ĐẠI ĐƯỜNG SONG LONG TRUYỆN

Hai mươi chiếc Bí Ôn xa, loại xe được binh sỹ gọi đùa là Mộc Lư (tòa nhà gỗ) có thể che chở cho tiễn thủ bên mình trước tên của địch, được bày thành đội ngũ nghiêm chỉnh trên quảng trường tại cửa Trường Hạ môn để đợi trời tối.

Những chiến xa này trông như những căn phòng di động có bánh xe, mái dựng hình chóp nhọn, xung quanh được bọc da trâu sống đã qua chế luyện nên có sức chịu lửa cao, đá bắn vào cũng không hề hấn gì.

Ngoài ra còn có hơn trăm chiếc Hà Mô xa. Thực ra, đây là những chiếc xe chở hàng một bánh bình thường, điểm đặc biệt là được trang bị thêm lá chắn chống tên để bảo vệ binh sỹ đẩy xe. Xe được thiết kế để có thể trút thẳng đất đá xuống, tăng nhanh tốc độ lấp hào.

Đội dân phòng được huy động từ nhân dân không ngừng mang bao đựng đất cát và đá chất thành mấy ngọn núi nhỏ hai bên cửa thành, đợi khi đến giờ hành động thì binh sỹ sẽ dựa vào sự yểm hộ của Mộc Lư xa để vận chuyển ra ngoài thành lấp hào.

Vũ khí có sức sát thương mạnh nhất là mười máy bắn tên cỡ lớn Bát Cung Nỗ Tiễn và năm máy bắn đá hạng nặng. Những dụng cụ chiến tranh siêu cấp này chỉ cần vượt được qua hào là có thể tạo thành sức phá hoại cực lớn đối với trại gỗ bên địch.

Chín ngàn chiến sỹ bày trận trên quảng trường. Tất cả chia thành ba đội, mỗi đội gồm một ngàn mâu thuẫn thủ, một ngàn năm trăm cung tiễn thủ và năm trăm kỵ binh. Người nào cũng tràn trề hy vọng vào đợt xuất kích lần này nên sỹ khí cao vời, sẵn sàng chờ đợi.

Trong lòng họ, Từ Tử Lăng như người thay thế cho Khấu Trọng, cũng là một biểu tượng vô địch.

Vương Thế Sung, Dương Công Khanh, Vương Huyền Ứng, Vương Huyền Thứ, Ma Thường, Đoạn Đạt, Đơn Hùng Tín, Bình Nguyên Chân, Bạt Dã Cương, Tống Mộng Thu và Từ Tử Lăng tập trung tại tòa lầu trên cổng Trường Hạ môn, nhìn ra bên ngoài theo dõi động tĩnh quân địch.

Trừ một trại đối diện với cửa Nam là được xây trên một ngọn đồi cao nhỏ, hai trại hai bên được dựng ở chỗ bằng phẳng, chỉ dựa vào hào sâu và hàng rào gỗ để phòng thủ. Nhưng nếu không thể tấn công chiếm được trại trên đồi thì khi đánh trại bên dưới sẽ bị trại trên cao xuất quân tập kích, việc này sẽ tác động tới thành bại của cuộc chiến.

Vương Huyền Ứng than:

- Nếu sớm biết thế này thì ngày trước đã san bằng ngọn đồi đó, cuộc chiến tối nay sẽ dễ dàng hơn biết bao nhiêu.

Chẳng biết có phải vì Vương Thế Sung bất mãn hắn đã làm mất Hổ Lao hay không mà lão nhíu mày trách:

- Ngươi nói những lời đó làm gì. Nghĩ biện pháp tấn công ba tòa trại kia mới là thái độ tích cực.

Vương Huyền Ứng im thít không dám ho he.

Đúng lúc này, Lang Phụng đến báo quân đột kích ở các cửa An Hỉ môn mặt Bắc, Thượng Đông môn và Kiến Xuân môn phía Đông đã chuẩn bị xong. Mỗi đội ba ngàn người, trang bị hoàn toàn giống với đội quân ở Trường Hạ môn này, tuy nhiên quy mô chỉ bằng một phần ba quân chủ lực, mang tác dụng kiềm chế quân địch là chính.

Dương Công Khanh nói:

- Chúng ta không vội đánh phá trại địch mà sử dụng chiến thuật dùng kỳ binh làm loạn thế trận của chúng trước.

Các tướng gật đầu đồng ý. Bước đầu tiên là lấp hào, sau đó phá tan cuộc phản kích của địch để bảo vệ những đoạn hào đã được lấp.

Chạy ngang trước mặt cách cổng thành chừng hai ngàn bước là hai con hào dài hai dặm nằm cách nhau trăm trượng. Mỗi hào rộng hai trượng, sâu một trượng. Con hào thứ hai không được đào liên tục mà có hai khoảng trống rộng hơn trượng, địch nhân có thể theo lốii này đến con hào thứ nhất.

Phía sau hào là mười hai tòa tiễn lâu bằng gỗ cao ba trượng, mỗi tòa đều được đắp bao cát cao quá đầu người. Quân Đường ngày đêm luân phiên phòng vệ bên trong tường bao cát. Trong đó bố trí máy bắn đá và Nỗ tiễn cơ, trở thành điểm phòng thủ kiên cố, có thể phối hợp với viện binh từ hai trại kia. Về mặt phòng thủ quả thực không có gì để chê trách.

Bốn tòa tiễn lâu trong số đó nằm ở đầu hai con hào, mỗi bên hai tòa, được bảo vệ bằng hào sâu bao xung quanh, cửa ra vào được đặt phía chính Nam, hỗ tương hô ứng chặt chẽ với hai trại bên.

Đường thông ra ngoài ở mặt Nam thành Lạc Dương từ ba cổng Trường Hạ môn, Định Đỉnh môn và Hậu Tái môn đều bị hào sâu và tiễn lâu phong tỏa chặt chẽ.

Dưới ánh chiều tà rực rỡ, quân địch hoạt động nhộn nhịp gần khu trại lũy. Bộ binh và kỵ binh luân phiên tuần tra. Dòng Y Thủy từ thành Lạc Dương chảy ra bị địch dùng cọc gỗ nhọn phong tỏa, sau trận địa cọc gỗ còn bố trí tiễn lâu và máy bắn đá ở những điểm cao bên bờ sông. Trong và ngoài thành không khí chiến tranh khẩn trương căng thẳng, chỉ cần một rung động nhỏ là bùng nổ.

Vương Thế Sung hỏi:

- Trong hoàn cảnh này Tử Lăng có ý kiến gì không?

Đứng bên cạnh Vương Thế Sung, Từ Tử Lăng đang ngưng thần quan sát tòa trại trên đồi cao có quy mô lớn nhất của địch. Gã thản nhiên đáp:

- Cờ xí có chữ “Lô” đang tung bay trên trại địch đại diện cho viên tướng nào thế?

Đơn Hùng Tín đáp:

- Đó là Lô Quân Ngạc, đại tướng tâm phúc của Lý Nguyên Cát. Người này là mãnh tướng nổi tiếng của quân Đường, rất quen xung phong đánh trận, khi đánh chiếm Quan Trung đã lập đại công. Lần này y đến đây trên cương vị hành quân tổng quản của quân đội Lý Nguyên Cát. Lý Nguyên Cát sai họ Lô trấn thủ mặt Nam cho thấy hắn rất trọng thị chiến tuyến này.

Từ Tử Lăng mỉm cười nói:

- Tối nay chúng ta chỉ lấp con hào thứ nhất, rồi học theo bọn chúng dùng bao cát kết trận, dựa vào con hào thứ hai để chống quân địch. Chỉ cần giữ vững được đường nối liền hai con hào thì địch nhân chẳng thể làm gì được. Ma tướng quân có cao kiến gì không?

Ma Thường khiêm tốn vài câu rồi đáp:

- Bên trái chúng ta có Y Thủy hiểm yếu nên chỉ cần tập trung toàn lực đối phó với sự tấn công chính diện của địch. Cũng có khả năng đối phương sẽ men theo đường hào bên phải tấn công tới, vì thế chúng ta có thể bố trí một ngàn kỵ binh ở các cửa Hậu Tái môn và Định Đỉnh môn, dùng đội kỵ binh Hậu Tái môn để cắt đứt đường lùi của quân địch, đội kỵ binh ở Định Đỉnh môn dùng để đánh vào bên sườn chúng. Một ngàn năm trăm kỵ binh trong quân lấp hào có thể đón đánh chính diện. Đó có thể coi là kế sách vẹn toàn.

Mọi người gật đầu khen hay. Vương Thế Sung cũng thấy không có vấn đề gì bèn nói:

- Cứ theo đề nghị của các vị, đến khi trời tối chúng ta sẽ phát động tấn công cho Lý Nguyên Cát nếm mùi.

Mọi người nhất loạt hưởng ứng, sỹ khí cao vời. Từ khi bị quân Đường vây thành, đến thời điểm này các tướng thủ hạ của Vương Thế Sung mới bắt đầu hồi phục lại sinh cơ.

Từ Tử Lăng càng cảm thấy mình lưu lại Lạc Dương là quyết định chính xác. Nếu không, khi Lạc Dương bị phá thì mọi chuyện đều chấm dứt.

o0o

Dự buổi dạ yến có Hư Hành Chi, Bốc Thiên Chí, Tuyên Vĩnh, Lạc Kỳ Phi cùng với Trần Lão Mưu và Nhâm Mỵ Mỵ mới từ Lương Đô tới.

Rượu qua ba tuần, trước tiên Lạc Kỳ Phi báo cáo việc Lưu Chí Thành. Y nói:

- Tiểu tử đó đã không cưỡng được sự cám dỗ mà mê đắm thân thể của một gái lầu xanh. Cô nàng đó tiêu xài như phá, lại mê đánh bạc làm hắn nợ nần chồng chất, cho nên Hương Ngọc Sơn mới có cơ hội dùng tiền bạc mua chuộc. Càng hấp dẫn hơn là trong viễn cảnh ngày tàn của quân ta có thể đến bất cứ lúc nào, Hương Ngọc Sơn đã hứa nếu Chí Thành làm việc cho mình thì sau này sẽ phú quý vô cùng. Thế nên hắn mới làm việc cho kẻ gian.

Trần Lão Mưu bật cười quái dị:

- Rõ ràng là Hương Ngọc Sơn bố trí cạm bẫy, đã mỹ nữ lại thêm cả tài bảo thì quả thực không ít người có thể chống lại sự mê hoặc đó.

Lạc Kỳ Phi nói tiếp:

- Hắn thú nhận khi mắt thấy chúng ta thu được toàn thắng trong trận khe sông ở Lương Đô thì đã hối hận sâu sắc, nhưng vì bị người uy hiếp nên chỉ đành nhắm mắt làm càn. Việc này là do thuộc hạ dùng lầm người, xin Thiếu Soái trách phạt. Nếu không thì Kỳ Phi chẳng thể yên lòng được.

Khấu Trọng ung dung đáp:

- Không phải ngươi dùng lầm người mà là do nhân vật có thể dùng được ít quá, bắt buộc phải dùng tạm những người cốt cán trong Bành Lương bang trước kia. Việc này cho thấy chúng ta phải tiến hành cải cách, nhưng cũng không thể vội vàng được. Sau này nếu có nghi ngờ gì, các vị có thể thương lượng với Hư quân sư, xin ý kiến ông ấy.

Nhâm Mỵ Mỵ nghiêm mặt nói:

- Hương tiểu tử hiểu quá rõ chúng ta, hơn nữa dư đảng của hắn ở Bành Lương vẫn còn nhiều. May là Mỵ Mỵ cũng hiểu rõ hắn như lòng bàn tay nên việc này cứ để ta phụ trách, đảm bảo có thể quét sạch người của Hương tiểu tử, cũng dẹp hết những thanh lâu đổ quán có liên quan với hắn.

Hư Hành Chi nói:

- Hương gia từng ở Bành Lương nhiều năm, thế lực đã thâm căn cố đế, lại có liên hệ chặt chẽ với việc làm ăn của người dân. Vì vậy việc đó tuy tất phải làm, nhưng cần tiến hành theo thứ tự trước sau, không nên hành động quá khích.

Sau khi lên tiếng đồng tình với cách làm đó, Khấu Trọng hỏi Lạc Kỳ Phi:

- Uy hiếp Lưu Chí Thành là thần thánh phương nào vậy?

Lạc Kỳ Phi đáp:

- Là một nhà buôn tên gọi Vi Thanh. Hắn cung cấp rượu cho ba thành Lương Đô, Ba Lăng và Bành Thành. Kẻ này không thuộc bang hội nào, nhưng luôn giữ quan hệ tốt với Ba Lăng bang và Bành Lương bang. Hắn định kỳ cung cấp chim bồ câu cho Lưu Chí Thành. Sau khi thả bồ câu ra rồi thì nó không quay trở lại. Ngay cả Chí Thành cũng chẳng biết chim đưa thư đó bay đi đâu.

Bốc Thiên Chí hỏi:

- Lưu Chí Thành có chịu hợp tác với chúng ta không?

Lạc Kỳ Phi gật đầu đáp:

- Hắn vừa mới thề độc trước mặt tại hạ là sẽ trung thành hợp tác. Chỉ cần chúng ta tha cho cẩu mệnh của hắn.

Khấu Trọng vui vẻ nói:

- Chừng nào tính mạng Lưu Chí Thành vẫn nằm trong tay chúng ta thì chả lo tên tham sống sợ chết đó không ngoan ngoãn nghe lời. Đợi khi chúng ta nghiên cứu rõ ràng nên hành động thế nào thì sẽ lợi dụng hắn truyền tin tức giả đi.

Tuyên Vĩnh nói:

- Chỉ dùng tin tức giả thôi sợ rằng chưa thể làm Lý Thế Tích sập bẫy. Cần phải có hành động phụ trợ để Lý Thế Tích dùng tin tình báo do thám tử thu được ấn chứng với thông tin giả thì hắn mới không nghi ngờ gì nữa.

Khấu Trọng hỏi:

- Giả sử Lý Thế Tích tin rằng chúng ta sẽ ngược sông tấn công Khai Phong thì hắn sẽ có phản ứng gì?

Trần Trường Lâm nói:

- Nếu thuộc hạ là hắn thì cứ rung đùi ngồi đợi, đến khi quân ta tới dưới thành mới dùng ưu thế về binh lực mà cắt đứt đường lùi rồi phá hủy chiến thuyền thủy sư của ta, sau đó mới chính diện giao phong. Từ vết xe đổ của Lý Tử Thông, quân Đường đương nhiên có sự phòng bị cẩn thận đối với Phi Luân thuyền của ta.

Khấu Trọng gật đầu đồng tình:

- Đây chính là chiến thuật cao minh nhất có thể nghĩ ra được. Nếu tình hình là như thế thì chúng ta tuyệt không thể chiếm được tiện nghi. Con bà nó là con gấu, có kế sách gì hay để đối phó hắn nhỉ?

Nhâm Mỵ Mỵ yêu kiều cười đáp:

- Chẳng phải Thiếu Soái từng nói binh thư có câu đánh vào chỗ con bà nó tất phải cứu gì đó sao. Vậy đâu là chỗ Lý Thế Tích phải cứu?

Khấu Trọng vỗ đùi than:

- Một lời của Nhâm đại tỷ làm ta tỉnh mộng. Chúng ta sẽ sử chiêu “bọ ngựa định bắt ve sầu, chim sẻ rình bắt sau lưng”, đảm bảo có thể dạy cho Lý Thế Tích một bài học không thể quên.

o0o

Sau khi trời tối, quân thủ thành mặt Nam phát động trước tiên. Họ hạ chiếc cầu lớn của Trường Hạ môn xuống, hai ngàn mâu thuẫn thủ xông ra bày thành trận thế ở hai bên cổng thành. Binh chủng này lấy phòng thủ làm chủ, những chiếc thuẫn cao dùng chắn tên và đao kiếm của địch, mâu dài nên không sợ kỵ binh địch tấn công. Tác dụng lớn nhất của toán quân này là yểm hộ cho đội xạ thủ, tuy vậy vẫn phát huy được sức sát thương rất lớn trên chiến trường, tiến có thể giết địch phá trận, thoái có thể kết thành trận thế phòng thủ vững vàng.

Tiếp theo đến đội cung tiễn thủ rời thành. Trong tiếng tù và vang rền, hai đội mâu thuẫn thủ hai bên, mỗi đội một ngàn người chỉnh tề tiến lên một trăm bước, tướng sỹ đồng thanh hét lớn để ba ngàn cung tiễn thủ tràn ra tập kết sau lưng trận địa mâu thuẫn thủ, biến thành thế trận mâu thuẫn thủ phía trước, cung tiễn thủ phía sau. Đội cung tiễn thủ chia thành ba lớp, lớp thứ nhất dùng nỗ cung có xạ trình xa, hai lớp sau dùng cường cung.

Một hồi trống trận vang lên, đội quân đột kích rời thành cuối cùng, tạo thành trận thế mâu thuẫn thủ phía trước, cung tiễn thủ ở giữa, đội đột kích sau cùng, rồi mau chóng tiến lên hai trăm bước kết thành trận thế, tạo nên trận thức hoàn chỉnh gồm trung quân ở giữa, hai cánh quân trái phải bảo vệ hai bên cánh.

Lúc này tiếng chuông cảnh báo tại ba trại địch cũng đã cất lên. Quân Đường từ trong trại tiến ra bày trận bên ngoài chờ biến hóa. Hành động mau lẹ mà không rối loạn cho thấy tính cơ động có hiệu suất cao và được huấn luyện rất tốt.

Từ Tử Lăng, Ma Thường và Dương Công Khanh dẫn kỵ binh rời thành rồi đứng dàn hàng ngang phía sau trận. Đội kỵ binh cao lớn do một ngàn năm trăm người tạo thành được dùng để che mắt quân địch, không cho chúng thấy mười cỗ Bát Cung Nỗ Tiễn cơ và năm máy bắn đá hạng nặng đang được vận chuyển từ trong thành ra. Theo sau còn có hai chục chiếc Mộc Lư xa và hơn trăm chiếc Hà Mô xa.

Năm ngàn dân thường được tổ chức thành đội ngũ không ngừng vận chuyển bao cát ra ngoài thành.

Từ Tử Lăng quan sát kỹ tình hình điều động binh lính đối phương, thấy chúng không ngừng tăng cường cho trận địa tiễn lâu tiếp giáp với đường hào thứ hai. Trong ba toán quân địch, cánh quân do Lô Quân Ngạc suất lĩnh là mạnh nhất, binh lực cỡ một vạn hai ngàn người, còn hai cánh quân của hai trại bên dưới vào khoảng sáu ngàn, cộng thêm số quân Đường trong trận địa phòng thủ mười hai tòa tiễn lâu thì tổng số quân Đường trước mặt đạt gần ba vạn, nhiều gấp bốn lần binh lực bọn họ.

Dương Công Khanh nói:

- Đứng đầu trại bên trái là Phùng Lập Bản, trại bên phải là Tần Vũ Thông, đều là những tướng lĩnh tâm phúc của Lý Nguyên Cát.

Vì đối thủ là Lý Nguyên Cát chứ không phải Lý Thế Dân nên Từ Tử Lăng cũng thấy yên tâm hơn. Gã hỏi:

- Binh lính của Lô Quân Ngạc chia thành hai trận tiền và hậu chứ không tập trung như kiểu Nhị trận hay Lục trận. Phải chăng đây là điều không bình thường?

Ma Thường giải thích:

- Trận pháp đó chia thành hai trận trước và sau. Mỗi trận lại tiếp tục chia thành ba đội tiền, trung, hậu; lấy trường thương làm tiền đội, tiếp theo là cung thủ, nỗ thủ cuối cùng. Khi chúng ta tấn công thì đám thương thủ hàng đầu sẽ bò sát đất nghênh chiến. Người nào đứng lên sẽ chém đầu, không lùi một bước. Đội cung thủ tiếp sau sẽ quỳ xuống bắn tên, nỗ thủ hàng cuối cùng sẽ đứng thẳng mà phát xạ. Khi tiền trận bắn hết tên hoặc bị thương vong quá nặng thì sẽ lùi lại sau nhường chỗ cho hậu trận. Tên gọi của trận thế này là Vi trận (vây), thuận lợi cho phòng thủ, bất lợi cho tấn công, phá được không dễ.

Từ Tử Lăng gật đầu nói:

- Thì ra là thế! Như vậy có thể thấy Lý Nguyên Cát ra nghiêm lệnh cho thủ hạ phải lấy việc chặn đường và vây khốn là chính, không để chúng ta phá vây hội hợp với quân Hạ. Có cách nào khiến Lô Quân Ngạc thực sự tin rằng bọn ta muốn phá vây bỏ chạy không?

Dương Công Khanh đáp:

- Trong tình thế bị quân địch trùng trùng vây khốn như thế này, muốn đột vây thì chỉ có cách dùng kỵ binh. Vậy nên nếu chúng ta tốn chút công phu trong việc điều động kỵ binh thì có thể lừa được địch.

Từ Tử Lăng nói:

- Cách này cứ để đó sau này sẽ dùng. Tối nay, mục tiêu chiến lược của chúng ta là lấp một đoạn của đường hào thứ nhất, dùng máy bắn đá cỡ lớn phá hủy hai tòa tiễn lâu sát với đường hào thứ hai, sau đó đắp trận địa bao cát vững chắc để có thể đối diện với địch nhân qua đường hào này. Vậy là đại công cáo thành rồi.

Mệnh lệnh phát ra, tiếng tù và vang rền. Trung quân do Bạt Dã Cương suất lĩnh bắt đầu tiến dần về phía đường hào thứ nhất. Hai cánh quân bên cánh cũng di động theo.

Đơn Hùng Tín chỉ huy cánh quân bên trái men theo bờ tây Y Thủy chầm chậm tiến lên. Còn tướng chỉ huy cánh quân bên phải là Đoạn Đạt, tuy mặt Tây trống trải không có vị trí hiểm trở để phòng thủ nhưng lại có phục binh trong hai cổng Định Đỉnh và Hậu Tái hỗ trợ.

Đằng sau hai cổng này, Vương Huyền Thứ và Mạnh Hiếu Văn suất lĩnh hai đội kỵ binh mỗi đội một ngàn người đang sẵn sàng chờ đợi.

Đội kỵ binh của Từ Tử Lăng cũng chầm chậm tiến lên. Hai chục chiếc Mộc Lư xa bám sát phía sau. Mỗi chiếc mang theo năm chục lính công binh và người phụ trách vận chuyển đất đá lấp hào.

Mười cỗ Bát Cung Nỗ Tiễn và năm máy bắn đá náu mình giữa cánh kỵ binh chầm chậm di động. Bên ngoài thành lập tức tràn ngập không khí chiến tranh.

Trống trận bên địch rền vang chấn động cả vùng bình nguyên Y Lạc phía Nam thành. Từ trại trên cao của địch, một đội kỵ binh khoảng hai chục người chạy đến phía sau trận thế của Lô Quân Ngạc.

Quân chủ lực của Lô Quân Ngạc bắt đầu di động, chầm chậm tiến về phía đường hào thứ hai để chi viện cho hai tòa tiễn lâu đối diện Trường Hạ môn. Chỉ cần cản được thế phản công của phe thủ thành thì quân Đường có thể theo lối ra vào của đường hào thứ hai tiến sang, đánh tạt vào mạng sườn quân thủ thành đã vượt qua đường hào đầu tiên.

Cuộc đại chiến chực chờ bùng nổ.

o0o

Trong lúc Khấu Trọng đang khổ sở suy nghĩ trong nội đường thì Trần Lão Mưu và Hư Hành Chi cầu kiến. Trần Lão Mưu nói:

- Bọn ta vừa cùng nghiên cứu chiến thuật, Hư quân sư đã đề xuất mấy điểm đáng lo. Ta thấy Hư tiên sinh nên trực tiếp nói với Thiếu Soái nên mới kéo tới đây.

Khấu Trọng nghe xong liền thầm hiểu chắc Hư Hành Chi có ý kiến khác với mình nhưng không dám nói ra trước mặt mọi người, thế nên mới đánh tiếng với Trần Lão Mưu, hy vọng qua Trần Lão Mưu cảnh tỉnh mình. Gã vui vẻ cười nói:

- Quân sư có ý kiến gì thì cứ nói thẳng ra. Ta nào phải loại người lòng dạ hẹp hòi không thể khoan dung như Vương Thế Sung.

Hư Hành Chi tỏ vẻ ngần ngại.

Trần Lão Mưu trả lời thay:

- Cứ theo như tin tức mà chúng ta thu được thì tên nhà buôn đã mua chuộc Lưu Chí Thành là Vi Thanh. Sau khi hắn giao hai con chim đưa thư cho Lưu Chí Thành liền lập tức rời khỏi Trần Lưu ngay trong đêm không biết đi đâu. Hư tiên sinh cho rằng việc này rất không đơn giản.

Khấu Trọng ngạc nhiên nhìn Hư Hành Chi.

Hư Hành Chi giải thích:

- Lý Thế Tích chẳng những tài trí hơn người mà kinh nghiệm lại phong phú. Khi Thiếu Soái vận lương tới Lạc Dương đã bị quân Đường bám theo đánh lén, với sự tinh minh của Thiếu Soái tất sẽ nghi ngờ mà triệt để tra xét nội gian. Thuộc hạ lại sợ Lý Thế Tích đã sớm đoán Thiếu Soái sẽ truy ra được gian tặc Lưu Chí Thành, nên tương kế tựu kế để đối phó với chúng ta.

Khấu Trọng nhíu mày nói:

- Lần này chúng ta khám phá ra vụ Lưu Chí Thành mau lẹ như thế là có phần may mắn. Lý Thế Tích làm sao mà biết được?

Hư Hành Chi trả lời:

- Đối thủ của chúng ta là tên Hương Ngọc Sơn lừng danh giảo hoạt. Hắn không thể không để đường lùi cho mình. Tên này đã có thể mua chuộc được Chí Thành thì cũng có thể mua chuộc được người khác. Nói cho cùng thì Thiếu Soái quân của chúng ta vẫn chưa đạt được mức trên dưới một lòng. Người nào ý chí không kiên định rất dễ bị Hương Ngọc Sơn thừa cơ lợi dụng. Nếu như trong số thủ hạ của Lưu Chí Thành có kẻ như thế thì việc Chí Thành mất chức sau đó bị giám thị sẽ tiết lộ rằng chúng ta đã phát hiện thân phận nội gian của hắn.

Khấu Trọng giật mình thốt:

- Suy nghĩ của quân sư quả thực sâu sắc hơn ta nhiều. Ài! Giờ nên làm thế nào? Phải chăng kế “bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ rình phía sau” của chúng ta không thực hiện được?

Trần Lão Mưu đáp:

- Việc này có thể từ từ thương nghị. Chúng ta cứ giả thiết Hư quân sư dự đoán chính xác rồi bày kế nọ trong kế kia, nói không chừng có thể làm Lý Thế Tích thua lớn một trận.

Với tài trí của Khấu Trọng mà cũng thấy có chỗ không hiểu, đầu óc mụ mẫm, miệng lẩm bẩm như tụng kinh:

- Kế trung chi kế? Có kế trung chi kế nào đây?

Hư Hành Chi trả lời:

- Bạch Văn Nguyên đang dẫn một cánh quân năm ngàn người từ Đông Hải tới. Nếu bố trí hợp lý thì đây có thể trở thành một cánh kỳ binh. Việc này xin cứ giao cho thuộc hạ xử lý, không những sẽ loại được những tên có khả năng là nội gian mà còn có thể gạt được cả những thám tử mà Hương Ngọc Sơn bố trí trong đất nước chúng ta.

Khấu Trọng bắt đầu cảm thấy sự uy hiếp nghiêm trọng của Hương Ngọc Sơn đối với Thiếu Soái quân của mình. Gã gật đầu đáp:

- Việc này cứ giao cho tiên sinh toàn quyền xử lý.

Trần Lão Mưu nói:

- Quân sư còn có hai đề nghị đều nhằm chuẩn bị đường lùi cho Thiếu Soái quân chúng ta trong trường hợp quân Đậu bại trận.

Khấu Trọng mừng rỡ hỏi:

- Ta đang ăn không ngon ngủ không yên vì vấn đề này đây. Tiên sinh có đề nghị nào hay?

Hư Hành Chi ngập ngừng định nói lại thôi, một lát sau mới lên tiếng:

- Bạt gia trước khi lên đường từng kéo thuộc hạ ra chỗ vắng nói mấy câu.

Khấu Trọng ngẩn người hỏi:

- Hắn bảo gì vậy?

Hư Hành Chi đáp:

- Ông ấy nói nếu Thiếu Soái không từ bỏ ý định hội sư với quân Đậu ở Hổ Lao thì chẳng chờ đến khi thành Lạc Dương bị phá, Thiếu Soái quân của chúng ta đã không thể trụ vững trận địa của mình trước rồi.

Khấu Trọng cảm thấy sống lưng ớn lạnh vì quả thật gã vẫn đang suy nghĩ về điều đó, bởi bất kể Đậu Kiến Đức đối với gã như thế nào thì về mặt nghĩa khí giang hồ, gã tuyệt không thể trơ mắt nhìn lão bị Lý Thế Dân hủy diệt được.

Khấu Trọng nhớ lại câu nói của Bạt Phong Hàn, “ai tàn độc hơn thì người đó mới sống sót”.

Chiến tranh chính là như thế.

(

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi