TỐ THỦ KIẾP

Bách Duy lồng ngực phập phồng, giơ hai tay ra đỡ. Liên Nhi lùi lại tránh, cười nói:

- Chúng ta chỉ nói chuyện, cấm không được dùng tay. Nói chuyện xong sẽ hay.

Bách Duy nghiến răng hỏi:

- Chuyện gì?

Liên Nhi lại cười khach khách:

- Ta hỏi câu gì, ngươi trả lời câu ấy, nhưng không được nói dối. Xong rồi, xong rồi thì...

Nói đến đấy thốt nhiên ngưng bặt. Bách Duy mặt đỏ như gấc chín, run run nói:

- Được, được, nàng cứ hỏi đi.

Liên Nhi đôi mắt lẳng lơ, cười tình:

- Tôi muốn biết mấy hôm nay ngươi đi những đâu? Trả lời đi.

Bách Duy đáp:

- Tôi phụng mệnh đi theo Nhâm Vô Tâm, hắn đi đâu, tôi đi đấy.

Liên Nhi lúc này đã đổi giọng, sẵng tiếng hỏi:

- Sao hôm nay Nhâm Vô Tâm không cùng đi với ngươi?

Bách Duy đáp:

- Vô Tâm còn mắc đưa Huyền Chân đi chữa bệnh, nên sai tôi tới đây.

Liên Nhi sầm mặt nói:

- Đành vậy, nhưng sao ngươi lại phải cải trang, để định lừa ta chăng?

Bách Duy đáp:

- Vô Tâm bắt tôi cải trang, tôi phải cải trang, Vô Tâm tuy không có đây, nhưng đã có người khác giám sát tôi thay hắn, tôi chỉ hơi sơ ý một chút là bao nhiêu công lao trước đều mất hết.

Liên Nhi gật đầu nói:

- Ừ, người nói cũng có lý.

Giữa lúc ấy Ngô Tứ Nương chợt đẩy cửa bước vào, ghé tai Liên Nhi nói nhỏ:

- Tên này trả lời lưu loát như vậy, chỉ sợ không đúng.

Liên Nhi cười nói:

- Trông bộ tịch hắn như người mất hồn thế kia, khi nào còn dám nói dối.

Kỳ thực Bách Duy dẫu uống lầm mê dược, nhưng may biết sớm, nên đã dùng nội lực chặn bớt dược lực, không cho phát tác. Tuy nhiên ngoài mặt hắn vẫn làm ra vẻ điên đảo say mê, là chỉ cốt cho Liên Nhi khỏi nghi ngờ, rút cục thì Liên Nhi dù tinh khôn vẫn còn thua Bách Duy một bực.

Ngô Tứ Nương đưa mắt nhìn Bách Duy, rồi lại nháy nháy Liên Nhi, cười một cách tinh quái, mở cửa đi ra. Bách Duy lại làm ra vẻ sốt ruột giục:

- Nào hỏi gì thì hỏi mau lên, dàng dềnh mãi.

Liên Nhi cười một cách lẳng lơ, nói:

- Làm gì mà nóng ruột thế? Vô Tâm sai ngươi lại đây có âm mưu gì không?

Bách Duy nói:

- Hắn chỉ bảo tôi lại đây nghe ngóng động tĩnh thôi. Lúc này hắn đã nửa điên nửa cuồng, còn nghĩ ra mưu kế gì nữa?

Liên Nhi cười nói:

- Vô Tâm điên thật à? Nếu thế thì tốt lắm. Ngũ phu nhân mà nghe được tin ấy, chắc phải cao hứng.

Bách Duy hỏi dò:

- Ngũ phu nhân có ở đây chăng?

Liên Nhi lắcđầu. Chợt lại cười nói:

- Các ngươi tới đây đã không có âm mưu gì, thì sao lại câu kết với bọn Trường Bạch Tứ Hổ?

Bách Duy chột dạ, vội nói:

- Chúng tôi có hẹn ước gì với bọn Tứ Hổ đâu, chẳng qua chỉ ngẫu nhiên gặp nhau ở đây đó thôi.

Liên Nhi nói:

- Vậy thì tại sao họ lại ra sức giúp ngươi? Xem chừng mấy người ấy có vẻ chịu nghe lời người lắm mà.

Bách Duy nói:

- Bọn họ tuy không phải là đồng đảng với Nhâm Vô Tâm, nhưng lại rất ghét Nam Cung thế gia, vì thế nên cố ý tới đây quấy rối. Họ tưởng tôi là Bách Đại thiền sư, nên hết sức cung kính lễ phép. Nhưng bọn ấy toàn là đồ vũ phu thô xuẩn chẳng có gì đáng sợ.

Liên Nhi mỉm cười gật đầu, kế lại hỏi:

- Kẻ phóng hoả vừa rồi, ngươi có biết là ai không?

Bách Duy đáp:

- Tôi không biết, nhưng dám chắc chín phần mười là do bọn Tứ Hổ gây ra. Theo chỗ tôi biết thì những người buộc tay bằng dải lụa vàng, toàn là đồng đảng của họ.

Liên Nhi gật gù cười nói:

- Có lý lắm.

Tiếp đó lại nguýt Bách Duy một cái, õng ẹo nói tiếp:

- Không ngờ ngươi vẫn còn trung thành với Nam Cung thế gia. Ngũ phu nhân vẫn có bụng chờ ngươi, chuyến nầy để tôi sẽ giải thích cho phu nhân rõ. Nhưng sau này nếu được đắc chí, ngươi chờ quên công tôi nhé.

Bách Duy cúi đầu nói:

- Nếu vậy thì ơn ấy bần tăng xin minh tâm khắc cốt, vĩnh viễn không bao giờ dám quên.

Liên Nhi cười khanh khách, đôi mắt lẳng lơ nhìn Bách Duy, rồi thủng thỉnh đứng lên, đi lại phía giường ngủ.

oOo

Diệu Pháp, Diệu Không từ trước đến giờ vẫn ngồi chờ ở dãy phòng Cầm điếm, trong hậu viện. Hai người tính khí đều trầm tĩnh nhẫn nại, nếu đổi thử là Diệu Vũ, tất cả đã chạy ra từ lâu rồi.

Không biết thời gian qua bao nhiêu lâu, chợt nghe phía ngoài có tiếng người kêu thất hoả. Diệu Không vội bảo Diệu Pháp:

- Chúng ta ra xem đi.

Diệu Pháp chỉ lắc đầu, Diệu Không không biết làm sao được đành phải ngồi im. Lúc này ngọn gió ngoài cửa sổ đưa vào đã hơi nong nóng, rõ ràng là đám cháy xẩy ra ở gần đây. Bên ngoài thì tiếng kêu la hò hét mỗi lúc một náo loạn om xòm, Diệu Không sốt ruột nói:

- Sao tự nhiên lại phát hoả như vậy? Hoặc giả việc này có liên quan đến anh em họ Ngô chăng?

Diệu Pháp đáp:

- Đúng!

Diệu Không chẳng biết nói gì nữa, đành lại ngồi im. Một lát sau, tiếng là hét bên ngoài đã dịu, gió nóng cũng bớt dần. Diệu Không lẩm bẩm nói một mình:

- Quái lạ! Bách Duy Đại Sư và Tam sư đệ sao mãi thế này vẫn chưa thấy trở về?

Diệu Pháp vẫn ngồi yên, chẳng rằng chẳng nói, đôi mày cau díu lại, hình như trong bụng đang lo lắng chuyện gì. Diệu Không tuy tức bực nhưng cũng không dám nói ra. Chỉ đành ngây mặt nhìn ra ngoài cửa sổ.

Thốt nhiên nghe ngoài sân có tiếng gà vịt kêu quang quác, Diệu Không mừng lắm, nói:

- A, họ đã về.

Nói dứt lời đã thấy Ngô Nhân đẩy cửa bước vào, sắc mặt hớn hở, quần áo đầy những tro than, vạt áo bên trái cũng bị cháy mất một miếng lớn, cổ tay trái còn buộc một cái dải lụa vàng rộng bằng hai ngón tay.

Hắn vừa bước vào, đã đảo mắt nhìn khắp gian nhà, khẽ hỏi:

- Hai vị có trông thấy bọn anh em tôi đâu không?

Diệu Không lắc đầu:

- Từ nãy chúng tôi vẫn ngồi chết khô ở đây, chẳng những không trông thấy lệnh huynh đệ mà cả gia thúc và xá đệ cũng không thấy đâu cả.

Diệu Pháp lúc này mới lên tiếng:

- Bốn vị cùng đi với nhau, sao bỗng dưng lại thất lạc?

Ngô Nhân nhướng mày cười nói:

- Cuộc hoả hoạn vừa rồi, hai vị có biết do đâu mà ra không? Đó chính là công trình của anh em tôi đó. Chúng tôi chia nhau mỗi người đi một phía, và đồng thời cùng phóng hoả một lúc. Tuy không đốt cháy được hết toà Truyền Thanh dịch, nhưng cũng đủ làm cho bọn Nam Cung thế gia phải kinh hồn hoảng vía.

Hắn nói xong lại cười ha hả, tỏ vẻ kɧօáϊ chí vô cùng. Diệu Pháp sẵng giọng nói:

- Kế của các hạ tuy hay, nhưng Trạm Truyền Thanh này nguyên là tư sản của những người dân lương thiện, không biết Nam Cung thế gia đem lợi rử họ, hay lấy thế lực đe doạ họ mà mượn làm quán chiêu thân? Nhưng họ có mượn cũng chỉ trong một thời gian, rồi lại hoàn lại nguyên chủ, nay các vị tự nhiên phóng hoả đốt đi, có phải là bao nhiêu công trình mồ hôi nước mắt của mấy người dân vô tội, chỉ trong phút chốc đã biến thành tro bụi không?

Mấy câu nói đó, không khác gì một gáo nước lạnh hắt vào mặt Ngô Nhân, làm cho những nét hớn hở đắc ý trêи mặt hắn thốt nhiên tan biến mất cả. Diệu Pháp lại nói:

- Vả chăng lúc này các hạ tuy an nhiên vô sự, nhưng lệnh huynh, lệnh đệ chưa thấy một ai trở về, biết đâu là không bị bọn Nam Cung thế gia chộp cổ rồi?

Ngô Nhân giật mình, tái mặt nói:

- Ờ nhỉ! Để tôi phải đi tìm họ mới được.

Hắn chưa kịp quay ra thì cánh cửa phòng đã hất tung, rồi một bọn bốn năm người xầm xầm bước vào, người đi đầu chính là Ngô Đạo.

Ngô Đạo sắc mặt cũng tươi cười hớn hở, bọn đi sau có một ông già râu tóc bạc phơ, mặt đầy nếp nhăn, và một chàng thiếu nhiên diện mạo tuấn tú, hình dạng hơi hao hao giống ông già, có vẻ như là cha con.

Còn hai người kia, một người da đen, một người da trắng, tuổi đều vào cỡ ba bốn mươi, thân hình lực lưỡng khoẻ mạnh. Tất cả bốn người mặt mũi đều đầy những than tro.

Vào tới phòng, Ngô Đạo đã vội vàng chạy ra khép hai cánh cửa sổ lại. Ngô Nhân kinh ngạc, cau mày hỏi:

- Nhị ca, bốn người này là ai thế? Sao nhị ca lại đưa họ vào đây?

Ngô Đức quay lại, mỉm cười nói:

- Bốn vị bằng hữu đây quý tính cao danh là gì, chính ngu huynh cũng chưa biết.

Câu trả lời làm cho bọn Diệu Pháp và Ngô Nhân cùng đứng ngẩn người ra, chưa biết nói thế nào, thì một người đàn ông đã chắp tay thưa rằng:

- Bọn chúng tôi gặp vị huynh đài đây ở trong đám cháy, trong lúc vội vàng quả chưa kịp thông danh tính. Lẽ ra chúng tôi cũng không dám đường đột vào đây, là vì vị huynh đài này có nói việc cơ mật muốn cùng chúng tôi bàn tính, nên chúng tôi mới đi theo.

Ngô Đạo vội cười nói:

- Huynh đài đừng lầm, Tam đệ tôi ăn nói tuy lỗ mãng chỉ vì vì hắn chưa hiểu rõ nguyên do, để lát nữa tôi sẽ bắt hắn xin lỗi.

Gã thiếu niên mặt trắng lạnh lùng nói:

- Không dám, chỉ xin các hạ giải thích giùm cho một câu là đủ.

Ngô Đạo lúc này mới quay lại nói với mọi người:

- Vừa rồi, trong lúc lửa cháy lớn, tại hạ vẫn đứng bên cạnh xem, thấy trong bọn chữa cháy có bốn vị đây, trông bề ngoài thì tưởng là đến cứu hoả, nhưng kỳ thực thì ngược lại.

Hắn ngừng lại một chút rồi lại mỉm cười tiếp:

- Thì ra tiếng rằng cứu hoả, các vị ấy lại ném thêm những vật bắt lửa vào, nếu ai cũng chữa lửa theo kiểu ấy thì ngôi trạm Truyền Thanh này hẳn đã cháy hết từ lâu.

Ông già chợt vuốt râu cười nói:

- Không ngờ huynh đài tinh mắt đến thế. Chúng tôi vẫn tưởng việc mình làm kín đáo lắm, không ngờ lại bị huynh đài khám phá được.

Ngô Đạo cười hì hì nói:

- Bốn vị làm thế, rõ ràng là cố ý đối đầu với Nam Cung thế gia, mà tại hạ đây lại là kẻ tử thù của Nam Cung thế gia, vì thế nên không nề đường đột, thỉnh các vị lại đây, để tính kế đối phó với kẻ thù chung.

Gã trung niên cười nói:

- À ra thế. Nếu vừa rồi các hạ bảo trước, có phải đỡ sinh chuyện hiểu lầm không? Bây giờ chúng ta đã là bạn đồng chí với nhau, vậy tối nay phải hợp sức lại, làm cho họ phải thất điên bát đảo một phen mới thoả.

Ngô Đạo gật đầu nói:

- Đó chính là chủ ý của tại hạ.

Nói xong lại chỉ dải lụa vàng đeo trêи tay, tiếp:

- Phàm là bạn đồng đạo với ta, ai cũng đeo trêи tay một dải lụa vàng, để tránh khỏi lầm lẫn.

Gã trung niên nói:

- Xin huynh đài ra lệnh, anh em tôi chỉ biết tuân theo.

Ngô Đạo mỉm cười, nói:

- Huynh đệ làm sao đảm đang nổi trọng nhiêm. Chủ trì việc này đã có Bách Đại Đại Sư chùa Thiếu Lâm.

Bốn người đều giật mình, vội hỏi:

- Bách Đại Đại Sư ở đây à? Thế thì may quá, chúng tôi vẫn khát mộ đại danh Người từ lâu, chẳng hay hiện thời Người ở đâu? Nhờ các hạ giới thiệu giùm cho một tiếng.

Ngô Đạo đưa mắt nhìn Diệu Pháp, hỏi:

- Sao giờ này còn chưa thấy Đại Sư trở về?

Diệu Pháp chưa kịp trả lời, đã thấy tiếng gõ cửa cộc cộc, tiếp theo là người gọi:

- Tam đệ mở cửa mau.

Ngô Nhân mừng rỡ chạy ra mở cửa, quả thấy Ngô Đức và Ngô Nghĩa đã đưa một bọn hơn mười người ồ ạt kéo vào. Thì ra là bọn Hoàng Y Lạt Ma.

Mọi người trông thấy bọn Lạt Ma đều lộ vẻ vui mừng. Vị Lạt Ma bé nhỏ chắp tay vái chào mọi người, mỉm cười nói:

- Được gặp các vị cao nhân, bọn bần tăng rất lấy làm hân hạnh.

Quần hào đều cung kính thi lễ, mời ngồi. Căn phòng bé nhỏ lúc này đã chật ních những người, ai nấy tinh thần đều trở nên phấn chấn, chỉ còn thắc mắc vì nỗi mãi chưa thấy “Bách Đại Đại Sư” về. Diệu Pháp đứng lên nói:

- Các vị hãy ngồi đây chờ một chút, để anh em tôi xin đi tìm.

Nói xong lập tức cùng Diệu Không quay ra. Ra tới ngoài đường, thấy người đi lại lũ lượt, ai nấy hình như đều quên hết những chuyện lộn xộn vừa rồi, nhiều người còn chuếnh choáng hơi men, bá cổ nhau vừa đi vừa hát, cười nói ồn ào.

Nhưng cái cảnh tượng nhiệt náo đó cũng không che hết được bầu không khí nghiêm trọng ẩn vào ở bên trong, tất cả những chố kín đáo như sau cánh cửa, góc sân, góc đường đều thấp thoáng có bóng người áo đen đi đi lại lại canh chừng.

Diệu Không khẽ nói:

- Thế này mà anh em họ Ngô vẫn tự lấy làm đắc ý. Họ có ngờ đâu hành tung của họ vừa rồi đã làm cho nhà Nam Cung chú ý đề phòng. Lúc này chúng canh gác nghiêm ngặt thế kia, khó lòng làm gì nổi. Nếu họ không tự lượng, cứ làm bừa đi, e chỉ uổng tống tính mệnh, mà chẳng ích lợi gì cho đại sự... Chỉ tức một nỗi tới giờ phút nầy ta vẫn chưa thấu rõ gan ruột Bách Duy, mà cũng chẳng biết là nên tìm cách can ngăn bọn này đi, hay là cứ để mặc cho họ muốn làm gì thì làm?

Diệu Pháp ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

- Dù sao ta cũng nên ngăn bọn họ đi là hơn, nếu để họ bị tiêu diệt thì mình cũng thiệt mất một phần lực lượng...

Nói chưa dứt lời, chợt nghe “veo” một tiếng, một viên đá cuội nhỏ bằng hạt đậu xanh đã xé luống không khí bay tới.

Viên đá ném vào một khoảng không, còn cách chỗ Diệu Không đứng chừng một thước, đủ hiểu người ném đá không có ý định ám toán, mà chỉ cốt làm cho hai người chú ý.

Diệu Không giật mình, vội quay đầu nhìn lại, chỉ thấy một người đội mũ rơm, mặc áo choàng đen, giơ tay vẫy vẫy, rồi lập tức quay mình đi ngay.

Người này đội mũ sụp xuống tận măt, và kéo cổ áo quàng che lấp cả cằm, nên Diệu Pháp và Diệu Không không trông thấy rõ mặt mũi, tuy nhiên họ đều nhận thấy cái bóng dáng đó có vẻ rất quen thuộc.

Diệu Pháp cau mày nói:

- Tên này gọi chúng ta ra làm gì? Có lẽ hắn là người của Nam Cung thế gia, định như ta ra chỗ vắng để ám hại chăng?

Diệu Không run sợ nói:

- Nếu vậy thì ta đừng ra là hơn.

Hai người còn đang dùng dằng chưa biết quyết định thế nào, thì người kia đã dừng chân lại vẫy lấy vẫy để, xem chừng như có vẻ sốt ruột. Diệu Pháp cau mày nói:

- Người này trông dáng quen lắm, biết đâu không phải là người bọn ta có việc cơ mật báo cáo? Hoặc giả chính là Nhâm tướng công cũng nên? Đi, chúng ta cứ ra xem thế nào đã.

Nói xong, kéo tay Diệu Không đi theo. Cũng may lúc đó có mấy người đàn ông say rượu, chân nam đá chân xiêu, cười nói bô bô đi tới, lôi cuốn sự chú ý của bọn quân canh, thành ra bọn Diệu Pháp lẩn tránh được dễ dàng.

Người mặc áo choàng đen thấy hai người đi theo, liền rảo bước chạy ra phía ngoài trạm Truyền Thanh. Diệu Pháp và Diệu Không cũng vội vã đuổi theo. Khi vừa tới gần, Diệu Không khẽ lên tiếng hỏi:

- Bằng hữu có phải họ Nhâm không?

Người kia ho một tiếng, rồi đột nhiên quay phắt lại giơ hai tay vịn vào hai người, đầu hơi ngả xuống, miẹng nói lảm nhảm:

- Ngon... rượu ngon quá. Hôm nay tối ngày, ta không say, rót thêm ba chén nữa đi.

Tiếng nói lè nhè, rõ ra người đã say đến độ không biết trời đất là gì nữa. Thì ra lúc ấy có một gã áo đen từ xa đi tới, nhìn người mặc áo choàng một lượt, rồi cau mày, vòng ra lối khác mà đi. Diệu Không gật gù cười mỉm, thầm phục người áo choàng nhanh trí.

Ba người đi một quãng nữa, đã trông thấy cây hoè lớn trước cửa trạm Truyền Thanh. Bên ngoài, các vũ lâm hào sĩ bọn năm bọn ba vẫn tấp nập kéo tới, mà người ngồi dưới gốc hoè tra hỏi tên họ và biên sổ, đã đổi thành ba người đàn ông mặc áo dài, nhưng mỗi lần gió lật tà áo lên, người ta còn trông thấy rõ bộ võ phục họ mặc ở bên trong. Do đó mới biết bọn tay chân nhà Nam Cung không phải chỉ có một số mặc võ phục đen như người ta tưởng.

Giữa lúc ấy, chợt một gã đại hán áo đen chạy ra đón đầu ba người, hỏi:

- Các vị định ra ngoài trấn chăng?

Diệu Không giật mình, gượng cười nói:

- Chúng tôi muốn đi chơi một lát có được không?

Gã áo đen nói:

- Hành động của các vị quý khách, bọn tiểu nhân đâu dám can thiệp. Nhưng tiệc yến đã dọn rồi, tệ chủ nhân chính đang mời rượu tiếp chuyện quan khách, nếu không có việc gì cần, thì ba vị không nên đi là hơn.

Câu nói của hắn tuy lễ phép, nhưng giọng nói như ra lệnh. Người mặc áo choàng cười ha hả nói:

- Mời rượu... ha ha, tốt tốt.... Chúng ta lại uống thêm vài chén nữa... ha ha...

Diệu Không chợt nghĩ ra một kế, vội cười nói:

- Ông bạn tôi đây đã quá say rồi, tôi định đưa ra ngoài kia chơi một lát cho tỉnh rượu rồi lại về. Để ở trong này ông ấy cứ nói năng lảm nhảm, ngộ lỡ xúc phạm đến các vị vũ lâm bằng hữu, thì phiền quá.

Gã áo đen chú ý nhìn người say rượu một lát, rồi ngập ngừng nói:

- Đã vậy, các vị đi chơi một chút cũng được, nhưng nhớ đừng có đi xa.

Nói xong tránh ra một bên nhường lối, bọn Diệu Pháp vội rảo bước đi ra, trong khi đó người mặc áo quàng đen vẫn không ngớt lảm nhảm đòi uống rượu.

Khi đã ra khỏi trạm Truyền Thanh một quãng khá xa, ba người tìm vào một chỗ vắng vẻ, Diệu Pháp, Diệu Không lại đưa mắt cho nhau, cùng buột miệng gọi:

- Nhâm tướng công...

Tức thì người mặc áo choàng đen đứng thẳng người lên hấp tấp hỏi:

- Nhâm tướng công đâu?

Hai người cùng sửng sốt bước lùi lại mấy bước, trừng mắt nhìn kỹ, chỉ thấy người ấy lột chiếc mũ rơm, để lộ bộ mặt ra, thì té ra là Diệu Vũ.

Diệu Pháp sầm mặt nói:

- Lúc này mà ngươi còn thì giờ bày trò đùa ư?

Diệu Vũ gượng cười nói:

- Diệu Vũ lớn mặt đến đâu, mà dám bày trò đùa với hai vị sư huynh?

Diệu Pháp vẫn gay gắt hỏi:

- Thế là nghĩa gì? Bách Duy Đại Sư đâu?

Diệu Vũ thở dài nói:

- Cục diện biến đổi quá rồi, đêm nay không chắc chúng ta đã được an toàn...

Rồi chàng thuật lại câu chuyện xảy ra ở trước cửa nhà nghênh tân, và những sự nhận xét của mình về Bách Duy cho hai người nghe. Diệu Pháp và Diệu Không nghe xong thẩy đều tái mặt.

Yên lặng một lúc, Diệu Pháp chợt thở dài nói:

- Theo chỗ tôi biết, Bách Duy quả đúng là một trong bốn vị hộ pháp chùa Thiếu Lâm, còn cái cớ hắn liên kết với nha đầu nhà Nam Cung thế gia, thì thật là một sự không thể tưởng tưởng nổi.

Diệu Không cũng nói:

- Vả hắn ra khỏi chùa Thiếu Lâm là đi theo Nhâm tướng công ngay, còn lúc nào mà cấu kết với Nam Cung thế gia nữa? Còn nếu bảo hắn bị dược vật làm mê mất bản tính, thì cứ coi ngôn ngữ cử chỉ của hắn ngày thường, tuyệt đối không có vẻ gì là mê lẫn. Điều ấy cũng quyết không thể có được.

Diệu Vũ khẽ nói:

- Ta chỉ biết sau khi hắn vào chùa Thiếu Lâm, còn trước đó hắn làm người việc gì có ai biết được đâu? Rất có thể hắn là người của Nam Cung thế gia phái tới chùa để làm gian tế, chờ ngày khởi sự để làm nội ứng cho họ?

Diệu Pháp, Diệu Không đều rùng mình kinh sợ, và cùng nhận thấy Diệu Vũ đoán có lý. Một lát sau Diệu Pháp chợt hỏi:

- Tam đệ theo hắn vào trạm Truyền Thanh, rồi sự thể ra sao?

Diệu Vũ đáp:

- Vừa vào tới quán, tôi bị ngay mấy tên tráng đinh nhà Nam Cung lôi tuột về phía trong hậu viên. Đó là một căn nhà có lẽ bỏ hoang đã lâu. Trong phòng đã bầy sẵn một tiệc rượu trông cũng khá phong thể. Chúng ép tôi uống rượu. Tôi phải vờ làm ra vẻ ngốc nghếch, mặc cho chúng muốn làm trò gì thì làm. Trong khi ấy thì Bách Duy ở đâu không rõ.

Diệu Không cau mày thở dài:

- Không ngờ đường đường một vị Hộ Pháp Thiếu Lâm mà lại là gian tế của Nam Cung thế gia? Tình hình nầy ta phải đi tìm ngay Nhâm tướng công để trù hoạch mưu kế vãn cứu đại cuộc mới được.

Diệu Pháp nói:

- Sư đệ nói có lý, người gánh vác trọng trách lúc nầy trừ Nhâm tướng công ra thì không còn ai nữa.

Diệu Vũ lắc đầu nói:

- Theo ý tiểu đệ thì trạm Truyền Thanh đêm nay tất có đại chiến, bọn anh em họ Ngô đều là người của ta, sau nầy khi nào chúng ta quyết một trận thư hùng với nhà Nam Cung, thì những người ấy chính là chiến hữu đắc lực của ta. Nếu đêm nay ta bỏ mặc họ hy sinh thì thật uổng quá.

Diệu Pháp tái mặt nói:

- Đúng rồi, Bách Duy giả mạo Bách Đại đại sư ra lệnh cho họ lúc nào xử sự phải đeo một dải luạ vàng trêи cổ tay bên trái. Nếu hắn quả là người của Nam Cung thế gia, thì bọn tay sai cứ chiếu theo kế hoạch đó, chộp cổ tất cả ngần ấy người, còn chệch đi đâu được nữa?

Diệu Vũ nói:

- Vì thế tiểu đệ mới nghĩ là chúng ta cần phải tìm kế cứu họ ra ngay mới được. Những chỗ khả nghi của Bách Duy thực quá quan trọng. Dạo này chúng ta thất bại luôn luôn, rất có thể là do tên ấy? Vậy tiểu đệ muốn nhờ nhị sư huynh lập tức quay về lối cũ tìm Nhâm tướng công mới ông ta chủ trì đại cuộc để kịp thời cứu vãn tình thế.

Diệu Không gật đầu lia lịa:

- Phải lắm, sư đệ nói phải lắm, ngu huynh xin đi ngay bây giờ. Nhưng còn Bách Duy? Nếu hắn biết ta đã rõ bộ mặt thực của hắn...

Bình luận

Truyện đang đọc