ĐOÀN TÀU TRONG SƯƠNG MÙ

Văn Tuyết từng nghe một câu: trong suốt giai đoạn trưởng thành, ai rồi cũng trải qua thời kỳ nổi loạn.

Bản chất của thời kỳ nổi loạn là ý thức vùng dậy, thoát khỏi sự dựa dẫm vào cha mẹ và hướng tới thế giới độc lập thuộc về riêng bạn.

Khi ấy Văn Tuyết còn thấy lạ, hình như cô chưa từng trải qua tuổi nổi loạn bao giờ.

Cho đến nay cô vẫn luôn ngoan ngoãn, ngoan đến mức chỉ biết thỏa mãn kỳ vọng của bố mẹ mà quên đi khát khao thẳm sâu trong lòng mình.

Trong suốt hơn hai mươi năm cuộc đời, cô đã từng nếm thử hương vị của sự nổi loạn. Có lẽ khi ấy bản ngã trong lòng đang chộn rộn, để cô gom hết dũng khí vươn chân thăm dò thế giới rộng lớn ngoài kia.

Nhưng chuyện như thế cũng chỉ xảy ra đúng ba lần.

Kết quả vẫn chỉ có một – ba lần chệch bánh của cô đã “được” bố mẹ kịp thời uốn nắn.

Lần đầu là vào lúc đăng ký nguyện vọng đại học, cô chọn học ở một trường ngoại tỉnh. Sau khi bị bố mẹ phát hiện ra, họ đã tìm đến hiệu trưởng trường cô chỉ để đòi lại đơn đăng ký, ép cô phải điền vào một trường sư phạm trong tỉnh.

Văn Tuyết điêu đứng, tay siết chặt tờ đơn đăng ký nguyện vọng, lưng cứng như khúc gỗ.

Đầu tiên họ tận tình khuyên bảo cô: con gái học sư phạm có thể tìm được công việc ngon lành, đi xem mắt cũng có lợi thế. Chỉ cần ở lại tỉnh là được, chạy xa như vậy lấy ai chăm sóc bố mẹ v.v…

Văn Tuyết cúi đầu cắn chặt môi dưới, duy trì im lặng.

Bố mẹ thấy không khuyên được cô bèn trở mặt đánh cô.

“Bốp”, âm thanh rõ ràng vang dội.

Văn Tuyết chỉ thấy nửa mặt bên bỏng rát đau đớn, nước mắt doanh tròng.

Đến cuối cùng, ngay cả giáo viên chủ nhiệm của bắt đầu khuyên nhủ: “Văn Tuyết à, bố mẹ em cũng vì muốn tốt cho em thôi…”

Rất nhiều năm sau, Văn Tuyết đã quên mình nộp đơn vào trường nào, chọn chuyên ngành gì.

Cô chỉ nhớ, khi cô vừa khóc vừa thay đổi nguyện vọng, mẹ cô hài lòng xoa đầu cô, giọng điệu chẳng mấy khi dịu dàng: “Con nghe lời là đúng đấy, con gái chạy xa như vậy làm gì? Cứ an tâm mà ở cạnh bố mẹ là được rồi.”

Bố cô sẵn giọng: “Đúng, trường sư phạm còn được miễn học phí –”

Còn chưa dứt lời đã bị mẹ trừng mắt, đành nuốt ngược lời sắp nói vào trong.

Bấy giờ Văn Tuyết mới biết, đây mới chính là nguyên nhân chân chính khiến bố mẹ ép cô phải sửa nguyện vọng.

Thật ra học phí trường đại học cô đăng ký không đắt, một năm chỉ hơn năm ngàn. Mà trường trung học em trai cô theo học, một khoá học hè đã ngốn những mười ngàn.

Văn Tuyết tự nhủ mình không nên so bì với em trai.

Lòng bàn tay hay mu bàn tay sao có thể như nhau được? Lòng bàn tay phải giặt giũ, nấu cơm, vác nặng, dần dà phủ lên một lớp chai sần dày cộp. Còn mu bàn tay vĩnh viễn mềm mại, trắng nõn, ai ai cũng yêu thương.

Không có cách nào khác, cán cân trong lòng cha mẹ luôn nghiêng về một phía.

Lần thứ hai là lúc tìm việc.

Vào năm nhất, Văn Tuyết tham gia hoạt động trợ giảng công ích do trường tổ chức. Cô đến trường huấn luyện với tư cách là tình nguyện viên đều đặn mỗi tuần.

Hiệu trưởng đánh giá cô rất cao, cố gắng thuyết phục cô ở lại trường giảng dạy. Trùng hợp cô cũng thích công việc này, vậy nên cô rất sẵn lòng, hai bên hợp tác vui vẻ.

Chỉ có điều không dễ gì qua mặt bố mẹ, lúc đầu cô còn tránh nặng tìm nhẹ, chỉ nói mình làm giáo viên ở trường lương rất cao chứ không hề đề cập đến tính chất công việc.

Nhưng giấy sao gói được lửa, bố mẹ cô nghe ngóng được từ bạn bè người thân chừng nửa năm, họ mặc định đây là trường cho bệnh nhân tâm thần, học sinh ở đây chỉ là một đám thiểu năng trí tuệ. Văn Tuyết vốn phận gái, làm công việc này về sau khéo lại không ai thèm lấy…

Bố mẹ cô đứng ngồi không yên, liên tục gọi điện nhắn tin buộc Văn Tuyết phải từ chức để tìm kiếm một công việc đàng hoàng.

Văn Tuyết bị thúc giục nên thẳng tay kéo họ vào danh sách đen, cứ ngỡ làm vậy sẽ đem lại cho cô một chút bình yên.

Ai ngờ hôm sau, trước cửa phòng học có hai bóng dáng quen thuộc xuất hiện.

Vào khoảnh khắc đó, Văn Tuyết rét run người, trái tim như rơi thẳng xuống hầm băng.

Cô trơ mắt nhìn bố mẹ mình lao vào lớp học la mắng học sinh mình là đồ bệnh, đồ thiểu năng, hùng hổ tới mức dọa bọn trẻ bật khóc…

Nhìn giáo viên lớp bên cạnh chạy đến hỗ trợ, trấn an bố mẹ cô thì lại bị mẹ cô cho ăn tát, xô cô ấy ngã xuống đất…

Thầy hiệu trưởng biết chuyện chạy tới, không ngừng cúi đầu xin lỗi bố mẹ cô, cầu họ tha thứ cho mình.

Hiệu trưởng mới hơn năm mươi tuổi, ấy vậy mà lưng cong như cây cung, mái tóc hoa râm bị gió thổi rối bời. Ở trước mặt bố mẹ cô không còn lại chút phong thái của một người hiệu trưởng, thái độ khiêm nhường đến mức làm người ta đau lòng…

Đương lúc hoảng hốt, cô bỗng ý thức được rằng bản thân mình chính là một con chim, trên chân bị gông xiềng tình thân trói chặt, cho dù có vật lộn thế nào, giãy giụa ra sao cũng không thoát khỏi bàn tay khống chế của bố mẹ.

Cuối cùng, Văn Tuyết vẫn theo bố mẹ về nhà.

Cô có chuyên môn, có nền tảng và kinh nghiệm làm việc nên rất nhanh đã được nhận vào một trường trung học cơ sở. Xếp hạng của trường khá cao, lại gần nhà, Văn Tuyết ở nhà, không cần bận tâm đến tiền ăn ở, cuộc sống cứ vậy bình đạm trôi qua.

Mọi thứ trông có vẻ rất hoàn mỹ.

Ngoại trừ Văn Tuyết.

Cô hiếm khi cười, càng ngày càng kiệm lời. Ngoại trừ lúc đi làm, ăn, ngủ, hầu như cô không có bất kì hoạt động giải trí nào.

Cô không có hứng thú với bất cứ thứ gì, những cô gái trẻ khác đam mê theo đuổi thần tượng, đi du lịch, mê hàng hiệu, ăn uống vui chơi tẹt ga, nhưng những điều ấy trong mắt cô chỉ là thú tiêu khiển nhàm chán, tẻ nhạt và vô nghĩa.

Có đôi khi cô cảm thấy mình đã chết, có đôi khi lại thấy, thật ra cô chưa từng chân chính mà sống.

Cứ ngây ngốc vậy được bốn năm, Văn Tuyết bước sang tuổi hăm bảy.

Ở thành phố bé tí hin này, cô gái nào tới tuổi cô mà chưa kết hôn đã được liệt vào hàng quý hiếm, không tránh khỏi việc bị người ta nói ra nói vào sau lưng.

Nhưng đồng thời, ở một nơi nhỏ bé ngần này, người có gia cảnh trong sạch, công việc ổn định, ngoại hình ưa nhìn như cô lại chính là đối tượng kết hôn hoàn mỹ nhất.

Người mai mối cho Văn Tuyết không ít, đôi khi từ chối không được cô cũng sẽ đi gặp mặt, thêm WeChat của đối phương, tán gẫu đôi câu vô thưởng vô phạt, cứ vậy mà kết thúc.

Văn Tuyết nhớ đâu đó hình như có một người đàn ông làm kế toán, ngay lần đầu gặp mặt đã rất vừa lòng về cô, sau đó anh ta chủ động theo đuổi, ngày nào cũng gửi WeChat cho cô hỏi han ân cần.

Văn Tuyết không có tí cảm giác gì với anh ta, lần nào cũng lấy cớ “chuẩn bị đi tắm”, “đang ăn cơm”, “buồn ngủ”, để vội vàng kết thúc cuộc trò chuyện.

Mấy hôm sau, người đàn ông kia gửi vào nhóm chat ảnh đính hôn cùng cô gái khác.

Mẹ Văn cảm thấy bị người ta đùa giỡn, giận đùng đùng tìm đến bà mai nói lý.

Văn Tuyết không giận, chỉ thấy buồn cười.

Hoá ra nhiều tên đàn ông chỉ muốn có một đối tượng để kết hôn. Về phần kết hôn với ai căn bản không quan trọng.

Sau này, bà mối kia vì muốn lấy công chuộc tội, sắp xếp chuyện xem mắt cho Văn Tuyết lần nữa, còn thề thốt rằng đối tượng xem mắt lần này khẳng định là mặt hàng tốt nhất.

Là con một, làm việc trong một công ty thuốc lá. Bố làm to, gia đình sở hữu nhiều bất động sản, xe sang…

Mẹ Văn nghe mà lòng nở hoa, nhưng cũng không khỏi lo lắng: “Điều kiện tốt vậy có thể để ý đến con gái tôi không?”

Bà mối nháy mắt cười: “Bà cứ yên tâm, tôi cho cậu ta xem ảnh Văn Tuyết, cậu ta khẳng định vừa lòng hai trăm phần trăm!”

“Vậy thì tốt rồi.” Mẹ Văn hớt hải gật đầu, “Nếu chúng nó thành đôi thì tôi cho bà một bao lì xì thật dày.”

Thế nhưng Văn Tuyết không thể ngờ rằng, “người tốt” này lại chính là Tôn Hách Minh.

Ngoại hình hắn thay đổi khá nhiều, kiểu tóc cà lơ phất phơ hồi đó hiện tại đã cắt ngắn, nhuộm đen. Chiếc sơ mi trắng đơn giản khoác thêm tây trang giản dị, ít nhiều gì cũng giống phần tử tri thức.

Mới đầu Văn Tuyết cũng không nhận ra y, còn ngây ngốc giới thiệu bản thân. Nói được nửa chừng mới đột nhiên cảm thấy khuôn mặt đối diện giống như đã từng quen biết.

Không hiểu sao dạ dày cuộn trào, lòng nổi lên cảm giác thù ghét đã lâu không thấy.

Vô số hình ảnh hiện lên trong đầu, dường như cô trở lại khoảng thời gian u tối kia, thậm chí còn loáng thoáng ngửi được mùi nước lẩu…

Cuối cùng cô cũng nhận ra khuôn mặt ấy.

Văn Tuyết bỗng đứng bật dậy, xách túi toan rời khỏi đó.

Tôn Hách Minh gọi với theo: “Văn Tuyết, tôi biết đối tượng xem mắt là em.”

Văn Tuyết dừng bước.

Ừ, chính vì biết nên cuộc hẹn này không phải trùng hợp mà là chủ ý của cậu đúng chứ?

Cô chậm rãi xoay người, lạnh giọng hỏi: “Rồi sao?”

“Bạn học cũ, nhiều năm không gặp mà em không muốn ngồi xuống ôn chuyện à?”

“Tôi với cậu chả có gì để nói.”

Tôn Hách Minh ngả lưng ra sau, từ tốn đáp, “Em không tò mò vì sao tôi biết người ấy là em mà vẫn đến à?”

Bởi vì cậu bị bại não.

Văn Tuyết khịt mũi: “Tôi không có hứng biết.”

Tôn Hách Minh hết cách thở dài: “Văn Tuyết, em vẫn cứng rắn như hồi cấp ba nhỉ. Nhưng khi đó cũng do tôi làm quá nhiều việc sai trái, xin lỗi em nhé.”

Văn Tuyết giật mình, đứng yên không nhúc nhích.

Tôn Hách Minh cúi đầu cười, tiếp tục nói: “Tuổi dậy thì ấy mà, cứ thích người nào thì càng muốn bắt nạt người đó. Tôi thừa nhận khi ấy tôi rất ngốc, vì muốn có được sự chú ý của em mà làm ra nhiều trò ngu xuẩn”.

Văn Tuyết nhướng mày, tưởng chừng như đang nghe chuyện cười: “Thích? Cậu nói cậu thích tôi?”

Tôn Hách Minh dang tay, vẻ mặt uể oải: “Em xem, chỉ vì cách làm của tôi quá ngu ngốc nên mới để lại ấn tượng xấu với em. Ngay cả khi tôi thổ lộ em cũng chẳng buồn tin.”

Văn Tuyết cười mỉa.

Sao tôi dám tin cậu được? Ba năm liền buông lời khiếm nhã nhục mạ tôi, đe dọa tinh thần tôi, đấy không chỉ đơn giản là “bắt nạt”. Mà là bạo lực học đường trắng trợn.

Bây giờ cậu chỉ nhẹ nhàng biện mình rằng “càng thích ai thì bắt nạt người ấy” để tẩy trắng cho quá khứ của cậu à?

Văn Tuyết cảm thấy dạ dày lạo xạo cứ như nuốt phải ruồi.

Cô nhìn hắn đăm đăm, nói: “Tôn Hách Minh, nếu khi ấy cậu nói những lời này biết đâu tôi sẽ tin.”

Đoạn cô xoay người bước đi, không muốn nghe thêm bất kỳ lời bào chữa nào của hắn nữa.

Về đến nhà, bà Văn nghênh đón cô, gặng hỏi đủ điều: “Nói chuyện thế nào? Chàng trai kia có hài lòng với con không? Gia đình nó có bao nhiêu tài sản, con đã hỏi rõ ràng chưa?…”

Mặc kệ bà hỏi thế nào cô cũng chỉ đáp đúng một câu: “Không hợp.”

“Sao lại không hợp? Nó không thích con hay là do con kén quá?” Mẹ Văn càng nói càng hấp tấp, dí tay vào trán cô, giận dữ quát: “Mày xem mày đã bao tuổi rồi, đâu còn tư cách kén cá chọn canh? Người ta thích mày là may mắn của mày, mày đừng có mà…”

“Mẹ!” Văn Tuyết cao giọng cắt ngang lời lải nhải của bà, “Anh ta là người con ghét nhất hồi cấp ba.”

Sắc mặt bà Văn thoắt cái mừng như tết, “Ôi chao là bạn cấp ba cơ đấy! Hiểu rõ nhau rồi thì bố mẹ cũng yên tâm.”

Văn Tuyết trợn trắng mắt nhìn trần nhà.

Phía trước cụm “bạn cấp ba” thì rõ ràng vẫn còn câu “ghét nhất” cơ mà, đầu mẹ cô lại tự động chắt lọc thông tin rồi.

“Nghe nói bố nó làm cục trưởng gì đúng không? Hèn chi nó được vào làm công ty thuốc lá. Mày phải biết ở đây không phải cứ có quan hệ là vào được đâu con ạ. Phúc lợi cao lắm, quả thực là nằm không cũng hái ra tiền. Nếu chúng mày kết hôn thì không chừng có thể sắp xếp cho em trai mày vào làm ấy chứ…”

Văn Tuyết đột nhiên ném mạnh chiếc cốc trong tay, hét lớn: “Mẹ, mẹ đừng có nằm mơ nữa! Con không muốn cưới y! Không! Bao! Giờ!”

“Bốp” –

Lại là một cái tát thật kêu.

Bà Văn đánh người càng ngày càng thạo tay, vả lại lực tay cũng lớn hơn nhiều. Lúc này đây, nửa má phải của Văn Tuyết nháy mắt sưng lên, màng nhĩ kêu ong ong.

Cô thầm chửi tục một câu.
Văn Tuyết ngừng ở đây.

Cô ngẩng đầu nhìn Phương Hàn Tẫn: “Có thể cho em xin một điếu không?”

Phương Hàn Tẫn ngồi im không động đậy, “Em biết hút không?”

“Không, nhưng em muốn thử.”

Tâm trạng nát bét, đau đầu đến mức không ngủ được, khi lồng ngực đã ngột ngạt đến mức không thở nổi, cô luôn muốn nếm thử mùi thuốc lá.

Không giống như phim, hễ nhân vật chính gặp phải vấn đề không thể giải quyết chỉ cần châm một điếu là xong.

“Cô gái ngốc, thuốc lá không phải vạn năng.” Phương Hàn Tẫn nở nụ cười, rót thêm cốc nước ấm đến trước mặt Văn Tuyết, “Lúc khó chịu thì uống nước ấm là hiệu quả nhất.”

Văn Tuyết nâng tay ôm cốc, nhiệt độ nóng rực từ lòng bàn tay tỏa ra, nóng, nhưng cô không muốn buông tay.

Cô gục đầu xuống, nước mắt tí tách rơi vào cốc làm nước bên trong văng tung toé.

Trong phòng rất yên tĩnh, chỉ có thể nghe thấy tiếng hít thở đều đều miên man của Phương Xuân Sinh, và cả tiếng nức nở kìm nén của Văn Tuyết.

Phương Hàn Tẫn vươn tay phủ lấy mu bàn tay cô, nhẹ giọng hỏi: “Vậy về sau thì sao? Sao em lại đồng ý kết hôn với cậu ta?”

“Bởi vì hắn đưa ra một điều kiện làm em do dự.”

Tâm trạng Phương Hàn Tẫn phập phồng: “Bao nhiêu tiền?”

“Không phải tiền.”

Văn Tuyết đặt cốc xuống, chậm rãi ngẩng đầu, hai hàng nước mắt còn chưa khô.

Cô đáp khô khốc: “Hắn bảo sau khi kết hôn em sẽ được dọn khỏi nhà, xây dựng tổ ấm mới. Nếu muốn, em còn có thể đến các thành phố khác để sống, thoát khỏi sự kèm cặp của gia đình.”

“Nói thật, khoảnh khắc đó em đột nhiên hiểu ra vì sao nhiều người lại muốn kết hôn đến vậy. Bởi vì chỉ cần kết hôn là có thể sống độc lập, tự do tự tại. Kết hôn với ai cũng chả quan trọng. Tựa như người chết đuối ấy, cho dù trên bờ đưa tới một con dao, người ta cũng không chút do dự nắm lấy.”

Phương Hàn Tẫn cau mày, trong mắt lộ vẻ thương tiếc, “Ngốc quá, vì để chạy khỏi một cái hố mà nhảy vào một cái hố khác, chẳng khác nào uống rượu độc giải khát.”

Văn Tuyết nhìn anh, mỉm cười.

“Em hỏi anh nhé, anh sắp khát chết ở sa mạc thì trước mặt bỗng xuất hiện một lọ thuốc độc, anh uống hay không uống? Anh có thể ôm tâm lý may mắn, nghĩ rằng lỡ đâu lọ thuốc độc này là giả? Có lẽ nó không phải thuốc độc thì sao? Hoặc giả, anh vẫn có thể cầm cự ra khỏi sa mạc để tìm thuốc giải thì sao?”

Phương Hàn Tẫn trầm mặc thật lâu, thấp giọng hỏi: “Vậy về sau em phát hiện cậu ta thật sự là thuốc độc bằng cách nào?”

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi