CHÓ HOANG VÀ XƯƠNG


Trước năm tám tuổi Miêu Tĩnh sống ở tỉnh Z.

Quê cô là một thị trấn nhỏ, nằm ở vùng núi Nam – Bắc giáp giới, núi non chạy dài, bốn mùa rõ rệt, đông lạnh hè nóng.
Bố mẹ ly hôn từ lâu, bức ảnh gia đình duy nhất được chụp năm cô hai tuổi.

Gia đình ba người thẫn thờ đứng trước tấm màn vải của hiệu ảnh.

Vóc người cô bé nhỏ, mặc chiếc váy voan mỏng tầm thường màu hồng đào, giữa hai hàng mày tô một chấm đỏ, mê man nhìn ống kính.

Hai bên cô là bố và mẹ với khuôn mặt mơ hồ, nhưng dẫu vậy vẫn có thể nhìn ra vẻ anh tuấn và xinh đẹp lẫn giữa nét ngây ngô của cả hai.
Gia đình đã tan vỡ sau bức ảnh chụp ấy.

Miêu Tĩnh sống cùng mẹ là Ngụy Minh Trân, ít lâu sau cô bị đưa về nhà bà ngoại ngoài quê, lớn lên trong ngôi làng nhỏ.
Mẹ cô kết hôn vì mang thai ngoài ý muốn.

Lúc ấy mới hai mươi tuổi đầu, bán hàng ở tiệm quần áo trong thị trấn, sở hữu ngoại hình đẹp lại còn ham chơi, có ly hôn hay không thì vẫn nườm nượp người theo đuổi, hoàn toàn không có lòng dạ nào quan tâm con gái.

Vài năm sau làn sóng làm công nổi lên, Ngụy Minh Trân đi theo bạn trai tới vùng duyên hải làm việc, lần nào cũng thấy ăn vận thời thượng sáng sủa trở về, cũng cho bà ngoại một phần tiền sinh hoạt.

Tiền không nhiều lắm, nhưng đủ để Miêu Tĩnh sống.
Đáng lẽ là còn một phần tiền nuôi dưỡng đến từ bố ruột của cô nữa.

Hai năm đầu thực ra cũng có.

Nhưng về sau bố ruột cô đi Tân Cương, cưới vợ sinh con tại nơi đó, cách nhau quá xa nên dần dần tách khỏi mọi quan hệ với quê hương, cũng cắt đứt tin tức và tiền nuôi dưỡng.

Bên bà nội có vài người họ hàng, song ốc còn chẳng mang nổi mình ốc, nên cũng sớm không còn qua lại.
Miêu Tĩnh tự trưởng thành, Ngụy Minh Trân ở ngoài suốt.

Mãi đến khi bà ngoại qua đời vì bệnh, Miêu Tĩnh sắp đi nhà trẻ lên tiểu học, cô lại bị đóng gói đưa tới nhà dì trong trấn.

Nhà dì có một chị họ và một đứa em trai họ, ba đứa trẻ tuổi xấp xỉ, học cùng một trường, coi như là bạn chơi chung.
Ngày tháng sống nương tựa bà ngoại yên bình mà ngắn ngủi.

Nhưng vì nhỏ tuổi, nên không lưu giữ được quá nhiều ký ức.

Ở nhà dì, Miêu Tĩnh đã bắt đầu ghi nhớ mọi chuyện xung quanh.

Không biết do nhạy cảm hay vì điều khác, khoảng thời gian ấy đối với cô chẳng phải một trải nghiệm vui vẻ gì cho cam.
Dì không hề hà khắc hay ngược đãi cô.

Chỉ là điều kiện gia đình bình thường, cuộc sống bộn bề lo toan, vì vậy nhiều ít sẽ sinh ra chút khoảng cách và coi nhẹ.
Chị họ và em trai họ đều có đeo chiếc chìa khóa nhà trên cổ, mỗi Miêu Tĩnh là không có.


Nếu người nhà đi vắng, bất kể là lúc nào, cô cũng chỉ biết ngồi chờ ngoài cửa.
Kỷ niệm sâu đậm nhất là một lần nọ, cả bốn người nhà dì xuống quê chịu tang, quên béng mất là Miêu Tĩnh không có chìa khóa.

Tan học về cô ngồi ở cửa đợi đến chín giờ tối, bụng đói meo.

Hàng xóm phát hiện thế là bèn dẫn cô về nhà ngủ một đêm.

Nhà dì về, biết cô tá túc nhà hàng xóm mà cũng chả mảy may an ủi lấy một câu.
Cả nhà ăn cơm nói chuyện, chưa bao giờ có chỗ cho cô xen lời, đồ ăn ngon còn lâu mới đến phiên cô hưởng.

Ở chung phòng với chị họ, Miêu Tĩnh càng giống con ở hơn, chuyện gì cũng phải ép dạ cầu toàn, lấy hộ cái này đưa giúp cái kia, rửa chén quét rác.

Hai chị em tranh nhau cái tivi xem, cô chỉ có thể đứng cạnh nhìn, cơ bản là không có quyền lựa chọn.
Sau khi bà ngoại mất, số lần Ngụy Minh Trân về ít hẳn đi, nhưng tiền nuôi dưỡng gửi về thì rất nhiều.

Quần áo Miêu Tĩnh mặc toàn là đồ cũ giày cũ của chị họ.

Trong nhà có hai chị em gái, em mặc đồ chị là chuyện hiển nhiên.

May thay, mùa đông năm ấy Ngụy Minh Trân về quê, áo quần từ đầu xuống chân gọn gàng tươm tất, trông thấy Miêu Tĩnh đi đôi bốt vải mùa đông cũ mèm, đã sờn rách đến nỗi mũi chân thủng một lỗ, mà vẫn cứ xỏ.

Khắp mặt, hai tai và tay chân chi chít vết nứt nẻ.

Mọi người bảo Miêu Tĩnh thích chạm nước lạnh, không thích mặc nhiều đồ.

Nhưng hai mẹ con chảy chung dòng máu, cả mẹ lẫn con đều cực sợ lạnh.

Mùa đông ở quê lại thường đổ tuyết, không có lò sưởi, không có điều hòa, chỉ nhờ vào lò than để chịu đựng qua ngày đông giá rét.
Tuy hai mẹ con không thân thiết, song khi bắt gặp khuôn mặt nhỏ nhắn lạnh buốt cúi gằm kia, dù sao cũng là mẹ, không đau lòng là giả.
Mấy năm nay Ngụy Minh Trân lựa chọn không tái hôn, nói là làm công chứ thực chất chủ yếu nhờ đàn ông nuôi.

Sống cuộc sống thoải mái, có điều bản thân không gom góp dành dụm tiền gì, vẻ ngoài chẳng còn xinh tươi mọng nước như thuở đôi mươi nữa.

Nhưng được cái bà biết ăn diện, son phấn, mặc đồ hợp mốt, rất có phong thái quyến rũ của người phụ nữ.

Vì tuổi càng lớn nên có ý muốn tìm tấm chồng tốt gửi gắm nửa đời sau.

Nhìn Miêu Tĩnh, bà nghĩ ngợi, rốt cuộc quyết định đưa con gái theo, không thì sợ Miêu Tĩnh hận bà.
Không dễ tìm được người đàn ông phù hợp, còn phải trao đổi về điều kiện và tầm nhìn.

Ngụy Minh Trân ở quê mấy tháng, bỗng dưng đi tới một nơi tên là Đằng Thành.

Bà nói trong điện thoại rằng có quen một người đàn ông vùng khác, ở thành phố phía Nam xa tỉnh Z, kinh tế cũng khá hơn.


Hai người chuyện trò rất vui, có đôi chút tâm linh tương thông.

Điều kiện của người đàn ông không tệ, sống ở chung cư, là nhân viên tại đơn vị, công ăn việc làm ổn định, có văn hóa, tướng mạo sáng láng.

Miêu Tĩnh có xem ảnh chụp, là một người đàn ông trung niên nhã nhặn, hiền lành.
Ngụy Minh Trân ở Đằng Thành một tháng, lúc về mặt mày phơi phới, hớn hở dọn hành lý cho Miêu Tĩnh.

Không cần đống áo bông cũ chị họ mặc nữa, vì khí hậu Đằng Thành rất tốt, mùa hè dài, mùa đông không lạnh, tội gì mà mặc áo bông.

Ném mớ quần áo ấy đến trước mặt dì, dì đỏ bừng mặt, bèn ra cửa hàng mua cho cô bộ váy đẹp đắt điền làm quà chia tay.
Hai mẹ con sắp xếp số gia sản không được nhiều lắm, rồi lên tàu khởi hành đến một thành phố xa lạ, một gia đình xa lạ.

Đó là lần đầu Miêu Tĩnh đi tàu lửa, lần đầu ra khỏi tỉnh.

Đoàn tàu màu xanh lá chạy vào một hang núi tối mịt giữa núi non trập trùng, nín thở kiên nhẫn chờ đợi, chờ mình sẽ chạy đến một phương trời rộng lớn chưa từng biết trong tia sáng chói lọi.

Miêu Tĩnh say mê cảm giác đi đường, dòng người muôn hình muôn vẻ và những giọng nói từ trời Nam biển Bắc, mùi mì gói thơm ngào ngạt và hạt lạc hạt dưa trên xe sắt nhỏ, sân ga xa lạ nơi đoàn tàu chậm rãi tạm dừng rồi nhanh chóng lăn bánh vụt qua.
Đằng Thành.
Cây cối của thành phố này hết sức cao lớn, rậm rạp, rợp màu xanh bóng mượt mà.

Cỏ cây gì mọc dưới đất cũng rất dễ sinh trưởng, hoa nở nhiều và nở lâu.

Trong bầu không khí ẩm ướt oi bức thoảng mùi hương lạ kỳ, gió thổi qua, thoáng cuốn theo làn hương hoa ngọt lành.
Miêu Tĩnh giật nhẹ chiếc váy trên người, nhận thấy da mình bị hong khô nóng hổi, lại nhanh chóng dấy lên cảm giác bức bối như bôi thuốc cao dính.
Không ai đến đón, hai mẹ con bắt taxi, cuối cùng xuống xe ở một khu dân cư ồn ào.

Một tay Ngụy Minh Trân dắt Miêu Tĩnh, một tay kéo vali, ngẩng đầu ưỡn ngực, đi vào một tòa chung cư năm tầng trong tiếng thì thầm bàn tán của người qua đường đang châu đầu ghé tai.
Miêu Tĩnh nhớ như in khung cảnh ấy, người khác vẫn bước đi mà mắt cứ dán vào hai mẹ con.

Mẹ cô nhuộm tóc vàng, mặc bộ váy liền thân họa tiết da báo, đi tất mỏng màu đen, đeo guốc có quai, hệt con khổng tước nghênh ngang ngạo nghễ.

Còn cô buộc tóc đuôi ngựa, trên dây buộc là hai viên ngọc tròn vo lấp lánh, mặc váy liền thân không tay hoạt tiết hoa nhí màu tím, sau lưng thắt đai lụa hình nơ bướm, váy có ba tầng, mép váy là những gợn sóng tím cuốn quanh.

Lúc soi gương, ngay cả cô cũng giật mình.
Ngụy Minh Trân dắt tay cô gõ cửa một căn nhà ở tầng hai.
Có người ra mở cửa, là người đàn ông nho nhã gầy gò, mũi rất cao, mắt to hai mí, thấy hai mẹ con thì nở nụ cười ôn hòa, giúp xách hành lý vào: “Nào, vào đi vào đi.”
Ngụy Minh Trân lén đẩy Miêu Tĩnh một cái.
“Con chào chú ạ.”
“Ôi, ngoan lắm.”
Căn nhà hai buồng ngủ một phòng khách, hai buồng ngủ nằm song song hướng về Đông, ban công hướng về Tây, ở giữa là phòng bếp, toilet và phòng khách, bố cục rất rộng rãi.


Miêu Tĩnh trước giờ ở nhà trệt, chưa ở chung cư lần nào.

Nhìn sàn nhà gỗ màu vàng dưới chân và tủ lạnh ngoài cửa bếp, bỗng thấy lòng có chút khác thường.

||||| Truyện đề cử: Chứng Bệnh |||||
Trong buồng ngủ còn có bộ thùng máy cơ khí màu trắng, có bàn phím và dàn loa phát tiếng nhạc ầm ầm.

Ngụy Minh Trân thấy Miêu Tĩnh tò mò nhìn chăm chú, bèn giải thích với giọng tự hào: “Chú Trần của con là người ham mê máy tính, hễ ngồi vào máy tính là không nhấc mông dậy được nữa.”
Ngụy Minh Trân đã ở đây quan sát tỉ mỉ một tháng, nên có vẻ tự nhiên, quen thuộc lắm, phô bày dáng điệu của nữ chủ nhân chỉ bảo Miêu Tĩnh thay giày, rửa tay, lên sô pha ngồi.

Rồi bà lại vào bếp nấu nước pha trà, tiện thể hỏi cơm trưa ăn gì, bà có thể xuống bếp, hoặc ra tiệm ăn cũng được.
Người đàn ông rất lễ độ, mở tivi, nhét điều khiển vào tay Miêu Tĩnh, trò chuyện cùng cô mấy câu.

Ông tên Trần Lễ Bân, là viên chức của trạm cung cấp điện, vợ cũ qua đời vài năm trước, có đứa con trai tên Trần Dị lớn hơn Miêu Tĩnh hai tuổi, năm nay học lớp bốn.

Nếu Miêu Tĩnh đã theo Ngụy Minh Trân tới đây, ông sẽ giúp làm thủ tục chuyển trường, học chung trường tiểu học với Trần Dị.
Miêu Tĩnh mở to cặp mắt trong veo gợn nước, gật đầu liên tục, ngoan ngoãn vâng dạ bảo cháu biết rồi, cảm ơn chú.
Chẳng bao lâu, Trần Lễ Bân vào buồng mình, ngồi xuống trước máy tính.

Lát sau, Ngụy Minh Trân bưng tách trà đi vào, bước đến trước máy tính, ngồi trên tay ghế.

Hai người thủ thỉ dăm câu, sau đó cửa buồng khép chặt, để lại mình Miêu Tĩnh xem tivi ở phòng khách.
Cô ngắm nghía căn nhà, nhà cửa hơi bừa bộn, nhưng từ tiểu tiết có thể nhận ra một số manh mối.

Ấm trà cốc nước trong nhà nom rất trang nhã tinh tế, tấm vải chống bụi tivi là đồ thêu thủ công có những dây tua rua nhỏ mảnh, trên tường treo khung ảnh mang màu sắc mờ mờ khó hiểu, trong cái tủ bát trống huơ đầy bụi có mấy con búp bê sứ đáng yêu.

Hơi thở còn sót lại của nữ chủ nhân cũ đã mất được cảm nhận một cách mơ hồ qua những điểm nhỏ nhặt ấy.
Ngụy Minh Trân mở cửa ra khỏi phòng, gẩy gẩy lọn tóc xoăn đã hấp dầu.

Trần Lễ Bân vẫn ngồi trước máy tính, Ngụy Minh Trân nói rằng ông ấy đang đầu cơ cổ phiếu, hỏi Miêu Tĩnh có muốn cùng ra ngoài không, bà sẽ xuống dưới mua ít đồ ăn.

Miêu Tĩnh nhìn chằm chằm tivi chẳng ừ chẳng hử, lúc nghe thấy tiếng mở cửa, hoàn hồn lại thì mẹ cô đã xuống tầng.
Bữa cơm đầu tiên ăn tại nhà, có đồ ăn ngoài tiệm, có rau xào, và cả một chai rượu trắng.

Dọn cơm xong, chuẩn bị cầm đũa ăn, bỗng có người mở cửa.

Là một thằng nhóc vừa đi chơi về, đầu nhễ nhại mồ hôi, đứng ở cửa thay giày.

Nhìn mấy người trong nhà, cậu ta chớp mắt, thái độ tỉnh bơ, tự bê bát ngồi xuống cạnh bàn.
Trông thằng nhóc cực kỳ đẹp trai, mặc áo sơ mi lỡ tay màu trắng, áo quần bám bụi, lưng áo ố vàng.

Khi cụp hàng mi, tự dưng lại thấy thằng nhóc này rất sạch sẽ, nhưng khi ngước mắt, nhìn ánh mắt vừa bất hảo, bất tuân, vừa cứng như cục đá của nó, hẳn không phải đứa dễ trêu chọc trong đám con nít.
“Đây là con trai chú, Trần Dị.”
“Em chào anh ạ.”
“Cứ gọi con bé là Miêu Tĩnh.”
Trần Dị phồng má nhai xương gà nướng, nhai thành bã rồi nhổ ra bàn, bộ điệu hống hách ngang ngược.

Trần Lễ Bân cúi đầu, ngồi bên thong thả uống rượu.

Ngụy Minh Trân niềm nở chuyển chủ đề, tiếp đồ ăn cho cả nhà.
Miêu Tĩnh của hồi đó chưa được chăm chút cho xinh xắn, tóc tai xơ xác rũ rượi, người gầy khô, tính nết chẳng khác nào bà cụ non lơ ngơ.


Nhưng cô có đôi mắt đẹp, tựa dòng nước suối trong trẻo tĩnh lặng, không tục và diễm lệ như Ngụy Minh Trân.

Nhìn cái mũi khuôn miệng cũng biết là kiểu người đẹp từ trong trứng nước, phải đợi cô chậm rãi trổ mã lớn lên.
Miêu Tĩnh tám tuổi, Trần Dị cũng mới mười tuổi, Miêu Tĩnh lớp hai, Trần Dị lớp bốn.

Hai người chênh nhau hai tuổi, thực ra là không đến hai tuổi, chỉ chênh mười sáu tháng.

Sinh nhật Trần Dị vào ngày 24 tháng 12, sở dĩ nhớ rõ như thế, là vì sau này đêm Bình An* lễ Giáng Sinh trong nước đã biến thành lễ Tình Nhân.

Miêu Tĩnh sinh ngày 19 tháng 4, sau anh hai năm.

Trần Dị học sớm hơn cô một năm, nghe nói là lúc nộp hồ sơ vào trường tiểu học, anh làm bài kiểm tra quá tốt nên được đặc cách đi học sớm một năm.
*Người Trung Quốc thường gọi đêm 24/12 là đêm Bình An.
Trong nhà chỉ có hai buồng ngủ, Miêu Tĩnh buộc phải ở chung buồng với Trần Dị.

May là buồng hình chữ nhật, diện tích khá lớn, đủ chỗ kê một chiếc giường đơn nữa.

Hai chiếc giường cách nhau bởi cái bàn học, mắc thêm tấm rèm ngăn.

Miêu Tĩnh chiếm khu vực cạnh cửa sổ, Trần Dị ngủ chỗ đối diện cửa.

Buổi tối kéo rèm lại, cũng có thể ở tạm.

Đồ dùng khác trong buồng như tủ đồ, bàn học đều xài chung, mỗi người một nửa, phân chia phạm vi rõ ràng.
Người lớn chia địa bàn xong, Miêu Tĩnh bèn thu xếp số quần áo đồ đạc không nhiều lắm của mình, định bụng cất văn phòng phẩm và vở vào ngăn kéo chỗ mình nằm.

Trần Dị cũng đứng trong phòng, thấy cô mở ngăn bàn học thì bất ngờ bước qua, mắt lạnh lẽo ánh lên vẻ hung ác, giơ chân đá mạnh một cú vào bắp chân cô.

Cô đau đến độ ứa nước mắt co rúm người, chân co lại lệch hẳn sang chỗ góc bàn, há miệng kêu đau.

Sau đó bị Trần Dị nhanh chóng bịt kín miệng, tiếng kêu đau đớn bị chặn đứng dưới bàn tay anh.
Trần Lễ Bân và Ngụy Minh Trân nói chuyện phiếm ngoài phòng khách.

Miêu Tĩnh ngửi thấy từ bàn tay anh mùi gỉ sắt, bùn đất, mùi rác gay mũi, mùi rễ cây, gà nương trộn lẫn với nhau, khiến người ta tránh không kịp.
“Mày mà dám nói, tao đánh mày chết.” Anh ghé vào tai cô thì thầm, răng nghiến lại, tiếng nói rít ra từ cổ họng, khiến người ta sợ hãi.
Cơ thể gầy yếu của Miêu Tĩnh run rẩy liên hồi.
Buổi tối tắm xong, mọi người lên giường ngủ.

Cửa hai căn buồng đã đóng từ lâu, Miêu Tĩnh nương theo ánh trăng, chậm chạp xoa nắn vết bầm tím trên chân, nằm cứng ngắc trên giường mất ngủ.

Cô trở mình, xuyên qua khe hở tấm rèm, thấy Trần Dị nằm nghiêng người, chăn trùm đầu, đưa lưng về phía cô.

Anh mặc chiếc áo may ô màu trắng và quần soóc ngang đầu gối, người cong cong, xương bả vai lộ rõ, trông như một tòa núi trầm lặng.

Lời tác giả:
Chương “Xương” viết về hiện tại sau khi trưởng thành.
Chương “Chó hoang” là chuyện thuở nhỏ của hai người, coi như là kể chuyện ngày xưa.
(còn tiếp).


Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi