ĐỨC PHẬT VÀ NÀNG: HOA SEN XANH

Tôi vừa khóc vừa gật đầu:

- Được, tôi sẽ truyền linh khí của cô cho Chân Kim...

- Không cần đâu. Không thực hiện được hoài bão trị quốc, nó quyết không chấp nhận cuộc sống sống mà như chết đó đâu. – Khabi thốt ra từng tiếng rất đỗi khó khăn. – Chỉ cần cô chịu ở bên nó những ngày cuối cùng của cuộc đời nó, để nó ra đi thanh thản, không còn gì nuối tiếc là ta mãn nguyện lắm rồi.

Nguồn linh khí dồi dào lan tỏa trong cơ thể tôi, cảm giác quen thuộc ùa tới, tôi cúi đầu và nhận ra làn da trắng nõn, mái tóc màu lam óng ánh lúc xưa, tôi đã lấy lại hình hài con người. Tôi ôm Khabi, nức nở:

- Khabi, cô bảo tôi tiếp tục sống chỉ để ở bên Chân Kim mấy ngày cuối đời thôi ư? Họ ra đi cả rồi, cô cũng bỏ tôi mà đi, chỉ còn lại một mình trên cõi đời vô nghĩa này, tôi sống làm gì nữa!

- Tiểu Lam, đừng tuyệt vọng, hãy sống tiếp bằng nội đan của ta và chờ họ chuyển thế đầu thai. Nếu trong lòng họ luôn nhớ đến cô, họ nhất định sẽ tới tìm cô.

Gương mặt hiền từ của cô ấy hướng về phía tôi, khóe môi nở nụ cười đôn hậu:

- Đừng buồn cho ta. Nhờ thân phận của Khabi, ta đã được tận hưởng mọi vinh hoa, phú quý, buồn vui, yêu ghét của cuộc đời này. Nay ta chỉ còn một việc sau cuối muốn cậy nhờ cô. Hãy hóa phép tạo ra thi thể của ta. Hôm nay, Hoàng hậu Khabi sẽ tạ thế...

Giọng nói của cô ấy yếu dần rồi tắt lịm, cơ thể cô ấy lạnh ngắt trong vòng tay tôi. Tôi ngửa đầu lên trời, nước mắt giàn giụa, tôi đã mất đi người bạn tốt nhất trên đời. [1]

Cái chết của Khabi khiến Hốt Tất Liệt vô cùng đau buồn. Khabi đã gắn bó với ngài hơn bốn mươi năm, luôn là hậu phương vững chắc của ngài. Hốt Tất Liệt truy tôn Khabi là Hoàng hậu Chiêu Duệ Thuận Thánh, hạ lệnh ngày sau sẽ chôn cất cùng Nhà vua. Chân Kim yêu mẹ sâu sắc, nên tin buồn này khiến cậu ta suy sụp. Bởi vậy, tháng một năm 1286, Chân Kim qua đời ở Đại Đô, không kịp dự tang lễ của mẹ mình.

Nhận lời ủy thác của Khabi, tôi đã ở bên Chân Kim trong ba ngày cuối cùng của cuộc đời cậu ấy. Chân Kim ra lệnh cho vợ con và toàn bộ người hầu rời khỏi phủ Thái tử, cả phủ đệ rộng lớn chỉ còn lại hai người. Chúng tôi nắm tay nhau, nhìn nhau qua làn nước mắt, trong căn phòng ấm cúng.

- Mai nở đẹp quá, cậu có thấy thế không?

Tôi đẩy xe lăn gỗ, đưa Chân Kim ra vườn ngắm hoa mai nở rộ. Chúng tôi dừng lại dưới một gốc mai đỏ thắm. Tôi khoác áo choàng nhung, lại gần một khóm mai, ngắt một bông, đưa cho Chân Kim:

- Đẹp không?

Chân Kim ngồi trên xe lăn, sắc mặt vô cùng võ vàng, tiều tụy, khoác trên người nhiều lớp áo dày cộm, ánh mắt di chuyển chậm rãi từ khóm mai sang gương mặt tôi, rồi ngừng lại rất lâu:

- Tiểu Lam, em còn đẹp hơn cả hoa mai. Ta thật hạnh phúc vì trước khi ra đi lại được thấy em trong hình dáng con người.

Tôi buồn bã cúi đầu, đặt hai tay lên bàn tay giá lạnh của cậu ấy:

- Đừng khờ như vậy, cậu còn rất nhiều tâm nguyện chưa hoàn thành, cậu nhất định sẽ vượt qua khó khăn này.

Cậu ấy đặt tay mình lên bàn tay tôi, nước mắt long lanh:

- Đừng giấu ta nữa. Ta biết mình chỉ còn sống được một vài ngày nữa thôi. Ta những muốn thay thượng sư chăm sóc em nhưng tiếc thay, khi em khôi phục được hình dáng con người, ta lại không còn bao nhiêu thời gian nữa.

Tôi ngồi xuống trước mặt cậu ấy, gác đầu lên cánh tay cậu ấy:

- Chân Kim, xin lỗi vì tôi đã không đền đáp được ân tình mà cậu dành cho tôi.

Bàn tay cậu ấy run run vuốt ve gương mặt tôi, nụ cười dịu dàng nở trên khóe môi:

- Ta không mong đợi em sẽ yêu ta. Trước lúc ra đi, có em ở bên ta thế này, ta mãn nguyện lắm rồi.

Cậu ấy ngước nhìn bầu trời xanh bao la, đôi mắt mỏi mệt chất chứa niềm nuối tiếc:

- Điều khiến ta day dứt duy nhất là ta đã không thể thực hiện đường lối cai trị theo Nho giáo. Người Mông Cổ chỉ có thể quản lý tốt quốc gia rộng lớn này bằng Nho giáo và phải hòa nhập với người Hán. Nếu không, thế nước chẳng thể bền lâu.

Đáng tiếc thay, các hoàng đế triều Nguyên sau này tuy đều là cháu con của Chân Kim, nhưng không ai có được tầm nhìn xa và tài thao lược như cậu ấy, nên chưa đầy một trăm năm sau, người Mông Cổ đã bị đánh bật trở lại vùng sa mạc phía bắc, kết thúc sự thống trị của triều đình nhà Nguyên ở Trung Nguyên.

Tôi ngập ngừng một lát rồi quyết định bày tỏ lòng mình:

- Chân Kim, thời gian ít ỏi còn lại, cậu nên dành cho vợ và các con mình. Họ rất quan tâm, lo lắng cho cậu, nhất là Khoát Khoát Chân. Chắc chắn cô ấy cũng muốn được ở bên cậu trong khoảnh khắc thiêng liêng cuối cùng.

Chân Kim nghiêng đầu ho khan, ho cả ra máu. Dù mệt mỏi tột độ, cậu ấy vẫn gắng gượng mỉm cười, gật đầu với tôi, bàn tay nắm chặt tay tôi dần buông lơi.

Tháng một năm 1286, Chân Kim qua đời. Trong nỗi day dứt, ân hận tột cùng, Hốt Tất Liệt đã thẳng tay trừng trị bè lũ Ahama, những kẻ rắp tâm đòi điều tra vụ án “nhường ngôi”. Hốt Tất Liệt còn lập con trai út của Chân Kim là Thiết Mộc Nhĩ làm Hoàng thái tôn. Sau khi Hốt Tất Liệt qua đời, Thiết Mộc Nhĩ lên ngôi hoàng đế, hiệu là Nguyên Thành Tông. Từ đó về sau, bất luận việc kế ngôi của triều Nguyên rối ren chừng nào, ngôi vị hoàng đế vẫn chỉ do cháu con của ba người con trai của Chân Kim luân phiên kế vị. Triều Nguyên có tổng cộng mười vị hoàng đế đều là huyết mạch của Chân Kim.

Trong lịch sử Trung Quốc, Chân Kim là hoàng thái tử đặc biệt. Cậu ấy thông minh, hiểu biết, nuôi hoài bão trị quốc lớn lao, từng là niềm hy vọng của các đại thần người Hán. Tiếc thay, Chân Kim mất khi tuổi đời còn quá trẻ, khiến người đời sau không khỏi thương tiếc, xót xa. Sau khi Chân Kim qua đời, triều Nguyên bắt đầu suy yếu.

Tôi hóa phép giấu đi mái tóc và đôi mắt màu lam, bước vào trạm nghỉ Qemin ở Dogans với tâm trạng vừa lo lắng vừa hồi hộp. Vậy là tôi đã lấy lại được hình dáng con người, vậy là tôi có thể đường hoàng ở bên Dharma với thân phận của Lam phu nhân. Và biết đâu, tôi sẽ có dịp nói cho thằng bé biết, tôi mới là mẹ ruột của nó.

Nhưng tôi đã rất đỗi sững sờ khi vừa bước vào cửa chính của trạm nghỉ. Lá cờ tang màu đen bay trên cao, dựa vào cột cao và độ lớn của lá cờ, tôi biết đây chắc chắn là tang lễ của một nhân vật quan trọng. Một dự cảm không lành dâng trong lòng tôi.

Những vuông lụa trắng treo khắp nơi trong trạm nghỉ, tất cả đều mặc tang phục. Tôi hốt hoảng túm tay người đi bên cạnh:

- Cho ta biết, ai qua đời?

Người đó quay lại, râu ria lởm chởm, hai mắt sưng đỏ, thì ra là Drakpa Odzer. Cậu ta kinh ngạc khi nhận ra tôi:

- Lam phu nhân về khi nào vậy? Vì sao đã mấy năm mà dung mạo của phu nhân vẫn không hề thay đổi?

Tôi không buồn trả lời cậu ta, đặt tay lên ngực, hỏi dồn:

- Là ai?

Cậu ta nghẹn ngào hồi lâu mới bật khóc thảm thiết:

- Là... là pháp vương...

Tôi như bị vạn mũi tên đâm xuyên qua tim, máu huyết dâng lên cổ họng, phun trào ra miệng, thấm đẫm ngực áo. Tôi bóp chặt cánh tay Drakpa Odzer, giọng nói lạc đi:

- Xảy ra khi nào?

- Pháp vương viên tịch lúc nửa đêm hôm qua.

Drakpa Odzer quỳ sụp xuống, dập đầu tới tấp, máu túa ra đầy trán, vừa gào khóc vừa bẩm báo:

- Bị cảm phong hàn nhưng pháp vương vẫn buộc chúng tôi tăng tốc trở về Đại Đô, ai khuyên can thế nào ngài cũng không nghe. Giữa chốn thâm sơn cùng cốc, chẳng thể tìm được lương y. Lúc đến trạm nghỉ, bệnh tình của pháp vương đã vô cùng nguy kịch, đến nửa đêm thì...

Tôi lảo đảo, bước chân như trên mây, mọi thứ xung quanh trở nên mờ nhạt, tôi lẩm bẩm trong vô thức:

- Pháp vương đang ở đâu? Mau đưa ta đi gặp!

Drakpa Odzer dìu tôi vào phòng Dharma. Dampa đang quỳ trước giường, cất giọng thê thiết:

- Đã thay xong y phục cho pháp vương.

Tôi lảo đảo lại gần, lúc nhìn thấy gương mặt trắng bệch của thằng bé, giống gương mặt của Kháp Na như hai giọt nước, tôi như muốn ngất đi. Tôi đưa tay run rẩy vuốt ve gương mặt con trai, da thằng bé lạnh thấu xương, tôi bật lên tiếng kêu thương xé ruột:

- Con trai của ta, con trai của ta, nó mới mười chín tuổi, còn chưa hoàn thành tâm nguyện của cha và bác nó, nó còn rất nhiều việc phải làm, cơn cớ gì ông trời lại bắt nó ra đi sớm như vậy!

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Hoàng hậu Khabi qua đời năm 1281, để đảm bảo tính logic của cốt truyện, tác giả đã đẩy lùi mốc thời gian này thành năm năm sau.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi