ĐẠI CA

Sáng hôm ấy Ngụy Khiêm dậy muộn, suốt đêm hôm trước gã có những giấc mơ cách quãng không rõ, vừa mở mắt là quên hết nội dung, nhưng chắc chắn chẳng vui vẻ gì, cho tới lúc thức dậy ngực vẫn bị ép đến khó chịu.

Gã ngồi bên giường hai giây, chợt nhớ hai tên nhãi còn phải đến trường mà bữa sáng vẫn chưa có, liền vội vàng bò dậy, ai ngờ vào bếp trông thấy Ngụy Chi Viễn đang dùng muôi đảo sủi cảo đông lạnh trong nồi nước sôi với vẻ mặt nghiêm túc.

Ngụy Khiêm dựa cửa bếp, hỏi nhỏ: “Sao không gọi tao một tiếng?”

Ngụy Chi Viễn quay đầu toét miệng cười, để lộ hai cái răng khểnh cực trắng, trông vô cùng đáng yêu.

Ngụy Khiêm sờ đầu nó rồi quay vào nhà vệ sinh, gã ra sức dụi mắt – chẳng biết có chuyện gì mà mí mắt cứ giật hoài.

Rửa mặt xong Ngụy Khiêm mới nhớ ra, sáng nay vốn định bảo Mặt Rỗ chiên cho vài cái quẩy.

Ngụy Chi Viễn cẩn thận luộc một nồi sủi cảo y như làm thí nghiệm hóa học, ba anh em mới ngồi vào bàn thì dưới lầu chợt vang lên một tiếng như có thứ gì bị đổ, ngay sau đó là tiếng thét chói tai, kế tiếp là sự rối loạn.

Ngụy Khiêm bưng bát đẩy cửa sổ nhìn xuống, sau đó gã nhảy dựng lên như lửa sém mông, bỏ cả bữa ăn cầm ví tiền chạy thẳng xuống lầu.

Chỉ kịp vội vàng căn dặn một câu: “Hai đứa bay tự đến trường nha, nhớ đi chậm thôi.”

Vài phút sau Tam Béo ở tầng trên cũng xuống theo, lúc này đã có một vòng người vây kín dưới lầu.

Chính là quán ăn sáng nhà Mặt Rỗ xảy ra chuyện.

Mặt Rỗ mỗi sớm tan ca giúp mẹ dựng quầy, chiên quẩy bán sữa đậu nành, tới chín rưỡi mới dọn quán.

Quầy thức ăn sáng ở ngay ngoài trời, kê một số bàn ghế đơn giản, một thùng sữa đậu nành và một cái chảo là đủ.

Nguyên do là một chiếc taxi chạy tới, bởi quá chật chội nên xe không hay đi qua đây, một chiếc xe tiến vào muốn chiếm hết cả con đường, tài xế chẳng biết đi lạc hay sao mà xông nhầm vào, taxi đang thận trọng chạy thì chỗ giao lộ đột nhiên có một chiếc ba gác điện quẹo ra.

Chủ xe ba gác đang vội nên chạy rất nhanh, rẽ qua đây mới phát hiện đằng trước có xe, không kịp thắng lại.

Ông này theo bản năng quẹo tay lái, xe lao lên vỉa hè theo quán tính, đâm thẳng vào quầy hàng, mẹ Mặt Rỗ vừa vặn đứng chiên quẩy sau chảo, hứng trọn nguyên chảo dầu sôi, cả người lẫn chảo bị chiếc ba gác không thắng lại được đẩy đi hơn một mét.

Ngụy Khiêm dùng bạo lực đẩy đám đông chen vào muốn nổi hết da gà, bởi trời nóng nên mẹ Mặt Rỗ chỉ mặc quần cộc và áo tay ngắn cực mỏng, chỗ da trần bị bỏng dầu, thoáng chốc không nhìn nổi nữa.

Trong chớp mắt Ngụy Khiêm cảm thấy bả muốn chín luôn rồi.

Trong không khí thậm chí thoang thoảng mùi thịt kỳ lạ.

Mặt Rỗ đứng đực ra bên cạnh không hề nhúc nhích, đôi mắt muốn lồi ra, như đã biến thành một bức tượng.

Ngụy Khiêm tát Mặt Rỗ một cái, thét vào tai gã ta: “Mẹ kiếp mày còn nhìn gì? Hả? Mẹ mày sắp chín rồi, còn không đi gọi cấp cứu!”

Gã quay sang gào người bên cạnh: “Xe! Dời cái xe ba gác đó ra!”

Mấy người qua đường vội bước tới, ba chân bốn cẳng dời cái ba gác gây chuyện, chủ xe thấy tình thế không ổn, theo bản năng muốn chuồn đi, bị Ngụy Khiêm túm lại đạp sau đầu gối, ngã phịch xuống đất.

Tam Béo ở phía sau la lên: “Nhóc Khiêm! Mặc kệ thằng chó đó, anh báo cảnh sát rồi, cứ giao cho cảnh sát, mẹ kiếp cái chảo này dính vào thịt rồi, phải làm sao đây?”

Ngụy Khiêm quay đầu lại quát lên: “Làm sao tôi biết!”

Cuối cùng cha mẹ Tam Béo dùng chậu to khiêng nước lạnh đến, cẩn thận hắt vào cái chảo dầu nóng hôi hổi, chẳng biết xử lý có đúng không, sau đó xe cứu thương và xe cảnh sát đều tới, chở mẹ Mặt Rỗ đi cấp cứu.

Ngụy Khiêm cũng không biết vì sao vừa phát hiện có chuyện thì phản ứng theo bản năng của mình chính là xách ví lao xuống, chắc giờ đây gã đã có bản năng của một kẻ mê tiền, tiềm thức cảm thấy phải mang theo tiền mới có cảm giác an toàn.

Nhưng may là như thế, bởi thằng ngốc Mặt Rỗ kia vét hết người chỉ có mười hai đồng năm hào, thộn mặt ra đó chẳng biết gì hết, Ngụy Khiêm đi theo làm đại hiệp một tay, chạy qua chạy lại muốn sứt đầu mẻ trán.

Gần trưa, Tam Béo và một cảnh sát đến, dẫn theo hai đương sự khác trong vụ tai nạn.

Kể cũng xui thật, hai tay này một là tài xế lái thuê, một bán hàng rong, tay tài xế sắc mặt xám ngoét như cha mẹ chết, tay bán hàng rong chẳng biết có phải do bị Ngụy Khiêm đạp hay không mà chân cứ run lẩy bẩy, đứng im cũng run cầm cập chực ngã, y như một chiếc lá phất phơ trong gió vậy.

Tai nạn giao thông phải có tiền mới giải quyết được, nếu mẹ Mặt Rỗ chết rồi còn dễ xử lý, nhỡ đâu bả sống sót, bỏng nặng như thế về sau chưa biết sẽ ra sao, không chừng còn phải chịu trách nhiệm suốt đời.

Mà chết người là, hai cha nội này đều nghèo rớt mồng tơi.

Nhưng đứng trong hành lang bệnh viện, đối mặt với mấy đôi mắt trầm mặc như muốn lột da rút gân họ, dù sao cũng không thể mở miệng nói “hi vọng người đang được cấp cứu chết luôn cho rồi”.

Sự sợ hãi và luống cuống không biết trút vào đâu, tay bán hàng rong lái ba gác đột nhiên quỳ thụp xuống đất, gào khóc muốn đứt ruột đứt gan.

Anh cảnh sát đi theo hỏi Tam Béo: “Cậu là gì của họ?”

Tam Béo: “Hàng xóm ạ.”

Anh cảnh sát “à” một tiếng, lại hỏi: “Thằng bé kia là con trai bà ấy nhỉ? Thế nhà họ còn ai nữa? Chồng bà ta đâu?”

Tam Béo: “Chết rồi anh ạ, chỉ còn mẹ góa con côi thôi.”

Anh cảnh sát hơi xúc động, nhưng với tình cảnh này, anh ta không biết nên cảm khái gì, cũng không biết nên có đề nghị gì, một lúc lâu mới thở dài: “Việc này khó xử lý đây, đều không có tiền, bên gây chuyện chắc chắn không gánh nổi khoản bồi thường, cậu… ôi, nên bảo người nhà chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đi.”

Tam Béo ngước lên, ngỡ ngàng hỏi: “Thế… không đền tiền thì làm thế nào?”

Anh cảnh sát nghĩ qua rồi đáp: “Người nhà có thể khởi tố – nhưng tôi nói thật, thôi bỏ đi, khởi tố cũng vô dụng, chuyện kiểu này chắc hẳn tòa án sẽ phán bên gây chuyện bồi thường, nhưng phán hay không đều thế cả, nếu không đền nổi thì cũng chả làm gì được.”

Như để chứng thực lời anh ta nói, tay bán hàng rong đang quỳ mọp dưới đất đột nhiên đập đầu muốn rung cả sàn nhà, trông như muốn đâm đầu chết luôn vậy, kêu la lộn xộn: “Để tôi đền mạng cho bà ấy đi… Ở nhà tôi còn một bà vợ bệnh, con nhỏ mới năm tuổi… Tôi phải làm sao đây? Tôi hết cách rồi, cầu xin các cậu, cầu xin các cậu… để tôi đền mạng cho bà ấy đi!”

Mặt Rỗ vẫn nín thinh bỗng xông lên tay đấm chân đá hắn ta như phát điên, mọi người vội vã ngăn lại, Ngụy Khiêm cật lực dùng một tay ôm hông gã: “Được rồi được rồi, đánh chết hắn ta thì có ích gì?”

Mặt Rỗ gầm lên một tiếng khản đặc, như thú hoang bị thương, gào hết sức lực toàn thân.

Rồi gã bỗng nhiên lảo đảo vài bước như cạn hết sức lực, dựa tường trượt xuống, bưng mặt, bả vai run rẩy dữ dội.

Nạn nhân vẫn đang được cấp cứu, chưa rõ sống chết, kẻ gây chuyện và gia đình nạn nhân ở bên ngoài mặt đối mặt gào khóc ầm ĩ.

Anh cảnh sát đi theo có lẽ là một thanh niên mới đi làm chưa được bao lâu, mặt vẫn còn nét ngây thơ, chưa thể quen với sinh lão bệnh tử không thể làm gì trên đời này, trước khi đi, anh ta lục hết người cũng chẳng lôi ra được món gì đáng giá, đành phải tự giễu nói với Tam Béo: “Tôi cũng là một người nghèo thôi.”

Sau đó anh ta lấy hết giấy tờ ra, để ví lại, bên trong có tổng cộng hai trăm ba mươi đồng tiền giấy và một mớ xu lẻ.

Ngụy Khiêm và Tam Béo ở bệnh viện với Mặt Rỗ cả ngày, đến chập tối mí mắt Ngụy Khiêm tự dưng lại bắt đầu giật như điên.

Gã ới Tam Béo một tiếng bảo ra ngoài hít thở, rít hết một điếu thuốc, bấm tay tính thời gian đoán tụi nhỏ đã về đến nhà, liền dùng điện thoại thẻ ở cổng bệnh viện gọi vào số nhà.

Khi đó trên thị trường đã bán di động, nhưng người như họ đâu dùng nổi, có điều theo di động được đưa ra thị trường thì điện thoại bàn trở nên rẻ hẳn.

Dẫu như thế, vẫn chỉ có Nhạc ca và mấy anh em tốt biết số điện thoại nhà gã, Ngụy Khiêm đặt ra quy định, nghiêm cấm lạm dụng điện thoại – vì điện thoại phải trả tiền.

Điện thoại đổ chuông nhưng không ai nghe.

Ngụy Khiêm nhíu mày cúp máy, đợi một lúc lại quay số lần nữa, nhưng vẫn không ai nghe.

Lần thứ ba không ai nghe điện, tim Ngụy Khiêm đã đập điên cuồng, đằng sau có người xếp hàng chờ gọi điện sốt ruột thúc giục: “Ê, cậu kia, gọi xong chưa? Đang có ngần này người chờ đấy!”

Ngụy Khiêm ngẩng đầu hung hãn lườm anh ta, đối phương tức khắc hết dám hó hé, chửi thầm vài câu rồi quay đầu đi tìm trạm điện thoại công cộng khác.

Ngụy Khiêm chưa từ bỏ ý định, gọi thêm mấy lần nữa nhưng không lần nào có người bắt máy, ngón tay gã lạnh đến tê dại.

“Nhóc Khiêm, sao vậy?” Tam Béo thấy gã mãi chưa quay lại bèn ra tìm.

Ngụy Khiêm cố gắng bình tĩnh lại, liếm đôi môi khô khốc, ép mình hạ thấp giọng, nói chậm rãi: “Tôi… Tôi không biết, điện thoại ở nhà không ai nghe, hai đứa nhóc kia…”

Gã không nói nữa, gã ý thức được rằng mình mà nói tiếp thì có thể sẽ bắt đầu la lối mất.

Tam Béo đẩy vai gã: “Mày về trước đi, anh ở đây trông cho, để anh tìm thêm vài người giúp mày – chưa biết chừng hôm nay không ai quản nên tụi nhóc chạy đi chơi rồi, chú mày đừng sốt ruột.”

Ngụy Khiêm ba chân bốn cẳng chạy mất.

Tam Béo sững sờ: “Mẹ kiếp chậm thôi, coi chừng xe!”

Tam Béo thấy mình đã là xuất thân bần hàn rồi, nhưng trong những người đời này hắn từng gặp, mấy đứa trẻ xúi quẩy như Ngụy Khiêm và Mặt Rỗ thật sự là có một không hai, đặc biệt là Ngụy Khiêm, cậu chàng sống đến tuổi này, giống như chẳng được mấy ngày thoải mái, lúc nào cũng nhọc lòng, Tam Béo luôn thầm lo âu, sớm muộn sẽ có một ngày, gã phải làm mình nhọc chết tươi luôn.

Đúng là họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai.

Ngụy Khiêm chạy như điên về nhà, từ đằng xa nhìn thấy Lỗi Tử một người anh em của Tam Béo đang ngồi ngay cửa, chắc là được Tam Béo gọi đến giúp đỡ.

Thấy Lỗi Tử đang ngồi nói chuyện với Tống Tiểu Bảo, Ngụy Khiêm mới dừng lại, lúc này lưng gã đã ướt sũng mồ hôi, gã khom người dùng một tay chống đầu gối thở hổn hển, một giọt mồ hôi từ trên trán rơi xuống, ngấm qua hàng mi dày, nhỏ vào mắt, chảy xuống cạnh lông mi, tưởng như đang khóc vậy.

Ngụy Khiêm lau mồ hôi trên trán, lúc này mới sa sầm mặt sải bước đến.

Đầu tiên gã chào hỏi và cảm ơn Lỗi Tử, sau đó vội vàng nắm vai Tống Tiểu Bảo, thô lỗ kéo con bé đến trước mặt, nhìn một vòng từ trên xuống dưới, thấy trừ vành mắt hơi đỏ thì ngay cả da cũng chưa trầy, lúc này mới hơi yên tâm, mà ngoài mặt lại vẫn là vẻ hung thần ác sát, tra hỏi Tiểu Bảo như phạm nhân: “Có chuyện gì? Vì sao không nghe điện? Vì sao không vào nhà? Tiểu Viễn đâu?”

Tiểu Bảo mếu máo, cuối cùng đã gặp được người thân, chớp mắt muốn khóc.

Chưa kịp khóc đã bị Ngụy Khiêm nạt: “Không được khóc! Tiểu Viễn đâu?”

Tiểu Bảo vội vàng nén nước mắt lại.



Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi