ĐỘC TRÙNG PHONG

Trang giấy phía cuối của quyển sổ đã bị xé đi mất. Bố Đức không kịp ghi chép hết quyển sổ này mà còn 1/3 số trang. Ngày ông ghi chép lần cuối cũng không cách ngày ông mất là bao... Điều gây cho Đức sự chú ý nhiều nhất có lẽ là hai chữ duy nhất anh còn đọc được trên trang giấy bị xé vội vàng ấy: "Đức, nhớ...". Ông đã ghi tên anh ra đây chứng tỏ ông muốn nói điều gì đó với anh. Đây có lẽ cũng là một thông tin không kém phần quan trọng.

Ở những trang trước đó, ghi chép của ông Danh ít đi khác thường... Những nét chữ của ông cũng run và mờ hơn. Nội dung cũng ngày một đen tổi và tuyệt vọng. Đức đau xót nghĩ, vào những ngày cuối đời này, có lẽ ông phải một mình chống chọi lại bệnh dịch đồng thời vẫn kiên quyết đi tìm ra sự thật về dịch bệnh này.

"Ngày...tháng...năm

Giá như mình biết về căn nguyên của căn bệnh này sớm hơn. Giá như mình cẩn thận hơn thì đã tránh được việc nhiễm bệnh. Chỉ thương vợ Hồng và các con..."

"Ngày...tháng...năm

Ở đâu cũng có thế lực đen tối. Và chúng sẽ không tha cho mình."

Có vẻ như thật sự có người nào đó đã cản trở bố anh công bố sự thật này. Nếu như anh đã đã đọc được những dòng chữ trăng trối này, Đức càng muốn tìm ra người hại bố mình. Đức khát khao muốn biết ông đã để lại gì trong trang giấy cuối cùng ấy. Bất chợt anh nhớ ra một cách anh đã từng xem ở đâu đó rất nhiều lần. Điều may mắn là anh biết thói quen của bố anh: ông viết chữ rất nề, thường hằn cả ra những trang sau. Những ngày cuối đời chữ có run có yếu nhưng có thể vẫn để lại dấu vết gì đó.

Đức chạy như bay ra khỏi phòng, xuống phía khu phòng kí túc xá nữ, hỏi xin một chiếc bút chì. Ở đây nhiều chị phải làm kế toán sổ sách, ghi chép nghiên cứu nên chắc chắn sẽ có. Sau khi xin được, anh lên phòng, mở cuốn sổ ra và dùng chiếc bút bôi những đường chì mỏng nhẹ vào trang sau trang giấy bị xé rách.

Từ từ dần dần, những nét chữ mờ mờ hiện lên. Qua nhiều năm anh vẫn có thể nhìn thấy những dấu vết đó. Không ngờ cách này thực sự có tác dụng. Đức cười thành tiếng trong miệng vì quá thích thú. Cả trang giấy chỉ có duy nhất một dòng chữ chéo chéo. Sau hai chữ duy nhất mà Đức đọc được trước đó, bố anh không ghi thêm gì ở phía sau.

"Phải phá hỏng kỉ vật cuối cùng mới có thể xây dựng tương lai..."

Các đường nét rất mờ nhưng Đức cũng cố gắng đoán ra được các chữ bố anh đã viết.

Bố anh vẫn luôn là người nghiêm khắc đến vậy, dù có để lại điều gì cho anh, một bài học nào đó thì cũng phải thật khó để anh tự mình tìm ra lời giải. Lời nhắn nhủ vô cùng khó hiểu "phá hủy kỉ vật để xây dựng tương lai ư?". Liệu là kỉ vật nào chứ? Nếu trang giấy này ông viết để nhắn nhủ cho anh thì ông đã không xé đi... Liệu có người nào đã muốn hủy đi trang giấy này?

Những ngày sau đó Đức cố gắng xin chị Mai đi đưa mẫu thí nghiệm đều đặn. Bệnh dịch đang trong tầm kiểm soát, không có thêm trường hợp phát bệnh nữa. Chị Mai cũng bật mí với Đức một số mẹo để làm thân với hội đồng nghiên cứu bên khu nhà B:

"Họ phải làm mặt lạnh lùng thế thôi, vì ban lãnh đạo ra chỉ thị không đưa chuyện phiếm ra bên ngoài. Lúc đầu cứ phiên phiến thế thôi, thế rồi nhiều vụ ầm ĩ nổ ra, có những người bị đi kỉ luật, công ích,... thế nên mọi người sợ, hạn chế tiếp xúc với các đơn vị khác, sợ bị rò rỉ thông tin. Chứ thật ra làm thân dễ ấy mà. Cứ vui vẻ thôi. Mọi người ở đấy thích uống trà hoa cúc hoặc trà nhài lắm. Có đợt ban lãnh đạo tới thăm động viên, tặng trà nhài để uống, mà giờ hết rồi nên có ai tặng là quý lắm..."

Nghe vậy vào cuối tuần, trong bức thư gửi về nhà, Đức gửi tiền lương tháng và nhờ mẹ mua trà nhài thơm gửi ra ngoài đảo cùng với ít cà phê gói. Sau khi nhận được hàng, Đức mang sang khu nhà B để tặng cho các anh chị nghiên cứu viên. Vì thế mà thái độ của mọi người cũng cởi mở hơn rất nhiều. Đặc biệt là người đàn ông mập mạp anh đã va phải ở khu nhà B lần đầu tiên tới đó. Bác tên là Khoa, hiện đang quản lí phòng văn thư lưu trữ và hỗ trợ nghiên cứu chất hóa học. Ông có tính cách vui vẻ, hay đùa cợt và rất thích uống cà phê. Lần nào sang Đức cũng mang cho ông một cốc rồi đứng nói chuyện cả nửa tiếng, chả màng đến việc lần nào bác bảo vệ ở dưới cũng phàn nàn.

"Nếu hòn đảo này đã là một cái nhà tù lớn thì ban nghiên cứu này chả khác gì phòng giam giữ đặc biệt, còn hơn cả nhà tù bình thường luôn. Cháu xem, không nói, không cười đùa, mà có phải làm gì nhiều đâu... Vì lương cao nên mọi người cố thôi chứ muốn về với vợ con lắm rồi..."

Đức hỏi về tiến trình nghiên cứu của mọi người, lần nào bác Khoa cũng ậm ừ. "Thực sự bác cũng không biết mọi người đang làm gì nữa... 1,2 năm trở lại đây, tiến trình rệu rã lắm rồi... Các thí nghiệm đều đã thất bại, đang tìm ra cách mới mà chưa được. Bác chỉ mong ở bên Mỹ họ có thông tin gửi về để trợ giúp mình, thế nhưng cũng chẳng thấy thông tin gì...Duy chỉ có..."

Bác Khoa lấp lửng điều gì đó xong lại thôi, điều mà Đức chưa moi ra được. Ẩn sau vẻ mặt nặng nề của tương lai tăm tối, nhiệm vụ và luật lệ đè lên đôi vai khiến họ phải trở nên xa cách thì những con người này đều rất cô đơn. Đức còn thấy họ có phần ngóng chờ mỗi lần anh vui vẻ mang cà phê đến. Vì vậy từ mục đích ban đầu là cố gắng lấy lòng mọi người thì Đức đã có phần nào thương cảm và quý mến họ. Bác bảo vệ cũng không còn ngăn cản mặc dù Đức hay kiếm cớ đi lấy báo cáo để sang khu nhà B thêm 1,2 lần một tuần.

Nếu như không có động lực để tìm hiểu thêm về nơi làm việc của bố mình thì Đức đã không cố gắng tới khu nhà B nhiều như thế. Bởi vì lần nào tới Đức cũng sợ chết khiếp. Cô bé có khuôn mặt trắng bệch đều xuất hiện ở góc tường sảnh B, nhìn anh bằng đôi mắt lấm lét và ánh mắt tò mò. Nó không lại gần anh bao giờ nhưng cứ thoắt ẩn thoắt hiện làm Đức không lường trước được. Nhiều lần nó đi theo anh lên tận tầng 3, ngay trước thang máy. Đức đều cố lờ nó đi nhưng trong tim thì vẫn run rẩy. Anh đã xem xét cả những bức ảnh chụp thành viên đơn vị nghiên cứu qua các năm nhưng không thấy bức ảnh nào có mặt bố anh cả. Ông cứ như đã biến mất hoàn toàn khỏi lịch sử hòn đảo này. Từ lúc bất đắc dĩ có đôi mắt âm dương này, Đức đã dần quen với việc nhìn thấy hồn ma bóng quế lảng vảng xung quanh những con đường của hòn đảo. Thế nhưng nhờ có vài món đồ nhỏ cùng với chiếc bùa bình an anh Tĩnh vẽ cho mà ít khi họ lại gần Đức. Cuộc sống cũng vì thế mà Đức đã thích nghi được hơn. Trừ cô bé này. Điều duy nhất làm Đức thấy băn khoăn là con bé đó hay đứng trước cả ở căn phòng Văn thư lưu trữ rồi làm điệu bộ như đang nhòm vào trong. Nó cứ như muốn ám chỉ ở trong đó có gì đó Đức cần phải biết.

"Chú giống một người cháu đã từng gặp..." Con bé cứ lẩm bẩm như vậy trong miệng. Đức nghe thấy nhưng không muốn nói chuyện.

Trong những lần tới thăm bác Khoa, Đức cũng chia sẻ nhiều về cuộc sống của mình khi còn ở đất liền, thế nhưng không kể hết sự thật. Anh kể rằng có một người "bác" cũng từng tới đây và không may bỏ mạng.

"Tên là Danh á? Cái tên này quen lắm... Từ từ, hình như bác có nhớ. Đúng là ông ấy từng làm việc ở đây..."

"Vâng...bác có nhớ được gì không?"

"Hình như cậu đó làm ở đây có vài tháng. Đợt đó cũng lắm lùm xùm lắm nên bác chẳng dám ho he gì, thành ra không nhớ rõ. Cũng ba năm rồi..."

"Lùm xùm gì ạ? Hồ sơ nghiên cứu cũ có ở đây không ạ? Vì bác ấy từng gửi thư về báo là có chứng nhận thành tích nghiên cứu cần gửi về nhà để xin giảm bớt thời gian công tác..."

"Ở trong hết căn phòng kia kìa... Mà ba năm rồi, cũng không chắc còn đâu." Bác Khoa chỉ về hướng phòng 301. "Nói thế chứ, cậu không được phép vào đâu. Chỉ có ban lãnh đạo hoặc thành viên tổ nghiên cứu được vào tra cứu thôi. Ở trong đó lưu các hồ sơ nghiên cứu, giao ban qua từng năm, của từng người qua các giai đoạn...Ba năm rồi còn xin giấy nghiên cứu về làm gì chứ?"

"Ôi bác ơi... Bác gái của cháu vẫn không vui vẻ được, nhìn bác ấy đau khổ mà cháu cũng sốt ruột. Chẳng may cháu bị điều về đây nên muốn xin bác lấy nốt một số nghiên cứu của bác ấy gửi về cho gia đình... Bác gái cứ đau khổ bảo đi không được gì lại mất mạng... Cháu muốn an ủi bác ấy thôi..."

"Sao mà thế được! Nghiên cứu là thông tin mật, không được công bố ra ngoài đâu! Thành tích nghiên cứu chỉ được cấp chứng nhận khi người vẫn còn sống thôi...Giờ mất rồi thì không thể..."

"Thế cho cháu vào xem 1 lần thôi được không bác!" Đức nài nỉ và bịa chuyện nhiệt tình. Anh thực sự tò mò muốn vào văn phòng đó. Tuy nhiên bác Khoa vẫn có vẻ tránh né và khó xử. Mỗi lần Đức nhắc tới chuyện đó, đôi mắt ông thưởng đảo xung quanh nhìn những người đồng nghiệp một cách bối rối. Chắc chắn ông đang giấu diếm chuyện gì. Tuy nhiên sau một thời gian tiếp xúc với bác, Đức đã quan sát được thói quen của ông. Văn phòng của ông chỉ là một căn phòng nhỏ ở góc hành lang, có chứa tủ dụng cụ hóa chất và một chiếc kính hiển vi. Bên cạnh là một tủ đựng các tài liệu không cần bảo mật. Thông thường, ông hay cất chùm chìa khóa phòng lưu trữ dưới ngăn kéo thứ ba của bàn làm việc. Nếu có việc cần mở cửa phòng thì ông sẽ mang theo bên túi quần.

Vì vậy Đức đã nghĩ ra một kế hoạch để lẻn trốn được vào căn phòng đó. Dù cảm thấy có lỗi nhưng anh vẫn muốn thử làm. Trước cửa căn phòng 301 đó có gắn một chiếc camera nên mọi hành động đều có thể quan sát được. Thế nhưng vào lúc 12 giờ trưa, bác bảo vệ thường ăn cơm và xem tivi từ chiếc tivi nhỏ nhiễu sóng trong góc phòng. Lúc đó bác ấy sẽ không chú ý nhiều đến camera. Nhắm vào thời gian đó, vào một ngày, sau khi đã chuẩn bị kĩ, Đức mang theo cà phê và suất cơm sang khu nhà B. Hôm nay không phải là ngày kiểm kho nên bác Khoa sẽ để chùm chìa khóa ở ngăn bàn. Mỗi lần sang chui thế này bác bảo vệ đều không ghi sổ vì không có lí do chính đáng, Đức đều phải năn nỉ bác mới cho lên tầng. Anh không quên mang tặng bác một ấm trà.

Thang máy dần đi lên, trống ngực Đức đánh thình thịch. Kế hoạch này chỉ có thể thực hiện một lần duy nhất, nếu bị phát hiện thì khó có cách nào khác. Thế nhưng anh vẫn phải thử. Nếu bị phát hiện, anh đành chuộc lỗi với bác Khoa và nói thật ra tất cả.

Đức đến vừa kịp lúc mọi người ở đơn vị nghiên cứu đang tản đi ăn trưa ở căng tin dưới tầng 2. Đức mời bác Khoa ở lại ăn bữa trưa cùng với mình. Bác vui vẻ đồng ý ngay. Đó là do bởi bác không trực thuộc các phòng ban khác mà quản lí riêng một văn phòng nên đi ăn với phòng nào cũng không tiện.

Đức mời bác cơm và cà phê. Hai người vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Bữa trưa vừa xong, Đức hồi hộp đợi thuốc phát huy tác dụng. Anh đã bỏ thuốc xổ vào cốc cà phê của bác Khoa.

Anh hồi hộp chờ đợi kết quả để có thể lén thực hiện ý đồ của mình.

(còn tiếp)

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi