ĐẠI CA

Ngụy Khiêm từng ảo tưởng rằng một ngày kia sẽ có phóng viên phát hiện ra gã và hai đứa em sống như những con chó trong khu ổ chuột này, sau đó phóng viên sẽ chụp mấy tấm ảnh, đặt một đầu đề mắc ói là “Thiếu niên có chí làm thuê cho hai em đến trường, đôi vai non nớt gồng gánh cả gia đình”, khiến người ta phải rơi nước mắt, rồi sẽ có cơ quan nhà nước đến cho tiền, vô số người giàu nứt đố đổ vách quyên trợ, mà gã thì chỉ cần cầm tờ chi phiếu kếch xù lên TV chụp chung một tấm với họ là được.

Thế nhưng, trên TV ngày nào cũng đưa tin “sinh viên nghèo khổ”, “học sinh trung học nghèo khổ”, “học sinh tiểu học nghèo khổ”, vậy mà chẳng một ai tìm đến anh em Ngụy Khiêm.

Đại khái là thời bấy giờ người nghèo quá nhiều nên lên TV cũng cần xếp hàng quay số như mua xe sau này(1).

Sắp đến cuối kỳ, thời tiết ngày càng lạnh hơn, tinh mơ ra ngoài trời còn chưa sáng, Ngụy Khiêm cưỡi xe đạp đi sớm về khuya.

Gã không có bao tay, lúc đến trường hai tay lạnh cóng muốn mất hết cảm giác, đành phải vừa cúi đầu chạy lên lầu vừa xoa tay liên tục.

Hôm nay, lúc lên lầu vừa vặn đụng phải cô chủ nhiệm, cô chủ nhiệm là một cô giáo trung niên họ Lý, bình thường cực tốt với gã – học sinh chăm ngoan, thành tích tốt thêm thái độ nhún nhường không gây chuyện như Ngụy Khiêm, nếu vừa hay tràn đầy sức sống, giáo viên lại là nữ, thì trên cơ bản nhất định là loại đặc biệt được thầy cô cưng.

Cô Lý gọi gã lại: “A, vừa hay gặp được một cậu bé, mau qua đây giúp cô vác đồ đi!”

Ngụy Khiêm giúp cô xách hai mươi cân gạo và hai thùng dầu nhà trường mới phát đến thẳng phòng làm việc, cô Lý cười ha hả hỏi: “Em ăn sáng chưa?”

Ngụy Khiêm dừng một chút rồi lắc đầu.

Cô Lý lấy một cái bánh mì và một cây xúc xích trong hộc bàn đưa cho gã: “Buổi sáng lại dậy muộn nhỉ, em cầm mà ăn.”

Ngụy Khiêm xấu hổ cười cười, nhận lấy rồi cảm ơn.

Cô Lý không hề biết hoàn cảnh gia đình gã, khi đó học sinh cấp ba đều mặc đồng phục, tụi con trai trừ cá biệt có đứa thích sạch sẽ, thì tất cả đều lôi thôi lếch thếch chẳng khác gì nhau, cặp hàng hiệu và cặp bán rong đều căng phồng không nhận ra hình dạng ban đầu, xin nữ sinh cái hộp khoai tây chiên đã ăn hết, rửa sạch bỏ lên bàn là thành ống đựng bút.

Lúc ấy giữa người với người bình đẳng đến bất ngờ, thoạt nhìn không thể nhận ra đứa nào là con trai thị trưởng, đứa nào là trẻ mồ côi phải đi làm mới tạm đủ sống.

Khi khai giảng trên bản điều tra hoàn cảnh gia đình có cột đơn vị công tác của cha mẹ, Ngụy Khiêm nhìn chằm chằm ô trống đó rất lâu, cuối cùng viết đại hai chữ “cá nhân”…

Đằng nào cũng chẳng có ai hỏi gã là cá nhân sống hay cá nhân chết.

Cô Lý kiễng chân vỗ vai dặn dò gã: “Mau đi đi, hôm nay thứ Hai, chuẩn bị xong bài phát biểu chào cờ rồi chứ, mau quay về xem lại vài lần, đừng để lát nữa quên mất.”

Bài phát biểu chào cờ do mỗi lớp cắt cử học sinh lên là truyền thống cũ của trường, trước khi lên bục Ngụy Khiêm không cầm được lòng ưỡn thẳng lưng – không phải gã hồi hộp, mà là tối qua lúc đánh nhau đã trúng một gậy vào lưng, sáng dậy thấy bầm tím, rất đau.

Ngụy Khiêm giở bản thảo đứng trên bục, đọc làu làu như ăn cháo bài diễn thuyết tràn trề mộng mơ và quan điểm của mình, bên dưới như thường lệ là toàn thể học sinh ngáp dài ngáp ngắn vỗ tay theo phép lịch sự.

Ngụy Khiêm nở nụ cười rất nhạt, sau đó lùi lại hai bước, đưa micro cho người chủ trì.

Trước lúc xuống, Ngụy Khiêm đứng trên bục chủ tịch cao cao, nhìn lướt qua toàn cảnh ngôi trường lần cuối…

Một loạt ngân hạnh úa vàng sắp trụi lá, sân vận động đúng tiêu chuẩn 400m, những lớp học lót gạch đỏ, các học sinh trẻ người non dạ mặc đồng phục… Và mấy gốc anh đào trước dãy lớp học, nghe đâu là anh đào phương nam lai với giống vùng này, mỗi độ xuân sang, cánh hoa rơi xuống thành một lớp thật dày, có thể lấp cả mu bàn chân, tiếc rằng gã nhập học vào mùa thu nên còn chưa kịp ngắm.

Ngụy Khiêm giống như muốn thu tất cả vào đáy mắt, sau đó quay người bước xuống bục chủ tịch mà chẳng buồn ngoảnh lại.

Gã về lớp trước khi mọi người giải tán, nhanh chóng thu dọn đồ đạc, cầm đơn xin nghỉ học đã viết sẵn đi đến hướng phòng giáo vụ.

Thầy hiệu trưởng không hề nắm rõ hoàn cảnh của học sinh, chỉ hỏi nguyên nhân theo lệ thường, Ngụy Khiêm không muốn để mình như trẻ em nghèo thất học – nói cũng vô ích, nhà trường có thể do cảm thông mà kiếm học bổng cho gã từ việc quay vòng khó khăn, nhưng vấn đề chủ yếu không ở học bổng, gã cần nhiều tiền hoặc nhiều thời gian hơn để kiếm tiền nuôi gia đình.

Không thể giải quyết vấn đề thì cần gì đưa lòng tự tôn yếu ớt của mình ra cho người ta xem?

Vì thế Ngụy Khiêm mắc căn bệnh chung của tuổi dậy thì, chỉ giải thích qua loa rằng gia đình phải chuyển đi nơi khác, không thể tiếp tục học ở đây nữa.

Ra khỏi phòng giáo vụ, gã đi ngang qua sân bóng rổ, gặp thầy thể dục đang huấn luyện, một quả bóng bay tới, gã nhanh nhẹn đón được rồi huýt sáo ném lại, nam sinh trên sân thể dục ở đằng xa phất tay: “Cảm ơn anh bạn!”

Ngụy Khiêm nở nụ cười, nhưng lập tức biến thành gượng gạo, gã không nán lại nữa, nhanh chóng cúi đầu bỏ đi.

Ngụy Khiêm xách cái cặp nặng trịch đến chỗ mua ve chai gần đó, dốc hết sách vở giấy tờ ra bán được một đồng hai hào, gã lại bỏ thêm tám hào, dùng hai đồng này mua một cành cẩm chướng, nhân lúc cô Lý lên lớp, lẻn vào văn phòng đặt đóa hoa trên bàn làm việc, sau đó khoác cái cặp rỗng tuếch rời khỏi trường.

Gã đạp xe về nhà, mẹ con Mặt Rỗ bán đồ ăn sáng còn chưa dọn hàng, thấy Ngụy Khiêm, Mặt Rỗ kinh ngạc hỏi: “Khờ… khờ… Khiêm, sao, sao mày về, về rồi? Quên, quên, quên cái gì…”

Ngụy Khiêm nhảy xuống xe, ném cái cặp rỗng ra đằng sau, bình tĩnh cắt lời: “Không có, Mặt Rỗ, tao không đi học nữa.”

Hình như Mặt Rỗ tạm thời chưa hiểu được ý gã, nghệt mặt lặp lại: “Không, không không, không đi học nữa?”

Ngụy Khiêm: “Ừ, tao bỏ học rồi.”

Chắc đầu óc thật sự hơi có vấn đề nên Mặt Rỗ luôn phản ứng chậm chạp, nhiều khi Ngụy Khiêm hoài nghi, liệu có phải là tát gã ta một cái, tên này cũng phải mất một phút mới biết đau.

Mặt Rỗ đầu óc có vấn đề đứng đực ra đó, mất hơn nửa phút, khuôn mặt chi chít mụn lớn mụn bé kia đỏ như một cục than đốt rực, ngực phập phồng mạnh, giây lát sau đột nhiên ngân ngấn nước mắt.

Mặt Rỗ lao đến đẩy ngực Ngụy Khiêm một phát, Ngụy Khiêm hơi lảo đảo, xe đạp đổ kềnh xuống đất, bánh xe còn quay vòng vòng.

Mặt Rỗ há miệng “a a ô ô” một chặp, càng sốt ruột càng líu lưỡi, khiến khuôn mặt đỏ gay, cuối cùng không nhịn được nữa, gã ta khóc ầm lên, giọng khóc thảm thương, tiếng khóc chói tai.

Mặc dù nói năng không lưu loát nhưng gã lại có giọng khóc tang rất tốt.

Ngực Ngụy Khiêm ngộp muốn nổ tung.

Có lẽ trong cuộc đời dài lê thê của gã, bỏ học cũng chả phải là chuyện gì to tát, nhưng với một thiếu niên vẫn chăm chỉ học hành, hòng mong thay đổi số phận, thì bỏ học như là bầu trời chực sập mà mình vẫn gắng sức chống đỡ đã đổ ầm xuống vậy.

Nhưng dù trời sập rồi thì Ngụy Khiêm cũng không muốn cùng Mặt Rỗ ôm nhau khóc lóc giữa đường giữa phố, khó coi chết đi được.

Cho nên Ngụy Khiêm chỉ khom lưng, nhờ động tác dựng xe để giấu sự buồn bã thoáng qua mặt, rồi gã ngẩng đầu, gượng ra nụ cười bình chân như vại, thậm chí có vẻ khinh thường nói: “Mày khóc gì hả? Thằng đần, tao còn chưa chết đâu. Nghỉ thì nghỉ, tụi bay chẳng phải đều nghỉ đó sao? Việc bé như cái móng tay, có đến mức ấy không hả?”

Mặt Rỗ càng khóc tợn, khóc khàn cả giọng, quên hết tất thảy.

Ngụy Khiêm rốt cuộc không nói nổi nữa, gã xách cái túi vải cũ rích, buông tay đứng cách Mặt Rỗ hai bước, nhìn người anh em ngu ngốc dùng tay quệt nước mắt.

Gió lạnh thấu xương mà khô hanh cùng nước mắt có vị mằn mặn làm toác vết nứt trên tay Mặt Rỗ, để lộ da thịt tuổi trẻ đầm đìa máu tươi.

Mùa đông dài lê thê đã bắt đầu trong tiếng gào khóc của một chú nhóc cẩu hùng bán quẩy.

Ngụy Khiêm bước vào kiếp sống lưu manh, thành một tay chân chưa có tiếng tăm dưới trướng Nhạc ca.

Cậu nhóc choai choai mười bốn mười lăm tuổi vừa trổ mã, thịt còn chưa theo kịp xương cốt, mặt vẫn còn nét trẻ con, làm bảo kê cho Nhạc ca, mỗi ngày trầm tĩnh kiệm lời, bởi vì thật sự chẳng có gì để nói với những ông lớn mở miệng ra là đàn bà đó, đánh nhau lại luôn ác hơn kẻ khác, trong lòng gã dường như đang đè nén cái gì đó.

Ban đầu Nhạc ca vô cùng thất vọng vì việc này, dù sao thì hắn cũng kỳ vọng rất nhiều vào Ngụy Khiêm, hắn vốn tính cho Ngụy Khiêm lên đại học, để gã đi học luật hoặc tài chính kinh tế, Nhạc ca thấy rằng việc buôn bán của mình không thể cứ làm trong tối mãi được, muốn công thành danh toại thì việc ngoài sáng sẽ phải có một người biết luồn lách pháp luật, biết làm giả sổ sách lo liệu, người này cần lanh lợi, còn phải hoàn toàn đáng tin, chỉ có thể là Ngụy Khiêm thôi.

Trong bụng Nhạc ca vốn đã phác họa ra kế hoạch vĩ đại cho tương lai như bài binh bố trận, ai có tác dụng gì đều tính sẵn cả, nhưng hắn không ngờ Ngụy Khiêm mình gửi gắm hi vọng lại là bùn loãng không thể trát tường, mới đến cấp ba đã bỏ ngang.

Có một dạo, Nhạc ca đã không còn chú ý đến Ngụy Khiêm nữa, bởi vì vô dụng.

Nhưng hắn không ngờ, sau một năm im lặng, cậu nhóc này lại nổi danh.

Ngụy Khiêm dù sao cũng là một thiếu niên, thể lực không tốt như người trưởng thành thật sự, cho nên việc cần thể lực như làm đả thủ không chiếm nhiều ưu thế, Nhạc ca cũng chẳng coi trọng lắm, bình thường chỉ cho gã trực ban ngày – chỗ ăn chơi dưới danh nghĩa của Nhạc ca thật ra chính là một hộp đêm, tuy ban ngày cũng mở nhưng chỉ là nơi ăn uống bình thường, buổi tối mới có kịch hay.

Bình thường cũng chỉ xảy ra chuyện vào buổi tối, đây là điều mà dân trong nghề đều hiểu.

Ai ngờ ba mươi sáu nghề, nghề nào cũng có lưu manh, mà trong nghề lưu manh chân chính cũng có nhân viên yếu kém, có hạng người phẩm hạnh xấu bỏ bê công việc – mấy tên đó thuộc một trung tâm giải trí khác trong thành phố, ông trùm cậy lắm tiền muốn gây hấn với đầu đảng địa phương là Nhạc ca, thế nhưng hắn không ở vùng này, ngoài tầm tay với, liền phái đàn em sắp xếp.

Đàn em của hắn là kẻ có một không hai, hội tụ đủ các điểm đặc sắc như hèn nhát yếu đuối không biết xấu hổ, tệ hại đến hiếm thấy.

Tên này suy nghĩ kỹ một thời gian, cảm thấy đến lúc ban đêm có thể không đánh lại người ta, sợ vào dễ ra khó, nhưng không dám cãi lệnh của ông chủ, liền sáng tạo chạy tới hộp đêm quậy phá ngay giữa ban ngày ban mặt.

Đối phương dẫn mười mấy kẻ cao to vạm vỡ miệng cọp gan thỏ, hùng hổ đến hộp đêm thưa thớt nhân viên để phá phách.

Bảo kê ban ngày thường là bảo vệ thuê qua đường đứng đắn, hoặc là đám choai choai bị Nhạc ca trưng làm bình bông như Ngụy Khiêm, làm bộ thì còn được chứ đánh đấm như hạch.

Mấy kẻ tới quậy phá nhìn là biết ngay mục đích không tốt, căn bản chẳng ai dám ngăn cản.

Tên cầm đầu ngồi phịch xuống đại sảnh, tỏ rõ là tới kiếm chuyện, lớn tiếng chửi bới, chòng ghẹo các cô phục vụ, chai rượu đập nát đầy dưới đất, số khách đến ăn cơm vốn đã chẳng được mấy sợ quá đứng dậy muốn đi.

Quản lý đại sảnh nhíu mày, thấp giọng bảo đàn em gọi điện cho Nhạc ca.

Kết quả là đàn em còn chưa kịp đi, Ngụy Khiêm mặc đồng phục của hộp đêm đã đi tới với khuôn mặt không cảm xúc, một kẻ gây chuyện cho rằng gã là bảo vệ đến ngăn cản, túm áo gã khinh bỉ: “Kêu ông chủ của tụi bay tới, nít ranh thông minh đừng ra làm bia…”

Ba chữ “bia đỡ đạn” còn chưa nói xong thì hắn đột nhiên lạc giọng trước, tên nọ thét lên một tiếng, cuống quýt thả Ngụy Khiêm ra, lùi liền năm sáu bước, vẻ mặt hoảng sợ.

Chỉ thấy ngực hắn thủng một lỗ, máu phun như suối, bấy giờ mọi người mới phát hiện, Ngụy Khiêm đang cầm một con dao rựa chuyên dùng để chặt xương trong bếp.

Ngụy Khiêm chém người chẳng hề chùn tay, chém một nhát xong ngay cả mặt cũng không thèm lau, một tay cầm dao, một tay nhặt chai rượu đã vỡ phân nửa, không nói tiếng nào, trực tiếp lao đến vật lộn như kẻ thù giết cha.

Có câu “lỗ mãng sợ hung ác, hung ác sợ chán sống”, mấy tên này tránh buổi tối lắm người giỏi võ, chọn ban ngày vắng vẻ tới gây chuyện, đủ thấy vốn cũng chẳng hung ác lắm.

Thế là mười mấy tên lập tức bị một kẻ chán sống xử sạch tại trận, dùng bề ngoài vàng ngọc bên trong hèn nhát phát sợ để hoàn thành huyền thoại này.

Nhạc ca nghe việc này vội vàng dẫn lính chạy đến thì cuộc chiến đã kết thúc, chỉ thấy hiện trường lênh láng máu và rượu.

Gã thiếu niên đầm đìa máu tươi chỉ còn mặc một chiếc áo ba lỗ màu trắng, ngồi trên sofa duỗi tay để Tam Béo nghe tin chạy tới run rẩy làm sạch mảnh thủy tinh, tay buông thõng mất tự nhiên, chẳng biết là trật khớp hay gãy xương.

Nhưng gã giống như không biết đau, chẳng thèm rên một tiếng, thậm chí không buồn nhìn qua, chỉ cúi đầu chăm chú rít thuốc.



1. Do bây giờ xe cộ quá nhiều dẫn đến kẹt xe nghiêm trọng nên Bắc Kinh dùng cách này để hạn chế người dân mua xe. Sau khi qua nhiều tầng đăng ký kiểm tra rườm rà thì mới được mã hóa và tham gia vào đợt quay số hàng tháng, những ai trượt thì tiếp tục tham gia tích lũy điểm, càng nhiều điểm thì xác suất được mua xe càng lớn hơn.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi