TỬ CẤM THÀNH NGHÌN LẺ MỘT ĐÊM

#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_dịch_và_viết

ĐÊM THỨ HAI MƯƠI MỐT

Trong suốt gần sáu trăm năm chìm nổi của lịch sử Minh - Thanh, có biết bao người muốn ngồi lên ngôi cửu ngũ chí tôn, chạm tay tới ngai rồng được đặt trong Tử Cấm Thành và trở thành hoàng đế oai phong một cõi. Chỉ tiếc nhiều người mộng còn chưa thành thì đã thân bại danh liệt, chỉ có một số ít người có thể thực hiện được, họ trở thành thiên tử, có thể tùy tiện giết người, có thể cưới 2811 bà vợ cùng một lúc, có thể ăn một bữa cơm ngốn hai mươi ngàn lượng bạc trắng... Đồng thời, Tử Cấm Thành cũng là nơi tập trung vàng bạc châu báu quý hiếm giữa thế gian, tập trung quyền lực, và cũng là nơi tồn tại rất nhiều bí mật. Những bí mật ấy có người biết, có người không, có người quan tâm, có người không quan tâm. Hôm nay An sẽ giới thiệu đến các bạn một vài "bí mật" mà An biết nhé:

1. Tam Hi Đường:

Vào thời Càn Long, trong Tử Cấm Thành có tồn tại một nơi gọi là Tam Hi Đường. Có tận 99,9% người đều cho rằng nơi này được gọi như vậy là do bởi có cất giữ ba tác phẩm thư pháp danh tiếng được mệnh danh là "tam hi mặc bảo" gồm "Khoái tuyết thời tình thiếp" (ánh nắng sau tuyết) của Vương Hy Chi, "Trung thu thiếp" của Vương Hiến Chi (con trai của Vương Hy Chi) và "Bá viễn thiếp" của Vương Tuân. Nhưng thực ra không đúng. Càn Long có một người thầy tên là Thái Thế Viễn, ông ta có một thư phòng tên là Nhị Hi Đường với ý "sĩ hi hiền, hiền hi thánh" (kẻ sĩ mong thành người hiền, người hiền mong thành thánh nhân), thế là vua Càn Long cũng cho xây một thư phòng riêng rồi đặt là Tam Hi, nhiều hơn Nhị Hi một tầng nghĩa: thánh hi thiên (thánh nhân ước thành trời). Thực ra những lời này giảng giải về ba nấc thang trong cuộc đời: như thế nào làm một hiền nhân, làm một thánh nhân và làm một thiên tử. Và cách để bước lên được ba nấc thang này chính là: cố gắng, cố gắng và tiếp tục cố gắng!

2. Lục đầu bài:
Nếu người nào có vợ đi ngoại tình thì mọi người sẽ trêu rằng người đó "đội mũ xanh". Thế nhưng vào thời Thanh có một định chế như này, nếu thần tử có chuyện khẩn cần gặp hoàng đế thì có thể dùng "lục đầu bài" (thẻ có đầu màu xanh), muốn bắt người hay miễn xá phạm nhân cũng dùng lục đầu bài, thậm chí hoàng đế chọn phi tần để thị tẩm cũng lật thẻ có đầu màu xanh.

3. "Phóng hiền khúc" (Khúc hát kiếm tìm người tài):
Hồi mới đầu, cung nhà Thanh không có tục cúng ông Táo. Phải đến thời vua Khang Hy, ngài thấy tập tục hai ba đưa ông Táo về trời khá hay nên đã mang về cung, đồ cúng tế là hai con dê thượng hạng và ba mươi ba loại hoa quả tươi ngon. Lần nọ, trong cung Khôn Ninh, vua Càn Long cúng ông Táo xong, sẵn tâm trạng đang tốt nên ngả người lên chiếc kháng, vừa gõ nhịp vừa hát "Phóng hiền khúc". Được nghe hoàng thượng hát quả là một "hưởng thụ ngàn năm có một".

4. Đồng hồ:
Vào thời Thanh, người ta tính giờ bằng một loại đồng hồ tên là "đồng lậu". Đó là một kiểu đồng hồ nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định giờ giấc ngày xưa và được sử dụng rất rộng rãi. Loại đồng hồ này có tầm quan trọng đến mức hoàng đế Càn Long từng khắc lên chiếc đồng hồ nước trong cung bài "Khắc lậu minh".
Song một ngày nọ, một mục sư dâng tặng cho Càn Long một chiếc đồng hồ kiểu Tây, kể từ đó mâu thuẫn giữa đồng hồ nước và đồng hồ kiểu Tây được sinh ra. Lúc đầu vua Càn Long còn kiên trì sử dụng đồng hồ nước bởi ngài nghĩ đồng hồ nước phù hợp với sự vận hành của trời đất. Nhưng đồng hồ nước có một nhược điểm trí mạng là đến mùa đông thì nước lại kết thành băng, rốt cuộc chỉ đành sử dụng đồng hồ kiểu Tây.

5. Thượng Thừa Kiệu:

Thượng Thừa Kiệu là đội ngũ khiêng kiệu cho hoàng gia trong cung nhà Thanh. Cấu trúc nhân sự của đội ngũ này không mấy phức tạp, đứng đầu là hai thái giám bát phẩm, còn lại là thái giám khiêng kiệu. Những thái giám khiêng kiệu không chỉ sở hữu diện mạo đoan chính mà cơ thể phải khỏe mạnh và cao ráo. Khi hoàng đế ngồi kiệu, phía trước sẽ có thái giám mở đường, thái giám này sẽ vừa đi vừa cất tiếng "xùy xùy". Người nào vô phận sự mà nghe được âm thanh này thì sẽ vội tránh đi.

6. Ngự y:
Nhiệm vụ của ngự y triều Thanh là xem bệnh cho hoàng đế, hoàng hậu và những nhân vật thuộc hoàng thất. Bất kể những người này có bệnh hay không thì ngày nào ngự y cũng phải đến xem mạch, tục gọi là "bình an mạch", nói nôm na chỉ là bắt mạch như bình thường mà thôi. Sau khi xem xong "bình an mạch" thì ngự y sẽ phải kê một "phương thuốc bình an". Tất nhiên, hoàng thượng, hoàng hậu và hoàng tộc có thể không uống thuốc nhưng ít ra ngự y có thể giữ được mạng mình!

7. Mời rượu tết:
Hoàng cung là nơi có rất nhiều lễ tiết, tết âm lịch là một trong những ngày lễ nhộn nhịp nhất. Mỗi dịp tết, hoàng đế đều thiết tiệc ở cung Càn Thanh và mời rượu hoàng thái hậu. Lúc mời rượu hoàng thái hậu, hoàng đế sẽ hít một hơi thật sâu bởi khi vãn bối mời rượu trưởng bối mà hít vào thở ra là không lễ phép, buộc phải nói liền một hơi. Thật sự muốn tưởng tượng một chút, trong lúc mời rượu mà hoàng thượng bị ngộp thở chắc là rất buồn cười nhỉ.

-------------------------------------


Ảnh dưới là một phần của bức "Khoái tuyết thời tình thiếp" (ánh nắng sau tuyết) của Vương Hy Chi.


Thẻ bài thị tẩm

Cách tính giờ thời xưa


Bình luận

Truyện đang đọc