CUỘC SỐNG CỦA HAI NGƯỜI Ở RỪNG RẬM


Sáng sớm hôm sau, Hà Điền nấu một nồi trà gừng táo tàu đỏ lớn rồi cho vào bình bỏ vào áo khoác bông để giữ ấm, cô treo nó ở trước ngực, bên hông còn đeo một khẩu súng ngắn, bởi vì lúc này muốn bắt cá hồi không chỉ có mỗi mình bọn họ.
Bắt cá hồi không khó, mà nói dễ cũng không dễ.
Cá hồi di cư giống như một con tằm chui ra khỏi kén, nhiệm vụ duy nhất còn lại trong cuộc đời của nó là hoàn thành quá trình sinh sản.

Vì vậy, chúng không kiếm ăn, ngày đêm lội ngược dòng và không ngừng bơi về dòng nước ngọt, nơi chúng được sinh ra.

Những tảng đá to dưới sông, dòng chảy mạnh và cả cái miệng của loài gấu đáng sợ cũng không thể nào ngăn cản được chúng.
Do đó, không thể sử dụng mồi để câu cá được.

Chỉ có thể dùng lưới để vớt.
Mà khó khăn nhất là ở chỗ cá hồi trưởng thành phần lớn đều nặng hơn chục ký, có con mười lăm ký cũng rất bình thường, có loại hai mươi ký, ba mươi ký, thậm chí còn nặng hơn nữa.

Chúng tràn đầy năng lượng, có thể nhảy cao hơn một mét, lúc vặn mình cũng dùng rất nhiều lực.

Trên người chúng là lớp vảy tinh tế tỉ mỉ cùng với một lớp chất nhầy, điều này làm cho việc bắt chúng càng trở nên khó khăn hơn.

Hãy tưởng tượng thử mà xem, muốn nâng một cục xà phòng dài cỡ cánh tay và nặng mười lăm kg lên khỏi mặt nước có dễ hay không? Chưa nói đến cục xà phòng to đùng này còn liên tục giãy giụa, nếu bị cái đuôi của chúng quất một cái thôi thì cũng đủ khiến cho người ta choáng váng, chảy cả máu mũi.
Nhưng mà thịt chúng rất ngon...
Thịt cá sau khi ướp và xông khói có thể ăn được cả một mùa đông, nếu có chúng thì mùa đông này họ không cần phải đục băng câu cá nữa, lúc nào muốn ăn cá tươi thì chỉ cần bắt vài con là được.

Vừa nghĩ đến việc không cần phải kéo lưới đánh cá trong thời tiết âm ba mươi độ, Hà Điền cảm thấy vui lắm.
Hôm qua sau khi dựng lều xong, Hà Điền đã ráp một cái lưới vợt cá khác.
Chiếc vợt cá hồi này được làm bằng thân tre cực kỳ cứng cáp, đường kính vòng lưới hơn nửa mét, dây lưới cũng đặc biệt chắc chắn.
Cá hồi là loài động vật hoạt động theo nhóm, khi xuất hiện ở sông thường thành đàn, gặp đàn cá thì đừng có mà phân vân, dùng lưới vớt một cái là có thể tóm được ngay.

Thường thì có thể bắt được hai con cá hồi trong một mẻ lưới, nhưng để đưa hàng chục kg cá hồi sống vào bờ thì không hề dễ dàng gì, lòng sông đầy đá trơn, nếu không cẩn thận sẽ ngã xuống ngay, cá vừa mới đến tay sẽ lại tuột mất.
Trước khi mặt trời mọc, họ ăn lót dạ trước, sau đó cho hết lương khô vào trong túi và cột lại, cột một sợi dây vào túi, một đầu cột một hòn đá, đem phần có hòn đá ném về phía cành cây lớn, khi đá treo trên cành rồi buông xuống, lúc này cầm lấy đá và dây kéo túi lên rồi cột chặt dây vào thân cây, vậy là túi đựng thức ăn đã được treo chắc trên cành cây.
Làm vậy không chỉ để bảo vệ thức ăn mà còn để ngăn những động vật săn mồi bị mùi thức ăn thu hút tìm đến nữa.
"Chắc anh cũng không muốn vừa mở cửa lều ra thì đã thấy ngay một con gấu đang nằm ở trong đó, ăn hết đồ ăn khô làm món khai vị, rồi chờ bữa ăn chính là chúng ta đâu ha!"
Hà Điền nói một hơi, thắt chặt dây thừng, rồi hướng dẫn cho Dịch Huyền làm theo, luyện tay trước, bởi vì khi bắt được cá hồi họ cũng phải cho cá vào túi rồi treo lên cây giống vậy.
Hiện sông vẫn còn đang rất lạnh, phải đợi một lúc nữa thì mới xuống nước được.
Trong lúc chờ đợi họ cũng không nhàn rỗi, đi nhặt một ít củi khô đem về để sử dụng dần, cũng chặt một vài cây nhỏ để chuẩn bị làm chòi xông khói cho cá.
Lúc kiếm củi, Hà Điền liên tục nhìn ra dòng suối, thì thầm: "Cá hồi, mau đến đây! Mau đến đây đi!"
Mọi thứ đã sẵn sàng, mặt trời đã lên cao, Hà Điền xắn ống quần lên, cột chặt đôi giày rơm lại, xách vợt cá xuống sông.

Nước lạnh khiến cô cứ rùng mình mãi, may mà có bình nước trước ngực tỏa ra hơi ấm.
Không ai biết bao giờ cá mới đến, cho nên họ chỉ có thể chờ thủ thế ở nơi này mà thôi.
Sau nửa tiếng, mặt trời càng lúc càng lên cao, cuối cùng thì cá cũng đã đến!
Dịch Huyền nhìn thấy bóng lưng màu xám bạc của chúng từ xa, đang tung tăng nhảy trong dòng nước.

Anh nắm lấy tay cầm của vợt cá, căng lưới dưới dòng nước mà cá phải vượt qua, rồi dùng sức nhấc lên, con cá hồi nằm trong lưới không ngừng giãy giụa, từng tràng nước bắn lên tung tóe, Lúa Mì đứng trên bờ cũng sủa vui mừng.
Anh giơ cao vợt bước từng bước vào bờ, dòng nước còn khá xiết, nước không ngập đến đùi, bước đi không mấy dễ dàng.
Anh vừa vào đến bờ, Hà Điền cũng bắt được hai con cá.
Cô vui vẻ ra mặt, lôi một cái giỏ tre to hình chữ nhật xuống sông, bỏ hai tảng đá to vào rồi cẩn thận cho từng con cá vào, đậy kín giỏ lại.
Trên nắp giỏ có hai vòng dây, có thể cột chặt vào mép giỏ để cá bên trong không nhảy ra ngoài.
Trong giỏ có thể chứa được hơn chục con cá, Hà Điền muốn chờ bắt thêm nhiều cá rồi mới đem giết một lượt, sau đó xông khói.

Bây giờ thì tạm thời rọng nó trong một cái giỏ tre trước.
Họ lại quay trở lại sông, đợt cá này đã bơi đi rồi, phải đợi đợt cá tiếp theo.
Lần này, phải đợi hơn nửa tiếng.
Giờ thì Dịch Huyền đã hiểu tại sao Hà Điền lại nấu canh gừng, đôi chân của anh lúc này đã hoàn toàn mất đi tri giác luôn rồi.
Trong sông có nhiều tảng đá lớn, nước sông va đập vào đá tạo thành sương mù, rất nhanh đã khiến cho tóc và cơ thể họ đều ướt hết.

Dù trên đầu có nắng to chiếu xuống nhưng họ vẫn rất lạnh.
Dịch Huyền thấy môi Hà Điền đã trắng bệt, nên nói: "Mình nghỉ ngơi một lát đi em."
Ngay cả nướu răng của Hà Điền cũng đều đang run lên, nhìn mặt nước không thấy cá đến, cô đành phải tạm thời lên bờ, uống một chút nước nóng và ăn một ít bánh mì khô để bổ sung năng lượng.
"Lát nữa có trứng cá, chúng ta sẽ làm trứng cá muối ngay!"
"Nếu có rượu trắng, bây giờ nhấp một ngụm thì người sẽ ấm lên liền."
"Có ủng với áo liền quần cao su thì tốt rồi.

Trước đây ngư dân đều mặc như vậy cả."
"Dù có mặc áo liền quần cao su thì đứng trong nước vẫn lạnh lắm."
Sau một lúc nghỉ ngơi, họ quay trở lại con suối.
Cũng may là sau khi chờ đợi chưa đầy nửa tiếng, một đợt cá khác lại bơi đến.
Lần này họ không kéo vợt cá lên bờ nữa, Hà Điền mang theo một cái túi vải, cô và Dịch Huyền bắt cá trong lưới vợt cho vào chiếc túi ấy.

Túi vải được cột chặt bằng dây và treo trên thắt lưng của Dịch Huyền.

Sau khi cho cá vào túi thì thả xuống nước, cá có thể tiếp tục sống.
Điều này có thể tiết kiệm được thời gian và cho phép họ bắt thêm một vài con khi đàn cá xuất hiện, nhưng mỗi lần cho cá vào túi rất cực, đặc biệt là khi trong túi có nhiều hơn ba con cá, việc này gần như là không thể nào làm được.

Dịch Huyền bị đuôi cá đập mạnh vào cánh tay, Hà Điền thì suýt bị trượt chân, mặc dù vịn được tảng đá lớn bên cạnh nên không ngã xuống suối nhưng quần áo của cô gần như là ướt hết.
Hai người kéo túi vải lên bờ, đổ cá vào trong sọt, bên trong sọt lại là một trận khổ chiến, một con cá suýt nữa thì nhảy ra ngoài.
Hà Điền bực mình: "Nhảy ra con nào thì làm thịt con đó ngay!"
Tất nhiên là chỉ nói vậy mà thôi.
Nhưng mà trên người và đầu cổ hai người đều đã ướt sũng hết, lạnh đến răng run cầm cập, chỉ có thể đốt tạm một đống lửa bên bờ sông, thay quần áo, phơi quần áo ướt dưới nắng cho khô rồi ngồi hơ bên đống lửa, uống chút canh gừng cho cơ thể ấm lên rồi lại tiếp tục đi bắt cá.
Đến cuối ngày, nhìn vào thành quả thu được, lần lượt đem những con cá hồi béo mập này đi cạo vảy và làm sạch, rồi mổ xẻ, cảm giác đạt được thành tựu và thỏa mãn đã bù đắp hết cho cái rét lạnh và sự mệt mỏi mà họ đã trải qua.
Mặt trời lặn xuống núi, khắp nơi trong rừng bắt đầu xuất hiện một loại muỗi đen nhỏ, từng bầy từng bầy đen nghịt bay vờn quanh họ.
Mũi của Lúa Mì và Gạo bị cắn đến chảy cả máu.
Hà Điền kêu Dịch Huyền đốt một vài đống lửa xung quanh lều, cô tìm một số cây bạch dương, bóc một phần vỏ cây và cắt một vài cành có lá, đốt chúng lên.
Khói làm muỗi không dám đến gần, Gạo và Lúa Mì cuối cùng cũng được yên ổn một chút.
Những lát cá được cắt đôi theo chiều ngang được ướp vài tiếng trong nước ấm pha muối loãng, sau đó đem đi xông khói.
Khi ướp cá, có thể thêm các gia vị khác tùy theo sở thích của mình, Hà Điền cho thêm muối, đường, nước tương và một ít bột lạ vào.
Dịch Huyền hỏi cô trong bột có gì, cô trả lời một cách rất là đắc ý: "Đây là bí mật của em."
Anh dùng đầu ngón tay chấm một ít bột, nếm thử, chỉ có thể nếm được mùi của hoa tiêu, còn cái gì nữa thì anh thật sự đoán không ra.
Sau khi mặt trời lặn, trong lòng sông càng lạnh hơn nữa, đứng mười phút ở trong nước sông mà đã lạnh run người.
Đợi Dịch Huyền bắt được một con cá nữa, anh gọi Hà Điền: ​​"Nghỉ thôi em! Lạnh quá rồi."
Hà Điền lắc đầu: "Chúng còn đến nữa, em muốn đợi thêm một lát." Cô mặc áo khoác lông hươu nhưng vẫn run rẩy hết cả người, trên môi không có một chút sắc máu nào.
Dịch Huyền cũng không thèm nói nhảm với cô, sau khi cho cá vào túi vải, nhét vợt sau thắt lưng, anh đi thẳng tới, đặt hai tay dưới nách cô, nâng cô lên, vác lên vai rồi đi lên bờ.
Hà Điền sợ hãi hét lên một tiếng, không dám giãy giụa vì sợ hai người đều sẽ ngã nhào, cô nằm trên vai Dịch Huyền tức giận vỗ nhẹ vào lưng anh: "Sao lại ôm em như vậy? Em đâu phải Lúa Mì!"
Trước kia cô đã nghĩ sai rồi, cho dù chỉ đứng tới vai anh, nhưng chỉ cần Dịch Huyền muốn, cô vẫn có thể bị anh nhấc lên cao giống như là Lúa Mì thôi.
Dịch Huyền bật cười, anh bị cô đánh vào lưng, trong tiếng cười của anh còn mang theo một chút âm thanh chấn động.
Khi lên đến bờ, anh đặt cô xuống đất, nắm lấy bàn tay lạnh ngắc của cô: "Em xem, em lạnh thế này rồi, bắt được thêm vài con cá nữa thì cũng có ích gì? Em là con gái, không thể để bị lạnh được."
Hà Điền để cho anh nắm tay mình, gật đầu: "Dạ."
Trở lại lều, Hà Điền đốt lửa lên, Dịch Huyền mang một thùng nước về.
Họ bắc một cái nồi lên bếp, đun nước sôi rồi cho hai cuộn mì vào.

Những sợi mì này to đến một cm và được cố tình ép cho thật dẹp để thuận tiện cho việc mang theo, sợi mì dù có bị nát cũng không ảnh hưởng đến hương vị sau khi nấu.

Nếu là loại sợi mì trắng giống như Dịch Huyền đã nói thì có khi đã bị biến thành bột luôn rồi cũng không chừng.
Mì đã chín, họ vớt ra cho vào nồi sắt đổ đầy nước lạnh, để ráo, sau đó bắc chảo lên, cho miếng mỡ ngỗng vào đun trên lửa, rồi cho vài miếng nấm đã hái ở dọc đường vào, xào đều.
Loại nấm rừng này muốn ăn cũng rất phiền phức, vì chúng mọc sát đất, khi mưa hạt mưa tạt xuống, bùn bắn tung tóe đều văng hết lên nấm.


Nấm mọc gần gốc cây cũng vậy, cát và vụn vỏ từ trên thân cây đều sẽ rơi xuống ô nấm nhỏ, nên trước khi ăn phải dùng bàn chải nhỏ chà sạch cẩn thận, nhưng một khi đã cho vào chảo dầu, mùi thơm bốc lên, những thứ vụn vặt tầm thường kia đều trở nên đáng giá.
Đem nấm rừng xào chín vàng rồi cho hai khoanh cá dày nhất vào.

Sau khi cá được chiên lên, đợi thịt cá có màu cam hồng với vân mỡ trắng đẹp mắt thì cho mì vào chảo xào sơ qua cho mì thấm nước dùng của cá và nấm, cuối cùng cho thêm một chút muối vào là có thể ăn được.
Ăn no rồi, họ lại ăn thêm mấy quả mâm xôi hái hôm qua nữa, sau đó đun một nồi nước lớn, đổ vào thùng gỗ, cho chân vào ngâm một lúc, chút hơi lạnh còn sót lại trong khớp xương cuối cùng cũng đều tan biến hết.
Lúc này, những miếng thịt cá ướp trong nước muối đã có thể mang đi xông khói.
Bó ba cộc gỗ đã chặt buổi sáng lại, bung ra rồi dựng trên mặt đất thành hình nón, sau đó đậy một miếng vải dầu lên trên để tạo thành một chiếc lều nhỏ.
Cách mặt đất hơn một mét, họ kê một tấm lưới tre trên ba cộc gỗ, bên trên đặt đều những lát cá đã cắt sẵn, bên dưới thì bắt đầu nổi lửa.

Những cành dương và bách đỏ vẫn còn ướt chẳng mấy chốc đã tỏa ra khói xanh, lúc này đậy kín tấm vải dầu lại, chiếc lều nhỏ trở thành một túp lều thịt xông khói tạm bợ.
Sáng sớm ngày hôm sau, Hà Điền và Dịch Huyền đã có một đêm thật ngon giấc, cá thì cũng đã được xông khói xong.
Thịt cá hồi xông khói vẫn giữ được màu đỏ cam tươi, trở nên cứng hơn và teo lại rất nhiều, hơi ẩm trong cá cũng bay đi trong quá trình xông khói.

Thịt cá có thể được xông khói tiếp và trở nên cứng hơn nữa, hoặc cũng có thể mang về nhà bỏ vào trong hũ thủy tinh chứa đầy nước muối, điều này sẽ giúp thịt cá mềm và bảo quản được lâu hơn.
Hôm nay, bữa sáng của họ là trà nóng với bánh mì và cá xông khói, cùng với một muỗng trứng cá muối.
Trứng cá hồi cũng có màu cam rất đẹp, thậm chí còn có một số trứng cá hồi màu đỏ tươi.
Trứng cá hồi có kích thước bằng hạt đậu Hà Lan khô, ngọt và ngon hơn trứng cá chó nhiều.
Sau khi ăn no, họ mang theo dụng cụ, Gạo và Lúa Mì xuất phát đi về phía thượng du.
Tối hôm qua sau khi thảo luận, cả hai quyết định mạo hiểm ngược dòng để bắt cá.
Sông ở đó rộng hơn, nước chảy êm hơn, có rừng tre, họ có thể chặt một ít tre làm tấm lưới lớn hình chữ nhật, dùng đá và cọc gỗ cột lại thành hình chữ V ngược rồi cố định xuống sông, khi bầy cá bơi đến trước lưới sẽ không thể bơi tiếp được nữa, lúc đó thì, ha ha ha ha, tha hồ mà bắt.
Điều này cũng có phần nguy hiểm, bởi vì nơi đó cũng là địa điểm bắt cá yêu thích của gấu nâu.
Sau khi cho những miếng thịt cá xông khói vào một cái túi vải dầu rồi treo trên cây, họ bắt đầu lên đường.
"Nếu mọi việc suôn sẻ, chúng ta có thể làm lưới trước buổi trưa, buổi chiều thì bắt cá." Trong rừng tre, Hà Điền và Dịch Huyền cũng rất thận trọng, lúc nói chuyện cả hai đều hạ giọng xuống, Gạo và Lúa Mì cũng vậy.
Đặc biệt là Gạo, ở nơi này nó đã bị xếp vào loại chuỗi lương thực cấp thấp, do đó cần phải thật thận trọng.
Những cành lá cao trong rừng tre rậm rạp che khuất bầu trời, làm cho tầm nhìn kém đi rõ ràng, phạm vi quan sát cũng thu nhỏ lại, còn có lá rụng dày đặc, đá rêu, tre gãy...
Khi Hà Điền và Dịch Huyền chặt tre, họ phải thay phiên nhau cúi xuống, để một người đứng thẳng và cảnh giác xung quanh.
Lúc này vai trò của Lúa Mì rất quan trọng.

Mũi của chó săn rất nhạy cảm, chúng không chỉ ngửi được mùi từ cách xa vài km, mà nếu trời không mưa, chúng còn có thể ngửi thấy mùi còn lưu lại hơn mười tiếng, thậm chí là vài ngày trước.

Nếu Lúa Mì không có biểu hiện gì bất thường thì thường có nghĩa là các con thú dữ chưa đi vào phạm vi hoạt động của họ.
Làm lưới tre cũng không cần nhiều tre, chỉ cần hai cây cao năm hoặc sáu mét, to cỡ bằng hai bàn tay chụm lại là đủ rồi.
Nhanh chóng chặt tre, họ chuyển tre ra sông và bắt đầu đan lưới tre.
Con sông nhỏ này rộng sáu bảy mét, nước chảy êm đềm hơn so với con sông nhỏ hôm qua nhiều, dưới lòng sông không còn tảng đá lớn, nước sâu đến thắt lưng và rất trong.
Đầu tiên Hà Điền và Dịch Huyền cưa một cây tre thành hai đoạn dài ba mét, sau đó cô dạy anh chẻ tre thành những dải rộng bằng ngón tay.

Họ tìm thấy một số củi gần đó, đốt lửa và đặt những đoạn tre đã chẻ lên lửa để hơ, làm vậy tre sẽ đàn hồi hơn, dễ uốn cong, có thể uốn thành hình vòng cung.
Cây tre còn lại thì chẽ làm sáu lát lớn bằng cỡ ba ngón tay, sau đó cột phần đầu, đuôi và giữa của mỗi hai lát lại với nhau.
Sáu lát tre chia thành ba nhóm được đặt song song trên mặt đất, tiếp đó lần lượt đem các lát tre cắm xen kẽ vào cặp lát tre đã cột trước đó, những chỗ giao nhau được cột chặt bằng dây thừng, dần dần tạo thành một lưới tre.


Giữa những dải tre uốn cong là những lỗ trống, kích thước lỗ phải nhỏ hơn thân của cá hồi, vừa đủ để ngăn chúng lại.

Phương pháp này cũng có thể được sử dụng để làm hàng rào tre, nhưng các dải tre thì được chẻ nhỏ và đan khít hơn.

Lưới tre để bắt cá thì không cần phải tỉ mỉ như vậy, chỉ cần có thể ngăn chúng tiếp tục bơi về phía trước là được.
Làm lưới tre xong thì cũng đã gần trưa.
Hôm nay Hà Điền không còn lo lắng như hôm qua nữa, sau khi cùng Dịch Huyền ăn bánh mì và uống một chút trà gừng thì bắt đầu tìm đá và cộc gỗ để cố định lưới tre lại.
Sau đó, họ cùng nâng tấm lưới tre lên, Dịch Huyền ở phía trước còn Hà Điền thì ở phía sau, đi về phía trung tâm của con sông.
Khi đến giữa sông, đầu tiên họ cố định một cộc gỗ và dùng nó chặn thẳng ở trước lưới tre, tiếp đó thì sẽ dễ dàng xử lý hơn.

Lưới tre thưa rất dai và dễ uốn cong, sau khi cấm thêm hai cộc gỗ ở hai bên tấm lưới, bị lực của nước sông đẩy, tấm lưới tre dần được cố định lại, sau mười phút, một hình chữ V ngược được tạo thành.
Lưới tre chắn một lượng nước nhất định, nước sông lướt qua hai bên hông, càng khiến cho hình chữ V này dần trở nên kiên cố hơn.
Trên sông có đàn cá lướt qua, bị lưới tre chặn lại, chẳng mấy chốc đã tụ tập thật đông trước lưới.
Hà Điền và Dịch Huyền lấy túi lưới lớn từ phía sau lưng ra, bắt đầu bắt cá!
Công việc chuẩn bị đầy đủ suốt buổi sáng rõ ràng là không hề uổng công, họ chỉ mất nửa tiếng là đã bắt được ba mươi mốt con cá.
Những con cá này đều được cho vào một cái sọt trên lưng Gạo, đưa về lều để chế biến.
Gạo đã nhàn nhã gần một ngày, bất mãn vì trọng lượng trên lưng càng lúc càng nặng, mũi thở phì phì.
Ngay khi Hà Điền và Dịch Huyền xuống sông bắt cá lần nữa, Lúa Mì trên bờ đột nhiên sủa vào khu rừng bên bờ đối diện, nhe hàm răng nhọn hoắt màu trắng, đuôi dựng đứng lên.
Hà Điền lập tức cảnh giác nhìn về phía bên kia, cô nhanh chóng kéo cánh tay của Dịch Huyền và nói nhỏ: "Gấu."
Dịch Huyền đang cầm tay cầm của vợt lưới, cứng người nhìn về hướng Hà Điền đang nhìn, quả nhiên trong rừng có một con gấu nâu to lớn, cao gần hai mét, đó là một con gấu mẹ, phía sau nó, hai con gấu nhỏ theo sau.
Lúc này Hà Điền đã cầm súng lên.
"Làm sao bây giờ?" Dịch Huyền nhỏ giọng hỏi cô.
"Chúng ta vừa lui vừa quan sát."
Dịch Huyền nhét túi lưới sau lưng, giương súng rồi cùng Hà Điền từ từ rút vào bờ.
Gấu mẹ và gấu con đứng trong rừng, nhìn họ qua sông, và cũng rất cảnh giác.
Lên bờ, Hà Điền kéo Gạo đi nhanh vào rừng cây, Dịch Huyền vừa lui vừa nhìn, không dám thả lỏng.
Tốc độ của gấu có thể dễ dàng đạt tới 50 km / h khi chạy hết sức, nếu bây giờ gấu mẹ muốn đuổi theo thì con sông nhỏ này chỉ có thể giúp họ trì hoãn không tới nửa phút.
Ngay cả khi có súng, còn chưa kịp cầm súng lên nhắm thì nó đã nhảy ngay đến trước mặt rồi, kết quả thật khó mà đoán trước được.
May mắn thay, nó đã không đuổi theo.
Có thể là vì con của nó háo ăn, hoặc cũng có thể vì đã có đủ thức ăn nên tạm thời nó không thèm quan tâm đến những con thú hai chân xâm phạm vào lãnh thổ của nó nữa.

Nhìn thấy bọn họ chạy vào rừng khoảng mấy trăm mét, gấu mẹ liền dẫn gấu con xuống sông, thưởng thức bữa tiệc buffet cá hồi trong lưới tre.
Thật tiếc là bữa tiệc buffet không kéo dài.
Hà Điền và Dịch Huyền trốn trên một khu đất cao, nhìn mấy chú gấu con nghịch ngợm chẳng mấy chốc đã đẩy ngã lưới tre, đàn cá hồi bơi ngược dòng vội vàng lao đi.

Mặt của hai chú gấu con bị đuôi cá quật trúng, chúng gào lên, trốn sau lưng gấu mẹ.
"Ha ha ha!"
"Gấu con ngốc!"
Sau khi thoát khỏi nguy hiểm, nhìn những con thú dữ hoang dã làm những việc ngốc nghếch ở khoảng cách gần như thế này, cũng thật là thú vị..


Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi