TRIỆU CÔNG TỬ RẤT ĐÁNG GHÉT!

Biên tậpNey“Cái chứng đa nghi của Triệu công tử có lẽ là di truyền từ bố gã.”Trước khi Triệu công tử đến kinh thành công tác, tôi và gã có nảy sinh cãi cọ. 

Mặc dù đầu nguồn chỉ là cái kéo biến mất. Nhưng sự việc kế tiếp lại vô cùng nghiêm trọng. 

Thói quen sinh hoạt của Triệu công tử và tôi khác biệt rất nhiều. Tôi thường hay để kéo ở hộp dụng cụ, trong khi gã lại hay để nó trong ngăn kéo. Lúc tôi và gã mới dọn vào chung cư đã mất hẳn hai tháng để thống nhất được ý kiến chung là: hoặc là để kéo ở hộp dụng cụ, hoặc là ở ngăn kéo.

Nhưng lần này, kéo lại biến mất.

Cuối cùng thì chúng tôi tìm thấy nó ở trong chậu hoa. 

Vốn cũng không phải chuyện to tát, tôi chỉ thuận miệng nói: “Lần sau đừng quên.”

Triệu công tử nói: “Quên cái mẹ sư, chính em để lung tung.”

Tôi đáp: “Không phải em để lung tung.”

Gã vặn: “Không phải em thì là anh à?”

Đương nhiên là gã rồi. 

Gã nói: “Không phải anh!”

Tôi đáp: “Cũng không phải em.”

Chứ chẳng lẽ còn người thứ ba đến nhà tôi chắc? Kim Tiên Nhi đã được mời đi lưu diễn hí  ở tỉnh ngoài một tháng rồi, nhớ cậu ta ra phết. Cậu ta còn đưa cả Hamm đi cùng luôn, tùy hứng thật.

Cãi vã thường hay khởi nguồn từ chuyện vặt, qua nửa tiếng, tôi và Triệu công tử đã cãi đến chuyện quần áo của tôi và gã ai xấu hơn, nửa tiếng tiếp, cãi đến nửa tháng trước gã thu quần áo lại đánh rơi của tôi một chiếc tất, nửa tiếng nữa, cãi đến liệu tôi có bí mật mưu sát gã sau đó bỏ trốn với Hách Đạt hay không.

Lúc ấy nhắc tới Hách Đạt, tôi và gã đều đồng thời im lặng lại. 

Hách Đạt chính là người thứ ba có thể ra vào nhà tôi! 

Triệu công tử gọi điện thoại: “Mẹ sư có phải hôm qua tới sửa khóa cửa cậu cắm kéo của ông vào trong chậu hoa đúng không?”

Hách Đạt bảo vâng. Hôm qua y tới sửa khóa cửa lúc nhà không có ai, y tiện tay quét nhà, rửa bát, lau bàn, sửa cành cho hoa, chắc có lẽ đã quên cất kéo lại chỗ cũ. 

Triệu công tử cúp điện thoại một cách hung tợn, gào tôi: “Đã bảo không phải anh rồi!”

Tôi cũng nói: “Cũng không phải em.”

Thế là tôi và gã dỗi nhau một đêm, mãi đến tận sáng gã rời nhà đi công tác.

Triệu công tử lòng dạ hẹp hòi, đi công tác hai ngày mà không gọi cho tôi lấy một cuộc điện thoại. May là tôi độ lượng đó, nể tình gã đang thuê trọ chung với tôi, tôi hỏi Hách Đạt số điện thoại khách sạn.

Hách Đạt hỏi thăm được điện thoại phòng khách sạn mà Triệu công tử đặt cho tôi rất nhanh. Tôi gọi, nhưng không ai nhận. 

Cứ một tiếng tôi gọi một lần, gọi đủ hai tư tiếng, vẫn không ai nhận. 

Tôi hỏi Hách Đạt, Hách Đạt trả lời: “Nguy rồi, tôi hỏi đồng nghiệp đi cùng, cậu ta bảo Triệu công tử mất tích rồi!”

Tôi: “…”

Hách Đạt: “Để tôi đi tìm chú tôi!”

Y liền đi tìm chú Đại Lực. 

Tôi nghĩ lại, gọi điện cho anh Ba: “Anh Ba, anh có gặp Long không?”

Anh Ba đáp: “Hôm qua có ăn cơm với nó, xong rồi nó tự đi về.”

Tôi nói: “Anh ấy mất tích rồi.”

Anh Ba đáp: “Người sống lù lù sao mà mất tích được? Bên này… ôi!”

Tôi: “?”

Anh Ba đáp: “Không sao. Em không phải lo. Anh đi tìm nó cho. Thôi nhá. Nói sau nhá.”

Anh Ba cũng hoảng đến nói một câu chấm câu một lần rồi lại còn bảo không sao, tôi chẳng tin. 

Sau khi tắt máy, tôi tính toán tỉ mỉ một phen, đang định hành động thì nhận được điện thoại của Triệu tứ gia: “Triệu Long bị mất tích?”

Tôi đáp: “Vâng. Con lập tức bắt tàu hỏa lên kinh tìm anh ấy.”

Triệu tứ gia: “Mày đi thì được gì! Hay là mày muốn bỏ trốn giữa chừng?”

Cái chứng đa nghi của Triệu công tử có lẽ là di truyền từ bố gã. 

Triệu tứ gia tiếp: “Cứ ở yên nhà đợi, đừng đi đâu hết! Đừng có nghĩ người khác là ngu, một đứa chạy trước, một đứa khác ngụy trang đi tìm người để chạy theo, lúc ông dùng chiêu này thì thằng ranh Triệu Long nó còn ở bờ đê gốc dứa đấy.”

Tôi: “…”

Bố con hai người đừng nghĩ lòng người hiểm ác như vậy có được không ạ?

Tôi chỉ có thể ngồi ở nhà đợi. Nhưng điện thoại mãi mà không reo, thậm chí tôi còn cho là điện thoại đã hỏng. Mỗi lần Triệu công tử tức lên là lại phải đập điện thoại, điện thoại khó mà không hỏng lắm. 

Hồi thiếu niên tôi vừa mới tới nhà họ Triệu không lâu, đã từng chứng kiến gã điện thoại bị gã đập hỏng. Từ cái đận ấy là gã đã thích đập điện thoại rồi. 

Có lần Triệu tứ gia dẫn gã, các anh em khác với các bà vợ lẽ đi nghỉ ở xa ba ngày, còn tôi thì ở nhà trông nhà vì ốm nhẹ. Tôi uống thuốc xong ăn canh nóng rồi ngủ liền, sau một đêm là đã khỏi, ngồi sung sướng phơi nắng đọc sách trong vườn hoa, dù sao những lúc dễ chịu như thế không nhiều.

Nhưng mà giây phút dễ chịu ấy kết thúc vì Triệu công tử đáng ghét.

Từ xa xa gã đã gào tôi: “Mẹ sao em không nghe điện thoại?!”

Sợ đến mức tôi đứng phắt dậy khỏi ghế nằm ở trong vườn hoa của gã: “Điện thoại không kêu.”

Gã quát tôi: “Ông gọi suốt một đêm!”

Nhưng thật sự tôi không nghe thấy!    

Chú Đại Lực đưa gã về thì nhìn tôi vẻ rất không vui, nhìn tôi: “Gọi suốt một đêm thật.”

Tôi càng thấp thỏm tợn. Tôi là trẻ mồ côi được nhà họ Triệu cưu mang, nhưng ngay cả trông nhà và nhận một cuộc điện thoại cũng không làm được, có lẽ họ sẽ bán tôi mất. 

Tôi vội vã xin lỗi, còn hỏi thăm xem tôi đã làm lỡ chuyện hệ sự gì, để tự đoán xem mình bị đuổi khỏi nhà họ Triệu theo cách nào. 

Triệu công tử lạnh lùng nói: “Không việc gì.”

Tôi không tin, chắc chắn tôi đã làm lỡ chuyện rất hệ sự gì rồi, đến gã cũng không dám nói với tôi. 

Triệu công tử không kìm được bảo: “Đã bảo không việc gì!”

Chuyện đến nước này thì không cần phải nói dối thiện ý nữa đâu!

Triệu công tử mắng tôi: “Dở à, đã bảo không việc gì!”

Tôi không dám nói tiếp nữa. Tóm lại là nghe ý trời ý. 

Chờ gã giận đùng đùng bỏ vào phòng rồi, chú Đại Lực mới lạnh lùng nói với tôi: “Cả đêm cháu không nghe điện thoại, cậu ấy tưởng cháu ốm bị ngất, nên cách mấy cũng đòi về.”

Tôi: “…”

Chú Đại Lực còn nói: “Lần sau đừng gây chuyện phiền phức vậy nữa.”

Tôi đáp: “Vâng.”

Tôi lên lầu tìm Triệu công tử, gã lạnh lùng nhìn tôi: “Sao?”

Tôi nói: “Chú Đại Lực bảo anh lo em ốm ngất, cảm ơn anh.”

Triệu công tử lạnh lùng hừ một tiếng.

Tôi lại nói: “Nhưng mà mới rồi em kiểm tra một chút, hình như lúc trước khi đi là điện thoại đã bị anh đập rồi.”

Triệu công tử thẹn quá hóa giận mắng tôi: “Xéo!”

Tôi quyết nói xong mới xéo: “Với lại anh có thể điện cho thím Vương, để thím ấy sang đây xem thử mà.”

Triệu công tử mắng tôi: “Xéo.”

Gã đúng là chua ngoa, nhưng đây là chuyện của gã, tôi vẫn phải làm xong chuyện của tôi, tôi bèn thôi thúc lòng dùng cảm đi sang ôm gã: “Cám ơn anh.”

Triệu công tử quát bên tai tôi: “Mẹ sư em xéo đi!”

Tôi nói: “Lần đầu tiên có người quan tâm em như vậy ấy, cảm ơn anh.”

Gã lặng im một lát, nói: “Xéo.”

Thấy gã kiên trì như vậy nên tôi đành xéo. 

Ngẫm lại chuyện quá khứ, tôi đột nhiên ngộ ra. 

Nhỡ đâu bị Triệu tứ gia đoán đúng một nửa rồi? Triệu Long trốn rồi! Gã không nói với  tôi đã trốn luôn rồi! Gã bỏ lại tôi ở đây để tung hỏa mù Triệu tứ gia, còn tự gã thì chạy trốn đi theo đuổi tự do rồi! Kiểu người đáng ghét như Triệu Long chắc chắn dám làm thế đấy!

Thế không công bằng. Tôi nhất định phải lập tức lên kinh tìm cho ra được gã, lên án gã sao lại thất tín bội nghĩa, sau đó giao gã cho Triệu tứ gia để lập công, tiếp đó tôi sẽ tranh công rồi cao bay xa chạy một mình, hừ!

Tôi cầm ví đang định đi ra cửa trạm xe lửa, mới vừa thay giày xong, đã nghe thấy điện thoại reo, anh Ba nói: “Nhất Tâm à, tìm được Long rồi, đừng có lo nhé.”

Có lẽ anh Ba và Triệu tứ gia đã bắt tay thành công, anh Ba cầm chân không cho tôi lập công, rồi tranh công để vòi tiền Triệu tứ gia. Vì vậy tôi bình tĩnh hỏi: “Anh ấy đâu?”

Anh Ba nói: “Long, Nhất Tâm muốn nói chuyện với em này.”

Triệu công tử: “Sao thế?”

Tôi cảnh giác hỏi: “Cuối cùng thì cây kéo ở đâu?

Triệu công tử yên lặng một hồi: “Mẹ sư em gọi điện nhiều vậy chỉ vì tiếp tục gây với ông đúng không?! Em bị dở hả?! Về rồi ông vứt hết đám chậu hoa cho em xem!”

Tốt, không phải anh Ba tìm người đóng giả Triệu Long, không có ai có thể đóng giả ra được 1/10 mức độ Triệu Long khiến người ta phát ghét được, cách điện thoại mà cũng làm người ta muốn đánh gã. 

Tôi hỏi: “Sao anh lại mất tích.”

Triệu công tử đáp: “Ông mất tích cái chó gì, đã báo cậu kia là đi ông đi ra ngoài một ngày không về khách sạn, mẹ nó, lúc nói cậu ta uống say dậy thì không nhớ, mẹ sư, còn chưa được bằng nửa Đầu To.”

Tôi đáp: “Ờ.”

Triệu công tử: “Tại em hại hết, về anh lại bị bố mắng cái chắc! Mẹ sư em chỉ giỏi hại anh!”

Tôi đáp: “Ờ.”

Triệu công tử: “Không thèm nói chuyện em nữa! Mẹ!”

Anh Ba giằng lấy điện thoại: “Cái này không đập được, phải đền đó… Nhất Tâm à, không sao, yên tâm đi, nó không sao, nó chỉ đến chợ đồ cổ ở ngoại ô Kinh thành tìm mua đồ thôi, chỗ đó cách khá xa, người ta lại bày quầy muộn, nên nó ở hẳn lại đó một đêm ấy.”

Nguy rồi, chắc chắn gã lại bị lừa tiền nữa rồi. 

Tôi hỏi: “Thế tại sao lúc đấy anh lại hốt hoảng như bỗng nhớ ra gì đó?”

Anh Ba: “Lúc ấy anh gọi điện cho em mà ngài Trần lại đi qua trước mặt anh, đánh rơi quyển sổ ghi chép, nên anh vội vàng đuổi theo trả lại cho ngài ấy.”

Tôi: “Ồ thế ạ.”

Anh Ba: “Em biết ngài Trần không ấy?”

Tôi đáp: “Có ạ.”

Anh Ba: “Chờ em đến học chung với anh nhé!”

Tôi đáp: “Lúc nào có dịp thì em sang.”

Anh Ba: “Được được được.”

Trệu công tử: “Được cái bíp, học cái bíp!”

Gã đúng là đáng ghét phát khiếp lên được. 

*

Nhật ký của Triệu công tử: 

Nếu không phải Khâu Nhất Tâm quấy rối, tôi có thể đào được cho em ấy nhiều sách cổ bản độc nhất quý hiếm hơn rồi.

Bình luận

Truyện đang đọc