CƯỚP CHỒNG BẠN THÂN

Về chung cư nhưng mới đi đến hành lang đã thấy Phong đứng đó. Tôi cúi gằm mặt hỏi lại:

- Sao… sao anh lại đến đây?

- Đi tìm Nguyệt xin lỗi à?

Tôi không đáp, chỉ gật đầu mở cửa, chuyện này Phong biết tôi cũng chẳng lấy gì làm lạ. Phong và Nguyệt vốn dĩ cũng được coi là bạn bè, tri kỷ tốt. Tôi còn biết, nick ảo năm nào đứng lên bảo vệ Phong là của Nguyệt. Phong bước vào bỗng dưng cất tiếng:

- Quý, về nhà đi em.

Nhà? Tôi làm gì còn có nhà mà về? Mẹ mất, nói cho cùng thì tôi cũng vẫn chỉ là người dưng. Vả lại, giờ sắp tù tội, sao còn đủ tư cách mà về.

- Thực ra Nguyệt không hề kiện tụng gì em, mẹ cô ấy ban đầu định gửi đơn nhưng cô ấy không làm thế. Cô ấy vẫn chừa cho em một đường lui.

- Anh… anh nói sao?

- Nguyệt không kiện em đâu. Anh cũng không hề xen vào chuyện này, nhưng cô ấy tự quyết định không kiện tụng gì em, chỉ là doạ cho em tỉnh ngộ ra thôi.

Tôi nghe xong, ngồi phịch xuống ghế, Nguyệt rốt cuộc sao nó lại tốt đến mức như vậy? Nó càng tốt, tôi càng cay đắng, khinh rẻ bản thân mình. Loại người như tôi mà cũng xứng làm bạn với nó sao? Cả đời này chính tôi còn không tha thứ nổi cho tôi, dù có quỳ cả đời còn không đủ trả vậy mà nó vẫn chừa cho tôi một con đường lùi. Sống mũi tôi bất chợt cay xè, sao tôi lại có thể khốn nạn như vậy với nó cơ chứ? Tất cả đều mình tôi tự suy diễn. Dưới gốc cây sấu năm nào, Nguyệt thật lòng thật dạ với tôi, chỉ có mình tôi tự đố kỵ rồi hại nó ra thế này. Tôi có chết, có chết cũng không rửa được hết tội với nó. Nước mắt tôi cũng ầng ậc tuôn ra, mẹ mất, tình yêu mất, còn nghĩ là đến tự do cũng mất, vậy mà ngay lúc này đây, người bị tôi hại chết đi sống lại lại là người khiến tôi mang ơn, mắc nợ nhất. Càng nghĩ tôi càng xấu hổ, càng thấy mình thật kinh tởm.

- Thực ra, Nguyệt cũng rất khổ. Mẹ ruột cô ấy mất từ khi cô ấy chưa kịp ra đời. Cô ấy được ba ruột nuôi, cùng vợ của ba cô ấy. Tuy hai người họ rất yêu thương và coi cô ấy như con ruột. Nhưng người đời luôn khinh bỉ, chỉ trích cô ấy chỉ vì mẹ cô ấy là người độc ác, man rợ. Mẹ cô ấy, rất rất độc ác, vậy nên người đời cũng cho rằng cô ấy sẽ giống mẹ. Từ nhỏ sống ở làng quê ấy, Nguyệt chịu rất nhiều áp lực và tủi nhục chứ không phải lúc nào cũng hạnh phúc như em nghĩ đâu. Ba mẹ yêu thương, nhưng miệng lưỡi người đời lại như con dao đâm vào tâm hồn mỏng manh của cô ấy. Vậy nên cấp hai ba mẹ cô ấy phải đưa cô ấy lên Hà Nội học đấy.

Tôi nghe xong, càng thêm kinh ngạc. Nỗi xấu hổ, lại càng trào lên. Tôi ghê tởm chính con người tôi, chỉ biết sân si, chỉ biết tỵ nạnh, chỉ biết đố kỵ mà chưa một lần thử tìm hiểu xem Nguyệt có nỗi khổ gì không? Hoàn cảnh? Tôi tự khinh, tự khinh chính mình khi tất cả cứ đổ cho hoàn cảnh, suy cho cùng, hoàn cảnh của Nguyệt cũng đâu khá hơn tôi. Phong càng nói, tôi càng thêm đau đớn, nhục nhã. Sao hoàn cảnh đều đáng thương mà Nguyệt lại tốt bụng, giỏi giang còn tôi thì đến súc vật cũng không bằng như vậy? Không dù cho Nguyệt có tha cho tôi, có chừa cho tôi một con đường, tôi cũng vĩnh viễn không thể tha nổi cho bản thân mình. Loại người như tôi, sao còn tồn tại làm gì? Loại người bất hiếu, mưu mô, sân si như tôi, rốt cuộc còn tồn tại trên đời để làm gì cơ chứ? Nước mắt có rơi cũng đã muộn, hối hận cũng chẳng thể nào mà quay đầu được nữa. Cuộc đời tôi, không xứng đáng để được tha thứ như vậy.

- Anh Phong, anh đi về đi, em muốn được một mình một lúc được không?

- Được, nhưng trước khi đi, anh muốn đưa cho em xem cái này. Chuyện này ba định nói trước lúc mẹ mất nhưng không kịp. Giấy xét nghiệm ADN của em và ba, và của em và anh.

Tôi nghe xong, không giữ được bình tĩnh nhào đến đón lấy. Phong đưa cho tôi, rồi bước ra ngoài, câu nói cuối cùng anh nói còn văng vẳng bên tai:

- Bao giờ đủ mạnh mẽ thì về nhà. Có anh, có ba ở nhà chờ.

Phong đi khuất, tôi lấy sấp giấy ra xem, “CÓ quan hệ huyết thống cha- con” “CÓ quan hệ huyết thống”. Tôi không dám tin nổi, chạy vội ra hành lang, nhưng Phong đã đi khuất. Rốt cuộc chuyện này là sao? Có quan hệ huyết thống? Tôi với Phong, với ba dượng… là như thế nào?

Tôi không còn nghĩ được gì, lấy máy gọi cho bà Châu. Đầu dây bên kia nghe giọng tôi liền nói:

- Tôi cũng đang định gọi cho cô đây. Tôi mang mẫu tóc của cô và thằng Hải đi xét nghiệm thêm hai lần nữa rồi. Hai đứa không có quan hệ huyết thống. Mẫu xét nghiệm cũ là do lấy nhầm mẫu vật phẩm…

Bà Châu còn nói thêm gì nữa, thế nhưng tôi không nghe được nữa. Hình như bà chửi tôi, có điều lúc này tôi không còn nghe được gì, chạy vội ra ngoài khoá cửa sau đó bắt taxi đi về nhà.

Ngồi trên xe mà lòng tôi như có lửa đốt, đến khi taxi vào đến cổng tôi chạy như bay vào trong nhà. Ba và Phong ngồi sẵn trên ghế phòng khách như chờ tôi trở về. Tôi không còn nghĩ được gì, nước mắt nước mũi cũng giàn giụa lao về phía ba nghẹn ngào nói:

- Ba ơi…

Ba kéo tôi sát lại, sống mũi đỏ lên đáp lại:

- Ba đây.

- Con… con là… con là con ruột của ba sao?

- Đúng vậy, chuyện này ba định nói với con trước khi mẹ con đi nhưng tiếc thay còn chưa kịp nói mẹ con đã…

Tôi nghe xong, càng khóc như mưa, Phong là anh trai tôi, ba dượng lại là ba ruột tôi. Vậy bấy lâu nay tôi đã làm gì hai người họ thế này? Tôi chơi đểu Phong, chia cắt tình cha con của anh và ba, tôi hận anh, coi thường anh, ghét bỏ anh… Rốt cuộc quá khứ kia tôi phải trả giá bao giờ mới hết? Sai lầm này nối tiếp sai lầm kia, vì ghen tỵ, vì đố kỵ mà tôi đã không còn chút tính người.Tôi vui vì tôi và Hải không phải anh em, thoát khỏi án loạn luân nhưng lại đau đớn khi tự tay gây ra nỗi đau cho anh trai, cho ba, và cho cả người mẹ dưới suối vàng.

- Quý, thực ra ba cũng không hề biết con là con ruột của ba. Ngày xưa, ba mẹ từng có thời gian yêu nhau, sau này mẹ con vì bà ngoại ốm mà bỏ ba rồi đi làm cái nghề mạt hạng ấy kiếm tiền chưa bệnh cho bà, lúc ấy ba cũng không hề hay biết chuyện này. Chỉ thấy mẹ con nằng nặc đòi chia tay, ba có hỏi cũng không nói rồi mẹ con bỏ đi. Duyên số của ba và mẹ cũng chấm dứt từ ấy, ba lấy mẹ thằng Phong đến khi thằng Phong được một tuổi thì ba gặp lại mẹ con. Trong một lần say rượu ba và mẹ con đã bên nhau suốt đêm, ba không nghĩ lần ấy mẹ con lại mang bầu con, mà mẹ con cũng không hề biết, bởi làm nghề ấy con cũng biết rồi đấy… Đến sau này khi mẹ thằng Phong mất được một thời gian, ba gặp lại mẹ con, lúc ấy con cũng đã lớn rồi. Ba đón mẹ con về, cứ nghĩ đơn giản con là con riêng của bà ấy với một gã đàn ông nào đó. Nhưng đến khi mẹ con bị bệnh, có một lần bà ấy nói với ba, thằng Phong có nốt ruồi trên đầu giống y hệt con ba tự dưng mới giật mình. Bởi tóc con dài che đi nên ba không để ý, nốt ruồi trên đầu sao lại trùng hợp như vậy. Lúc ấy ba đã mang mẫu tóc của con đi xét nghiệm khi nhận kết quả ba đã không thể nào tin nổi. Mẹ con cũng khóc rất nhiều…

Ba nói xong, nước mắt cũng chảy xuống, tôi gục đầu lên đùi ba nấc lên từng đợt. Sao tôi lại có thể khốn nạn vậy cơ chứ, đến tận giây phút nay tôi vẫn chưa hiểu nổi tại sao bản thân lại tồi tệ đến mức không thể tha thứ nổi. Tôi lạnh lùng xa cách với ba, dù cho ông vẫn luôn hết mực thương tôi, giúp đỡ cho tôi khi còn chưa biết cái sự thật kia. Tại sao tôi nhỏ nhe, ích kỷ chỉ biết nghĩ rằng ông thương Phong hơn tôi kia chứ. Một lúc sau mới lý nhí nói:

- Ba ơi… con… con xin lỗi.

- Được rồi được rồi, đừng khóc nữa. Về nhà với ba với anh nha con.

Tôi đưa tay quệt ngang mắt loạng choạng ngồi dậy. Ba có tha thứ cho tôi, Phong có tha thứ cho tôi tôi cũng chưa thể tha thứ nổi cho bản thân mình. Cuộc đời tăm tối của tôi, tuy rằng giờ có chút ánh sáng nhưng tôi tự hiểu toà án lương tâm không dễ dàng đến vậy. Bản án này dành cho tôi, còn khổ đau hơn cả tù ngục đày đoạ ngoài đời. Tôi cúi gằm mặt, đáp lại:

- Ba, con… thực sự con vẫn chưa đủ can đảm đối diện với ba, với anh sau những gì con gây ra. Con cũng không có tư cách đối diện với cả linh hồn của mẹ. Con… có thể ba… ba cho con được sám hối, được tự mình đứng lên được không? Con… thực sự…

- Được rồi, ba hiểu mà. Con cứ làm những gì con nghĩ là nên làm. Ba và anh ở đây chờ con, được chứ?

Phong ngồi bên cạnh gật gật đầu nói:

- Thực ra, anh cũng nghĩ như vậy. Những việc em đã làm, dù cho có là người thân của em thì cũng không thể biện minh sai thành đúng được. Giờ em nhận ra lỗi là tốt rồi, tâm trạng em có lẽ còn nhiều thứ bất ổn. Em cứ suy nghĩ, cứ làm gì khiến em thanh thản, khiến em thấy nhẹ lòng hơn. Anh cũng mong em nhận ra sai rồi có thể tự mình đứng lên, dù muộn cũng còn hơn không.

Tôi chưa bao giờ có thể nghĩ rằng có người còn tin tôi. Những gì tôi gây ra đủ để cả xã hội này nguyền rủa tôi không ngóc đầu lên được. Hoá ra trên đời này còn một thứ tình cảm mang tên “gia đình”. Dù cho tôi có làm trăm ngàn lỗi sai, cũng có một nơi cho tôi được sửa lỗi. Chỉ đáng tiếc muộn lắm rồi. Buổi trưa hôm ấy, tôi ở lại nấu cơm, có cả Lâm cũng sang. Tôi cố gắng vui vẻ nhưng lòng tôi thực sự rất đau lòng. Cảm giác chỉ cần thấy ba, thấy anh trai, thấy hình ảnh mẹ rồi nghĩ đến Nguyệt nước mắt lại trực trào. Cảm giác này khó chịu lắm, nó như nhốt tôi vào một địa ngục mơ hồ mà tôi không thể nào thoát được ra. Đến lúc ăn cơm xong khi tôi và Lâm rửa bát tôi liền quay sang nói với nó:

- Cô có thể giúp tôi một việc được không?

- Sao vậy?

- Cô giúp tôi chăm sóc ba giúp tôi được không? Có lẽ, tôi sẽ rời khỏi đây một thời gian. Tôi không đủ can đảm ở lại… cô có thể giúp tôi đưa cho ba bức thư này…

Nói rồi tôi đặt bức thư đã tranh thủ viết vài dòng cho Lâm rồi lên đốt cho mẹ nén hương. Nhìn di ảnh mẹ, tôi lại cảm thấy tội lỗi vội vội vàng vàng xoay đi ngăn cho nước mắt chảy ra sau đó xin phép ba đi về. Về đến chung cư, tôi dọn ít đồ rồi đánh đơn xin nghỉ việc đến công ty. Trời mùa đông rồi, người tôi cũng rùng mình ớn lạnh. Khi đến công ty, vừa vào cửa mấy người đồng nghiệp cũ nhìn tôi đầy khinh miệt. Tôi hiểu, chẳng cần ở công ty, chỉ cần ở chung cư cũ hay thậm chí ra đường nhiều người cũng chỉ muốn nhổ cho tôi vài bãi nước bọt. Thế nhưng biết sao, tội tôi gây ra, người ta có rủa tôi tôi cũng phải chấp nhận. Tôi kéo cao áo, cúi gằm mặt bước vào phòng giám đốc rồi gửi đơn. Lúc đi phòng của Đức tôi thấy anh đang ngồi làm việc. Bỗng dưng tôi lại nghĩ, giá mà tôi chưa từng gây ra những chuyện độc ác với Nguyệt, biêt đâu nó lại giới thiệu Đức cho tôi, biết đâu tôi và anh lại có một hạnh phúc viên mãn thì sao? Tôi đã từng rất nhiều lần hỏi thử, liệu rằng Đức có một chút, một chút tình cảm nào với tôi không? Thế nhưng giờ đây tôi lại không còn muốn quan tâm tới điều ấy. Bởi dù cho có, tôi và anh cũng vĩnh viễn không thể nào bên nhau. Mà anh cũng không thể yêu một đứa con gái như tôi được. Tôi bặm chặt môi, khẽ xoay người bước đi. Thực lòng, tôi cũng muốn cảm ơn Đức, bởi anh đã khiến tôi thấy tỉnh ngộ ra, cảm nhận được một phần nỗi mất mát mà Nguyệt phải chịu do tôi gây ra. Dù cho, nỗi đau ấy không bằng một phần ngàn nỗi đau Nguyệt gánh.

Ra đến ngoài, trời càng thêm lạnh tôi đi một mạch về chung cư sau đó lấy valy rồi bắt một chiếc taxi ra bến xe Mỹ Đình. Con xe đi thẳng về hướng Quảng Ninh, tôi nằm trên đó, đi qua từng đoạn đường lại thấy nửa thân thương, nửa lại xa lạ. Trên đời này không có giá như, nhưng trên đời này sẽ có ngày mai. Ngày mai thôi, tôi sẽ khác. Hai mươi sáu tuổi, gây đủ nghiệp, ngày mai tôi phải trả lại. Bức thư tôi gửi Nguyệt, có lẽ nó sẽ đọc, cũng có lẽ sẽ xé đi, tôi cũng không cầu nó tha thứ, chỉ là những lời tự đáy lòng muốn nói. Nó không kiện tôi, không đày tôi vào tù đã là sự ban ơn lớn nhất rồi. Chỉ tiếc rằng trên đời này có thể thoát nổi mọi loại án nhưng lương tâm tôi tôi biết đến chết vẫn không ngừng cắn rứt. Mấy đêm nay không đêm nào tôi có thể ngủ được, mỗi lần nhắm mắt lại thấy bàn tay mình nhuốm máu đỏ lòm, lại thấy hình ảnh mẹ nằm trên giường giọng đầy van nài tôi trở về thăm mẹ, lại thấy hình ảnh Nguyệt bị tôi hành hạ đến chết đi sống lại…

Tôi bỗng nhớ những ngày cùng Nguyệt tập luyện, những ngày hai đứa vui vẻ đùa giỡn dưới sân trường. Thời gian tươi đẹp ấy vĩnh viễn không bao giờ quay lại được nữa. Một cô gái tốt như Nguyệt, lẽ ra ngay từ đầu không nên chơi với tôi. Thứ ác quỷ như tôi, thậm chí còn đừng nên được sinh ra thì tốt hơn. Tại sao cùng một người ba, Phong tốt như vậy, còn tôi lại thế này. Người ta cứ cho rằng hoàn cảnh sinh tính cách, nhưng không, đến giờ tôi mới biết tất cả đều chỉ là sự nguỵ biện. Nhiều người hoàn cảnh khổ hơn tôi, như Phong, như Nguyệt tại sao không ai ác. Tất cả cũng chỉ là biện minh cho phần con lấn lướt phần người. Là do tôi tự làm, tự chịu, là do tôi sự đố kỵ, tự sân si, không một ai ép thì làm sao có thể đổ cho hoàn cảnh đây? Đến ngay cả mẹ tôi, vì gia cảnh khốn khó, vì bà ngoại bệnh tật mà làm cái nghề mạt hạng, nhưng bà vẫn là người tốt, bà vẫn không làm điều gì ác.

Có lẽ có người sẽ hỏi tôi rằng, tại sao có ba, có anh rồi không trở về. Nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi hiểu được rằng, không phải có nhà là sẽ về được. Bởi bản thân tôi gây tội tày đình, ba, anh tha thứ cho tôi, nhưng còn người đời, còn chính bản thân tôi làm sao có thể bao dung được đây? Vả lại, mỗi lần nhìn thấy Lâm thấy Phong, tôi lại nghĩ đến Nguyệt, tôi không đủ can đảm đối diện. Có nhà mà không thể về, cảm giác đó mới là cảm giác đau khổ tột cùng. Tôi chỉ ước rằng, đừng một ai như tôi rồi có hối hận cũng đã muộn. Đừng bao biện hoàn cảnh để làm việc ác, bởi sự bao biện ấy chính là thứ khiến con người ta dễ bỏ đi phần người mà phát huy phần con nhất, khiến xã hội này càng nhiều loạn lạc, khiến cho mỗi người như tôi càng lún sâu vào con đường tội lỗi. Nhưng trên đời này lại có luật nhân quả, ác giả ác báo, bao biện hoàn cảnh để làm giảm đi phần đáng trách, tăng phần đáng thương mà đâu biết quả báo lại chẳng chừa một ai, để rồi mất tất cả hối hận cũng không kịp.

Bên ngoài trời cũng chạng vạng chiều, chút ánh nắng chiều tà khiến tôi nhớ mẹ đến quặn lòng. Hồi nhỏ, mẹ thường hay nói, người chết đi sẽ biến thành một ngôi sao. Liệu rằng đêm nay tôi có thể ngước lên trời thấy mẹ trên đấy không? Nước mắt tôi cũng chảy dọc hai bên thái dương, kể mà tôi không làm những điều ác, biết đâu ông trời còn thương, còn cho mẹ bên cạnh tôi, hay ít nhất cũng cho tôi bên cạnh mẹ những ngày cuối đời. Tôi nhớ mẹ, nhớ cả ba, chỉ tiếc tôi không có tư cách mà đối diện với ba. Ba ơi, con ngàn vạn lần xin lỗi ba.

Xe đến nơi tôi cần đến cũng mười giờ đêm. Tôi không ngủ, xách valy lên một nhà trọ rồi đứng ngoài lan can nhìn lên bầu trời. Bầu trời đêm đen kịt, một vì sao cũng không thấy. Tôi ngồi bệt xuống, bật khóc nức nở. Cuối cùng cũng chẳng có vì sao nào xuất hiện. Trời đêm nay tối tăm như cuộc đời tôi những ngày qua. Không biết tôi đã ngồi đó khóc bao lâu, chỉ đến khi trời sáng hẳn tôi mới loạng choạng đứng dậy đi đánh răng rửa mặt sau đó trả phòng trọ rồi xách valy đi.

Xã Quảng Sơn, Huyện Hải Hà!

Tôi vừa ngồi xe ôm, vừa giữ valy, người xe ôm nhìn tôi rồi hỏi:

- Cô là người ở nơi khác mới đến hả? Nãy thấy cô bắt taxi, nhưng ở trong bản chỉ có thể đi được bằng xe máy thôi.

- Dạ vâng, cháu mới ở Hà Nội về đây nên không biết.

Chú xe ôm cười cười hỏi han tôi suốt đoạn đường, con đường vào bản gập ghềnh lên xuống. Đi qua không biết bao nhiêu cánh đồng mới có thể tới.

Khi đến nơi, chú xe ôm còn tốt bụng xách valy vào trường cho tôi rồi mới quay về.

- Chào cô, cô có phải cô Kim Quý không ạ?

- Dạ đúng rồi ạ.

- Đưa valy cho tôi xách cho, tôi mang valy của cô vào văn phòng trước nhé. Tôi là Quảng, giáo viên dạy thể dục ở đây.

Tôi nhìn Quảng, anh ta trạc ba mươi tuổi, dáng người khá cao to, vẻ mặt cũng sáng sủa, chỉ có điều cánh tay có một vết sẹo rất dài. Thế nhưng tôi cũng không quan tâm điều đó, bởi sự thân thiện của Quảng khiến tôi thấy lòng bớt nặng nề. Quảng mang valy của tôi vào văn phòng rồi dẫn tôi vào trong. Trường cấp 1 nhưng rất ít học sinh, đã phần là dân tộc, ngôi trường cũng cũ kỹ, nhìn đám trẻ ngồi học đứa nào đứa nấy mặt mũi lấm lem bỗng dưng tôi lại thấy chua xót. Nghe đâu các em được đến trường rất vất vả, ở đây người dân còn nghèo khó, trang thiết bị thì lạc hậu thô sơ, đến trường cũng phải trèo đèo lội suối. Tôi khẽ thở dài, vốn dĩ ban đầu không hề có ý định rời xa Hà Nội đến đây. Nhưng trong lúc cuộc đời như chìm dưới dòng bão lũ tôi đọc được bài viết về nỗi khó khăn vất vả của đám trẻ con dưới này. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại quyết tâm muốn đến. Bây giờ đây tôi mới thấy quyết định này của mình đúng đắn chừng nào.

- Kế toán của trường vì chê lương bèo lại đường xa nên đã bỏ việc. Thật may có cô đến. Cũng rất hy vọng cô sẽ gắn bó với trường lâu dài. Thực ra tôi cũng là người Hà Nội nhờ duyên mà được đến đây. Tôi về đây cũng năm năm rồi, và không có ý định rời xa trường này.

Tôi nhìn Quảng, tự dưng bật cười. Không hiểu sao tôi lại có cảm giác rất gần gũi, thân quen. Chỗ ở mới của tôi là một căn nhà tập thể cho giáo viên, trường học sinh đã ít, giáo viên càng ít. Thế nhưng mọi người ai ai cũng tốt bụng, dễ gần.

Những ngày ở đây, tôi bắt đầu quen với nếp sống, lương của tôi khá bèo, nhưng vì đồ ăn thức uống rất rẻ nên chẳng những đủ mà còn dư tiền. Số tiền tôi để dư ra tích cóp lại để mua trang thiết bị cho đám trẻ con. Buổi tối tôi cũng không còn cô đơn nhiều, bởi tối nào các anh chị ở trường cũng tụ tập mọi người khi thì văn nghệ, khi thì bàn nhau vận động gia đình đám trẻ con cho đi học.

Từ ngày tôi đi, tôi chưa đủ can đảm để gọi về cho ba, chỉ dám nhắn tin cho con Lâm hỏi tình hình. Ba ở nhà ổn, nhưng con Lâm bảo ba buồn và nhớ tôi. Nghe nó nói tôi lại khóc, chỉ muốn được gặp ba nhưng lại thấy mình không có tư cách.

Dạo này tuy bắt đầu nguôi ngoai, nhưng đêm nào tôi cũng vẫn bật dậy tự vấn lương tâm mình. Tôi không cho phép mình quên những gì mình đã gây ra, tôi phải nhớ, phải nhớ để mà sám hối, để mà biết rằng mình không được phép gây thêm bất cứ tội ác gì, phải nhớ để mà cố gắng tu sửa bản thân. Có những đêm tỉnh lại tôi không ngủ được nữa liền dùng nick ảo lên mạng tâm sự. Mới chỉ đọc được hai ba câu đầu rất nhiều người đã chửi rủa tôi rất nặng nề, đọc những bình luận tôi thấy mình đau đớn vô cùng. Dù thế tôi không xoá bài, tôi vẫn để như vậy, bởi bản thân tôi cũng biết người ta chửi tôi không sai, và tôi cũng biết mình cần đọc những lời chửi ấy mà tỉnh ngộ ra. Thế nhưng đột nhiên giữa tâm bão chửi bới có một người an ủi tôi. Có vẻ đó là một người đàn ông. Nghe anh ta an ủi tôi cũng vơi bớt phần nào, và dưới sự tư vấn của anh ta tôi đã tải những bài nhạc Phật về nghe. Ban đầu nghe, tôi không kìm được lại khóc rất nhiều, những bản nhạc nhẹ nhàng nhưng lại khiến tôi nhớ đến mẹ, đến ba, và đến người bạn từng thân vô cùng. Đúng là trên đời này, có những thứ gây ra rồi không thể làm lại. Tôi trước kia luôn coi thường cái thứ mang tên Toà án lương tâm, nhưng giờ đây mới nhận ra, không có gì đau khổ hơn khi cả đời mang bản án đó. Nó còn khổ sở hơn cả cái chết, giống như một sự đày đoạ tinh thần mà không bao giờ có thể ra tù được.

Có lẽ cuộc sống ở đây bình yên, không xô bồ nên giúp tôi vui vẻ hơn. Ngày nào tôi cũng theo mấy anh chị ra suối để đưa đám trẻ đến trường, mỗi cuối tuần lại chạy đến nhà các em học sinh nghèo giúp cha mẹ chúng nó làm nương, làm rẫy. Một đứa con gái chẳng biết đụng tay vào mấy việc đó thế mà chỉ một tháng sau tôi đã biết cuốc đất, đào khoai, cấy mạ, gieo mầm, nấu cám, băm rau nuôi lợn.

Thế rồi tôi và Quảng nghĩ ra việc đưa những thức ăn sạch từ đây lên Hà Nội bán giúp cho mọi người vừa có thêm thu nhập vừa giúp người dân trên đó có thể được ăn đồ sạch, không hoá chất. Quảng có nhiều người quen trên đấy nên chẳng mấy chốc mô hình này bắt đầu thuận lợi. Cũng vì thế mà cuộc sống của người dân ở đây bắt đầu có thu nhập hơn. Đám trẻ con lại được sắm áo mới tíu tít đến trường. Số tiền tôi và Quảng tích cóp lại đã mua được rất nhiều sách vở, và một số trang thiết bị hiện đại cho trường.

Những ngày ở bản, tôi nghiệm ra rất nhiều điều. Đúng là, so với đám trẻ dưới này, cuộc sống trước kia của tôi còn tốt gấp vạn lần. Chính ra tôi còn may mắn đấy chứ, vậy nên tôi mới hiểu, hoàn cảnh của mình chẳng liên quan đến những việc độc ác tôi gây ra. Cũng may tôi vẫn còn có thể quay đầu, cũng may Nguyệt còn cho tôi tự do mà làm lại cuộc đời. Cuộc đời này của tôi nợ nó mà có chết cũng chẳng thể trả được.

Thời gian cũng bắt đầu trôi dần đi, và cuối cùng cũng đến Tết. Mọi người ai ai cũng sắm sửa để về, chỉ có tôi không biết đi đâu về đâu. Thực lòng tôi rất muốn được về nhà, muốn được thắp cho mẹ nén nhang, muốn được gặp ba, muốn được về nơi gọi là gia đình. Thế nhưng đến ngay cả một cuộc gọi về cho ba tôi cũng còn không dám. Ngày tiễn mọi người ra xe, đến lúc trở về tôi ngồi thu lu một mình ở dãy nhà cũ kỹ. Sáng nay Quảng có hỏi tôi sao không về, tôi chỉ ậm ừ đáp mai ba mới đến đón. Anh ban đầu còn định bảo tôi về cùng anh cho sớm, nhưng tôi chỉ lắc đầu từ chối. Vậy mà khi mọi người đi rồi tôi lại ngồi một mình nước mắt chảy ròng ròng. Cảm giác hối hận lại trào lên trong lòng, giá mà tôi giống mọi người, giá mà tôi chưa từng gây ra những việc kia thì có lẽ tôi đã háo hức xách valy về nhà với ba, với anh.

Thời tiết năm nay ấm áp lắm, tôi ngồi bên trong nhìn ra ngoài trời mà nhớ da diết cái Tết đoàn viên. Ở trên radio khẽ cất lên bài hát

“ Thấm thía cái Tết xa nhà

Nhớ quá những lúc bên Cha,

Nhớ những bát canh chua và bữa cơm mẹ nấu

Nhớ quá tất cả mọi người

Bất giác chợt rơi nước mắt

Tết này con chẳng về được Mẹ ơi”.

Mấy cái Tết năm nay, dẫu rằng không biết ba là ba ruột nhưng vẫn là cái Tết đủ đầy. Còn năm nay, mẹ mất tôi thì…

Bài nhạc kia cứ da diết văng vẳng bên tai, không phải tôi chẳng thể về. Mà tôi không thể nào về. Đường về nhà chỉ là một chuyến xe mà tại sao lại xa xôi đến vậy. Ba mẹ ơi, con nhớ ba mẹ, nhớ đến sắp không còn chịu được. Tiếng gà gáy ban trưa càng khiến nước mắt tôi không thể ngừng lại được. Mọi người đi cả rồi, vắng lặng đến cô đơn. Tại sao trước kia tôi không trân trọng cái Tết bên mọi người. Đột nhiên tôi nghe có tiếng bước chân bên ngoài, tiếng giày Tây gõ xuống nền đất cộc cộc. Mọi người về hết rồi kia mà, sao lại còn có ai đến? Tôi bật dậy, quệt ngang dòng nước mắt bỗng dưng toàn thân sững lại. Ở trước mặt tôi… là ba và anh Phong. Tôi không dám tin nổi, ba đứng đó, hai mắt đỏ hoe cất giọng dịu dàng:

- Ba đến đón con về, về ăn Tết với ba và anh nhé.

Tôi nhìn ba, đột nhiên như bừng tỉnh lao về phía ba, bật khóc thành tiếng. Ba cũng khóc, anh Phong bên cạnh mắt cũng đỏ hoe.

- Ba ơi… con xin lỗi, con xin lỗi ba.

- Không sao đâu, về thôi con. Ăn Tết xong rồi ba lại đưa con trở lại đây. Nhưng mà Tết thì phải về chứ, có nhà để Tết trở về mà định ở đây một mình sao?

Thà ba đừng nói tôi chứ mỗi câu ba nói ra tôi càng khóc nức nở. Anh Phong thu dọn đồ giúp tôi, tôi chẳng làm gì được chỉ ôm lấy ba mà khóc. Phải rồi tôi vẫn còn một nơi là nhà để về cơ mà, sao tôi lại không dám về cơ chứ? Nỗi cay đắng, xấu hổ cộng nỗi tủi thân, xúc động làm tôi khóc ướt áo ba. Đến khi lên xe ba mới nói, thực ra ba biết tôi dưới này lâu rồi, bởi mấy lần tôi gửi rau sạch và khau nhục cho con Lâm mang về cho ba ba thừa biết. Nhưng ba cũng muốn để tôi được lựa chọn con đường của mình. Ba còn nói ba rất ủng hộ những việc tôi làm, qua Tết ba và anh Phong sẽ đầu tư một khoản tiền để xây dựng trường học cho các em dưới này, còn tôi chỉ mỗi tháng phải về thăm ba một lần. Tôi nghe xong vừa cười vừa khóc, bên ngoài kia nắng cũng vàng ruộm cả mấy cánh đồng

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi