KIM NGỌC KỲ NGOẠI

Biên tập: Ginny.

Lục Tử Diên bị Lục Lẫm đè xuống giường cắn hôn một hồi, trong lòng cuối cùng cũng hơi thỏa mãn, kỹ thuật hôn của cữu cữu mình coi như cũng tạm, còn cái khác… thôi, hắn đã không còn ôm bất kỳ kỳ vọng gì nữa.

Sau khi hôn đủ, Lục Lẫm ôm thiếu niên đầu váng mắt hoa ngồi xuống cạnh bàn, thong thả đút thiếu niên dùng bữa.

Nhiều năm chung đụng, giữa hai người đã sinh ra một loại ăn ý vô cùng đặc biệt.

Lục Lẫm xoa má thiếu niên: “Diên nhi, sau này gặp phải nguy hiểm cũng đừng sợ, cữu cữu sẽ đến cứu ngươi.”

Lục Tử Diên nhíu mày: “Giả sử cữu cữu tới cũng gặp nguy luôn thì sao?”

Lục Lẫm cười đáp: “Núi đao biển lửa, cữu cữu vẫn đến.”

Lục Tử Diên lắc đầu: “Nếu ngươi chết trước mặt ta, ta sẽ hận ngươi tới chết.”

Lục Lẫm trầm mặc một lúc, đoạn, múc một muỗng canh đưa đến môi thiếu niên, nói: “Cữu cữu lớn hơn Diên nhi mười tuổi, rồi sẽ có ngày đi trước Diên nhi một bước thôi.”

Lục Tử Diên nhíu mày, hắn không thích nghe Lục Lẫm nói mấy lời như vậy.

Hắn nổi tính thiếu gia, nghiêm mặt đe dọa: “Vậy cũng không được, ta rất giận.”

Lục Lẫm chỉ đành hết cách với đứa trẻ này. Trên thực tế đó cũng là chuyện mà y luôn canh cánh bấy lâu, nếu như có một ngày y rời nhân thế trước, vậy ai sẽ đến che chở bảo bối trong tay y đây?

Tuổi tác giữa bọn họ chênh lệch nhau nhiều như vậy, y rồi sẽ già trước đứa trẻ này thôi.

Lục Tử Diên nhấc tay xoa lên mi tâm giăng đầy ưu sầu của Lục Lẫm, cười nói: “Cữu cữu đừng lo, từ bé đến giờ là cữu cữu muỗng cháo muỗng cơm nuôi ta khôn lớn, ngày cữu cữu già đi, Diên nhi cũng sẽ hết lòng chăm sóc cữu cữu. Khi ánh mắt cữu cữu không còn tinh nữa, tay chân đi đứng không còn linh hoạt nữa, Diên nhi sẽ ở bên cữu cữu, đọc hí văn cho cữu cữu nghe, ta còn biết hát nữa đó.”

Thuở xưa hồng tía đua chen

Giờ sao cảnh đã tan hoang thế này

Ngày xuân sắc thắm còn đây

Nhà ai rộn rã chuyện vui sum vầy?

Sương giăng sớm, chiều thay mây

Mưa che tranh cũ, khói vây ảnh thuyền

Tuổi xuân thiếp giấu trong hiên.

Ngẩn nhìn xuân sắc trôi nghiêng qua đời.

Lục Lẫm vươn tay cản lại lan hoa chỉ của Lục Tử Diên, dùng môi mình chặn lại môi hắn, mấy câu hát hoài xuân của thiếu nữ trong miệng Lục Tử Diên đều bị y nuốt hết.

Mấy ngày nay Diệp Trọng Cẩm ngủ không an giấc, cả ba bữa cũng không ăn đủ, khác thường đến độ Hạ Hà và mấy nha hoàn trong viện đều căng thẳng.

Y đang rất phiền muộn.

Thứ nhất, khí trời khô nóng khiến con người ta cực độ khó chịu, thứ hai, những gì hôm ấy Cố Sâm nói khiến y vô cùng bất an, mà chết tiệt một nỗi là ẩn sâu trong nỗi bất an ấy lại tồn tại sự trông đợi mà y không muốn thừa nhận.

Mỗi khi buồn bực Diệp Trọng Cẩm thích leo lên Quan Tinh Đài nghiên cứu mớ điển tịch mà Không Trần đại sư cho, nằm dựa vào người Đại Miêu, thuận tay lật một quyển sách ra xem, xem một hồi rồi bị cuốn vào nội dung sách lúc nào không hay, đến khi ngẩng đầu nhìn qua viện tử của mình, lòng y bất ngờ giật thót một cái.

Lúc trước cho người kiến thiết nơi này y chưa từng để ý, giờ nhìn lại mới nhận ra, phong thủy trong viện mình tốt hơn y tưởng, chưa bàn tới ngũ hành tương sinh có hợp lý hay không, chỉ riêng dựng dục sinh cơ, chiếu theo tiên thiên bát quái, thượng vi khôn, hạ vi khảm, thủy sinh mộc, âm dương tương hợp, đây không phải là sinh sôi không ngừng ư?

Bất kể thế nào, nơi này quả là bảo địa phúc khí sung mãn.

Hạ Hà và Thu Tử phụng lệnh An Thị mang canh đến cho y, nhỏ nhẹ khuyên nhủ: “Chủ tử, dù ăn không vô thì tốt xấu gì cũng ráng uống chút canh đi, đừng để thân thể mình khô héo mãi như vậy.”

Tâm tình Diệp Trọng Cẩm lúc này khá tốt, nhận canh uống một mạch.

Thu Tử bỗng nói: “Chủ tử, nô tỳ chợt nhớ gần đây có một chuyện lạ. Cái ao sen trong viện chúng ta ấy, sau khi sửa sang lại viện tử, mấy rễ sen đều đã được dọn sạch cả rồi, ấy vậy mà mùa hạ năm nay giữa ao lại trồi lên một gốc sen, còn là một gốc sen tịnh đế, nở đẹp vô cùng.”

Diệp Trọng Cẩm vừa nuốt một ít canh, bỗng chốc sững người.

Thu Tử lại kể: “Nghe các cụ nói, sen tịnh đế là vật đại biểu cho phúc khí, vì thế đến nay chưa ai dám đụng vào.”

Hạ Hà cũng cười cười góp chuyện: “Nói không chừng là mầm sen trước kia lẫn đâu trong bùn đất, năm nay được dịp khí hậu thuận lòng nên bén rể nảy mầm chăng.”

Diệp Trọng Cẩm đặt chén canh xuống, đi hài vào chân, đứng dậy nói: “Đi, chúng ta đến xem thử.”

Đại Miêu ư ử một tiếng, nhích tới cọ cọ vào chân y, Diệp Trọng Cẩm xoa đầu Đại Miêu rồi leo lên lưng nó, để Đại Miêu cõng đến ao nước mà Thu Tử vừa đề cập.

Ao hồ trong phủ vẫn được người trông nom dọn dẹp sạch sẽ, nước trong có thể thấy đáy, mấy con cá chép đỏ bơi qua bơi lại dưới ao, mà ở góc ao bên kia lại sừng sững trồi lên một gốc tịnh đế liên duyên dáng, cánh hoa trắng e ấp khép lại, trông như một mỹ nhân e lệ thẹn thùng đang rảo bước dạo chơi trên phiến lá sen xanh biếc.

Thảo nào hạ nhân không muốn thanh lý gốc sen này, làm gì có ai nhẫn tâm thương tổn một gốc sen đẹp đẽ như vậy.

Diệp Trọng Cẩm ngồi xổm bên bờ, chống cằm đánh giá gốc tịnh đế liên kia một lúc thật lâu, mãi sau mới bật cười hạ lệnh: “Chăm sóc nó cho tốt.”

Thu Tử và Hạ Hà liên tục vâng dạ.

Nháy mắt đã gần cuối tháng bảy, khí trời bắt đầu trở mình se lạnh, báo hiệu tuổi mười lăm của nhị thiếu gia tướng phủ sắp đến rồi.

Sáng sớm tinh mơ, hương hoa cỏ bên ngoài song cửa đua nhau phiêu đãng vào phòng, gió nhẹ hiu hiu phất qua, nhấc lên màn sa liêm lục sắc ở trước giường, thiếu niên trên giường vẫn còn say ngủ, vạt áo lộn xộn thấp thoáng bóng dáng xương quai xanh trêu chọc tương tư.

Diệp Trọng Cẩm khoai thai tỉnh mộng, ngồi dậy đánh một cái ngáp, mái tóc đen như mực xỏa tung sau vai tôn lên làn da trắng nõn, mặt mày nhuộm sắc đào hoa.

Ngoài cửa vọng lại tiếng xì xào của hạ nhân trong viện, kế đó là giọng cố hạ xuống thật nhỏ của Hạ Hà, dường như đang răn dạy bọn họ.

Khóe môi Diệp Trọng Cẩm cong lên, nói vọng ra: “Mấy người bên ngoài đang bàn tán gì đó? Vào đây hết cho ta, kể cho bản chủ tử ta nghe với.”

Mấy nha hoàn bên ngoài nghe vậy lập tức tiến vào, trộm ngắm sắc diện thiếu niên trên giường, các nàng không hẹn cùng đỏ mặt.

Vạt áo mỏng rộng quá khổ phủ lên thân thể duyên dáng, thiếu niên mười bốn và mười lăm tuổi dẫu sao cũng có chút bất đồng, khuôn mặt đã vơi đi ít nhiều non nớt, thay vào đó đã tăng thêm vài phần tuấn duật.

Thấy các nàng im như thóc, Diệp Trọng Cẩm lại hỏi: “Rốt cuộc là có chuyện hay ho gì vậy, ta không thể nghe sao?”

Hạ Hà lúc này tiến lên, cúi người trước y, cười nói: “Chủ tử, vài lời đồn nhạt nhẽo ấy mà, chủ tử để ý làm chi, hôm nay là sinh thần chủ tử, chủ tử phải thật vui vẻ mới may mắn.”

Nhìn điệu bộ giấu giếm của Hạ Hà, Diệp Trọng Cẩm càng tò mò, y nhìn sang Thu Tử: “Thu Tử tỷ tỷ, tỷ nói xem.”

Thu Tử là người thẳng thắn, xưa nay không biết lắc léo là gì, nghe chủ tử hỏi, nàng nhẹ nhàng đáp: “Chủ tử, mấy hôm trước có một sao chổi giáng xuống kinh giao, chuyện này không biết chủ tử đã nghe chưa?”

Sao chổi hay còn gọi là sao băng, là trường tinh đến từ ngoài bầu trời, Cửu Châu Trung Nguyên coi đây là điềm lành, ngoài ra còn có lời giải thích đây là điềm báo hiệu họa phúc. Vì vậy mỗi khi có sao rơi, triều đình đều điều động trọng binh canh gác, không cho phép bách tính đến gần.

“Ngươi nói là cái khối đá trên Long Chỉ Sơn kia ấy hả?”

Nghe nói nửa đêm có một khối đá từ đâu rơi xuống đỉnh Long Chỉ Sơn, dẫn tới hỏa hoạn, thiêu trụi gần nửa sơn lâm.

Thu Tử gật đầu: “Chính là khối đá đó, vốn triều đình đã phái người canh gác, đêm qua bỗng dưng lại có sấm sét giáng xuống, hơn nữa còn giáng ngay khối đá đó, bổ hẳn nó ra, Lôi Đình tướng quân dẫn người đến tra xét, không ngờ lại phát hiện một tấm bia đá bên trong, trên bia đá còn có chữ khắc.”

“Bia đá?”

Diệp Trọng Cẩm nhíu mày, y sao không nhớ được trên khối đá đó có khắc nhiều văn tự, đời trước, rõ ràng là được tìm thấy ở hoàng lăng, rồi cứ thế được đặt làm bạn với liệt tổ liệt tông Cố Thị.

Ngay sau đó, Diệp Trọng Cẩm ngớ ra: “Các ngươi ấp úng như vậy, lẽ nào… chữ trên bia đá có liên quan đến ta?”

Mặt Thu Tử bỗng đỏ lên, lắp bắp: “Chủ tử, nó nào phải một tấm bia đá thông thường, rõ là một đạo thánh chỉ còn gì.”

Diệp Trọng Cẩm càng nghe càng mù tịt: “Không phải nói là bia văn sao, sao giờ lại thành thánh chỉ rồi, Hạ Hà tỷ tỷ, tới phiên tỷ.”

Hạ Hà thấy không thể trốn được nữa, chỉ có thể ăn ngay nói thật, kể lại mọi chuyện.

“Khi chủ tử còn trong bụng phu nhân, tiên hoàng không phải đã từng hạ một thánh chỉ, ban chủ tử làm chính phi của thái tử ư? Chủ tử ra đời là một nam hài, hôn ước hiển nhiên không còn hiệu lực. Ai mà ngờ, đêm qua đào tấm bia văn kia ra, nội dung trên đó lại y hệt thánh chỉ năm xưa, trên mặt bia còn đóng cả tỷ ấn của tiên đế nữa.”

Có nha hoàn nóng đầu chen miệng: “Không chỉ vậy thôi đâu, nô tỳ còn nghe người ta nói, mặt trái tấm bia khắc hẳn ngày sinh tháng đẻ của chủ tử nữa cơ.”

Thu Tử nói: “Chủ tử, bây giờ bên ngoài đồn ầm lên, nói đây là trời ban lương duyên, chủ tử nhất định phải gả vào hoàng thất, còn nói rằng tiên đế hiển linh tứ hôn, lời đồn càng lúc càng huyễn hoặc.”

Diệp Trọng Cẩm xoa xoa mi tâm, mới sáng sớm, thật chẳng để cho người ta yên ổn miếng nào.

“Thôi, ta thay y phục trước đã.”

Vì là sinh thần mười lăm tuổi, An Thị đã chuẩn bị sẵn tiền mừng để thưởng cho hạ nhân, Diệp Trọng Cẩm cho người phân phát, hạ nhân trong viện vừa nhận hồng bao vừa vui vẻ chúc một câu cát tường, lòng hiếu kỳ gì đều nuốt trở lại, chẳng qua ánh mắt khi nhìn y đã không còn giống với thuở xưa.

Dường như là… kính sợ?

Diệp Trọng Cẩm đổi một bộ cẩm sam xanh ngọc thêu vân văn như ý, chân đi hài thêu chỉ vàng, hông đính thắt lưng màu bạch ngọc, Hạ Hà giúp y chải lại mái tóc rối tung ban sáng, dùng ngọc trâm cố định búi tóc, phần tóc còn lại thả xuống đầu vai, tư thái trông càng phong lưu phóng khoáng, mày thanh mắt sáng, đã có phần nào phong phạm cao quý thanh nhã của người nhà họ Diệp.

Diệp Trọng Cẩm nhìn ảnh của mình trong gương đồng, khóe môi chậm chạp nhấc lên, tiệc sinh thần hôm nay e là không thể ăn ngon được rồi.

Quả nhiên, chân chưa bước hẳn vào tiền thính đã nghe lão gia tử vỗ mạnh xuống mặt bàn, giọng xem chừng giận lắm: “Cháu ngoan của lão phu đang yên đang lành sao lại thành con dâu của hoàng tộc được, thiên tứ lương duyên cái gì, chỉ giỏi ăn nói hàm hồ!”

Diệp Nham Bách vội vã trấn an: “Phụ thân, cha đừng tức giận hại thân, việc này rõ ràng là bẫy rập của hoàng đế, chúng ta phải cẩn thận bàn bạc lại cho kỹ.”

An Thị đã khóc đến đỏ mắt, nghẹn ngào nói: “Bẫy của hoàng đế cũng được, trời ban lương duyên cũng không sao hết, quan trọng là lòng của A Cẩm nhà chúng ta đã hướng về hoàng đế, chúng ta còn bàn bạc cái gì nữa, chỉ uổng công thôi.”

“Phu nhân, nàng đừng nói trước mấy lời không may như thế…”

An Thị khóc nấc: “Tâm can bảo bối của thiếp, ngàn vạn gian nan nuôi lớn từng ngày, thân thể lại yếu ớt, sao có thể đưa vào cái nơi ăn thịt người như hoàng cung kia… Ôi, A Cẩm số khổ của thiếp…”

Diệp Trọng Cẩm đờ người trước cửa hồi lâu, lòng vừa áy náy vừa ấm áp lạ kỳ.

Đời trước y bị người nhà bán vào hoàng cung, đời này mỗi một người trong nhà đều lo nghĩ cho y, y sao mà không động lòng cho được.

Vừa ngước mắt nhìn lên, Diệp Trọng Huy đã đứng ở hành lang lặng lẽ nhìn y.

“Ca ca.” Y gọi.

Diệp Trọng Huy bước lại gần, hai mắt vẫn nhìn thẳng vào mắt Diệp Trọng Cẩm, nhẹ giọng hỏi: “A Cẩm có vui không?”

Diệp Trọng Cẩm ngẩn ra, sau đó gật đầu, rồi không hiểu sao lại lắc đầu.

Có thể đường đường chính chính trở lại bên cạnh Cố Sâm y đương nhiên rất vui, nhưng phải rời xa Diệp gia, y lại không nỡ.

Diệp Trọng Huy xoa nắn hai má y, thấy sắc mặt đệ đệ lướt qua âu sầu ảo não, hắn mỉm cười: “Nếu A Cẩm thấy vui, vậy rất đáng giá.”

Dù sao, chữ trên bia đá đó cũng là từ tay hắn khắc ra.

===========

Ht chương 100.

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi