ÁN TỬ MỘT TÌNH YÊU - THE DEATH OF A LOVE

Tình cờ đi ngang qua, Văn dễ dàng trông thấy Du ngồi dưới gốc cây sung. Thật nhỏ bé và dịu dàng. Có lẽ là lần đầu tiên Văn nhận ra một Vân Du như thế. Người mà mỗi đêm đều khóc, đều đau đớn trong thầm lặng, cũng có lúc được bình yên ghé qua?

Đứng bên kia dãy hàng rào kẽm, Văn quay đầu nhìn về phía chân trời. Nắng sắp tắt, rồi hoàng hôn đến nhanh thôi. Kỳ lạ, những thứ càng mau chóng biến mất thì càng đẹp. Như biết sẽ không bao giờ trở lại nên chúng muốn một lần được trở nên rực rỡ.

Trái Đất vẫn quay, ngày lại nối tiếp ngày, ấy vậy nắng chiều của hôm nay hình như không giống với hôm qua. Bởi, thiên nhiên cũng thay đổi hay do cái nhìn của người ta đã trở nên khác đi vào mỗi ngày? Nắng rút dần, bóng râm ngày càng lấn sân. Văn nhìn qua vai, nắng chơi trò cút bắt núp sau lưng mình.

Tiếng cán bộ cất lên, nhắc nhở các phạm nhân nữ đã hết giờ lao động. Bấy giờ con Muội mới ngừng việc cắm mặt xuống cỏ, đứng dậy nhìn về phía hai cô chị. Chị Giảo đưa tay vẫy nó đến đây, còn Du toan quay đi thì bất chợt có điều gì níu chân lại.

Du ngước nhìn mặt trời tuột xuống đám mây, hoàng hôn tan loãng như lòng đỏ trứng bị đánh tan. Du đưa bàn tay lên cao, xòe rộng. Thứ ánh sáng cuối cùng còn sót lại của ngày xuyên qua kẽ tay, chiếu vào mắt cô chói lòa. Tự dưng phản chiếu trong đáy mắt là hình ảnh những vòng kẽm gai sắc bén trên bức tường ở phía xa. Các góc nhọn sáng lóe.

Mong muốn được thoát ra ngoài bỗng trỗi dậy trong lòng, và Du đã đứng nhìn vòng kẽm gai hệt như bị thôi miên. Ngay cả Văn cũng khó hiểu trước hành động kỳ quặc ấy. Chàng bác sĩ chờ đợi... Một cơn gió mạnh từ phía sau thổi ngược lên tưởng chừng có một bàn tay to lớn đẩy Du về phía trước.

Sự thôi thúc vẫn còn khiến Du thò tay vào túi quần, lấy ra chiếc máy bay giấy mà Oanh gửi. Kín đáo nhìn hai cán bộ đang nói chuyện với phạm nhân, Du nhích lên vài bước, cầm máy bay giấy đưa lên qua đầu. Biết đây là món quà của con gái nhưng Du vẫn muốn làm cái chuyện mình mong mỏi bấy lâu nay.

Gió nổi. Không chần chừ Du phóng máy bay giấy lên cao, hướng nhắm đến hàng rào kẽm gai trên gờ tường cao. Ánh mắt Du đầy khát khao dõi theo đôi cánh nhỏ chao liệng trong không trung. Rồi chợt gió tắt, nó không đủ sức vượt qua tường. Cái nhìn chờ đợi của Du dịu lại, bỗng nhận thấy bản thân vừa hành động ngớ ngẩn. Kẻ có tội mà lại vọng tưởng muốn tự do sao? Du liền xoay bước.

Văn đã chứng kiến nãy giờ việc làm của Du. Vào cái lúc Du phóng máy bay giấy kia lên cao, chính anh cũng đã hi vọng nó sẽ bay ra ngoài. Là gió không đủ mạnh hay giấy không đủ nhẹ? Là bức tường kia quá cao hay sự trừng phạt quá nặng? Có lẽ trong đời mỗi người, ai cũng đã từng một lần thử nhảy qua bức tường tội lỗi.

Phía trên cao, chiếc máy bay giấy mắc kẹt lại trong vòng kẽm gai, nằm im lìm.

*****

Ngày kia, con Muội nhận được tin dữ: Mẹ nó bị xe đụng chết! Dù quản giáo Ngà lặp đi lặp lại cái thông báo chấn động ấy đúng năm lần thì nó vẫn còn chưa tin. Nó cố nhớ lại xem hôm nay có phải ngày cá tháng tư không. Mà hình như tháng tư qua lâu rồi đó chứ.

Con Muội đứng trơ ra bất động, nghĩ sao con người có thể chết dễ dàng đến vậy? Tuần trước mẹ nó mới vô tù thăm con gái, lúc ấy bà chỉ ho vài tiếng và vẫn còn khỏe mạnh lắm. Con Muội chưa thấy chuyện nào phi lí như cái chuyện này. Các phạm nhân nữ khác cũng bất ngờ chẳng kém.

- Cha dượng em đang ở phòng thăm, em đến gặp ông đi.

Chị Ngà khuyên nhủ. Hình như sốc quá nên con Muội chẳng nghe thấy gì, không biết phản ứng ra sao. Trông thế, mấy chị bạn tù giục nó mau mau đến gặp cha dượng hỏi rõ sự tình cái chết của mẹ. Nhận ra đôi chân con Muội đang run, Vân Du liền nhẹ nhàng đẩy nó bước đến cửa buồng giam. Chị Ngà vỗ nhẹ vai, như một mệnh lệnh buộc nó phải đi theo. Và con Muội theo gót quản giáo đi thật nhưng trong tình trạng vô thức, trống rỗng.

Con Muội chẳng rõ mình đã đi qua bao nhiêu dãy hành lang, bao nhiêu khúc cua mà chỉ đến khi thấy cha dượng ngồi lặng lẽ bên bàn thăm thì nó mới bừng tỉnh. Không hề vội vã, con Muội chậm rãi ngồi xuống phía đối diện, chẳng để ông kịp lên tiếng là đã hỏi:

- Mẹ tôi đâu? Sao hôm nay bà ấy không vào thăm tôi?

Cha dượng có chút ngạc nhiên, lẽ nào quản giáo Ngà không báo cho con gái biết?

- Muội à, nghe cha nói... Ba hôm trước mẹ con bị xe đụng mất rồi.

- Tôi có nghe nhưng chả tin đâu, làm sao mà mẹ tôi chết dễ vậy được. Cha về bảo với bà ấy vô đây thăm tôi đi, như mọi lần đó.

- Muội ơi Muội, lúc này mà con còn đùa giỡn với cha hả?

Tức thì con Muội đánh tay cái rầm xuống bàn, khiến ai nấy đều giật mình. Giọng nó nghẹn ứ vậy mà vẫn cố nói thật to:

- Mẹ tôi không có chết!

Cán bộ phòng thăm yêu cầu phạm nhân đừng quá kích động. Con Muội chẳng còn bận tâm gì nữa, để mặc nước mắt rơi lã chã dù bản thân không hề muốn khóc. Đối diện, cha dượng kinh ngạc trước biểu hiện giận dữ nhưng đau khổ của nó thì ông như chợt hiểu phần nào, đứa con gái bướng bỉnh này vẫn thật yếu đuối. Ông nói nhẹ nhàng như muốn xoa dịu vết thương trong lòng con Muội:

- Cha biết con bị sốc nhưng sự thật vẫn là sự thật, mẹ con đã mất.

- Tại sao mẹ lại bị xe đụng trong khi lúc nào cũng ngồi xe hơi?

- Mẹ con đi qua đường, do mải suy nghĩ nên không để ý có xe ngược chiều.

- Bà ấy đi đâu chứ?

Thấy thái độ hờn trách từ con Muội, cha dượng nén tiếng thở dài buồn bã:

- Mẹ con đến nhà cô gái bị con đánh để xin lỗi người ta.

Con Muội tròn xoe mắt, nghĩa là gì? Cha dượng nhìn con gái mà như thể nhìn về một nơi xa xăm nào đấy, hồi tưởng lại những chuyện chưa kịp kể.

Lúc con Muội vô tù, đêm nào mẹ nó cũng khóc và tự trách. Không lo được cho con khỏi tù tội, bà liền tìm đến nhà nạn nhân, cốt xin người ta tha thứ cho con. Hồi đầu cha mẹ cô gái mắng nhiếc sỉ vả nhiều bao nhiêu, bà vẫn nhẫn nhịn chịu đựng. Hết xin lỗi rồi quỳ lạy, mẹ con Muội làm đủ mọi cách. Ngày nào bà cũng đến nhà thăm hỏi và bị cha mẹ cô gái đó đuổi hoài. Nhưng bà không bỏ cuộc, kiên nhẫn đến cùng.

Ngày này qua ngày nọ, dần dà rồi cô gái thấy xiêu lòng vì tội nghiệp cho một bà mẹ thương con. Gia đình cô ấy, tuy chưa hoàn toàn tha thứ nhưng cũng nguôi ngoai mà chấp nhận sự thành tâm của người đàn bà đau khổ đó. Mẹ con Muội mừng dữ lắm, cố gắng thuyết phục người ta vô tù gặp con Muội để cho nó cơ hội được xin lỗi. Cô gái nhất quyết không chịu, vì hiểu rõ con Muội chẳng đời nào chịu cúi đầu. Nên hôm trước, bà mới vào gặp con Muội khuyên nó đủ thứ. Cuối cùng thì đúng thật là nó không đồng ý.

Sau ngày đó, mẹ con Muội tiếp tục đến nhà người ta xin tha thứ cho con gái bà. Rồi vào buổi sáng đẹp trời, bà từ nhà cô ấy đi ra và băng qua đường, chiếc xe khách chạy ngược chiều xuống không kịp nhìn thấy bóng dáng đó...

Con Muội ngồi nghe kể sao cứ thấy giống phim Đài Loan nhiều tập quá. Về một người mẹ vì đứa con gái ngỗ ngược mà phải tìm đến nhà van xin, quỳ lạy người ta tha thứ. Có chết, nó cũng chẳng bao giờ nghĩ "cái người" mà chỉ luôn sống vì tiền ấy lại hành động như thế vì mình. Lâu lắm rồi con Muội vẫn tự hỏi, mẹ còn thương con không? Thương mà sao bỏ con đi kiếm tiền hoài, thương mà sao cứ để con một mình chống chọi với nỗi mất mát của tuổi mới lớn?

Bất giác, con Muội mếu máo. Nước mắt khó ưa lắm, lúc muốn thì không rơi, đến lúc không muốn thì rơi mãi. Đưa tay lau mặt liên tục mà chẳng ăn thua, nó để mặc luôn. Tự dưng giờ nó biết hối hận, lại còn nghĩ "giá mà hôm đó mình nói chuyện nhẹ nhàng với bả thì có phải tốt không". Phải chi con Muội đừng giả vờ bướng. Phải chi nó có thể nói thật lòng là con nhớ mẹ. Phải chi nó được ông trời báo, đây là lần gặp cuối cùng của hai mẹ con. Phải chi... Phải chi... Ừ, nhiều quá hai cái từ đó khiến lòng nó đau kinh khủng.

Ngày trước con Muội hình như có hận mẹ, nhưng giờ nó thấy hận chính mình. Nó ghét cay ghét đắng bản thân, cái con người lúc nào cũng ngang ngược, cũng sống không thành thật. Và ghét cái con người mà ngay cả việc mình đang được bảo vệ mà cũng chẳng biết. Nếu con Muội may mắn gặp lại mẹ, dù là trong giấc mơ, thì nó sẽ hỏi: Có đáng không mẹ? Có dáng vì một đứa con gái như con mà đánh đổi như thế không hở mẹ?

Trước lúc rời khỏi phòng thăm, con Muội kịp nghe cha dượng bộc bạch: Đừng có trách mẹ nghen con! Khi cha con mất, mẹ con đau lòng quá mới vùi đầu vô công việc, suốt ngày chỉ kiếm tiền. Mẹ từng nói với cha, điều bà ân hận nhất cuộc đời là lúc đó đã vô tình để lạc mất đứa con gái duy nhất. Con thành ra như vậy cũng do trời trừng phạt bà ấy! Nên, đừng trách mẹ nữa nha con...

*****

Đồng Văn đóng hồ sơ bệnh lí, dùng hai ngón tay bóp nhẹ vầng trán mỏi mệt, ngả đầu nhắm mắt nghỉ ngơi. Đêm đã khuya, không gian tĩnh lặng đến mức Văn nghe tiếng thở khò khè trong cuống họng khô khốc của mình. Côn trùng lại kêu rỉ rả, có âm thanh gọi nhau não nề của con vật nào đó.

Văn nhớ lại buổi tối nay đã nghe loáng thoáng tiếng chim quyên hót. Khi xa khi gần, khi thật khi ảo, cứ như Văn đang chìm vào mộng mị. Vì lúc ấy anh lỡ ngủ gục trên bàn làm việc. Dù không rõ ràng nhưng Văn vẫn cảm nhận sự bi ai, thê thiết của tiếng hót. Đúng là nghe buồn thật! Nỗi vô thường của trần đời.

Văn lại nghĩ đến Vân Du. Lần gặp vừa rồi, Du không lấy cuốn nhật kí về chứng tỏ không còn muốn chia sẻ, giãi bày với anh nữa. Điều đó buộc Văn phải có cách trị liệu khác, chí ít để báo cáo với Phó giám thị Dũng về tình hình của phạm nhân. Dẫu Văn tự thấy phương pháp viết nhật kí điều trị rất tốt, minh chứng là thời gian qua tinh thần Du có khởi sắc. Nhưng bây giờ cô từ chối nó thì Văn phải làm gì? Ép buộc hay thuyết phục? Chắc hẳn Du sẽ phản kháng.

Văn biết rõ, Du không thích anh tìm hiểu quá nhiều về quá khứ của mình. Chỉ là Văn khó kìm chế cái mong mỏi được biết Du từng trải qua những chuyện gì. Hay thậm chí việc anh muốn đến gần Du, chạm vào tâm hồn còn nhiều uẩn khúc của cô. Chính bản thân Văn cũng không rõ tại sao.

Văn mở mắt ra ngồi thẳng dậy, với tay lấy cuốn nhật kí để mở dưới ánh đèn bàn. Khẽ khàng lật từng trang cho đến trang viết cuối cùng của Du, Văn đọc câu cô từng hỏi: "Bác sĩ đã bao giờ nằm mơ thấy ác mộng chưa?". Văn có chút suy tư. Du nói anh đang che giấu một bí mật, và cô đúng. Có phải Du cũng muốn biết điều Văn che giấu là gì?

Hẳn, đã đến lúc Văn nên đối diện với cái quá khứ đáng sợ ấy. Văn muốn người khác giãi bày thì trước hết, anh phải giãi bày với họ. Văn cầm viết, đôi tay có chút run rẩy nhưng không sao, mọi thứ sẽ ổn thôi.

*****

Từ sau hôm nhận tin mẹ mất, con Muội nằm buồn chỏng buồn chơ. Cứ chốc chốc lại lôi ra mấy cái lá thư hồi đó mẹ nó gửi vô đều đặn mà nó chẳng thèm ngó qua một lần, đọc đi đọc lại mãi. Trước giờ các chị bạn tù quen nhìn một con Muội lạnh lùng, cộc cằn và gai góc, nay chỉ thấy một con Muội nằm khóc tỉ tê, khi thì nấc lên khi thì sụt sịt mũi. Ai nấy chỉ biết thở dài, thương cho nó.

Chị Giảo cũng rầu theo, có bận nọ còn nói chơi, chị sinh con ra chắc mặt nó cũng ủ ê cho xem. Bầu không khí của buồng giam số 5 trở nên lặng lẽ, buồn bã. Còn Du nhiều lần trông cảnh con Muội ngồi bó gối, ôm đống thư của mẹ vào lòng, thẫn thờ ngó ra ngoài cửa sổ như thể trên tầng mây cao vời vợi kia là nơi mẹ nó đang sống. Mỗi đêm nghe con Muội khóc thầm vì nhớ mẹ, Du chợt nghĩ, khi chết đi thì người ta mới được đối xử tử tế.

Cho đến hôm nay, con Muội đi đến quyết định, viết thư cho "nhỏ tình địch" nói nếu nhỏ chịu vô tù gặp thì nó sẽ cúi đầu xin lỗi. Mọi người có hơi bất ngờ, nhưng cũng ủng hộ bảo làm thế là đúng rồi.

- Nếu có thể học cách tha thứ sớm hơn thì mọi chuyện đã khác đi.

Câu nói từ con Muội khiến Du suy nghĩ. Một phần nào đó, điều ấy cũng giống như cuộc đời cô. Tiếng xôn xao chợt tắt khi quản giáo Ngà gọi Du ra ngoài. Du thấy chị đưa cho mình cuốn nhật kí quen thuộc mọi lần, rồi bảo:

- Bác sĩ Văn dặn em tối nay phải mở nhật kí đọc những gì bác sĩ viết. Sau khi xem xong em hãy quyết định là muốn viết gửi lại hay không.

Du lưỡng lự cầm lấy cuốn sổ, miệng chẳng đáp lại lời nào.

Khuya ấy, Du trở mình liên tục trên manh chiếu. Lòng bứt rứt chẳng yên vì nghĩ đến lời dặn của quản giáo Ngà. Du không muốn xem cuốn nhật kí, chính xác là sợ thấy Văn lại viết cái câu: "Tại sao cô lại giết người?", nhưng đồng thời cũng thắc mắc anh đã ghi gì mà lại yêu cầu cô phải đọc bằng được. Du nằm nghiêng, áp mặt lên mu bàn tay, đôi mắt mở thao láo nhìn cuốn nhật kí đặt bên cạnh gối kê đầu. Vô tình thế nào, một góc thư lộ ra bên ngoài những trang giấy.

Du chậm rãi ngồi dậy, thật khẽ khàng để không đánh thức chị Giảo với con Muội. Đặt cuốn nhật kí lên bậu cửa sổ, Du từ từ lật ra đúng chỗ có vật lạ kẹp vào. Một bì thư nằm ngay ngắn, chưa dán nắp. Bên ngoài đề dòng: Gửi Vân Du. Du nhận ra nét chữ của Văn, tại sao anh lại viết thư cho cô mà không ghi vào nhật kí như mọi lần. Chẳng lẽ Văn không muốn những điều này sẽ lưu lại trong sổ, tránh việc quản giáo kiểm tra?

Không chần chừ thêm, Du mở bao lấy ra lá thư được viết khá dài và tỉ mỉ.

"Gửi Vân Du,

Cô từng hỏi: "Bác sĩ đã bao giờ nằm mơ thấy ác mộng chưa?", tôi sẽ nói rằng, có! Tôi luôn mơ thấy một cơn ác mộng đáng sợ, gần mười lăm năm nay. Phải, với ngần ấy thời gian dài như thế chưa khi nào tôi có được giấc ngủ bình yên.

Trong cơn ác mộng bắt đầu từ khi còn bé, tôi thường bắt gặp hình ảnh gã thanh niên với gương mặt xương xẩu, hai hốc mắt sâu hút hệt vực thẳm không đáy. Nụ cười trên môi hắn rất ma quái, như thể luôn có thứ thú vị khiến cho hắn vui thích. Hắn cao dong dỏng, tướng đi khập khiễng vì một chân bị tật. Trên tay hắn cầm con dao sắc lẹm.

Mười lăm năm trước, hắn là tên tử tù, với tội danh giết hai mạng người. Không phải cướp của hay thù oán, hắn giết người chỉ để thỏa mãn thú vui bệnh hoạn.

Vụ án ấy từng gây xôn xao trong dư luận lúc bấy giờ về cách gây án tàn nhẫn của hung thủ. Và cô biết không, hai nạn nhân mà hắn ra tay giết hại chính là cha mẹ tôi. Khi đó tôi chỉ mới mười ba tuổi, theo một cách may mắn nào đấy, là người duy nhất còn sống sót trước lưỡi hái của Tử thần.

Vào cái đêm tối đó, mẹ đánh thức tôi dậy và gấp gáp bảo tôi hãy mau trốn vào tủ quần áo. Thấy tôi bắt đầu sợ hãi, mẹ liền siết chặt vai tôi rồi dặn dò kỹ lưỡng, tôi phải ở yên trong này, dù bên ngoài có xảy ra chuyện gì cũng không được la lên!

Mẹ khóa trái tủ rồi gọi điện cầu cứu. Đúng lúc ấy, tên hung thủ xuất hiện ở cửa phòng. Qua cái lỗ tròn nhỏ trên cánh cửa tủ, tôi nhớ rất rõ hình dáng hắn. Một dáng người cao lêu nghêu, gương mặt xương dài ngoằng, đôi mắt đục ngầu tàn ác. Hắn cầm con dao sắc bén nhuốm máu, chân bước khậng khiễng vào phòng.

Hắn vung dao lên đâm vào bụng mẹ tôi. Máu ướt đẫm chiếc váy ngủ màu trắng. Tôi kinh hoàng đưa tay bịt miệng nhưng không ngăn nổi tiếng nấc khẽ. Và hắn nghe thấy âm thanh đó nên liền tiến về phía chiếc tủ quần áo. Vào khoảnh khắc ấy, mẹ tôi đã cố lết lại gần, ôm lấy chân hắn giữ lại.

Tên hung thủ tàn bạo đó ấn mẹ tôi nằm sát xuống sàn, tiếp tục đâm. Cả người tôi run rẩy, nước mắt lẫn mồ hôi chảy ướt đẫm mặt mũi. Tôi muốn hét lên nhưng cổ họng nghẹn ứ như có một bàn tay bóp nghẹn. Thân thể mẹ tôi nằm trong vũng máu chảy loang. Một mái tóc đen xõa dài trên đất. Đôi mắt mẹ mở trừng trừng vô hồn...

Rồi hắn lập tức chạy đi. Tiếp theo, có người xuất hiện và tôi được đưa vào bệnh viện do tinh thần bất ổn. Điều trị một khoảng thời gian dài, tôi trở lại bình thường. Nhưng, cũng từ sau ngày kinh hoàng đó, tôi bắt đầu gặp ác mộng. Và không biết bao nhiêu lần mẹ đã chết ngay trước mắt tôi. Nếu không vì cứu tôi thì có lẽ mẹ tôi đã có thể sống.

Mười lăm năm qua, tôi không ngừng tự trách mình trong dằn vặt lẫn đau đớn. Tôi thường xuyên mất ngủ và thỉnh thoảng phải dùng đến thuốc an thần. Nhưng đôi khi thuốc trở nên vô tác dụng, vào những lúc mơ màng tôi lại thấy mẹ bị đâm chết. Hình ảnh dã man ấy lặp đi lặp lại hàng ngàn lần...

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi