NGƯỜI CŨ ĐƯỜNG MỚI

.:. 02: Chào cậu, Lý Trì Thư.:.

Lý Trì Thư trông như thế này: Cao gầy trắng trẻo, im lặng ít nói, điềm tĩnh lịch thiệp, gồm cả nỗi tự ti từ tận xương tủy, là kiểu lúc đi học giáo viên sẽ cầm thành tích khen tới tấp ở trước mặt, sau lưng nhắc đến em ấy thì lắc đầu “con mọt sách”. Với ai em ấy cũng nói chuyện nhỏ nhẹ, tức giận xong còn muốn bồi một câu “Xin lỗi” —— Tóm lại, “Những đứa trẻ bị bỏ lại” ưu tú nổi bật mà không có cha mẹ ở bên cạnh trong đại đa số gia đình truyền thống Trung Quốc như thế nào, thì em ấy là như thế ấy.

(*) “Những đứa trẻ bị bỏ lại” (Left-behind children in China): Những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ lại ở quê nhà để đi làm ăn xa xứ, các em thường phải nhờ cậy vào sự chăm sóc của người thân, thậm chí có khi bị bỏ mặc.

Còn tôi, tôi tên Thẩm Bão Sơn, bạn đừng thấy tôi nói chuyện ngông nghênh kiêu ngạo, tôi là người đứng đắn.

Miễn cưỡng gọi là được sinh ra trong giàu sang, đây là nhờ phúc của cha mẹ. Gia đình hòa thuận, thuộc về ưu thế từ trong bụng mẹ. Thành tích không tệ, thời cấp ba, Lý Trì Thư đứng nhất lớp em ấy còn tôi đứng thứ hai trong lớp tôi, đôi khi xen vào hạng ba hạng bốn hạng năm trong lớp, phải xem tâm trạng. Nhân duyên của tôi tốt hơn em ấy, thuộc về kiểu rất được giáo viên và bạn bè chào đón.

Cũng phải, nếu không thì sao Lý Trì Thư âm thầm thích tôi 10 năm chứ.

Bây giờ tính ra tôi biết em ấy được mười mấy năm, không thể nói là quen, thời cấp ba mức độ nhận thức của tôi về Lý Trì Thư cũng chỉ là một cái tên, thuộc dạng biết lớp trên có người như thế nhưng khi em ấy đi ngang qua thì tôi không nhận ra.

Dù sao, đàn ông độc thân có gia thế tiền tài treo trên trời như tôi đây nào để ai vào mắt.

Bản lĩnh mặt mũi cũng toàn vẹn, lễ phép nhiệt tình với giáo viên, sống hòa đồng với bạn bè, thú thật trong lòng tôi nghĩ không ai bằng mình, nghĩ Thẩm Bão Sơn là một người trên trời có dưới đất không.

Giờ đây người chân chính có ở trên trời không có ở dưới đất lại là Lý Trì Thư em ấy.

Thẩm Bão Sơn, kiêu căng ngông cuồng nữa đi.

Không có ai đến dự tang lễ Lý Trì Thư, cha mẹ em ấy mất vào độ tuổi còn trẻ hơn em ấy hiện tại, gạch xi-măng trên công trường rơi xuống làm gãy cột sống của một gia đình, mẹ em ấy chạy đến náo loạn ầm ĩ, ầm ĩ đến độ cuối cùng nhảy lầu, để lại cậu con trai lớn bằng này, 7 tuổi kèm theo một khoản tiền ít ỏi bầu bạn. Năm ngoái tôi mới cùng em ấy tiễn bà ngoại bị mất trí nhiều năm, tôi không thông báo với đồng nghiệp, bạn bè của em, bao năm qua, tôi không nghe em kể em có người bạn nào.

Dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng tôi vẫn không ngờ được sẽ quạnh quẽ như vậy.

Đến lúc này tôi mới vỡ lẽ, tôi đến quá trễ.

Dẫu gốc cây Thẩm Bão Sơn tươi tốt cỡ nào thì sau cùng vẫn không cứu nổi một đời cằn cỗi của Lý Trì Thư.

Tôi mặc com-lê mang giày da ngồi bên cạnh di ảnh của em, nhìn khuôn mặt trắng đen mà lặng lẽ sụp đổ, những năm qua Thẩm Bão Sơn bỏ lỡ mỗi một ánh mắt của Lý Trì Thư.

Tôi và Lý Trì thư, 15 tuổi cùng nhập học chung trường cấp ba, tôi học lớp 21, em ấy học lớp 25, như tôi đã nói ở trên, ba năm cấp ba tôi không có bất kỳ ấn tượng nào với em ấy.

Khi ấy con tim Thẩm Bão Sơn còn cao hơn cả trời bể, ôm suy nghĩ một người có thể ưu tú hơn hắn ở mặt nào đó, nhưng không thể có ai ưu tú hơn hắn ở khắp mọi mặt.

Vì thế hắn chưa từng đặt ba chữ Lý Trì Thư vào mắt.

Nhưng dựa theo lời Lý Trì Thư từng nói, em ấy biết tôi còn sớm cả những gì tôi biết.

Tôi hỏi em ấy sớm cỡ nào, em không chịu nói.

Về sau có thêm ấn tượng là ở đại học. Tôi là mẫu người ở đâu có náo nhiệt thì tụ tập ở đó, học Đại học Kiến trúc, chuyện đầu tiên làm khi còn chưa nhập học là gia nhập nhóm đồng hương.

Hoạt động kết nối đội nhóm trong ngày khai giảng, bữa tiệc liên hoan riêng tư, nghe người ta nói ở Học viện Kiến trúc công trình kế bên có người cùng tỉnh tên là Lý Trì Thư, rất đẹp nhưng tính cách lầm lì, không nằm trong nhóm đồng hương.

Đầu óc tôi nóng lên, tìm bạn cấp ba xin cách liên hệ với em ấy, xin wechat xong gửi yêu cầu ngay, 5 phút sau được chấp nhận.

Tôi còn không muốn bắt chuyện chào hỏi, đinh ninh lúc gửi yêu cầu đã ghi chú tên mình, bằng không Lý Trì Thư không biết tôi là ai thì sao chấp nhận ngay được.

Thế là tôi nhắn: Đến đây ăn.

Lát sau em ấy hỏi: Cái gì?

Lúc này sự nhiệt tình trong tôi đã bắt đầu bốc hơi, ngán ngẩm trả lời: Hoạt động kết nối đội nhóm đồng hương, cổng số 3, đang đợi lẩu cũ, đến ăn đi.

Em ấy không có động tĩnh.

Nửa tiếng sau lưng thững đến muộn.

Nhưng em ấy không phải kiểu người có tính cách có thể hâm nóng bầu không khí, ngồi bên cạnh chỉ biết vùi đầu ăn, mọi người nói gì em ấy cũng không tiếp lời, khen em thì em chỉ biết đỏ mặt cười, chỉ có tôi hỏi em muốn uống bia không em mới gật đầu. Sau này Lý Trì Thư mới kể với tôi bữa hôm đó em ăn rất khó chịu, cảm giác mình quá thừa thãi, rất cụt hứng rất thất vọng.

Tôi hỏi em có thấy hối hận vì đã đến không?

Em suy nghĩ rồi cúi đầu cười nói, nếu có một lần nữa có lẽ em vẫn sẽ mặt dày đi đến.

Đó là giao điểm đầu tiên trong quỹ tích nhân sinh của tôi với em.

Khi ấy Lý Trì Thư đã yêu thầm tôi bốn năm.

Lần kế tiếp là vào đại học năm hai, dùng cách nói hiện nay thì một tên bậc thầy giao lưu như tôi, những người trong Học viện khác bắn đại bác tám cây không liên quan gì đến tôi cũng có thể tìm ra chút dính líu từ trên mạng lưới của tôi.

Khi đó một người bạn Học viên kiến trúc công trình của tôi đến tìm, nhờ tôi giúp ít việc nhỏ. Đại khái là nhóm của bọn họ trước đây do không phối hợp hoạt động nên đắc tội với mấy cán bộ trong Hội Sinh viên, kết quả bây giờ trong Học viện có việc, phải gửi một số tài liệu cho Hội Sinh viên duyệt, chắc chắn nhóm đó không duyệt cho, hỏi nhờ tôi xem có thể đi một chuyến giúp không.

Cái đám Hội Sinh viên “cầm lông gà mà cứ tưởng lệnh tiễn”, chuyện vặt vãnh cũng có thể xé ra to kết thù người khác. Tôi vốn không định trêu chọc đám người này, trước tiên hỏi nhóm họ có bao nhiêu người.

Bên kia trả lời, nói có Lý Trì Thư.

Đầu óc chập mạch, tôi đồng ý.

Mấy ngày sau, lần đầu tiên trong hai năm kết bạn wechat, Lý Trì Thư chủ động liên lạc với tôi nói là cảm ơn tôi đã giúp, mời tôi đi ăn.

Tôi tưởng là nhóm bọn họ bàn bạc với nhau nên quyết định thời gian địa điểm với em ấy, ngày hôm sau đến nơi chỉ có một mình Lý Trì Thư.

Em ấy không giải thích, tôi cũng không hỏi.

Tên nhóc này nói ăn là ăn thật, nghiêm túc gọi năm món, không uống rượu, rót hai ly nước, thở phì phò ngốn hai bát cơm, tôi ngồi ở đối diện nhìn em cúi đầu ngốn ăn, ăn xong thì thanh toán, làm một mạch lưu loát, còn không cụng ly với tôi, sau hơn nửa tiếng số câu em ấy nói với tôi có thể đếm trong một bàn tay —— Còn phải cộng gộp thêm câu “Tạm biệt” sau khi ăn xong.

Sau khi chúng tôi ở bên nhau, nhớ lại chuyện này em ấy kể ngày hôm đó em ăn đến nỗi giữa đêm hôm không thể ngủ, 1 giờ sáng đến phòng y tế mua hai vỉ thuốc tiêu hóa, quay về ngồi đến trời hửng sáng mới miễn cưỡng dễ chịu hơn.

Chủ yếu là do câu mà em ấy nhắn trên Wechat, “Cậu rảnh không, cuối tuần mình mời cậu ăn” đã nghiền nát tất cả dũng cảm em ấy tích góp suốt bao năm mới dám liều lĩnh được ăn cả ngã về không.

Làm gì còn có gan ngẩng đầu trò chuyện với tôi.

Sau này nước chảy mây trôi, thời đại học tôi với em ấy không mặn không nhạt, thỉnh thoảng cậu qua tôi lại, tốt nghiệp tôi tìm được công việc, sau đó tán gẫu mới phát hiện chỗ em ấy làm rất gần tôi, chúng tôi ăn ý thuê nhà cùng nhau, lúc tan tầm thường cùng đi ăn, bất kể mọi lúc tôi hỏi thì em ấy đều rảnh, ngoài những lúc không cần ngủ ra hình như em ấy cũng đang điên cuồng kiếm tiền.

Đến tận khi có ngày họ liên hoan về, Lý Trì Thư uống say bí tỉ, hai mắt đỏ ửng gõ cửa phòng tôi nói mình có 3 triệu tiền tiết kiệm, hỏi tôi muốn thử yêu đương với em ấy không.

Tôi không quan tâm vấn đề tiền nong, 3 triệu với tôi chẳng là gì. Nhưng với Lý Trì Thư từ nhỏ không còn gì thì nó rất quan trọng.

Em ấy canh cánh cảm giác bản thân với tôi khác nhau một trời một vực, mà cách duy nhất để bắc lên thang trời của tôi là tiền tài. Thật nhiều thật nhiều tiền.

Thời điểm đó, đã cách mười mấy năm tôi biết Lý Trì Thư.

Cách ba năm em ấy rời khỏi thế gian.

Tôi không hiểu là điều gì khiến bệnh của em bỗng bùng phát, có lẽ là vì lời đồng ý của tôi, đồng ý lời yêu cầu quen em, nên mới làm sợi dây căng siết trong lòng em đứt đoạn, kể từ đó tất cả áp lực và đau đớn trong quá khứ đồng loạt vỡ tung, ăn mòn thế giới tinh thần vốn dĩ trống rỗng của em.

Thoạt đầu, em trở nên trì trệ. Luôn lười biếng, không muốn ăn, không muốn ra ngoài, không muốn thức dậy.

Thỉnh thoảng em sẽ cầm điện thoại lướt một ít tin tức du lịch, nói với tôi: “Muốn đi Phổ Giả Hắc quá.”

Lúc em nói thì tôi đang ngồi đối diện máy tính chạy dự án, gật đầu đáp không chút suy nghĩ: “Ừ.”

Trôi qua tai liền quên ngay.

Đến khi nhớ lại đã là mùa đông của rất nhiều tháng sau đó, tôi hỏi em: “Không phải lần trước em nói muốn đi Phổ Giả Hắc sao?”

Em cười lắc đầu: “Kệ đi.”

Không lâu sau đó, em ấy bắt đầu cảm giác trên người có nhiều chỗ đau nhức vô lý do.

Có lúc là cánh tay, có lúc là lưng, có lúc là bắp đùi.

Có lẽ thời điểm đó bệnh còn chưa nghiêm trọng, em bằng lòng nói tôi biết. Tôi dẫn em đến bệnh viện khám sức khỏe, không khám ra vấn đề nào.

Tôi nói không ổn, đổi bệnh viện tư đi, em kéo tôi khuyên: “Thôi khỏi.”

Song song đó em bắt đầu sợ bóng tối, mất ngủ suốt đêm, ăn không ngon, người gầy xọp đi. Đến khi tôi phát hiện em đang lén uống thuốc, Lý Trì Thư đã sụt xuống còn 55kg.

Một người cao 1m7, 1m8 mà chỉ còn lại da bọc xương.

Sau đó nữa.

Buổi tối của sau đó nữa, tôi ôm hũ tro cốt của em khóc rống, sa vào giấc ngủ mê mệt trong nhà tang lễ không bóng người.



Bị tiếng chuông vào học đánh thức, tôi còn tưởng mình đang nằm mơ hoặc là đang hồi ức.

Trong lớp nhốn nháo, ai cũng đi ra ngoài cửa, đằng trước có mấy người đang thay quần áo chơi bóng, tôi đoán cảnh tượng trong mộng đang là tiết Thể dục.

Nhưng tôi chỉ sững sờ hai giây rồi nhảy dựng lên chạy thẳng đến cửa lớp 25.

Lao đến lớp Lý Trì Thư, trong lớp không bóng người.

Trên sân thượng có một chàng trai đập hai quả bóng rổ đi ra, tôi nhìn quen mắt nhưng không nhớ ra tên.

Tôi hỏi cậu ta: “Lý Trì Thư đâu?”

Cậu ta giật mình, không biết giật mình vì tôi tìm Lý Trì Thư hay giật mình vì tôi bỗng dưng bắt chuyện với cậu ta.

Tôi hỏi lại: “Lý Trì Thư đâu?”

Cậu ta ngơ ngác: “Bên dưới… Đang học Thể dục.”

Tôi nhớ ra rồi, năm lớp 12, lớp hai chúng tôi có chung tiết Thể dục.

Tôi thường tìm lớp của em ấy chơi bóng chung.

Tôi nghe xong tính chạy đi ngay.

Cậu bạn kia ném một quả bóng rổ sang cho tôi: “Bóng của cậu!”

Tôi ôm bóng chạy một bước thành ba bước, xuống đến sân tập va khắp nơi y như con ruồi mất đầu, lúc chạy ngang qua sân bóng rổ thì nghe có người gọi tên mình.

Không phải giọng của Lý Trì Thư.

Bên đó gọi: “Thẩm Bão Sơn! Ở đây này! Mày làm gì thế!”

Tôi nhìn qua, là Tưởng Trì, gọi tôi đi chơi bóng rổ.

Tôi mặc kệ cậu ấy, tên khốn này cứ gọi mãi.

Còn chạy đến kéo tôi đi.

Trong lúc lôi lôi kéo kéo tôi nhìn thấy Lý Trì Thư.

Cách một sân quần vợt, nhóc con đang tựa vào bàn đánh bóng bàn không người học thuộc từ vựng tiếng Anh.

Tôi gạt Tưởng Trì ra, chống ánh nắng chói chang đi thẳng về phía bàn bóng bàn kia.

Lý Trì Thư vẫn như vậy, một chiếc áo phông trắng, một đôi giày vải sạch sẽ, móng tay được cắt ngắn, tóc dày hơi dài, cúi đầu, tóc mái lòa xòa trước trán làm tôi không nhìn thấy mắt em ấy.

Tôi càng chạy càng chậm, lúc còn cách Lý Trì Thư mấy mét thì ma xui quỷ khiến thế nào ném quả bóng trong tay, vừa khéo nó rơi xuống bên cạnh chân em ấy.

Lý Trì Thư khẽ nhúc nhích chân, em ngẩng đầu nhìn sang đây.

Tôi hít một hơi thật sâu, lạnh lùng cụp mắt quan sát em ấy.

“Chào cậu, Lý Trì Thư.”

Bình luận

Truyện đang đọc