ĐỨC PHẬT VÀ NÀNG: HOA SEN XANH

“Dẫu biết thành công nằm trong tầm tay,

Cũng nên suy tính cẩn trọng;

Chỉ có kẻ ngu xuẩn mới tình cách cứu vãn,

Khi việc đã rồi.”

(Cách ngôn Sakya)

Phủ Bạch Lan Vương bao trùm bởi màu khăn tang, người hầu tấp nập ra vào phòng khách để sắp đặt linh cữu. Trong phòng của Mukaton, các thầy cúng và Kháp Na đang làm lễ nhập niệm cho cô. Người anh thứ hai của Kháp Na, đại sư Rinchen cùng các Lạt Ma đứng một bên, tụng kinh siêu độ cho người xấu số.

Vương phi Mông Cổ Mukaton với phục trang lộng lẫy lúc trước đã được thay y phục mới, thầy cúng đặt một chiếc bát bạc úp ngược lên bụng cô ấy, sau đó quấn chặt thân thể của cô ấy trong những vuông vải trắng tinh rồi đặt vào quan tài trong tư thế nằm nghiêng, tay trái đỡ cằm. Đó là tục lệ của người Mông Cổ, đàn ông sẽ được đặt trong tư thế ngược lại. 

Khi nắp quan tài đóng lại, Rinchen thắp sáng ngọn đèn đối bằng dầu bơ, tượng trưng cho linh hồn của Mukaton, ngọn đèn sẽ cháy trong suốt chín chín tám mốt ngày. Kháp Na thận trọng đón lấy cây đèn, nước mắt ướt đầm ngực áo. 

Tin tức được truyền đi, họ hàng thân thích của Mukaton trong thành Yên Kinh đều khóc thương cô ấy. Ngay cả Đại hãn Hốt Tất Liệt cũng không khỏi mủi lòng, ngài đã phong hiệu cho Mukaton và ban lệnh chôn cất Vương phi chu đáo. Tháng Chín năm đó, bất chấp sự phản đối của Bát Tư Ba, tuy vẫn chưa khỏi bệnh, Kháp Na vẫn cương quyết đưa linh cữu của Mukaton về Lương Châu an táng.

Trên đường đi, Kháp Na tuân thủ nghiêm khắc quy định về thủ tục ma chay, đặt cơm cúng và trà cúng trước linh cữu của Mukaton trước mỗi bữa ăn, cẩn trọng hết mức để ngọn đèn tượng trưng cho linh hồn của Mukaton không bị tắt. Nơi mà xe tang đi qua, quan lại các địa phương đều lập đàn tế lễ dọc đường. Vì quá đau buồn nên Kháp Na chẳng còn tâm trí đâu mà tiếp đón họ, việc đó được giao cả cho Kunga Zangpo. Kunga Zangpo là người ân cần, chu đáo, giao thiệp khéo léo nên rất được Kháp Na tín nhiệm, tin dùng.

Xe tang đi được nửa đường thì đoàn rước của Thiếp Mộc Nhi tới nơi. Không kịp giũ cho sạch lớp bụi đường vương đầy trên áo, Thiếp Mộc Nhi ôm chầm lấy linh cữu của Mukaton, gào khóc thảm thiết. Mukaton và cậu ta là anh em cùng một mẹ sinh ra nên thân thiết từ bé. Nay cha mẹ không còn, Mukaton trở thành người thân thiết nhất của Thiếp Mộc Nhi.

Ngày thứ tám mươi mốt sau khi Mukaton qua đời, linh cữu của cô ta đã về đến thảo nguyên ở ngoại thành Lương Châu. Thiếp Mộc Nhi chọn cho em gái nơi yên nghỉ nằm trên một quả đồi nhỏ. Kháp Na đã xỏ đôi giày mà Mukaton tự tay khâu cho cậu ấy kể từ lúc tang lễ bắt đầu cho đến khi kết thúc.

Thiếp Mộc Nhi ra lệnh đào một huyệt mộ lớn, bên trong dựng một chiếc lều Mông Cổ màu trắng tinh khiết, người ta đặt linh cữu vào trong chiếc lều đó, phía trước lều là bàn thờ xếp đầy thịt và sữa ngựa. Người hầu của Thiếp Mộc Nhi dắt đến một con ngựa cái, một con ngựa con và một con ngựa đực đeo hàm thiếc và yên ngựa. Người ta sẽ giết những con ngựa này và xếp xác của chúng bên cạnh linh cữu.

Đám gia đinh còn khiêng tới hai cô hầu gái đã bị trói chặt chân tay và nhét giẻ vào miệng, cả hai đều run lên bần bật. Kháp Na nhận ra họ chính là những thị nữ thân cận của Mukaton, còn chưa kịp hỏi han đã thấy đám gia đinh kè dao vào cổ họ. Hai thị nữ nhanh chóng tắt thở, xác họ được đặt bên cạnh linh cữu, những vệt máu tươi loang lổ trên cỏ.

Lần đầu tiên chứng kiến tục lệ chôn người sống theo người chết dã man ấy, Kháp Na sợ xanh mặt, không thốt nên lời.

Sau khi người ta đã lấp đất đầy miệng huyệt, đám gia đinh cưỡi ngựa giẫm cho huyệt mộ được bằng phẳng. Năm tới, khi cỏ dại mọc lên xanh tốt, sẽ khó mà tìm được mộ của người chết. Cái mất đi là thân xác, cái còn lại vĩnh cửu là linh hồn, tiếng tụng niệm thành kính rì rầm vang lên, gió lạnh mùa đông ào ạt thổi đến, sau chín chín tám mốt ngày gìn giữ, ngọn đèn tượng trưng cho linh hồn của Mukaton cuối cùng đã tắt, vậy là cô ấy đã kết thúc vòng luân hồi của kiếp này.

Tối hôm đó, sau khi về phủ Phò mã, Kháp Na cắn răng chịu đau khi cởi bỏ chiếc giày quá chật. Ngón chân phải sưng tấy, biến dạng, chỉ khẽ chạm cũng khiến cậu ấy đau phát khóc.

Nhìn cậu ấy ôm chân, mồ hôi lấm tấm trên trán, tôi trách:

- Sao cậu có thể chịu đựng cả ngày trời được nhỉ?

- Ta cứ nghĩ gắng gượng một chút cũng không sao. – Cậu ấy nhấc chiếc giày lên, cười buồn. – Em có thấy nó giống hệt cuộc hôn nhân của ta và Mukaton không? Chiếc giày không thể nào vừa chân được, dù ta có cố chịu đau đến đâu, gắng nhẫn nhịn đến đâu chăng nữa.

Từ đó về sau, Kháp Na không xỏ đôi giày ấy nữa, cậu ấy lưu giữ nó như một món đồ quý giá, mãi đến khi qua đời.

Sau đám tang, Kháp Na không trở về Yên Kinh ngay mà ở lại phủ Phò mã, trong căn phòng của Mukaton. Không ai biết vì sao cậu ấy đột nhiên lại muốn như vậy, chỉ cố hết sức tránh làm phiền cậu ấy.

Trong suốt tám mươi mốt ngày vừa qua, Kháp Na đã tuân thủ tục lệ của người Mông Cổ, không cắt tóc, không cạo râu, cũng không cắt móng chân, móng tay. Râu quai nón xồm xoàm, gương mặt trải qua nhiều ngày đau thương đã khiến cậu ấy trở nên rất đỗi tàn tạ. Hết tám mươi mốt ngày, cậu ấy cũng không thèm vệ sinh cơ thể, suốt ngày giam mình trong phòng của Mukaton, bầu bạn với rượu và những cơn ho ngày một dữ hơn.

Cậu ấy vốn ưa sạch sẽ, gọn gàng nên giờ đây, tôi không sao chịu nổi khi nhìn bộ dạng lôi thôi, chán chường của cậu ấy. Và thế là, vào một buổi chiều có nắng của mùa đông năm đó, tôi đã hóa thành người và đề nghị Kháp Na để tôi vệ sinh cho cậu ấy.

Kháp Na ngồi bên cửa sổ, đầu tựa vào lưng ghế, ánh mắt chăm chú dõi theo từng cử động của bàn tay tôi. Bếp than hồng rực sưởi ấm cả căn phòng. Tôi nhúng khăn vào nước nóng, ấp lên cằm cậu ấy, sau khi các sợi râu đã mềm ra, tôi căn dặn cậu ấy ngửa đầu lên, không được động đậy rồi nhẹ nhàng đưa lưỡi dao cạo trên cằm cậu ấy.

Bóng tôi in trong đôi mắt đen sẫm, sâu hun hút của cậu ấy. Tôi thận trọng khi cầm dao cạo vì sợ chỉ một chút sơ ý sẽ khiến cậu ấy bị thương. Làn da cậu ấy rất trơn và mượt, đôi má đã hóp lại, càng làm lộ rõ gò má cao, khóe mặt đã xuất hiện thêm vài nếp nhăn, tuy không làm mất đi vẻ điển trai của cậu ấy nhưng cũng đủ khiến tôi đau lòng.

Râu đã được cạo sạch, giờ đến tóc. Nước nóng bốc hơi nghi ngút, tôi đan tay vào mái tóc của cậu ấy bóp nhẹ, bọt xà bông xào xạo. Tôi lấy gáo múc nước ấm, giội từ đỉnh đầu xuống, chầm chậm, nhẹ nhàng, làn nước tuôn dài như những chuỗi trân châu lấp lánh, trôi trên mái tóc đen mượt, óng ả của cậu ấy. Đôi mắt đen huyền hoặc của cậu ấy được phủ làn sương mờ ảo, khóe môi lấp ló nụ cười dìu dịu, má lúm đồng tiền nhấp nhô, tinh nghịch. Đã lâu rồi tôi không được thấy cậu ấy cười.

Đầu gội sạch sẽ, móng tay cắt gọn, thay bộ đồ mới, cậu ấy lại trở về với dung mạo tuấn tú lúc trước, có điều gương mặt vẫn hom hem, hốc hác, nỗi bị thương vẫn vương giữa vùng nhãn thần tuyệt đẹp của cậu ấy.

Cậu ấy đưa mắt nhìn xung quanh, đồ đạc vẫn nguyên nếp cũ. Sự phối kết giữa những gam màu đỏ đỏ xanh xanh vốn là sở thích ăn vận rất đỗi khoa trương của Mukaton từ xưa đến nay. Giá sách trống rỗng, trên hai chiếc khay đặt hai bên giá sách là ngồn ngộn các loại vật dụng cưỡi ngựa mà cô ấy yêu thích, từ yên ngựa làm bằng loại da quý hiếm đến bàn đạp được chế tác thủ công tinh xảo, hàm thiếc nạm trân châu quý giá, muốn thứ gì là có thứ đó.

- Trước đây, ta rất sợ phải vào căn phòng này, nhất là hồi nhỏ.

Cậu ấy lại gần khay đựng vật dụng cưỡi ngựa, nhấc một chiếc roi tinh xảo lên, đặt vào lòng bàn tay, mân mê ngắm nghía.

- Ta còn nhớ rõ, có lần ta cưỡi con Đại Uyển mà cô ấy thích nhất, cô ấy gọi ta vào phòng, dùng sợi roi này quất tới tấp vào người ta.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi