KIM SƠN HỒ ĐIỆP

Bữa trưa được giải quyết tại một nhà ăn gần ga tàu ở trung tâm thành phố. Nhà ăn bán các món gà rán và chân gà rán, tủ đông đặt ở cửa có b*n n**c ngọt ướp lạnh. Đây là nơi yên tĩnh trong náo nhiệt, ga tàu người đến kẻ đi, nhưng chẳng mấy ai muốn đến một quán ăn đầy dầu mỡ dưới cái nắng gay gắt cả.

Dù cuốn sổ tay du lịch kia luôn nói “bờ Tây bắt đầu từ Kansas”, nhưng buổi trưa ở Missouri vào đầu tháng 10 vẫn nóng một cách bất thường, theo lời ông chủ quán bán đồ ăn nhanh thì thời tiết thế này được gọi là “mùa hè Ấn Độ”*. Gần đó không xa có một trường học, người đến quán ăn toàn là học sinh mười sáu mười bảy tuổi, mặc đồng phục thể thao tay ngắn màu lam nhạt, hoặc là quần tây với váy ca-rô. Hôm nay ra ngoài, Hoài Chân mặc áo thun tay ngắn màu xanh xám của Ceasar, không dắt áo vào lưng quần như mấy típ ghi trong tạp chí thời trang, cho nên nhìn cũng bằng tuổi hoặc là trẻ hơn các học sinh đó, lúc vào cửa bọn họ còn tưởng cô là học sinh khóa dưới, thậm chí có người mỉm cười chào “hi” với cô.

(*Indian summer: Cụm từ chỉ thu muộn, khoảng thời gian nóng cuối thu.)

Nhà ăn có dịch vụ đưa thức ăn tận nơi, điện thoại nghe đặt hàng lắp ở ngoài phòng rửa tay, thế là trước khi bọn học sinh kia đến, lúc Ceasar đang chọn món, Hoài Chân mượn điện thoại gọi về San Francisco, Vân Hà nghe máy.

Hoài Chân nói mọi chuyện rất suôn sẻ, khoảng ba bốn ngày nữa là có thể đến bờ Đông. Rồi lại hỏi dì Quý và A Phúc, Vân Hà nói gần đây trong tiệm bận nhiều việc vì đang bàn chuyện kinh doanh với người Ý.

Cô bèn hỏi tình hình gần đây của Vân Hà.

Vân Hà bảo, cô cũng chỉ yêu thôi, đâu phải nghiêm túc muốn kết hôn. Hễ bọn họ cãi nhau, La Văn và A Phúc luôn thúc giục cô về nước xem mặt.

Hoài Chân vui vẻ.

Vân Hà nói em nghĩ thế nào.

Sau lần Vân Hà và Hayakawa cãi nhau đợt trước, Hoài Chân đã bắt đầu lo lắng: đến sang năm rồi năm năm sau đó lại có mối hận dân tộc sâu sắc hơn. Tám năm sau đó nữa, toàn bộ người Nhật tại San Francisco đều được đưa vào trại tập trung —— nếu hai người họ muốn tiếp tục thì không biết sẽ phải khổ sở tới đâu.*

(*Các mốc thời gian tác giả nhắc tới là 1932: hoàng đế Phổ Nghi trở thành Quốc trưởng của nhà nước bù nhìn Mãn Châu Quốc của Nhật Bản (lúc này đang diễn ra sự kiện Mãn Châu); 1937: chiến tranh Trung-Nhật bắt đầu bởi sự kiện Lư Câu Kiều; 1945: Nhật đầu hàng quân Đồng Minh vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai.)

Hoài Chân nghĩ ngợi rồi nói, thật ra đi học cũng tốt, làm chuyện mình thích, đợi tám năm mười năm nữa rồi nói đến chuyện cưới gả cũng không muộn.

Vân Hà bảo, em cũng nói thế, vậy đợi tối cha mẹ về chị sẽ nói rõ với họ: chưa đến ba mươi chị sẽ không lấy chồng, chị muốn làm một người phụ nữ độc lập. Nếu bọn họ phản đối thì chị sẽ bảo là em gái cũng nói như vậy. Ngày mai đi gặp Hayakawa, chị cũng sẽ nói với cậu ấy như thế.

Hoài Chân bảo, hầy, chị đừng kéo em vào chứ.

Vân Hà cười hì hì.

Hai người lại nói mấy chuyện vụn vặt khác, trong đó bao gồm cả chuyện hướng đi của hai mươi mấy “đồng tiền” kia.

Vân Hà hỏi cô dùng mấy bao, cô đáp chỉ một.

Cô ấy nói anh chàng kai đúng là kém cỏi.

Hoài Chân nói, cái đó bị hỏng luôn.

Vân Hà ngơ ngác, nói hai người dùng nó làm găng tay hay sao mà trâu bò vậy?

Hoài Chân cười đau ruột, cảm thấy không thể giải thích ngay được, đành lấp liếm cho qua.

Lúc sắp cúp máy, Hoài Chân đọc số tài khoản của mình ở Wells Fargo cho Vân Hà biết, nói với cô ấy nếu trong nhà định làm ăn với người Ý, tiền không đủ thì có thể rút tiền trong tài khoản của cô, có lẽ cũng có thể bù vào chi phí tiêu xài.

Vân Hà nói thế là đủ rồi, gần đây trong nhà dư dả, cha mẹ còn muốn đến Wells Fargo mở tài khoản cho em nữa kìa.

Mấy cô cậu học sinh kia ồn ào đi vào, Hoài Chân bèn cúp máy. Trong lúc ăn hamburger và uống nước giải khát với Ceasar, toán học sinh đó phải nhanh chóng quay về để kịp giờ học, thế là lại ồn ào cầm nước uống rời đi.

Đã qua giờ cao điểm dùng cơm, Ceasar dựa theo số điện thoại được Hoài Chân viết theo thứ tự ưu tiên để gọi điện đặt phòng. Khách sạn gọi đầu tiên là khách sạn ven bờ sông Mississippi, cách xa thành phố, rất nhiệt tình với tài xế chạy đường dài thích yên tĩnh và người gốc châu Á, một căn phòng ba đô la cũng vô cùng hợp lý, khuyết điểm duy nhất có thể là độ tuổi của khách sạn.

Vì để đảm bảo ổn thỏa không có bất trắc gì, Ceasar lặp lại hai lần về dân tộc của mỗi người trong điện thoại.

Đầu dây luôn cho câu trả lời khẳng định.

Khi Ceasar hỏi từ chỗ bọn họ đi xe đến khách sạn mất bao lâu, Hoài Chân đột nhiên nhận ra, thành phố bọn họ đang ở bây giờ tên là Columbia. Nước Mỹ và Canada đều có vô số thành phố tên là Columbia, thành phố nhỏ này cũng chỉ là một trong số đó, cũng không có ý nghĩa gì đặc biệt. Nhưng khi đột nhiên nghe thấy cái tên này, cô vẫn khá ngạc nhiên.

Trước lúc đó, cô chưa bao giờ suy đoán hoài nghi mục tiêu trên đoạn đường này của bọn họ sẽ là đâu, bởi vì cô luôn cảm thấy Columbia mà Ceasar nói chính là đại học Columbia ở tiểu bang New York.

Cô chưa bao giờ nghiêm túc suy nghĩ, sau khi đến điểm đích trong lộ trình, cô và Ceasar còn có thể đi đến đâu được nữa. Cô quý Ceasar, cũng tôn trọng cảm giác của mình. Đương nhiên cô hy vọng mình có thể ở bên anh lâu hơn, cho dù có một hôm hai người phải mỗi người một ngả, thì chí ít một ngày nào đó trong tương lai khi nhớ lại, sẽ không vì thế mà cảm thấy nuối tiếc hay hối hận.

Nhưng từ trong chớp mắt ấy trở đi, cô có một suy đoán kỳ quái.

Rời khỏi quán ăn quay vào trong xe, Hoài Chân hỏi anh, “Chúng ta đang đến bang New York đúng không?”

Ceasar nhìn cô, “Nếu không thì sao? Em muốn đến nước Cộng hòa Columbia với anh à?”

Cô ngẩn ngơ nhìn ra ngoài cửa sổ.

Một lúc sau, cô nghe Ceasar nói khẽ, “Em nghĩ đến gì sao?”

Cô lắc đầu.

Ceasar không nói nữa.

Cô nhớ có một hôm anh đã nói mình từng muốn làm nhà thơ, nhưng thậm chí anh còn không được phép rời khỏi Mỹ học đại học, bởi vì bất luận anh muốn trở thành gì, cuối cùng cũng phải thành thương nhân.

Anh đến bờ Tây, bởi vì nơi đó là cái nôi của chính trị gia vĩ đại, quân nhân và thương nhân, trong năm tốt nghiệp, một lần nữa anh nhận được cơ hội trở thành quân nhân, đi theo cảnh sát liên bang và nghị sĩ đảng Cộng hòa đến Hương Cảng, từ nơi đó lấy được bằng chứng người Hoa nhập cảnh trái phép nhằm ủng hộ đảng Cộng hòa đoạt lại California, rồi mới nhận được cơ hội cho vận mệnh tương lai, song anh đã thất bại.

Có lẽ cuộc chạy trốn lần này không phải là kích động nhất thời, mà là anh đang vật lộn với số mệnh của mình một lần nữa. Có lẽ ước mơ của đại đa số mọi người đều là được tôn quý giàu có như Muhlenberg, trời sinh giàu có tự nhiên an nhàn, đồng thời cũng bào mòn đi hết thảy mọi lý tưởng.

Hoài Chân nói, “Em từng cảm thấy anh thích hợp sinh ra trong một gia đình trung lưu hơn.”

Ceasar nói, “Gia đình trung lưu bồi dưỡng đời sau, hy vọng có một ngày hậu bối có thể trở thành Hammer Muhlenberg.”

Có lẽ Hammer chính là Muhlenberg đời đầu tay trắng lập nghiệp.

Cô nhắc nhở anh, “But now you’re a nobody.”

Ceasar thản nhiên mỉm cười, “Ừ, anh không biết mình là ai cả.”

Nhất thời Hoài Chân không biết nên nói gì để an ủi anh, dù thật ra anh cũng không cần an ủi.

Cô ôm đầu gối, xoay mặt ra ngoài cửa kính, nhìn địa khu trung bộ điển hình đâu cũng như đâu, và cả bình nguyên cây lá xanh ngắt bao la rộng mở. Mặc dù có chút khó chịu, nhưng suy nghĩ kỹ, cô vẫn nghiêm túc nói, “Em không quan tâm anh là ai, em chỉ hy vọng anh trở thành người anh muốn trở thành nhất.”

Bình luận

Truyện đang đọc

Báo lỗi