BÀ NHÓC GIÀ NHÀ TỬ THẦN

Bà cụ Hồ hoàn toàn không biết mình có một đứa con. Bà vẫn chăm chỉ tưới nước cho cây táo vì ba nói khi cây táo kết quả, bên trong sẽ rơi ra một đứa bé, đó chính là con của bà và anh Thừa Khiếu.

Bà cụ Hồ khom người, vô cùng trịnh trọng xách bình tưới nước cho cây táo.

Những cái cây trong vườn đều đã trở thành những cây đại thụ phải hai người ôm mới hết, chúng đã không ra hoa nhiều năm nay rồi.

Từ vườn hoa đến vườn cây ăn trái là những bãi cỏ xanh um trải dài, mặt đá xanh có lót đệm chống trượt trải thành một con đường nhỏ. Bà cụ Hồ từ vườn cây trở lại bên cạnh ba mình, đặt bình nước xuống. Bà lau mồ hôi trên trán mình như một đứa trẻ vừa lao động nặng nhọc xong, nói với Kim Sân: “Ba ơi ba, hôm nay con lại tưới nước cho cây táo nữa. Khi nào thì mới ra quả ạ?”

Kim Sân nhặt chiếc lá rơi trên đầu con gái, mỉm cười đáp: “Chắc là đến mùa hè thì sẽ ra quả.”

Bà cụ Hồ tính: “Còn rất rất lâu mới đến mùa hè. Các bạn đều có con hết rồi, con họ đều trưởng thành cả. Vậy con của con sau này có lớn vậy không?”

Kim Sân nghĩ ngợi rồi hỏi: “Vậy con thích có con lớn hay là nhỏ?”

Bà ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh ba mình, tay đặt trên gối, cằm gác lên tay, nghiêm túc nghĩ ngợi rồi đáp: “Nếu là trẻ con thì có thể cùng đi học với con, con có thể chải tóc, tết tóc, cài hoa cho nó. Con cũng sẽ cho nó mặc những chiếc váy đẹp của con.”

Kim Sân hỏi tiếp: “Con muốn có đứa con gái à?”

Bà cười híp mắt, trả lời:”Con thích con gái.”

Kim Sân thấy bà cười quá đáng yêu, không kìm được xoa đầu bà, cực kỳ đồng ý với ý tưởng này. “Ba cũng rất thích con gái của ba.”

Bà nghe thế thì cười càng vui hơn. “Ba ơi, con đáng yêu thế này, đương nhiên là ba phải thích con nhất rồi!”

Kim Sân nghĩ con gái lại trở về với thời kỳ tự luyến nhất rồi.

Tối đó, bà cụ Hồ nằm mơ thấy mình đứng dưới một cây táo, đột nhiên có một quả táo rất to rất to rơi xuống, nó phát ra tia sáng màu vàng rồi từ từ tách ra, bên trong xuất hiện một đứ bé bi bộ gọi “mẹ ơi”.

Bà nghĩ ngợi rồi vui vẻ gọi: “Đào Đào ngoan quá, biết gọi mẹ rồi.”

Lúc thức giấc, tháo bịt mắt ra, bà đột nhiên nhớ tới: Hình như mình cũng có một đứa con trai.

Bà ngẫm nghĩ rồi vỗ vào đầu mình, lẩm bẩm: ‘Sao chuyện này mà mình cũng quên được nhỉ? Thật ra mình còn có một đứa con trai, nó ở trong bệnh viện!”

Bà vội vàng chạy sang căn phòng bên cạnh.

Phòng của ông cụ Hồ trước nay chưa bao giờ khóa để bà có thể tự do ra vào. Bà thuận lợi vào phòng, leo lên giường, sốt ruột lay ông dậy. “Anh Thừa Khiếu, Anh Thừa Khiếu! Làm sao đây! Làm sao bây giờ?”

Ông cụ Hồ giật mình. Thấy bộ dáng quýnh quáng của vợ bèn vội xoa đầu an ủi bà. “Sao thế, nói với anh Thừa Khiếu để anh tìm cách giải quyết nào.”

Bà vội đến nỗi muốn khóc lên. “Anh Thừa Khiếu, chúng ta bỏ quên Đào Đào ở bệnh viện rồi, lâu quá không đi thăm nó, phải làm sao đây?”

Ông cụ Hồ ngẩn ra trong chốc lát rồi ôm lấy bà, an ủi: “Đừng sợ đừng sợ, Đào Đào không sao, bác sĩ và y tá sẽ chăm sóc nó mà. Nó bị bệnh, chúng ta là người thường, trên người mang vi khuẩn, không vào chăm sóc nó được. Đợi khi nào hết bệnh nó sẽ về thôi.”

Bà cụ Hồ thở phào nhẹ nhõm. “Làm em sợ chết được, cứ tưởng chúng ta bỏ quên nó chứ.”

Ông cụ Hồ hôn lên trán bà, nhớ lại chuyện nhiều năm về trước. Lúc đó Hồ Đào chỉ mới hai tháng, được đưa từ bệnh viện về, người vừa gầy vừa nhỏ, lúc bế trên tay cứ sợ lực của mình mạnh quá. Hai người không tìm được người chăm trẻ đành phải tự chăm sóc. Tiểu Đào Đào hít thở yếu ớt, còn hay khóc. Khoảng thời gian đó hai người họ không có lấy một giấc ngủ trọn vẹn.

Ông nhớ lại chuyện xưa, nhớ đến người vợ dịu dàng của mình cứ luôn thăm chừng xem con khóc có phải vì chỗ nào khó chịu không. Bà luôn luôn kiên nhẫn như vậy đó.

Ông cụ Hồ xoa đầu vợ. “Ngủ đi nhé.”

Bà nghe ông nói con không sao, thở phào một hơi, trở về phòng mình ngủ tiếp.

Ông cụ Hồ vừa hất tấm chăn lên, chuẩn bị cho hai người ngủ chung: “…”

——

Ngày hôm sau, mới sáng sớm, bà cụ Hồ đã nói với ba: “Ba ơi ba, con nhớ ra rồi, con đã có một đứa con trai.”

Thái dương của Kim Sân nhảy lên giần giật. Ông cụ Hồ quá hiểu cha vợ mình, rõ ràng là ông không vừa mắt đứa cháu ngoại này.

Ông vội vàng bổ sung thêm: “Mới hơn một tháng, bây giờ còn đang ở bệnh viện, nhất thời sẽ không về nhà được.”

Bà cụ Hồ nói: “Thế mà con lại quên chuyện quan trọng như vậy, may mà nhớ ra.”

Kim Sân thở phào một hơi, nói với con gái: “Không sao, cô y tá trong bệnh viện sẽ chăm sóc nó.”

Bà gật đầu, nói: “Đợi nó hết bệnh, con sẽ dẫn nó đi học.”

Kim Sân ừ một tiếng, dắt con gái đến trường.

Vừa đến trường, bà cụ Hồ liền khoe với ông lão bác sĩ tâm lý và ông lão bán bảo hiểm: “Mình có con rồi nha!”

Ông lão bác sĩ tâm lý: “…” Nhớ ra gì rồi à?

Ông lão bán bảo hiểm thì mắt sáng lên, nói: “Công ty chúng tôi đã cho ra đời loại bảo hiểm dành riêng cho trẻ em, mỗi năm chỉ cần 365 đồng, tương đương với mỗi ngày 1 đồng là có thể bảo đảm bình an cho đứa bé. Có muốn tham khảo không?”

Bà cụ Hồ đáp: “Bây giờ nó còn đang ở bệnh viện, phải một thời gian nữa mới xuất viện được.”

Ông lão bán bảo hiểm cau mày, nói: “Trong tình huống đứa bé đang ở bệnh viện thì tạm thời không mua bảo hiểm được.”

Ông lão bác sĩ vội cắt cơn bệnh nghề nghiệp của bạn mình, hỏi: “Sao tự nhiên lại nhớ ra chuyện này mà kể với bọn mình?” Bà cụ Hồ thân thiết với bà lão bác sĩ thẩm mỹ hơn chứ.

Bà ngượng ngùng nói: “Hai bạn đều có con nên mình muốn tham khảo cách nuôi dưỡng trẻ nhỏ.”

Ông lão bán bảo hiểm đáp: “Việc đầu tiên trong nuôi dưỡng một đứa bé chính là mua bảo hiểm cho nó.”

Ông lão bác sĩ tâm lý: “…Lát nữa tỉnh táo rồi hãy nói.”

Ông cụ Hồ ở bên cạnh lên tiếng: “Tôi cũng muốn nghe.”

Ông lão bác sĩ đành trả lời: “Nuôi dạy trẻ con khá là phức tạp. Lúc chúng còn nhỏ thì mong chúng mau lớn, khi chúng lớn lên rồi thì lại hoài niệm quãng thời gian trước khi chúng 7 tuổi, lúc đó bọn trẻ yêu cha mẹ, kề cận cha mẹ, cảm thấy cha mẹ là người lợi hại nhất thế giới.”

Bà cụ Hồ đầy vẻ hoang mang. “…Không hiểu.”

Ông cụ Hồ nhớ lại lúc Hồ Đào còn nhỏ, khi đó bé trai đi còn không vững kia nói chuyện cứ ậm ờ như miệng ngậm kẹo vậy, nhưng gọi ba mẹ thì mắt lấp lánh như sao trời, quả thật làm vợ chồng họ cảm thấy nó là đứa bé đáng yêu nhất thế giới.

Ông lão bác sĩ nghe bà cụ Hồ nói không hiểu bèn nghĩ ngợi rồi nói tiếp: “Không cần lo lắng, anh Thừa Khiếu nhà em biết cách nuôi trẻ mà, lúc đó em cứ nghe bạn ấy là được.”

Ông cụ Hồ: “…” Biết cách bán cái thật. Nhìn tôi giống biết nuôi dạy trẻ lắm sao.

Ông vội vàng đổ trách nhiệm. “Em Chúc Chúc, sao em có thể quên ba được? Ba em là người biết nuôi dạy trẻ nhất.”

Bà cụ Hồ chợt bừng tỉnh. Bà gật đầu: đúng vậy, ba là người hiểu trẻ con nhất mà!

Buổi trưa lúc ăn cơm, bà cụ Hồ vừa ăn vừa len lén lắng nghe mọi người trò chuyện. Trước kia những người khác nói về con cái của mình, bà cũng nghe nhưng bây giờ nghe càng chăm chú.

Một bà lão nói nhỏ: “Con dâu tôi sắp sinh rồi, nghe bác sĩ nói là sinh ba đó.”

Một bà lão khác hỏi: “Đó là chuyện đáng mừng mà, sao trông bà không được vui vậy?”

Bà lão kia thở dài: “Vốn chúng nó đã có một đứa rồi, bây giờ lại thêm ba đứa nữa thì tiền đâu mà nuôi tới bốn đứa chứ.”

Bà lão bên cạnh nói: “Vì thế mà bà dọn về trường phải không?” Bà lão này vốn ở chung với con trai con dâu, bây giờ lại dọn vào trường.

“Tôi ở trong trường thì ông lão nhà tôi không cần đưa đón tôi mỗi ngày nữa, có thể giúp chúng trông bọn nhỏ. Tôi đã không giúp gì được, chi bằng ở trong trường với mọi người.”

Bà cụ Hồ đặt chén của mình xuống bàn của họ, nghiêm túc hỏi: “Nuôi trẻ con cần rất nhiều tiền à?”

Khi ấy họ mới nhìn thấy bà cụ Hồ, lúc đầu giật nảy mình, sau nghĩ lại cũng không phải chuyện gì không thể nói, họ cứ tưởng là người giàu tò mò về cuộc sống của người bình thường nên giải thích. “Bây giờ nuôi một đứa bé cần rất nhiều tiền. Lúc nhỏ cần mua sữa, mua các vật dụng cần thiết. Mua nôi cần tiền, mua xe đẩy cần tiền, những thứ khác cũng cần tiền. Đợi nó lớn thêm một chút, đưa đến nhà trẻ thì càng tốn kém hơn. Học phí nhà trẻ còn đắt hơn học phí đại học ấy chứ. Học phí tiểu học thì thấp nhưng các khóa phụ đạo thì không rẻ. Càng không dám nói tới mua nhà gần trường.”

Bà cụ Hồ ngẩn ra, trợn tròn mắt, nói: “Thảo nào mà hàng ngày ba lại bận rộn đến vậy, thì ra nuôi mình tốn đến thế!”

Mấy ông bà lão khác: “…” Ừm, nuôi bà đúng là tốn kém lắm. Tiền nuôi bà đủ để nuôi trẻ con toàn thành phố này đấy.

Lúc ông cụ Hồ bưng canh đến bên này thì phát hiện vợ mình không còn ở chỗ cũ bà đã sang bàn khác. Ông đi qua thì vừa lúc nghe thấy bà đang cùng những người khác than thở rằng nuôi một đứa trẻ tốn kém quá.

Nhìn thấy ông đến, bà nói: “Anh Thừa Khiếu ơi, ba thật là vất vả!”

Ông cụ Hồ: “…” Đều làm cha, rốt cuộc là họ khác nhau chỗ nào, tại sao Hồ Đào chưa bao giờ có sự thấu hiểu này?

Năng lực liên tưởng của bà cụ Hồ đúng là số một. Buổi trưa phát hiện ba rất vất vả, thế là buổi chiều bà vừa cho gà con ăn vừa rưng rưng nước mắt nói với ông cụ Hồ. “Anh Thừa Khiếu, anh có phát hiện ba chưa bao giờ ăn trái cây không? Ba luôn luôn nhường những thứ ngon nhất cho chúng ta ăn.”

Ông cụ Hồ lập tức nhớ đến một bài văn mà ông từng được học trước kia. Bài văn ấy kể về một bà mẹ nghèo luôn nhường thịt cá cho con ăn, nói mình thích ăn đuôi cá. Thật ra là nhà nghèo quá, bà không có tiền mua nhiều nên dành cho con chỗ ngon nhất.

Ông cụ Hồ cảm thấy mình nên mừng vì vợ càng ngày càng thông minh.

Bà cụ Hồ hăng hái nói được một lúc bèn đưa rau cho ông, cổ thì đeo điện thoại di động, đi sang một bên, ngồi xuống gọi điện thoại cho Kim Sân. Chuông chỉ reo hai tiếng là bên kia đã nghe máy, tiếp theo là giọng nói êm tai của ba vang lên: “Bé cưng, sao thế con?”

Bà cụ Hồ nghẹn ngào nói: “Ba ơi, con nhớ ba quá!”

“Ba lập tức đến ngay. Đừng khóc, đừng khóc nha, anh Thừa Khiếu có bên cạnh con không?”

Bà quay đầu qua nhìn, đáp: “Anh Thừa Khiếu đang ở đây, hai đứa con đều rất nhớ ba.”

Kim Sân giật nảy mình. “Ba lập tức đến ngay, đừng khóc nữa.”

Ông cụ Hồ vội vàng soạn tin nhắn gửi cho Kim Sân.

Kim Sân đang định sang thì thấy con rể gửi tin nhắn đến. Thì ra là thế. Anh không biết nên khóc hay cười nữa, đành dịu dàng an ủi con gái: “Ba có tiền mà. Ba chỉ không thích ăn trái cây thôi, không phải vì không có tiền mua trái cây đâu.”

Bà cụ Hồ ngẫm nghĩ rồi hỏi: “Thật không ạ? Nhưng các bạn đều nói nuôi ba đứa con vất vả lắm. Bây giờ ba đã nuôi con và anh Thừa Khiếu rồi, con lại có con nữa là ba đứa lận.”

Lúc bà cụ Hồ đến nông trại, Hồ Đào đã muốn ra nói chuyện với bà nhưng phát hiện tâm trạng mẹ mình không được tốt lắm, anh không dám tùy ý như trước nữa mà đi lấy thức ăn cho gà ra để mẹ cho chú gà trống ăn, sau đó mới chậm rãi tới đây.

Ai ngờ vừa bước tới thì nghe mẹ mình nói vậy. Anh ngẩn ra, không ngờ mẹ đã nhớ ra mình.

“Ba ơi, hay là con không đi học nữa, sau này con và ba sẽ đi làm kiếm tiền. Đợi con của con ở bệnh viện về, nó sẽ cùng đi học với anh Thừa Khiếu, vậy thì ba sẽ không cần phải vất vả thế nữa.”

Ông cụ Hồ – người chồng không có khả năng nuôi gia đình – vội nói: “Đào đào mới hơn một tháng thôi, còn lâu lắm nó mới đi học được. Em đừng lo.”

Hồ Đào ngớ người. Thì ra mẹ chỉ mới nhớ lại được một chút.

Anh do dự một lát, cuối cùng không đi tới.

Sau khi ngắt máy, Kim Sân tra máy tính tìm xem những nơi mà con gái ở trước kia, sau đó mặc áo khoác vào, rời khỏi phòng.

Lúc còn trẻ, hai ông bà cụ không nghĩ đến việc sẽ có con. Một mặt là vì họ không có thời gian, mặt khác là vì với người có sinh mệnh vĩnh cửu như ông cụ Hồ mà nói, ông không có ý định để lại huyết mạch của mình. Còn bà cụ Hồ thì lúc đó chỉ một lòng muốn tìm kiếm người cha đang chịu khổ ở cõi hư vô, không suy nghĩ gì khác.

Kim Sân không xem lại ký ức của họ thời trẻ vì sợ mình không chịu nổi. Nhưng bây giờ, anh quyết định đối mặt với nó, đối mặt với tình yêu thương, muốn bảo vệ anh của con gái con rể.

Kim Sân đi dưới bóng cây trong đại học B. Nhiều sinh viên ôm sách đi ngang qua, cười nói thảo luận về một vấn đề gì đó. Ánh mặt trời xuyên qua tán cây tạo ra nhưng vệt loang lổ. Lúc Kim Sân giẫm lên nó, xung quanh lập tức trở nên yên tĩnh. Rồi ngay sau đó, nơi này như nước đang sôi trào vậy, tràn ngập những âm thanh huyên náo, sau đó Kim Sân mở mắt ra, chuẩn xác tìm được giọng của con gái con rể trong vô vàn âm thanh hỗn tạp ấy.

Khoảnh khắc anh mở mắt ra, những âm thanh không quan trọng khác đều đã biến mất, chỉ còn lại cô gái trẻ mặc quần jean, áo sơ mi đen, đeo chiếc balo lớn đang trò chuyện với người bên cạnh.

Kim Sân đi đến gần, Đây chính là những năm tháng mà anh đã để lỡ.

Kim Sân im lặng đứng đó, nhìn con gái con rể đeo balo, hàng ngày trời còn chưa sáng đã đến trước thư viện xếp hàng, trời tối mới về nhà.

Anh cứ thế nhìn mãi nhìn mãi cho đến một buổi sáng, có một cô gái xách bọc drap giường ra, ném vào thùng rác.

Kim Sân ngẩn ra. Những ghi chép về cuộc đời của con gái con rể đã bị người của thần thay đổi một chút. Anh chỉ biết cháu ngoại không phải con ruột của Chúc Chúc, anh cũng không quan tâm nó có phải ruột rà không vì dù là con nuôi hay con ruột thì cũng sẽ không được Kim Sân thích khi dám cáu kỉnh và ghét bỏ con gái anh.

Trước kia Kim Sân từng bị con người bắt đi làm thí nghiệm, từng rất căm ghét con người nên sau này sự kiên nhẫn của anh dành cho con người đều là vì “yêu ai yêu cả đường đi” mà thôi.

Kim Sân nhìn con gái vừa lo học tập vừa chạy đến bệnh viện thăm đứa bé mỗi ngày, rồi còn cố gắng tìm người nhận nuôi nó, thậm chí còn phải đối mặt với ánh mắt dè bĩu của những người khác vì đứa bé bị khiếm khuyết do đẻ non.

Trên hành lang bệnh viện, con gái anh nhìn đứa trẻ trong lồng kính, lên tiếng: “Anh Thừa Khiếu, em muốn nuôi đứa bé này.”

Hồ Thừa Khiếu trả lời: “Anh sao cũng được.”

Kim Sân nghe con gái mình nói: “Lúc nhỏ em từng bị vứt bỏ, nếu không có ba nuôi em thì em đã không thể lớn thế này.”

Kim Sân rất muốn nói với con gái: Đừng khóc nữa.

Ký ức thời không trôi qua rất nhanh, Kim Sân nhìn thấy cứ cách vài tiếng là con gái phải thức dậy dùng bình sữa cho đứa trẻ bú. Hai đứa con anh cũng không thể đến trường vào giờ tự học mà phải ở lại nhà trọ luân phiên nhau trông nó. Kim Sân nghe tiếng khóc của đứa bé, nhìn quầng thâm trên mắt con gái, lòng vô cùng bực bội.

“Vợ à, để anh trông con, em đi mua đồ ăn đi.”

Kim Chúc Chúc hiền hòa nói: “Để em trông. Anh trông con, lát nó khóc anh dỗ không được đâu. Anh đi mua cơm đi.”

Hồ Thừa Khiếu không còn cách nào đành đi mua cơm. Anh vừa đi, Kim Chúc Chúc một tay ôm con, một tay cầm quyển sách, mỉm cười: “Nhóc à, đó là ba con, sao không thích cho ba bế vậy?”

“Mẹ phải học nữa chứ. Đợi mẹ học thông thạo quyển sách này thì ông ngoại con sẽ trở về. Ông ngoại con rất thích trẻ em, lúc đó chắc chắn ông sẽ rất thích con.”

“Oa oa oa…” Đứa bé trong lòng cô lại khóc lên.

Kim Chúc Chúc kiểm tra một lượt. Không tè dầm, sữa cũng vừa uống xong. Cô đành đứng dậy, vừa đi lại trong phòng vừa nhẹ nhàng dỗ dành: “Đừng khóc, đừng khóc nữa nào. Mẹ hát cho con nghe nhé.”

Kim Sân nghiến răng, vô cùng căm giận đây chỉ là ký ức thời không, anh không thể can thiệp được gì.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi