ĐỨC PHẬT VÀ NÀNG: HOA SEN XANH

“Người hiền làm quan,

Muôn người bình an;

Tri thức mở mang,

Nơi nơi giàu sang.”

(Cách ngôn Sakya)

Tháng Giêng năm đó, Bát Tư Ba tổ chức một pháp hội lớn ở Rinmo, Chumig, với sự tham gia của đông đảo tăng nhân khắt đất Tạng. Đây là pháp hội cuối cùng của Bát Tư Ba. Chàng viết thư yêu cầu Kunga Zangpo đưa Dharma tới tham dự và thông báo rằng, chàng sẽ tuyên bố với mọi người ở Wusi về quyền thừa kế của Dharma.

Đó là một sự kiện vô cùng trọng đại nên sau khi cân nhắc kĩ lưỡng, Kunga Zangpo quyết định đồng ý. Hắn không đưa Dharma về Sakya mà một ngày trước khi diễn ra pháp hội, hắn đưa thằng bé đến thẳng Chumig. Con cáo già Kunga Zangpo không tới tham dự mà cử ba ngàn võ tăng hộ tống vợ, con gái và Dharma đến Rinmo. Đội hộ vệ hùng hậu ấy khiến các giáo phái khác đều cho rằng Bát Tư Ba đang muốn “giễu võ giương oai”, phô trương thanh thế.

Mãi đến buổi tối trước ngày khai mạc pháp hội, tức đêm tháng Giêng năm 1277, tôi mới được gặp cậu con trai mà tôi ngày đêm thương nhớ.

Zhouma dắt theo chú nhóc đến phòng nghỉ của Bát Tư Ba, để hai bác cháu nhận nhau. Chiếc áo tăng ni màu đỏ sẫm rộng rãi ôm lấy thân hình bé nhỏ, gầy gò của thằng bé. Nó đã mười tuổi rồi nhưng trông thấp bé như trẻ mới lên bảy, lên tám. Gương mặt tuy còn non nớt nhưng các đường nét đều giống hệt Kháp Na, đôi mắt long lanh như sóng nước, lấp lánh như sao mai, hai vết sạm đỏ nổi bật trên đôi gò má. Nếu thằng nhóc không cạo trọc đầu và vận y phục của người tu hành thì trông thằng bé chẳng khác nào một bé gái xinh xắn.

Bát Tư Ba bảo Zhouma lánh mặt rồi đưa mắt ra hiệu cho tôi. Tôi lảo đảo lại gần con trai. Thằng nhóc mỉm cười với tôi, đôi má lúm đồng tiền lấp ló bên khóe môi chúm chím, giống Kháp Na hồi nhỏ như hai giọt nước vậy. Thằng nhóc cúi chào tôi, rất mực lễ phép, chỉn chu:

- Chào cô, cháu tên Dharmapala, cô cứ gọi cháu là Dharma cũng được. Cô là ai?

Nước mắt tràn mi, đầu óc tôi quay cuồng, sao mà giống đến vậy. Hồi tám tuổi, khi lần đầu gặp tôi, Kháp Na cũng nói y như vậy:

- Chào em, tên ta là Kháp Na Đa Cát, em có thể gọi ta là Kháp Na, như anh trai ta vậy.

Tôi run rẩy ngồi xuống trước mặt thằng bé, nghẹn ngào không thốt lên lời, ôm con trai vào lòng. Nó mới nhỏ bé, gầy guộc làm sao? Làn da sạm đen, sắc mặt yếu ớt, tình trạng sức khỏe của thằng bé khiến lòng tôi đau như cắt. Giọng nói trong veo như nước suối vang lên bên tai tôi:

- Cô ơi, cô làm sao thế?

Tôi thổn thức:

- Ta... ta là...

Tôi ngắm nhìn thằng bé, muốn nói mà không sao thốt ra lời, đành cúi đầu, nuốt lệ, nói:

- Con hãy gọi ta là dì Lam.

Ánh mắt buồn thương u uẩn của Bát Tư Ba dõi theo chúng tôi từ nãy đến giờ, sau khi nghe những lời này của tôi, chàng thở dài ảo não.

Trong ngày pháp hội ở Chumig, thằng bé khoác áo cà sa màu đỏ sẫm, ngồi khoanh chân trên tòa thuyết phép rộng lớn. Vẻ mặt điềm tĩnh, pháp tướng trang nghiêm, cất giọng rành rọt, thuyết giảng kinh Hỷ Kim Cang tục đệ nhị phẩm. Nước mắt tôi cứ thế trào ra, năm xưa, khi ngài Ban Trí Đạt tổ chức pháp hội, Bát Tư Ba mới lên chín, cũng thuyết giảng cuốn kinh này.

Giọng nói trong trẻo, thanh thoát của thằng bé lanh lảnh cất lên, thu hút sự chú ý của đông đảo người nghe. Những người trước đó tỏ ra xem thường, khinh bỉ giờ thì càng lúc càng gật đầu tấm tắc. Cảnh tượng này giống hệt ba mươi năm về trước. Cũng là đứa trẻ còn non nớt ấy, cũng là trí tuệ vượt trội ấy, trong thoáng chốc, hình ảnh của Bát Tư Ba và Dharma hòa quyện vào nhau, khiến tôi như đắm chìm trong ảo giác mơ hồ. Thì ra, người nay đã khác xưa, đang từng ngày già cỗi, thời gian như bóng câu qua thềm, tháng năm như giấc mộng thoáng qua.

Pháp hội lần này diễn ra trong vòng mười bốn ngày, phân nửa số tăng nhân đất Tạng đã đến tham dự. Chỉ riêng các nhà sư đã hơn bảy mươi nghìn người, nếu tính cả đám đông quần chúng, có lẽ phải tới hơn một trăm nghìn người. Ở một nơi mà dân số toàn vùng chỉ chừng sáu trăm nghìn người như đất Tạng thì buổi pháp hội lần này có thể nói là đông đảo chưa từng có. Bát Tư Ba thết đãi hơn vạn nhà sư một bữa cơm thịnh soạn, tặng cho mỗi vị một đồng tiền vàng và một bộ tam y [1], dù rất yếu, chàng vẫn đăng đàn thuyết pháp. Bát Tư Ba đã hiến tặng cho lần pháp hội này hàng nghìn lạng vàng, bạc nén và vô số lụa là, gấm vóc, lúc mì, dầu bơ...

Thái tử Chân Kim được xem là vị khách tôn quý nhất của pháp hội, đại diện cho Hốt Tất Liệt, ban tặng cho mỗi vị tăng nhân ba đồng tiền vàng. Kể từ khi Mông Cổ cai trị đất Tạng đến nay, chưa từng có một vương gia Mông Cổ nào đến vùng đất xa xôi này. Bởi vậy, sự có mặt của Chân Kim, với tư cách là nhà thống trị tương lai của đế quốc Mông Cổ, mang lại niềm vinh dự khôn tả cho các tăng sĩ đất Tạng. Mọi người đều hết lời ca tụng công đức của Chân Kim.

Vào ngày cuối cùng diễn ra pháp hội, Bát Tư Ba đã tuyên bố trước đông đảo quần chúng vùng Wusi rằng, cháu trai của chàng, Dharma sẽ là người kế thừa pháp thống của giáo phái và gia tộc họ Khon. Chú bé loắt choắt khoác lên mình chiếc áo cà sa thêu kim tuyến lấp lánh, lộng lẫy, đội mũ ngũ sắc rộng thênh thang, ngồi xếp bằng trên đài sen, thần thái trang nghiêm, đĩnh đạc khi tiếp nhận nghi lễ vái lạy tôn vinh của tín đồ và quần chúng.

Tôi nhìn thấy rất rõ ràng, ánh mắt hình mũi tên chĩa thẳng vào Dharma từ một góc khuất trong Phật điện. Đó là ánh mắt của Dani.

Cũng trong ngày hôm đó, khi mà Kunga Zangpo đang hả hê vì tin rằng mọi thứ vẫn nằm trong vòng kiểm soát của hắn, rằng một người đau yếu, bệnh tình nguy kịch như Bát Tư Ba chẳng thể làm gì được hắn thì Senge đã dẫn theo bảy mươi nghìn quân Mông Cổ, đột ngột ập vào Khanochang. Sau khi theo Bát Tư Ba vào cung bái kiến Hốt Tất Liệt, tài năng, trí tuệ của Senge lập tức thuyết phục được Nhà vua và lúc này Senge đang giữ cương vị là sứ giả của Tổng chế viện. Hốt Tất Liệt lệnh cho cậu ta dẫn theo bảy mươi nghìn quân Mông Cổ tiến vào đất Tạng, trợ giúp Bát Tư Ba tiêu diệt tên gian tặc Kunga Zangpo.

Dù tường bao của trang viên Khanochang có kiên cố cỡ nào, cũng không thể chống lại sức công phá mãnh liệt của hỏa pháo Mông Cổ. Võ tăng của Khanochang có đông đảo chừng nào, cũng không thể địch nổi sức mạnh vô địch của kỵ binh Mông Cổ. Do vậy, chưa đầy một ngày, cuộc chiến đã kết thúc. Binh linh của Senge tóm được Kunga Zangpo ở cửa phía đông khi trang viên Khanochang khi hắn vờ cải trang thành Dugong để bỏ trốn. Quân lính đã bắt trói hắn và đám người ủng hộ hắn, giải tất cả về Sakya.

- Kunga Zangpo, ngươi nói đi, ta và Kháp Na đối đãi với ngươi thế nào?

Bát Tư Ba gượng ngồi dậy, gương mặt chàng tái xám vì ốm yếu, bệnh tật nhưng vẫn trừng trừng nhìn Kunga Zangpo đang quỳ mọp dưới đất.

Đám áo quần trên người Kunga Zangpo xô lệch, nhàu nhĩ, trên gương mặt hắn xuất hiện nhiều vết thương, một bên má sưng húp. Hắn không dám nhìn thẳng vào Bát Tư Ba mà cúi sát đầu xuống đất, lí nhí đáp:

- Công ơn của pháp vương và cậu chủ Kháp Na đối với tôi vô cùng to lớn. Dù tôi có phải chết ngàn vạn lần cũng không báo đáp được ơn nghĩa của hai vị!

Đôi mắt Bát Tư Ba vằn vện những tia đỏ, chàng run lên vì giận dữ, trỏ thẳng vào mặt Kunga Zangpo:

- Vậy thì vì sao ngươi giết hại Kháp Na?

Kunga Zangpo vừa gào khóc thảm thiết vừa ra sức đập đầu xuống đất, máu tươi túa ra trên trán hắn:

- Tôi đâu có muốn! Sao tôi có thể đang tâm hãm hại cậu chủ? Cậu ấy là người tốt với tôi nhất trên đời này! Tôi thật sự không muốn làm việc đó! Tôi có một người vợ hiền, một đứa con ngoan, tôi muốn được sống yên ổn lắm chứ! Nhưng Chung Dorje và Yeshe đã ép buộc tôi. Nếu tôi không nhận lời, bọn chúng sẽ phơi bày thân phận thật sự của tôi, tôi sẽ mất tất cả, con gái tôi từ thân phận cô chủ sẽ trở thành nô lệ. Tôi không thể không vì mẹ con họ.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Tam y là áo cà sa các nhà sư mặc khi tham dự pháp hội.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi