ĐỒNG HÀNH - BẠCH ĐIỂU NHẤT SONG

Người Tajik nổi tiếng là niềm nở và hiếu khách. Với bọn họ mà nói, khách đi đường xa mà ghé thăm thì sẽ mang theo hạnh phúc và cát tường đến. Khách đến thăm nhà càng nhiều, chủ nhà sẽ càng vẻ vang.

Đám người Túc Chinh tùy ý chọn một hộ gia đình cách bọn họ gần nhất, vừa gõ cửa nhà là ngay lập tức có người thanh niên đi đến chào đón, còn nắm tay Túc Chinh đi đầu đặng chào hỏi.

Túc Chinh từng là quân nhân canh gác tại cao nguyên Pamir, trong tiền đồn quân sự cũng có chiến hữu là người Tajik, nên anh học được vài câu giao tiếp hằng ngày tiếng Tajik, vả lại dân tộc Tajik và dân tộc Uyghur cũng rất thường xuyên gặp gỡ qua lại, vậy nên rất nhiều người Tajik cũng thông thạo tiếng Uyghur, vậy là Túc Chinh như cá gặp nước, trao đổi mướt rượt.

Túc Chinh nói với nam thanh niên rằng muốn tá túc nhờ một đêm, thanh niên đồng ý không chút do dự.

Sau đó, cả thanh niên và Túc Chinh đều cùng lúc giơ hai tay lên, hôn lên mu bàn tay của đối phương.

Thanh niên lại chuyển hướng sang Lục Thừa Phong, muốn bắt tay với Lục Thừa Phong, rõ ràng đã khiến Lục Thừa Phong sửng sốt giây lát. Nhưng anh ta nhanh chóng nhận ra được, đây là nghi lễ hôn tay của người Tajik.

Thanh niên sau khi  làm lễ chào đón với Lục Thừa Phong xong, thì chỉ đơn giản nắm tay Yến Thanh Đường, rồi nhiệt tình mời ba người vào nhà.

Lũ trẻ trong sân nhìn thấy khách đến, cả đám chạy đến hôn tay ba người.

Trong lúc bị vây quanh, Túc Chinh nắm chặt cổ tay của Yến Thanh Đường, khe khẽ dặn cô: “Một lát chắc là sẽ có người mời cô ngồi bàn trên, đây là thói quen hằng ngày của bọn họ, cô không cần phải từ chối.”

Người Tajik đãi khách chú trọng thứ tự nữ trước nam sau, già trước trẻ sau.

Ba người họ được mời vào trong nhà, khi được mời ngồi trên kang (*), chủ gia đình quả nhiên đã mời Yến Thanh Đường ngồi bàn trên, còn Túc Chinh và Lục Thừa Phong thì ngồi bàn dưới. Còn ghế chủ tọa của nhà họ, thì chính là người nhiều tuổi nhất trong gia đình, bà nội.

(*)Kang: là một bệ sưởi ấm truyền thống, dài 2 mét trở lên, được sử dụng cho mục đích sinh hoạt, làm việc, giải trí và ngủ ở miền bắc Trung Quốc , nơi có khí hậu mùa đông lạnh giá. Nó được làm bằng gạch hoặc các dạng đất sét

Nhà bọn họ có chín miệng ăn, bao gồm bà nồi, nam chủ nhà và nữ chủ nhà, con cả trong nhà, con dâu, con trai út, ba đứa con do đôi vợ chồng cả sinh ra.

Lúc này trước mặt bà nội, Yến Thanh Đường là một vãn bối nên nhập gia tùy tục, cô hào phóng cúi người xuống hôn lên bàn tay của bà nội, bà nội cũng vui vẻ hôn lên trên trán cô.

Bà chủ nhà bưng trà sữa và bánh mì naan đến, còn đặc biệt trải khăn ăn trước mặt ba người.

Bọn họ không quá rành rọt tiếng Hán, nhưng biết Túc Chinh biết tiếng Uyghur, chừng là Túc Chinh nghe hiểu được, nên cả nhà đều dùng tiếng Uyghur để trao đổi, nói muốn mổ cừu.

Yến Thanh Đường nhớ lại lúc cô vào cửa quả thật có thấy một con cừu bị cột trong sân, nhưng không ngờ họ chỉ lâm thời đến ở nhờ một đêm, mà gia đình lại trịnh trọng đến thế.

Mấy người uyển chuyển từ chối, nhưng chủ nhà vẫn không thay đổi quyết định, còn chọn con cừu tốt nhất khiêng đến trước mặt bọn họ.

Ông chủ nhà gọi ba người bọn họ là ‘khách quý’, muốn dùng con cừu này đặng thể hiện tâm ý của cả nhà, phải chiêu đãi ba người một trận ra trò.

Nhóm Yến Thanh Đường quả thật là cung kính không bằng tuân mệnh, chỉ đành chờ cừu được khiêng ra giết, thịt cừu được nấu chín, con cừu mập mạp vừa mới đây thôi đã biến thành một bát súp thịt cừu thơm ngon.

Trên cao nguyên Pamir, trong các ngôi nhà người Tajik, việc ăn uống là một chuyện rất thiêng liêng. Quý trọng đồ ăn đã trở thành một đức tính tốt và là truyền thống đẹp khắc sâu vào trong máu thịt người Tajik.

Sau khi ăn súp thịt cừu, còn có món thịt cừu nướng, rất phong phú đa dạng.

Người Tajik rất chú trọng trong việc ăn thịt cừu, đều có thứ tự nhất định, phần nào thì nên được chia ra ăn trước, phần nào thì nên ăn sau, giống hình thức nấu của các loại khác.

Kỹ thuật dùng dao của ông chủ rất tốt, sau khi chia các phần thịt cừu ra, người đầu tiên được lên món là Yến Thanh Đường.

Trong bữa ăn, Túc Chinh đã sử dụng tiếng Hán để giới thiệu với Yến Thanh Đường và Lục Thừa Phong, rằng thái độ quý trọng với đồ ăn của người Tajik vượt xa so với sự tưởng tượng của người bình thường. Người cố ý lãng phí lương thực, dưới cái nhìn của bọn họ thì ngang ngửa với tội nhân.

Khi người Tajik ăn cơm, họ sẽ dùng đầu lưỡi liếm tỉ mỉ chén một lần, rồi liếm lần hai đặng sạch sẽ, cách nói này không hề là quá lố, thật sự họ sẽ nhặt những mảnh bánh mì naan vụn trên mặt đất hay những hạt cơm rơi lên ăn bằng sạch.

Hơn nữa, thái độ của vị khách đối với món ăn, cũng là yếu tố quan trọng để người Tajik phán đoán khoảng cách thân thiết. Nếu khách cũng quý trọng đồ ăn như bọn họ, thì bọn họ sẽ càng thấy thân thiết với vị khách đó hơn.

Khi Yến Thanh Đường và Lục Thừa Phong nghe vậy, dù đã hơi no bụng, nhưng vẫn kiên trì tiếp tục ăn hết thịt cừu trong chén.

Nhìn nhóm người Yến Thanh Đường ăn sạch sẽ thịt cừu, cả gia đình ai nấy đều vui vẻ ra mặt.

Cơm nước xong xuôi, cả gia đình vươn rộng tay, tay vẫy xuống mặt, trong miệng không ngừng niệm, đoán chừng họ đang thực hiện nghi thức tạ ơn thánh A La mà họ tín ngưỡng.

Nhóm người Yến Thanh Đường rất yên lặng ngồi một bên, không bao lâu sau, nữ chủ nhà đi đến chỗ bọn họ.

Trong nhà họ có vài chiếc Kang, mỗi chiếc Kang đều rộng thênh thang đủ cho sáu người cùng nằm.

Bà chủ tối nay còn cố ý dọn dẹp, để cho Yến Thanh Đường nằm ngủ cùng với cô con dâu và hai đứa cháu gái.

Túc Chinh và Lục Thừa Phong thì ngủ cùng với con trai của bà chủ, cũng chính là cậu thanh niên đã ra mở cửa cho bọn họ.

Bà chủ tỉ mỉ lựa chọn mấy chiếc ga lụa, trải lên giường giúp bọn họ.

Buổi tối như thường lệ Yến Thanh Đường muốn đi rửa mặt, lại phát hiện nước dùng ở đây không đủ. Túc Chinh sợ cô thấy không thoải mái, định đi tìm gom góp nước về cho cô, nhưng cô không nhiều lời, chỉ dùng khăn ướt mình mang theo lau sơ mặt, dù thế đã cảm thấy hài lòng rồi.

Trong phòng chỉ có dây điện được kéo đơn giản, không có trò chơi giải trí nào khác, càng không có wifi. Lúc Yến Thanh Đường nằm xuống ngủ thì thời gian hãy còn sớm, không ngủ được, sau đó lại phát hiện dù cô con dâu của bà chủ đã ngủ rồi, nhưng hai con bé gái bên cạnh chị ấy thì lại không ngủ, còn đang thỏ thẻ nói chuyện.

Các bé nom cũng chỉ chừng bốn năm tuổi, lúc Yến Thanh Đường đang quan sát các bé, thì hai bé cũng đang đánh giá Yến Thanh Đường.

Đôi bên đều nghe không hiểu ngôn ngữ của nhau, song ánh mắt lại thân thiện, thậm chí còn mang theo tha thiết muốn làm quen. Một cô bé trong đó đứng lên khỏi kang, dưới ánh đèn tù mù, bé đi đến bàn cầm lấy cái gì đó, đoạn lặng lẽ đặt nó bên gối Yến Thanh Đường.

Yến Thanh Đường nhìn sang, hóa ra đó là một bức tranh khá đơn giản.

Những bức vẽ từ con nít đều là những quan sát bộc trực, trên bức tranh có dòng suối, có cây mơ hạnh nở hoa, có núi tuyết cao cao, có đàn cừu đi thành đàn, còn có những đám mây nép bên mặt trời.

“Đây là bức tranh do cháu vẽ sao?” Yến Thanh Đường hỏi theo phản xạ.

Rồi cô mới nhớ ra bé không nghe hiểu tiếng Hán, thế là dùng tay chỉ chỉ vào cô bé, lại chỉ chỉ bức vẽ, khua tay múa chân làm tư thế, đại khái là lặp lại câu hỏi vừa rồi.

Cô bé mơ hồ đã hiểu ra được ý hỏi của cô, chỉ chỉ bản thân, rồi lại chỉ chỉ vào người chị em của bé.

Yến Thanh Đường hiểu ra, ý của bé là bức vẽ này do cả hai chị em bé cùng nhau vẽ.

Yến Thanh Đường cẩm bức vẽ quan sát thật tỉ mỉ và cẩn thận, thi thoảng lại liếc sang nhìn hai chị em đang ngồi bên cạnh nhua, trong ánh mắt các bé tràn ngập hảo cảm và tò mò dành cho Yến Thanh Đường. Các bé đưa bức vẽ đến cho cô, rõ ràng đó là thứ mà các bé rất thích.

Yến Thanh Đường nhìn ra được, các bé ngây thơ chất phác tràn đầy tình yêu với hội họa, trong điều kiện giản đơn, chỉ có chiếc bút chì đơn giản thôi mà vẫn có thể phác họa nên được tình yêu quê hương chân thành và tha thiết. So với các phẩm nghệ thuật thì bức vẽ này còn động lòng người hơn cả, vì nó xuất phát từ tấm lòng thành thuần túy của các bé.

Có điều, nếu bức tranh không chỉ có hai màu đen trắng, mà là đủ sắc màu rực rỡ, có màu xanh lam của dòng duối, có màu hồng nhạt của hoa mơ hạnh, có màu vàng đỏ của mặt trời… có đầy đủ sắc màu của cao nguyên Pamir khiến cho người ta ôm đầy niềm hy vọng thì tốt rồi.

Sắc màu rực rỡ….

Yến Thanh Đường suy nghĩ lại,  rốt cuộc cũng nhớ ra trong chiếc túi trên xe mình có một hộp mười hai bút chì màu.

Đấy vốn là thứ cô mang theo để vẽ tay và ghi chép về tiêu bản, khá vô dụng, vì dù sao cô cũng đã mang theo máy ảnh với độ phân giải cao, nên thật sự cô không cần tốn thêm thời gian để đi vẽ tay thực vật.

Mà hiện tại, nó có thể tạo nên một công dụng mới.

Yến Thanh Đường hạ quyết tâm, cô nhẹ tay nhẹ chân rời khỏi kang, muốn đi ra ngoài một mình, về đến cái xe việt dã ở bên ngoài để lấy đồ vật.

Không ngờ vừa mới ra khỏi cửa, đã bị gọi lại: “Trễ thế này rồi, không ngủ mà còn chạy bậy ra ngoài làm cái gì?”

Yến Thanh Đường lập tức nhận ra đó là giọng nói của Túc Chinh, dưới ánh trăng trong sân nhà lờ mờ sáng, nhìn thấy thân ảnh của anh thật ra đã khiến cô an tâm hơn với quyết định, hừ một tiếng, nói: “Ai chạy bậy, tôi đi tìm đồ.”

“Tìm WC sao?” Túc Chinh hỏi, “Tôi đưa cô đi, miễn cho cô không nhìn thấy đường, đi một mình lại sợ hãi.”

Sau khi Yến Thanh Đường đi đến bản làng trong cao nguyên Pamir, thực tế cô uống rất ít nước, vì cô sợ sẽ không tiện đi WC, sợ dùng đến nhà cầu tạm. Nửa ngày trời không cảm thấy gì, thế mà Túc Chinh vừa hỏi xong, thì đúng thật là cô có hơi muốn đi.

Nhưng cô lại nhớ ra chuyện chính cần làm, vậy là lắc đầu nói: “Tôi không đi tìm nhà vệ sinh, tôi đi tìm hộp màu.”

“Không thèm nghe anh nói nữa, tôi phải về lại xe đây.” Yến Thanh Đường xoay người muốn mở cổng đi ra ngoài.

Nơi dừng xe cách chỗ này một đoạn khác ngắn. Túc Chinh lo lắng nên vội vã đi theo đuổi kịp cô, còn mở đèn pin soi đường cho cô.

Ban ngày nơi này đã rất yên tĩnh rồi, đến ban đêm càng thêm im ắng đến đáng sợ.

Ban đầu Yến Thanh Đường còn không cảm thấy có gì đáng sợ, mãi cho đến khi một đàn chim bay ngang qua đỉnh đầu, sau vài tiếng kêu thê lương, cô thả chậm bước chân, bất an nhìn về phía Túc Chinh.

Túc Chinh nở nụ cười, tiến lên chủ động khoác áo khoác của mình lên người cô, còn nắm tay cô: “Áo khoác còn chưa kịp mặc đã một mình chạy đến đây, bây giờ mới biết sợ sao?”

“Tôi…” Yến Thanh Đường đi đến bên cạnh anh, cuối cùng vẫn siết chặt lấy tay người đàn ông, khẽ nói, “Tôi quên mà.”

Trong bóng đêm, vẫn là nhờ tiếng nói chuyện mới có thể xua tan sự sợ hãi nơi đêm tối.

“Lục Thừa Phong ngủ có quen không?” Yến Thanh Đường sực hỏi, “Còn anh nữa, sao anh không ngủ đi?”

“Tôi ngủ không được.” Túc Chinh trả lời đơn giản, nhưng nhắc đến cái tên còn lại, giọng anh thoáng bức bối, “Về phần Lục Thừa Phong có quen hay không, tôi không biết.”

Đương nhiên là Yến Thanh Đường biết anh đang ăn giấm của Lục Thừa Phong, nhưng cô không định giải thích, mà trực tiếp bỏ qua chủ đề về Lục Thừa Phong, hỏi về anh: “Ngủ không được nên đứng trong sân sao?”

“Tôi đang ngắm trăng.” Túc Chinh đáp.

Yến Thanh Đường nghi hoặc: “Đầu tháng sẽ không có trăng tròn.”

Dứt lời, cô ngửa đầu nhìn thoáng qua, ánh trăng trên bầu trời nom như một miếng dưa hấu.

“Nhưng đâu phải chỉ khi nào trăng tròn thì mới là trăng đẹp.” Túc Chinh đáp.

Bởi giơ đây trên cao nguyên Pamir, vùng đất chứa đựng vô vàn tâm sự của anh, nên ngay cả ánh trăng mà anh cũng muốn ngắm nhìn thêm mấy bận.

Đang nói chuyện, cả hai đã đến chiếc xe việt dã đỗ ở xa xa. Túc Chinh mở cửa xe, Yến Thanh Đường vào trong tìm kiếm đồ, cô không nhớ rõ vị trí mình để ở đâu, phải tìm đi tìm lại mấy lần mới thấy, cô mỉm cười cầm hộp bút chì màu trong tay.

“Buổi tối đi ra ngoài, cốt làm để tìm cái này?” Túc Chinh kinh ngạc.

“Sao thế?” Yến Thanh Đường hào hứng, “Tôi muốn tặng cái này cho các bé gái.”

Cô cầm hộp màu, theo con đường cũ đi về.

Sau khi vào lại trong sân, Túc Chinh muốn quay về phòng của anh, cô lại đột nhiên ngăn anh lại, vừa thần bí vừa ra chiều năn nỉ anh: “Anh có thể chờ thêm một lát rồi hãy quay về ngủ được không?”

“Tại sao?” Túc Chinh dừng bước.

“Tôi….” Yến Thanh Đường khụ một tiếng, nét mặt có chút mất tự nhiên, “Bây giờ tôi thực sự rất muốn đi vệ sinh, anh chờ tôi một lát, tôi không dám đi một mình.”

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi