Lưu Tông mang họ Lưu, đây là họ của tiền triều nước Tề.
Nước Tề đã tồn tại được mấy trăm năm, chia thành Trần Tề, Lưu Tề, Khương Tề. Lưu Tề cầm quyền gần trăm năm mới bị lật đổ, vào hai mươi năm trước, Khương Tề lên thay.
Sau khi Khương quân tấn công vào Hoa Đình, Lưu Tề đế treo cổ trên xà nhà, Hoàng hậu cầm một cây đuốc đốt gần hết nửa cung điện. Lưu gia gần như không còn một ai, chỉ sót lại một vị Thái tử nhỏ mới hai tuổi, đó chính là Lưu Tông.
Sau khi Khương Tề đế đăng vị, ông quyết định chăm sóc cho huyết mạch của triều đại trước, noi theo Chu vương, phong tước vị, ban người hầu, phong chức “An Khánh Vương” cho Lưu Tông với ý định tạo cho mình một danh tiếng tốt. Lúc đó Lưu Tông mới hai tuổi, còn quá nhỏ nên không nhớ gì về chuyện năm ấy. Cung nhân hỏi hắn về chuyện tiền triều, hắn cũng chỉ cười nói rằng mình đã quên hết rồi.
Hắn và Thái tử Khương Yến Nhiên gần bằng tuổi nhau, Khương Tề đế cho hắn học tập, rèn luyện cùng Thái tử, chăm sóc hắn rất chu đáo. Lưu Tông thường xuyên ở trong cung, lại hay chơi đùa với Khương Linh Châu nên hai người dần trở thành thanh mai trúc mã.
Khi còn bé, Lưu Tông thường lấy đá ném lên cửa sổ phía Tây làm ám hiệu, lén lút chuồn đi chơi với Khương Linh Châu. Khi đó hai người chỉ là hai đứa trẻ hồn nhiên, không quan tâm đến sự khác biệt giữa nam nữ, sự cách biệt về thân phận, Khương Linh Châu lại không thích tỏ vẻ “Nữ nhi tuân lễ, tĩnh nhàn vì đức” (1) nên nàng cũng rất hay leo cây trèo tường, say mê trò đoán chữ… Chơi vui đến quên trời quên đất.
(1) Nữ nhi tuân lễ, tĩnh nhàn vì đức: Phụ nữ lúc nào cũng phải tuân thủ lễ nghĩa, lấy sự yên tĩnh và lịch sự trở thành phẩm chất, đức hạnh của mình.
Sau đó, Lưu Tông dần trưởng thành, biết được thân thế đặc biệt của mình nên không còn thân thiết với Thái tử nữa, hắn vùi đầu vào học viết chữ, vẽ tranh.
Sau khi Khương Linh Châu lên mười tuổi, nàng bắt đầu hiểu ra sự khác biệt giữa nam nữ nên không còn âm thầm gặp Lưu Tông như trước. Nàng chỉ dám lén ngắm nhìn Lưu Tông trong những dịp cung yến. Sau đó, thỉnh thoảng Lưu Tông vẫn lén lút trốn sau Tây cung, gõ mấy cái lên cửa sổ phía Tây nhưng nàng cũng chẳng còn để ý đến.
Khi Khương Linh Châu không còn nghe thấy tiếng động ở cửa sổ phía Tây, âm thanh mưa đêm lại tí tách ngoài cửa sổ, trong lòng nàng khẽ thở phào nhẹ nhõm.
Nàng ngồi xuống trước bàn trang điểm, mở chiếc hộp trang sức bí mật đặt dưới gương, lấy ra mấy món đồ chơi, đặt chính giữa lòng bàn tay. Đó là một khối lập phương bằng gỗ và vòng cửu liên loại nhỏ (2) rất tinh xảo xinh xắn.
(2) Khối lập phương bằng gỗ và vòng cửu liên: Những món đồ chơi trí tuệ dân gian của Trung Quốc. Khối lập phương bằng gỗ chính là khối Rubik sáu mặt nhưng được làm bằng gỗ. Còn vòng cửu liên là loại trò chơi mở khóa làm bằng kim loại như hình:
https://w.tt/2QhzNOjNhìn kỹ thì vòng cửu liên của nàng không giống những cái khác, người chơi phải sử dụng đôi tay một cách khéo léo để giải vòng, hơn thế nữa từ chín chiếc vòng ban đầu, người ta còn xen kẽ thêm chín chiếc vòng nhỏ khác, tạo nên một cấu tạo rất độc đáo. Nhưng chiếc vòng cửu liên này không còn sáng nữa, lớp mạ vàng cũng phai màu, đây rõ ràng là một món đồ cũ.
Mấy món đồ chơi nho nhỏ này là do Lưu Tông tặng cho Khương Linh Châu vào dịp sinh nhật chín tuổi của nàng. Đó đều là những món đồ nàng từng vô cùng yêu thích, lúc nhỏ cũng thường lấy ra ngắm nghía.
Khi đó Lưu Tông ở thâm cung vắng vẻ, tuy Khương Tề đế lấy cớ tiếc thương cho sự sụp đổ của tiền triều, chăm sóc Lưu Tông rất chu đáo nhưng vẫn có lòng đề phòng hắn khá cao, sai vệ binh trông chừng một cách nghiêm ngặt, không cho phép Lưu Tông xuất cung, càng không cho phép Lưu Tông gặp gỡ người ngoài. Không biết Lưu Tông đã phải tốn bao nhiêu công sức mới có thể tìm được những món đồ chơi này để tặng nàng.
“Giao những vật này cho An Khánh vương đi.” Khương Linh Châu nâng hộp trang sức lên, đưa cho Kiêm Hà, nói: “Lúc bé ta ngây ngô, không biết rằng nhận quà của người khác là phải trả lễ. Bây giờ đã được hứa gả cho người khác, không thể giữ những thứ này lại nữa. Vứt đi cũng không nên, chi bằng trả lại cho An Khánh vương.”
Khương Linh Châu muốn tránh tai mắt của những kẻ nhiều chuyện nên đã giao nhiệm vụ này cho Kiêm Hà.
Kiêm Hà thận trọng, Bạch Lộ hoạt bát. Nếu giao cho Bạch Lộ, không chừng sẽ xảy ra chuyện ngoài ý muốn mất.
Cứ thế, một đêm qua đi.
Khi trời gần sáng, Khương Linh Châu chải đầu, trang điểm rồi lại đi tới Nhuế Tự cung vấn an Chu Thái hậu.
Chu Thái hậu chịu nóng không tốt, tinh thần ngày một kém đi. May mà lúc Khương Linh Châu tới Chu Thái hậu cũng tỉnh táo được phần nào, bà cười nói vui vẻ, đôi mắt tràn ngập vẻ yêu thương.
Hôm nay, Khương Linh Châu cài một chiếc lược ngọc chạm khắc điểu văn, bạch ngọc ẩn hiện trong búi tóc đen dày của Khương Linh Châu, sắc trắng thanh thuần ấy chẳng khác gì làn da trắng như tuyết và khuôn mặt xinh đẹp tựa trăng, càng làm tôn lên vẻ đẹp trong sáng và tinh khiết như hoa lê sau mưa của nàng. Lại thêm vạt áo nhẹ nhàng, váy dài tựa nước, tóc mai như mây khiến Khương Linh Châu trở nên nhỏ bé nhưng rất mềm mại và rung động lòng người.
Chu Thái hậu cảm thấy trước mắt mình như có một ánh sáng rọi qua, chậm rãi cười nói: “Ai gia là người đã có tuổi, nhìn Hà Dương thế này… Tự nhiên ai gia lại thấy ngưỡng mộ con.”
“Tổ mẫu ngưỡng mộ gì thế ạ?” Khương Linh Châu ngồi bên cạnh bà nói: “Ai chẳng biết lúc còn trẻ tổ mẫu là đệ nhất mỹ nhân một phương cơ chứ?”
Chu Thái hậu bật cười trước lời dỗ ngọt này.
Cuối cùng Chu Thái hậu cũng ngừng nụ cười, khẽ hỏi: “Hà Dương, có phải con tới đây để chào tạm biệt ai gia không?”
Khương Linh Châu nghe những lời này, trong lòng hơi căng thẳng, vội vàng nói: “Hà Dương không đi đâu cả, con chỉ ở bên tổ mẫu thôi.”
“Con nghĩ mình còn là đứa trẻ bảy tuổi, chỉ cần làm nũng là ai gia sẽ tin con sao?” Giọng nói của Chu Thái hậu yếu dần, phải dừng lại thở gấp mấy cái. Ngay sau đó, bà lẩm bẩm nói: “Ai gia đã sống gần hết một đời người rồi, cũng chẳng phải kẻ ngốc. Chuyện lớn như vậy, con cho rằng ai gia không biết ư? Ai gia vẫn chưa điếc, đầu óc còn minh mẫn lắm.”
Khương Linh Châu mím chặt môi, không thốt nên lời.
Trầm hương đen được đốt trong điện có hiệu quả an thần, làn khói bay lả lướt khiến tầm mắt người ta trở nên mờ ảo. Chu Thái hậu mơ màng, siết chặt tay Khương Linh Châu, nói nhỏ: “Ai gia biết Hà Dương phải gả sang nước Ngụy, đúng không? Con đừng lừa gạt tổ mẫu… Trong cung lại thiếu đi một người ai gia yêu quý mất rồi.”
Khương Linh Châu khép mắt lại, khó nhọc nói: “Vâng… tổ mẫu.”
“Cũng tốt, cũng tốt.” Chu Thái hậu thở dài yếu ớt, giơ bàn tay đầy nếp nhăn run lẩy bẩy lên, như cười như không nói: “Phụ hoàng con đã chọn lọc trong các dòng dõi quý tộc ở Hoa Đình nhưng vẫn không tìm ra được người nào xứng với con. Đàn ông nước Tề không xứng với Hà Dương thì Hà Dương chọn ý trung nhân bên nước Ngụy vậy.”
Chu Thái hậu cố gắng nói bằng một tinh thần thư thái, khiến Khương Linh Châu đành giấu đi nét khổ sở trên khuôn mặt, mỉm cười nói: “Đúng vậy ạ.”
Biết Khương Linh Châu muốn gả cho Tiêu Tuấn Trì, phụ hoàng, mẫu hậu và hoàng huynh đều hết lòng khuyên nhủ nàng, ai cũng tỏ ra vô cùng tức giận. Chỉ có Chu Thái hậu nói một câu thật thật giả giả, vì Khương Linh Châu quá kén chọn nên mới đồng ý gả sang nước Ngụy.
Nghe Thái hậu nói, giờ đây Khương Linh Châu không biết nên khóc hay nên cười.
“Hà Dương, con có sợ không?” Chu Thái hậu hỏi
“…” Khương Linh Châu im lặng một lúc mới nói: “Con sợ.”
Dù sao thì Khương Linh Châu cũng chỉ là một thiếu nữ nơi khuê phòng, sự trầm tĩnh và trang nhã là vẻ bề ngoài để đánh lừa người khác mà thôi. Giờ phút này, ở trước mặt Chu Thái hậu, giọng nói nàng trở nên nghẹn ngào, đôi mắt ngập nước, nói: “Hà Dương sợ cả đời này sẽ không được quay về nước Tề, không được gặp tổ mẫu, phụ hoàng, mẫu hậu nữa. Con cũng sợ nước Ngụy xa xôi, con người thô lỗ, không vượt qua được khó khăn; con sợ gặp phải những con người xa lạ đó, sợ Tiêu Tuấn Trì không đối xử tốt với con.”
Chu Thái hậu trấn an, vuốt ve ngón tay nàng: “Đừng sợ.”
Dừng một chút, Chu Thái hậu nói tiếp: “Hà Dương, con có nhớ ai gia từng nói với con, lúc con ra đời, ai gia có thay con rút một quẻ Xuân Quan (3) không, quẻ này nói “Nam quất tác chỉ, thi hóa thần vụ, cánh phượng trên vảy rồng, quốc phong truyền mãi tiếng thơm” (4) Khi đó ai gia đã nghĩ, con vốn là Công chúa, sao có thể “Cánh phượng trên vảy rồng” được? … Đây là duyên số Phật tổ ban cho con. Con gả sang nước Ngụy, cũng ứng với câu “Nam quất tác chỉ” thôi.”
(3) Quẻ Xuân Quan: Một thuật bói tương lai của người Trung quốc ngày xưa.
(4) Nam quất tác chỉ, thi hóa thần vụ, cánh phượng trên vảy rồng, quốc phong truyền mãi tiếng thơm: Đại ý của quẻ bói này là Hà Dương công chúa sẽ trở thành mẫu nghi thiên hạ, tạo thành một giai thoại, để lại tiếng thơm muôn đời.
Sau khi nghe những lời tâm sự của Chu Thái hậu, nước mắt Khương Linh Châu càng rơi nhiều hơn, nàng ghé mặt vào gối của bà khóc thút thít. Tuy Chu Thái hậu còn yếu nhưng bà vẫn cố gắng chống người ngồi dậy, vỗ bả vai nàng, nói mấy câu “Đừng khóc”.
Hai người ngồi nói chuyện thêm một lát rồi Khương Linh Châu lau khóe mắt, sửa lại y phục, khôi phục vẻ ngoài đoan trang, tĩnh lặng của mình. Đợi đến khi Chu Thái hậu đã nghỉ ngơi, nàng mới dẫn tỳ nữ bước ra khỏi bình phong.
Ba muội muội ngồi bên ngoài đang cúi đầu thì thầm. Các nàng đã biết tin Khương Linh Châu mới là người phải đi hòa thân nên giờ đây khuôn mặt ai nấy đều vô cùng thoải mái, hoàn toàn khác vẻ mặt buồn rầu, thê thảm và mờ mịt của mấy ngày trước.
Nhị công chúa Khương Thanh Cừ mặc một bộ y phục sáng màu, nhìn thẳng vào mặt Khương Linh Châu.
Khương Linh Châu còn chưa kịp bước tới gần, nàng ta đã không nhịn nổi nữa: “Hà Dương tỷ tỷ đừng đau lòng quá, phụ hoàng không cố ý vội gả tỷ đi xa đâu.”
Xưa nay Khương Thanh Cừ luôn thích so bì thiệt hơn với Khương Linh Châu.
Chỉ cần là những thứ Khương Linh Châu được ban thưởng, Khương Thanh Cừ nhất định phải giành cho bằng được. Từ nhỏ đến lớn, chỉ vì những thứ vải lụa và trâm vòng kia mà Khương Thanh Cừ tranh cãi với Khương Linh Châu không biết bao nhiêu lần.
Mỗi lần Khương Thanh Cừ gây chuyện, Khương Linh Châu đều tự nói với bản thân rằng “Trưởng tỷ phải biết nhường nhịn và khoan dung” rồi tặng hết những châu báu, vải vóc kia cho Khương Thanh Cừ. Kể cả khi Khương Thanh Cừ thường xuyên nói ra những lời kỳ quái. Khương Linh Châu cũng chỉ cười một tiếng, không hề để bụng.
Đến năm Khương Linh Châu mười lăm tuổi, được ban phong hào “Hà Dương”, suýt thì Khương Thanh Cừ đã làm ầm lên cả ngày. Chỉ tiếc là dù nàng ta có gây ầm ĩ đến thế nào đi chăng nữa, Tề đế cũng không phản ứng gì, hơn nữa còn răn dạy mẫu phi của nàng ta là Chương Quý nhân, ông chỉ trích Chương Quý nhân không biết cách dạy con gái, một nàng công chúa ngoan ngoãn của nước Tề lại bị bà dạy thành cô nương chua ngoa, hẹp hòi y như mấy người phụ nữ đanh đá ngoài chợ vậy.
Lúc Khương Thanh Cừ biết Khương Linh Châu phải gả sang nước Ngụy, trong lòng nàng ta cảm thấy vô cùng vui vẻ. Nhị công chúa nghĩ rằng nước Ngụy kia là một nơi vừa xa xôi lại lắm núi đồi, người dân nơi đó ai cũng thô lỗ, cục cằn, Khương Linh Châu gả sang đó thì chỉ có chịu khổ mà thôi. Còn nàng ta vẫn là một nàng công chúa của Đại Tề, có thể tự chọn một người đàn ông nho nhã lương thiện để lấy làm phò mã. Khương Linh Châu là công chúa được yêu thương nhất thì sao chứ? Cuối cùng vẫn bị phụ hoàng nhẫn tâm gả cho người Ngụy đó thôi.
Trong mười mấy năm qua, đây lần đầu Khương Thanh Cừ áp đảo được Khương Linh Châu nên trong lòng nàng ta đang cực kỳ vui vẻ.
Giờ khắc này, Khương Thanh Cừ thấy hốc mắt Khương Linh Châu ửng đỏ, nàng ta cố ra vẻ khổ sở nói: “Nghe nói người nước Ngụy ai nấy đều cao lớn, hung mãnh, tính tình tệ bạc, còn có chuyện đệ đệ lấy quả phụ nữa. Rõ ràng phụ hoàng có thể chọn một công chúa khác đi hòa thân, nhưng ai ngờ người lại nhẫn tâm gả Hà Dương tỷ đến một nơi như vậy cơ chứ…”
“Nhị tỷ!” Tam công chúa Khương Hụê Phong nhíu mày hỏi: “Sao tỷ có thể nói như vậy?”
“Tam muội, lời tỷ nói là sự thật.” Khương Thanh Cừ kinh ngạc nói.
Trong đầu Khương Linh Châu thì lại đang suy nghĩ đến U Yến, năm thành trì quan trọng còn nằm dưới trướng người Ngụy và những người dân tị nạn không kịp trở về nhà, trong lòng nàng hơi rối bời. Nghe thấy tiếng tranh cãi, nàng lên tiếng: “Đừng quấy rầy Thái hậu nương nương nghỉ ngơi.”
Khương Huệ Phong và Khương Thanh Cừ lập tức im lặng.
Khương Linh Châu còn cả đống chuyện phải làm nên liền vội vã trở về. Sau khi nàng rời đi không lâu, Chu Thái hậu được tỳ nữ đỡ lên, rời giường một cách khó khăn như đang muốn đuổi theo bóng lưng của Khương Linh Châu.
Thái hậu nương nương run rẩy bước đi, dọc đường phải vịn lên thành ghế mới đi tiếp được. Khương Thanh Cừ thấy thế thì vội vàng tiến lên đỡ Thái hậu, tính khí tổ mẫu rất kì lạ, lại chẳng bao giờ gần gũi và thân thiết với ai nên nàng ta muốn lấy lòng bà một chút.
Chu Thái hậu vịn khung cửa, lẩm bẩm nói: “Hà Dương là một đứa bé ngoan, là một đứa bé ngoan.”
Khương Thanh Cừ cũng nói: “Đúng vậy, không biết sao phụ hoàng có thể nhẫn tâm gả Hà Dương tỷ cho người Ngụy thế nhỉ?” Nàng ta đã hỏi câu này vô số lần, nàng ta hỏi cung nữ, hỏi Khương Linh Châu, giờ lại hỏi Thái hậu. Lúc hỏi câu này, trong lòng nàng ta đang cười trên sự đau khổ của người khác, cảm thấy bản thân mình vô cùng may mắn.
Chu Thái hậu liếc nhìn nàng ta một cái, biết được điều Khương Thanh Cừ đang suy nghĩ, bà nói: “Đương nhiên phụ hoàng con không nhẫn tâm gả đại tỷ con sang đó, là do Hà Dương nhất quyết xin đi hòa thân, lúc này phụ hoàng con mới chịu đồng ý.”
Khương Thanh Cừ hơi sững sờ.
“Hà Dương tỷ… tự nguyện xuất giá sao ạ?” Nàng ta hỏi tựa người say ngủ nói mơ.
“Ừ.” Chu Thái hậu nhìn bậc thang trước điện, lẩm bẩm nói: “Từ xưa đến nay đại tỷ con là một đứa trẻ hiểu chuyện. Nó biết vó ngựa nước Ngụy đang chạy trên lãnh thổ Đại Tề ta, chỉ có kế hòa thân mới có thể đổi lấy một thời đại thái bình, quốc thái dân an nên nó đến chỗ phụ hoàng con, nhất quyết cầu xin gả mình sang nước Ngụy.”
Lời của Chu Thái hậu như một nhát búa đánh vào lòng Khương Thanh Cừ. Chu Thái hậu còn nói gì đó nhưng Khương Thanh Cừ không thể nghe thấy nữa. Nàng ta chỉ cảm thấy trong lòng rất bức bối, y như bầu trời bị mây đen che kín vậy.
Không ngờ Khương Linh Châu lại tình nguyện xin đi hòa thân.
Những tỷ muội khác chỉ muốn thoát khỏi chuyện này càng nhanh càng tốt, lúc nào cũng sợ rằng sẽ bị phụ hoàng gả đi làm thê tử cho tên người Ngụy dũng mãnh, thô lỗ và thiện chiến kia. Vậy mà Khương Linh Châu lại có thể tự nguyện gả sang đất nước xa lạ ấy. Tại sao cơ chứ? Chẳng lẽ thật sự là vì sự an bình của quốc gia ư?
Trong chốc lát, Khương Thanh Cừ bỗng cảm thấy chua xót không chịu nổi.
Nàng ta nghĩ rằng biết vậy mình nên tự nguyện gả sang nước Ngụy như Khương Linh Châu, sau này còn có thể được ca ngợi và lưu danh sử sách muôn đời. Nhưng mặt khác nàng ta lại nghĩ, nếu gả sang nước Ngụy, cuộc đời của nàng ta sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Rõ ràng Khương Thanh Cừ không có đủ quyết tâm như Khương Linh Châu.
Do do dự dự, không thể quyết đoán, ngẩn ngơ một lúc lâu, trong lòng Khương Thanh Cừ lại xuất hiện một suy nghĩ đáng sợ. Tất cả mọi thứ Khương Thanh Cừ có vốn không thể sánh bằng Khương Linh Châu, không được phụ hoàng quan tâm, không được Thái hậu cưng chiều là…
Chuyện đương nhiên.
~~~ Tác giả có lời muốn nói: Cô sai rồi, phụ hoàng và mẫu hậu không cưng chiều cô bởi vì cô không phải nữ chính.