HỮU PHỈ

Lý Thịnh phí công lo lắng bất an suốt nửa đêm, bị Chu Phỉ làm giận đến mức mũi sắp méo qua tai, lập tức dùng chiêu Thiên Cân Trụy, đứng như cái cọc cố định, hỏi:

– Theo muội đi đâu? Muội đi làm gì? Tại sao rề rà lâu như vậy không chịu về, còn nữa…

Hắn cau mày, quan sát những vết bẩn chỗ đen chỗ trắng trên người Chu Phỉ, rất không hòa nhã đánh rớt móng vuốt bẩn của nàng, đang định hỏi nàng lăn trong vũng bùn nào mà thành ra thế này.

Chu Phỉ sờ sờ trên người, lấy ra một bọc vải nhét cho hắn, thản nhiên nói:

– Đúng rồi, còn cái này, huynh cầm đi.

Lý Thịnh nghi hoặc nhận lấy:

– Cái…

Hai chữ “gì vậy” còn kẹt nơi cổ họng, Lý Thịnh đối diện với đôi mắt Niết Bàn cổ mẫu bị đao sắc bổ thành hai nửa.

Hắn giật mình không nhẹ, trái tim trong ngực từ “thong thả đi đường” biến thành “chạy thục mạng”, suýt vọt theo cuống họng tung lên đỉnh đầu.

Lý Thịnh run run tay, phản ứng đầu tiên là muốn ném nó đi, sau đó lại nghĩ cổ mẫu này tuy là tà vật nhưng vô cùng trân quý, thế là lại lật đật nâng nó lên, nhất thời cũng không biết mình muốn ném hay muốn nâng, hai tay xoắn xuýt.

Khó khăn lắm hắn mới cầm Niết Bàn cổ mẫu trong tay, chỉ cảm thấy thứ này nặng trịch, cánh và cơ thể như xương trắng vô cùng cứng rắn, xuyên qua lớp vải cộm vào tay hắn, nhưng vùng bụng lại vô cùng mềm mại, như loại sâu gặm lá cây sống, bấm nhẹ vào hình như còn phát ra tiếng “òm ọp” đáng sợ.

Lý Thịnh cứng ngắc toàn thân, run run hỏi:

– Đây là gì?

– Con cổ mẫu trên người Ân Bái.

Chu Phỉ:

– Hình như là thứ ghê gớm lắm. Muội cũng không biết nó có thể làm gì, huynh cứ cất đi, lỡ có công dụng thì sao.

Giết thì giết, không đốt xác ngay tại chỗ lại còn cầm về!

Lý Thịnh cảm giác sau này mình mà thấy mấy con sâu lông lá e là sẽ nổi hết da gà, hận không thể mất đi tri giác đôi tay, gắng bình tĩnh, cuối cùng cũng không hét lên ném nó vào mặt Chu Phỉ.

Chu Phỉ dùng dăm ba câu giải thích lai lịch của Niết Bàn cổ rồi nói:

– Ca, huynh đi với muội một chuyến chứ, chúng ta đi thăm dò cấm địa Tề môn, không phải Xung Vân Tử từng dạy huynh ít thứ sao? Mấy trận pháp làm khó người ta đó muội không biết phá.

Lý Thịnh hừ một tiếng:

– Cầu xin huynh à?

Hắn vừa nói vừa hơi không yên tâm quay đầu nhìn quanh Liễu gia trang ồn ào, cứ cảm thấy mình chạy theo Chu Phỉ như vậy không hay lắm.

Chu Phỉ không kiên nhẫn:

– Huynh quản họ làm gì, ngày mai họ có thể đồn huynh dùng một kiếm đâm chết 250 Ân Bái, ngày mốt lừa huynh đi làm võ lâm minh chủ, ngày kia nói không chừng là Bắc Đẩu hay ma đầu ở xó xỉnh nào đó muốn kiếm chuyện với huynh, cộng thêm đủ loại thiếu hiệp đầu óc có bệnh cả ngày tìm huynh đưa chiến thư, qua thêm vài ngày nữa, vì chút chuyện vặt vãnh, hơi không chú ý chút, nói không chừng huynh lại biến thành “khó xứng với danh thơm”, Hoắc Liên Đào kế tiếp chính là huynh.

Những lời này của nàng nghe hơi cực đoan, Lý Thịnh thoạt đầu dở khóc dở cười, vốn định trưng ra uy phong đại ca, dạy dỗ nàng không được “hận đời” như thế, nhưng chợt nhớ mấy lời Nghê Thường phu nhân nói với hắn bèn dần cười không nổi.

Chưa đợi Chu Phỉ nói xong, Lý Thịnh liền cởi áo ngoài của mình ra, bọc con Niết Bàn cổ kia kín mít ba tầng trong ba tầng ngoài, sau đó thắt nút hai đầu, sửa thành một gói nhỏ móc bên hông, nói với Chu Phỉ:

– Huynh đi đón Lý Nghiên trước đã.

Vì sợ cái miệng không khóa của Lý Nghiên nên trước đó Lý Thịnh đã đưa Lý Nghiên và vài đệ tử tương đối thận trọng trong 48 trại ở chung trong một khách điếm gần Liễu gia trang, với mỹ danh là để muội ấy “tiếp ứng”, kỳ thực chỉ là gửi muội ấy lại đó. Đi một chuyến rồi về cũng không mất bao nhiêu thời gian.

Lý Nghiên sẽ đến nhanh thôi, Chu Phỉ cũng lặng lẽ thông qua người của 48 trại đưa Ngô Sở Sở ra ngoài.

Lý Thịnh để lại thư từ biệt khách sáo với Liễu lão gia, thông báo với các tai mắt trong trại một tiếng rồi thần không biết quỷ không hay chuồn khỏi Liễu gia trang, thuận đường xuôi nam.

Qua sông Hoài, vào địa giới Nam triều, lại đi một mạch về tây, nhanh chóng đến đất Sở.

Lá khô phủ Tế Nam đã rơi hết mà đất Sở vẫn nóng ẩm chưa tan, nắng gắt cuối thu đang giãy giụa hơi tàn. Sơn đạo gồ ghề khúc khuỷu, hai bên đường cách vài dặm sẽ có một lán trà đơn sơ cho các nông dân và khách qua đường ghé nghỉ ngơi, thu mấy đồng tiền.

Đỉnh lán trà bị dột, một thiếu niên đang xắn ống quần lấy cỏ tranh đắp lên, trong lán có ba băng ghế và một cái bàn đã có người ngồi, khách qua đường khác chỉ có thể mua ít nước uống và lương khô đứng bên cạnh ăn hoặc mang đi.

Lý Thịnh đặt một đồng tiền xuống, cầm ấm trà thô rót xong trở tay đưa cho Chu Phỉ, còn mình thì bưng chén trà mẻ từ từ uống trà nóng, muốn toát mồ hôi và nghỉ chân một chút.

Vừa nghỉ chân thì nghe mấy hán tử chiếm ghế dài trong lán trà nghị luận:

– …Ai cũng đồn vậy mà, ta thấy Thiết diện ma chắc hẳn chết thật rồi.

Lý Thịnh khựng lại, nhìn sang qua làn hơi nước nóng.

Một hán tử khác nói như đinh đóng cột:

– Chết! Có thể không chết sao? Ta nghe nói Thiết diện ma đó có ba đầu sáu tay, bị thiếu hiệp Lý gia đưa vào bẫy, cả trăm người không làm gì được gã. May có Lý thiếu hiệp gặp nguy không sợ, chỉ huy mọi người chặn giết, tự tay chém lần lượt ba đầu sáu tay của gã, quái trùng chết như ngả rạ, hôm sau đốt còn nghe bên trong có tiếng quái vật rít gào, kinh thiên động địa, mấy con sâu đó rõ ràng đã nát bươm nhưng trong lửa lớn lại ánh lên một bóng người cao to, đầu có hai sừng, mắt mở trừng trừng… mọi người nói có quái lạ hay không?

Lý Thịnh suýt bị nước nóng sặc chết, bỏng ho sù sụ như chết đi sống lại, vành mắt cũng đỏ lên.

Ba hán tử đang tán gẫu kia khó hiểu quay đầu nhìn hắn, thấy hắn chỉ là một tên thư sinh “yếu đuối” thì không để ý nữa, vẫn tự nhiên thảo luận:

– Lý thiếu hiệp rốt cuộc là ai vậy?

– Cái này mà ngươi cũng không biết? Có nghe nói Nam đao chưa? Là Nam đao của 48 trại ở Thục Trung đấy! Lý thiếu hiệp chính là trưởng tôn của Nam đao Lý Chủy.

– Đây đúng là một trận chiến thành danh, chậc chậc, hoặc là nói Trường Giang sóng sau xô sóng trước…

Lý Thịnh thực nghe không nổi nữa, bỏ chạy như ma đuổi, giục nhóm Chu Phỉ:

– Đi mau đi mau!

Thính lực Chu Phỉ cực tốt, sớm đã nghe hết không sót chữ nào:

– Hóa ra Lý thiếu hiệp không phải chém 250 Ân Bái mà là chém Thiết diện ma ba đầu sáu tay, thất kính!

Lý Thịnh:

– Còn nói nhảm nữa thì tự cầm bản đồ mà cút.

Chu Phỉ và hai nữ tử trong xe ngựa cười nghiêng ngả.

Có điều xét tổng thể, trừ những lời đồn quăng tám sào tre cũng không tới này ra, cộng thêm Chu Phỉ và Lý Nghiên thường xuyên phỉ nhổ Lý Thịnh, lần nào cũng chọc hắn tức lồng lộn, thì quãng đường này miễn cưỡng xem như thái bình.

Hôm đó, đoàn người đi đến Giang Lăng, không biết có phải Lý Thịnh dẫn sai đường không mà gần đó ngay cả một bóng người cũng không có, đám Chu Phỉ nhân lúc trời còn sớm, dừng chân cho ngựa uống nước ven đường.

Chợt nghe phía sau có tiếng khoái mã đuổi tới, kỵ sĩ kia như hận ngựa mình không thể mọc thêm đôi cánh, quất roi vang rền, chưa tới cạnh Chu Phỉ, kỵ sĩ đã vội vã rút đao, đứng trên lưng ngựa, giơ lên phía sau Chu Phỉ như Thái Sơn đè xuống đỉnh đầu, tiếng “leng keng” của Nhạn Sí Hoàn đao dọa con tuấn mã trẻ giật mình, chân dài giơ cao, người trên lưng ngựa thuận thế bổ xuống, chém về phía Chu Phỉ.

Lý Nghiên thét lên kinh hãi.

Chu Phỉ chợt xoay người, Toái Già chưa ra khỏi vỏ đã chống đỡ một đao ập xuống đầu ấy, thần sắc nàng không thay đổi, dường như hoàn toàn không để ý trình độ đánh lén này, giơ ngang đao chặn lại, sau đó khéo léo hất lên trên.

Người trên lưng ngựa bướng bỉnh không chịu nhận thua, muốn cứng rắn đấu với nàng, song sức mạnh truyền qua đao Toái Già của Chu Phỉ không lớn lại vô cùng khéo léo, nàng nhẹ nhàng vẫy, vừa khéo phá hỏng thế cân bằng giữa kỵ sĩ, ngựa và Đại Hoàn đao.

Kỵ sĩ ngửa ra sau, gian nan kéo cương giữ vững cơ thể, Nhạn Sí đao thoát lực, trượt xuống.

Chu Phỉ không cần nhìn cũng biết là ai, không thèm ngẩng đầu, nói:

– Dương cục than, ngươi ăn no rửng mỡ à?

Người trên ngựa chính là Dương Cẩn, y đánh lén từ xa, bị chất vấn mà không mảy may xấu hổ, tức giận trừng Chu Phỉ:

– Ta đưa thiếp mời ước chiến với cô, cô năm lần bảy lượt giả vờ ứng chiến, bảo ta đi làm việc cho cô, ta làm xong việc rồi, cô lại lật lọng, người Trung Nguyên các cô…

Lý Thịnh ngắt ngang tràng lên án thao thao bất tuyệt của y, hỏi:

– Sao Dương huynh lại bỏ người trong môn phái mình lại, một mình chạy tới đây?

Dương Cẩn vừa mới giao thủ, cảm nhận được sự chênh lệch giữa mình và Chu Phỉ nên càng nóng nảy.

Y khoát tay, nói:

– Ta không làm chưởng môn Kình Vân Câu nữa, cả ngày từ sáng đến tối bị mấy chuyện vặt vãnh quấn mãi, loại chuyện rắm thối như vườn thuốc nào mọc cỏ tạp cũng tìm ta xử lý, hại ta không có thời gian luyện đao.

Lý Nghiên ló đầu ra sau Chu Phỉ, hỏi:

– Ta nghe nói quý phái chỉ trọng dược lý không trọng võ công, rõ ràng là ngươi dùng vũ lực cưỡng bức mới được làm chưởng môn, kết quả ngươi làm được vài ngày rồi chê không làm nữa, ngươi là con nít à?

– Nói bậy, ta là bị họ lừa đi tỷ võ!

Hai hàng chân mày rậm của Dương Cẩn dựng thẳng, y tức giận nói:

– Tuy đánh thắng một đám dược nông cả ngày làm ruộng không có gì thú vị, nhưng đã là tỷ võ thì đương nhiên phải thắng, đâu ai nói ta biết họ đang tuyển chưởng môn kế nhiệm đâu! Cái đám… thôi không nói nữa. Nè, Lý huynh, mấy người đó đều đang tìm huynh kìa, mọi người định đi đâu thế?

Lý Thịnh khách sáo đáp:

– Bọn ta định vòng qua phía nam đi Thục Trung, chạy vặt thay người nhà một chuyến, xong thì về thôi.

Lý Thịnh không muốn đã liên lụy tới người nhà rồi còn kéo theo một đám người không liên quan – đặc biệt Dương Cẩn còn là một kẻ đại phiền phức không thua kém gì Chu Phỉ, bởi vậy từ thời gian, địa điểm cho tới tuyến đường, mục tiêu, không có câu nào hắn nói thật, vô cùng hiển nhiên là muốn lừa gạt tiểu tử ngốc này, để y tự động rời đi.

Ai ngờ Dương Cẩn không hề biết nhìn sắc mặt người khác, nói không chút quanh co:

– Vậy được, ta tiễn các ngươi một đoạn.

Lý Thịnh:

– …

Chu Phỉ gõ Toái Già trên đùi hai cái, cười nhạo.

Dương Cẩn trừng nàng, Chu Phỉ liếc xéo lại y, nói:

– Bọn ta cần ngươi tiễn chắc?

Nhưng rất nhanh, Chu Phỉ liền trả giá cho vạ miệng của mình.

Cục than đệ nhất Nam Cương này trịnh trọng sờ vào ngực, lấy ra một mảnh giấy nhăn nhúm, phí sức chín trâu hai hổ vuốt cho phẳng rồi đập vào mặt Chu Phỉ.

Chu Phỉ:

– …

Nét mực trên giấy dính cục với nhau, thỉnh thoảng mới có thể nhận ra vài nét xiêu xiêu vẹo vẹo, nếu căng mắt ra nhìn kỹ thì có thể thấy loáng thoáng bóng dáng chữ Hán, thực có thể trực tiếp dán lên cửa trừ tà trấn trạch.

Chu Phỉ khó khăn đọc lên:

– “Chí” thư… tháng tám năm Giáp Ngọ, “Ìn” Vân… gì… ờ, Câu, chưởng môn “Ìn” Vân Câu Dương Cẩn, “mợi” Nam đao một… một trận chiến, quyết phân thắng bại…

Chữ “chiến” viết thiếu một nửa, chữ “Kình” bị chém khúc giữa, chữ “mời” viết sai, chỉ nhắc “Nam đao”, không nhắc Chu Phỉ, không biết có phải vì Dương chưởng môn không biết viết chữ “Phỉ” không.

Dương Cẩn chưa đợi nàng đọc xong cũng biết mình bêu xấu, đỏ mặt tía tai, giật tờ giấy đó lại.

Lý Thịnh và Ngô Sở Sở đều có hàm dưỡng nên gắng nhịn được, vẻ mặt bình thường, nhưng Lý Nghiên thì không quản được nhiều như vậy, cười phá lên.

Chu Phỉ dở khóc dở cười:

– Dương chưởng môn, sao viết chiến thư mà ngươi cũng có thể bớt xén thế, chỉ viết có nửa chữ?

Mặt than đen của Dương Cẩn bị nung thành mặt than hồng, nói với Chu Phỉ:

– Rút đao!

Chu Phỉ đang bận đi tìm cấm địa Tề môn, nào có tâm trạng dây dưa với y, quăng lại một câu “không ứng chiến”, lời vừa dứt, nàng đã xa ngoài mấy trượng, tung người lên ngựa chạy.

Dương Cẩn lập tức đuổi theo:

– Cô sợ à?

Chu Phỉ đáp không chút để ý:

– Phải đó, ta sợ chết đi được!

Lý Thịnh lười quản họ, ung dung lên ngựa, thong thả đi về trước, đột nhiên, Chu Phỉ đi phía trước chợt ghìm cương, ngựa lùi về sau nửa bước, nàng hơi ló người ra, cau mày nhìn ven đường.

Trong bụi cỏ ven đường có vài thi thể áo quần lam lũ nằm ngang dọc đều mặc trang phục nhà nông bình thường, bên cạnh có một sọt đầy cỏ khô, trong sọt hình như có vật sống luôn ngọ nguậy, bị tiếng vó ngựa làm giật mình, run cầm cập mới cứng đờ lại.

Chu Phỉ tài cao gan lớn, tung người xuống ngựa, dùng Toái Già hất cái sọt đang úp lên trên.

“Vật” bên trong co rúm sợ hãi nhìn chằm chằm nàng.

Đó là một đứa trẻ khoảng 2-3 tuổi, gầy đét, rơm rạ đầy người.

Chu Phỉ liếc thi thể bên cạnh, nhớ tới vùng kỳ lạ không chút bóng người này, chợt cảm giác có gì đó không ổn, bèn nửa quỳ xuống, nói với đứa trẻ kia:

– Nhóc là con cái nhà ai, cha mẹ đâu?

Đứa trẻ cắn chặt miệng, nhìn trường đao trong tay nàng, sợ đến mức con ngươi co lại thành một chấm nhỏ, không dám lên tiếng, lồng ngực bé xíu nhấp nhô dồn dập, run càng dữ dội hơn.

Lúc này, nhóm Dương Cẩn và Lý Thịnh đuổi tới.

Ngô Sở Sở kéo Toái Già ra sau Chu Phỉ:

– Cất đao của cô đi… mọi người đừng vây quanh nó, để ta thử xem.

Chu Phỉ không nói gì lui sang một bên, đi lật xem mấy xác chết bên cạnh. Tổng cộng có bốn người chết, ba nam một nữ, đều là người tuổi trẻ khỏe mạnh, xác đã lạnh nhưng chưa có dấu hiệu thối rữa, chắc hẳn mới chết chưa lâu.

– Nông dân bình thường.

Lý Thịnh lật tay chân một thi thể lên xem, lập tức ồ lên một tiếng khó hiểu:

– Vết thương do kiếm, một kiếm đứt cổ…

Lý Nghiên hỏi:

– Ai thế, giết mấy nông dân làm gì, họ gặp sơn phỉ cướp bóc sao?

– Chắc không phải.

Chu Phỉ nói:

– Trên người mấy người này có không ít vết thương nhẹ, không biết đã đi được bao xa, vả lại trước khi bị giết họ đã giấu kỹ đứa trẻ trong sọt, e là bị truy sát.

Nói rồi nàng cau mày. Giang hồ báo thù không hiếm thấy, nhưng mấy thi thể này rõ ràng tay thô chân thô, mặt mày xanh xao, cơ bắp phân tán, vết chai lòng bàn tay phân bố cũng không giống người từng luyện võ, rõ ràng chỉ là dân chúng bình thường.

Lý Nghiên nói:

– Giang Lăng hiện nay là địa giới Nam triều chúng ta, quan phủ chắc có người quản chứ?

Lý Thịnh lắc đầu, nói:

– Bên này gần tiền tuyến, tranh chấp dữ lắm, nay họ Nam, mai họ Bắc, triều đình sẽ không phái quan chức chính thức qua nhanh vậy đâu, đều là người trong quân tạm thay chức thái thú thôi, một khi có căng thẳng là họ sẽ chạy theo quân ngay, nghe theo điều động, chưa chắc có tâm tư lo quản việc dân sinh…

Lời hắn chưa dứt, Chu Phỉ bên cạnh đột nhiên rút đao, một chuỗi tên như sao băng vút qua không khí lao tới!

“Keng”, tiếng sắt lạnh va nhau!

Trên đảo bí mật Bồng Lai, Lưu Hữu Lương dọn sạch tàn nhang, bao cổ tay sắt không cẩn thận va phải hương án, làm lệch cái lò nhỏ, ông vội đỡ cho ngay lại, lau lớp mồ hôi toát ra trên trán do nóng, cẩn thận quay đầu nhìn người vẫn luôn hôn mê bất tỉnh.

Lại vừa vặn đối diện một đôi mắt trong trẻo.

Lưu Hữu Lương giật mình, lập tức phản ứng lại, tiến lên một bước quỳ xuống:

– Điện hạ!

Tạ Doãn không có sức đáp lời, chỉ chớp mắt với ông, nhưng ánh mắt mang theo ý cười.

Lưu Hữu Lương nhanh chóng hoàn hồn, vái Tạ Doãn một vái rồi đứng dậy nhanh chân bỏ chạy, kêu to:

– Đại sư, đại sư!

Trên hòn đảo nhỏ thưa thớt bóng người bỗng dưng nhốn nháo hỗn loạn, thầy đồ Lâm “a ơ” một tiếng nhảy lên, Trần Tuấn Phu sốt sắng quăng lưới đánh cá lại, chỉ có Đồng Minh lão hòa thượng là như sớm có dự liệu, bưng một bát nước thuốc đen sì, thong thả đi tới nói:

– Ta đoán cũng tới lúc con tỉnh rồi.

Tạ Doãn nằm rất lâu, nhất thời không có sức, để lão hòa thượng dùng tay đút uống hết bát nước thuốc, ba ông lão ăn ý chia nhau bấm đỉnh đầu và cánh tay hắn, dùng nội lực đánh vào Thiếu Dương Tam Tiêu (1). Chỉ trong chốc lát, đỉnh đầu Tạ Doãn liền có khí trắng bốc lên, gương mặt vốn trắng bệch hiện ra chút sắc máu, ước chừng trong thời gian ngắn, người tuy còn yếu nhưng đã có sức nói chuyện.

(1) Thiếu Dương Tam Tiêu: 23 huyệt, từ ngón tay đeo nhẫn dọc bờ (phía ngón út) mu ngón tay lên kẽ ngón út và đeo nhẫn dọc mu tay (giữa 2 xương bàn tay 4 và 5) lên cổ tay đi giữa hai xương (quay và trụ) qua mỏm khuỷu dọc mặt sau ngoài cánh tay lên vai bắt chéo ra sau kinh Thiếu dương đởm, qua vai (Kiên tỉnh) vào hố trên đòn (Khuyết bồn) xuống giữa hai vú (Đản trung), liên lạc với Tâm bào, qua cơ hoành, từ ngực xuống bụng (thuộc về Thượng tiêu, Trung tiêu, Hạ tiêu).

Lưu Hữu Lương cung kính ở bên cạnh hộ pháp, thấy Tạ Doãn hắng hắng giọng, thều thào:

– Đa tạ sư phụ và hai vị sư thúc.

Nói rồi, ánh mắt hắn lướt qua trong động, thấy dưới dạ minh châu bên cạnh treo một tấm da mềm, trên da là một đống nét mực vẽ lung ta lung tung thành một cái mặt quỷ.

Thầy đồ Lâm cười nói:

– Ha ha, cái đó là bản dập (2) từ trên mặt con xuống đấy, tiểu nương tử kia của con đúng là chẳng ra sao! Quá nghịch ngợm, cái khác cũng thôi, trên trán vẽ cho con chữ “vương”, phía dưới trái phải vẽ hai cọng râu dê, đó chẳng phải là “vương bát” (3) sao?

(2) Bản dập: bản sao nguyên khổ hình một vật hoặc môtip chạm khắc hay đắp nổi, chủ yếu nhằm truyền đạt tác phẩm nổi như bia, phù điêu, tiền kim loại…

          (3) Vương (王), bát (八), vương bát: từ chửi.

Tạ Doãn rùng mình đưa tay sờ mặt, mỉm cười nói với thầy đồ Lâm:

– Sư thúc dạy phải, lần sau con nhất định sẽ viết thư truyền đạt lại cho nàng ạ.

Thầy đồ Lâm:

– …

Lúc này, Đồng Minh ở bên cạnh ho khan một tiếng, ngắt ngang lời đùa giỡn của mọi người.

Tạ Doãn:

– Sư phụ.

Đồng Minh đặt bát thuốc sang một bên, trầm giọng:

– “Tam vị thang” con đã uống tới vị thứ hai, thêm một lần nữa, lão nạp cũng bó tay hết cách.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi