Cái thứ nho nhỏ ấy nằm úp trên bụng anh, thỉnh thoảng huơ tay huơ chân. Tuy chỉ là hình dáng mơ hồ nhìn chẳng rõ mặt mũi, nhưng cảm giác sống động này Trần Dương không nhận sai được. Nhưng sao thứ này lại ở trong bụng anh thế này?
Thứ ấy khóc nấc lên vài tiếng, khóc xong còn ngẩng đầu lên nhìn Trần Dương, dường như rất muốn bò tới bò lui trên ngực anh. Nhưng do tay chân nhỏ quá không đủ sức nên chẳng thể nhấc người lên được, nó chỉ đành tiếp tục nằm đó, sau thì lại khóc lên.
Tiếng khóc ấy tựa như được cơn gió từ đâu mang tới, thoảng qua dìu dặt bên tai và lại sắc bén như tiếng quỷ kêu thu nhỏ, nếu phải so sánh với tiếng của chiếc xẻng bằng sắt rơi trên tảng đá thì tiếng ấy cũng không âm vang nặng nề quá, nhưng thế thôi cũng đủ kích thích màng tai người.
Xét về mặt ồn ào ầm ĩ, cánh đàn ông thường không chịu được tiếng trẻ nhỏ quấy phá khóc kêu, huống chi đây còn là tiếng khóc từ cái thai của quỷ.
Trần Dương và Ngụy Thời mặt mày tái mét. Trần Dương vừa định nói gì thì Ngụy Thời đã bước tới, xé lá bùa cái soạt khỏi bụng Trần Dương. Tiếp đó cậu chạy đi lấy bốn chén nước cách đêm lại. Và rồi cái thai quỷ ấy mới từ từ chui lại vào bụng Trần Dương.
Thật ra mọi chuyện xảy ra đêm qua hoàn toàn diễn ra trong bóng tối, thế nên Trần Dương không tận mắt nhìn thấy. Đến hôm nay khi thấy cái thứ ấy chui vào trong cơ thể mình, loại cảm giác này cứ như cơ thể đã chẳng còn là của mình nữa mà đã bị dị vật nào đó chiếm lấy.
Cho dù là Trần Dương, trong lúc nhất thời cũng khiếp sợ đến mức mắt đờ ra, mồ hôi lạnh tuôn như suối.
Anh lau mồ hôi, nhìn Ngụy Thời hỏi, “Thứ này giải quyết thế nào?”
Ngụy Thời nguấy nguấy lỗ tai, cậu cứ cảm giác có đôi tay nhỏ đang chọt chọt lỗ tai mình, vừa ngứa vừa khó chịu. Đang bận bịu là thế mà cậu còn phải trả lời Trần Dương, “Cách thì có đó, nhưng mà anh sẽ mất ít thịt rồi đau gân cốt mà cũng có thể thất bại, vì tôi thấy cái thai quỷ này không phải loại thường đâu, âm khí rất nặng. Thông thường dùng cách này làm thai quỷ hiện hình thì cùng lắm chỉ hiện được thứ âm khí màu đen, không có khả năng xuất hiện hình thể rõ ràng như vậy, mà còn nghe được cả tiếng nữa.”
Trần Dương không hề phản đối, “Vậy phải làm phiền cậu.”
Ngụy Thời phẩy tay, “Phiền gì mà phiền, nếu ăn chén cơm này thì nhất định phải làm việc.”
Ý này cũng khá hợp với ý Trần Dương. Anh đứng lên, ngoại trừ tay chân vẫn có chút mệt mỏi thì đã không còn khó chịu như ban nãy nữa, “Tôi đi làm cái đã, có chuyện gì tối sẽ tới tìm.”
Ngụy Thời lười nhác gật đầu, “Nhớ cẩn thận đấy, đừng phơi nắng lâu quá, cũng đừng ăn uống bậy bạ. Trong bụng anh là âm thai nên không chịu được dương khí đâu, nếu không nó sẽ quậy đó. Tôi cũng chẳng muốn thấy anh bị người khác khiêng vào nữa, khó tìm cớ lắm.”
Trần Dương cũng không quay đầu, “Biết rồi.”
Quả thật khi đứng dưới ánh nắng thì hệt như lời Ngụy Thời nói, lúc đầu còn chưa có cảm giác gì, nhưng phơi nắng một thồi thì cái khó chịu bỗng ùa đến, nhất là ở bụng chẳng khác nào như đang bị một khối băng bao phủ. Trần Dương xanh cả mặt, không biết là bởi do cơ thể khó chịu hay bởi nguyên nhân khác.
Thấy anh trở về, mấy người trong đội đều bảo anh cứ nghỉ ngơi thêm đi, đừng có chưa chi đã vội làm việc trở lại.
Trần Dương vụng về đáp trả những ân cần quan tâm ấy. Đã lâu lắm rồi anh chưa trải qua cuộc sống tập thể cùng ăn cùng ở, cùng ra cùng vào này, tựa như đang trở lại thời cấp ba. Sự quan tâm ân cần không chút vờ vịt ấy khiến Trần Dương kiềm lại được những cau có bực bội, anh tươi cười chào hỏi từng người một.
Khoảng thời gian còn lại anh cũng không tự miễn cưỡng mình nữa, làm việc được một lát sẽ đến dưới bóng mát của cây hòe nghỉ ngơi. Cứ tới tới lui lui như thế cũng gắng gượng được, đợi đến khi tiếng báo hiệu chấm dứt một ngày làm việc vang lên, Trần Dương lê bước bên cạnh những người khác, bước chân nặng trịch.
Cơm cũng chẳng thèm ăn, anh chạy ngay tới chỗ Ngụy Thời. Bước vào rồi thì toàn thân cạn kiệt sức lực mà ngã cái oạch vào giường bệnh.
Đối với hành vi phá cửa vào nhà của anh, Ngụy Thời chẳng tỏ ý gì. Ấy nhưng thấy bộ dáng Trần Dương nửa chết nửa sống mà còn gắng gượng chống đỡ, cậu bật cười nói, “Sao rồi, được một phen trải nghiệm cảm giác mang thai của phụ nữ, có tâm đắc gì không?”
Trần Dương chỉ thờ ơ trước cái vẻ thấy người gặp nguy của cậu.
Ngụy Thời liếc anh. Trần Dương này cũng chẳng phải người đơn giản, ánh mắt sắc như dao ấy, vừa lạnh buốt vừa mang theo cả sự hung ác nữa. Ngụy Thời vừa đảo thuốc trong tay, vừa lơ đãng nghĩ, “Chuyện của anh khó làm đấy.”
Thấy cậu nói đến chính sự, Trần Dương mở mắt, “Khó chỗ nào, cậu nói thử xem.”
Ngụy Thời đi tới xem mạch cho anh, “Âm thai này của anh không giống những âm thai khác. Âm thai bình thường là do một ít khí âm tà bám vào người thai nhi, nói cách khác dễ xử lý hơn, chỉ cần cho người mẹ uống một ít nước bùa là có thể loại bỏ âm khí. Còn trong cơ thể anh không phải âm khí mà là một đứa bé sơ sinh. Nó khôn lỏi lắm, biết liên kết khí mạch âm thai với kinh mạnh của anh, chẳng khác nào một xác hai mạng. Chờ đến khi nó kết nối kinh mạch hết rồi, thì sẽ chẳng còn cách nào loại trừ nó khỏi người anh được.”
Tới lúc đó, âm thai sẽ nuốt sạch hết dương khí và tinh khí của người sống, đợi đến lúc kẻ ấy chết đi cũng là lúc âm thai ra đời.
Một sống một chết, một âm một dương, thay nhau sinh ra, đó là âm thai.
Trần Dương nghe cậu nói xong mới hỏi, “Rốt cuộc cậu vẫn chưa nói khó chỗ nào.”
Ngụy Thời cầm lấy tay Trần Dương, tìm vài huyệt vị, “Muốn loại âm thai ra khỏi cơ thể anh thì phải tẩy mạch, không phải hỉ mạch đâu, là tẩy của tẩy rửa
[1].”
Trần Dương cân nhắc một thoáng, “Nếu đã có cách thì còn chờ gì nữa, mặc kệ cậu tẩy thế nào, chỉ cần bỏ đứa bé kia đi là được.”
Ngụy Thời thở dài, có vẻ miễn cưỡng, “Được rồi, nếu anh đã nói thế thì tôi cũng thử xem, chẳng qua tôi cũng chỉ mới nghe sư phụ nói về tẩy mạch chứ chưa bao giờ làm thử, nếu giữa chừng xảy ra sự cố, anh có chết cũng đừng tìm tôi.” Ngụy Thời vỗ ngực làm ra động tác
tôi-sợ-lắm-đó.
Trần Dương lườm cậu, “Cậu nói thử xem tôi có tìm cậu không?”
Ngụy Thời càng thêm nhăn mặt nhíu mày, việc này còn phải hỏi hử, cái tên trước mặt này chắc chắn sẽ tìm cậu rồi, thế mới bảo dù làm bác sĩ hay thần côn cũng chẳng dễ gì đâu. Lúc nào cũng phải lo lắng đề phòng, vấn đề là trên đời này làm sao có chuyện chắc trăm phần trăm được. Chỉ cần không để ý một chút, hoặc là mặc dù có để ý thế nào thì thỉnh thoảng cũng gặp trắc trở khó tránh được khiến cậu lúng ta lúng túng và còn mỏi mệt nữa. Chưa hết, cậu còn cứ phải lo lắng sẽ bị kẻ khác tìm tới tận nhà, chưa kể là phải thường xuyên làm mấy chuyện tỷ lệ thành công không cao mà bản thân mình cũng chẳng nắm chắc, thật đúng là tự chuốc khổ vào thân.
Trần Dương nhắm mắt nằm nghỉ ngơi trên giường, Ngụy Thời ngồi trên cái ghế gỗ, than ngắn thở dài.
Bàn bạc đâu đó xong xuôi, Trần Dương mới trở về nhà thím Sáu Ngụy. Mấy hôm trước Ngụy Ninh đã về thành B, thím Sáu nhớ con nên càng đối tốt hơn với hai người cũng độ tuổi con thím. Biết hôm nay Trần Dương bất tỉnh ở công trường, thím còn đặc biệt giết gà hầm canh cho họ ăn.
Trần Dương chẳng dám ăn lấy một miếng, bởi trong thuật mao sơn, ngoài đồng nam ra thì gà là thứ dương khí nặng nhất, nếu anh mà ăn thì chắc chắn cái âm thai chết tiệt kia sẽ quậy từng bừng. Thím Sáu tưởng anh không ăn gà, còn bảo đợi ngày mai sẽ làm cá cho anh.
Ăn cơm xong, Trần Dương trở về phòng, để Triệu An ở lại cùng chuyện trò với thím Sáu.
Vừa đặt lưng lên giường anh đã ngủ ngay. Lúc ngủ tới tận nửa đêm thì hình như nghe thấy ai đó đang gọi mình, “Ba ơi, ba ơi, ba ơi.” Là một thằng nhóc, giọng vừa êm ái vừa mềm nhẹ, giòn tan. Trần Dương sớm hạ quyết tâm cả đời không kết hôn, tất nhiên chẳng thể có con cái được, nên hiện nghe có người gọi mình “Ba ơi”, phản ứng đầu tiên của anh là nhóc con này gọi nhầm người rồi.
Bấy giờ anh có cảm giác có người đang kéo tay mình, thế là Trần Dương mở bừng mắt, và rồi anh thấy một thằng nhóc chỉ chừng hai ba tuổi đang nằm úp trên giường. Thằng bé đáng yêu vô hạn, đôi mắt to này, cái mũi nhỏ, đôi môi chúm chím, môi hồng răng trắng. Cu cậu cứ gọi anh từng tiếng từng tiếng một, “Ba ơi, ba ơi ——” Thấy Trần Dương tỉnh, cậu chàng thích chí chu môi ra thơm anh một cái thật kêu, “Ba tỉnh rồi, ba chơi với con nhé?
Tí xíu nữa là Trần Dương đã đồng ý, những đột nhiên anh thấy có gì đó là lạ.
Thằng cu kia thấy anh không đồng ý thì cứ lay lay tay anh, “Nhé, nhé, nhé ba ơi ——”
Thật sự là Trần Dương không đành lòng cự tuyệt một đứa bé đang làm nũng như vậy, nên anh vô thức đồng ý theo bản năng, anh đáp “Được.” Thằng cu nhà ta hoan hô xong thì lôi một đống đồ từ dưới đất ra rồi xếp thành đống trước mặt Trần Dương như dâng tặng bảo vật, tiếp đó đưa từng cái từng cái một cho anh xem, chẳng hạn như sọ người, như tròng mắt, như ——
Cu cậu nhét tròng mắt vào tay Trần Dương, “Cho ba cái này nè.”
Thứ này là đồ chơi của nó á? Trần Dương ném tròng mắt sang một bên, kỳ lạ là anh cũng chẳng thấy cảnh tượng trước mắt này đáng sợ và khủng bố đến cỡ nào, ngược lại chỉ thấy đây là chuyện tất nhiên. Thấy đồ mình đưa Trần Dương bị anh ném đi mất, cu cậu nhìn Trần Dương với vẻ tổn thương sâu sắc, “Ba ơi, ba không thích đồ con cho bà à? Chơi không vui hở ba?”
Trần Dương lảo đảo, “Thứ này sao chơi được?”
Thằng cu biến sắc, hét ầm lên, “Sao không chơi được, phụ thân cho con đó. Ba xấu lắm, ba không chơi với con mà còn muốn hại chết con nữa, ba xấu lắm ba xấu lắm!” Nhì nhằng một hồi, gương mặt vốn đáng yêu của đứa bé kia bỗng trở nên dữ dằn, nó nhe nanh múa vuốt phóng tới. Trần Dương đưa tay ngăn nó thì bị đôi tay với những cái móng dài nắm chặt, anh đau đến mức kêu to thành tiếng.
Tiếng kêu này khiến Trần Dương tỉnh lại.
Người ướt đầm mồ hơi, Trần Dương bật dậy khỏi giường. Triệu An vội chạy vào, “Anh Trần à anh kêu gì đó, đang đêm tối định hù ai vậy.” Trần Dương quệt mồ hôi, “Nằm mơ thôi, không sao.” Chẳng qua giấc mơ này đáng sợ quá. Trần Dương càng thêm quyết tâm phải giải quyết cho xong cái âm thai kia.
Vào lúc Trần Dương nằm mơ, một ông cụ trong thôn Ngụy cũng nằm mộng.
Cụ mơ thấy người anh cả mà mấy chục năm rồi cụ chưa từng gặp. Anh cụ một thân áo trắng, khoanh tay đứng đó, dáng vẻ giống hệt như trong ký ức năm nào, trong cái hờ hững là sự uy nghiêm. Thoáng cái ông cụ đã rưng rưng nước mắt. Cụ nắm lấy tay anh trai khóc òa lên, nước mắt nước mũi tèm lem cả. Cụ như đang trở về thời niên thiếu, thứ tình cảm quấn quýt không rời với người anh đã từng nuôi dạy mình lớn lên biểu lộ hết cả ra bằng hành động.
Nhiều năm đến thế, cuối cùng cụ đã gặp được anh mình rồi. Cụ kéo lấy tay anh trai, “Anh Lâm, anh Lâm, rốt cuộc anh đã chịu trở về thăm thằng em này.” Anh cụ vẫn cười một cách điềm đạm, vừa thấy nụ cười của anh trai thì cụ cũng tự biết xấu hổ lau sạch nước mắt đi. Đã lớn tuổi thế này rồi mà còn mất mặt trước mặt anh trai nữa.
Người được cụ gọi là anh Lâm bảo với cụ, “Lần này tới gặp là do muốn nhờ em giúp một việc.”
Ông cụ chẳng mảy may phản đối lấy một câu, cụ vỗ ngực như đang biểu lộ quyết tâm vô hạn, “Anh Lâm, anh cứ nói đi, chỉ cần có thể làm được thì dù có chết em cũng không chối từ.” Nói xong cụ lại khóc rống, “Bọn chúng em có lỗi với anh quá, nhiều năm như vậy chẳng những không thể dời anh về phần mộ tổ tiên mà ngay cả đến viếng trước một anh cũng không được, chỉ có thể trộm bái tế anh ở nhà.”
Người đàn ông ấy xoa đầu cụ hệt như khi cụ còn thơ ấu, rồi an ủi, “Không sao cả, việc này anh cũng không để ý. Anh tới đây gặp em là bởi anh muốn kết âm hôn với một người, em giúp anh làm nghi lễ âm hôn này đi.”
Cụ lau nước mắt, gật đầu liên tục, “Vâng, vâng, vâng. Nếu anh muốn kết âm hôn, em nhất định giúp anh hoàn thành. Anh cứ yên tâm, ai dám ngăn em, em sẽ liều mạng với kẻ đó.” Một ông cụ tuổi già sức yếu tóc trắng bạc phau lúc nói những lời liều mạng này, thế mà trông cũng hung tợn lắm.
Kẻ kia cười khẽ như đang dỗ, “Chờ ngày em đi rồi anh sẽ lại đến, lúc ấy hai anh em ta sẽ gặp nhau.”
Nhìn bóng người trước mắt dần tan vào không trung, cụ nước mắt như mưa.
Ông cụ tỉnh giấc do khóc nhiều quá. Lúc tỉnh rồi, cụ trông thấy trên ngăn tủ gỗ nơi đầu giường có thêm một chiếc mâm sơn đen. Trên chiếc mâm với những hình vẽ long phượng trình tường ấy là một vài món trang sức quý giá, vòng tay chiếc nhẫn đôi hoa tai bằng ngọc với đủ loại màu sắc được sắp xếp ngay ngắn trên mặt tơ lụa đỏ thẫm. Nếu nói lúc mới vừa tỉnh giấc cụ còn ngỡ rằng mình chỉ nằm mộng, thì hiện cụ đã biết đó không phải là mơ, anh trai cụ đã thật sự trở về.
Trên tơ lụa đỏ thẫm còn có cả một tờ giấy, trên tờ giấy ấy viết ba chữ Trần Diệm Diệm, ngoài ra còn có cả ngày tháng năm sinh.
Nếu là họ Trần, vậy thuyết minh rằng đó không phải người trong thôn Ngụy. Cụ có ba người con trai, đứa lớn nhất ở chung với cụ còn hai người còn lại ở riêng nhưng cũng gần đây. Cụ gọi con trai cả dậy trước, sau đó bảo con trai kêu hai người em trở về. Đang ngủ thẳng giấc mà bị gọi dậy, người con trai cả bất đắc dĩ nhìn nhìn cha già mình, sau thì quay đầu réo gọi thằng con trai kêu nó đi gọi hai người chú của nó lại.
Chỉ chốc lát, sau khi mọi người đã tề tụ đông đủ, ông cụ bèn tuyên bố chuyện sẽ làm âm hôn cho anh trai đã chết sáu mươi năm của mình.
Ba cậu con trai và năm thằng cháu nội đưa mắt nhìn nhau, không biết cụ ông lại định bày trò gì. Cụ cũng chẳng thèm quan tâm mấy kẻ đời sau nghĩ gì, đặt mâm sính lễ kia lên bàn, “Đây là sính lễ tối qua bác mấy bây báo mộng giao cho ta, còn đây là tên người sẽ kết âm hôn.” Cụ đưa tờ giấy cho cậu con trai cả, “Mau tìm ra người này, nhớ phải nhanh lên.”
Sau khi giao việc xong đâu đó cụ đứng lên, dộng cây gậy lên đất vài cái, “Giờ để ta nói rõ, nếu có kẻ nào lừa gạt ông cụ ta đây mà không làm việc này cho tốt, ta sẽ đánh gãy chân kẻ đó.”
Mấy kẻ thế hệ sau nghe được mà trán chảy mồ hôi, vội vàng luôn miệng, “Không dám không dám, chúng con nhất định sẽ làm tốt.” Cụ đã nói là làm thật, cụ vốn xuất thân trong quân đội nói một là một nói hai là hai, hễ đã nói sẽ đánh gãy hai chân nhất thì nhất định sẽ không chỉ đánh gãy một chân. Hơn nữa tuy hiện tuổi đã cao nhưng sức khỏe cụ vẫn còn tốt lắm, tai thính mắt tinh, ai gạt được cụ chứ.
Mấy kẻ ấy chỉ biết đăm đăm nhìn nhau rồi vẻ mặt đau khổ, lảo đảo rời đi.
./.
[1] Chữ ‘tẩy’ và ‘hỉ’ ở đây đồng âm.
À mình vừa mới sửa lại mấy chương trước, tên đúng của Trần Dương là Trần Diệm Diệm, do sơ sót nên mình đã không tra kỹ tên này mà cứ để nguyên là Trần Diễm Diễm như lời anh QT, mình đã sửa lại rồi hen:”>