ĐỨC PHẬT VÀ NÀNG: HOA SEN XANH

Tiểu Lạt Ma sững sờ, hai hàng lông mày thanh tú nhíu lại. Cậu ngồi xuống, đưa tay vuốt ve chiếc mũi nhọn của tôi, trầm ngâm một lát rồi cất tiếng:

- Vậy bần tăng sẽ cùng thí chủ đến gặp ngài Khởi Tất.

Vừa bước vào Vương phủ, tôi đã thấy rất đông người đang tụ tập ở đó, mấy người đứng ở giữa cất giọng oang oang:

- Công tử, nay phụ thân ngài không có mặt ở Lương Châu, mọi chuyện lớn bé đều do ngài quyết định, xin ngài hãy xử lý thật công minh việc này.

Ngồi ở vị trí trang trọng nhất là một thanh niên vạm vỡ, lông mày rậm, dày, mắt to, khuôn mặt vuông vức. Anh ta mặc áo khoác da dài tay, cao cổ. Phần vạt áo, cổ tay, cổ áo đều được thêu viền lụa hình sóng mây cuồn cuộn. Chiếc áo được quấn một lớp da chồn xung quanh. Chàng thanh niên cất giọng sang sảng:

- Ai có oan uổng gì, hãy trình báo tao nghe!

Ai đó chen lên nói:

- Tối hôm qua, ba anh em chúng tôi đến thuê phòng tại một quán trọ. Tay phục vụ ở đó bảo rằng, phòng hạng sang giá ba mươi quan tiền một đêm. Thế là ba chúng tôi bỏ ra mỗi người mười quan tiền để đặt cọc. Hôm đó đúng ngày ông chủ nhà trọ vừa có thêm quý tử nên ông ta đã vui mừng giảm giá tiền phòng hạng sang xuống còn hai mươi lăm quan tiền một đêm. Ông chủ nhà trọ đưa cho tay phục vụ năm quan tiền, bảo hắn trả lại chúng tôi. Nhưng vì tham lam, hắn  trả chúng tôi thiếu ba quan tiền. Sáng nay, tình cờ gặp chủ quán trọ, chúng tôi mới biết việc này. Ngay sau đó, chúng tôi đã đi tìm tay phục vụ, đòi hắn trả lại tiền.

Một người khác cũng chen lên, chỉ tay vào người đàn ông nhỏ thó đang quỳ khóc trên sân mà rằng:

- Nhưng tên tiểu nhị này lại bảo hắn chỉ đút túi có hai đồng. Sao lại như thế được?

Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi chau mày:

- Có gì không đúng?

- Ba chúng tôi mỗi người bỏ ra mười quan tiền, tổng cộng là ba mươi quan tiền. Tiểu nhị trả cho chúng tôi mỗi người một đồng. Vậy có thể xem như chúng tôi đã trả hai mươi bảy đồng. Nhưng tiểu nhị lại bảo rằng hắn chỉ đút túi hai quan tiền. Hai mươi bảy cộng với hai bằng hai mươi chín. Vậy còn một quan tiền nữa đâu?

Đám đông cùng xòe tay ra nhẩm tính rồi gật gù phụ họa. Người trẻ nhất trong số ba anh em khách trọ kia cất giọng oang oang:

- Chắc chắn tên tiểu nhị tham lam này đã giấu nhẹm đi một quan tiền. Hắn cả gan giở trò xỏ lá với chúng tôi nên chúng tôi buộc phải đưa hắn đến đây để công tử giải quyết.

- Dạ thưa, oan uổng quá! Đúng là tiểu nhân không nên nảy lòng tham, bỏ vào túi mình tiền của ba vị, tiểu nhân xin được trả lại. Nhưng quả thật tiểu nhân chỉ lấy hai quan tiền, không phải ba.

Tên tiểu nhị nãy giờ quỳ mọp dưới đất, vừa ngẩng đầu kêu oan, lập tức bị ba người đàn ông kia đá túi bụi.

- Vậy ngươi nói đi, bọn ta bỏ ra hai mươi bảy quan tiền, cộng với hai quan tiền ngươi lén bỏ túi, có phải là hai mươi chín quan tiền không hả?

Đám đông đồng loạt phụ họa:

- Đúng rồi, thiếu mất một quan tiền.

Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi nghiêm mặt, nói:

- Này tiểu nhị, người Mông Cổ chúng ta rất ghét sự dối trá, ngươi hãy ngoan ngoãn nhận tội, nếu không, sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc đấy.

- Tiểu nhị không nói dối.

Giọng nói khàn khàn của cậu thiếu niên đang trong giai đoạn vỡ tiếng vang lên, tiểu Lạt Ma lách người qua đám đông, vẻ mặt điềm tĩnh, thần thái an nhiên. Sự tự tin, bình thản toát ra từ dáng vóc và bước đi khoan thai, khí khái bất phàm cộng với vẻ già dặn không tương xứng với tuổi tác phản chiếu từ gương mặt khôi ngô, tuấn tú khiến đám đông bỗng nín lặng, ai nấy đều sững sờ, sau đó chăm chú quan sát.

- Số tiền không hề thiếu, chỉ tại cách tính của ba vị thí chủ này không đúng.

Tiểu Lạt Ma vái chào Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi, sau đó quay lại hỏi ba người khách trọ:

- Ba vị đặt cọc tổng cộng ba mươi quan tiền, chủ quán trả lại năm quan tiền, tức là tiền phòng chỉ còn hai mươi lăm quan tiền, đúng không?

Ba người kia gật đầu.

Tiểu Lạt Ma bình tĩnh nói tiếp:

- Trong số năm quan tiền đó, tiểu nhị giữ lại hai quan tiền, vậy còn ba quan tiền, đúng không?

Ba người kia lại gật đầu.

- Ba quan tiền này, tiểu nhị đã trả lại cho ba thí chủ, đúng không?

Ba người khách tiếp tục gật đầu.

Tiểu Lạt Ma dõng dạc kết luận:

- Vậy thì hai mươi lăm quan tiền ba vị đã trả, cộng với hai quan tiền tiểu nhị bỏ túi riêng và ba quan tiền tiểu nhị đã trả cho các vị, có phải tổng bằng ba mươi quan tiền không?

Ba người đàn ông gật đầu lia lịa theo quán tính. Tiểu Lạt Ma mỉm cười hồn hậu rồi quay lại, chắp tay vái Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi:

- Tiểu nhị chỉ cần trả lại ba vị kia hai quan tiền và nói lời xin lỗi thì việc này coi như đã giải quyết xong. Công tử thấy sao?

Khởi Tất vỗ tay tán thưởng, bật cười ha hả:

- Tuyệt vời! Chuyện có gì to tát đâu mà phải làm ầm ĩ chứ!

Ba người kia vẫn ngẩn ngơ không hiểu, vò đầu bứt tai, thắc mắc:

- Rõ ràng là hai mươi bảy cộng với hai kia mà, sao tiểu Lạt Ma này lại lôi ra được một quan tiền nữa nhỉ?

Tiểu Lạt Ma khiêm cung vái ba người đàn ông:

- Nếu giải thích theo thuyết Nhân minh học[1] trong Phật giáo thì cách tính của ba vị là cộng chi phí mà mình bỏ ra chứ không phải cộng phần mình được trả và người khác được trả. Nhân minh học gọi đây là thủ thuật “thay xà đổi cột”.

Ba người đàn ông lắng nghe giải thích mà đầu óc mụ mị, choáng váng, ngước nhìn tiểu Lạt Ma bằng ánh mắt thán phục. Tiếng vỗ tay tán thưởng rộ khắp Vương phủ, tiểu Lạt Ma bỗng đỏ mặt, nước da ngăm đen chuyển màu sẫm đỏ, đôi mắt to, đen láy và trong suốt như thủy tinh như có ma lực kỳ lạ cuốn hút người khác. Thật không ngờ, một người điềm tĩnh như tiểu Lạt Ma cũng có lúc bẽn lẽn đáng yêu nhường vậy.

Khởi Tất Thiếp Mộc Nhi rời khỏi ghế ngồi, bước đến trước mặt tiểu Lạt Ma, ngắm nhìn một hồi:

- Tiểu sư phụ là…

Tiểu Lạt Ma điềm tĩnh chắp hai tay vái Khởi Tất, tiếng Mông Cổ tuy không được lưu loát nhưng từng câu từng từ rất mạch lạc:

- Bần tăng là Sa di thuộc giáo phái Sakya ở Tufan, tên gọi Lạc Truy Kiên Tán, theo người bác ruột là đại sư Ban Trí Đạt lặn lội đường xa từ Wusi, ròng rã hai năm trời mới đến được Lương Châu. Bác bần tăng hiện ở nhà trọ chờ cha của công tử, Vương gia Khoát Đoan, về Lương Châu để gặp mặt.

Khởi Tất ôm chầm lấy vai tiểu Lạt Ma, bật cười hoan hỉ:

- Thì ra tiểu sư phụ chính là thần đồng Bát Tư Ba! Chẳng trách tuổi nhỏ mà thông minh trác tuyệt như vậy. Người dân Lương Châu không ai không biết đến danh tiếng của thầy. Nghe nói, ba tuổi thầy đã thuộc lòng phép tu của cuốn kinh Diệu pháp liên hoa, tám tuổi thuộc kinh Phật bản sinh. Ít người biết tên thật của thầy, nhưng không ai ở đất Wusi là không biết tiểu Lạt Ma Bát Tư Ba. Trong tiếng Tây Tạng, Bát Tư Ba có nghĩa là “vị thánh”, đúng vậy không?

Tôi ngỡ ngàng đến nỗi quên cả đau, ngẩn ngơ ngắm nhìn tiểu Lạt Ma khôi ngô, tuấn tú trước mặt. Cậu ấy là Bát Tư Ba ư? Cậu ấy là cậu bé mà tôi đã gặp ba năm về trước?…

r

Chàng trai trẻ vỗ tay kinh ngạc:

- Tiểu Lạt Ma đó là Bát Tư Ba?

Tôi cũng ngạc nhiên không kém:

- Cậu biết người đó ư?

- Tôi từng đến huyện Sakya ở Shigatse và đến thăm ngôi đền Sakya nên có biết sơ sơ. – Chàng trai gật đầu, rồi quay sang nhìn tôi bằng ánh mắt tiếc nuối. – Nhưng Phật giáo Tây Tạng có rất nhiều chi phái, quá ư phức tạp, tôi chẳng thể biết hết. Tôi chỉ biết Bát Tư Ba là quốc sư của triều đại Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt, là người đã phát minh ra văn tự Mông Cổ mà người ta đặt tên là chữ Bát Tư Ba. Giáo phái Sakya trở thành một trong những giáo phái Phật giáo lớn mạnh nhất Tây Tạng đều nhờ công lao gây dựng của vị đại sư ấy. Bởi vậy, giáo phái này tôn sùng Bát Tư Ba như là một trong năm vị sư tổ.

Tôi ngước nhìn bầu trời đêm, tưởng như lại được nhìn thấy bóng dáng chiếc áo tăng ni sẫm đỏ thấp thoáng đâu đây, mắt bỗng ướt nhòe, miệng thì thầm:

- Đúng vậy, Bát Tư Ba là một người vĩ đại, một bông tuyết liên thánh khiết mọc trên cao nguyên Thanh Tạng…

Tôi quay lại, mỉm cười với chàng trai trẻ, thở than:

- Những hiểu biết của cậu về vị đại sư này khá nhiều đó. Ngài là người Tạng, lại trở thành triều thần của nhà Nguyên, Mông Cổ, ngài hầu như không có mối quan hệ nào với người Hán. Bởi vậy, người Hán thời nay ít người biết đến ngài và thời đại của ngài.

Chàng trai bật cười, chìa tay về phía lò lửa để sưởi ấm:

- Câu chuyện mới bắt đầu đã thấy hấp dẫn rồi. Không ngờ một tiểu hồ ly lại có thể tham gia vào các sự kiện lịch sử. Tôi cảm thấy rất thích thú, vậy là tôi sắp được bổ túc vốn kiến thức về thời kỳ lịch sử xa lạ đó rồi.

Tôi gật đầu, tiếp tục câu chuyện.

=== ======

[1] Học thuyết Nhân minh hay còn gọi là logic học Phật giáo. Phật giáo Tây Tạng đặc biệt coi trọng học thuyết này, cũng chính là coi trọng khả năng biện luận.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi