HỒNG BÀNG LẬP QUỐC KÝ REWRITE

Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 65: Chính ủy Hoàng Anh Kiệt

Các trận đấu tập giờ đây càng ngày càng dễ với quân Hồng Bàng khi mà họ luôn có sự chỉ đạo cực tốt của Kiệt nhằm bố trí lực lượng nhanh chóng, bao vây và đánh bại những tên lính trẻ bằng sự áp đảo về mặt số lượng tại mọi vị trí giao tranh. Việc Kiệt chỉ huy dân quân Hồng Bàng càng đánh càng giỏi là một lý do để cho Lý Tuấn thấy cay cú. Từ bây lâu nay Lý Tuấn đã tự phụ với đám anh em đồng lứa là mình đủ khả năng để chỉ huy do gia đình có truyền thống binh nghiệp, bố là Hành quân Vệ úy, bản thân từ nhỏ đã được quan sát bố chỉ huy. Chính vì thế, đám anh em này mới theo nó. Giờ, đến một đứa trẻ 10 tuổi bày binh bố trận mà Tuấn cũng thua, vậy thì làm sao anh em còn tín nhiệm hắn nữa.

Trong cơn cay cú, Lý Tuấn thậm chí còn tuyên bố không cho Kiệt được phép chỉ điểm cho người của cậu nữa. Dân Hồng Bàng tất nhiên không thoải mái, họ cũng muốn duy trì mạch thắng. Đám lính phản bác ngay, chúng nói rằng trong chiến trận thì làm gì có việc được chỉ huy thoải mái thế, thằng nào đứng lên cao điểm là bị cung thủ nỏ thủ tìm diệt ngay.

Kiệt đồng ý với nhận định này, nhưng cậu ta không có ý hoàn toàn rút khỏi việc chi huy, trái lại, cậu đặt ra giới hạn nhất định cho việc quan sát trực tiếp của bản thân và thay việc tự mình đi quan sát bằng việc dùng các lính trinh sát. đứng quan sát thế trận ở trên cao, nhìn xem bố trí của hai phe, dự đoán cách tấn công, rồi thông qua đội ngũ liên lạc viên- những đứa chưa đủ 18 tuổi mang tin tức tới để những người tập trận có thể biến trận theo ý tưởng của mình. Cách vận hành mới này, đã gây khó cho dân quân Hồng Bàng một thời gian, bởi vì do chinh sát còn kèm, việc báo tin, quan sát thế trận gần như không bằng một nửa năng suất khi Kiệt tự mình quan sát, dẫn tới việc Kiệt phải suy nghĩ rất lâu về thế trận, thành ra mọi mệnh lệnh cậu đưa ra đều gần như chậm hơn diễn biến trong cuộc tập trận. Mệnh lệnh đưa ra chậm, bọn lính của Lý Tuấn phản xạ lại nhanh, nên dân quân Hồng Bàng không còn dễ dàng tạo đội hình có lợi cho bản thân nữa. Điều an ủi duy nhất là dân quân Hồng Bàng chưa thua.

Giờ đây, sau một thời gian dài tập luyện kỹ năng chiến đấu, lại có sự vượt trội trong ưu thế tổ chức, chỉ huy, thành ra dân quân Hồng Bàng có thể giữ thế bất bại, không bị áp lực tấn công của đối phương đè bẹp ngay, từ đó mà tận dụng lợi thế quân số để cân bằng lại.

Thế bất bại này khiến Kiệt thấy vui, vui bởi vì như vậy nghĩa là họ đã phần nào quen với việc chiến đấu. Song, đây chỉ là tập luyện, nên phải tính rằng trong thực tế mọi việc còn tệ hơn. Tức là thực tế muồn giữ được thế thủ, thì trong cuộc tập trận này họ phải thắng áp đảo, còn Kiệt thì phải thực sự có khả năng chỉ huy trơn tru bất chấp không có khả năng trực tiếp quan sát trận địa. Để làm được việc đó, Kiệt phải tính xa hơn một tí, thay vì tính từng chút một, thì giờ phải đưa ra một loạt các biến số và cách đối phó, để một mặt giúp quân mình ứng biến, mặt khác ép địch vào thế mình có lợi: nếu địch tiến lên theo hướng này thì ta làm ra sao, nếu địch chia quân ra thì thế nào, rồi thì bao nhiêu hướng tấn công,... Việc này rèn cho cậu ta khả năng ứng biến và dự đoán tình huống như một vị tướng thực sự và cũng giúp quân Hồng Bàng phải tập quen với sự ứng biến của chiến trận, khi mà thông tin hay bị chậm hoặc nhiễu loạn do tình hình cuộc chiến và không gian rộng lớn của chiến trường.

Ngoài ra, để cuộc chiến càng sát thực tiễn, khi mà những tên hải tặc là những kẻ giàu kinh nghiệm chiến đấu nên sẽ có cách chống lại chiến thuật của dân Hồng Bàng nhanh chóng, điểm yếu của những thế trận mà Kiệt đã tập cho dân Hồng Bàng được nói hết với lính của Lý Tuấn, giúp họ có thể nhắm vào điểm yếu này để đánh, không cho phép quân Hồng Bàng có một lợi thế tuyệt đối nào. Chính từ việc các thế trận không hoàn toàn vượt trội, thứ duy nhất dân Hồng Bàng có thể làm là tổ chức đội hình tốt và tăng cường năng lực chiến đấu dần dần.

Cuộc đấu càng ngày càng căng thẳng, thì đồng thời sự hòa thuận giữa dân quân Hồng Bàng, người dân Hồng Bàng và tụi lính trẻ cũng càng ngày càng trở nên tốt. Sống lâu với nhau, hai bên dần có sự thấu hiểu, người dân Hồng Bàng chất phác, bọn lính trẻ thì chưa nhiễm quá nhiều thói xâu. Hơn nữa, quân đội trọng sức mạnh, thua là do không đủ mạnh, nên Kiệt được Lý Tuấn bắt đầu tôn trọng. Thậm chí, Lý Tuấn còn tự tới gặp Kiệt để nói chuyện về vấn đề chỉ huy. Thua nhiều, Tuấn cuối cùng cũng chấp nhận mình kém hơn.

Cuộc trò chuyện diễn ra cởi mở vì hai bên đều có nhu cầu trao đổi. Lý Tuấn thì muốn được học phép dùng binh của Kiệt, vì hắn thấy cách chỉ huy quân của Kiệt thắng hắn, trong khi Kiệt muốn giúp Lý Tuấn mạnh hơn, để dân quân Hồng Bàng còn tiến bộ. Từ việc nhìn quân Lý Tuấn tiến công, Kiệt thấy được đội lính này vẫn kém quá nhiều, vừa không biết tới đội hình chiến đấu, mà tính hiếu chiến cũng không cao như đám cướp biển, một khi đám này bị thua vài lần, thì sẽ không còn quật cường đánh trả nữa, mà chịu thua luôn cho xong. Thế thì dân Hồng Bàng mà gặp lũ cướp biển thì họ thiếu chuẩn bị trước sự liều lĩnh của chúng. Qua nhiều kênh thông tin, Kiệt nghe về sự liều lĩnh tấn công không cần mạng của bọn cướp biển lắm khi còn làm quan quân bối rối, sự khát máu, cách đánh máu tanh của chúng trong chiến trường, tất cả thực rất khó mà làm được.

- Vậy là cậu muốn dạy bọn này binh pháp.

- Đúng thế, dân Hồng Bàng thắng dễ quá rồi, giờ họ đang dần kiêu căng. Tôi muốn họ chuyên tập luyện tập, bọn cướp không dễ đánh bại thế này đâu!

- Được!- Lý Tuấn gật đàu- Tôi cũng muốn xem xem binh pháp của cậu nhóc như cậu hay thế nào.

Bắt đầu từ lúc này, quân của Lý Tuấn được trải nghiệm cảm giác mà người dân Hồng Bàng từng trải qua khi bắt đầu được Hoàng Anh Kiệt tập luyện cơ sở. Những phương pháp huấn luyện này có những thứ dễ dàng vượt qua như tập thể lực, song cũng có những khó khăn, như là bài tập đội hình đội ngũ hay việc báo động đêm. Những việc như đi đều bước, báo cáo sĩ số,... hầu như không có tác dụng tức thì, nên họ chẳng hiểu gì cả, đã thế đám này học lực cũng chả cao, khẩu lệnh mãi mới thuộc. Còn báo động đêm, Lý Tuấn nói rằng nếu làm vậy dễ gây động trại, tức là binh sĩ trong cơn hoảng loạn có thể đánh lẫn nhau do căng thẳng thần kinh.

- Luyện mãi sẽ quen thôi!- Kiệt thản nhiên đáp lại- Các anh nghĩ rằng địch sẽ chờ các anh thức dậy, ăn no, nghỉ ngơi rồi đánh à. Bọn nó là cướp biển, chúng đánh bất kỳ khi nào chúng thích.

Quả thực, luyện mãi thì cũng quen, với cả khi mà đám này đã thua trước đội quân do Kiệt huấn luyện, thì chúng chả có tiếng nói để nhận xét phương pháp này hay dở ra sao.

Luyện cho quân của Lý Tuấn quen với việc làm việc có tổ chức rồi, Kiệt cho bọn này đi làm cướp biển để kiểm tra việc quân Hồng Bàng phòng ngự thế nào trước một cuộc tấn công. Một đêm nào đó, đám này dưới sự chỉ huy của Kiệt thức dậy ban đêm, tiến lại gần trạm gác, đánh chuông báo động, tính giờ để sao cho đúng thời gian từ khi phát hiện cướp biển chèo thuyền lại được vào bờ rồi bắt đầu tấn công. Bọn nó vượt qua hết thảy các trạm gác, tiến lại gần làng trong khi dân quân Hồng Bàng còn chưa kịp tập hợp, và việc bọn nó làm chính là lấy một ít bùn bôi hết lên trên tường những ngôi nhà bọn nó bắt gặp.

- Vậy là làng ta đã cháy thành than!- Sau khi mọi chuyện đã xong, Kiệt bình thản trình bày mọi thứ. Những ngôi nhà bị bôi bùn đen là để thay cho việc cướp biển châm lửa đốt.

- Nhưng mà làm thế này ai mà ngờ được.

- Cướp biển cũng không bao giờ báo cho ta biết bao giờ chúng tấn công đâu!- Kiệt thản nhiên đáp.- Mai cả làng không ăn cơm, vì làng bị đốt sạch rồi đó. Hãy ăn thử lại món cháo mà ta từng ăn khi làng bị hủy nhé

- Nhưng mà bọn nhỏ sẽ đói!

- Đói ngày mai chưa có chết ngay đâu, nhưng bị cướp vào là chết thật đấy!

Món cháo mà làng Hồng Bàng phải nấu để ăn những ngày đầu sau khi làng bị đốt là một thứ hổ lốn gạo, rau rừng, cám,... cốt để làm cho no bụng, vị thì cực tệ. Những người dân Hồng Bàng bấy lâu được ăn ngon, nay phải ăn lại thì không thể chịu được, và họ gần như không ăn nổi. Trong khi đó, những người lính của Lý Tuấn thì được Kiệt cho ăn thật ngon: thịt gà cá gỡ, ngon gấp mấy lần ngày thường.

- Đây là bữa tiệc bọn cướp biển hưởng thụ sau khi đốt làng ta.- Kiệt giới thiệu- Mọi người có thể bỏ bữa ăn hôm nay, mai vẫn ăn như bình thường, nhưng đây là vì ta đang tập trận giả thôi. Thực tế là sau khi làng bị đốt, ta đã ăn thứ này trong cả tháng trời. Có ai muốn ăn nó cả tháng nữa không?

- Không!

- Có ai muốn ngủ ngoài trời như sau khi làng bị đốt không?

- Không!

- Có ai muốn thấy người thân chết giống nhà Trần Bát không?

- Không!

- Vậy thì từ nay cố mà làm tốt việc chuẩn bị đón lũ cướp biển đi.

Sau buổi thị phạm sơ qua hậu quả của việc lơ là phòng ngự đó, dân làng hiểu ra, không ai dám sơ sẩy nữa. Kiệt cũng đề nghị toàn bộ mọi người phải lần lượt đóng vai tấn công và phòng ngự, để đúc rút ra sai lầm của việc phòng ngự trong làng. Để cổ vũ hai phe, nếu phe phòng ngự thành công, họ ăn cơm hơn bình thường một tí, gọi là ăn mừng, trong khi đám giả làm cướp bị mời ăn thủ cơm với muối, gọi là cơm tù. Còn khi phe “ cướp” thắng, những món thịt nướng, gà luộc, cá chiên,.. được mang ra để cho bọn nó ăn, trong khi tất cả những ai tham gia phòng ngự ăn món cháo cám lợn mà dân Hồng Bàng ăn khi mất làng.

Thông qua những lần thưởng phạt như thế, Kiệt một mặt kích thích sự chủ động sáng tạo của hai bên tham gia để họ tự giác tìm tòi sáng tạo, một mặt giữ vững tinh thần chiến đấu bảo vệ quê hương khi mà buộc họ lần nữa đối mặt với việc nếu làng lại bị hủy diệt. Không ai dám lười biếng, không ai dám ỷ lại. Thấy tinh thần mọi người càng hăng hái, Kiệt cũng đề nghị nên tăng thêm hạng mục rèn luyện. Từ bây giờ, toàn bộ nam giới và người dân trong làng phải cùng quân của Lý Tuấn tập huấn, chia làm ba cấp: Cấp một là bé nhất, tập như hiện tại. Cấp hai thì yêu cầu toàn bộ nam giới trong làng phải chia đểu ra hai quân, để Tuấn chỉ huy một cánh, Kiệt chỉ huy một cánh, hai bên tập trận giả, mô phỏng cuộc chiến ngăn chặn cướp biển. Cấp ba, cấp cao nhất, thường thì cả tháng mới luyện một lần, là luyện tập di tản trong khi cướp biển tấn công, bên ngoài chiến đấu, bên trong di tản, và đánh trận này thường kéo dài hàng 3-5 ngày, áp dụng hết mọi điều kiện thực tế nhất.

Giờ thì với các cuộc tập huấn cấp hai và cấp ba, do quân số đông hơn, việc chỉ huy gặp khó khăn, Tuấn nhờ Kiệt tư vấn. Kiệt đồng ý, nhưng cũng muốn đổi lại là được ông anh này giúp phong cho một cái chức nhỏ để tiện nói chuyện với lính của Tuấn.

- Chức tước trong quân cấp anh mày không dễ phong tặng.

- Đâu phải tước chính thức, một cái tước phong cho oai thôi. Vì ta phải đổi quân cho nhau thường xuyên, anh em binh sĩ bên anh cũng phải tôn trọng thằng em này một tí chứ.

- Thế chú mày muốn chức gì?

- Chức chính ủy đi!

- Ha ha ha, nghe lạ đó. Nhưng mà Chính ủy thì làm gì?

- Chính ủy là người phụ giúp chỉ huy về công tác tư tưởng. Ông anh thấy đấy, ban đầu dân Hồng Bàng thì sợ sệt, lính ông anh thì kiêu căng, sau đó khi bên Hồng Bàng thắng thì họ dần lười biếng, không có em ra tay, thì liệu mọi thứ có được như bây giờ. Mà em thay đổi gì nào, chủ yếu là thay đổi tinh thần, tư tưởng, khiến mọi người hăng hái lên thôi. Nên thằng em nghĩ chức Chính ủy là được.

- Tốt, vậy Chính ủy Hoàng Anh Kiệt, tôi hoan nghênh cậu.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi