học” ấy được. Cả trường học và ký túc xá đều như một đống rác với những dục vọng méo mó mà cái vai diễn hề gần như toàn bích của tôi trở nên vô dụng.

Những lúc cha tôi không có công cán gì thì thường ông chỉ ở lại chừng một hay hai tuần nên khi cha đi vắng, trong ngôi nhà rộng lớn này, chỉ có tôi cùng với hai vợ chồng ông bà lão giữ nhà mà thôi. Tôi thường xuyên trốn học, nhưng chưa bao giờ có ý định đi tham quan Tokyo (thậm chí đến cuối cùng tôi vẫn chưa biết được thần cung Meiji, tượng đồng của Kusunoki Masashige, hay ngôi mộ của bốn mươi bảy võ sĩ ở chùa Sengakuji gì cả) mà chỉ ngồi lì ở nhà suốt ngày đọc sách và vẽ tranh. Khi cha tôi thượng kinh, mỗi sáng tôi đều vội vàng đi đến trường nhưng nhiều lần tôi lần tôi ghé trường tư thục dạy vẽ của nhà Yasuda Shintaro ở Hongo, bỏ ba bốn giờ liền học vẽ phác thảo với ông thầy này. Mặc dù đã thoát được khỏi ký túc xá, nhưng tôi luôn có cảm giác rằng ở trường tôi có vị trí đặc biệt như một học sinh dự thính vậy và do đó việc đến trường càng trở nên chán nản hơn. Từ hồi tiểu học qua trung học phổ thông rồi đến cao đẳng học hiệu đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu được lòng yêu trường yêu lớp là như thế nào cả. Tôi cũng chưa từng một lần thử học thuộc bài ca của trường nữa.

Trước đó, trong trường mỹ thuật tư thục, qua một sinh viên, tôi đã được biết về rượu bia, thuốc lá, đĩ điếm, tiệm cầm đồ và tư tưởng tả khuynh. Một sự kết hợp kỳ diệu nhưng đó hoàn toàn là sự thật.

Chàng sinh viên mỹ thuật đó tên là Horiki Masao, sinh ra ở khu Shitamachi Tokyo, lớn hơn tôi sáu tuổi, đã tốt nghiệp trường mỹ thuật tư thục nhưng vì ở nhà không có xưởng vẽ nên lại tiếp tục đến trường này học về mỹ thuật Tây phương.

“Này cho tớ mượn năm yên được không?”

Mặc dù chúng tôi đã biết mặt nhau nhưng cho đến lúc đó vẫn chưa bắt chuyện lần nào. Tôi vội vàng chìa ra năm yên.

“Tốt rồi, giờ đi uống rượu. Tớ sẽ bao cậu. Yên tâm đi nhóc”.

Tôi không thể nào từ chối được đành để anh ta lôi đến quán cà phê ở khu Horai gần trường. Và chúng tôi bắt đầu trở thành bạn.

“Tớ đã quan sát cậu một thời gian. Cái nụ cười e thẹn đó là dấu hiệu đặc trưng của một nghệ thuật gia triển vọng đấy. Cạn ly cho tình bạn chúng ta nào. Kinusan này, có thấy đây là một mỹ nam tử không nào? Nhưng đừng yêu cậu ta đấy nhé. Thật đáng tiếc khi phải nói rằng từ khi cậu này vào lớp thì mình đành phải làm người đẹp trai thứ hai thôi”.

Horiki có khuôn mặt đoan chính màu sạm đen, mặc quần áo tề chỉnh (một điều hiếm thấy đối với các sinh viên mỹ thuật), cà vạt màu nhạt, tóc bôi keo láng mượt rẽ ngôi giữa.

Bình luận

Truyện đang đọc