ĐỘC SỦNG KIỀU PHI

Cũng là tối đó, đang định tắt nến đi ngủ, chợt Khanh thấy ai gõ cửa phòng:

“Vương phi.”- Chất giọng đầm ấm vang lên khiến Khanh thoáng mủi lòng.

Hóa ra là Trần Nhật Tuân, Khanh ngơ ngác “ừ” một tiếng từ trong bụng. Sao giờ này hắn lại tới đây. Cô Đào thấy thế thì ra mở cửa, họ nói với nhau chuyện gì đó, rồi Đào ghé vào tai Khanh, trình bày nguyên văn sự việc:

“Vương phi, cà phê đen đá của người bậy ra giường Vương gia rồi ạ.”

“...”

Mặt Khanh sa sầm, giờ khó mà lôi thêm cái giường nữa cho Tuân nằm. Nhìn hắn bê gối qua đây mà Khanh có chút buồn cười, vậy là nàng miễn cưỡng chấp nhận tối nay sẽ ngủ cùng hắn.

“Chàng đợi ta một chút.”- Khanh nói.

Thế rồi nàng kiếm một chiếc chăn bông, chèn ở giữa cái giường. Cô Đào day trán, chán nản: “Ôi, vương phi ơi.”. Nàng bày binh bố trận xong thì mới mời Nhật Tuân vào. Lúc hắn đến trước mặt Khanh, nàng điếng mình đi.

Hóa ra đệ nhất mĩ nam tử khi xõa tóc sẽ có vẻ đẹp điên đảo chúng sinh thế này.

Hắn chỉ mặc chiếc năm thân mỏng màu trắng khiến cho từng đường nét, từng thớ cơ của kẻ đã xông pha trận mạc như ẩn như hiện dưới lớp lụa bạch. Tóc Tuân buông lơi ôm trọn lấy bờ vai săn chắc của đấng trượng phu. Mái tóc đen láy như đang làm nền cho gương mặt góc cạnh, ngũ quan xán lạn ấy. Trông hắn yêu mị chẳng khác nào một chú hồ ly đã thành tinh.

“Yêu nghiệt!”- Khanh gào thét trong lòng. Trai đẹp đúng là kiếp nạn đời người mà! Thử thách chân tâm của nàng sao.

Chắc chắn là hắn cố tình. Con người mà sao có thể đẹp quá đáng như thế. Mặt đẹp thôi đã đành, đường nét cơ thể cũng đẹp nữa, chả bù cho tấm thân phẳng lì một đường sân bay của nàng.



Đôi mắt hắn sáng lên những ánh nến vàng trông thực lung linh, y như sao hôm buổi sớm. Thế rồi chút ánh sáng trong đôi mắt ấy cũng vụt tắt khi nhìn chiến trận mà Khanh bày ra.

Thuần Khanh gãi đầu, nàng cười “hề hề” chữa ngượng.

“Vương gia, nếu chàng không thoải mái, ta trải chiếu nằm đất cũng được.”

Quê Khanh ở Hà Tây. Trước kia được nghỉ hè nàng có về bác chơi, nàng thích nằm chiếu lắm, mát, xong có tiếng ve kêu đặc trưng đầy hoài niệm.

Nhật Tuân thở dài. Hắn thân làm phu quân sao nỡ để thê tử mình nằm dưới đất, người ta đồn ra ngoài thì còn ra thể thống gì nữa, mà hắn cũng chẳng đành để Khanh trải chiếu mà nằm trên đất lạnh. Lỡ nàng ốm thì sao? Chỉ có điều đã thành người một nhà với nhau... làm thế này có hơi khó coi chút.

Thôi thì đành thế vậy, hắn đang trong thế bị động mà, cũng là hắn tình nguyện chờ nàng mở lòng với hắn. Hắn trân trọng Khanh vì vậy cũng tôn trọng ý kiến của nàng.

Thế rồi ngẫm lại, Tuân thấy hành động của vương phi nhà hắn sao mà dễ thương thế.

Trước lúc ngủ, Khanh dặn hắn:

“Vương gia, tướng ngủ của ta không được đẹp cho lắm, lỡ tí có đằng chân lân đằng đầu hay lỡ đạp chân vào mặt chàng... Chàng đừng có giận nhé... À không, ta có đạp chàng thì chàng đấm giả ta một cái cũng được, ngủ say nhưng ta cũng biết điều lắm.”

“...Không sao, ta đều không trách nàng.”

Ngẫm Tuân cũng thấy buồn cười, sao mà nàng vương phi tinh quái của hắn cứ nghĩ xấu cho hắn vậy nhỉ? Khi thì nói hắn tằng tĩu, khi thì kêu hắn phế nàng, lúc lại khuyên hắn đánh nàng. Hắn sao nỡ chứ, đến cả khi nàng say rượu, nôn lên vai hắn, hắn còn chẳng to tiếng với Khanh nửa câu.

“Chàng nói đấy nhé!”

Nàng cảnh cáo rồi đấy. Thì bởi có hôm nào Khanh tỉnh dậy trong tư thế đàng hoàng, nên hồn đâu. Cũng có hôm còn lăn beo xuống giường.



Khác với Tuân, Khanh vào giấc rất nhanh, bóng tối dần ập đến với nàng, và cũng mở ra một câu chuyện đầy li kì, đưa nàng vào vòng xoáy hồi ức.

“Khanh, nay nước có nạn xâm lăng, thầy con tòng quân đánh trận không thể hứa với con ngày trở về. U con đã không còn, con ở nhà bác phải nghe lời biết chửa?”

Ánh sáng dần đổ lên mắt Khanh, bên tai nàng văng vẳng tiếng nói ôn tồn dịu dàng của ông Trường, thầy nàng Khanh.

Khi nàng chưa định hình được điều gì thì từ phía cuống họng Khanh phát ra một chất giọng non nớt của trẻ nhỏ:

“Dạ, bẩm thầy con nghe ạ.”

Nàng đang chứng kiến quá khứ của Trịnh Thuần Khanh nguyên tác ư? Sao lại chân thật đến cỡ này... cảnh vật tuy mờ nhòa không rõ, nhưng từng tiếng nói, chất giọng, gương mặt đều thực đến đáng sợ.

Bà bác của Khanh cũng ngay gần đó, khi này, Trịnh gia vẫn còn trong buổi khốn khó, ai nấy cũng chỉ quấn mấy mảnh vải khô sờn làm áo, trên áo có có mấy vết vá lởm chởm.

“Chú Trường cùng thầy con bé nhà tôi đi nhớ mà bảo trọng. Vinh hiển chẳng mong, quốc sự đặt trên hết song hãy biết thương con thương cháu, đi có ngày bình an trở về.”

Ông Trường gật đầu:

“Tôi đi nhờ chị chăm cháu nó nhé. Nó ngoan lắm, ngày thường không phá phách gì đâu. Tuổi nhỏ nhưng cũng được việc.”

“Chú cứ yên tâm, tôi coi cháu như con ruột, cơm gạo có thể bữa no bữa thiếu nhưng sẽ chẳng để cháu thua thiệt so với con cái trong nhà.”

“Tôi cảm ơn bác.”

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi