ĐÔNG PHƯƠNG THẦN THÁNH ĐẾ QUỐC







Thánh Sơn chỉ cách động Lễ Dương khoảng 5 dặm (2 kilômét), là nơi đầu tiên Giang Phong đặt chân đến xứ này. Và giờ đây, Thánh Sơn đã trở nên náo nhiệt hơn xưa, bởi nó không chỉ là nơi tế tự của Đông Giang tộc, mà đã trở thành đại bản doanh của Giang Phong. Sau khi giải quyết xong việc quân Chiêm, Giang Phong cảm thấy cần xây dựng lực lượng riêng cho mình, nên đã dời đến đây, đồng thời tuyển chọn hơn trăm thanh niên tài tuấn trong Đông Giang tộc theo hộ vệ. Lão Quảng Tế Pháp sư cũng dọn đến đây để làm Tổng quản cho Giang Phong. Lão này cho rằng đi theo Giang Phong sẽ có tương lai hơn ở lại Lễ Dương làm pháp sư. Hơn nữa, đi theo Giang Phong, lão có thể học được nhiều thứ.



Thánh Sơn đã được toàn thể tộc nhân Đông Giang tộc sửa sang lại. Hàng trăm gian đình viện, lầu các được dựng lên theo thiết kế của Giang Phong, chủ yếu dựa vào những hình ảnh mà Giang Phong đã từng xem trên phim ảnh. Giang Phong không xây dựng lâu đài tráng lệ (muốn xây dựng cũng không được, không có tiền a), mà chỉ dựng lên những tòa đình viện như những gian nhà lớn, nhưng thiết kế xinh xắn thanh nhã, và những tòa lâu các hai tầng không lớn lắm. Tất cả đều được dựng bằng gỗ có sẵn trong rừng. Những kiến trúc này, người Đông Giang tộc xây dựng rất dễ dàng nhanh chóng. Thêm vào đó là vô số hoa thơm cỏ lạ được trồng xung quanh. Thế là trên đỉnh Thánh Sơn đã xuất hiện một đại viên lâm tuyệt đẹp.




Trung tâm của đại viên lâm, khu vực lân cận thánh động, giờ đây là nơi ở của Giang Phong, được xem là cấm địa, chỉ những người thân cận với Giang Phong mới được vào. Những người còn lại chia nhau ở tại những khu vực quanh đó, phụ trách hộ vệ. Hộ vệ Giang Phong, hộ vệ thánh sơn, hộ vệ thánh động. Trong đó, hộ vệ Giang Phong là nhiệm vụ hàng đầu, quan trọng nhất.



Mấy hôm nay, Giang Phong mải suy tính xem việc gì cần ưu tiên thực hiện trước. Muốn làm nên một phen sự nghiệp thì cần phải có thế lực của riêng mình. Mà muốn xây dựng thế lực, trước tiên và quan trọng hơn cả là phải có tiền. Không có tiền, muốn làm gì cũng không được. Binh sĩ không thể dùng tay không giết giặc, binh sĩ cũng không thể mang bụng đói ra chiến trường. Ít ra cũng phải đảm bảo được binh sĩ ăn no và có vũ khí tốt. Muốn thế thì phải có tiền. Mà Giang Phong lại không có tiền, à không, phải nói là không có nhiều tiền. Hiện tại Giang Phong cũng có được chút ít tài sản (từ chiến lợi phẩm), nhưng chỉ đủ Giang Phong sử dụng cho các hoạt động trên thánh sơn hiện tại, thành lập lực lượng quân sự thì không đủ sức.



Vậy, cần ưu tiên kiếm tiền, càng nhiều tiền càng tốt.



Nhưng làm sao để có thể kiếm được nhiều tiền. Giang Phong cố nhớ lại các nhân vật chính trong các truyện đã đọc làm gì sau khi xuyên việt. Chế tạo xi măng, cái này không khó lắm, nhưng với tình hình hiện tại, không có thị trường nha. Luyện thép, cái này … với điều kiện của xứ này, luyện ra thép, chế thành vũ khí chưa chắc đã ưu việt hơn vũ khí hiện tại của Đại Việt. Chế thuốc nổ, cái này chỉ cần biết ít nhiều về hóa học, tập trung một số thuật sĩ đương thời thì cũng có thể chế ra được; nhưng thuốc nổ thời này cũng không lạ gì, người Tàu đã sử dụng thuốc nổ hơn nghìn năm trước rồi. Chế súng ống đại bác, cái này … trừ người trong nghề, ngay cả các giáo sư còn chưa chắc chế được, đừng nói chi chỉ có ít kiến thức học được thời phổ thông như Giang Phong. Hơn nữa, trong số các con của Hồ Quý Ly có một vị vũ khí đại sư nha.




Làm gì đây ?



Giang Phong trong lúc đi dạo trên thánh sơn, vô tình nhớ đến lần đi nghỉ mát ở Đà Lạt, đi dạo trên phố núi, ngắm các cửa hàng bán đồ thủ công mỹ nghệ. Phải nha. Đồ thủ công mỹ nghệ. Ở xứ rừng núi Kiềm Châu này, gỗ quý không hiếm, chỉ cần chút khéo tay cùng óc sáng tạo là có thể tạo ra những đồ mỹ nghệ đáng giá. Giang Phong không khéo tay, nhưng thủ hạ có người khéo tay. Còn óc sáng tạo, cho dù Giang Phong không sáng tạo được thứ gì đặc biệt thì chiếu phép mà làm, cứ làm theo những gì đã biết, vào thời này hẳn cũng sẽ là thứ mới lạ, và bán được giá cao, thu được nhiều tiền. Tóm lại, ở trên rừng, làm đồ mỹ nghệ cũng có thể kiếm được nhiều tiền.



Thế là, theo lệnh của Giang Phong, Quảng Tế Pháp sư chỉ huy thủ hạ tìm kiếm các loại gỗ quý, đặc biệt là gỗ đàn hương, một loại gỗ có thể tỏa ra hương thơm đến cả mấy thập kỷ, một số đặc biệt còn có hương thơm đến hàng thế kỷ sau. Với uy vọng của Giang Phong hiện tại, người Đông Giang tộc cũng tham gia giúp đỡ, và một số bộ tộc trong vùng nghe nói Giang Phong đang cần gỗ quý, cũng gửi ‘cống phẩm’ đến (lúc này, quà cho Giang Phong không gọi là ‘tặng phẩm’, mà gọi là ‘cống phẩm’, theo nghĩa cống hiến cho thần linh). Cả Cầm Công ở xứ Bồn Man cũng gửi đến một rương ‘thượng phẩm đàn hương mộc’.



Nhận lễ vật của Cầm Công, Giang Phong không khỏi ngạc nhiên, nhưng khi nghe Quảng Tế Pháp sư giải thích thì Giang Phong mới hiểu vị thế hiện tại của mình đối với các bộ tộc trong vùng.



Cầm Công là vua của xứ Bồn Man. Dân xứ này chủ yếu là người Thái, do nhà họ Cầm đời đời cai trị (giai đoạn các năm 1369 – 1478). Bồn Man là một xứ trải dài từ giáp giới xứ Nghệ, xứ Thanh ở phía đông, cho đến bờ sông Mé Khoảng (tên gọi của đoạn sông Mekong chảy qua Lào, giống như người Việt gọi đoạn sông Mekong chảy qua Việt Nam là Cửu Long Giang). Vị trí của Bồn Man xưa thuộc khu vực phía tây của tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa ngày nay, tức là tỉnh Xiêng Khoảng và tỉnh Hủa Phăn (Lào). Xiêng Khoảng ở phía tây Nghệ An, Hủa Phăn ở tây bắc Nghệ An và phía tây Thanh Hóa. Sử gia thời phong kiến gọi đây là xứ Bồn Man nội thuộc (tức phụ thuộc Đại Việt). Ngày nay người ta xếp Bồn Man vào nhóm các vương quốc cổ của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, cùng nhóm với Phù Nam, Chăm Pa. Phần lãnh thổ này chính thức thuộc về Đại Việt từ năm 1479 đến năm 1893. Khi người Pháp thành lập Liên bang Đông Dương đã dựa theo địa hình và cắt tỉnh Houaphan (Hủa Phăn), Xiêng Khoảng giao về lãnh thổ Lào (Ai Lao).




Vào khoảng năm 1369, sau khi nhà Nguyên mất quyền kiểm soát Vân Nam vào tay nhà Minh, các bộ tộc người Thái ở phía nam xứ Vân Nam nhân cơ hội giành lấy độc lập trong vùng lãnh thổ với phía tây và phía nam là vương quốc Lan Xang (Lào), phía đông và phía bắc là Đại Việt. Tiểu quốc này đóng đô ở Sầm Châu (ngày nay là thị xã Sầm Nưa), dân số ước 9 vạn hộ. Nhà họ Cầm tuy cai trị xứ này, nhưng đất rộng người thưa, thực lực yếu ớt, không đủ sức tự bảo vệ nên đã dâng đất cho Đại Việt để xin nội thuộc, giống như Mạc Cửu đã dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn (đất Hà Tiên thời Mạc Cửu bao gồm toàn bộ phần phía nam sông Tiền, phần quanh Hà Tiên do Mạc Cửu tự mở mang khai phá, vùng còn lại do vua Chân Lạp ‘nhượng’ cho, chúa Nguyễn đặt tên là Long Hồ dinh, sau này là 3 tỉnh miền Tây của Nam Kỳ lục tỉnh).



Đến năm 1478, Cầm Công của xứ Bồn Man đã liên kết với Lão Qua đem binh quấy nhiễu, cướp bóc ở khu vực phía tây Đại Việt. Lê Thánh Tông sai các tướng Lê Thọ Vực, Trịnh Công Lệ chia quân làm 5 đạo từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Hóa (vùng Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái) đi đánh dẹp. Quân đội Đại Việt đã đánh bại liên quân Bồn Man – Lão Qua, đồng thời đánh đuổi đến tận lưu vực sông Mekong giáp với Miến Điện. Sau khi Cầm Công bị giết, Lê Thánh Tông chính thức sát nhập xứ Bồn Man nội thuộc vào Đại Việt, đặt tên là xứ Trấn Ninh, giao cho một người họ hàng của Cầm Công là Cầm Động làm Tuyên úy đại sứ, nhưng việc quản lý thực sự vẫn do các quan Đại Việt sang cai trị.



Lúc cuối thời Trần, xứ Bồn Man vẫn còn cường thịnh, các đời Cầm Công cai quản một phần đất đai rộng lớn, được triều đình trọng thị, ban cho cao quan lộc hậu. Tương truyền, con gái họ Cầm đều xinh đẹp và có thuật giữ được tuổi thanh xuân lâu dài, nên được các vị vua và thái hậu sủng ái. Nghe nói vua nhà Minh cũng từng phái người xuống phía nam tìm con gái họ Cầm về lập làm phi; thời Vĩnh Lạc (Minh Thành Tổ Chu Lệ), Hương Phi của họ Cầm có địa vị ngang hàng với Ngọc Phi của Cao Ly (người nổi tiếng trong lịch sử vì sở thích ăn ngọc Cao Ly, mỗi tháng tiêu phí hơn 60 vạn lượng bạc chỉ để tìm ngọc Cao Ly về nấu thành cao mà ăn).



Tuy họ Cầm cường thịnh, quản hạt đến mấy vạn hộ, nhưng dân chúng ở rải rác trong một lãnh thổ rộng mênh mông, khó lòng tập họp lại được. Lực lượng quân sự thường trực của cả xứ Bồn Man bất quá chỉ vài nghìn người, đương nhiên không thể nào địch nổi một vạn quân tinh nhuệ Chiêm Thành. Do đó mà sau trận chiến vừa rồi, uy thế của Đông Giang tộc đã cao hơn cả nhà họ Cầm, trở thành đệ nhất đại tộc trong vùng. Và Giang Phong với thân phận tinh thần lãnh tụ của Đông Giang tộc, cũng đã trở thành tinh thần lãnh tụ của các tộc trong vùng. Các đại tộc, tiểu tộc đều không đồng ý để một mình Đông Giang tộc ‘cung phụng’ Giang Phong. Thần linh thì phải để mọi người cùng thờ phụng chứ. Tình hình như thế không ngờ lại hợp ý Giang Phong. Vì lợi ích của mình, Giang Phong không thể để nhà họ Phạm nhất gia độc đại.


Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi