CHỆCH QUỸ ĐẠO

Thế nào gọi là thời không song song?

Theo cái nhìn vi mô, có lẽ chính là trên cùng một người phát sinh vô số tính khả thi chăng? Trong một đời người, có lẽ mỗi một lần suy nghĩ sai lệch một chút, đều sẽ tạo ra hai không gian song song ngược chiều nhau.

Con người đó trong mỗi thời không, đều là chính bản thân cô.

Điểm này, vào lúc Giang Hiểu Viện bước vào gian phòng của nguyên chủ, đã cảm nhận được một cách sâu sắc.

Tất cả ly tách đều đặt phía bên tay trái, nắm tay cũng hướng bên trái, nhưng bút và dụng cụ thì ở phía tay phải______ Điều này là bởi vì tuy Giang Hiểu Viện không phải người thuận tay trái, nhưng từ nhỏ đã quen cầm ly bằng tay trái.

Ống đựng bút trên bàn cắm đầy bút, hơn phân nửa là không thể dùng được nữa, đầu bút để chổng lên, không đóng nắp, đây cũng là một trong những sự gàn dở của cô, bút dùng xong không vứt, dù cho không thể đổi ruột.

Giường luôn kê gần một góc, không bao giờ đặt ở chính giữa.

Giang Hiểu Viện thử ngồi xuống cạnh chiếc bàn gỗ cũ kĩ, bỗng lòng cô khẽ động, khom người xuống rút ngăn kéo trong cùng ra, đúng như dự đoán, bên trong ngăn kéo phát hiện một chiếc hộp thiếc.

Tất thảy đều là thói quen của cô, Giang Hiểu Viện căn bản không cần phải dò hỏi từ người nào, theo bản năng cô liền biết được trong phòng có những gì.

Giang Hiểu Viện bưng hộp thiếc ra, biết rằng bên trong hộp là những vật quý giá nhất trong thời không này của cô.

Ở thời không ban đầu, cô cũng có một cái hộp y chang, tuy rằng đắt tiền hơn nhiều so với chiếc hộp trứng cuộn rỉ sét loang lỗ này. Bên trong có một xấp chứng chỉ thi lên cấp khi học vẽ, có cây bút vẽ lông mày đầu tiên cô dùng hết, có món quà sinh nhật hồi nhỏ cô nhận được từ cha mẹ mình____ Từ sau mười tuổi thì không còn nữa, từ mười tuổi trở lên, họ không còn bỏ tâm mua đồ chơi dỗ cô vui nữa, chỉ đưa lì xì cho cô cho bớt việc, bảo cô thích gì thì tự đi mua lấy.

Từ mười tuổi trở lên, quả thực cô cũng rất ít cơ hội nói chuyện với ba mẹ mình.

Giang Hiểu Viện hít sâu một hơi, mở ra chiếc hộp của thế giới này, tựa như bóc trần một đoạn quá khứ cô chưa kịp trải qua vậy.

Chiếc hộp gỉ sét rất nặng, cô phải tốn một phen sức lực mới nạy ra được, bên trong đựng đầy ăm ắp, nặng trĩu trịch, có thông báo nhận vào học trường cấp ba, có phiếu thành tích cấp ba cố tình in ra, có cuốn tiểu thuyết tiếng Anh “Lâu đài thủy tinh” bản in lậu đã lật đến cong mép, một cuộn băng cát sét cũ đã rớt mất vỏ, chiếc máy nghe nhạc đã hỏng…

Còn có một tấm hình cũ ngả vàng.

Không biết là cảnh trí không nổi danh ở chốn nào, cô thấy người một nhà đang đứng chụp chung trước một phiến đá lớn trông rõ là đồ nhân tạo, cảnh trí rất lỗi, quần áo ăn mặc của mọi người cũng rất lỗi, biểu cảm khi nhìn vào ống kính cũng nhất loạt đau khổ nghiêm túc, tựa như không phải đến để du lịch, mà là đến để báo cáo công tác tư tưởng.

Trong hình có bà nội mái tóc vẫn màu đen chiếm phần hơn, có cha mẹ ở thế giới này của cô, cô nhìn bọn họ, xa lạ như thế, trẻ trung và tiều tụy nhường thế.

Cô không kềm được mà sinh ra cảm giác ngờ vực_____ Có phải hai người này không? Cha mẹ của cô dáng vẻ thế này phải không?

Mặt mũi đường nét quen thuộc, thế nhưng khí chất, thần sắc thì lại khác nhau trời vực. Cùng người ấy, chẳng nhẽ mặc đồ hiệu tạo hình khéo léo đẹp đẽ thì là người phú quý, còn ăn mặc áo vải bông cũ họa tiết hoa nhí, nhìn về phía ống kính với dáng vẻ vừa hốc hác vừa tràn đầy lệ khí, thì chính là nông phụ bình thường đến mức không thể bình thường hơn nữa ư?

Giang Hiểu Viện nhét tấm hình xuống dưới cùng, hít sâu một hơi, chắp hai tay lại, ngón tay đặt trên trán mình.

Trợ lý Đèn Pha từng nói với cô, lúc cô bị văng ra khỏi chiếc xe tông cây, thời không nguyên gốc của cô đã phân ra thành hai khả năng: một là cô đã chết, hai là cô được cứu sống, hai tình huống này phân biệt tiếp tục phát triển, phát triển ra càng nhiều khả năng sau này, hình thành một thứ phức tạp như cây to nhiều cành nhánh, vô số thời không song song.

Cuộc sống của cô giống như một con đường đi thẳng mộc mạc, đột nhiên chia ra làm hai, thành một ngã ba.

Vốn dĩ vào khoảnh khắc phân nhánh kia, con đường này đã im bặt.

Đã ngừng lại, không còn tồn tại nữa.

Sau này, trong mỗi một thời không song song phân nhánh ra kia đều sẽ có một cô tồn tại, còn sống hay là đã chết, coi như là một kết quả đã định, đối diện với cha mẹ và bạn bè của cô.

Họ, hoặc bi thương hoặc vui mừng, sau đó tiếp tục lao băng băng trên thời gian không thể quay đầu lại nữa, từ đầu đến cuối không hề biết vẫn còn có một cô đang bị bỏ sót lại.

Lúc này đã đêm khuya người lặng, bà cụ đi nằm sớm, đã ngủ say ở phòng bên cạnh, dưới một ánh đèn bàn tù mù, Giang Hiểu Viện đột nhiên không kềm được bi thương dâng lên từ đáy lòng.

Từ trời hè oi bức đến mùa đông rét căm, bi thương hơn nửa năm trời mệt nhọc liều mạng đè nén hình như mới chợt bừng tỉnh, tìm được lối tắt để trút xuống, một hơi dâng trào ra ngoài ____ Cô biến mất một cách bặt vô âm tín, có lẽ chỉ có quy luật thời không còn nhớ cô, chuẩn bị sẵn sàng đợi đến một khi cô trở về đèn pha, sẽ vặn thắt cô tan thành mây khói.

Lúc thiếu thời tính cách cô ương bướng buông thả, ít bạn bè, cả cha lẫn mẹ cả ngày bôn ba, gần như chẳng có thời gian quản cô, cô quạnh cùng cô trưởng thành, bên cạnh chỉ có những lứa bảo mẫu còn thay đổi chóng hơn cả Thủ tướng Nhật Bản.

Giang Hiểu Viện cũng từng buông vô số lời oán thán, ảo tưởng mình có một gia đình ấm cúng náo nhiệt… Mà hiện tại, không ấm cúng thì cũng chẳng thể quay về nữa rồi.

Giang Hiểu Viện nghĩ đến ba của mình, mươi ngày nửa tháng chẳng thấy mặt được một lần, mỗi lần gặp cô, chắc chắn sẽ cau mày nhăn mặt, cứ phải bắt bẻ vặn vẹo bới lông tìm vết một phen, đại khái rất nhiều bậc làm cha có yêu cầu đối với đời sau của mình thường lấy chính mình làm vật tham chiếu, theo tiêu chuẩn của ông, Giang Hiểu Viện thật quá sức tệ lậu.

Nếu như hiện tại ông nhìn thấy được cô đã trải qua một phen biến động to lớn nhường thế, mà vẫn còn khập khiễng trắc trở tồn tại đến bây giờ, liệu ông có cực kỳ kinh ngạc hay không?

Đáng tiếc cô chẳng còn cơ hội kể cho ông nghe nữa.

Giang Hiểu Viện khóc mãi cho đến nửa đêm, khóc đến khi đầu đau nhức, cuối cùng cũng khóc cạn hết tâm tình bị đè nén trong hơn nửa năm trời.

Lúc này cô mới vào giai đoạn nghỉ giữa hiệp, thu dọn hộp thiếc, quen thuộc tìm được lớp ghép dán bằng giấy bìa cứng, từ trong đó lôi ra được một quyển nhật ký của nguyên chủ.

Giang Hiểu Viện khóc rấm rứt lau sạch sẽ nước mắt nước mũi, chuẩn bị sẵn sàng vái đọc cuộc đời huy hoàng của Trạng Nguyên.

Lúc vừa bắt đầu viết nhật ký, Trạng Nguyên vẫn còn nhỏ, thường hay thao thao bất tuyệt một số chuyện lông gà vỏ tỏi, sau này đại khái làm biếng, hành văn bắt đầu biến thành dăm câu vài lời, chỉ chọn mấy chuyện quan trọng viết vài dòng.

Phong cách của Trạng Nguyên cơ bản như sau:

“Ngày X tháng X, trời quang: Hôm nay ở hành lang nghe thấy cái đứa đeo kính hồng bên lớp 4 giọng chua lè nói là sẽ vượt qua mình, xí, nằm mơ.”

“Ngày X tháng X, trời râm: Hôm nay thầy giáo vật lý viết nhầm số, còn bảo mình làm bài không đúng, mứt hồng lâu năm đúng là chẳng ra thứ gì. (*)

(Mứt hồng lâu năm trong raw là [老柿饼] – lǎo shìbǐng, chữ LÃO THỊ đọc giống như LÃO SƯ, có thể tác giả chơi chữ hoặc dùng từ lóng nào đó mà tớ không tra ra được, không hiểu ý.)  

“Ngày X tháng X, tuyết nhỏ: Hôm nay có một thằng óc lợn viết thư tình cho mình, nói còn không lưu loát, sốt cả ruột, sao không tìm con chó nhà hắn ta luyện nói tiếng người trước đi chứ?”

… Những ví dụ này, không phải là ít.

Giang Hiểu Viện đọc mà ngổn ngang vô cùng, đối với Trạng Nguyên, cũng chính là bản thân cô, có chút cảm giác chân thực______ Phong cách đơn giản cộc cằn quen thuộc này.

Đến mấy trang cuối cùng, Trạng Nguyên dần dần mấy ngày liên tiếp chẳng viết gì nữa, chỉ thỉnh thoảng lưu lại mấy lời ngắn gọn, càng giống như lúc tâm phiền ý loạn tiện tay viết tháu.

Giang Hiểu Viện thấy cô viết rằng: “Bà nội bị té, có ba ở đây thì tốt biết mấy.”

Phía sau đổi loại bút khác, hình như không phải ghi cùng một ngày, cách vài ngày, Trạng Nguyên cách không kêu gọi bản thân mình ở phía trước đầu hàng, “Ba mày đã chết biến thành ma từ khuya rồi, đừng nằm mơ nữa, tự mình lên đi.”

Phần sau con chữ “đi học” hay là “bỏ học” xoắn bện thành một mảng lớn.

Sau đó Giang Hiểu Viện tìm được trang nhật ký sau cuối của cô, viết bằng bút chì, nét chữ bị cà đã có phần phai nhòa.

Đây là ngôn từ sau cuối cô lưu lại trên thế gian này, tổng cộng có hai dòng.

Dòng thứ nhất viết: “Không tiền, không học nữa.”

Dòng thứ hai viết, “Sẽ có một ngày, mình nổi bật hơn người.”

Đến đây chấm dứt.

Sau đó Trạng Nguyên ở thôn quê làm công cũng tốt, chăm nom đám ruộng đất cằn cỗi cũng hay, đại khái là bận bịu chẳng thể ngóc đầu dậy nổi, trong mớ kỷ niệm dằng dặc, cô không còn viết lấy một lời nào nữa, trọn thời thiếu nữ của cô đều đè nén trong cuốn sổ phần thưởng đại hội thể thao này, giấu trong lớp ghép lặng yên không tiếng kia.

Giang Hiểu Viện đọc hết từ đầu đến cuối, đã gần đến rạng sáng bốn giờ, cô nặng nề thở dài một hơi, đẩy rèm của sổ ra một khe nhỏ, nhìn những hạt sương băng màu sắc sặc sỡ phía sau cánh cửa sổ đen ngòm, chỉ cảm thấy bốn chữ “nổi bật hơn người” đè nén cô đến chẳng thể thở nỗi.

Sáng ngày hôm sau, lúc Giang Hiểu Viện đang trưng đôi mắt nặng nề thâm đen nhào trộn nhân thịt thì Kỳ Liên gọi điện thoại đến.

Giang Hiểu Viện vừa làm động tác một cách máy móc vừa nói với hắn, “Kiểm tra à? Tôi vẫn còn sống, phía đèn pha hai ngày nay cũng im hơi lặng tiếng rồi, tôi thấy con Virus đó không chừng đã chết rồi ấy, anh yên tâm đi.”

Kỳ Liên trầm mặc một hồi, “… Tôi không phải không yên tâm.”

Giang Hiểu Viện, “Hả?”

Kỳ Liên, “Thì là vừa mới thấy cô chuyển tiền vào tài khoản của tôi… Kỳ thực không cần phải vội như thế, đợi qua tết trở về, tiền bạc dư dả rồi từ từ trả cũng vậy.”

“À, hóa ra là chuyện này.” Giang Hiểu Viện suy nghĩ.

Cô còn tưởng tài khoản của hắn mỗi khi số dư biến động sẽ có tin nhắn nhắc nhở, chuyển tiền qua cô quên khuấy mất chuyện báo cho hắn một tiếng.

“Vừa khéo có thì trả thôi,” Giang Hiểu Viện nói, “Anh đã giúp tôi rất nhiều chuyện, cám ơn nhé, đợi sau này tôi phát tài rồi, nhất định sẽ không quên anh.”

Kỳ Liên, “…”

Lúc ban đầu, hắn căn bản không tin Giang Hiểu Viện có thể sống được, sau này phát hiện cô là cơ hội cuối cùng, bất kể thế nào nhất định cũng phải thành công, hắn chỉ đành xem cô như chồi non trong sa mạc, nơm nớp lo lắng chăm sóc cô mọi lúc, ai ngờ cũng chẳng qua chỉ mới một chớp mắt, đôi cánh của cô đã cứng cáp nhường thế.

Cứng đến mức khi cô nói “phát tài rồi sẽ không quên anh”, Kỳ Liên lại chẳng thấy buồn cười gì.

Giang Hiểu Viện ở bên kia chợt nhớ đến bóng lưng lúc chập tối hôm đó của hắn, gọi là tới ngay, xong chuyện không kể công cũng chẳng lên tiếng, tự mình lẳng lặng đi mất. Lúc mới đầu Giang Hiểu Viện luôn cảm thấy trên người Kỳ Liên có một loại “phỉ khí” – hơi thở của kẻ cướp – nhưng thời gian dài, lại phát hiện ra người này kỳ thực rất đáng tin cậy, tính khí cũng không tệ, có hơi giống một con chó to lớn có vẻ ngoài giống chó sói, chỉ là trông thì đáng sợ, có răng nanh, khi răng nanh thu lại rồi, thì chính là vẻ ôn hòa hiền hậu dài lâu không biểu lộ.

Cô kềm không được nói với Kỳ Liên về lời mời của Tưởng Sam, “Vài ngày trước một người bạn của tôi gọi điện thoại đến, bảo sau tết tôi qua bên anh ta làm việc…”

Kỳ Liên có hơi bất ngờ, khựng lại một chút, sau đó hỏi, “Làm gì?”

Giang Hiểu Viện, “Thợ trang điểm.”

Kỳ Liên, “Thợ trang điểm? Chủ yếu là về phương diện nào?”

Giang Hiểu Viện, “…”

Kỳ thực cô không hề hiểu thợ trang điểm chuyên nghiệp làm những gì, tiệm làm tóc cũng không cho cô đủ điều kiện để thu tập tin tức, tới hiện tại chỉ là có một khái niệm mơ mơ hồ hồ, nhất thời thật sự có chút không thể nói rõ được.

Kỳ Liên, “Người bạn kia của cô làm nghề gì?”

Giang Hiểu Viện, “… Thầy giáo?”

Chuyện này cô càng không thể nói rõ, ngay cả họ tên thật của Tưởng Sam là gì cô cũng không biết.

Kỳ Liên thở dài, “Cô có phương hướng và chí hướng là việc cực tốt, nhưng tốt nhất là vẫn phải chắc chắn một chút, đừng có vội vàng quá. Bên phía thợ trang điểm tôi cũng không quen biết nhiều người, đợi qua một khoảng thời gian nữa sẽ nghe ngóng dùm cô, có nơi nào thích hợp rồi hẵng đi nhé?”

Giang Hiểu Viện, “Đợi đã, tôi không phải…”

Kỳ Liên, “Sao?”

Giang Hiểu Viện buồn bực nghĩ, “Tôi chỉ là muốn nghe ý kiến của một người quen biết, nào có ý bảo người ta tìm việc giúp tôi đâu.”

Thế nhưng câu này nói ra lại có phần không biết phải trái, sau vô số lần “giao chiến” với khách hàng rồi dần dần học được cách nói chuyện, Giang Hiểu Viện do dự một hồi, đoạn nuốt vào trong.

Kỳ Liên, “Hơn nữa, nếu thật sự đổi chỗ làm, cô ở đâu cũng là một vấn đề phải không nào? Từ từ thôi.”

Giang Hiểu Viện hết đường phản bác.

Cứ như thế, cô ở quê hơn nửa tháng, mỗi ngày âm thầm suy xét, không cách nào suy xét ra được nguyên do trong đó.

Sách vở cũng tốt mà thế hệ trước cũng vậy, mọi người chỉ có thể nói với bạn là ăn nhiều rau trái một chút, cố gắng nhiều hơn, suy nghĩ cặn kẽ, nhưng chẳng nói đến loại rau trái nào, cũng chẳng nói cố gắng suy nghĩ theo hướng nào.

Dưới quê tất nhiên là không có máy tính lẫn internet để cho cô tiêu khiển, tivi thì Giang Hiểu Viện không thích xem, thế là cô dần dần dằn lòng xuống, lấy sách vở của Trạng Nguyên ra lần lượt lật xem.

Giang Hiểu Viện nghĩ, “Nếu chúng mình đã là một người, mình làm sao có thể không đọc được sách của cô ấy chứ?”

Nói cũng kỳ quái, cô suy nghĩ như thế, cái tật đọc sách vào là gật gù thế mà lại tự khỏi như một kỳ tích.

Tàng thư của nguyên chủ rất nhiều, đại bộ phận là đến từ tiệm sách Tân Hoa trên huyện thành _____ Trang bìa trong có chương mục của hiệu sách, Trạng Nguyên đều dùng lịch treo tường cũ bọc bìa cho chúng, trông không hề qua loa chút nào, các trang sách đừng nói ghi chú, ngay cả nếp gấp còn không có. Đại khái chịu hạn chế về quy mô của hiệu sách trên huyện, sách cô mua cơ bản không có mấy sách bán chạy lưu hành đương thời, có một vài quyển kinh điển nổi tiếng, còn có một chút súp gà tâm hồn khó hiểu.

Giang Hiểu Viện đọc hết số sách còn nhiều hơn lượng đọc cả đời của cô, nhưng mà chúng lại chẳng giúp ích gì cho những vướng mắc hiện tại của cô, bởi vì thứ cô đọc là sách, chứ không phải sách hướng dẫn.

Chớp mắt đã qua 15, hương vị lễ tết phiêu tán theo cùng gió xuân, cô cũng phải đi rồi.

Sau đó cô để lại một ngàn tệ, từ giã bà nội.

Bà nội vẫn bộ dáng hững hờ, nghe bảo cô sắp đi, cũng chỉ đáp một tiếng.

“Đi đi,” Bà nói, “Bà không biết chuyện thế giới bên ngoài, nhưng con thì chung quy vẫn phải đi.”

Lúc Giang Hiểu Viện xuất phát, bà nội tiễn cô đến trạm xe, nhìn cô lên xe, bước chân bà cụ không tự chủ được mà bước lên trước một bước nhỏ, liền ngay sau đó, tựa như ý thức được chân mình chẳng thể nào đuổi kịp bất kỳ ai, bà lại rút chân về.

Bà nội, “Năm tới có còn về không?”

Giang Hiểu Viện, “Dạ, có về!”

Bà nội, “Nhớ về đấy nhé, cũng chẳng về được mấy lần nữa rồi.”

Giang Hiểu Viện hấp háy mắt mấy lượt, lại muốn khóc rồi.

Cô một thân một mình trở về thành phố, cất theo tờ giấy “Mình nhất định sẽ nổi bật hơn người” của nguyên chủ.

Trên đường về, Giang Hiểu Viện cũng có chút đầu óc, ngồi xe vòng qua huyện bên cạnh, đến đó đón xe lửa _____ Tài xế xe lửa dù sao cũng không thể nào vì gây gỗ với hành khách mà đình công được.

Lộ trình của xe lửa mất hơn hai tiếng đồng hồ, chừng non hai tiếng, Giang Hiểu Viện phải đối mặt với một lựa chọn: tiếp tục ở lại salon tóc của Ông chủ Trần, hay là đi theo Tưởng Sam?

Giang Hiểu Viện dùng mấy trang nhật ký còn sót lại chia cành tách nhánh liệt kê ra những ưu khuyết điểm của việc đi và ở.

Về phần thu nhập, cũng xấp xỉ nhau, hiện tại cô đã lăn lộn lên được kỹ huật viên rồi, lương cơ bản cộng tiền hoa hồng mỗi tháng cũng chẳng kém cái giá bên Tưởng Thái hậu ra là bao.

Cô có một chút luyến tiếc Ông chủ Trần. Ra ngoài làm công gặp được một ông chủ hiền hậu quả thực chẳng dễ dàng gì, huống hồ anh ta còn chiếu cố cô như thế.

Cùng với vấn đề thực tế nhất, tiền trên người cô trên cơ bản đều để lại cho bà nội rồi, bản thân chỉ còn lại một chút tiền lẻ, nếu thật sự từ chức, chắc chắn phải đi tìm phòng ở, cô trả nổi tiền thuê phòng không?

Còn như bên phía Tưởng Sam tình hình thế nào, Giang Hiểu Viện hoàn toàn là hai mắt bịt kín.

Trường học là trường học gì? Thợ hóa trang chuyên nghiệp làm những chuyện gì? Bình thường lượng công việc có nhiều không, hay gặp phải vấn đề gì?

Nghĩ thế nào cũng không thấy đáng tin cậy.

Giang Hiểu Viện dùng đầu bút dừng trên quyển sổ giây lát, trên ba chữ “tiệm làm tóc” vẽ mấy vòng tròn, ngay cả Kỳ Liên cũng khuyên cô như thế.

Cái cân trong lòng Giang Hiểu Viện một phía nghiêng về bên tiệm làm tóc, nhưng không biết tại làm sao, lần nghiêng này, cô cứ cảm thấy thất vọng tiu nghỉu.

Lúc này, xe lửa chầm chậm vào một ga nhỏ, buồng xe bắt đầu thông báo tên trạm, trước là tiếng Trung, sau đó là tiếng Anh, khúc cuối đoạn tiếng Anh nói đến địa danh là dùng phiên âm, chính là kiểu bính âm Hán Ngữ lạc điệu.

Vị trung niên kế bên mỗi khi nghe thấy, đều hưng phấn đố đứa con trai 17, 18 tuổi một lần, “Con có biết là đang nói gì không?”

Sau đó ông sẽ đặc biệt học theo cái tên lạc điệu đó một lần.

Mỗi lần giọng tiếng Anh thông báo vang lên, ông liền nói theo một lần, giống một con vẹt om sòm học vẹt vậy.

Đứa con trai cuối cùng cũng hết chịu nổi, quát mắng ông, “Đừng có làm bẽ mặt nữa, giống như ba có thể nghe hiểu được ấy, còn chưa tốt nghiệp tiểu học cơ!”

Ông bố bị vạch trần, tôn nghiêm vãi đầy đất, chỉ đành ngượng ngùng nhìn ra ngoài cửa sổ.

Giang Hiểu Viện trong lòng dâng lên một loại bi thương khó gọi tên, bi thương thay cho ông anh kia, cũng bi thương thay cho mình.

Trong mắt cô tràn ngập thứ băng trên mặt sông chưa tan bên ngoài cửa sổ, chợt cảm thấy tôn nghiêm của con người ta cũng giống như những sông băng đó vậy, có lúc thì chắc như bàn thạch, có lúc chỉ nổi trên bề mặt, chọc một cú là thủng.

“Mình không thể ở lại nữa,” Giang Hiểu Viện chợt nghĩ, “Nếu như Tưởng Thái hậu không đáng tin, vậy mình sẽ tự xông xáo trong cái ngành này, nếu thật sự không được, thì bắt đầu từ thợ trang điểm trong studio ảnh vậy.”

Đây là lần đầu tiên, trong tình huống khi chẳng ai khích cô, chẳng ai ép cô, Giang Hiểu Viện quyết định không lưu lại nơi ung dung thoải mái nữa.

Nếu không, đợi khi gió ấm hoa nở, băng sẽ tan mất.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi