CÔ GÁI ĐỒ LONG


Ba sứ giả vội nhảy về phía sau tránh né, Vô Kỵ cắm luôn thanh ỷ Thiên kiếm vào trong bao và giơ tay ra cướp luôn thanh đao Ðồ Long lại.
Bốn động tác: Mất đao rút kiếm, cắm kiếm cướp đao của Vô Kỵ nhanh như điện chớp. Và đó cũng là võ công thứ bảy của môn Càn khôn đại nã di.
Ba sứ giả đồng thanh kêu "ủa" một tiếng và có vẻ kinh ngạc vô cùng vì chúng thấy nội lực của ba người mà còn kém Vô Kỵ xa.
Vì chúng thất thanh kêu lên một tiếng như thế, ba chiếc Thánh hỏa lệnh của chúng bị thanh đao Ðồ Long hất luôn.
Ba người nọ vội vận nội lực cướp lại.
Thế rồi hai bên lại cầm cự nhau như trước.
Ðột nhiên Vô Kỵ thấy ở ngực như bị kim châm một cái.
Lần này Vô Kỵ đã biết cách đề phòng nên không bị đối phương cướp mất khí giới, nhưng tựa như có hình mà không có thực chất, chỉ thấy một luồng hơi lạnh phá Cửu Dương thần công của mình mà xuyên thẳng vào trong nội tạng.
Chàng biết đó là một nội lực rất âm hàn của ba vị sứ giả nọ xuất phát ở Thánh hỏa lệnh truyền ra.
Ðáng lẽ vật chí âm mà tấn công vật chí dương chưa chắc đã thắng nổi Cửu Dương thần công, nhưng vì Vô Kỵ dùng Cửu Dương thần công bảo hộ khắp thân thể, sức âm hàn kia lại nhỏ như sợi tóc nên âm kình đó mới xuyên qua được Cửu Dương thần công của chàng mà đả kích chàng như vậy. Tuy âm kình đó vào trong người chàng liền tiêu tán ngay, nhưng chàng cũng cảm thấy buốt tận xương.
Huy Nguyệt sứ liên tiếp vận dụng nội kình, đẩy hai mũi Thấu cốt châm tấn công lén Vô Kỵ, nhưng thấy Vô Kỵ không bị hao sức chút nào cả mà đã chống đỡ được hết nên nàng ta càng kinh hãi thêm.
Nàng lại thấy Vô Kỵ đeo thanh bảo kiếm ở ngang lưng rất sắc bén, nàng cũng muốn cướp được cả thanh bảo kiếm ấy nữa, nhưng nàng không sao rảnh tay để cướp.
Diệu phong sứ chỉ còn một cây Thánh hỏa lệnh nên tay trái trống không, đáng lẽ có thể ra tay cướp được thanh kiếm đó.
Nhưng vì đã dồn hết sức vào cánh tay phải, tay trái của y đã tê liệt như không có tay vậy. Trong khi đôi bên đang cầm cự, kẻ địch cứ liên tiếp dồn những mũi tên thấu cốt tấn công lia lịa.
Vô Kỵ liền nghĩ thầm:
- Nếu đối phương cứ dùng thấu cốt châm tấn công mãi thế này có lẽ ta chịu không nổi mất!.
Nhưng chàng không có cách gì đối phó, bỗng nghe thấy tiếng hô hấp của Tạ Tốn rất nặng và nghe thấy bước chân của đại hiệp cứ tiến tới dần.
Chàng biết nghĩa phụ mình đang tiến lên định ra tay giúp đỡ mình. Nhưng lúc ấy, nội kình của bốn người đã bao khắp toàn thân, Tạ Tốn ra tay đánh vào người của kẻ địch một chưởng thì không khác gì đánh vào người của Vô Kỵ vậy.
Ðại hiệp cũng biết điều đó nên chần chờ mãi không dám ra tay.
Vô Kỵ nghĩ thầm:
- Ta với ba sứ giả của Ba Tư không có thù oán gì hết. Vậy bây giờ cần nhất là làm sao cho nghĩa phụ thoát thân được. Nhưng nếu nghĩa phụ biết ta là Vô Kỵ thì thế nào nghĩa phụ cũng không chịu đi đâu .
Nghĩ đoạn, Vô Kỵ lớn tiếng nói:
- Tạ đại hiệp, võ công của ba sứ giả Ba Tư tuy lạ kỳ thực, nhưng tại hạ muốn thoát thân không phải là một chuyện khó. Mời đại hiệp hãy đi khỏi nơi đây, tạm tránh nhất thời, tại hạ đối phó với họ xong sẽ hoàn lại thanh đao ngay.
Ba sứ giả Ba Tư thấy chàng đấu nội lực mà còn lên tiếng nói được như thường, trong lòng kinh hãi thêm.
Tạ Tốn liền hỏi:
- Chẳng hay thiếu hiệp quý tính cao danh là gì?
Vô Kỵ chần chờ không muốn trả lời vội, liền nghĩ tiếp:
- Lúc này ta không nên cho nghĩa phụ biết ta là ai vội, bằng không nghĩa phụ thương ta và thế nào cũng quyết thí mạng với ba tên kia liền .
Nghĩ đoạn, chàng liền trả lời tiếp:
- Tại hạ họ Tăng tên là A Ngưu, sao đại hiệp không đi ngay đi, chẳng lẽ còn sợ tại hạ không chịu trả lại thanh bảo đao cho đại hiệp hay sao?
Tạ Tốn ha hả cả cười và nói tiếp:
- Tăng thiếu hiệp hà tất phải dùng lời lẽ nói khích Tạ mỗ như vậy, chúng ta can đảm tương chiến với nhau, mỗ tuổi già như vậy mà được kết giao với người bạn như thiếu hiệp, cảm thấy sung sướng vô cùng. Tăng thiếu hiệp mau rút tay và vứt thanh đao đi luôn.
Vô Kỵ biết Thất thương quyền của nghĩa phụ mình rất lợi hại, quý hồ mình đang tâm vứt con đao Ðồ Long cho kẻ địch thì quyền đó thể nào cũng đánh được Huy Nguyệt sứ, nhưng Minh giáo và tổng giáo Ba Tư sẽ gây thêm oán thù ngay. Vả lại khuyên mọi người phải dĩ hòa vi quý, nay bỗng nhiên ta giết sứ giả của tổng giáo thì hỏi rằng còn gì là phong độ của một vị giáo chủ nữa?
Nghĩ rồi chàng vội nói:
- Hãy khoan!
Và quay lại nói với Lưu Vân sứ rằng:
- Chúng ta hãy tạm ngừng tay, tại hạ có mấy lời muốn thưa cùng ba vị.
Lưu Vân sứ gật đầu tán thành.
Vô Kỵ lại nói tiếp:
- Tại hạ với Minh giáo có sự liên quan rất mật thiết, bây giờ ba vị đã cầm Thánh hỏa lệnh tới đây, tức là quý khách của tại hạ. Vừa rồi tại hạ vô lễ với quý vị, thật không phải với quý vị lắm. Bây giờ chúng ta cùng thâu lại nội lực tạm thời ngừng đấu, chẳng hay ba vị có tán thành không?
Lưu Vân sứ liền gật đầu, Vô Kỵ cả mừng liền thâu ngay nội lực và cũng thâu luôn đao Ðồ Long để ở trước ngực.
Chàng cảm thấy nội lực của ba sứ giả đó cùng rút lui liền, nhưng chàng lại cảm thấy có một luồng âm lực như đao, như kiếm, như dùi, như đục nhắm Ngọc Ðường huyệt ở trước ngực mình đâm tới.
Luồng âm lực đó tuy vô hình vô chất thật, nhưng nó không khác gì đao kiếm sắc bén, nên Vô Kỵ liền thấy hơi thở bế tắc và mình mẩy không sao cử động được.
Chàng sực nghĩ như sau:
- Sau khi ta chết, nghĩa phụ thế nào cũng không thoát khỏi bàn tay độc của chúng. Không ngờ sứ giả của tổng giáo lại vô tín nghĩa đến thế, còn Hân Ly liệu có sống sót được không? Triệu cô nương với Chu cô nương, Tiểu Siêu, tội nghiệp cho con bé ấy. Còn sự nghiệp lớn của bổn giáo là cứu dân, kháng Nguyên sau này sẽ ra sao?
Chàng vừa nghĩ đến đó, đã thấy Lưu Vân sứ giơ chiếc Thánh hỏa lệnh bên tay phải nhằm mình đánh xuống, vội vận lực dồn ra huyệt Ngọc Ðường ở trước ngực, nhưng dù sao cũng chậm hơn đối thủ.
Bỗng có một thiếu nữ lớn tiếng nói:
- Minh giáo ở Trung thổ đã tới rất đông.
Lưu Vân sứ nghe thấy nàng nọ nói như thế liền ngẩn người và ngừng tay lại không đánh chiếc Thánh hỏa lệnh ấy xuống nữa.
Ðồng thời, có một cái bóng xám như điện chớp phi tới, rút luôn thanh ỷ Thiên kiếm đeo ở ngang lưng Vô Kỵ ra, rồi cả người lẫn kiếm nhảy xổ vào trong lòng Lưu Vân sứ.
Vô Kỵ tuy không cử động được nhưng mắt còn trông thấy rõ, chàng đã nhận ngay ra người đó chính là Triệu Minh, mừng rỡ vô cùng, nhưng lại hoảng sợ ngay.
Thì ra, thế kiếm đó của Triệu Minh đang sử dụng đó là thế Ngọc tuý cô nương.
Nàng định cùng chết với kẻ địch một lúc.
Vô Kỵ biết rõ thế kiếm đó sử dụng như thế nào và kết quả của nó sẽ ra sao. Chàng biết Triệu Minh sử dụng thế kiếm này nhờ có thanh ỷ Thiên sắc bén, tất nhiên Lưu Vân sứ phải chết ngay tại chỗ và Triệu Minh cũng khó lòng thoát khỏi bàn tay độc ác của đối thủ.
Lưu Vân sứ lần đầu tiên đối địch với các tay cao thủ ở Trung Nguyên, y đấu với Vô Kỵ và còn thêm hai người nữa giúp sức cũng không sao thắng nổi đối phương. Nên y với hai người kia mới dùng gian kế mong thủ thắng. Nhưng y sắp hạ được đối thủ thì lại bỗng thấy một nhân vật, không phải là nam mà cũng không phải là nữ, nhưng thế kiếm của đối phương lợi hại vô cùng. Ðừng nói ba người của chúng liên hiệp đối phó không nổi thế kiếm đó mà cả tính mạng y cũng nguy hiểm nốt.
Trong lúc nguy cấp, y liền giơ Thánh hỏa lệnh lên đỡ thanh bảo kiếm kia, đồng thời, y lại sợ chết nên vừa đỡ một cái đã nằm xuống đất lăn ra bên ngoài luôn.
Chỉ nghe thấy kêu "coong" một tiếng, Thánh hỏa lệnh đã gạt được ỷ Thiên kiếm sang bên, nhưng má bên trái của y đã thấy lạnh buốt. Nhất thời y không biết sống chết ra sao hết, chờ tới khi y lóp ngóp bò dậy được, giơ tay lên rờ trên má, thấy nơi đó vừa ướt vừa đau nhức vô cùng.
Lúc ấy y mới biết má bên trái đã bị mũi kiếm nọ rạch mất một mảnh, cả râu lẫn da cũng bị mất hết.
Nếu Thánh hỏa lệnh không là vật báu gạt được ỷ Thiên kiếm sang bên thì đầu của y đã bị thanh kiếm đó chém đứt một mảnh rồi.
Tuy Triệu Minh mạo hiểm dùng thế kiếm đó đã đắc thắng, nhưng thanh ỷ Thiên kiếm bị đối phương hất bắn trở lại cũng chém mất một góc mũ của nàng, nên bộ tóc mây của nàng liền bị tung ra bên ngoài.
Thì ra, lúc Vô Kỵ nhảy ra để gặp Tạ Tốn, Triệu Minh đã nghĩ trước nghĩ sau.
Nàng nhận thấy Kim Hoa bà bà xảo trá và đa mưu kế, Hữu Lượng cũng đáng nghi lắm. Trên đảo Linh Xà này lại ẩn phục rất nhiều nguy cơ, nên nàng nghĩ mãi vẫn không yên tâm liền rón rén bò tới gần.
Nàng biết khinh công của mình còn non nớt, nếu tới gần một chút nữa thế nào cũng bị kẻ địch phát giác liền.
Vì vậy, nàng đành phải ngừng lại chỗ hơi xa để canh chừng.
Tới khi Vô Kỵ ra tay đấu với ba sứ giả nàng mới dám tới gần thêm.
Ðến khi nàng thấy Vô Kỵ đấu nội lực với ba sứ giả trong lòng mừng thầm và nghĩ:
- Ba tên Hồ này võ công tuy quái dị thật, nhưng nội lực của chúng bằng sao được Cửu Dương thần công Vô Kỵ .
Nàng đang nghĩ, bỗng nghe thấy Vô Kỵ lên tiếng bảo bọn người kia hãy ngừng đấu. Nàng chán ngán định lên tiếng bảo Vô Kỵ phải cẩn thận thì đối phương đã sử dụng âm kình đánh chàng rồi.
Vô Kỵ bị thương ngã lăn ra đất.
Triệu Minh thấy vậy, nóng lòng sốt ruột, không quản ngại gì hết, liền nhảy xổ ra.
Tuy nàng biết võ công của Vô Kỵ cao thâm khôn lường mà còn địch không nổi ba người kia thì mình địch sao nổi chúng?
Nhưng lúc ấy nàng không kịp nghĩ tới vấn đề đó nữa, liền nhảy xổ tới, cướp luôn thanh kiếm ỷ Thiên và sử dụng thế tuyệt học của phái Côn Luân mà nàng đã học lỏm được ở chùa Vạn Pháp ra tấn công kẻ địch.
Nàng thấy thế kiếm đó đâm được kẻ địch, liền xoay lưỡi kiếm lại nhằm người Diệu Phong sứ mà tấn công, nhưng thế kiếm này của nàng lại người ở trước mà kiếm thì ở phía sau.
Thế này gọi là thế Nhân quỹ đồng đồ là thế tuyệt học của phái Không Ðộng. Thế này sử dụng trong lúc mình kém vế hơn địch thì phải đem ra sử dụng để cùng chết luôn một thể. Lối đánh như thế rất thảm khốc, nên phái Thiếu Lâm với phái Nga Mi không có những thế độc địa như vậy.
Ngày nọ phái Côn Luân với Không Ðộng có rất nhiều tay cao thủ bị giam giữ ở chùa Vạn Pháp, những tay cao thủ đó bị nhục nhã vô cùng vì võ công và sức lực bị mất hết, không sao thắng nổi đấu thủ của bên địch. Vì vậy có vài người nóng tính, cường ngạnh một chút đã giở hai thế võ đó ra để cùng chết với đối thủ.
Triệu Minh thấy hai thế ấy độc ác như vậy, nhớ kỹ trong đầu óc và hôm nay đem ra sử dụng.
Diệu Phong sứ thấy thế công của nàng hung ác như vậy, kinh hãi vô cùng, liền cảm thấy người lạnh buốt và đứng ngẩn người ra, không cử động được nữa. Thì ra tuy y có võ công cao siêu nhưng lại rất nhát gan.
Trong đời y đã đấu rất nhiều trận mà trận nào cũng đều thắng đối thủ chớ y chưa bao giờ gặp những thế công của đối thủ lợi hại đến nỗi không có cách gì đối phó được. Vì vậy kinh hãi quá độ mà huyết mạch đều ngừng, đành thúc thủ chịu chết thôi.
Triệu Minh đã nhảy tới, người của nàng đã đụng vào Thánh hỏa lệnh của Diệu Phong sứ rồi, tay nàng ở phía sau đưa lên thật cao, nhắm lưng mình tự đâm trước. Thì ra thế kiếm này phải dùng thân hình của mình đưa vào khí giới của địch, bất cứ khí giới của địch là đao hay kiếm, đụng vào người mình cũng phải ngừng lại một chút. Rồi mình giơ kiếm lên đâm xuyên qua nách để hạ địch thủ, như vậy đối phương dù có võ công cao siêu đến đâu cũng không thể nào thoát chết được.
Diệu Phong sứ đã thấy rõ thế kiếm đó lợi hại như thế nào nên y mới ngẩn người hoảng sợ như thế. Cũng may, khí giới của y là cái thẻ sắt, không sắc bén gì cả nên người của Triệu Minh đụng vào vẫn chưa bị thương. Nhưng khi nàng vừa đưa trường kiếm đâm về phía trước thì nàng đã bị Huy Nguyệt sứ ôm chặt lấy rồi.
Ba sứ giả Ba Tư liên hiệp nghênh địch, phối hợp rất khéo léo, trên đời ít người sánh kịp, nên Triệu Minh vừa xông lên giở hai thế võ trí mạng ra tấn công đã làm cho ba tay cao thủ đó cuống cả chân tay lên.
Tới lúc này Huy Nguyệt sứ ở phía sau ôm chặt lấy Triệu Minh và cách ôm của nàng rất khéo léo nên kiếm của Triệu Minh không đâm được nữa.
Nàng thấy cánh tay mình bị ôm chặt, biết là nguy tai liền nhân lúc Huy Nguyệt sứ lôi tay mình về phía sau, đưa mũi kiếm vào bụng dưới của mình để tự sát.
Cử chỉ ấy của nàng cũng là một thế kiếm của phái Võ Ðang tên là Thiên địa đồng thọ, nhưng thế kiếm này không phải do Trương Tam Phong sáng chế ra mà là thế kiếm của Lợi Hanh nghĩ ra.
Lợi Hanh nghĩ ra thế kiếm đó là muốn cùng chết với Dương Tiêu. Vì từ khi chàng hay tin Hiểu Phù chết, trong lòng chỉ có nghĩ cách giết Dương Tiêu để trả thù thôi. Nhưng chàng tự biết võ công của mình không sao địch nổi Dương Tiêu, tuy sư phụ của chàng là đệ nhất cao thủ thực, nhưng chàng kém thông minh nên chỉ học được ba bốn thành võ công của sư phụ thôi. Chàng thấy không sao giết được Dương Tiêu thì tự mình không còn muốn sống nữa. Vì vậy chàng nghĩ mãi mới nghĩ ra được thế kiếm ác độc ấy. Trong khi luyện kiếm bị Tam Phong bắt gặp, Trương chân nhân chỉ thở dài thôi, vì biết có khuyên bảo chàng cũng không nghe. Vì thế Chân nhân mới đặt cho thế kiếm đó là Thiên Ðịa ÐồngThọ. ý nghĩa của cái tên là người tuy chết nhưng tinh thần vẫn bất hủ. Ðại đệ tử của Lợi Hanh ở chùa Vạn Pháp có thể giở thế kiếm đó ra để cùng chết với đối thủ, nhưng được Khổ Ðầu Ðà cứu kịp nên Triệu Minh mới được học thế kiếm đó và đem ra sử dụng lúc này. Thì ra thế kiếm ấy chuyên môn để đối phó với kẻ địch đứng sau và sát bên mình.
Vì thế kiếm đó đâm vào bụng mình xuyên qua phía sau và đâm luôn vào bụng kẻ địch. Thế kiếm ác độc như vậy, Huy Nguyệt Sứ làm sao tránh được nếu Diệu Phong Sứ không bị hoảng sợ đến ngẩn người ra, hay Lưu Vân Sứ đứng gần hơn một chút nữa thì may ra hai người đó có thể cứu thoát Triệu Minh và Huy Nguyệt Sứ. Nhưng chúng không thể nào ra tay cứu được hai người nên yên trí thế nào hai người nọ cũng bị thủng bụng mà chết.
Ðang lúc nguy hiểm thì Vô Kỵ đã tự giải được huyệt rồi, liền giơ tay ra cướp thanh ỷ Thiên Kiếm đó.
Triệu Minh dùng sức đẩy mạnh một cái, thoát ra khỏi lòng của Huy Nguyệt Sứ.
Nàng rất nhanh trí khôn, vội cướp lấy thẻ Thánh hỏa lệnh trong tay Vô Kỵ, ném luôn về phía xa, chỉ nghe thấy "coong" một tiếng, thẻ đó rớt ngay vào trong trận kim nhọn của Kim Hoa Bà Bà.
Ba sứ giả của Ba Tư coi Thánh hỏa lệnh đó như là tính mạng thứ hai của mình, Lưu Vân Sứ với Huy Nguyệt Sứ không nghĩ gì đến chuyện đối địch với Vô Kỵ và Triệu Minh, chúng cũng không nghĩ đến sự an nguy của Diệu Phong Sứ nữa mà cùng tung mình nhảy về phía nọ để nhặt chiếc Thánh hỏa lệnh ấy. Nhưng chúng chỉ chạy được hơn một trượng, đã sa vào trận kim nhọn mà không hay.
Vì nơi đó có lau mọc tới tận đầu gối, nên cả hai không trông thấy Thánh hỏa lệnh và những kim nhọn đâu hết. Vì vậy hai người cứ phải vừa đi vừa tìm kiếm kim để nhổ lên và vừa rờ mó xem Thánh hỏa lệnh rớt ở đâu.
Lúc ấy Diệu Phong Sứ như người nằm mơ vừa thức tỉnh, liền kinh hoàng chạy về phía đó để tìm kiếm chiếc Thánh hỏa lệnh.
Vì cứu thoát mạng của Vô Kỵ, Triệu Minh không suy nghĩ gì hết, giở luôn ba thế kiếm trí mạng như vừa rồi.
Lúc nãy nàng đã hoàn hồn, càng nghĩ lại càng hoảng sợ, liền khóc một tiếng và ngã ngay vào lòng Vô Kỵ tức thì.
Vô Kỵ giơ tay ra ôm lấy lưng nàng, trong lòng cảm động vô cùng, nhưng chàng biết ba sứ giả nọ kiếm thấy Thánh hỏa lệnh rồi thì thế nào cũng trở lại đấu tiếp, nên chàng vội nói:
- Chúng ta mau chạy đi thôi.
Nói xong, chàng quay người lại ẳm cả Hân Ly đang bị thương nặng rồi nói:
- Tạ Ðại hiệp, bây giờ chỉ có một cách tạm tránh né trong chốc lát thôi.
Tạ Tốn đáp:

- Phải.
Ðại hiệp trả lời Vô Kỵ xong, vội cúi mình giải huyệt cho Kim Hoa Bà Bà.
Vô Kỵ thấy vậy nghĩ thầm:
- Trải qua đại nạn này, chắc Kim Hoa Bà Bà không còn tức giận gì nghĩa phụ ta nữa.
Thế rồi bốn người cùng chạy xuống núi.
Nhưng vừa chạy được mấy trượng, Vô Kỵ lại nghĩ tiếp:
- Tuy Hân Ly là biểu muội ta thực, nhưng dù sao vẫn nam nữ thọ thọ bất thân.
Nghĩ đoạn chàng liền trao Hân Ly cho Kim Hoa Bà Bà.
Triệu Minh đi trước dẫn đường rồi đến Kim Hoa Bà Bà và Tạ Tốn, sau cùng là Vô Kỵ đi đoạn hậu để phòng khi địch tấn công lén.
Chàng vừa chạy vừa quay đầu lại nhìn, thấy ba sứ giả hãy còn đang khom lưng tìm kiếm, càng hoảng sợ thêm.
Chàng lại nghĩ tới vết thương của Hân Ly, không biết có thể cứu chữa được không. Mấy người đang đi bỗng nghe thấy Tạ Tốn quát lớn một tiếng, rồi giơ quyền nhắm sau lưng Bà Bà đánh luôn.
Kim Hoa Bà Bà đưa tay trái về phía sau chống đỡ.
Mụ ta gạt được quyền của Tạ Tốn sang bên, vội đặt Hân Ly xuống đất.
Vô Kỵ kinh hãi, phi thân nhảy tới, nhưng chàng lại nghe Tạ Tốn quát:
- Hàn phu nhân, sao phu nhân lại đang tay giết hại Hân cô nương như thế?
Kim Hoa Bà Bà cười nhạt đáp:
- Hiền đệ không giết tôi, đó là việc của hiền đệ, còn việc tôi giết nó hay không giết, đó là việc của tôi, không can hệ gì đến hiền đệ.
Vô Kỵ liền đỡ lời :
- Có tôi ở đây, Bà Bà không thể tuỳ tiện giết người như thế được.
Kim Hoa Bà Bà lại nói tiếp:
- Ngày hôm nay, cậu can thiệp vào việc của người khác luôn luôn như thế chưa đủ sao?
Vô Kỵ đáp:
- Sao Bà Bà lại nói như vậy? Thôi đừng nói nữa, ba sứ giả của Ba Tư đã đuổi theo kìa, có mau chạy đi không?
Kim Hoa Bà Bà cười nhạt một tiếng và chạy luôn về phía Tây.
Nhưng mụ ta vừa chạy được mấy bước, đã trái tay ném về phía sau ba chiếc bông kim hoa.
Ba bông kim hoa đó đều nhằm sau ót của Hân Ly phi tới.
Vô Kỵ vội giơ tay ra búng, chỉ nghe tháy ba tiếng kêu "vù vù vù", ba bông đó liền bay trở lại bắn ra phía sau Kim Hoa Bà Bà tức thì.
Thế đi của mấy bông hoa đó còn nhanh hơn những mũi tên.
Kim Hoa Bà Bà không ngờ nội lực của thiếu niên đó thâm hậu như thế, bà không dám giơ tay ra bắt, chỉ nằm phục xuống tránh né thôi.
Nhờ vậy ba bông hoa mới lướt qua mụ ta mà bay về phía trước. Tuy vậy lưng áo của mụ ta cũng bị rạch ba đường dài, không khác gì bị người ta dùng dao cắt vậy. Mụ ta hoảng sợ vô cùng, không dám quay đầu trở lại, liền giở hết khinh công tẩu thoát tức thì.
Vô Kỵ giơ tay ra ẳm Hân Ly lên, bỗng nghe thấy Triệu Minh kêu đau, hai tay ôm bụng và cứ khom lưng xuống. Chàng vội hỏi:
- Làm sao thế?
Chàng liền tiến lên hai bước, thấy tay nàng đầy những máu tươi, những kẽ tay đều có máu rỉ ra. Thì ra vì hồi nãy nàng sử dụng thế "Thiên Ðịa Ðồng Thọ", tuy Vô Kỵ đã cướp được thanh kiếm của nàng rồi, nhưng bụng nàng vẫn bị mũi kiếm rạch một đường khá dài.
Vô Kỵ kinh hãi vô cùng, vội nói:
- Bị thương có nặng không?
Ðang lúc ấy, chàng nghe thây Diệu Phong Sứ ở trong trận Kim nhọn đang vui vẻ la lớn:
- Kiếm thấy rồi, kiếm thấy rồi.
Triệu Minh vội nói:
- Công tử để mặc tôi, chạy mau đi, chạy mau đi.
Vô Kỵ không nói năng gì hết, vội ẳm nàng lên vai lớn bước chạy xuống dưới núi liền. Triệu Minh liền đề nghị:
- Công tử luôn chạy xuống thuyền, bảo người lái đò nhổ neo đi ngay.
Vô Kỵ liền vâng lời, một tay ẳm Hân Ly, một tay ẳm Triệu Minh, chân không ngừng bước, rảo bước chạy xuống dưới núi.
Tạ Tốn đi sau lưng chàng hộ vệ, trong lòng kinh hãi thầm và nghĩ:
- Thiếu niên này lợi hại thật, hai tay ẳm hai người mà còn đi nhanh hơn ta.
Vô Kỵ đầu óc bối rối, vì hai thiếu nữ đều bị thương nặng, nếu chữa không khỏi cho một người, mình cũng sẽ ân hận suốt đời. Chàng cảm thấy mình mẩy của hai người vẫn còn ấm áp, không có vẻ gì là sắp lạnh dần cả, nên chàng cũng đỡ lo ngại phần nào.
Hãy nói ba sứ giả Ba Tư tìm được Thánh hỏa lệnh rồi liền đuổi theo bọn Vô Kỵ. Nhưng khinh công của chúng bằng sao được Vô Kỵ và Tạ Tốn.
Vô Kỵ chạy tới bờ bể liền lớn tiếng kêu gọi:
- Minh Minh quận chúa có lệnh, các thủy thủ phải giương buồm nhổ neo, mau rời khỏi nơi đây ngay.
Chờ tới khi chàng cùng Tạ Tốn chạy tới đằng mũi thuyền thì bộ hạ của Triệu Minh đã giương hết buồm lên rồi, nhưng người lái thuyền cần phải đích thân Triệu Minh ra lệnh mới dám cho thuyền chạy. Y liền lên tiếng hỏi. Vì mất sức nhiều quá, nên Triệu Minh nói rất khẽ, vội dặn bảo người lái đò rằng:
- Người... cứ nghe... lệnh của Trương công tử...
Lúc ấy, người lái đò mới chịu cho thuyền rời khỏi bến.
Khi sứ giả Ba Tư đuổi tới bờ bể thì thuyền của mọi người đã đi được mấy chục trượng xa rồi.
Vô Kỵ đặt Triệu Minh với Hân Ly nằm xếp hàng ở trong khoang.
Tiểu Siêu vội cởi áo của hai người ra để cho Vô Kỵ xem xét vết thương.
Chàng thấy vết thương ở bụng dưới của Triệu Minh sâu hơn tấc, tuy máu chảy khá nhiều nhưng không nguy hiểm đến tính mạng, còn Hân Ly thì ba bông Kim Hoa ném trúng ba nơi yếu huyệt và bông hoa nào cũng cắm vào chỗ đó rất sâu, nên chàng không dám chắc có thể chữa khỏi được cho Hân Ly hay không.
Chàng vẫn rịt thuốc và băng bó cho hai người.
Hân Ly đã mê man bất tỉnh không hay biết gì cả, còn Triệu Minh thì nước mắt ràn rụa. Vô Kỵ vội hỏi nàng thấy sao? Nàng chỉ nghiến răng mím môi chịu nhịn chứ không trả lời, Tạ Tốn liền đến gần nói với Vô Kỵ rằng:
- Tăng thiếu hiệp, Tạ mỗ đã tựa như sống sang một thế giới khác không ngờ về Trung Thổ lại quen biết một người bạn nghĩa khí thâm trọng như chú em.
Vô Kỵ vội đỡ nghĩa phụ ngồi trên ghế ở giữa khoang thuyền, rồi chàng quỳ xuống vái lạy vừa khóc vừa nói:
- Thưa nghĩa phụ, con Vô Kỵ bất hiếu không thể sớm ngày trở ra ngoài Băng Hỏa Ðảo để đón nghĩa phụ về đây nên nghĩa phụ mới phải chịu khổ sở vất vả như thế này.
Tạ Tốn giật mình kinh hãi vội hỏi lại:
- Chú... chú nói gì thế? ...
Vô Kỵ đáp:
- Con là Trương Vô Kỵ đây.
Tạ Tốn không tin lại hỏi tiếp:
- Chú... chú em nói gì vậy?
Vô Kỵ liền đọc lại những khẩu quyết của Tạ Tốn đã dạy cho mình từ hồi còn nhỏ:
- Về môn quyền học cần nhất phải tập trung tinh thần, phải dục ý trước sức lực, như vậy mới thể thắng...
Thế rồi chàng cứ thao thao bất tuyệt đọc hết cả bài võ công yếu khuyết đó. Khi chàng đọc được hơn trăm câu, Tạ Tốn đã kinh hãi và mừng rỡ vô cùng, vội nắm lấy hai cánh tay chàng và hỏi:
- Con... có thật là Vô Kỵ của ta không?
Vô Kỵ đứng dậy ôm chặt lấy nghĩa phụ rồi chàng kể lại cho Tạ Tốn nghe qua loa những chuyện của mình từ khi về tới Trung Thổ như thế nào. Còn chàng làm giáo chủ Minh giáo thì tạm giấu không nói để Tạ Tốn khỏi phải tuân theo tôn ty trật tự của Minh giáo quỳ lạy mình. Tạ Tốn tưởng mình nằm mơ, nhưng y không thể nào không tin là sự thật, liền lẩm bẩm nói:
- Ông trời có mắt, ông trời có mắt.
Ðang lúc ấy, người lái với các thủy thủ đã la lớn:
- Thuyền của địch đã đuổi theo tới.
Vô Kỵ liền lên đuôi thuyền ngó xem thấy xa xa có một chiếc thuyền buồm thực lớn đương giương cả năm cái buồm đuổi theo tới. Trong đêm tối không sao thấy rõ được thân thuyền của địch nhưng năm cái buồm trắng đó thì rất rõ. Chàng vội bảo bọn thủy thủ rằng:
- Mau tắt đèn đi.
Chàng vừa dặn bảo xong, thuận tay cầm lấy cái bát uống nước của người lái đò, nhắm chiếc đèn bão treo ở trên cột buồm. Chỉ nghe thấy "bộp" một tiếng, ngọn đèn bão bị chàng ném tắt ngay. Tiếp theo đó là những đèn bên dưới cũng đều tắt hết. Bốn bề và thân thuyền đều tối đen như mực.
Riêng có cái buồm màu trắng không sao làm đen đi được và cũng không dám hạ buồm xuống. Vô Kỵ quay lại nhìn thấy thuyền của địch nhiều thân thuyền nhẹ nên càng đuổi càng gần. Chàng nóng lòng sốt ruột không biết tính toán như thế nào cho phải liền nghĩ thầm:
- Ðành để cho ba sứ giả của Ba Tư lên trên thuyền của chúng ta, rồi ta đấu với chúng trong khoang vậy.
Sở dĩ chàng có ý nghĩ như thế là vì trong khoang chật hẹp ba người nó khó mà hợp tác dễ dàng như ở trên bờ.
Thế rồi chàng kéo Triệu Minh với Hân Ly sang một bên, mới lên boong trở lại mang một chiếc neo lớn đem vào trong khoang để ở chỗ chính giữa dùng làm vật chướng ngại để khiến ba sứ giả đó không sao liên kết nhau được.
Chàng bố trí xong, bỗng nghe "ùm" một tiếng. Chàng thấy thân thuyền rung động rất mạnh rồi chếch sang bên một cái. Nếu mọi người trên khoang không có võ công cao cường thì đã ngã lăn lộn, rớt xuống dưới bể rồi. Tiếp đó nước bể tràn vào khoang, tên lái thuyền liền lớn tiếng hỏi:
- Thuyền của địch đã bắn đại bác! Thuyền của địch đã bắn đại bác!
Thì ra phát đại bác thứ nhất của địch bắn không trúng, chỉ bắn vào chỗ cạnh thuyền thôi. Triệu Minh liền vẫy tay Vô Kỵ lại gần.
Vô Kỵ khẽ an ủi nàng rằng:
- Em đừng sợ.
Triệu Minh với giọng yếu ớt đáp:
- Ðại ca, ta cũng có đại bác đấy.
Vô Kỵ mới sực nhớ ra thuyền này là chiếc chiến thuyền nguỵ trang, nên chàng vội chạy lên boong chỉ huy các thủy thủ dọn hết những đồ nguỵ trang rồi nhét thuốc súng và sắt vụn vào trong đại bác.
Chàng ra lệnh cho châm ngòi. "Bùng", một tiếng bắn trả lại thuyền địch một phát. Nhưng những bọn thủy thủ đó đều là thủ hạ võ sĩ của Triệu Minh võ công tuy rất cao siêu, nhưng không phải là thủy thủ chính thức, nên không biết sử dụng đại bác. Vì vậy, phát đạn đó bắn không trúng, nên thuyền địch không việc gì hết, nhưng nhờ vậy mà thuyền địch không dám đến gần nữa.
Một lát sau, thuyền địch lại bắn phát thứ hai trúng ngay vào mũi thuyền của chàng.
Lửa liền bốc cháy.
Vô Kỵ vội chỉ huy thủy thủ múc nước cứu hỏa, chàng lại thấy khoang trên cũng có lửa bốc lên. Chàng liền xách hai thùng nước dùng chân đạp tung cửa, chạy vào bên trong, nhờ vậy mới dập tắt được ngọn lửa.
Trong khói mịt mù, chàng thấy một thiếu nữ nằm ở trên giường.
Thiếu nữ đó chính là Chỉ Nhược, mình mẩy đã ướt đẫm.
Chàng vội vứt thùng nước xuống chạy vào trong phòng hỏi:
- Chu cô nương có việc gì không?
Chỉ Nhược gật đầu. Nàng trông thấy Vô Kỵ đột nhiên xuất hiện thì vô cùng kinh dị.
Khi nàng cử động tay chân, Vô Kỵ liền nghe thấy tiếng "loảng xoảng" của xích sắt, lúc ấy mới biết chân tay của nàng đã bị Kim Hoa Bà Bà dùng xích xiềng chặt.

Vô Kỵ vội chạy xuống khoang dưới lấy thanh ỷ Thiên kiếm lên chặt xiềng và khoá cho Chỉ Nhược.
Chỉ Nhược liền hỏi:
- Trương giáo chủ, sao giáo chủ lại biết mà tới đây?
Vô Kỵ chưa kịp trả lời thì thuyền của chàng lại rung động mạnh một lần nữa.
Chỉ Nhược cũng bị xiềng xích lâu ngày, chân tay tê tái, nên nàng vừa đứng dậy đã ngã ngay vào lòng Vô Kỵ.
Vô Kỵ vội giơ tay ra để đỡ nàng.
Lúc ấy ánh sáng ngoài cửa sổ chiếu vào, chàng thấy mặt Chỉ Nhược nhợt nhạt bỗng đỏ bừng, mắt long lanh mấy giọt lệ trông thật thanh nhã tú lệ.
Chàng định thần giây lát rồi mới nói:
- Chúng ta hãy xuống bên khoang dưới.
Hai người vừa ra khỏi cửa khoang đã thấy thân thuyền cứ quay tít, mới hay phát đại bác của địch vừa rồi đã bắn trúng đằng đuôi, lái bị tan nát.
Cả người cầm lái cũng bị rớt xuống bể chết.
Người thuyền trưởng vì âu lo quá liều thân hành tới trước đại bác nhét sắt vụn và thuốc súng vào để bắn. Y chỉ mong phát đại bác đó đánh đắm thuyền địch, nên nhồi rất nhiều thuốc và giả sắt vụn thật chặt rồi mới châm ngòi để bắn.
Bỗng thấy lửa đỏ sáng rực, tiếng nổ vang trời động đất, nhưng sắt vụn trong đại bác bay tứ tung và cây đại bác đó cũng tan tành nốt.
Người thuyền trưởng với bọn thủy thủ đứng cạnh đại bác bị sức nổ bắn nên tên nào tên nấy tan xương nát thịt. Thì ra người thuyền trưởng vì nóng lòng sốt ruột đã nhồi quá nhiều thuốc, nên đại bác mới bị nổ tan tành như thế.
Vô Kỵ với Chỉ Nhược vừa đi ra ngoài boong đã thấy có một sức mạnh và nóng vô cùng đẩy tới, khiến hai người bắn ra ngoài xa, Vô Kỵ liền giơ tay phải ra chộp luôn một sợi dây thừng và tay trái túm được cổ chân của Chỉ Nhược.
Nhờ vậy hai người mới không bị rớt xuống bể. Nhưng chàng thấy trên thuyền đâu đâu cũng có lửa bốc lên và thuyền sắp bị đắm đến nơi. Chàng lại thấy phía bên trái có cột một chiếc thuyền nhỏ, chàng la lớn:
- Chu cô nương hãy nhảy vào thuyền nhỏ kia trước...
Lúc ấy Tiểu Siêu ẳm Hân Ly, Tạ Tốn ẳm Triệu Minh ở khoang dưới đi ra. Thì ra đại bác nổ vừa rồi đã làm cho đáy thuyền thủng một lỗ thật lớn, nước bể liền tràn vô.
Vô Kỵ chờ Tạ Tốn và Tiểu Siêu ngòi vô trong chiếc thuyền nhỏ rồi, liền chặt dứt dây cột thuyền đó, để cho thuyền trôi lênh đênh trên mặt biển.
Chàng liền nhảy vào trong khoang thuyền rồi cầm hai mái chèo mà dùng sức bơi luôn. Lúc ấy, chiếc thuyền đã cháy đỏ, khiến cả mặt biển ở vùng đó cũng đỏ nốt.
Vô Kỵ nghĩ thầm:
- Ta chỉ cần bơi thuyền đến những chỗ không có ánh sáng chiếu tới. Ba sứ giả của Ba Tư không trông thấy thuyền nhỏ này, thì thế nào họ cũng tưởng chúng ta đã bị chôn vùi dưới đáy biển rồi. Chúng sẽ không đuổi theo nữa...
Nghĩ đoạn chàng liền dùng hết sức lực để chèo.
Tạ Tốn cũng lấy một tấm ván chèo giúp một tay. Nhờ vậy chiếc thuyền đi nhanh như tên bắn.
Giây phút sau đi tới một vùng không có ánh lửa chiếu tới. Tiếp theo đó, chàng lại nghe thấy chỗ thuyền đắm có tiếng kêu "ùm ùm" liên tiếp, thì ra những thuốc súng để ở trên thuyền đã bị lửa bén tới, nên mới nổ liên tiếp như vậy. Chiếc thuyền của sứ giả Ba Tư đuổi theo tới không dám gần đến chỉ đậu ở đằng xa để canh chừng thôi. Những võ sĩ của Triệu Minh có mấy người bơi lội rất giỏi liền bơi tới cạnh thuyền của địch cầu cứu, nhưng bị ba sứ giả đó đánh chết hết.
Vô Kỵ với Tạ Tốn vẫn không ngừng tay chèo.
Thuyền địch bắn thêm một phát đại bác nữa. Viên đạn đó rớt cách thuyền mấy trượng những làn sóng vọt cao khiến chiếc thuyền nhỏ gần úp. Cũng may nội công của hai người rất cao siêu nên mới giữ được thăng bằng cho chiếc thuyền.
Sáng sớm hôm sau, trời mây đen, sương mù bao phủ hết mặt biển.
Vô Kỵ thấy vậy mừng, nói:
- Sương mù như vậy rất may cho chúng ta. Chỉ cần bơi nửa ngày nữa là địch không thể nào đuổi kịp chúng ta nữa.
Lúc ấy đang là mùa đông, quần áo của mọi người ướt đầm, Vô Kỵ với Tạ Tốn nhờ có nội lực thâm hậu, nên không thấy lạnh, còn Chỉ Nhược với Tiểu Siêu bị gió bấc thổi giá lạnh chịu không nổi.
Cả hai đều rét run. Khốn nỗi trên thuyền nhỏ đó không có một miếng vải và một mảnh chiếu nào hết. Vô Kỵ với Tạ Tốn đành phải cởi áo ngoài ra phủ trên người Triệu Minh với Hân Ly.
Chiều hôm đó, thật là hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai, trời lại mưa to gió lớn, chiếc thuyền nhỏ bị gió thổi trôi xuống miền Nam, nên Tạ Tốn, Vô Kỵ và Chỉ Nhược cùng Tiểu Siêu cứ phải lấy giầy tát nước vì sợ nước mưa xuống nhiều quá, thuyền sẽ bị đắm. Tạ Tốn gặp được Vô Kỵ, lòng khoan khoái vô cùng, dù hoàn cảnh đau khổ đến đâu cũng không quản ngại.
Tạ Tốn và Vô Kỵ chuyện trò vui vẻ.
Tạ Tốn hỏi:
- Vô Kỵ, năm xưa ta với cha mẹ con cùng đi thuyền ra ngoài bể giữa đường gặp gió bão, nhưng trận bão ấy vẫn không to bằng trận bão ngày hôm nay. Sau đó chúng ta tới Băng Sơn ăn thịt con hỏa báo để sinh sống. Ngày đó nhờ có gió Nam mới thổi đưa chúng ta tới nơi cực bắc. Ngày hôm nay, trời thổi gió bắc chẳng lẽ trời ghét Tạ Tốn này định đẩy ta đến nhà của Nam Cực Tiên ông chăng. Nếu quả thật như thế ta sẽ ở lại đó thêm hai mươi năm nữa.
Nói tới đó y ha hả cười một hồi rồi lại nói tiếp:
- Năm xưa cha mẹ con, một nam một nữ thật là nam tài nữ sắc, trời xe duyên cho hai người nhưng bây giờ con lại đem theo bốn thiếu nữ như thế này, thế là nghĩa lý gì, hà hà...
Chỉ Nhược nghe Tạ Tốn nói, xấu hổ mặt đỏ bừng, vội cúi đầu xuống, còn Tiểu Siêu thì vẫn ung dung như thường và còn xen lời nói:
- Thưa Tạ lão gia, cháu chỉ là con sen hầu hạ công tử thôi.
Triệu Minh tuy bị thương khá nặng nhưng cũng tỉnh táo.
Nàng cũng đột nhiên xen lời nói:
- Tạ lão gia chớ có nói bậy, nói bạ như thế, chờ cháu lành mạnh, thế nào cháu cũng đánh cho lão gia mấy bạt tai.
Tạ Tốn thè lưỡi vừa cười vừa đáp:
- Cô bé này lợi hại thật.
Y đột nhiên xịu nét mặt lại không cười nữa và lẩm bẩm nói:
- Ừ, tối hôm qua cô bé này thí mạng đánh ra ba thế. Thế thứ nhất là thế võ của phái Côn Luân. Thế thứ hai là của phái Không Ðộng và thế thứ ba là thế của phái nào nhỉ? ...
Lão già này quê mùa cục mịch, không nghĩ ra được thế đó là thế của phái nào.
Triệu Minh kinh hãi thầm và nghĩ:
- Thảo nào năm xưa Kim Mao Sư Vương oai trấn thiên hạ, đảo lộn giang hồ, hai mắt của y không trông thấy gì mà vẫn còn đoán ra được hai thế võ của ta. Ðến giờ ta mới biết, y quả thật danh bất hư truyền.
Nghĩ đoạn, nàng lại nói:
- Thế thứ ba là thế "Thiên Ðịa đồng thọ" của phái Võ Ðang. Hình như thế này mới sáng tạo ra cho nên lão gia mới không biết đấy.
Tạ Tốn thở dài, nói tiếp:
- Cô dùng toàn lực để cứu Vô Kỵ tất nhiên rất hay rồi, nhưng hà tất cô phải thí mạng như thế.
Triệu Minh đáp:
- Y... y...
Nàng ngập ngừng không dám nói là vì không biết có nên nói câu này ra không. Nhưng rốt cuộc nàng nhịn không được, nức nở khóc và nói tiếp:
- Ai bảo y... đầy những tình tứ.. ẳm... ẳm Hân cô nương như vậy nên tôi không muốn sống nữa.
Nói xong, nước mắt nàng đã tuôn như mưa.
Ai nấy nghe thấy nàng nói như vậy đều ngạc nhiên vô cùng, vì ai cũng không ngờ cô bé trẻ tuổi như vậy mà dám thổ lộ tâm sự của mình trước mặt mọi người như thế.
Nhưng không ai biết Triệu Minh là gái Mông Cổ, vì gái Mông Cổ không biết giữ lễ giáo như gái ở Trung Nguyên.
Gái Mông Cổ yêu là yêu, hận là hận, chứ không giả dối và làm bộ làm tịch gì hết.
Lại thêm lúc này chiếc thuyền của mọi người đang lênh đênh trên mặt biển, trời lại mưa to như vậy, không ai có thể biết mình sống thêm được bao lâu nữa hay là, chỉ một cái sóng thuyền đã bị đánh úp...
Lời nói của Triệu Minh từng chữ một rót vào tai Vô Kỵ làm chàng cảm động vô cùng và nghĩ thầm:
- Nói đúng ra, Triệu cô nương là kẻ địch của ta, lần này ta theo nàng đi hải ngoại mục đích của ta là để nghinh đón nghĩa phụ. Có ngờ đâu nàng lại yêu ta đến thế!
Nghĩ tới đó, chàng không sao cầm lòng được, giơ tay ra nắm lấy tay Triệu Minh để lên ngực mình và chàng cúi đầu dí môi vào tai nàng khẽ nói:
- Lần sau, dù sao tôi cũng không dám làm như thế nữa.
Vừa rồi Triệu Minh lỡ lời thổ lộ tâm sự mình cho mọi người hay, sau nàng nghĩ lại rất hối hận và nghĩ thầm:
- Con gái gì mà đoảng đến thế, lời nói ấy làm sao mà nói cho người khác hay được, chắc thế nào mọi người cũng khinh thường ta...
Nàng đang nghĩ bỗng thấy Vô Kỵ dặn dò mình một cách âu yếm như vậy, nàng vừa kinh hãi, vừa mừng rỡ, vừa xấu hổ, vừa yêu đương. Nàng cảm thấy khoan khoái vô cùng và nhận thấy đêm hôm trước ba lần mình xuất tử nhập sinh phiêu lưu chịu khổ ở trên bể như thế này là không phí.
Mưa thêm một hồi lâu nữa đã dần dần tạnh nhưng sương mù ngày càng dày đặc. Ðột nhiên mọi người nghe có tiếng kêu "soạt", một con cá nặng chừng ba mươi cân từ dưới biển nhảy lên, Tạ Tốn giơ tay phải một cái, năm ngón tay đã nắm sâu vào trong bụng cá và bắt con cá vào thuyền liền.
Mọi người đều vỗ tay khen ngợi.
Tiểu Siêu vừa rút trường kiếm ra mổ bụng và đánh vẩy cá xong rồi cắt từng khúc một. Lúc ai nấy vừa đói vừa khát, tuy thịt cá rất tanh nhưng phải miễn cưỡng ăn môt tí để khỏi đói khát.
Riêng có Tạ Tốn thì ăn ngon lành lắm, vì ở trên hoang đảo trên hai mươi năm đã chịu đựng đủ mọi thứ gian khổ, nên ăn cá sống như vậy là một chuyện rất thường. Vả lại ăn một vài lần thịt cá sống sẽ quen và không thấy tanh hôi, trái lại còn thấy ngon là khác. Sóng trên mặt biển cũng phẳng lặng dần, mọi người ăn thịt cá xong, nhắm mắt lại nghỉ ngơi.
Tiểu Siêu đã ngủ trước, còn Triệu Minh vẫn nắm tay Vô Kỵ không chịu buông.
Một lát sau nàng cũng ngủ thiếp đi lúc nào không hay, vì quá mỏi mệt rồi ai nấy cũng lần lượt ngủ say hết.
Bốn năm tiếng đồng hồ sau, Tạ Tốn tuổi già nên thức dậy trước, lão anh hùng nghe thấy tiếng hô hấp chậm chạp của mọi người hòa với tiếng gió ở trên bể nghe thật êm tai.
Triệu Minh với Hân Ly vì bị thương nên hơi thở ngắn và nhanh hơn.
Chỉ Nhược thì nhẹ và dài, hô hấp của Vô Kỵ như đoạn như tục rất phân biệt.
Lão anh hùng cũng phải kinh hãi và nghĩ thầm:
- Nội lực của thằng nhỏ này cao thâm thật, trong đời ta chưa hề thấy ai có nội lực cao thâm như thế.
Y nghe hô hấp của Tiểu Siêu thấy lúc nhanh lúc chậm khác hẳn người thường, hiển nhiên con nhỏ này đã luyện một môn nội công đặc biệt gì rồi.
Y cau mày lại bỗng nghĩ ra một việc rồi nghĩ tiếp:
- Lạ thật, chẳng lẽ con bé này là...
Y bỗng nghe thấy Hân Ly quát lớn:
- Trương Vô Kỵ, tiểu nữ hôi thối kia sao không theo ta đi Linh Xà Ðảo?
Vô Kỵ, Triệu Minh, Tiểu Siêu bị tiếng quát ấy đều thức tỉnh hết.
Mọi người lại nghe thấy nàng ta nói tiếp:
- Một mình ta ở trên đảo cô đơn buồn bực... Tại sao ngươi không chịu đến ở với ta cho vui? Ngươi... tiểu tử hôi thối, ta dùng kiếm giết chết ngươi ngay... chém ngươi thành mười bảy mười tám mảnh và vứt xuống dưới biển cá ăn ngươi... ngươi...
Vô Kỵ giơ tay rờ trán nàng ta thấy nóng như lửa thiêu mới hay nàng nói mê nói nhảm. Tuy Vô Kỵ rất thiện về y lý nhưng trong thuyền nhỏ này lấy đâu ra thuốc thang, nên chàng đành thúc thủ và chỉ xé một mảnh áo nhúng nước rồi đắp lên trên trán thôi. Hân Ly vẫn nói mê hoài.
Bỗng nàng thất kinh la lớn hơn thế nữa:
- Cha, cha, đừng giết mẹ con, đừng giết mẹ con, chính con đã giết hại nhị nương. Cha cứ giết con đi, chứ không việc gì đến mẹ con đâu. Mẹ chết rồi ư... chết rồi ư... Tại con mà mẹ bị giết như vậy... hu hu.
Nàng khóc rất thảm thiết, Vô Kỵ liền khuyên bảo:
- Thù Nhi, Thù Nhi em thức tỉnh đi, cha em không có ở đây, em khỏi sợ.
Hân Ly giận dữ đáp:
- Cha em không tốt, chớ có phải em sợ cha em đâu, cha em lấy vợ hai vợ ba. Một người đàn ông lấy một vợ không đủ hay sao? Cha em là người thích mới nới cũ, lấy hế người này lại lấy đến người khác, nên mới làm cho mẹ em khổ sở như thế và cả em cũng bị khổ lây. Anh không phải là cha em, anh là người đàn ông phụ bạc nhất thiên hạ, là kẻ độc ác nhất.
Vô Kỵ nghe nói giật mình kinh hãi đến mặt tái mét. Thì ra vừa rồi chàng nằm mơ thấy mình cưới Triệu Minh rồi lại cưới Chỉ Nhược. Chàng thấy Hân Ly mặt đã hết sưng biến thành một người rất đẹp và cả Tiểu Siêu cũng lấy mình. Những chuyện mà ban ngày chàng không dám tưởng tới, ngờ đâu lúc ngủ lại thấy như vậy.
Chàng nằm thấy bốn thiếu nữ này đều xinh đẹp và tử tế hết, chàng không nỡ xa cách một người nào.
Chàng an ủi Hân Ly liền tưởng tượng lại giấc mộng vừa qua.
Lúc ấy Vô Kỵ nghe thấy Hân Ly mắng chửi người cha như vậy chàng lại nghĩ đến những chuyện mà mình đã mắt thấy tai nghe trên Quang Minh đỉnh.
Tại Tây Vực, Hân Ly không nhẫn tâm thấy mẹ bị cha hà hiếp đã giết chết người thứ thiếp rất được cưng yêu của cha, vì thế mẹ nàng phải tự tử chết, nên cậu mình là Hân Dã Vương đành phải ra tay định giết con gái.
Câu chuyện luân thường đại biến thảm khốc vô cùng ấy là do Dã Vương lấy nhiều vợ và thứ thiếp mà gây nên cả. Chàng liền đưa mắt liếc nhìn Triệu Minh rồi lại nhìn Chỉ Nhược một hồi, nghĩ đến giấc mộng hồi nãy trong lòng hổ thẹn vô cùng.
Hân Ly lầm bầm nói mê nói nhảm một hồi rồi bỗng khóc lóc van lơn:
- Vô Kỵ, anh theo em đi đi, theo em đi ngay đi. Anh cắn tay em đau như vậy, em không tức giận anh tí nào. Em nguyện suốt đời hầu hạ anh, coi anh là chủ của em, anh đừng chê mặt em xấu xí, nếu anh vui lòng, em nguyện bỏ hết võ công Thiên Thù để mặt em sẽ trở lại như trước...
Lần này giọng nói cả nàng rất yểu điệu và uyển chuyển.
Vô Kỵ không ngờ người em họ mình hành sự lại hỉ nộ thất thường như thế.
Tính nàng quái dị lạ thường nhưng lòng lại rất ôn nhu.
Ngày nọ gặp nhau trong Hồ Ðiệp Cốc, ngờ đâu nàng lại chung tình với mình, cho mãi đến giờ mà nàng không quên mình như vậy.
Chàng lại nghe nàng ta nói tiếp:
- Vô Kỵ, tôi đi khắp nơi tìm kiếm anh, đi hết chân trời góc biển mà không thấy anh đâu hết. Sau em mới biết anh đã té xuống dưới chân núi chết ở Tây Vực. Em liền đi Tây Vực gặp một thiếu niên tên là Tăng A Ngưu, võ công của y vừa cao siêu, người lại có phẩm hạnh đức tính, y đã hứa cưới em làm vợ.
Triệu Minh các người đều biết Tăng A Ngưu tức là Vô Kỵ nên ai nấy đều đưa mắt nhìn chàng, chàng xấu hổ mắt đỏ bừng.
Lúc ấy Hân Ly vẫn còn mê sảng, nên chàng không thể nào ngăn cấm nàng ta đừng nói được.
Nếu chàng ra tay điểm huyệt cho nàng không nói lại sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ nàng còn đang bị thương. Triệu Minh, Chỉ Nhược, Tiểu Siêu ba người với vẻ mặt ngạc nhiên nhìn thẳng vào mặt chàng.
Chàng xấu hổ chỉ muốn nhảy ngay xuống dưới đáy biển tức thì chờ Hân Ly tỉnh táo rồi mới nhảy trở lên.
Chàng lại nghe thấy Hân Ly lẩm bẩm nói:
- Anh A Ngưu nói với tôi rằng: Cô nương, tôi thành tâm bằng lòng lấy cô làm vợ, tôi chỉ mong cô bảo tôi không xứng đáng thôi. Anh ta còn nói: "Từ nay trở đi tôi sẽ hết sức thương yêu và bảo vệ cho cô. Dù có bao nhiêu người làm khó dễ cô hay có người lợi hại đến đâu tới hà hiếp cô, tôi nguyện hy sinh tính mạng để bảo vệ cho cô được an toàn và làm cho cô được sung sướng, quên hết những sự đau khổ dĩ vãng đi". Anh Vô Kỵ này, anh A Ngưu tính nết và đức hạnh hơn anh rất nhiều, võ công của anh ấy còn cao siêu hơn cả Diệt Tuyệt sư thái của phái Nga Mi, nhưng từ khi tôi dã có lòng yêu anh, tôi không dám nhận lời yêu anh ấy nữa. Có ngờ đâu anh lại chết non như vậy khiến tôi phải goá bụa suốt đời. Ðây anh Vô Kỵ, anh xem A Ly lần này đối xử với anh có tử tế không? Năm xưa anh không thèm đoái hoài đến tôi, bây giờ anh có hối hận không?
Thoạt tiên, Vô Kỵ nghe thấy nàng ta nhắc lại những lời nói của mình, chàng ngượng vô cùng, nhưng sau chàng nghe, chàng cảm động nước mắt cứ nhỏ ròng xuống hai má. Chàng lại nghe thấy Hân Ly nói tiếp:
- Anh Vô Kỵ ơi, anh ở dưới âm có thấy buồn tẻ không, có thấy trơ trọi không? Em cùng Bà Bà đi Băng hỏa đảo ở Bắc Hải tìm thấy nghĩa phụ của anh, em còn phải đi núi Võ Ðang để tế lễ mộ của cha mẹ anh rồi em sẽ trở lên Tây Vực leo lên ngọn núi tuyết, nơi anh té ngã để nhảy xuống chết theo anh. Nhưng việc này phải đợi chờ Bà Bà khuất núi rồi em mới đi hầu anh được, vì Bà Bà đối xử với em rất tử tế, nếu không được bà ra tay cứu, em đã bị cha em giết chết rồi. Nay em vì nghĩa phụ của anh đã phản Bà Bà, chắc bà ta hận em lắm, tuy em vẫn phải hiếu thuận với bà ta. Anh Vô Kỵ, anh bảo em làm như thế có phải có nên không? Lời nói của nàng tựa như nói với Vô Kỵ vì trong thâm tâm nàng cứ yên trí Vô Kỵ đã chết rồi. Nhưng Vô Kỵ hiện đang ngồi cạnh nàng mà nàng không hay.
Trong khi bị thương nàng mê man bất tỉnh, đáng lẽ ăn nói không có thứ tự trước sau gì hết mới phải, nhưng nàng lại nói rất có thứ tự không khác gì người thường vậy. Với giọng nói nhỏ nhẹ ôn nhu như tiếng ma nói mà lại nó ở trên mặt bể, dưới bóng trăng trong đêm khuya trên một chiếc thuyền lênh đênh, ai nghe thấy mà chẳng động lòng thương! Nhưng quý vị nên rõ mười năm nay Hân Ly vẫn hay lẩm bẩm tự nói như thế quen rồi. Hễ lúc nào nhàn rỗi là ẩn núp vào một chỗ vắng vẻ để lẩm bẩm tự nói với Vô Kỵ như thổ lộ tâm sự của mình. Lần nào nàng cũng nói tương tự như thế, nên những lời nói này nàng đã thuộc làu rồi, chonên bây giờ trong lúc mê man nàng cũng thốt ra như thế. Tiếp theo đó nàng lại nói lung tung, lời nói không có ý nghĩa và cũng không có thứ tự gì hết. Có lúc nàng giật mình kêu la, cũng có lúc nàng tức giận chửi bừa bãi. Tuy nàng còn ít tuổi nhưng trong lòng bị uất ức, những nỗi sầu khổ vô cùng tận, nàg cứ kêu gào khóc lóc mắng chửi một hồi rồi lại mê man bất tỉnh ngủ thiếp luôn. Năm người nhìn nhau không nói năng gì hết, mỗi người nghĩ một tâm sự riêng của mình. Sóng đánh vào thành thuyền kêu lộp bộp, gió mát trăng trong mà vẫn nằm, sự lo buồn của người đời quả thực vô cùng tận. Bỗng nhiên có một tiếng ca rất dịu dàng nổi lên ở mặt biển, đại khái bài hát ấy như sau:
- Khi đã tận số không ai tránh được ngày cuối cùng kia, thời gian trăm năm trôi chảy rất nhanh, nhưng người sống đến bảy mươi đã là hiếm có. Ngày giờ vẫn qua ngày này hết ngày nọ đến năm khác nước vẫn chảy hoài, không bao giờ ngừng...
Ðó là Hân Ly nằm mơ khẽ ca như vậy.
Vô Kỵ nghe bản ca đó liền rùng mình kinh hãi.
Chàng nhớ, khi ở trên Quang Minh đỉnh bị Thành Khôn bịt kín đường hầm, yên trí thế nào cũng bị chết ở trong hầm đó. Chàng có nghe thấy Tiểu Siêu ca qua bản này vì vậy chàng mới đưa mắt nhìn Tiểu Siêu.
Ngờ đâu nàng cũng đang ngắm nhìn chàng.
Nàng vừa thấy chàng đưa mắt nhìn vội quay đầu tránh mặt luôn.
Hân Ly ca xong tiểu khúc đó, lại hát một bài trường ca. Tiếng ca rất quái dị khác hẳn những bài ca của Trung Thổ, ai nghe cũng thấy rùng mình như nghe thấy tiếng va chạm của Thánh hỏa lệnh vậy. Chàng chú ý nghe lời ca, nhận ngay ra đúng như lời ca của Tiểu Siêu đã ca cho mình nghe:
- Ði như lưu thủy hề, thệ như phong bất chi hà xứ lai hề hà sở chung!
Dịch nôm: Tới như nước chảy, biến như gió không biết ở đâu tới và cũng không biết kết thúc ở nơi đâu.
Nàng ca đi ca lại bài đó, càng ca càng khẽ, rốt cuộc tiếng ca xen lẫn tiếng gió, rồi không ai còn nghe thấy tiếng ca của nàng nữa.
Mọi người nghĩ đến sự chết vô thường là một người đã qua đời.


Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi