HẠC LỆ NGỌC KINH - BẠC NGUYỆT TÊ YÊN

Khi có công sự, Bạc Nhược U tuyệt đối không bao giờ chậm trễ. Sáng sớm hôm sau, khi trời vừa hửng sáng, nàng đã rời khỏi phủ, đi về hướng Lan Chính phường. Trên xe ngựa, nàng không khỏi hồi tưởng lại đêm qua --

Sau khi về nhà, nàng do dự mãi nhưng quyết định không kể với Trình Uẩn Chi về chuyện gặp Bạc gia đại tiểu thư. Nàng biết Trình Uẩn Chi vẫn còn hận Bạc thị sâu sắc, còn nàng, có lẽ do rời nhà từ khi còn nhỏ, lại được nghĩa phụ và nghĩa mẫu yêu thương, nên không coi người của Bạc thị là ruột thịt, trong lòng không nhiều oán giận. Nàng sợ nếu kể chuyện này, sẽ khiến Trình Uẩn Chi không vui và có khi xúc động mà tìm đến Bạc gia, trong khi hiện giờ không phải là thời điểm thích hợp nhất để quay về.

Đã không nói với Trình Uẩn Chi, nàng nghĩ cũng không nên nói cho Hoắc Nguy Lâu biết. Việc này giấu trong lòng có lẽ là đủ rồi, không cần nói ra miệng. Nhưng đêm qua không hiểu vì sao, nàng lại bất giác mở lời với Hoắc Nguy Lâu. Hoắc Nguy Lâu vốn có uy danh vang dội, sau hai tháng tiếp xúc, nàng càng cảm nhận được y là người danh xứng với thực. Sự tận tâm và kính phục của người dưới quyền dành cho y, cùng với những thủ đoạn quyết đoán, khôn ngoan, tất cả đều thể hiện rõ. Tuy y nghiêm khắc, lạnh lùng nhưng luôn tuân thủ công lý, lại có lòng nhân từ, đối đãi rộng lượng với những người như Tống Mị Nương. Từ đó, nàng thấy y không chỉ có khí chất của một võ tướng mà còn mang phong thái tao nhã, đáng kính trọng. Sự tin tưởng của nàng đối với y dần trở nên vững chắc, có thể sánh ngang với Trình Uẩn Chi.

Nàng không rành chuyện triều đình, nhưng biết quan trường là nơi đục trong khó phân. Tuy bên ngoài Hoắc Nguy Lâu có ác danh, nhưng trong mắt nàng, y chính là người hộ quốc vì dân. Triều chính Đại Chu hiện nay bình yên, ổn định, mà y lại nắm giữ công lao lớn lao. Một nhân vật như vậy, ai mà không cam tâm tình nguyện đi theo?

Suy nghĩ vẩn vơ, xe ngựa đã vào Lan Chính phường và dừng lại trước cửa Hầu phủ. Khi ấy, ánh bình minh vừa ló dạng, tia sáng bạc bắt đầu xuất hiện trên chân trời. Bước vào Hầu phủ, Bạc Nhược U nhận ra không khí nơi đây còn tĩnh mịch hơn cả đêm trước.

Nàng được báo cho đi về hướng chủ viện, người hầu ở Hầu phủ đã khá quen thuộc với nàng, cũng không cần đi theo sát. Đi một mình tới một ngã rẽ, chưa kịp gặp người ra đón, nàng nghe thấy tiếng kiếm ngân vọng từ một bên. Do dự giây lát, đôi chân như bị hút về phía ấy, nàng đi thẳng tới.

Qua giàn hoa phủ dây leo rậm rạp, nàng trông thấy Hoắc Nguy Lâu đang luyện kiếm ở xa xa. Y mặc bộ áo đen ngắn gọn, thái dương thấm đẫm mồ hôi, thân pháp nhanh nhẹn, kiếm phong sắc bén lấp lánh ánh sáng, như rồng bay trong gió. Thanh kiếm trong tay y tựa như có linh hồn, khiến cho hoa cỏ xung quanh cũng rì rào chuyển động theo. Đây không phải lần đầu tiên nàng thấy y luyện kiếm, nhưng lần này, nàng như sững sờ.

Từ lối vào khu vườn, Hoắc Nguy Lâu đã nhìn thấy nàng, nhưng y không dừng lại. Đến khi kết thúc, y quay người lại, bắt gặp ánh mắt chăm chú của nàng, khóe môi khẽ nhếch lên một nụ cười.

Lau mồ hôi trên trán, y bước đến gần nàng. Mồ hôi ướt đẫm mặt, nhưng từ y vẫn tỏa ra phong thái uy nghiêm, tựa như phát sáng, khiến nàng bất giác ngẩn người, quên cả hành lễ.

"Cầm."

Hoắc Nguy Lâu chìa thanh kiếm ra, không chút đùa cợt, ánh mắt trầm tĩnh nhìn nàng. Bạc Nhược U ngơ ngác nhận lấy, không ngờ thanh kiếm lại nặng hơn tưởng tượng rất nhiều. Tay nàng trượt xuống, suýt làm rơi kiếm, Hoắc Nguy Lâu buông tay, nhưng lập tức giữ lại cùng tay nàng, nhấc kiếm lên, khẽ nhíu mày:

"Hồn phách để đâu rồi?"

Bạc Nhược U giật mình, vội vã cúi người:

"Hầu gia..."

Hoắc Nguy Lâu cong môi cười nhẹ, tiếp tục sải bước về phía trước, Bạc Nhược U theo sau, cảm giác mặt hơi nóng lên. Từ góc độ của nàng, y trong trang phục đen đơn giản, nhưng vẫn toát lên dáng người vạm vỡ, từng đường nét cơ bắp rõ ràng, cao lớn mà tràn đầy sức mạnh. Nàng không dám nhìn tiếp, lặng lẽ dời ánh mắt.

Đến chủ viện, y cởi thắt lưng, gạt vạt áo ra. Phúc công công vừa bước ra đã thấy y quần áo xộc xệch, còn Bạc Nhược U lại ôm thanh kiếm to nặng, không khỏi thở dài, đi lên nói:

"Cẩn thận không lại bị thương."

Bạc Nhược U đưa kiếm cho Phúc công công, Hoắc Nguy Lâu đã đi mất dạng. Nàng xoa nhẹ cổ tay, thầm kinh ngạc, sao y có thể múa kiếm nặng như vậy mà trông nhẹ nhàng như nước chảy mây trôi.

"U U, con đến sớm quá."

Phúc công công ôm kiếm đi vào, nàng theo sau, cười nhẹ đáp:

"Nếu đến muộn, e rằng Hầu gia sẽ trách."

Phúc công công bật cười:

"Con đâu phải thuộc hạ chính thức của ngài ấy, hôm nay cũng đâu có nghiệm thi, sao phải lo bị trách cứ?"

Bạc Nhược U chỉ cười, không nói thêm. Nghĩ lại hôm qua, nàng thấy dáng vẻ khác biệt của Ninh Kiêu khi đứng trước Hoắc Nguy Lâu, ban đầu có chút kinh ngạc, giờ lại thấy dễ hiểu. Bởi vì bản thân nàng cũng không muốn khiến Hoắc Nguy Lâu thất vọng.

Tâm tư này đã sớm nảy sinh, ban đầu là vì nàng không phục khi thấy y có định kiến với nữ nhi, nên càng thêm nỗ lực. Đến khi tới Lạc Châu, vì có việc nhờ cậy nên nàng càng cẩn trọng hơn. Hiện tại, ngoài việc muốn làm tròn bổn phận, nàng vẫn không muốn phụ lòng tin tưởng của y.

Đáng tiếc nàng không phải nam nhi, nếu không đã có thể trở thành thuộc hạ chính thức của Hoắc Nguy Lâu, theo y lập công lớn, chẳng phải là hạnh phúc cả đời sao? (Windi: Nếu nàng là nam, Hầu gia lại chẳng biết giấu mặt vào đâu.)

Ý niệm vừa lóe lên, nàng tiến vào thư phòng và tiếp tục xem xét chồng sách. Đêm qua Hoắc Nguy Lâu nói rất đúng, hôm nay nàng tập trung lật lại các thiệp mời gần đây của Ngụy Linh. Ngụy Linh phần lớn viết theo lối chữ Khải thanh tú, có hai trang viết theo lối Hành thư, nét chữ ẩu tả, dường như cô ta không hài lòng nên viết vài dòng rồi dừng bút. Một thiếu nữ thanh xuân như Ngụy Linh, điều gì có thể khiến nàng cam tâm luyện tập thứ không hề am hiểu?

Phúc công công mang trà nóng vào, Bạc Nhược U nhớ lại lời Hoắc Nguy Lâu khi xem bản dập, bèn hỏi:

"Hầu gia từ nhỏ hành quân bên ngoài, nhưng dường như rất tinh thông thư pháp, nét chữ ngài ấy rất cứng cáp."

Phúc công công đặt chén trà xuống, nghe vậy thở dài, nàng nhìn ông khó hiểu.

"Nói ra con có tin hay không, nếu Hầu gia không ra chiến trường, chỉ cần tham gia khoa cử, có thể đã thành Trạng nguyên."

Ông thở dài tiếp:

"Hầu gia từ nhỏ đã học văn võ, cùng các hoàng tử học tại Quốc Tử Giám. Tám, chín tuổi đã viết thơ, văn biền ngẫu của ngài truyền khắp nơi, còn có học sinh chép tay lưu truyền."

Bạc Nhược U ngạc nhiên thật sự:

"Vậy Hầu gia... là thích hành quân nên mới lên chiến trường?"

Phúc công công lắc đầu:

"Không phải thích hay không thích, Hầu gia chỉ làm điều ngài nên làm."

Thấy nàng chưa hiểu, ông nói tiếp:

"Ngốc ạ, trong triều đình, văn thần thường lấy bút làm vũ khí, nhưng mạnh mẽ nhất vẫn là nắm quyền binh. Khi ấy, phương Bắc có giặc xâm lấn, Đại Chu cần người phòng thủ."

Nói xong, ông cảm thán:

"Hầu gia là đứa ta trông coi từ nhỏ, với vị trí Thế tử, có thể hưởng vinh hoa, nhưng ngài lại chẳng màng. Canh giữ Bắc Cảnh suốt năm năm, nắm giữ binh quyền không dễ, nhưng ngài buông bỏ mà không chút do dự, có được có thể buông, nên bệ hạ mới tin tưởng ngài như bây giờ."

Nghe vậy, lòng Bạc Nhược U không khỏi rung động. Trên phố dẫu đồn đãi nhiều, nhưng lời của Phúc công công khiến nàng càng thêm kính phục Hoắc Nguy Lâu. Một người tuổi nhỏ đã chịu gian khổ vì giang sơn, nàng tưởng y là người đam mê chinh chiến, không ngờ tuổi trẻ lại mang tài hoa văn chương như thế.

Không liên quan đến thích hay không thích, Hầu gia chỉ làm điều ngài nên làm.

Nói thì dễ, nhưng đã là con người, ai mà chẳng có thất tình lục dục. Nếu một người có thể vứt bỏ hết dục vọng, chỉ làm việc mà mình nên làm, hẳn là phải có tâm chí cứng rắn đến nhường nào, lại phải tự kiềm chế đến mức độ nào? Đáy lòng Bạc Nhược U tự nhiên dâng lên một sự kính ngưỡng.

Khi Hoắc Nguy Lâu bước vào thư phòng, y đã thay bộ y phục khác, vừa tắm qua nên tóc còn vương hơi nước, vẻ ngoài sáng láng, tinh thần phấn chấn. Bạc Nhược U thấy vậy, liền ân cần đứng dậy hành lễ.

Hoắc Nguy Lâu khoát tay, "Lật xem được gì rồi?"

Bạc Nhược U hơi ngẫm nghĩ rồi đáp, "Dân nữ phát hiện Nhị tiểu thư không chỉ đọc sách về luật pháp mà còn xem tranh vẽ. Nếu đúng là nàng cùng ai đó lén gặp nhau, thì đối phương hẳn là người rất am hiểu cả hai lĩnh vực này. Nhị tiểu thư là tài nữ của thi xã Lăng Tiêu, trong kinh thành cũng có không ít sĩ tử trẻ tuổi tài năng. Nhưng nếu người kia là con cháu thế gia, nàng cũng không cần phải giấu giếm gặp mặt như vậy."

Hoắc Nguy Lâu cười khẽ, "Tiểu thư thế gia với tài tử sa cơ, cũng là chuyện xưa thường thấy trong thoại bản. Gần đây nàng có phải đọc những truyện như thế không?"

Bạc Nhược U thoáng sững sờ, "Dân nữ... cũng chưa đọc nhiều, gần đây cũng không xem nữa."

Những câu chuyện tài tử giai nhân như vậy dễ gợi lòng mơ mộng, nhưng tâm tư Bạc Nhược U khá lạnh nhạt về phương diện này, đương nhiên sẽ không đặc biệt tìm đọc. Thế nhưng, Hoắc Nguy Lâu nghiêm túc nói, "Nếu chưa xem nhiều, nàng nên đọc thêm."

Bạc Nhược U chưa hiểu ý lời y nói, bấy giờ bên ngoài vang lên tiếng Phúc công công, "Hầu gia, Ninh Kiêu đến rồi."

Hoắc Nguy Lâu trấn định bước ra sau bàn dài, Bạc Nhược U cũng hướng mắt về phía cửa. Chốc lát sau, Ninh Kiêu nhanh chân tiến vào, thấy Bạc Nhược U ở đó, thoáng kinh ngạc, liếc nàng một cái.

Hoắc Nguy Lâu hỏi, "Có tin tức?"

Ninh Kiêu cung kính hành lễ, rồi nói, "Thị tì thân cận của Nhị tiểu thư xác nhận rằng tiểu thư từng đi các thư quán khác mua sách, nhưng không thường xuyên, vẫn thích lui tới thư quán Sùng Văn hơn. Còn về thư quán có chữ "Mặc" thì thị tì không nhớ rõ. Thuộc hạ suy đoán rằng hoặc Nhị tiểu thư rất ít khi đến chỗ khác, hoặc nàng đi mà thị tì không hay biết. Sau khi nhận lệnh Hầu gia, thuộc hạ đã điều tra suốt đêm, khắp kinh thành có khoảng ba mươi thư quán có tên kèm chữ "Mặc," nhưng loại con dấu trong sách đêm qua thì chỉ có năm nơi dùng."

Ninh Kiêu lấy từ tay áo ra một tờ giấy cuộn, "Trong năm thư quán đó, hai nơi ở phía Tây thành, hai nơi ở Đông thành và một ở Nam thành."

Bạc Nhược U vội hỏi, "Có nơi nào gần bờ sông Ngọc Khê ở Đông thành không?"

Ninh Kiêu gật đầu, "Hai nơi ở Đông thành đều gần sông Ngọc Khê, một ở chợ phía Đông, một ở Trường Hưng phường, gần nơi Nhị tiểu thư được phát hiện. Hôm qua khi thuộc hạ hỏi thăm ở thư quán Sùng Văn, gã sai vặt nhận ra Nhị tiểu thư vì nàng thường xuyên ghé thăm. Nhưng hôm qua nàng chỉ đến xem rồi rời đi, không mua gì, và cũng không gặp ai ở đó."

Bạc Nhược U hỏi tiếp, "Vậy có phải việc Nhị tiểu thư đến thư quán Sùng Văn chỉ là lấy cớ, còn mục đích thực sự là đến nơi khác?"

Hoắc Nguy Lâu đáp, "Hẳn là nàng đã đi về phía Đông thành."

Phố Phúc Thuận cách xa sông Ngọc Khê, nhưng thi thể của Ngụy Linh lại được phát hiện ở nơi khá xa phố Phúc Thuận. Nếu hung thủ bắt nàng đi về phía Đông thì rất khó, nên khả năng lớn là chính nàng tự đi về hướng đó.

Hoắc Nguy Lâu đứng dậy, "Xuất phát thôi."

Ninh Kiêu lập tức lui ra ngoài, Bạc Nhược U khẽ thở ra, định nói gì đó nhưng rồi ngừng lại, trong mắt lấp lánh vẻ chờ mong. Hoắc Nguy Lâu quay lại, "Muốn đi cùng không?"

Bạc Nhược U gật đầu, rõ ràng là đang chờ lời này của y. Hoắc Nguy Lâu nói, "Vậy thì đi theo."

Nói xong, y quay người đi trước. Đáy mắt Bạc Nhược U sáng lên, Ninh Kiêu thoáng nhíu mày, nhìn nàng rồi lại nhìn Hoắc Nguy Lâu, sau đó mới đi theo.

Ra đến cửa phủ, Hoắc Nguy Lâu đã lên xe ngựa, thấy Bạc Nhược U đi tới, y vén rèm xe nói, "Ngươi đi cùng bản Hầu."

Ninh Kiêu ngồi trên lưng ngựa, nghe vậy lông mày càng nhíu chặt, ánh mắt dán vào Bạc Nhược U như muốn tìm ra manh mối. Bạc Nhược U, tuy đã cùng Hoắc Nguy Lâu ngồi chung xe nhiều lần, vẫn có chút ngại ngùng, vội vàng leo lên xe.

Xe ngựa bắt đầu lăn bánh. Từ Lan Chính phường ở phía Tây thành đến Đông thành phải mất gần nửa canh giờ. Dọc đường, Bạc Nhược U vén rèm ngắm nhìn xung quanh, đồng thời trò chuyện về vụ án với Hoắc Nguy Lâu. Y thoáng nhìn nàng, mỉm cười, "Bản Hầu tiến cử nàng vào Kinh Triệu Phủ, Tôn Chiêu quả nhiên không thiệt thòi. Nàng chỉ chăm chăm nghĩ đến vụ án, không biết nói chuyện gì khác sao?"

Bạc Nhược U ngẩn ra, "Hiện vụ án cấp bách, dân nữ tất nhiên để tâm. Chẳng lẽ Hầu gia không quan tâm sao? Hầu gia không dễ gì có ngày nghỉ mà vẫn phải đi điều tra..."

Hoắc Nguy Lâu bỗng hỏi, "Ngươi từng nói nghĩa phụ nàng bệnh, giờ ông ấy sao rồi?"

Bạc Nhược U mỉm cười, "Nghĩa phụ biết y thuật, tự kê thuốc cho mình, giờ đã qua mùa đông, sức khỏe cũng khá hơn, đa tạ Hầu gia quan tâm."

Hoắc Nguy Lâu nghĩ một chút rồi nói, "Nếu không ổn, bản Hầu có thể gọi ngự y tới khám."

Bạc Nhược U lập tức cảm kích, "Đa tạ Hầu gia, nếu nghĩa phụ lại phát bệnh, dân nữ sẽ xin được nhờ Hầu gia."

Hoắc Nguy Lâu nhìn nàng, thấy nàng nghiêm túc không có tâm tư nào khác, cảm thấy vừa có chút khó hiểu, vừa đáng quý. Y tiếp tục hỏi về gia cảnh của nàng, ngay cả Lương thúc và Lương thẩm, nàng cũng kể cho y nghe. Suốt chặng đường, họ trò chuyện đến khi đến hiệu sách đầu tiên, mặt trời đã lên cao.

Hiệu sách đầu tiên tên là Hàn Mặc, tọa lạc ngay phố chợ phía Đông, không gian rộng rãi. Chưởng quỹ thấy khách quý đến, ban đầu niềm nở tiếp đón, nhưng khi thấy đám Tú Y Sứ theo sau, mặt lập tức thay đổi.

Hoắc Nguy Lâu dẫn Bạc Nhược U vào hiệu sách, nhìn quanh một vòng, ánh mắt dừng lại khi thấy bản dập hành thư của Thư Thánh thời tiền triều, liền hỏi, "Những bản dập này có nhiều người mua không?"

Chưởng quỹ khúm núm đáp, "Không nhiều ạ, bản dập này làm rất công phu, hai, ba tháng mới hoàn thành một quyển, giá không rẻ, chỉ những ai có tài học và muốn tinh tiến thư pháp mới mua."

Hoắc Nguy Lâu liếc sang Ninh Kiêu, Ninh Kiêu lấy một bức chân dung từ tay áo, hỏi, "Có thấy người này đến mua bản dập không?"

Đó là chân dung của Ngụy Linh, chưởng quỹ nhìn kỹ rồi lắc đầu nói chưa từng thấy qua.

Hoắc Nguy Lâu suy tư, không phải Ngụy Linh mua thì có thể là người khác mua rồi tặng nàng. Y hỏi thêm một số điều khác nhưng chưởng quỹ không biết gì thêm, liền đưa mọi người tới hiệu sách ở Trường Hưng phường phía Đông thành.

Sau khi xe ngựa đi thêm khoảng hai nén hương, họ dừng trước một cửa hàng thư họa tên Mặc Ý. Nơi này không chỉ bán sách mà còn tranh vẽ, nằm ngay bên sông Ngọc Khê. Tuy bên ngoài vắng lặng nhưng bên trong lại treo tranh mô phỏng danh tác nổi tiếng. Bạc Nhược U vừa bước vào đã ngỡ ngàng, cứ tưởng đó là tranh thật.

Chưởng quỹ nằm úp trên quầy hàng, đang mơ màng ngủ gật, nghe tiếng người bước vào vẫn không ngẩng đầu mà nói:

"Đọc sách xem tranh xin tùy ý, giá cả đã ghi rõ, không lo dối trên lừa dưới. Nếu muốn đặt riêng tranh vẽ mô phỏng hay chạm trổ sách bản dập, cần thương lượng giá trước rồi mới khởi công. Ngoài ra còn có thơ ca, tranh vẽ, văn chương của các đại tài tử kinh thành và... các thoại bản đang thịnh hành nhất hiện nay..."

Chưởng quỹ thao thao bất tuyệt, nhưng nhận ra có gì đó khác thường, bèn ngẩng đầu lên. Thấy Hoắc Nguy Lâu và Bạc Nhược U với phong thái bất phàm bước vào, ông lập tức bật dậy:

"Hai vị muốn xem gì?"

Vừa dứt lời, liếc mắt ra ngoài thấy đám Tú Y Sứ, sắc mặt chưởng quỹ hơi tái lại, vội vàng nói:

"Đại nhân, cửa hàng chúng tôi chỉ là làm ăn nhỏ, dù là tác phẩm thật hay bản mô phỏng đều có ghi rõ, tuyệt đối không có chuyện lừa gạt khách."

Hoắc Nguy Lâu quan sát chưởng quỹ thoáng chốc, rồi đi đến chỗ trưng bày bản dập, tìm kiếm những bản tranh vẽ mà Ngụy Linh thường xem, nhưng không thấy. Ánh mắt y trở nên trầm lặng, ra hiệu cho Ninh Kiêu. Ninh Kiêu lấy ra chân dung Ngụy Linh, vốn nghĩ nơi này hẻo lánh, sẽ không có đầu mối gì, nhưng chưởng quỹ lại khẽ "ồ" một tiếng.

"Tiểu nhân đã từng thấy vị tiểu thư này."

Câu nói của chưởng quỹ khiến nét mặt cả nhóm Hoắc Nguy Lâu đều khẽ biến đổi. Ông tiếp tục:

"Tiểu thư này rất thích tranh và thư pháp của Lục đại tài tử, suốt hai tháng qua đã đến hỏi nhiều lần, tiếc là đã để lỡ mất bức "Tùng Đào Đồ" và "Thương Lãng Đình"."

Hoắc Nguy Lâu nhướng mày hỏi:

"Lục đại tài tử là ai?"

Chưởng quỹ ngạc nhiên:

"Đại nhân không biết sao? Lục đại tài tử chính là Lục Văn Hạc, cháu ngoại của Lục Tế tửu ở Quốc Tử Giám. Mười lăm tuổi thi đỗ Tiến sĩ, vốn có thể là Trạng nguyên, nhưng vì bệnh nặng không kịp đến phòng thi. Tranh của hắn, không kém cạnh tác phẩm thật, và thơ văn hắn sáng tác gần đây rất có giá trị, một hai năm qua nổi tiếng khắp kinh thành. Tiệm chúng tôi có giao tình với Lục công tử nên thỉnh thoảng có thể đặt tranh của hắn, nhưng phải đợi đến nửa năm mới được một bức, quả thực cung không đủ cầu."

Hoắc Nguy Lâu biết Lục Tế tửu Quốc Tử Giám nhưng chưa từng nghe về Lục Văn Hạc, liền liếc mắt về phía phòng trưng bày:

"Tác phẩm nào của hắn có ở đây không?"

Chưởng quỹ cười khổ:

"Cửa hàng nhỏ chúng tôi tất nhiên không giữ được. Tác phẩm của Lục công tử vừa ra đã có người giành mất. Nếu đại nhân cần, tiệm có thể liên hệ hỏi một chút, nhưng có lấy được tranh hay không thì chưa thể chắc chắn."

Hoắc Nguy Lâu không bày tỏ ý kiến, hỏi tiếp:

"Vị tiểu thư kia thường xuyên đến đây?"

Chưởng quỹ gật đầu liên hồi:

"Trước đây chưa từng thấy qua, nhưng từ nửa năm nay cô ấy thường ghé. Tiệm chúng tôi có một số bảo vật trấn cửa, khách đến đây đều là người phóng khoáng, có lẽ vị tiểu thư này cũng nghe đâu đó mà tìm tới, tiếc là chưa mua được tranh và thơ văn của Lục công tử. Thay vào đó, nàng mua một số bản dập hành thư để về nhà nghiên cứu, vì biết Lục đại tài tử tinh thông loại chữ này."

Nếu Lục Văn Hạc thật sự đỗ Trạng nguyên, chắc chắn Hoắc Nguy Lâu sẽ biết đến, nhưng do hắn chưa nổi bật trong kỳ thi nên y không để ý. Lục Văn Hạc tựa như một tài tử kín tiếng, lại không màng danh lợi, điều này khiến y thấy nghi hoặc.

"Tranh và thơ văn của Lục Văn Hạc giá bao nhiêu?" Hoắc Nguy Lâu hỏi.

Chưởng quỹ đưa một ngón tay lên:

"Tối thiểu là một trăm lượng, có lần hắn ra một quyển thi văn tập, tiệm chúng tôi đấu giá được tới năm trăm lượng."

Hoắc Nguy Lâu nhướng mày:

"Nếu thật sự có tài năng như thế, tại sao hắn không tiếp tục dự thi khoa cử? Một người nổi danh đến vậy, lẽ nào không mong cầu một vị trí trong triều? Nhà hắn ở đâu? Có nguyện nhập sĩ không?"

Chưởng quỹ không đoán được thân phận của Hoắc Nguy Lâu, đành cẩn trọng đáp:

"Đại nhân nghĩ vậy là thường tình. Lục công tử có cốt cách của văn nhân, kinh thành có bao nhiêu hội văn nhã mời hắn, nhưng hắn đều từ chối, cũng không kiếm tiền bằng tranh vẽ. Làm người khiêm tốn, thần long thấy đầu không thấy đuôi, từng có văn biền ngẫu công kích triều chính."

Dường như nhận ra mình lỡ lời, chưởng quỹ vội chữa lại:

"Thật ra cũng không phải công kích, chỉ là đôi chút chất vấn, thành ra tâm nguyện nhập sĩ của hắn giảm sút. Nay tuổi đời đôi mươi, nếu thật muốn dự khoa cử thì hẳn đã thành Trạng nguyên từ lâu."

Chưởng quỹ thấy đám Tú Y Sứ mà chưa nhận rõ thân phận nhóm Hoắc Nguy Lâu, nên dám nói càn. Bạc Nhược U đứng bên không khỏi lo lắng thay cho ông, nhưng Hoắc Nguy Lâu chỉ mỉm cười lạnh nhạt:

"Dù là văn hào một đời cũng chưa chắc trở thành vị quan tốt. Nếu hắn chỉ biết chỉ trích nhưng lại không đủ gan xông pha để thay đổi, chẳng qua cũng chỉ là một thư sinh sa sút."

Chưởng quỹ nghe thế không khỏi trố mắt, hít sâu một hơi, đáp:

"Nếu đại nhân nhất quyết nói vậy... vậy tiểu nhân sẽ lấy tác phẩm của Lục công tử để đại nhân tâm phục khẩu phục."

Vừa rồi nói không có, bây giờ lại bảo có, Hoắc Nguy Lâu tỏ ra đầy hứng thú. Chưởng quỹ quay vào nội thất, Bạc Nhược U lắc đầu, đi dạo ngắm tranh trong phòng khách. Một lát sau, nàng chợt thấy trên kệ sách có một loạt thiệp mời bày ngay tầng thấp nhất, bèn cầm lên:

"Những thiệp này đẹp quá."

Hoắc Nguy Lâu bước lại gần, nhìn xuống vai nàng, khẽ cười nhạt:

"Đẹp chỗ nào?"

Nghe giọng y có chút bất mãn, Bạc Nhược U thoáng trầm ngâm rồi đáp:

"Nhìn kỹ lại, cũng chỉ thường thôi."

Lúc này Hoắc Nguy Lâu mới hài lòng. Ngay sau đó, chưởng quỹ bưng một bức tranh sơn thủy tỉ mỉ như ngọc ra mời xem:

"Đại nhân, xin mời xem. Đây chỉ là bản mô phỏng, nhưng vẫn lột tả được tài năng của Lục công tử. Đại nhân cảm thấy sao?"

Hoắc Nguy Lâu vừa nhìn qua bức tranh, mày lập tức nhíu lại:

"Bức họa này, ta đã từng thấy qua."

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi