PHONG CẢNH GIẤU TRONG HỒI ỨC

Hôm ăn lẩu đó, Từ Bạch chúc Tạ Bình Xuyên hôn nhân hạnh phúc, sự nghiệp thành công, nhưng cô không dám nói "Anh chắc chắn sẽ trúng tuyển", vì cô không hiểu cơ chế xin tuyển là thế nào.

Thế nhưng, vào cuối kỳ nghỉ đông —— kết thúc nghỉ đông, vừa mới bắt đầu học kỳ mới, Tạ Bình Xuyên liên tục nhận được thư. Chẳng bao lâu, tên của anh được lên bảng danh dự của trường.

Anh trúng tuyển vào Viện Công nghệ California.

Ngoài Viện Công nghệ California còn có những trường khác. Những đàn anh đều vô cùng ngưỡng mộ khi nói về anh.

Khoảng thời gian đó Từ Bạch vui vẻ không thôi, còn nói chuyện đó với mẹ mình: "Mẹ ơi, tên anh ấy ở trên bảng danh dự suốt ấy. Tuy mấy đàn chị đàn anh khác cũng rất giỏi, nhưng con vừa nhìn là thấy tên anh ấy."

Đó là một chiều Chủ nhật, mẹ Từ Bạch đang trong phòng vẽ tranh.

Ánh nắng ngoài cửa sổ rọi vào tấm rèm, phản chiếu màu sắc như tấm thổ cẩm. Mẹ Từ Bạch đứng trước giá vẽ, dưới ngòi bút là cảnh hoàng hôn lặn biển, mây khói nắng chiều nhấp nhô.

Bà vừa tô màu, vừa nói với con gái: "Thời gian trôi qua nhanh quá, lúc nhà mình mới chuyển đến, Tạ Bình Xuyên mới tám tuổi thôi, thằng bé chỉ lớn chừng này, bây giờ sắp vào đại học rồi."

Từ Bạch cầm một hộp sương sáo, múc một muỗng rồi nói: "Dạ đúng rồi, năm nay anh ấy vào đại học rồi. Anh còn nói với con anh học ở Viện Công nghệ California."

Nói xong, cô không nói gì nữa.

California ở Mỹ, cách Bắc Kinh của Trung Quốc rất xa.

Chỉ là nuôi mèo suốt mười năm thôi cũng đã không muốn tách rời, huống chi là hai người vừa gần tuổi, lại còn sớm chiều gặp nhau.

Từ Bạch cho rằng, cảm giác cô đơn không thể nói ra này của cô, bắt nguồn từ cuộc chia ly vào tháng 6 sắp tới.

Nhưng nói cho cùng, cô vẫn rất vui. Có thể vào được trường mình thích và học ngành bản thân thích, đây chắc chắn là một chuyện tốt. Cô cũng thế, cũng muốn vào một trường nổi tiếng chuyên về dịch tiếng Anh và tiếng Pháp.

Mẹ Từ Bạch cũng nói với cô: "Trước giờ Tạ Bình Xuyên vẫn luôn chuẩn bị để đi du học mà hả?""

Từ Bạch gật đầu: "Đúng rồi mẹ, anh ấy chuẩn bị mấy năm rồi."

Cô muốn chúc mừng anh đạt được ước nguyện.

Nhưng mẹ buông bút vẽ trong tay xuống: "Vẫn là tuổi trẻ tốt, có thể làm bất cứ điều gì mình muốn.""

Phong cảnh trong tranh rất sống động, nhưng mẹ Từ Bạch lại xé giấy vẽ xuống. Hộp màu trên mặt đất, cùng toàn bộ giấy vẽ, bị mẹ Từ Bạch bỏ hết vào thùng rác.

Từ Bạch thấy thế, có chút hoang mang: "Mẹ..."

Cô cầm hộp sương sáo ngồi trên ghế, tay trái còn cầm muỗng, mọi mờ mịt hoang mang được viết hết trên mặt. Cô cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra – dựa vào thẩm mỹ của cô, đó là một bức tranh rất đẹp.

Từ Bạch được mẹ nuôi nấng, có lẽ là mưa dầm thấm lâu, cô cũng rất thích vẽ tranh. Bố cô làm quản lý, công việc ngày thường rất bận rộn, không thể chăm sóc gia đình. Còn mẹ cô thì hoàn toàn ngược lại, làm hai công việc, vừa là nội trợ vừa là hoạ sĩ.

Vì vậy, mẹ Từ Bạch đã bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển.

Nếu chồng có thể thông cảm cho bà, thì sự hy sinh này không hề gì. Thế nhưng nửa năm nay bà bận rộn với triển lãm tranh, chồng khá khó chịu với chuyện này, hai người cãi nhau liên tục, kéo dài một tuần này rồi.

Bà không thể không thừa nhận, trong mắt chồng, bà là một người nội trợ chứ không phải hoạ sĩ chuyên nghiệp. Trách nhiệm của bà là dọn dẹp, chăm sóc mẹ già và con gái. Cho dù thu nhập của hai người ngang nhau, bà vẫn là người chịu thiệt.

Mẹ Từ Bạch sẽ không nói những lời này với con gái, bà chỉ nói: "Tô màu không đẹp, mẹ vẽ lại bức khác."

Trong phòng ánh sáng sáng sủa, sàn nhà sạch sẽ, nhưng tâm trạng bà không bình tĩnh, các nét vẽ ngày càng lộn xộn.

Từ Bạch không đoán ra được tâm trạng của mẹ, cô bé tiếp tục hỏi: "Mẹ ơi, hồi đó lúc mẹ du học ở Ý...."

Cô còn chưa hỏi xong, mẹ đã ngắt lời: "Lúc đó còn trẻ thiếu hiểu biết, chưa học xong đã về nước."

Câu tiếp theo của mẹ cũng hợp tình hợp lý: "Bởi vậy Tiểu Bạch, đến lúc con vào đại học, đừng để bản thân thấy tiếc nuối."

Từ Bạch cái hiểu cái không gật đầu.

Lúc này trong viện hình như có người đến, bên ngoài vốn đang yên tĩnh lại nghe thấy tiếng ồn. Qua tấm rèm cửa sổ, có thể nhìn thấy rõ trong sân có ba người.

Là mẹ của Tạ Bình Xuyên, cùng một cặp vợ chồng lạ.

Đôi vợ chồng đó ăn mặc rất thời trang, thậm chí người chồng còn đeo dây chuyền vàng và mặc một chiếc áo khoác cầu kỳ. Ông ta nói chuyện rất lớn tiếng, nhưng có lẫn vào khẩu âm của vùng khác, Từ Bạch không nghe ra người đó đến từ đâu.

Ông ta nói: "Hai vợ chồng tôi, muốn ở kiểu nhà cũ thế này của Bắc Kinh, giá cả không thành vấn đề, chị cứ ra giá."

Nói xong, ông ta còn nói thêm: "Cây cối chỗ này là của nhà chị trồng hết à?" Ông ấy đứng trong sân vườn cây cối tươi mới vào đầu xuân, tay trái chỉ vào cây thiên trúc quỳ sum suê trong gốc: "Loại cây này không may mắn, ở quê tôi chỉ có người già mới trồng, hôm nào chúng ta nhổ cây này đi.""

Thiên trúc quỳ không phải do nhà Tạ Bình Xuyên trồng. Đây là loài cây yêu thích của mẹ Từ Bạch.

Mẹ Tạ Bình Xuyên dường như cảm giác được sân viện không phải là chỗ để nói chuyện. Bà đưa hai vợ chồng kia vào nhà mình, Từ Bạch không còn nghe thấy tiếng nói chuyện của họ nữa.

Cô đứng sững người trước cửa sổ, trong đầu ong ong.

Rõ ràng là mẹ Tạ Bình Xuyên đang tính bán nhà.

Giá nhà ở Bắc Kinh vượt xa những nơi khác trong nước, nếu quyết định bán đi, lợi nhuận thu về chắc chắn không phải là một khoản tiền nhỏ. Đúng là nhà Tạ Bình Xuyên giàu có, nhưng làm gì có ai ngại nhiều tiền hơn đâu.

Mẹ Từ Bạch gấp giá vẽ lại, kiên nhẫn giải thích cho con gái: "Nhà họ muốn di dân sang Mỹ, nhà để đó thì vẫn ở đó, bây giờ bán đi cũng không lạ."

Từ Bạch trả lời một câu: "Thế ạ." Cô tựa như cây trúc, đứng ngẩn người bên cửa sổ.

Buổi chiều, trên bàn cơm, không khí cũng không giống như ngày thường.

Trên bàn bày bốn món mặn một món canh, hơi nóng bốc lên như sương trắng. Nhất là tô canh rong biển xương sườn kia, đun đến khi nước đặc sệt, bình thường là món Từ Bạch thích nhất.

Nhưng hôm nay cô không có tâm tình ăn canh. Cô cúi đầu gặm một cục xương sườn, xương sườn đương nhiên rất cứng, Từ Bạch luôn thích ăn đồ mềm, không thích ăn đồ cứng, hôm nay lại bỗng dùng sức cắn miếng xương sườn kia.

Ngay sau đó phát ra một tiếng "rắc" giòn vang.

Bố cô mở miệng nói: "Tiểu Bạch, con cắn xương làm gì, không sợ gãy răng hả?"

Từ Bạch ngậm xương, vẫn chưa trả lời.

Vậy là mẹ cô đáp lại: "Nồi canh này em nấu cả buổi trưa, xương hầm mềm rồi, có cắn cũng không gãy răng, anh có thể yên tâm."

Bố Từ Bạch cầm bát cơm, lúc nói chuyện còn cười: "Anh quan tâm con gái thôi, có nói gì sai sao?" Ông gắp một miếng gà xào đậu phộng, bỏ vào chén vợ: "Bình thường anh bận bịu, khó có khi cả nhà cùng ăn một bữa cơm."

Ông vốn cho rằng, nói xong câu đó, vợ sẽ hiểu cho mình. Nhưng khi ông vừa dứt lời, người vợ là hoạ sĩ của ông lại bỏ chén cơm xuống, vội nói: "Chỉ có anh bận sao? Hôm nay em chưa vẽ xong, phải vào phòng sách vẽ nháp, đừng làm phiền em."

Bố Từ Bạch không nói gì. Nhưng khi vợ đi rồi, ông lại hỏi con gái mình: "Hôm nay mẹ con sao vậy, con chọc mẹ giận hả?"

Bố mẹ Từ Bạch rất ít khi cãi nhau. Hai người kết hôn sớm, lại môn đăng hộ đối, vẻ ngoài xuất sắc, tính cách cũng hợp nhau, trong mắt người ngoài, có thể nói là duyên trời tác hợp.

Vì lý do đó, Từ Bạch cũng không biết, phải giải quyết chuyện bố mẹ cãi nhau thế nào.

Cô là bông hoa trong nhà kính, là hòn ngọc quý trên tay bố mẹ. Bình thường chuyện học hành cũng có Tạ Bình Xuyên giải quyết giúp cô, cô rất ít khi gặp chuyện phiền não.

Có lẽ là do vấn đề về hoàn cảnh trưởng thành, EQ [1] của Từ Bạch có khi rất cao, có khi lại rất thấp – cô không đoán ra vì sao mẹ lại giận, trong tiềm thức nghĩ đến chuyện ngoài sân hồi chiều, thế nên Từ Bạch nói: "Dì hàng xóm hình như bán nhà, chú tới xem nhà không thích cây thiên trúc quỳ, nói muốn nhổ bỏ cây này."

[1] EQ chỉ số cảm xúc, biểu đạt khả năng xác định, kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ của bản thân và người xung quanh.

Từ Bạch cố ý nói ra "muốn nhổ bỏ cây này" để thể hiện sự nghiêm trọng của tình huống.

"Chỉ chút chuyện đó?" Bố cô lại nói, "Tha thứ được cho người khác thì cứ tha [2], nhổ vài cọng cỏ thôi mà mẹ con lại giận tới vậy. Đến lúc hàng xóm mới dọn đến thì sau này chung đụng thế nào."

[2] trích trong câu "可放手时续放手,得饶人时且饶人", lúc nào cần phải ngừng tay thì nên ngừng tay,khi nào thấy tha thứ được cho người khác thì nên tha thứ.

Không đúng, không phải như thế.

Từ Bạch thầm nghĩ trong lòng, vườn hoa nhỏ đó vốn dĩ là nhà của cô, cũng chỉ có ba cây thiên trúc quỳ thôi, sao lại để cho người ta nhổ bỏ mất chứ.

Thế nhưng Từ Bạch không nói lại bố mình. Con mèo nhà họ nằm dưới chân cô, dụi đầu vào dép cô, Từ Bạch lập tức có cảm giác, cầm chén lên ăn một muỗng cơm.

Nhờ có chén cơm che đi nên Từ Bạch ném một miếng sườn xuống đất. Miếng sườn đó có thêm miếng thịt lớn, nước canh cũng không dầu không mặn – vì là cho mèo nhà nên Từ Bạch nhúng miếng thịt này qua nước canh, cẩn thận rửa sạch.

Mèo có được đồ ăn như ý nguyện, nằm sát bên chân cô ăn.

Bố Từ Bạch nói: "Bố thấy người ta đâu có nuôi mèo như con, từ nhỏ tới lớn nuông chiều kỳ cục."

Nhìn thấy dáng vẻ thảnh thơi của con mèo, bố lại cầm đôi đũa, tiếp tục dạy con gái: "Con đang nuôi thú cưng đó, con ăn cơm mà còn phải trông nom nó?"

Từ Bạch lúc này đã ăn no, hơn nữa phản ứng của cô là, bố cô làm mẹ cô bực bội nên Từ Bạch cũng không vui theo.

Từ Bạch lập luận: "Lúc chín tuổi con đã bắt đầu nuôi mèo rồi, nó lớn lên với con, con muốn đối xử tốt với nó cũng đâu có sai đâu."

Bố lại nhẹ nhàng trả lời: "Tiểu Bạch, bố đâu có nói con làm sai, bố chỉ muốn con biết chừng mực. Một con mèo thôi, con đừng để ý quá, phải tập trung vào những chuyện quan trọng.""

Đèn trong phòng ăn sáng sủa, mặt bàn sạch sẽ. Trên bàn cơm còn một cái đùi gà, bố gắp cái đùi đó bỏ vào chén Từ Bạch: "Ngoài chuyện con mèo này ra, bố còn chuyện này muốn nói với con. Tạ Bình Xuyên nhà bên sắp ra nước ngoài rồi, còn con ấy, từ nhỏ đã có quan hệ tốt với nó.""

Bố bỏ chén đũa xuống, giống như chìm vào hồi ức: "Lúc con mới vào tiểu học, nó còn làm bài giùm con. Tạ Bình Xuyên là một đứa trẻ giỏi giang, bố cũng xem như nhìn nó trưởng thành..."

Từ Bạch nhìn bố, chờ bố nói tiếp.

Người ta hay nói "không ai hiểu con bằng cha" – cuối cùng bố cô cũng làm điều đó, trong lời nói có ẩn ý: "Tạ Bình Xuyên đi Mỹ thì chắc sẽ không quay về nữa, thanh niên trẻ tuổi, hẳn là nên đường ai nấy đi.

Thanh niên trẻ tuổi, hẳn là nên đường ai nấy đi.

Câu nói này như mỏ hàn, ấn sâu vào lòng Từ Bạch.

Trong đêm trăng tròn, gió xuân se lạnh, cô ôm mèo ngồi ở bậc thang viện, chốc chốc lại xoa tay chân mèo.

Không biết Tạ Bình Xuyên xuất hiện từ lúc nào. Anh cầm theo một chiếc áo khoác, khoác lên người Từ Bạch.

"Em đang nghĩ gì vậy?" Tạ Bình Xuyên hỏi.

Anh thản nhiên ngồi cạnh cô, nửa gương mặt anh hắt bóng lên bức tường. Từ góc nhìn của Từ Bạch, đó là một bức tranh có kết cấu tuyệt vời.

Người trong tranh quá ưa nhìn, nên không chân thật lắm. Cô vươn tay đặt trên vai anh, rồi từ từ buông xuống, dừng ở đỉnh đầu mèo.

"Meo...." Con mèo trong lòng cô khẽ cất tiếng.

Giọng của Từ Bạch càng nhẹ hơn: "Em muốn hỏi anh một chuyện."

Trăng sáng, sao trời thưa thớt, ánh sáng lấp lánh như dải ngân hà, ngọn hải đăng ở phía xa sáng rực, tựa như đang chống đỡ lại màn đêm. Từ Bạch ngẩng đầu nhìn ngọn hải đăng, vào thẳng vấn đề: "Sau này anh có ở lại Mỹ không?""

Tạ Bình Xuyên còn chưa trả lời, Từ Bạch đã nói thêm: "Ở lại làm việc, định cư, không bao giờ quay về."

Tạ Bình Xuyên hỏi: "Em ngồi cả tối, là vì vấn đề này?""

Đúng đó, bị anh phát hiện rồi.

Từ Bạch trả lời bảy chữ đó trong lòng, nhưng lại chần chừ không nói thành lời được. Đây không phải là phong cách bình thường của cô, cô luôn là nghĩ gì nói đó, bây giờ cô đã biết giấu chuyện trong lòng rồi.

Nếu đây là trưởng thành, thì liệu cô có thể dừng lại ở tưởi mười bốn không.

Lúc này, điều mà Từ Bạch vừa mười lăm tuổi nói lại là: "Hồi nãy em nghĩ, thế giới lớn như thế, chúng ta còn trẻ, luôn bị bó buộc ở một chỗ, hình như có hơi thiệt thòi."

Tạ Bình Xuyên nói theo lời cô: "Đúng là như thế, dù sao thì mỗi người một chí hướng."

Anh vừa mới nói xong câu này thì thò tay vào túi, lấy ra hai viên kẹo chanh, bỏ vào tay Từ Bạch.

Từ Bạch nắm chặt kẹo, không có ý định ăn. Tạ Bình Xuyên ngồi cạnh cô, giống như đang tự thuật: "Lúc nãy em hỏi anh có làm việc ở Mỹ không? Anh dự định năm nhất đi thực tập, tranh thủ trước khi tốt nghiệp lấy được vài cơ hội tốt."

Từ Bạch khoác áo khoác của Tạ Bình Xuyên, không nói lời nào mà chỉ ghe anh nói, nghe anh nói từng câu tiếp theo: "Đến khi anh về nước, sẽ không đến mức bị ngành IT trong nước loại bỏ vì trình độ kém.

Anh vừa nói xong, Từ Bạch ngạc nhiên nhìn anh.

Gió đêm thổi qua lá cây hoè, mang theo tiếng sột soạt rất nhỏ. Âm thanh kia như hoá thành nước trong hồ, lan đến chỗ nước cạn trong lòng, từng chút một, tuôn ra cảm giác thoả mãn mềm mại.

Từ Bạch không khỏi bật cười, nói: "Thật hả anh? Sau này anh về nước, gia nhập ngành IT, phát triển phần mềm trong nước." Cô nói xong, thực sự vẫn chưa thấy yên tâm lắm, thế nên vươn ngón út, đưa tới trước mặt Tạ Bình Xuyên.

"Anh không được lừa em, phải ngoéo tay với em." Từ Bạch nói.

Tạ Bình Xuyên rõ ràng cam tâm tình nguyện, nhưng ngoài mặt lại cười trêu: "Ngoéo tay có ích gì chứ? Sao em vẫn y như hồi nhỏ vậy."

Tuy nói thế, anh vẫn đưa ngón út ra, móc vào ngón tay Từ Bạch. Họ đã làm hành động ngoéo tay này vô số lần, nhưng không có lần nào nghiêm túc như hiện tại.

Anh nghe thấy Từ Bạch thì thầm: "Ngoéo tay trăm năm cũng không được đổi."

Tạ Bình Xuyên vẫn nhớ rõ, đó là đầu xuân năm 2007.

_______________

Tác giả nói:

Sếp Tạ: Lúc đó vợ tôi mới mười lăm tuổi đã nắm tay tôi không chịu buông.

Bình luận

Truyện đang đọc