Nhuế Vĩ chụp tay Diệp Thanh, bóp mạnh :
- Đa tạ tiểu thơ! Đa tạ!
Chàng khích động đến độ không thốt ra lời. Diệp Thanh chu đáo cho chàng quá. Nếu nàng không tận tâm tiếp trợ, thì dù chàng có tài ba đến đâu, cũng không ly khai Ma Quỷ đảo nổi.
Diệp Thanh bảo :
- Đại ca và Công chúa xuống thuyền gấp đi!
Họ đi lần ra đến mé biển.
Một con thuyền chực sẵn bên sườn đá. Trên thuyền, một đại hán cao người đang đứng trông về phía họ. Diệp Thanh chỉ hắn, nói với Nhuế Vĩ :
- Hắn là tay vượt biển có hạng trên đảo này, có hắn điều khiển con thuyền là đại ca không phải lo ngại gì cả. Hắn trung hậu lắm, tôi chọn hắn để ủy thác công cuộc hộ tống đại ca trở lại Trung Nguyên, đại ca yên trí, cứ tin tưởng vào hắn. Chúc đại ca gặp nhiều may mắn.
Nhuế Vĩ lộ vẻ lo âu :
- Nếu lệnh tôn phát giác việc làm của tiểu thơ thì sao?
Diệp Thanh lắc đầu :
- Không sao! Gia phụ không phát giác được đâu! Mà dù có phát giác đi nữa, tôi là gái, gia phụ không thể dùng cực hình nghiêm phạt. Đại ca và Công chúa xuống thuyền đi, chần chờ mãi, sợ có biến!
Hồ Cáp Na bước lên tấm đòn dày, đại hán chỉ tay vào khoang ngụ ý bảo nàng vào đó.
Bên trong Giản Hoài Quyên hỏi vọng ra :
- Đại ca đó phải không?
Hồ Cáp Na không đáp.
Nhuế Vĩ xuống đến mũi thuyền, còn quay đầu lại, lưu luyến hỏi :
- Chúng ta có thể gặp lại nhau chứ?
Diệp Thanh chưa nói gì, Nhuế Vĩ đã tiếp luôn :
- Ngày gặp lại nhau, nếu có, thì chỉ có trên dải đất Trung Nguyên thôi! Tại hạ vĩnh viễn không bao giờ trở lại Ma Quỷ đảo! Tiểu thơ ghi nhớ như vậy.
Chàng gián tiếp cho nàng biết rằng, nếu bắt buộc trở lại đảo, là chỉ với mục đích giết Diệp Sĩ Mưu trừ hại cho đời. Nhưng chàng đã phát thệ, không tự tay giết Diệp Sĩ Mưu, để tạ ơn nàng cứu trợ. Thì chàng đâu còn cớ gì trở lại nữa!
Đại hán trên thuyền thốt :
- Quận chúa trở về đi, đừng để cho Đảo chủ phát giác.
Thốt xong hắn lấy sào choi vào vách đá, đẩy thuyền tách bờ.
Nhuế Vĩ vào khoang thuyền. Giản Hoài Quyên vừa gọi chàng, bỗng chàng giật mình vì lúc đó hai tiếng rú vang lên cùng một lúc với tiếng gọi của Giản Hoài Quyên. Một tiếng rú tại mũi thuyền, một tiếng rú trên bờ biển.
Nhuế Vĩ quay phắt mình lại. Đại hán đã ngã xuống sàn mũi thuyền, nơi ngực có mấy món ám khí ghim sâu, máu chảy loang nhanh khắp mình hắn. Mắt hắn mở trừng trừng. Hắn tắt thở liền sau khi trúng ám khí.
Nhuế Vĩ chưa kịp phản ứng gì thì từ trên cao ám khí lao vút xuống, xé gió rẹt rẹt, nhắm vào mình chàng. Chàng có xem ám khí đó ra gì? Chàng chỉ lo sợ cho Diệp Thanh, vì tiếng rú trên bờ đương nhiên là do nàng phát ra.
Chàng khẽ lắc bờ vai, chân hơi dậm xuống, rồi như chiếc pháo thăng thiên, chàng vút mình lên không, nhường ám khí bắn ngang bên dưới, rồi uốn cầu vồng đáp xuống bờ biển. Chân vừa chạm đất, hai tay vươn ra, hai tay còn cột thành chùm, chàng nắm vai áo của Diệp Thanh.
Chàng vừa nhấc bổng nàng lên, là một loạt ám khí bay tới. Ám khí phóng vun vút, phóng càng nhiều, càng tốt, không cần nhắm vào bộ vị trọng yếu, cứ trúng mình Nhuế Vĩ là được, do đó bao nhiêu ám khí đều tập trung vào cái đích, cực kỳ nguy hiểm cho chàng.
Lúc vào bờ cũng như lúc ra thuyền, Nhuế Vĩ dùng bộ pháp Phi Long kỳ ảo, địch tung vô số ám khí, song vẫn chẳng tạo nổi một tổn thương nhỏ nơi chàng.
Thuyền lúc đó đã cách xa bờ hơn ba mươi trượng, nhờ lúc trở lại, Nhuế Vĩ đạp mạnh chân lấy đà, đẩy đi thêm một khoảng. Trong khoảng cách đó, ám khí thông thường từ bờ không thể nào lao vút tới được.
Buông Diệp Thanh xuống, Nhuế Vĩ căm hận gọi :
- Diệp Sĩ Mưu! Ngươi tàn độc như thế là cùng rồi, không còn ai tàn độc hơn ngươi nữa! Cọp dữ còn không ăn thịt con, nhưng ngươi là cha, lại nỡ hạ độc thủ với Diệp Thanh, thì đúng là táng tận lương tâm, chẳng khác loài cầm thú!
Thuyền đã giương buồm sẵn, một cơn gió quét qua, buồm bọc gió lôi thuyền.
Thuyền tách đảo mỗi lúc một xa.
Trong gió phảng phất có tiếng cười tiếng nói oang oang của Diệp Sĩ Mưu :
- Thuyền phu chết, biển rộng mênh mang, ngươi thoát đi đâu cho khỏi.
Nhuế Vĩ! Không chết tại đảo thì cũng chết trong bụng cá! Trùng dương là mồ chôn của cả lũ các ngươi!
Nhuế Vĩ mang Diệp Thanh vào khoang thuyền, quan sát các vết thương của nàng. Sau lưng, nơi khoảng tim, có ba mũi tên dài còn cắm tại đó. Đầu tên lút sâu đến xương.
Đưa tay trước mũi nàng, Nhuế Vĩ nghe còn hơi thở, song rất yếu. Chàng mừng nghĩ :
- "Trời có mắt, chưa dứt mạng người ngay! Miễn là còn hơi thở là mình còn cứu được."
Chàng lấy bao thuốc nơi mình ra, Giản Hoài Quyên tiếp tay mở cho chàng.
Nàng lo sợ hỏi :
- Đại ca liệu có cứu được chăng?
Nhuế Vĩ đáp với giọng cương quyết :
- Nhất định phải được!
Chàng lại hỏi :
- Hai người giữ tay lái con thuyền được không?
Giản Hoài Quyên cùng Hồ Cáp Na cùng lắc đầu. Làm sao một tiểu thơ con quan tể tướng và một Công chúa con Quốc vương lại thạo cái nghề của thuyền phu?
Nhuế Vĩ biết chèo, biết lái, song tay bị trói cột như thế đó, thì có biết cũng cầm như thừa. Huống chi, chàng cần ở bên cạnh Diệp Thanh, cứu chữa nàng.
Chàng tuyệt vọng, sanh bực, than :
- Nếu không ai lái thuyền, trong chốc lát đây, gió tạt thuyền vào bờ, cả bọn lại rơi vào tay Diệp Sĩ Mưu như cũ!
Giản Hoài Quyên và Hồ Cáp Na cũng biết là nguy, cho nên đồng đáp liều lĩnh :
- Hai tôi cố lái thử xem sao!
Cả hai bước ra ngoài.
Nhuế Vĩ lắc đầu, thở dài. Mong gì hai nàng làm được việc đó! Trên đảo, có loại thuyền nhẹ lướt sóng như bay, dù cho chàng tự mình chèo lái, vị tất thoát khỏi thuyền nhẹ đuổi theo, huống hồ hai nàng?
Chàng than thầm :
- Bất quá từ chiều mai trở lại, cả bọn cũng bị bắt về đảo!
Nhưng, việc gì thì việc, trước hết phải cứu chữa Diệp Thanh.
Trong khi chàng loay hoay bên trong, thì ở bên ngoài hai nàng bắt đầu nói chuyện với nhau, từ tên họ cho đến gia thế, sang qua tâm tình.
Hồ Cáp Na cho biết, Giản Thiệu Vũ từng đến Y Ngô Quốc mượn binh nơi phụ vương nàng, kéo vào biên giới Trung Nguyên giao chiến với vị Đại tướng quân họ Cao nào đó. Nàng lấy làm lạ, tự hỏi tại sao con trai một vị Tể Tướng lại mượn binh nước ngoài đánh lại nước mình?
Lúc đó, Nhuế Vĩ đã ghịt thuốc băng bó cho Diệp Thanh xong, nghe Hồ Cáp Na nói thế, chàng giật mình, thầm nghĩ :
- "Hắn đố kỵ không muốn cho thanh danh của Cao Thọ vượt cao hơn danh vọng Thiên Trì phủ! Hắn muốn thiên hạ đại loạn để có dịp trùng hưng sự nghiệp của nhà họ Giản, vì lúc đó Thiên Trì phủ suy vi, hầu như bị người đời quên lãng."
Nhuế Vĩ lấy một hoàn linh dược bỏ vào miệng Diệp Thanh, tiếp hơi cho nàng nuốt.
Vừa lúc đó, gió thổi mạnh, sóng cuồn cuộn dâng lên, lượn nào lượn nấy cao hơn hòn núi nhỏ, thuyền bị tung bỗng lên, sóng lượn qua, thuyền hỏng mốc, rơi xuống kêu một tiếng ầm lớn. Rồi cứ thế, thuyền trồi hụp, còn đeo dính mặt nước thì trườn đi, hỏng mặt nước thì rơi, thuyền tròng trành dữ dội.
Diệp Thanh bị dao động mạnh, rên rỉ.
Nhuế Vĩ lại cho nàng uống thêm một hoàn thuốc nữa.
Bên ngoài, Hồ Cáp Na kêu lên :
- Kềm tay lái gấp! Gấp lên!
Giản Hoài Quyên cũng kêu lên :
- Không được! Tôi không còn đứng vững nổi nữa rồi.
Thì ra, nàng không quen đi biển, nên dễ say sóng. Trái lại, dù chưa đi biển, Hồ Cáp Na vẫn chẳng sao cả.
Thuyền mỗi lúc mỗi lắc lư mạnh, chực úp, dù Hồ Cáp Na cố gắng giữ cứng tay lái.
Thuyền càng lắc, Diệp Thanh càng rên, tiếng rên to dần. Đuối sức mà rên to, là vì đau đớn vô tưởng, càng rên to lại càng đuối sức thêm.
Nhuế Vĩ sợ vết thương của nàng phá miệng trở lại nên cố giữ cứng nàng, cho nàng khỏi bị dao động theo con thuyền.
Giản Hoài Quyên sợ quá, thét lên :
- Làm sao bây giờ? Làm sao?
Hồ Cáp Na kềm tay lái thì được, song nàng không biết cách bẻ như thế nào cho thuyền bớt đảo, bớt chao.
Gió gào bên tai ầm ầm, sóng vỗ ầm ầm, sóng gió nương nhau thị oai, hai nàng sợ cực độ, mặt xanh dờn.
Vốn theo thần đạo, Hồ Cáp Na không biết làm chi hơn là nhắm mắt đảo cáo Thần Gió, Thần Biển, cầu Trời, khẩn Phật, xin tất cả ban phước lành cho bọn họ nạn khỏi tai qua.
Bận kèm bên cạnh Diệp Thanh, Nhuế Vĩ không thể bước ra ngoài tiếp trợ Hồ Cáp Na, nếu vết thương của Diệp Thanh phá miệng, thì vô phương cứu chữa.
Cho nên, lo bên trong, bỏ bên ngoài, Nhuế Vĩ cầm chắc là thuyền phải lật úp.
Chàng quát to :
- Quyên muội! Hạ buồm! Hạ buồm!
Nhưng, làm gì Giản Hoài Quyên hạ nổi cánh buồm! Nàng đang ôm chặt cột buồm, buông tay ra thì nếu gió không thổi bay cũng bị say sóng mà ngã.
Hồ Cáp Na tuy còn tỉnh, cũng không dám rời tay lái, nàng buông tay lái là thuyền quay đảo ngay. Nàng thét lên :
- Phải đó! Hạ buồm! Hạ gấp!
Buồm hạ được, là thuyền không cản gió nhiều, gió sẽ bớt áp lực, thuyền chỉ nhồi hụp theo sóng chứ không còn lắc, đảo mạnh như trước!
Mà làm sao hạ được buồm?
Giản Hoài Quyên dù có cố gắng buông tay, nàng cũng chẳng làm nổi trong cơn say sóng dật dờ.
Hồ Cáp Na lại giục :
- Nhanh lên Giản tiểu thơ! Hạ buồm nhanh đi!
Bỗng Giản Hoài Quyên nghĩ ra một phương pháp. Lập tức nàng rút thanh chủy thủ trong mình ra, cắn răng, lấy sức trèo lên cột buồm. Trèo một lúc, nàng lên tới đầu cột. Mắt nàng lúc đó hoa lên, trông chẳng thấy vật gì cả. Nàng chỉ còn có cách là vung chủy thủ chém ra tứ tung, chém loạn lên. May mắn, một nhát đao trúng nhằm dây lèo cái, cánh buồm liền theo gió cuốn bay đi.
Mất cánh buồm, thuyền bớt tròng trành thấy rõ.
Nhưng mưa như trút nước đổ xuống ào ào. Hồ Cáp Na nắm cứng tay lái, nhắm mắt lại tránh mưa tạt mạnh vào mặt.
Rồi sấm nổ, chớp giăng, không gian như bị xé, bị bắn, bị đảo lộn.
Có gặp cơn mưa bão giữa biển khơi mới biết thiên oai như thế nào, và mới thấy con người như hạt cát giữa vũ trụ!
Chặt đứt dây lèo cái, buồm bay rồi, Giản Hoài Quyên còn đeo cứng nơi đầu cột buồm. Chẳng phải nàng không muốn xuống, mà là tại vì nàng không xuống được. Nàng quá sợ trước oai trời, nên điếng hồn đứng vía, ôm cứng đầu cột buồm, không nghĩ gì khác!
Khi cánh buồm còn, buồm bộc gió, dù gió dồn áp lực mạnh, cột buồm không gãy là nhờ buồm trấn cột từ trên đầu xuống chân đầy đủ. Nhưng bây giờ, cánh buồm mất, đầu trên lại có Giản Hoài Quyên đeo cứng, gió quét qua, đầu cột chao đảo qua, chao đảo lại, oặc oại trước mưa bão.
Hai cơn gió mạnh liên tiếp quét qua, đầu cột oặc xuống chưa kịp bật lên bởi cơn gió trước thì lại bị quét luôn bởi cơn gió sau, cột gãy lìa, kêu một tiếng rắc.
Phần trên thân cây cột gãy rơi xuống biển, mang theo Giản Hoài Quyên.
Cột buồm gãy, thuyền hết đảo, chỉ còn trồi hụp, chúi xuống trườn lên theo sóng nhồi. Bây giờ thì nguy cơ thuyền đắm không còn nữa, nhưng đổi lại, một Giản Hoài Quyên đã rơi xuống biển!
Gió dần dần dịu, mưa dần dần dứt, sóng từ từ lặng.
Qua một đêm giữ tay lái, giữa cơn biển động, Hồ Cáp Na không còn sức chịu đựng, nằm xuống là ngủ mê man.
Nhuế Vĩ bận kềm vững Diệp Thanh, luôn luôn vận công để chống lại mọi dao động, qua một đêm cũng mệt lả người, chàng cũng thiếp luôn.
Diệp Thanh nhờ Nhuế Vĩ bảo vệ, lại có linh dược chữa trị, nên ngủ yên lành suốt đêm. Sáng ra, chính nàng thức trước.
Tỉnh lại rồi, Diệp Thanh cứ tưởng là mình đang ở cõi âm, chứ làm sao sống nổi với ba mũi tên? Nhưng không! Cõi âm làm gì có ánh dương quang? Ánh dương quang đang chiếu vào mắt nàng, như vậy là nàng chưa chết.
Để xác định sự thực, nàng hoành tay sờ lưng. Tay nàng chạm vào một mình người, ấm áp. Người đó đang ngủ, ngoẻo đầu lên mình nàng. Nàng kinh hãi, thầm nghĩ :
- "Ai? Ai?"
Sóng vỗ vào mạn thuyền, vang lách cách. Nghe tiếng sóng, nàng chợt tỉnh ngộ. Chỉ có Nhuế Vĩ cứu nàng thôi, và chàng mang nàng lên thuyền, chữa trị thương tích trên người nàng. Nhưng bây giờ, chàng đang ở đâu? Đi về đâu? Còn người ngủ bên cạnh nàng là ai?
Thuyền phu đã chết rồi, nàng chính mắt trông thấy, thế thì nam nhân trên thuyền này, ngoài Nhuế Vĩ ra, cò ai khác được? Hơi hướm của người nằm đó, là hơi hướm của một nam nhân mà! Vậy, nhất định là Nhuế Vĩ rồi. Tại sao chàng tựa lên mình nàng mà ngủ?
Nghĩ đến đó, bất giác nàng đỏ mặt bừng bừng, toàn thân nóng ran lên.
Nhuế Vĩ khôi phục thể lực rất nhanh, nghe hơi thở dồn dập của Diệp Thanh, chàng tỉnh lại ngay, bật ngồi lên, hỏi :
- Tiểu thơ nghe khỏe trong người chưa?
Diệp Thanh xoay mình, từ từ ngồi lên, cúi thấp đầu, đáp :
- Khỏe, đại ca! Chỉ còn yếu một chút thôi!
Nhuế Vĩ ừ một tiếng, vòng ra sau lưng Diệp Thanh, đưa tay sờ.
Lưng áo của nàng rách, bàn tay của Nhuế Vĩ chạm da thịt nàng, làm nàng rợn mình.
Miệng vết thương khép kín, da non kéo lại cực nhanh, chỉ trong một đêm mà được vậy, quả thuốc của chàng là thần dược!
Chàng thở dài, thốt :
- Lệnh tôn ác độc không tưởng nổi, bắn con của hắn cách đó, đúng là ba mũi tên tuyệt tình! Hiện tại thương thế đã qua hồi nguy kịch rồi. Và máu ra nhiều, tiểu thơ mất sức phần lớn. Cần phải tịnh dưỡng ít nhất cũng một tháng, mới khôi phục công lực như cũ!
Diệp Thanh dịu giọng :
- Đại ca lại cứu mạng tôi một lần nữa!
Nhuế Vĩ nói :
- Đêm rồi, có cơn mưa bão, thuyền lắc mạnh, tại hạ sợ tiểu thơ bị dao động, có ảnh hưởng lớn đến thương thế, nên bất chấp hiềm nghi, phải giữ chắc tiểu thơ trong tay...
Chàng nói dối, bởi chính chàng gác chân lên mình nàng, đè cứng.
Diệp Thanh mới vỡ lẽ, sở dĩ chàng ngoẻo đầu ngủ như vậy là vì quá mệt.
Bỗng Nhuế Vĩ "ạ" lên một tiếng.
Diệp Thanh giật mình, hỏi :
- Việc gì thế, đại ca?
Nhuế Vĩ tỏ vẻ lo âu :
- Hồ Cáp Na và Quyên muội! Hiện tại cả hai ra sao?
Chàng bước ra khỏi khoang thuyền, nơi lái thuyền, chỉ có một người thôi, đáng lý ra thì phải là hai người! Nhuế Vĩ biến sắc mặt, chạy nhanh đến lắc Hồ Cáp Na tỉnh lại, rồi hỏi :
- Nàng ấy đâu? Nàng đâu rồi?
Hồ Cáp Na còn mơ hồ, hỏi lại :
- Nàng nào?
Nhuế Vĩ hoảng lên :
- Giản Hoài Quyên biến mất rồi!
Hồ Cáp Na vụt đứng lên, chạy đến cột buồm, sờ chỗ gãy, thở dài đáp :
- Lần cuối tôi còn trông thấy nàng, là lúc nàng trèo lên chiếc cột buồm...
Còn gì nữa! Chắc chắn là cột buồm gãy, đoạn gãy rơi xuống biển, nàng đeo cứng, phải rơi theo! Trong cơn mưa gió như vậy, nàng mong gì sống sót nổi!
Ngồi tại đó, chàng sững sờ một lúc, không nói năng một tiếng nào.
Hồ Cáp Na nhìn ra mặt biển, mênh mông nước liền trời, gió êm, sóng lặng, có ai ngờ trong đêm biển động hãi hùng!
Chợt, nàng quỳ xuống, mặt hướng về phương trời Tây, nhắm mắt chắp tay lâm râm khấn vái phật trời thần thánh. Nàng tạ ơn đấng thiêng liêng cứu nạn, hay nguyện cầu cho kẻ bạc phước lênh đênh trên mặt biển được thoát khỏi tai ương?
Hẳn là nàng kêu gọi đấng thiêng liêng tế độ Giản Hoài Quyên, chứ nàng đâu phải là con người ích kỷ, chỉ biết có mình!
Không một ai có hy vọng là Giản Hoài Quyên sống sót!
Thuyền trôi đi theo gió, theo sóng nhẹ nhàng, không mục tiêu, không phương hướng. Thuyền trôi như thế đúng năm hôm.
Trên thuyền, có nước ngọt, có vật thực đầy đủ, họ có thể sống trên mặt biển như vậy thêm mấy hôm nữa. Sau đó, là họ bắt đầu đi vào cõi chết, với cái khát, cái đói dần dần.
Diệp Thanh đang hồi tịnh dưỡng, tránh cử động, cứ nằm trong khoang.
Nhuế Vĩ ngồi lì suốt ngày, hết ngày này qua ngày khác, chẳng nói tiếng nào.
Hồ Cáp Na biết là chàng sầu tư về số phận của Giản Hoài Quyên, nên không dám hỏi han gì, sợ chàng rối lòng thêm, chỉ ngày ngày lo cái ăn cái uống cho chàng, cho Diệp Thanh, mang đến tận chỗ cho mỗi người, xong lại thu dọn.
Đêm đến, nàng cũng chuẩn bị chăn màn cho hả hai. Nàng phục vụ cho họ quả chu đáo.
Rồi nàng ngủ bên cạnh Nhuế Vĩ. Nhuế Vĩ ngủ ngoài khoang, Hồ Cáp Na theo ra đó ngủ, không ngại sương gió, chàng cũng không buồn bảo nàng vào chỗ kín đáo mà ngủ, cứ để mặc nàng làm sao thì làm.
Đến một hôm, trời trong không gợn tí mây nào, gió vắng, sóng lặng, mặt biển như tấm gương bao la.
Nhìn trời, nhìn nước một lúc, bỗng Nhuế Vĩ nghe tiếng ca. Lời ca khuyến khích thế nhân nên hưởng tận lạc thú trên đời, và cho rằng đời không rượu là đời bỏ đi! Âm thanh tỏ rõ một nội lực dồi dào, và phảng phất do một lão nhân xướng lên.
Hồ Cáp Na kinh hãi, kêu lên :
- Kỳ quái! Kỳ quái! Con người sao lại đi trên mặt biển?
Nghe âm thinh, Nhuế Vĩ giật mình. Âm khí rất ổn, không có điểm nhỏ suy kém, cái hay là ở chỗ dù phát xuất gần một trượng, hay xa năm trượng, âm độ vẫn bằng nhau. Chàng thầm nghĩ :
- "Con người có công lực cỡ đó, chỉ sợ trên đời không có đến hai!"
Rồi chàng lại nghe Hồ Cáp Na bảo là con người lại đi được trên mặt biển!
Người thì làm sao đi trên mặt biển được? Có họa chăng là thần tiên!
Người có võ công cao, có thể chạy nhảy trên sông, trong một đoạn đường nào đó, muốn nghỉ chân là vào bờ. Chạy nhảy được là nhờ đạp chân vào không khí, trên mặt nước, giở thuật khinh công mượn lực làm đà, nhưng chỉ chạy nhảy, chứ không đi được, mà cũng không đứng được. Nhưng, biển khác hơn sông, rộng bao la, vô bờ bến, chạy trên biển, nếu mệt rồi, làm sao vào bờ mà nghỉ? Huống hồ bước đi, từng bước, từng bước!
Tuy Hồ Cáp Na nói thế, chứ thực sự người đó đang chạy, mà chạy rất nhanh trên mặt biển. Trong thoáng mắt, người đó đã đến gần.
Một lão nhân, râu trắng ba chòm dài, mặt luôn luôn tươi cười. Lão vận chiếc áo dài bằng bố!
Còn cách thuyền của Nhuế Vĩ độ vài trượng, lão tung mình lên, uốn vòng cầu, đáp xuống mũi thuyền của chàng, rồi thốt :
- Làm rộn chút nhé!
Đoạn, lão ngồi cạnh chàng xếp bằng tròn.
Nhuế Vĩ nhìn xuống biển, thấy một mảnh gỗ trôi lều bều, chàng vỡ lẽ ra, nghĩ :
- "Có vậy mới được chứ! Không có mảnh gỗ đó, tài gì mà lão nương chân lên mặt nước thoát đi băng băng! Bất quá, lão vận nội kình, đẩy mảnh gỗ bước tới mà thôi."
Tuy nhiên, chàng cũng phải công nhận thuật khinh công của lão cực cao.
Kém thuật khinh công, không ai dám chơi cái trò nguy hiểm đó!
Mà chính lão cũng đùa với tử thần thật. Chơi trò đó là khi mặt nước êm lặng, giữa trùng dương, ai dám biết được lúc nào biển tịnh, lúc nào biển động? Và tịnh hay động được bao lâu? Nếu sóng gió nổi lên bất ngờ, thì lão cầm chắc chui vào bụng cá!
Hồ Cáp Na không biết chi hết, vội hỏi :
- Lão tiên sanh là thần tiên phải không?
Lão nhân cười cười, không đáp, hướng mắt về phương trời xa.
Nhuế Vĩ sợ nàng hoang mang, vội giải thích :
- Không phải đâu! Lão tiên sanh dùng thuật khinh công tuyệt diệu, tiêu dao trên mặt biển đó!
Hồ Cáp Na mỉm cười :
- Dù chẳng phải là thần tiên, cũng thần tiên như thường.
Lão nhân thu ánh mắt về, hỏi :
- Tại sao là thần tiên?
Hồ Cáp Na đáp :
- Khoái hoạt như thần tiên!
Lão nhân lộ vẻ vui mừng, thốt :
- Đúng vậy! Tiêu dao nơi mặt biển, là cái thú của thần tiên! Kìa, thuyền của lão phu đến đón lão phu đó!
Một chiếc thuyền lớn từ xa lướt tới.
Nhuế Vĩ lại nghĩ :
- "Thì ra, có thuyền đi theo lão, cho nên lão mới dám mạo hiểm như vậy!"
Thuyền lớn đến gần. Lão nhân nói :
- Thuyền của các vị vừa nhỏ vừa hư hại qua cơn bão biển đêm qua, không còn đi xa được nữa. Hãy lên thuyền của lão phu kia!
Nhuế Vĩ không đợi mời lần thứ hai, chấp nhận liền :
- Đa tạ lão tiên sanh có mỹ ý!
Hai thuyền cặp vào nhau. Trên thuyền lớn, một thanh niên cười vang, hỏi vọng xuống :
- Gia gia! Có phát hiện được gì chăng?
Lão phu đáp :
- Như cũ!
Vừa theo tiếng nói vừa phát ra, lão nhân phi thân tung mình nhảy lên thuyền lớn. Cái thế nhảy thì bình thường, song Nhuế Vĩ nhận ra lão có thuật khinh công đáng sợ, bởi nhảy cao như vậy mà không cần đạp mạnh chân lấy đà, con thuyền nhỏ của chàng chẳng dao động mảy may.
Lão nhân muốn thử tài Nhuế Vĩ, bảo chàng :
- Lên đi chứ!
Diệp Thanh còn yếu, tự mình không cử động được, phải quàng tay nơi cổ Nhuế Vĩ cho chàng đèo lên. Nhuế Vĩ bảo :
- Cô nương cẩn thận!
Liền theo tiếng nói, chàng tung mình lên, đáp nhẹ xuống thuyền lớn. Chàng có đạp chân mạnh một chút, thuyền nhỏ hơi trầm xuống, tạo sóng dợn li ti. Cái đó chẳng phải là một dấu hiệu kém khinh công, bởi lão nhân chỉ một mình, còn chàng thì có đèo người, sức nặng gấp đôi.
Hồ Cáp Na nhảy sau cùng, Nhuế Vĩ cũng tìm cách gợi cho nàng thốt mấy tiếng trước khi nhảy.
Chàng hiểu, thanh niên cố ý hỏi lão nhân lúc nãy, cho lão nói mấy tiếng nói, để buông hơi nặng trong người ra bớt theo âm thinh, nhờ thế mà khi nhảy, lão không đến đỗi làm lay động con thuyền.
Lão nhân biết chàng thức ngộ đạo lý đó, nên tán :
- Tiểu tử thông minh đấy!
Hướng về thanh niên, lão nhân bảo :
- Làm quen với vị đại ca đó đi Ba nhi!
Thanh niên có thái độ cực kỳ cao ngạo :
- Họ là những nạn nhân của cơn biển động vừa rồi?
Theo khẩu khí đó, Nhuế Vĩ đoán có lẽ hắn có gặp một số nạn nhân nào của cơn mưa bão vừa qua, nên gặp chàng hắn cũng tưởng là đồng số phận như bọn trước. Chàng vội vòng tay hỏi :
- Cao danh quý tánh huynh đài là chi?
Thanh niên ngẩng cao đầu, đáp :
- Họ Âu Dương, tên Ba. Thuyền của tại hạ không dung chứa những kẻ vô tích sự, gặp đất liền rồi, là các vị phải lên bờ gấp.
Nhuế Vĩ vẫn giữ lễ độ :
- Tại hạ là Nhuế Vĩ, tại hạ muốn hỏi huynh đài một việc.
Âu Dương Ba bực bội :
- Việc gì?
Diệp Thanh bất mãn với giọng cộc lốc của hắn, mắng thầm :
- Ngươi xứng đáng bao nhiêu mà vênh váo mặt hả? Rồi ngươi sẽ biết tay bản cô nương!
Nhuế Vĩ hỏi :
- Chừng như huynh đài có cứu một số nạn nhân?
Âu Dương Ba ừ nặng một tiếng.
Lão nhân cười đáp thay :
- Vớt mấy người nữa, là ba lần cứu nạn rồi đó!
Nhuế Vĩ hỏi :
- Trong hai lần trước, có vị cô nương tên Giản Hoài Quyên được các vị cứu chăng?
Âu Dương Ba "hừ" lạnh :
- Có!
Nhuế Vĩ sáng mắt lên :
- Hiện tại nàng ở đâu?
Âu Dương Ba chớp mắt :
- Các hạ hỏi đến nàng ấy để làm gì?
Nhuế Vĩ đáp :
- Nàng là xá muội, đeo cột buồm chịu đựng với gió, cột buồm gãy rơi xuống biển, nàng rơi theo. Tại hạ cứ tưởng là nàng phải chết, không ngờ huynh đài cứu nàng! Ân đức của huynh đài lớn lắm!
Âu Dương Ba cười lạnh :
- Tạ ơn tại hạ làm chi? Cách nay hai hôm, nàng nhảy trở về lòng biển rồi.
Nhuế Vĩ biến sắc :
- Nàng nhảy xuống biển trở lại?
Âu Dương Ba điềm nhiên :
- Tại hạ bịa chuyện làm gì?
Lão nhân thở dài, tiếp lời :
- Cái tánh khí của cô nương đó quật cường quá, tỉnh lại rồi, không thấy các vị, tưởng đâu các vị đã chết hết, nên quyết chết theo các vị!
Nhuế Vĩ nổi giận :
- Tại sao các vị lại để cho nàng nhảy như vậy? Sao không ai ngăn chận nàng? Hả?
Âu Dương Ba cười hắc hắc :
- Nàng điên, nàng hành động theo tánh khí điên, thì nàng chịu lấy hậu quả chứ, sao các hạ lại trách người ta?
Nhuế Vĩ cao giọng :
- Tại hạ không tin! Nhất định là phải có nguyên nhân sao đó, nàng mới nhảy xuống biển trở lại.
Lão nhân khuyên :
- Các hạ không nên trách bọn này. Sự thực là như vậy, tuy nhiên đã chắc gì nàng chết rồi! Biết đâu chẳng có người khác cứu nàng?
Nhuế Vĩ hằn học :
- Con người đâu có may mắn dồn dập thế!
Chàng không tin thật! Nhất định là có nguyên do gì trong sự tình!
Diệp Thanh phụ họa theo suy luận của chàng.
Lão nhân tợ hồ áy náy, há miệng toan nói gì đó, Âu Dương Ba khoát tay ngăn lại, thốt :
- Gia gia! Họ không tin thì thôi vậy, mình hãy đưa gấp họ vào đất liền, cứu được người nào, mình phải cứu cho tròn việc, trừ ra họ không muốn vào bờ, mà chỉ muốn nhảy xuống biển, thì mặc họ!
Lão nhân gật đầu, không nói năng gì nữa. Trong khi lão dợm bước đi, từ trong khoang thuyền, một lão bà bước ra. Nhìn lão nhân, lão bà nghiêm giọng thốt :
- Âu Dương Long Niên! Ngươi vẫn còn cái tánh đoản đó mãi! Không có cách gì cải sửa được sao?
Da mặt nhăn nhúm, dáng đi lọm khọm, bà nương chiếc trượng từ từ bước tới.
Lão nhân giật mình, hỏi :
- Bà là ai? Sao bà biết tên lão phu?
Lão bà há miệng cười, bày hai hàng nớm trơn tru, không còn một chiếc răng.
Bà đáp :
- Ta là ai? Ta chẳng phải là người nhờ hai cha con ngươi cứu nạn đó sao?
Lão nhân cau mày hỏi :
- Nhưng làm sao bà biết tên họ lão phu?
Lão bà đứng lại, chỏi gậy, đấm lưng, rồi than :
- Già rồi! Già quá rồi! Đi đứng mệt nhọc quá đi thôi!
Âu Dương Ba hét :
- Giả vờ cái quái gì! Cha ta hỏi, sao mụ không đáp?
Lão bà hướng mắt sang hắn.
Bắt gặp ánh mắt của lão bà, Âu Dương Ba cúi đầu gấp, thầm nghĩ :
- "Lạ quá, già thế đó mà oai khí vẫn còn làm kinh người được!"
Lão bà cười, thốt :
- Long Niên! Ngươi lại quên ta mất rồi! Tuy cách biệt nhau bốn mươi năm qua, ta vẫn còn nhớ ngươi!
Âu Dương Long Niên kinh hãi :
- Cách biệt bốn mươi năm?
Lão bà tiếp :
- Ngươi không nhớ ra à? Ta đã nói mà, Hải Long Vương là con người hồ đồ lắm mà!
Âu Dương Long Niên càng kinh hãi, thầm nghĩ :
- "Cái hiệu Hải Long Vương, từ hai mươi năm nay ta không dùng đến nữa, sao bà ta biết? Hay bà là..."
Nhưng cho rằng mình đoán sai, lão lắc đầu tiếp :
- Cái hiệu Hải Long Vương lão phu đã bỏ từ lâu rồi, không hề dùng đến nữa.
Bà là ai?
Lão bà thở dài :
- Ta biết! Ta biết! Đáng lẽ ta không nên nhắc đến ba tiếng đó! Còn như ta là ai, nếu ngươi không nhớ ra, thì cứ xem như ta là một kẻ xa lạ!
Âu Dương Ba gắt :
- Mụ không chịu nói thì hãy vào trong khoang thuyền mà nghỉ, đừng đứng đó léo nhéo mãi!
Nhuế Vĩ vụt chỉnh :
- Âu Dương huynh! Không nên vô lễ với những người già cả!
Âu Dương Ba quét mắt sang Nhuế Vĩ, trầm giọng hận, bảo :
- Các hạ nên thủ phận, đừng chen vào việc của người ta.
Hắn từ từ tiến đến Nhuế Vĩ.
Lão bà nhìn Âu Dương Long Niên, không thấy lão ngăn chận con trai toan hành hung, bèn lắc đầu thở dài, gọi :
- Long Niên! Ngươi không nhớ con trai lớn của ngươi chết thảm vì bị giáo huấn kỹ chăng?
Long Niên biến sắc mặt, hét :
- Ba nhi! Không được vô lễ!
Âu Dương Ba dừng chân, lộ vẻ ngạo nghễ thốt :
- Tiểu tử đó không được giáo huấn một lần không được, gia gia ạ!
Lão bà cười lạnh :
- Chỉ sợ ngươi chưa phải là đối thủ của hắn đó thôi!
Bà tiếp luôn :
- Không khéo lại bị người ta giáo huấn ngược lại!
Âu Dương Ba giận dữ, quát :
- Nếu trong vòng mười ba chiêu, ta không đánh văng tiểu tử xuống biển, thì đúng là uổng công gia gia ta truyền dạy võ công trong mười năm dài!
Âu Dương Long Niên vốn tánh bênh con, bên từ cái quấy trở đi, quên mất lời cảnh cáo của lão bà vừa rồi, cười thốt :
- Lãnh giáo vị Nhuế đại ca, để ấn chứng võ công thôi. Đừng đánh thực sự đấy, nghe con!
Thế là lão chấp nhận cho con trai xuất thủ rồi.
Được thế, Âu Dương Ba càng hung hăng hơn, tiến lên mấy bước, đứng nghinh Nhuế Vĩ.